Phác thảo chân dung doanh nhân

10:28 SA @ Thứ Năm - 13 Tháng Mười, 2016

Hỏi: Chúng tôi được biết ông là Chủ tịch Tổng giám đốc của Invest Consult Group, một công ty tư vấn có tên tuổi và đồng thời cũng là một nhà nghiên. Hôm nay, chúng tôi muốn được trao đổi với ông về vấn đề Doanh nhân với mục tiêu xây dựng chân dung về các doanh nhân Việt Nam.

Trả lời: Xã hội chúng ta đang chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp trở thành một nền kinh tế có chất lượng thị trường. Các đường nét để có thể vẽ ra chân dung của các doanh nhân Việt Nam cũng mới hình thành, bởi vì suy ra cho cùng doanh nhân là những phần tử của bức tranh lớn hơn, đó là bức tranh kinh tế. Doanh nhân là những người lính trên trận địa kinh tế. Nền kinh tế của chúng ta mới là một nền kinh tế đang được phác thảo một cách mò mẫm, cho nên, chân dung của các nhà kinh doanh cũng mới chỉ là những phác thảo mà đôi chỗ còn thể hiện sự vội vã. Báo Tiền Phong là tờ báo của thanh niên cho, nên, sự phác thảo bất kỳ chân dung nào của báo Tiền phong đều có giá trị hướng dẫn đối với thế hệ trẻ của chúng ta. Chính vì vậy việc tô vẽ chân dung các doanh nhân Việt Nam trong trạng thái nó mới chỉ là phác thảo cần phải rất thận trọng, nếu không chúng ta sẽ hướng dẫn sai thế hệ trẻ. Tôi cho rằng, thay vì phác thảo ra một chân dung cụ thể, chúng ta hãy bàn luận với nhau thế nào là những nét cơ bản để tạo ra chân dung của một nhà kinh doanh và rộng hơn là thế nào là những nét cơ bản để phác thảo ra một nền kinh tế.

Trước hết, chúng ta cùng phân tích các đường nét cơ bản mà nhân loại vốn có để định danh, để phác thảo một cách tương đối tiêu chuẩn về các đối tượng được gọi là doanh nhân.

Có một thời kỳ rất dài, xã hội chúng ta coi thường doanh nhân, chỉ cho đến khi chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường thì chúng ta mới phát hiện ra giá trị xã hội hay đóng góp xã hội của doanh nhân. Đảng và Chính phủ có lẽ muốn khắc phục những sai lầm về mặt nhận thức đối với giới doanh nhân trong quá khứ nên đã cho họ truy lĩnh nhiều giá trị, nhiều lời khen mà trên thực tế họ chưa đáng có và thực ra cũng chưa nên có. Hình ảnh của doanh nhân Việt Nam sẽ hình thành và rõ nét dần cùng với hình ảnh nền kinh tế Việt Nam, cho nên chúng ta cùng xây dựng các đường nét phác thảo chứ không nên vẽ các ví dụ cụ thể để cố định hóa nhận thức của thế hệ trẻ về giới doanh nhân. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì có đến 70-80% các doanh nhân Việt Nam vẫn kiếm lợi dựa vào việc khai thác các mặt hạn chế của thể chế của chúng ta về kinh tế. Những kinh nghiệm mà những người rất thành đạt có chỉ là nhũng chủng loại rất hạn chế, trong đó phổ biến nhất là tận dụng các sơ hở của thể chế. Tận dụng sơ hở của thể chế không phải là một việc xấu, vì ở mọi nơi trên thế giới con người sinh ra đều tận dụng những sơ hở của thể chế nhưng ở xã hội chúng ta nó vô tình có những ý nghĩa xấu. Chúng ta chưa có được một thể chế tiêu chuẩn, do vậy mật độ những hành động lợi dụng thể chế là rất rộng. Thế hệ trẻ có thể quan sát thấy trên thực tế những mặt trái như vậy, và nên chúng ta tô vẽ hình ảnh của các doanh nhân Việt Nam mâu thuẫn với những hành động diễn ra hàng ngày của họ thì thế hệ trẻ sẽ không tin vào mô tả của chúng ta nữa. Vì thế chúng ta phải rất thận trọng.

Một vấn đề nữa là nền kinh tế của chúng ta không chuyên nghiệp và hành vi cơ bản của giới doanh nhân Việt Nam cũng không chuyên nghiệp. Ví dụ không có công ty nào được kiểm toán một cách minh bạch không có công ty nào thể hiện mối quan hệ giữa người lao động và người chủ xí nghiệp một cách rành mạch. Thỉnh thoảng có những đối tượng làm tốt nhưng không phải tất cả đều làm tốt. Giới doanh nghiệp quan hệ với giới cầm quyền đôi lúc cũng không minh bạch, nhất là trong điều kiện hiện nay. Những việc ấy diễn ra hàng ngày ngoài đường và giới trẻ có thể quan sát được, cho nên nếu chúng ta mô tả các doanh nhân một cách quá đẹp, quá lý tưởng thì sẽ mâu thuẫn với thực tế hành động của họ, và việc đó sẽ tạo ra sự mất lòng tin đối với một tờ báo có một truyền thống lâu dài và có uy tín xã hội lớn như báo Tiền phong.

Hỏi: Vậy xin ông cho biết đôi nét về đội ngũ doanh nhâh Việt Nam hiện nay?

Trả lời: Doanh nhân là một lực lượng xã hội góp phần tạo ra các giá trị gia tăng của xã hội, bởi vì, bản chất của hoạt động kinh tế là tạo ra giá trị gia tăng. Xã hội bỏ ra một đồng vốn thông qua doanh nhân để tạo ra một đồng rưỡi, cho nên, doanh nhân mà không tạo ra được một đồng rưỡi giá trị thì không phải là doanh nhân tốt. Có rất nhiều người vội vàng gán cho doanh nhân các tiêu chuẩn bắt buộc phải có như cái Tâm thông qua việc làm từ thiện hoặc những việc phi lợi nhuận, nhưng tôi không nghĩ thế. Với tư cách là một nhà kinh tế, tôi cho rằng doanh nhân là một lực lượng xã hội làm gia tăng các giá trị kinh tế của xã hội bằng các biện pháp kinh doanh. Doanh nhân có thể là nhà sản xuất hay còn gọi là các nhà công nghiệp. Anh bỏ ra 10 đồng cho nguyên liệu và tiền lương thì anh phải tạo ra 15- 16 đồng. Loại doanh nhân thứ hai là các nhà thương mại, họ làm cho tất cả các sản phẩm xã hội được lưu chuyển một cách hiệu quả và linh hoạt trong đời sống thị trường, tức là hiện thực hóa các qui luật cung cầu. Loại doanh nhân thứ ba là những người cung cấp dịch vụ để cho hai loại hình trên hoạt động một cách hiệu quả, đó là doanh nhân dịch vụ. Doanh nhân dịch vụ là những người hỗ trợ quá trình sản xuất công nghiệp và thương mại một cách có lợi và phù hợp với đòi hỏi của các thể chế quản lý. Ngân hàng là một loại dịch vụ, kiểm toán là một dịch vụ, quản lý cũng là một loại dịch vụ. Công nghiệp, thương mại và dịch vụ là ba khối trong cấu trúc kinh doanh. Công ty của tôi thuộc nhóm thứ ba, nhóm dịch vụ.

Tiêu chuẩn của các loại hình trong ba nhóm này là khác nhau. Nhà công nghiệp được đánh giá dựa trên cơ sở đo được lợi ích đầu ra của các quá trình công nghiệp. Việc nắm bắt được các vấn đề khoa học, các vấn để thực tế trong đời sống và các chính sách để có thể đưa ra các dự án công nghiệp có chất lượng phù hợp với qui luật tự nhiên của đời sống và phù hợp với các chính sách của chính phủ chính là bản lĩnh của nhà công nghiệp. Còn người hoạt động thương mại thì phải biết mua sản phẩm nào, bán sản phẩm nào. Anh bán sản phẩm đến những thị trường lớn, những thị trường bên ngoài Việt Nam thì hiệu quả của quá trình kinh doanh phải lớn hơn. Như vậy việc đo đạc hình ảnh cũng như chất lượng của các nhà kinh doanh thương mại sẽ khác so với của nhà sản xuất. Còn đối với các doanh nhân dịch vụ thì phải đo bằng tính chuyên nghiệp. Cho đến phút này giới truyền thông của chúng ta vẫn mô phỏng các nhà kinh doanh một cách chung chung và trộn lẫn tiêu chuẩn của cả ba nhóm này với nhau. Chưa có một cơ quan truyền thông nào ý thức đầy đủ được rằng đây là ba nhóm người khác nhau trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam và cả cộng đồng doanh nhân thế giới. Đôi khi chúng ta tiếp xúc với các nhà công nghiệp, chúng ta thấy họ nghiêm túc, họ nói đến đầu ra, đến vào, đến năng suất, đến lao động, họ phải quản lý rất nhiều việc liên hệ trực tiếp đến việc tiêu tiền và sử dụng con người. Nên chỉ có cách nhìn tương đối vật lý và đơn giản thì chúng ta sẽ thấy các nhà công nghiệp rõ hơn. Có một thời gian dài Đảng và Nhà nước chỉ nhìn thấy nhà công nghiệp và không gọi nhà công nghiệp là nhà kinh doanh, hay nói cách khác là đối lập nhà công nghiệp và nhà kinh doanh về mặt phẩm chất con người, đây là một sự nhầm lẫn. Có một thời kỳ từ khi chúng ta thành lập nước cộng hòa đến năm 1986, chúng ta không thừa nhận nhà kinh doanh là những người hoạt động thương mại. Nhà nước nắm độc quyền về cả nội thương, ngoại thương, do đó trong xã hội không có nhà thương mại và nền kinh tế của chúng ta trở thành nền kinh tế phân phối một chiều. Vì vậy, tất cả các sản phẩm công nghiệp làm ra không được sử dụng một cách có hiệu quả và không bán được. Sự xuất hiện của lớp người thứ hai là các nhà thương mại đã khắc phục một trong những nhược điểm cốt tử của nền kinh tế kế hoạch, tức là các nhà thương mại đã biến nền sản xuất Việt Nam thành một nền sản xuất có chất lượng thị trường. Khi có hai đối tượng này thì chúng ta tưởng đã đủ rồi, vì có người sản xuất và có người bán hàng, nhưng không phải. Cả người sản xuất và người bán hàng đều phải được chuyên nghiệp hóa, cho nên mới xuất hiện nhóm thứ ba là các nhà doanh nhân dịch vụ, chuyên cung cấp các dịch vụ để làm cho cả khu vực công nghiệp lẫn thương mại trở nên chuyên nghiệp. Vai trò của nhóm cung cấp dịch vụ là nâng cao khả năng chuyên nghiệp hóa của nền kinh tế.

Hỏi: Ông có thể phác thảo đôi nét về doanh nhân trong tùng nhóm mà ông đã đề cập?

Trả lời: Thứ nhất là các nhà công nghiệp. Chúng ta có nửa thế kỷ xây dựng nền công nghiệp, từ công nghiệp nặng trước năm 1986 đến công nghiệp hàng tiêu dùng được phát triển từ sau năm 1986 đến nay, cho nên chúng ta có một lực lượng các nhà công nghiệp khá hùng hậu. Mối liên hệ giữa các nhà công nghiệp với các nhà công nghệ cũng đã bắt đầu hình thành tương đối rõ. Có thể nói, lực lượng các doanh nhân công nghiệp tương đối tốt và đã có tiềm năng. Chúng ta đã có các nhà công nghiệp quản lý những xí nghiệp vài ngàn công nhân. Đây là một ưu điểm. Tuy nhiên các nhà công nghiệp của chúng ta mặc dù có thể quản lý một xí nghiệp lớn, nhưng quản lý một cách chuyên nghiệp và tạo ra hiệu quả chuyên nghiệp thì chưa. Lực lượng này cần phải được hoàn thiện, nhưng không phải hoàn thiện bằng chính họ. Hoàn thiện bằng chính họ mới chỉ là một phần, phải hoàn thiện cả yếu tố mua bán và yếu tố dịch vụ thì mới tạo ra trạng thái chuyên nghiệp thực sự của các nhà công nghiệp. Chúng ta có rất nhiều ví dụ để nói về các nhà công nghiệp, ví dụ như Tổng Giám đốc Vinamilk, Tổng Giám đốc công ty Việt Tiến. Chúng ta có nhiều nhà công nghiệp quốc doanh, nhà công nghiệp tư nhân họ đều là những nhà công nghiệp tương đối tốt xét về khả năng có thể tiếp quản và quản lý điều hành một xí nghiệp công nghiệp, nhưng khả năng để điều hành một xí nghiệp bằng lợi ích, điều hành một cách chuyên nghiệp thì chưa. Tại sao lại như vậy? Bởi vì chúng ta vẫn tự làm thương mại, chúng ta chưa có các hãng phân phối lớn như Wal-martl, Carrefour, Marks and Spencer... Chúng ta không có các hãng bán lẻ làm hệ thống phân phối của chúng ta không được xác lập và xây dựng một cách chuyên nghiệm cho nên các nhà công nghiệp thường phải làm cả chức năng thương mại. Tất nhiên không ai cấm một nhà công nghiệp kiếm thêm công việc của nhà thương mại, nhưng sự kết hợp như vậy phản ánh trạng thái không chuyên nghiệp của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, phải nói rằng chúng ta đã có những nhà công nghiệp có những khả năng ban đầu rất tốt.

Cái khâu, cái hình ảnh mà chúng ta kém chính là thương mại. Chúng ta chưa có các nhà thương mại chuyên nghiệp, hay nói cách khác toàn bộ hệ thống phân phối của chúng ta là rất không chuyên nghiệp. Do đó, khi gia nhập WTO rất nhiều người lo sợ rằng các hãng phân phối lớn sẽ bóp chết các hãng bán lẻ. Đây là tâm lý cần phải cảnh giác, vì nó không đúng như thế. Chính các hãng phân phối chuyên nghiệp sẽ tạo ra tiền lệ để chúng ta ý thức về sự chuyên nghiệp hóa các hoạt động thương mại. Các anh biết rằng khi chúng ta bán hàng ra nước ngoài có rất nhiều vụ bị kiện cáo, rất nhiều vụ bị phạt đó là kết quả của tình trạng không chuyên nghiệp về thương mại. Chỉ có người làm thương mại chuyên nghiệp mới nắm được tiêu chuẩn của hàng hóa vào châu Âu đòi hỏi khác với hàng hóa vào Nhật Bản như thế nào, hay tiêu chuẩn hàng hóa vào Mỹ như thế nào. Còn các nhà sản xuất mà đi làm thương mại thì không ai đủ thì giờ để hiểu biết một cách chi li những vấn đề như vậy. Chúng ta mới có khoảng 15 năm hình thành các thói quen thương mại. Trước đây, việc phân phối hàng hóa thuộc độc quyền của nhà nước. Chúng ta có Tổng công ty Bách hóa Việt Nam và Tổng công ty Xuất nhập khẩu Việt Nam, hai tổng công ty ấy sinh ra để thỏa mãn việc xuất khẩu một lượng sản phẩm ít ỏi của Việt Nam. Những tổng công ty như vậy trong sự phát triển hiện nay không còn địa vị nữa, mà chúng ta thì chưa kịp hình thành đội ngũ các nhà thương mại chuyên nghiệp, cho nên phải nói rằng, khu vực thương mại của lực lượng các nhà kinh doanh Việt Nam là yếu. Còn bộ phận thứ ba là các nhà kinh doanh dịch vụ thì còn yếu hơn cả các nhà thương mại.

Hỏi: Ông có thể cho biết ý tưởng về việc thành lập công ty của ông?

Trả lời: Sau năm 1975 tôi đã bắt đầu nhìn thấy các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam. Sau cải tạo tư sản ở miền bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam, tôi biết chắc rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ có vấn đề. Năm 1979 khi người Trung Quốc đánh Việt Nam là tôi hiểu rằng chắc chắn phe XHCN sẽ có những vấn đề. Năm 1983 khi Mikhail Gorbachev tổ chức cải tổ ở Liên Xô thì tôi biết chắc chắn là Liên Xô có vấn đề. Đến năm 1985, tôi kết luận rằng dứt khoát phe XHCN sẽ sụp đổ và khi chúng ta mất đi chỗ dựa kinh tế vào phe XHCN thì chúng ta sẽ khó khăn. Các anh biết rằng vào năm 1985 chúng ta lạm phát mấy nghìn phần trăm và số lượng người đói trên lãnh thổ Việt Nam vào những năm 1980-1985 lớn khủng khiếp. Nhìn các hiện tượng ấy, một người chịu để tâm suy nghĩ sẽ thấy ngay là dứt khoát có vấn đề.

Tôi đã nghiên cứu Việt Nam rất kỹ và đi đến kết luận rằng, mất Liên Xô, mất Đông Âu, mất khối SEV thì Việt Nam phải mở cửa. Vào những năm 1978, tôi phát hiện ra sự mở cửa của Trung Quốc trước khi Trung Quốc mở cửa thật. Tôi đã nhìn thấy chiến dịch ngoại giao bóng bàn diễn ra vào những năm 1968 của người Mỹ với Trung Quốc. Tôi thấy rằng người Trung Quốc đã bắt đầu lái con tàu quan hệ sang phương Tây và chắc chắn là người Việt Nam sẽ nhìn thấy.

Tôi cũng thấy rằng, khi chúng ta mở cửa sẽ có hai cộng đồng người gặp nhau, người Việt Nam chúng ta thì chưa biết gì về ngoại thương, về ngân hàng… còn những người nước ngoài thì biết tất cả nhưng chưa biết gì về một xã hội đặc biệt như xã hội Việt Nam. Hai cộng đồng người ấy gặp nhau sẽ cần người phiên dịch. Tôi đóng vai trò người phiên dịch và tôi kiếm tiền bằng việc phiên dịch sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, giữa phương Tây phát triển và Việt Nam đang đi tìm con đường phát triển. Đến bây giờ vai trò ấý vẫn chưa hết, tuy nhiên sự phiên dịch tập trung vào những đối tượng tinh tế hơn, phức tạp hơn và những khía cạnh phong phú hơn.

Hỏi: ông đã gặp những khó khăn gì khi làm nghề này?

Trả lời: Xã hội chúng ta là xã hội sùng bái công nghiệp, vì thế tất cả các đối tượng phi công nghiệp đều bị ngờ vực và tôi bị ngờ vực là đương nhiên. Tôi có nghĩa vụ phải giải thích với xã hội, giải thích với các nhà lãnh đạo là cái mà chúng tôi làm cũng là cái mà xã hội cần. Năm 1989, chúng tôi kết hợp với thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức một cuộc hội thảo về xây dựng thị trường tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi đã bị gọi lên để chất vấn và chịu kỷ luật từ phía Chính phủ về việc truyền bá những khái niệm nhạy cảm vào Việt Nam. Sau này Đảng và Chính phủ đã đánh giá lại và không có những kỳ thị đối với chúng tôi nữa.

Tôi cho rằng, tất cả những người muốn làm một cái gì đó đều phải sáng tạo. Sáng tạo là gì? Là nhìn thấy trước những nhu cầu của xã hội để làm. Nhìn thấy trước nhu cầu của xã hội là bản năng quan trọng nhất của nhà kinh doanh. Bất kỳ nhà kinh doanh nào không nhìn thấy, không tưởng tượng nổi nhu cầu của xã hội thì không trở thành nhà kinh doanh lớn được. Ví dụ, làm sao Bill Gates ngồi một góc ở nước Mỹ mà có thể nghĩ rằng những sản phẩm của mình có thể làm thay đổi thế giới. Làm sao ông ta có thể bỏ tiền ra làm những hệ điều hành mà nó trở thành không chỉ công cụ kỹ thuật mà còn là công cụ xã hội, thậm chí là công cụ chính trị của tất cả các chính phủ hiện đại trên thế giới. Một nhà kinh doanh tốt là phải phỏng đoán, dự báo được nhu cầu của đời sống và cung ứng những sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở những chặng khác nhau của sự phát triển. Ví dụ, trong xã hội như xã hội của chúng ta thì nghề của chúng tôi chia thành hai nhánh. Một nhánh đi sâu vào việc xây dựng các dịch vụ chuyên nghiệp như văn phòng luật sư, công ty kiểm toán… Còn nhánh kia thì đi theo hướng móc ngoặc, xây dựng các mối quan hệ giữa các nhà chính trị với giới doanh nhân và kiếm tiền trên cơ sở khai thác những mối quan hệ ấy. Tôi không đi theo cả hai hướng ấy. Đi theo hướng xây dựng ngay các tổ chức chuyên nghiệp thì không phù hợp với thực tế Việt Nam, vì chỉ mới 3- 4 năm gần đây các công ty Việt Nam mới bắt đầu ý thức được vai trò của luật sư. Xã hội Việt Nam mới thức tỉnh về vai trò của các dịch vụ chuyên nghiệp trong những năm gần đây. Chúng ta xây dựng thị trường chứng khoán nhưng không có sự tham gia của kiểm toán. Các công ty kiểm toán hoạt động một cách hình thức, không có một bản báo cáo tài chính nào có đủ chất lượng quốc tế hay đủ tiêu chuẩn để phục vụ tính minh bạch của thị trường. Vì bản chất của thị trường chứng khoán là bán những chứng chỉ có giá mà không ai xác nhận giá trị của các chứng chỉ thì tức là không chuyên nghiệp. Cho đến bây giờ, chúng ta cứ băn khoăn là thị trường của chúng ta nóng hay lạnh nhưng chúng ta có làm gì đâu mà nó nóng hay lạnh, chúng ta cứ in ra là bán. Có cả những người in cổ phiếu giả để bán. Đáng ra trước khi làm chúng ta phải biết rằng, để tạo ra một cái chợ thì trước hết phải định nghĩa loại hàng nào được mang vào chợ bán. Chúng ta không làm việc ấy, xã hội chúng ta chưa chuyên nghiệp.

Tôi xin nhắc lại là các nhà kinh doanh cần phải biết rõ xã hội cần gì, thị trường cần gì và phải hình dung rất rõ thời cuộc. Tôi là người như vậy. Tôi không đi theo hướng chuyên nghiệp ngay, tôi cũng không chọn hướng móc ngoặc quyền lực, vì móc ngoặc quyền lực sẽ đốt cháy năng lực chuyên môn. Nhưng đi theo năng lực chuyên môn một cách quá lý thuyết sẽ không phù hợp với đòi hỏi thực tế của xã hội. Vậy đi như thế nào để kết hợp được các đặc điểm, để phản ánh được đặc điểm của xã hội và thị trường Việt Nam? Tôi đi ở giữa hai chiều ấy. Tôi không móc ngoặc để hỗ trợ tham nhũng, tôi cũng không ảo tưởng để tạo ra trạng thái chuyên nghiệp cứng nhắc đối với một xã hội đang ở mức chưa chuyên nghiệp. Làm thế nào để diễn đạt các dịch vụ hiện đại dưới dạng một ngôn ngữ phù hợp với trình độ sử dụng, với nhu cầu đang phát triển dần lên của xã hội Việt Nam chính là chính sách phù hợp nhất để phát triển loại hình dịch vụ ở Việt Nam.

Hỏi: Biết được xã hội cần gì để cung cấp cho xã hội cho nên ông đã thành công. Nhưng trước khi có sự thành công ấy, có lẽ ông đã gặp rất nhiều trở ngại, thăng trầm. Ông có thể kể về những chặng điểm của mình?

Trả lời: Tôi đi thanh niên xung phong từ năm 1962, không phải do yêu nước hay lãng mạn như nhiều người hay mô tả mà vì nghèo. Vì không có tiền đi học nên tôi phải đi làm, tôi đi làm trong sự đau khổ vì phải bỏ học và một trong những phương thuốc giảm đau mà tôi sử dụng khi phải bỏ học là đi thanh niên xung phong, tức là tìm trong hành vi bỏ học đi làm của mình một ý nghĩa xã hội nào đó. Tôi có thể đi làm ở Hà Nội, tôi có thể đi làm ở nhiều chỗ nhưng tôi đi tìm con đường giải thoát tôi về mặt tinh thần. Đi thanh niên xung phong được khoảng một năm thì người ta tuyển quân và thế là tôi đi bộ đội năm 1963. Đến khi đi bộ đội thì tôi thấy đây lại là một lối thoát nữa.

Hỏi: ông có thể kể về quãng đời trước đó của ông?

Trả lời: Tôi ở Nghệ An ra Hà Nội năm lên 9 tuổi và tôi phải đi bán nước chè ở ga Hàng Cỏ. Gia đình chúng tôi trước cách mạng là gia đình giàu có. Ông nội tôi là địa chủ, ông ngoại tôi cũng là địa chủ. Lúc còn thanh niên, bố tôi học ở Hà Nội và đỗ tú tài. Bố tôi vào Đảng từ những năm 1940, nhưng sau đó phải tạm dừng sinh hoạt Đảng cho đến năm 1960 vì là con địa chủ. Những bế tắc của đời sống chính trị của bố tôi làm cho mẹ tôi phải đi ra Hà Nội để tìm lối thoát cả vật chất lẫn tinh thần và tôi phải đi từ năm 9 tuổi. Gia đình tôi lúc bấy giờ rất khốn khó. Bố tôi là một ông tú mà phải đi bán thuốc lá dạo, tôi thì bán nước chè, cả nhà tôi đều phải làm như thế cả. Những người sinh ra đã nghèo rồi thì không thấy hết được cái tủi nhục của sự nghèo khổ. Trước năm 1953, tức là trước khi cải cách ruộng đất trước, khi phát động giảm tô, tôi là một cậu ấm, tôi sống trong gia đình mà một mình tôi có 3 người phục vụ. Lúc bấy giờ tôi có 4 anh em, tôi và cậu em kế tôi đều có gia sư, có một cậu giúp việc đưa chúng tôi đi chơi, và có một bà vú để lo ăn uống. Vậy mà vào năm 1954 tôi đã buộc phải gánh nước từ ngoài sông, leo qua đê để về nhà. Cuộc sống khắc nghiệt đã biến tôi từ một cậu ấm trở thành một đứa trẻ nghèo và phải lao động thật. Cái đấy có lợi hay có hại tuỳ theo cách đánh giá, nhưng với tôi nỗi đau khố ấy là một thực tế giày vò tôi. Tôi còn nhớ khi đi học trường Việt Đức ở Hà Nội, vào cái tuổi ấy chúng tôi đã bắt đầu biết thích các bạn nữ sinh rồi. Nhưng cũng vào cái tuổi ấy, sự nghèo khổ làm cho tôi chưa bao giờ dám làm quen với con gái vì luôn nghĩ đến thân phận mình, nghĩ đến sự lép vế của mình. Lúc bấy giờ những kẻ tha hương như tôi ở Hà Nội lép vế lắm, chúng tôi là những kẻ ngụ cư vừa nghèo khổ, vừa dị biệt về mặt văn hoá đối với Hà Nội. Tôi rất thích một cô bạn mà không dám nói. Mấy chục năm sau chúng tôi họp lớp, họp trường, cô ấy nói với tôi rằng, hồi ấy mà ông không cục cằn và nhút nhát thì bây giờ tôi đỡ khổ. Tôi hỏi vì sao thì cô ấy bảo là cô ấy vừa bỏ chồng. Đó là một người con gái đẹp và kéo violon rất hay, nhưng tôi không dám ngỏ lời, tôi không có bất kỳ một sự trơ tráo nào đủ để có thể bất chấp cái thân phận của tôi. Hồi tôi đi học cấp II, nhà tôi dán phong bì và làm hộp đựng giày. Khi nào mà người ta giục lấy hàng sớm là mẹ tôi lại đến cửa sổ lớp vẫy một cái và tôi trèo qua cửa sổ, bỏ học về nhà để dán hộp. Như thế làm sao mà tôi yêu được, làm sao mà tôi tự hào được. Lúc nào tôi cũng nghĩ về sự nghèo khó của mình, và chính vì lúc nào cũng nghĩ nên tôi mới làm được những chuyện như hiện nay.

Tôi vừa mới hoàn thành một quyển sách được đặt tên là “Tự do” tôi xem nghèo khổ là một trong những yếu tố làm mất tự do của đời sống của con người. Rất đáng buồn là xã hội chúng ta có một thời kỳ rất dài thi vị hoá sự nghèo khổ và kỳ thị sự giàu có như một đối tượng vô đạo. Người ta chỉ tìm thấy kẻ xấu trong những người giàu có và chỉ nhìn thấy đạo đức ở trong những kẻ nghèo khổ. Những kết luận như thế chôn vùi dân tộc chúng ta bao nhiêu năm. Cần phải phá bỏ quan niệm như thế. Người giàu có vẫn phải có đạo đức, phải làm thế nào để giàu có trong đức hạnh của mình, cái đấy là rất quan trọng. Có một số kẻ trước đây nghèo khó bây giờ có tiền rồi thì cho con mua ô tô, mua xe máy SH..., nhìn những ví dụ như vậy tôi rất thương. Những con người nghèo khổ về vật chất đang biến dần thành những người nghèo khó về mặt tâm hồn đến mức, ngay cả khi không còn nghèo khó về mặt vật chất nữa thì sự nghèo khó về mặt tâm hồn vẫn tiếp tục ám ảnh cuộc đời họ. Tôi không như thế. Tôi ý thức về sự nghèo khó về mặt vật chất và phấn đấu để ra khỏi nó nhưng tôi vẫn giữ nguyên được những giá trị khác.

Tôi cho rằng sự giàu có là một tất yếu mà con người phải phấn đấu. Mỗi một con người phải phấn đấu để có nhiều thứ, trong đó bước một là phấn đấu để giàu có, bước hai là phấn đấu để hiểu biết và bước ba là phấn đấu để cao thượng. Có tiền cũng tốt, nhưng tiền không làm cho con người trở nên có giá trị hơn. Có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để ngồi ăn một bữa cơm với một ông đại sứ nhưng họ không bao giờ có cơ hội ấy cả, dù họ có nhiều tiền. Mỗi người cần phải phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự nghèo khổ, phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự ngu dốt và phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự tầm thường. Đấy chính là ba cái nấc để mô tả lộ trình phấn đấu của con người. Có thể có người làm dần từng bước, có thể làm song song cả ba việc hoặc hai việc.

Hỏi: Tôi nghĩ là cần phải giải phóng ra khỏi sự ngu dốt trước vì nếu ngu dốt thì không thể kiếm tiền được.

Trả lời: Nói như thế chưa chính xác. Chúng ta tưởng rằng đọc sách và học hành thì sẽ giải phóng mình ra khỏi sự nghèo khó, do đó vẫn nhầm lẫn rằng trong sách có tất cả mọi thứ. Không phải. Trong cuộc đời có sách chứ không phải trong sách có cuộc đời. Sách là một bộ phận của cuộc đời chứ không phải là sách thâu tóm toàn bộ cuộc đời. Giới trí thức của chúng ta có một nhầm lẫn quan trọng, đó là họ tưởng rằng sách, vở, chủ nghĩa có thể thâu tóm cuộc đời nhưng không phải. Sách vở, chữ nghĩa là một bộ phận, là một lực lượng mà một con người muốn thành đạt thì phải có nhiều bộ phận chứ không phải chỉ cần có một bộ phận của cuộc sống. Khi tôi đi thanh niên xung phong, mẹ tôi cho tôi hai bộ quần áo, một cái túi du lịch Trung Quốc và 20 đồng. Tôi đã ra hiệu sách Tràng Tiền mua hết 20 đồng tiền sách. Tôi vẫn còn nhớ như in, thứ nhất là Tuyển tập kịch Shakespeare được dịch bởi giáo sư Bùi Ý và cháu ông ta là Bùi Phụng. Tôi thuộc lòng những dòng tâm sự của Hamlet những đau khổ của Othenlo, những giận dỗi và đểu giả của Macbeth, những toan tính của Coriolanus... tất cả đã trở thành đời sống tinh thần của tôi. Thứ hai là bộ sách Chiến tranh và Hoà bình do phó giáo sư Cao Xuân Hạo dịch, thứ ba là Bài ca sư phạm của Makarenko và còn một vài bộ nữa. Tôi đã mang những bộ sách ấy đi cùng. Những năm tôi đi lính, trong ba lô của tôi, quần áo ít hơn sách. Có người thắc mắc tại sao những năm ấy mà tôi lại biết Shakespeare, Makarenko, Lev Tolstoi...? Khi nào anh sống trong nghèo khổ và cô đơn thì anh sẽ hiểu thỉ cần một giọt chữ thôi cũng có thể làm dịu được nỗi đau khổ của cuộc đời. Tôi có cả bộ ba tiểu thuyết của Marxim Gorky: Thời thơ ấu, Kiếm sốngNhững trường đại học của tôi. Khi đọc Maxim Gorky tôi cảm thấy cái nghèo khổ hay cái đau khổ của mình gần giống với nỗi đau khổ của cậu bé Peskov, tức là Marxim Gorky lúc còn bé. Có một sự đồng cảm, đồng điệu nào đó giữa tôi và cậu bé Marxim Gorky. Tất cả những chuyện đó làm dịu bớt nỗi đau của tôi. Tôi không ham mê văn học như là một người đã biết rõ giá trị của các tác phẩm ấy, tôi ham mê văn học như câu chuyện Robinson Crusoe phải dạy cho con vẹt biết nói để mình nghe thấy tiếng người không chỉ phát ra từ miệng mình. Tôi đọc sách để tìm thấy một tiếng nói nào đó để an ủi nỗi cô đơn của một kẻ bị trôi dạt một cách cưỡng bức ra khỏi khát vọng của mình.

Bây giờ, tôi nhớ đến những quyển sách ấy như nhớ đến một người bạn, như nhớ đến một thứ gì đó cố tri. Lúc nhỏ tôi đọc truyện Không gia đình của Hector Malot, tôi thấy những quyển sách đi cùng với tôi và tuổi thanh niên của tôi giống hệt như là sự gắn bó của mấy đứa trẻ mồ côi, của cậu bé Rem và cậu bé Matchia nghèo khổ. Những quyển sách ấy là những người bạn an ủi tôi và phải nói rằng các tác giả của chúng là thần thánh với tôi. Tôi không có điều kiện để theo bất kỳ tôn giáo nào cả, nhưng tôi có một tôn giáo rất quan trọng và đi theo tôi suốt cuộc đời là vẻ đẹp được thể hiện bởi các tác giả vĩ đại.

Hỏi: Chúng tôi được biết ông đã viết một số quyển sách, vì sao ông lại viết những quyển sách như thế, ông muốn đưa cuộc đời vào sách hay vì một thôi thúc nào đấy?

Trả lời: Tôi là một người không thiếu tiền, tôi không thiếu tiền nhưng tôi yêu cuộc đời giống như một người bạn nghèo, tôi yêu cả nhược điểm của nó. Ai đó có thể căm thù, ghét bỏ, phê phán người nọ, người kia, nhưng ở tôi không có điều ấy. Tôi yêu cuộc đời một cách chân thật, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó. Nền kinh tế bao cấp đối với tôi có những khía cạnh khó khăn, khổ sở nhưng đối với tôi còn có những khía cạnh trìu mến, vì nó chứa đựng rất nhiều kỷ niệm tinh thần của tôi. Đi thanh niên xung phong, đi bộ đội, rồi những vấp váp trong cuộc đời này có thể để lại cho tôi những vết sẹo, nhưng tôi xem những vết sẹo ấy như những kỷ niệm về một thời ngô nghê của xã hội, tôi chưa bao giờ căm thù chúng cả. Tôi viết sách là để thể hiện tình yêu của tôi đối với cuộc sống, để góp một phần nho nhỏ của tôi vào sự hợp lý hoá đời sống tinh thần của con người và tôi làm việc ấy một cách yên lặng, một cách âm thầm. Tôi không quảng cáo về mình, có nhiều người đến để viết về chân dung doanh nhân của tôi, nhiều người để nghị trên làm phim, nhưng tôi từ chối. Tôi nói với anh em thế này: Nếu các bạn không cẩn thận thì các bạn sẽ hướng dẫn sai xã hội. Có thể hôm nay mình hợp lý, mình đúng, nhưng cái mà các bạn cho là lý tưởng, là hình mẫu cho cuộc sống và định phổ biến vào trong đời sống chắc gì đã đúng cho ngày mai. Chắc gì hình mẫu của một người như tôi đã tốt cho thế hệ trẻ ngày mai. Cho nên cần phải khiêm tốn, không nên biến mình thành một đối tượng buộc thế hệ trẻ phải bắt chước mà hãy là một đối tượng để họ có thể quan sát để rút ra được một ít kinh nghiệm. Tôi là người có thể cung cấp cho thế hệ trẻ một vài thông tin, một vài kinh nghiệm có thể giúp họ suy ngẫm để rút ra những kinh nghiệm hợp lý hơn. Và tôi phải nói thật rằng, không một ai là hình mẫu cả, vì các công thức có hôm nay chưa chắc đã đúng cho ngày mai.

Hỏi:Ông có lời khuyên nào đối với các bạn trẻ từ trải nghiệm của bản thân mình?

Trả lời:Giữ gìn tự do tinh thần, đứng vững trên đôi chân của mình và luôn luôn suy ngẫm, luôn luôn tìm tòi, luôn luôn học tập để hợp lý hoá đời sống tinh thần của mình, làm động lực cho các hành động thực dụng của mình.

Hỏi:Ông rất đề cao đời sống tinh thần, không phải ai cũng có được điều ấy, phải doanh nhân nào cũng có được sự có được sự soi sáng của những cuốn sách như ông, không phải doanh nhân nào cũng viết được quyển sách như ông. Ông nhận xét thế nào về văn hóa doanh nhân bây giờ?

Trả lời: Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân. Xã hội chúng ta mới bắt đầu những bước chập chững đầu tiên để xây dựng một cộng đồng doanh nhân. Văn hoá doanh nhân là những đặc trưng được kết tinh bởi kinh nghiệm hoạt động của doanh nhóm chúng ta mới bắt đầu những bước đầu tiên, chúng ta chưa có nền văn hoá như vậy. Chúng ta không nên nêu vấn đề ấy để cưỡng bức xây dựng một nền văn hoá doanh nhân. Tôi có phát biểu với nhóm của nhà văn Lê Lựu, nhóm của giáo sư Hoàng Vinh ở trường Nguyễn Ái Quốc về điều này, tôi nói rằng, chúng ta chưa có doanh nhân thì làm sao có văn hoá doanh nhân được. Văn hóa doanh nhân sẽ đến cùng với sự hình thành của nền kinh tế. Không nên sốt ruột và không nên vội vã vẽ các bức chân dung sắc nét. Chúng ta chưa có hình mẫu nghiêm túc để có thể vẽ được những bức tranh có giá trị giống như Leonardo Da Vinci vẽ bức La Joconde.

Hỏi: Khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào WTO thì vấn đề cạnh tranh trở nên rất quyết liệt. Vậy việc chúng ta chưa có đội ngũ doanh nhân, chưa có văn hóa doanh nhân như ông nói có đáng lo ngại không?

Trả lời: Không. 3/4 hay 4/5 nhân loại đều gia nhập WTO và đều ngẩn ngơ như người Việt nhưng có ai chết đâu. Tại sao chúng ta lo lắng? Chúng ta tưởng rằng chúng ta là anh hùng, chúng ta vĩ đại, chúng ta sợ mất tiếng, chúng ta lép vế nhưng chúng ta cũng giống như thiên hạ thôi, chúng ta sẽ phát triển cùng thiên hạ. Không cần phải lo chuyện chúng ta vào WTO mà chưa có doanh nhân. Chúng ta vào WTO thì mới có doanh nhân và chúng ta đang bắt đầu hình thành đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là gì? Doanh nhân là người kiếm lợi trong một môi trường được quy định bởi các tiêu chuẩn của toàn cầu hoá. Chúng ta mới vào WTO, mà đấy cũng chỉ là quyết định của chính phủ, còn xã hội thì chưa biết nhiều về nó. Xã hội chúng ta đã gia nhập WTO đâu, chúng ta đang chuẩn bị gia nhập WTO, chúng ta đang từ từ gia nhập WTO mà giới thương nhân đã đi trước một bước.

Hỏi: Công ty của ông đã chuẩn bị như thế nào cho việc hội nhập?

Trả lời: Công ty của tôi, do đặc thù nghề nghiệp của nó, đã gia nhập WTO lâu rồi. Chúng tôi cung cấp dịch vụ cho những công ty nước ngoài từ năm 1987 mà những đối tượng ấy đã vào WTO trước năm 1987 rồi, cho nên chúng tôi hiểu những đòi hỏi của họ. Ví dụ, tập đoàn General Electrics của Hoa Kỳ đã từng đề nghị chúng tôi so sánh Bộ luật chống tham nhũng của Hoa Kỳ với tất cả hệ thống kiểm soát tham nhũng của Việt Nam trước năm 1989. Chúng tôi được đặt hàng nghiên cứu những chuyện như thế, cho nên, công ty chúng tôi không đặt ra vấn đề gia nhập WTO hay không, chúng tôi đã phục vụ, đã cung cấp dịch vụ cho những đối tượng đã gia nhập WTO tù lâu rồi.

Hỏi: Khu vực dịch vụ ở Việt Nam còn yếu, trong khi ở các nước phát triển dịch vụ chiếm một tỷ trong rất lớn trong nền kinh tế. Theo ông, làm thế nào để phát triển các loại hình dịch vụ, như công ty ông chẳng hạn?

Trả lời: Dịch vụ là một loại kinh doanh thụ động nên không thể phát triển chủ động được, nó sẽ phát triển theo sự phát triển của nền kinh tế. Có một lần báo Lao động tổ chức một hội thảo, trong hội thảo ấy giáo sư Lê Vinh, lúc bấy giờ là Tổng thư ký Hội kinh tế Việt Nam phát biểu rằng: chúng ta phải phấn đấu để đưa nghề tư vấn thành ra một động lực của sự phát triển. Tôi có nói rằng, nghề tư vấn là chất bôi trơn cho sự phát triển nhưng trở thành động lực thì không. Không có thứ dầu nhờn nào trở thành động lực cả, nhưng không có dầu nhờn thì sẽ cháy máy. Dịch vụ là nơi cung cấp dầu nhờn để cho bộ máy kinh tế chạy một cách trơn tru nhưng nó không phải là bộ phận chủ yếu. Tuy nhiên, thu nhập của nó thì chưa chắc đã ít hơn các bộ phận động lực. Như nước Anh chẳng hạn, bộ phận dịch vụ của họ chiếm khoảng 70% tổng GDP. Xã hội càng văn minh thì thu nhập tù khu vực dịch vụ càng lớn. Một giờ lao động của luật sư ở các hãng luật lớn ở New York là 1000 USD, mà đây là một giờ của luật sư kha khá chứ chưa phải của các luật sư cao cấp. Như công ty của tôi bây giờ, mỗi một giờ các luật sư cao cấp của chúng tôi kiếm được từ khách hàng vào khoảng 150- 250 USD, xếp vào hàng đầu ở Việt Nam.

Hỏi: Đối với nghề của ông phải chăng nguồn vốn quan trọng nhất là nhân lực?

Trả lời: Không. Vốn lớn nhất là biết sử dụng nhân lực chứ không phải nhân lực. Bởi vì người Việt chúng ta có nhiều nhược điểm lắm, là một chủ doanh nghiệp, là người điều hành chính, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong chuyện này. Có trình độ một chút là họ đòi lập hãng riêng, thành ra nhân sự luôn luôn biến động. Vì thế, phải có cách ứng phó với thực trạng ấy, đấy là luôn luôn đổi mới nhân sự và giữ được bộ khung, giữ được các cán bộ chủ chốt. Thường thì một cán bộ vào làm việc cho tôi khoảng 5 năm là họ lại đi xin việc chỗ khác và tìm được đồng lương khá cao trong thị trường lao động hiện nay. Ví dụ như chị Đàm Bích Thuỷ, Tổng giám đốc ANZ ở Việt Nam. Chị ấy trước đây là trợ lý của tôi. Chị ấy là một nhân tài. Chắc chắn đấy là người rất trung thực, rất nghiêm túc, rất chuyên nghiệp và có sức lao động bền bỉ. Tôi không hề tiếc lời để nói tốt về những người như thế. Đấy không phải trường hợp duy nhất, có những trường hợp khác. Trước đây có một người cũng là trợ lý của tôi sau đó trở thành Tổng giám đốc công ty chứng khoán Sài Gòn. Nhưng thành công một cách quốc tế nhất là chị Đàm Bích Thuỷ.

Hỏi: Chúng tôi được biết ông đã từng gặp Henry Kissinger, trong câu chuyện của ông với ông ấy có gì đặc biệt không?

Trả lời: Ông ấy nói với tôi về vai trò của khái niệm lãnh đạo trong đời sống toàn cầu. Ông ấy là người đầu tiên mà tôi cùng thảo luận về khái niệm mà tôi nghiền ngẫm mấy chục năm nay là vai trò của toàn cầu hoá về văn hoá. Sau này tôi có đến nói chuyện ở nhiều nơi trên thế giới về khái niệm này. Tôi nhớ là năm 1972, khi tôi chuẩn bị cưới vợ là lúc người Mỹ đánh bom B52 ở Hà Nội. Tôi đón vợ tôi về Hà Nội để chuẩn bị các thủ tục cưới, chúng tôi suýt chết giữa sông Hồng. Khi sang tới bờ bên này, tôi nói ngay với vợ tôi rằng: em lấy anh rồi nay mai đẻ cho anh một thằng con trai thông minh như Kissinger. Vợ tôi lúc bấy giờ ghét Mỹ và Kissinger lắm, nên kiên quyết không cưới nữa, tôi phải thuyết phục mãi. Tôi có kể chuyện ấy với ông Kissinger, ông ấy cười. Tôi bảo tôi với ông ấy cũng giống như số phận, ông ấy thông minh, tôi cũng thông minh.

Hỏi: Có rất ít người dám nói như ông là thông minh và tôi giàu có mặc dù người ta thông minh và giàu có thật. Đấy có phải là một điểm yếu của người Việt Nam không?

Trả lời: Đấy không phải điểm yếu của người Việt Nam. Người Việt Nam có quá nhiều điểm yếu, họ không dám nói thật những điều mình có là vì không tin vào những điều mình có. Trong tất cả những phẩm chất mà con người có, phẩm chất chinh phục người khác là phẩm chất quan trọng nhất. Anh không tin vào người khác thì làm sao chinh phục được họ. Tôi không tin vào sự vô hại, vô tư của các anh thì làm sao tôi nói với các anh những điều ấy? Và tôi không thấy mình kiêu ngạo gì về điều ấy cả vì tôi giàu có thật, tôi không dối trá. Giàu có nghĩa là gì? Nghĩa là tôi đủ tiền để làm tất cả những gì mình muốn. Tôi không bao giờ xếp hạng mình, nhưng tôi giàu có. Nếu tôi không thông minh thì làm sao mà giàu có được và làm sao tin vào sự giàu có của mình? Tôi lao động một cách rất chân thật. Tôi học tập trung thực đọc trung thực, sống trung thực, kiếm tiền cũng trung thực.

Đương nhiên tôi không chỉ trung thực mà còn khôn ngoan. Cái gì cũng cần khôn ngoan, cái gì cũng cần vẻ đẹp. Sự trung thực không gây thất thiệt cho ai thì đây chính là một vẻ đẹp. Trung thực mà làm cho người khác cảm thấy mình gian dối thì đấy là trung thực vụng. Tôi trung thực nhưng tôi không làm cho người khác cảm thấy mình không trung thực mà làm cho người ta thấy rằng hình như mình cũng trung thực, đấy chính là khôn ngoan.

Hỏi: Có người quan niệm rằng sự giàu có thể hiện qua cách anh tiêu tiền như thế nào chứ không phải số tiền anh có. Vậy ông tiêu tiền như thế nào?

Trả lời: Tôi lập cho vợ tôi một thư viện vào khoảng 5000 quyển sách. Tôi có một ngôi nhà cho vợ tôi ở mà một thủ tướng nếu vào ở cũng không cảm thấy xấu hổ. Tôi có tiền cho con tôi đi học ở một nước mà chi phí cho học hành ở đấy đắt giá nhất trên thế giới, nhưng tôi không có nhiều tiền cho chúng tiêu một cách bừa bãi. Phải nói rằng, tiêu tiền là hành động thể hiện chất lượng giáo dục rõ rệt nhất trong tất cả các hành động của con người. Bên cạnh giường ngủ của tôi cũng có vài ba ngàn quyển sách quan trọng. Tôi cũng lập một thư viện công cộng cho công ty tôi, ở đó có khoảng 10.000 đầu sách. Đấy là cách tôi tiêu tiền.

Hỏi: Chúng tôi được biết ông có một thời điểm rất khó, đó khi con gái ông bị bệnh...
.
Trả lời: Nỗi đau khố ấy, bất hạnh ấy nếu rơi vào ai ở cái thời điểm ấy thì cũng đều thế cả. Đương nhiên, sự nghèo khổ đến mức không có tiền chữa bệnh cho con là nỗi đau khổ lớn nhất mà tôi có. Đây là vết thương lớn nhất của tôi. Tôi cũng đã làm tất cả mọi cách để có thể chữa bệnh cho con. Ban ngày tôi đi làm ở cơ quan, 11 giờ đêm vào ngủ với con ở bệnh viện, còn từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm là tôi chở xi măng và thép thuê cho nhiều nhà xây dựng bằng cái xe máy cọc cạch. Đêm nào cũng như thế trong vài năm.

Hỏi:Dự định tương lai cua ông là gì ?

Trả lời: Tiếp tục duy trì công ty, không phải vì tôi nữa mà vì các lớp thế hệ cán bộ sau tôi, và phát triển nó trở thành một tổ chức chuyên nghiệp ở Việt Nam. Tôi không dùng chữ hàng đầu vì nếu công ty của tôi vẫn là hàng đầu thì xã hội không phát triển, nhưng công ty của tôi vẫn là đối tượng chuyên nghiệp trong số những công ty như vậy ở Việt Nam. Đây là dự định thứ nhất. Thứ hai là tiếp tục nghiên cứu và viết. Tôi cố gắng phấn đấu để từ giờ cho đến khi chết, số lượng trang sách mà mình viết bằng số lượng trang sách của những nhà hiền triết có tiếng trên thế giới. Thứ ba là gây dựng cho con cái. Và thứ tư là nếu cơ hội cho phép thì tôi sẵn sàng góp ý với các nhà lãnh đạo của chúng ta những điều có lý mà tôi cảm thấy. Tôi tuyệt đối không cầu lợi từ những mối quan hệ với những nhân vật có thế lực của xã hội. Tôi không cầu lợi mà tôi góp vào với họ. Họ có thể hiểu hay không hiểu, cái đó tuỳ thuộc ở họ, nhưng tôi góp cho họ không phải vì họ mà vì đất nước. Tôi là người yêu nước Việt Nam.

Hỏi: Rất ít người ở Việt Nam viết về các vấn đề có tính triết học, vậy tại sao ông lại chọn một việc rất khó như thế?

Trả lời: Suy nghĩ là công việc của tôi, thói quen của tôi, tôi không thấy vất vả gì cả, tôi thấy thích thú khi làm việc ấy. Tôi không định làm nhà triết học, tôi nghiền ngẫm về cuộc sống, tôi viết và nó vô tình trở thành triết học hay vô tình trở thành chính trị học. Tôi không có ý định làm triết học hay chính trị học nhưng đấy là khả năng gần nhất mà tôi có thì tôi làm thôi. Tôi làm một cách vô tư.

Hỏi: Khả năng nổi trội nhất của ông là gì?

Trả lời: Hồi trẻ tôi đã từng đi hát và tôi nhớ rằng NSND Trần Hiếu hồi trẻ đã lên tận trường tôi ở Hương Canh, Vĩnh Phúc can thiệp với nhà trường để tôi trở thành diễn viên của đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Tôi đã từng làm thơ, đã có ý định trở thành một người làm thơ. Và tôi còn làm khoa học nữa. Cương vị cao nhất mà tôi giữ trong hoạt động khoa học là Quyền Chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu đầu ngành về các công trình giao thông vận tải. Tôi dự định làm một nhà kinh doanh và trên thực tế tôi cũng làm một nhà kinh doanh khá thành công. Bây giờ, tôi đang làm cái phần mà tôi thích nhất hay nói cách khác là công việc yêu thích nhất của tôi là làm một nhà nghiên cứu lý luận hay một nhà nghiên cứu chính trị học. Nếu tìm xem cái gì là năng khiếu nhất ở tôi thì có lẽ tôi không làm ca sỹ được, bởi vì tôi không kéo dài sự hát của tôi. Chắc là tôi cũng không làm thơ được vì cái đó không đeo đẳng tôi. Chắc là tôi cũng không làm một nhà khoa học kỹ thuật vì việc ấy cũng không đủ sức mạnh để lôi cuốn tôi. Làm nhà kinh doanh thì kéo dài nhất, hơn 20 năm rồi và làm nhà nghiên cứu lý thuyết về chính trị một cách chuyên nghiệp thì cũng được mươi năm rồi, nếu làm một cách nghiệp dư thì từ lâu lắm rồi. Và những quyển sách tôi viết ra trong một chừng mực nào đó cũng đã bị phê phán hoặc là được yêu thích, tức là nó cũng tác động vào đời sống tinh thần của con người đôi chút. Cái mà tôi yêu thích nhất là cái cuối cùng.

Hỏi: Bây giờ nếu tự họa chân dung thì ông sẽ sẽ chân dung của ông như thế nào?

Trả lời: Nếu tôi là Piccasso thì tôi sẽ tự vẽ một khuôn mặt được chia làm nhiều ô, mỗi một ô là đặc trưng cho một lĩnh vực mà tôi đã từng làm. Độ lớn hay diện tích của mỗi ô như vậy là khác nhau, tuỳ thuộc vào thành công của tôi trong thực tế. Tôi không có khả năng hội họa cho nên tôi không vẽ được, nhưng nên tôi tưởng tượng ra thì tôi sẽ vẽ như thế. Ở trái tim, nơi trang trọng nhất trong chân dung của tôi là gia đình tôi. Trên đỉnh đầu tôi là một lá cờ, đấy là cờ của nước Việt Nam. Phần còn lại thì được chia ra các ô trên đó vẽ những đặc trưng hoạt động của tôi.

Hỏi: Với ông, người vợ và những đứa con có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời: Người mẹ không bình đẳng với con cái. Đối với tất cả những người đàn ông chân chính thì cái cao hơn tất cả trong tình cảm là con mình, cái cao hơn tất cả trong lý trí là đất nước của mình. Phụ nữ là cành nguyệt quế, là cành hoa để trang trí cho khu vực quả tim của mình chứ không phải là bộ phận của nó. Vợ tôi có hỏi tôi rằng em có địa vị như thế nào trong đời sống tình cảm của anh? Tôi trả lời là: em là mẹ của các con anh. Toàn bộ bí quyết để duy trì đời sống vợ chồng là chuyển từ tình yêu nam nữ sang sự kính trọng mẹ của các con mình. Khi xem phim anh thấy có vị vua nào gọi vợ là em đâu mà gọi là phu nhân, là hoàng hậu. Tôi tôn trọng giá trị của vợ tôi là ở chỗ đó là mẹ của các con tôi. Những người phụ nữ không tự ái gì cả, bởi vì phụ nữ là những cành nguyệt quê bao lấy cái khung ảnh hình quả tim của những người chồng mà ở giữa là các con của họ.

Hỏi: Chúng tôi được biết công ty ông có một viện nghiên cứu. Có phải là ông là người đầu tiên thành lập viện nghiên cứu tư nhân không?

Trả lời: Có một kỷ niệm mà tôi rất thích, đó là tôi xin thành lập viện nghiên cứu này bằng cách hỏi ý kiến của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu một cách công khai trong một cuộc hội thảo. Ông đã tán thành việc thành lập viện nghiên cứu của tôi. Ông trở thành nhân vật rất quan trọng trong đời sống tinh thần của tôi. Tôi yêu mến ông bởi vì ông ủng hộ việc làm này của tôi.

Vào năm 1999, tức là sau 11 năm làm nghề và tiếp xúc quốc tế trong con người tôi đầy ắp các suy nghĩ về Việt Nam, vẽ đủ thứ. Tôi va chạm với tất cả các khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của hệ thống chính sách, của thể chế chính trị và đời sống văn hoá Việt nam, tôi đối chiếu nó với đời sống của các quốc gia khác trên thế giới và mô phỏng lại những thứ ấy thành các tác phẩm khoa học. Động cơ của tôi là thành lập một viện nghiên cứu để góp thêm phần của mình vào sự phát triển của cuộc đời. Tôi là người tuyệt đối không có hay là tuyệt đối hạn chế đến mức cao nhất khát vọng mà người ta thường lạm dụng là lăng-xê. Tôi viết trong im lặng, tôi nói trong sự im lặng kể cả xuất bản sách cũng trong sự im lặng.

Hỏi: Chính vì viết trong sự im lặng nên nhiều người không được đọc sách của ông. Chúng tôi thấy ông viết sách rất hay, rất bổ ích.

Trả lời: Những tác phẩm của tôi không phải là tác phẩm thuộc dòng chính thống, không thuộc dòng chủ hiện nay của đời sống tư tưởng Việt Nam. Cho nên, tôi khó có thể quảng bá được khi nó không phải là một phần tử của dòng chữ. Tôi không phải là một kẻ cơ hội tìm cách bán rao các tác phẩm của mình, các quan điểm của mình. Tôi không tranh luận ở trên báo, trên đài, trên mạng internet. Tôi không có tham vọng hay không có ý muốn quảng bá mình như thế, bởi vì dần dần cuộc đời sẽ biết đến những thứ đó, không nên sốt ruột. Cũng không phải như người ta vẫn nói là hữu xạ tự nhiên hương. Tôi không nghĩ tôi là hương hay là xạ mà tôi nghĩ tôi là tôi, và đến lúc nào đó những ý nghĩ của tôi có giá thì cuộc đời sẽ ý thức được giá trị của mình. Không sốt ruột được. Bởi vì nếu định làm giá thì chỉ sau một đêm là chúng ta có cây, nhưng để trồng một cây cổ thụ thì phải kiên nhẫn. Tôi không định biến mình thành cái giá nên tôi không sốt ruột.

Hỏi: ông suy nghĩ về thời cuộc, về Chính phủ, về Đảng?

Trả lời: Tôi nghĩ là Đảng ta đang chuẩn bị để đi qua một cuộc giải phẫu quan trọng. Những tiền đề của những đòi hỏi như vậy từ phía xã hội là đã có. Vế Chính phủ thì không nên sốt ruột. Bởi vì Chính phủ là hiện thân của Đảng, cho nên không thể phê phán Chính phủ trong giai đoạn hiện nay được. Chính phủ phải làm những việc mà chính phủ cũng chưa chắc nghĩ hay khẳng định đấy là có lý. Chính phủ là một đối tượng hoàn toàn bị động về mặt chính trị, cho nên đừng sốt ruột và đừng phê phán Chính phủ. Tôi có nói trong một bài trả lời phỏng vấn của báo chí là trong khi những nhà lãnh đạo cấp tiến của chúng ta đang tìm cách để thoát ra khỏi sức hút của lịch sử thì việc chê họ, bình luận về họ đôi khi là bất nhẫn. Cẩn phải kiên nhẫn chờ đợi những thay đổi tích cực, những sự hoàn thiện từ phía họ. Người Việt chưa có kinh nghiệm trong việc điều hành một xã hội hiện đại, họ mới đang phấn đâu, mà phấn đấu như hiện nay là tương đối tích cực, cho nên không có gì phải sốt ruột cả. Chúng ta không thể biến một đất nước lạc hậu sau một đêm trở thành một đất nước hiện đại được, chúng ta cũng không thể chờ đợi sau một đêm Chính phủ trở thành một Chính phủ hợp lý được. Tất cả những chuyện đấy lệ thuộc vào hai thứ: sự phát triển của trí tuệ nhân dân và sự đổi mới về chính trị của những người cộng sản. Đấy là hai yếu tố quy định sự thành bại của đất nước chúng ta. Nhân dân mà không thức tỉnh, không năng động, không tích cực thì không chủ động. Còn Đảng không đổi mới thực sự mà chỉ đối mới trên lời nói thì không thể có một đất nước tiến bộ được.

Hỏi Nhưng liệu đổi mới có diễn ra không? Nhân sự của chúng ta có thực hiện được nhiệm vụ này không?

Trả lời: Nếu chúng ta không thật sự đổi mới về thể chế chính trị, không thật sự đổi mới cái cốt lõi chính trị bên trong đời sống của Đảng thì nhân sự nào cũng thế thôi. Chúng ta cứ nói thủ tướng này dở hơn thủ tướng kia, nhưng thực ra không phải. Tôi hoàn toàn thông cảm với các khó khăn của Thủ tướng Chính phủ, tôi hoàn toàn thông cảm với những vấn đề của Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, tôi hoàn toàn thông cảm với những vấn đề của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi vì xã hội chúng ta đang nằm trong một trạng thái do dự, trạng thái phân vân chính trị. Nếu tôi mà làm thủ tướng thì tôi không thể làm gì hơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được, bởi vì Thủ tướng không phải là tất cả, Tổng Bí thư cũng không phải là tất cả. Vấn đề là giới tri thức Việt Nam, nhân dân Việt Nam phải đi tìm cho họ một cách tiếp cận hợp lý hơn.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất của nhân lực

    27/05/2015Hải Lan (Thực hiện)"Chuyên môn không phải là tất cả sự hấp dẫn của con người. Giá trị văn hoá, hiểu biết văn hoá, sự duyên dáng trong hành vi cũng như ứng xử của các bạn chiếm vào khoảng 50% giá trị thương mại của các bạn. Trình độ chuyên môn chỉ có giá trị khoảng 15% khi các bạn tìm công việc". Kinh nghiệm của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt...
  • Cảm giác bất an

    11/11/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupBất an là một cảm giác, một trạng thái tâm lý bình thường của con người. Sẽ chẳng có gì là đáng bàn nếu nó xuất hiện ở một hoặc một vài cá nhân. Vấn đề cần nghiên cứu là cộng đồng, hay nói rộng hơn, xã hội sẽ đi về đâu khi bất an trở thành một trạng thái tâm lý phổ biến...
  • Không gian tinh thần - Đối thoại

    09/01/2021Nguyễn Trần BạtKhi nghiên cứu về sự phát triển của con người, tôi đã rút ra kết luận rằng sự phát triển của con người lệ thuộc vào hai yếu tố: Yếu tố thứ nhất là hoàn cảnh khách quan, được thể hiện tập trung bằng thể chế và luật pháp. Yếu tố thứ hai là trạng thái tự do bên trong của mỗi con người...
  • Những thực tế phổ biến

    16/11/2019Nguyễn Trần BạtCó một thực tế rất phổ biến trên thế giới hiện nay, đó là trạng thái thiếu tự do ở một bộ phận lớn của thế giới - các nước chậm phát triển. Đại bộ phận của thế giới đang ở trong trạng thái các năng lực của con người không đáp ứng được các đòi hỏi của thời đại mà nó tồn tại, tức là con người ở trạng thái thiếu tự do. Con người ở trạng thái thiếu tự do bởi vì nó không có tự do hoặc là nó bị kìm hãm không được quyền tiếp cận với tự do, cũng như nó được giáo dục để không hiểu hết các giới hạn mới của tự do...
  • Xây dựng nền văn hóa kinh doanh

    17/10/2019Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch HĐQT Investconsul GroupNhà thơ Chế Lan Viên có viết “Quá khứ không chỉ ở sau lưng, quá khứ còn ở trước mặt”. Một câu thơ không nổi tiếng lắm nhưng thật là thông thái: Chúng ta cần và phải nhìn lại tiến trình của lịch sử dân tộc nếu muốn tìm ra con đường phát triển đất nước cho tương lai. Lịch sử thật hào hùng, nhưng chúng ta không thể dừng lại mà phải từ lịch sử hào hùng đó đi lên, phải giành lấy một tương lai tươi sáng...
  • Sự tha hóa của cái Tôi

    16/06/2019Nguyễn Trần BạtỞ một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi tha hóa xảy ra rất phổ biến. Vậy có mối liên quan nào giữa sự tha hóa này với trạng thiếu tự do không? Theo quan điểm của tôi, chính sự thiếu tự do đã khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mất cân bằng và do đó tạo ra sự tha hóa của cái Tôi...
  • Con người là tiền đề của nền kinh tế năng động

    24/10/2018Nguyễn Trần BạtTính năng động của nền kinh tế quan trọng như thế nào trong điều kiện cạnh tranh, có lẽ không cần nhắc lại. Điều này được phản ánh phần nào trong thái độ của xã hội khi sử dụng tính từ "năng động" để nói về các doanh nhân giỏi hay trong tần số xuất hiện thường xuyên trên báo chí của cụm từ "chuyển đổi cơ cấu kinh tế". Tuy nhiên, thế nào là một nền kinh tế năng động và làm sao để đạt được tính năng động của nền kinh tế lại chưa được nghiên cứu phân tích thấu đáo...
  • Tham nhũng

    22/12/2017Nguyễn Trần BạtMột trong những hiện tượng tiêu cực chủ yếu của đời sống hiện đại cần phải chỉ ra là hiện tượng tham nhũng. Tham nhũng đang trở thành một nguy cơ, một hiện tượng phổ biến ở những nước đang phát triển...
  • Chúng ta chưa có con ngựa văn hóa để cưỡi

    09/07/2017Nguyễn Trần BạtHiện tượng bùng nổ do những trạng thái phát triển mới về tự do không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Khai sáng là những thời kỳ làm bùng nổ rất nhiều tài năng. Những trạng thái bùng nổ tinh thần tạo ra sự bùng nổ các tài năng là một hiện tượng có thật. Ở Việt Nam cũng có nhiều lúc như vậy....
  • Tôi vẫn giữ được sự thưa thầy

    25/11/2016Nguyễn Trần Bạt... chỉ có những thầy cô giáo gợi cho ông những "sự cao thượng, sự cao quý đẹp đẽ của họ, đấy là tấm gương gợi cho tôi về đức hạnh về trí tuệ, và sự chân thật"...
  • Tính minh bạch

    01/07/2016Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupMinh bạch là một trong những nguyên lý quan trọng nhất để khẳng định sự lành mạnh của cả thể chế lẫn xã hội...
  • Dù mưa, xin cứ ra đường!

    23/06/2016Nguyễn Trần BạtNếu khủng hoảng là một cơn mưa, tại sao ta không đi xuyên qua nó và tìm những cơ hội cho mình? Khủng hoảng sẽ ra đi và sẽ quay trở lại
  • Khái niệm tự do

    06/04/2016Nguyễn Trần BạtTừ xưa đến nay, tự do luôn là một khái niệm bí ẩn và trừu tượng đối với con người. Đúng như tên gọi, tự do không chịu khuôn mình vào bất kỳ chiếc khung nào, ngay cả trong những nỗ lực của các nhà triết học, các nhà khoa học ở mọi thời đại nhằm mô tả và lý giải khái niệm tự do. Có lẽ vì thế, cho đến nay, tự do là cái gì đó quen thuộc mà vẫn xa lạ đối với con người...
  • Kinh tế tư nhân và các giá trị chân chính của nó

    23/03/2016Nguyễn Trần BạtThực ra kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân không bao giờ là mục đích của nhân loại, nó chỉ là phương tiện để con người phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Trong quá trình phát triển của mình, kinh tế tư nhân ngày nay đã trở thành một phương tiện cực kỳ hiệu quả để phát triển kinh tế, xã hội...
  • Những vấn đề của kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển

    21/03/2016Nguyễn Trần BạtSẽ rất sai lầm nếu chúng ta cho rằng kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi không còn gì phải bàn. Khác với các nước phát triển là nơi khu vực kinh tế tư nhân có sức mạnh khổng lồ và ưu thế tuyệt đối, nó có đủ sức để thoát khỏi sự trói buộc của chính trị...
  • Lộng hành

    16/11/2015Nguyễn Trần BạtSự lộng hành của các khuynh hướng chính trị luôn ám ảnh nhân loại suốt từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Lộng hành chính là kết quả của việc một khuynh hướng chính trị, khuynh hướng tư tưởng, khuynh hướng văn hoá, khuynh hướng tôn giáo không được kiểm soát và không được cân bằng bởi những khuynh hướng khác...
  • Nhìn thẳng

    13/10/2015Nguyễn Trần BạtTôi thấy những nghiên cứu về giới doanh nhân Việt Nam, xét về mặt khoa học, còn chưa rõ ràng và chưa nhất quán. Ví dụ, hiện nay, xã hội chưa nhất trí rằng các giám đốc doanh nghiệp nhà nước cũng là doanh nhân khi định nghĩa doanh nhân là người bỏ tiền ra để kinh doanh và mục tiêu là vì lợi nhuận...
  • Hạnh phúc

    20/09/2015Nguyễn Trần BạtHạnh phúc có phải là một trạng thái tinh thần nhất thời của con người và có đơn giản chỉ là sự thỏa mãn các đòi hỏi hay không? Bản chất của hạnh phúc thật sự là gì? Trước những cuộc khủng bố liên tiếp xảy ra trên khắp thế giới vào những năm gần đây, chúng ta buộc phải đặt câu hỏi: loài người có thật hạnh phúc không? Vì thế, tôi muốn truy đuổi khái niệm hạnh phúc để tìm ra đâu là yếu tố cơ bản tạo nên hạnh phúc của con người...
  • Sự lạc hậu về văn hóa của thế giới thứ ba

    13/04/2015Nguyễn Trần BạtThế giới thứ ba lạc hậu về mặt văn hóa là một kết luận không thể phủ nhận. Đó là những nền văn hóa cát cứ, khép kín, một số còn tự mãn. Sự lạc hậu về mặt văn hóa ru ngủ xã hội bằng quá khứ và bằng sự an phận với hiện tại...
  • Sự hình thành trong im lặng của văn hóa

    09/04/2015Nguyễn Trần BạtPhải nói rằng đất nước chúng ta mới mở cửa được 20 năm và không phải lớp người nào cũng nhận được lợi ích từ Văn hóa Việt, vì thế mọi người đều vội vã đi tìm những cái cho mình trong đời sống, và do đó chúng ta nhìn thấy sự vội vã...
  • Góp vốn tự do

    18/10/2014Nguyễn Trần BạtCon người thường mặc nhiên thừa nhận không gian tự do bên trong và không gian tự do bên ngoài bản thân mình là rất trừu tượng, nhưng thực ra không phải vậy. Không gian tự do bên trong chính là đời sống tinh thần của mỗi con người. Còn không gian tự do bên ngoài phản ánh tự do của người dân đối với nhà cầm quyền, tự do của con người đối với nhau, và tự do trong sự tương tác giữa các lực lượng xã hội.
  • Chính trị học của tự do

    17/10/2014Nguyễn Trần BạtTự do là cách thức giải phóng con người ra khỏi sai lầm, định kiến, quá khứ, tự do làm thay đổi một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia để bắt đầu chặng đường phát triển của chính nó. Khích lệ nhu cầu tự do của con người là một trong những khích lệ nhân văn nhất. Những ai ngăn cản tự do, những ai từ chối tạo điều kiện để con người tự do thì đó là kẻ chống lại loài người...
  • Sân golf và bài toán yên dân

    20/09/2014Nguyễn Trần Bạt“Khi lấy yên dân làm mục tiêu thì ta sẽ lựa chọn được những yếu tố thích hợp cho sự phát triển. Yếu tố nào không làm phương hại đến nhân dân, không loại bỏ đại bộ phận những người lao động, vừa thoả mãn được sự tiên tiến của đòi hỏi thế giới mà vẫn khuyến khích, dìu dắt được sự phát triển năng lực của người Việt thì là yếu tố thích hợp cho Việt Nam.”
  • Bàn về "những giá trị sống"

    13/07/2014Nguyễn Trần Bạt... rất mong ông trò chuyện giúp người trẻ suy nghĩ, nhìn nhận lại, đặt lại vấn đề về các giá trị nền tảng nhất cho cuộc sống. Mong ông cùng chia sẻ với độc giả về những điều họ cũng đang nghĩ, đang đi tìm và có thể chưa tìm ra hoặc tìm sai cho mình...
  • Phản biện xã hội

    12/07/2014Nguyễn Trần BạtQuan sát cuộc sống chúng ta có thể thấy phản biện là một hoạt động diễn ra hàng ngày. Phản biện là một nhu cầu của cuộc sống bởi nhờ có nó con người có thể loại bỏ những yếu tố sai để tiệm cận tới sự hợp lý trong các quyết định, các hành vi của mình. Trong đời sống xã hội phản biện là một công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ...
  • Lại bàn về những giá trị sống

    19/06/2014Nguyễn Trần BạtAnh là một mẫu mực, giống như cách anh nói, anh muốn đi tìm hiểu đời sống tinh thần của những người thành đạt, những người nổi tiếng để hiểu thêm họ như một cái gì đó để hướng theo. Anh vẫn nói là không muốn trở thành một người giảng dạy chuyên nghiệp, nhưng đối với tôi và đối với những giáo viên ở khoa chúng tôi cũng như các sinh viên ở đây thì anh vẫn là một người thầy...
  • Cải cách giáo dục - Điểm hội tụ của tất cả các cuộc cải cách

    21/05/2014Nguyễn Trần BạtCuộc sống nối tiếp nhau bằng các thế hệ và thế hệ đi trước chuẩn bị cho thế hệ sau bằng con đường giáo dục. Hay nói cách khác, sứ mệnh quan trọng của giáo dục là chuẩn bị lực lượng cho tương lai. Đó có thể là việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của lực lượng kinh tế mới, lực lượng chính trị mới hay con người mới nói chung...
  • Biện chứng của quá khứ

    20/05/2014Nguyễn Trần BạtHiện tượng bị quá khứ hấp dẫn là hiện tượng phổ biến trong đời sống nhân loại, trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội. Các dân tộc đều khó chia tay với quá khứ và dân tộc nào cũng có những dấu hiệu đặc trưng cho quá khứ của mình. Tại sao quá khứ lại hấp dẫn và quan trọng đối với loài người như vậy? Sự hấp dẫn của quá khứ là do chính nó hay do con người bất lực và chỉ biết kéo lê quá khứ của mình đến tương lai?
  • Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa

    18/04/2004Nguyễn Trần BạtMỗi một dân tộc đều tranh luận với các dân tộc khác về hệ thống giá trị, về định nghĩa con người của mình mà không dịch chuyển đến cái ngưỡng của nó. Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, trên thế giới xuất hiện một trào lưu mới, một hiện tượng văn hóa mới và rộng lớn, đó là hiện tượng toàn cầu hoá. Hiện tượng này đã phá vỡ từng mảng một sự cát cứ về tinh thần trên toàn thế giới...
  • Toàn cầu hóa chênh lệch giàu nghèo

    15/04/2014Nguyễn Trần BạtTrên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đối với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng...
  • Tự do sinh ra con người

    21/03/2014Nguyễn Trần BạtCó nhiều cách lý giải về nguồn gốc hình thành con người, nói đúng hơn là quy luật hình thành các giá trị con người. Tôi cho rằng, con người được sinh ra bởi hai quy luật: quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Quy luật tự nhiên là quy luật sinh học, còn quy luật xã hội là quy luật của tự do. Không phải quy luật tự nhiên sinh ra con người thì đó đã là con người theo đúng nghĩa. Chính tự do sinh ra tất cả các quyền làm người, tự do hoàn thiện con người...
  • Cải cách kinh tế với vai trò tiên phong

    14/03/2014Nguyễn Trần BạtBất kỳ chương trình cải cách nào cũng phải bắt đầu từ kinh tế. Khi những nhu cầu vật chất tối thiểu của con người chưa được đảm bảo thì không thể nói đến những lợi ích cao hơn hay đặt ra những vấn đề cao hơn. Hơn nữa, con người bao giờ cũng dễ dàng nhận thức về những lợi ích vật chất cụ thể hơn nhiều so với những lợi ích tinh thần...
  • Hiện đại hóa lối sống

    20/09/2013Nguyễn Trần BạtViết về những yếu tố cản trở đến quá trình phát triển, người ta thường nói đến thể chế, chính sách... Theo chúng tôi, nói thế không sai, nhưng chưa đủ. Có một nguyên nhân rất quan trọng và rất sâu xa khác, đó là những mặt tiêu cực của truyền thống văn hoá, trong đó đặc biệt phải kể đến lối sống. Việc nghiên cứu ảnh hưởng của lối sống đối với phát triển đòi hỏi có những công trình khoa học...
  • Về sự suy thoái của khoa học

    14/09/2013Nguyễn Trần BạtSự suy thoái của khoa học và những phương pháp nghiên cứu của nó không phải là điều hoàn toàn mới mẻ. Khoa học là tư duy dựa trên các khái niệm, điều đó ai cũng biết. Nhưng đời sống xã hội phát triển nhanh đến mức các khái niệm lạc hậu dần, và trong thời đại ngày nay, chúng lạc hậu từng ngày so với đời sống...
  • Tính lạc hậu tương đối của văn hóa và tính tất yếu phải cải cách văn hoá

    11/09/2013Nguyễn Trần BạtVới tư cách là sản phẩm của quá khứ, văn hóa không thể tự mình tạo nên những kinh nghiệm mà con người chưa từng trải qua. Chính điều đó tạo ra tính lạc hậu của văn hóa so với sự phát triển của cuộc sống...
  • Những di sản của một cuộc giải phóng nửa vời

    13/04/2011Nguyễn Trần BạtPhong trào giải phóng dân tộc không nhất thiết phải được lãnh đạo bởi một lực lượng hoặc một xu hướng chính trị duy nhất. Mục đích cuối cùng của phong trào giải phóng dân tộc là các dân tộc được giải phóng...
  • Những yêu cầu đặt ra đối với thế giới thứ ba

    04/12/2010Nguyễn Trần BạtNhiều nước thế giới thứ ba đã thực hiện một số chương trình đổi mới và cải cách và đã đạt được một số thành công, nhưng rõ ràng vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Theo tôi, nguyên nhân căn bản và mang tính quyết định là hầu hết các nước này vẫn chưa có một nhận thức đúng, một thái độ quyết liệt đủ để tạo ra những cuộc cải cách hiệu quả. Những thành công mới chỉ dừng lại ở những đợt tăng trưởng ngắn hạn, trong khi gốc rễ của vấn đề chưa được giải quyết....
  • Không có sự phát triển nào đi trước tự do

    16/11/2010Nguyễn Trần BạtNếu không hiểu bản chất của sự phát triển, chúng ta không thể hiểu được giá trị của tự do và công nghệ sử dụng tự do. Tại sao chúng ta lại cần tự do? Và tự do có phải là một thứ xa xỉ không? Đấy là một vấn đề cần phải được thảo luận rất nghiêm túc.
  • Phát triển khu vực kinh tế nhà nước

    27/10/2010Nguyễn Trần BạtCác doanh nghiệp nhà nước từ lâu nay vẫn được coi là thành phần chủ đạo trong các nền kinh tế đang chuyển đổi. Ở Việt Nam và cả Trung Quốc, thực ra cái gọi là "vai trò chủ đạo" này chưa bao giờ có thực...
  • Vấn đề xây dựng mô hình kinh tế

    13/10/2010Nguyễn Trần BạtTrong một thời gian dài, vấn đề lựa chọn các mô hình kinh tế được đặt ra một cách sôi nổi, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đang phát triển và các quốc gia chuyển đổi. Không những thế, việc lựa chọn các mô hình kinh tế sao cho phù hợp với những đặc điểm riêng của từng quốc gia được xem như là biểu tượng của sức sáng tạo và quyền tự quyết của quốc gia...
  • Thể chế lạc hậu và căn bệnh thành tích

    24/09/2010Nguyễn Trần BạtChúng ta đều biết rằng, theo logic thông thường, một thể chế tốt sẽ tạo ra thành tích và một thể chế bất hợp lý sẽ không tạo ra thành tích. Tuy nhiên, trên thực tế, một số thể chế bất hợp lý vẫn tạo ra thành tích. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?
  • Tính trễ của cải cách chính trị

    18/08/2010Nguyễn Trần BạtTính trễ của cải cách chính trị là trạng thái không đồng bộ của quá trình cải cách, trong đó hệ thống chính trị có xu hướng bảo lưu các đặc tính đã trở nên lạc hậu trước thực tế đời sống xã hội...
  • Tập đoàn nhà nước và cỗ xe kinh tế Việt Nam

    30/06/2010Nguyễn Trần BạtNền kinh tế VN hiện nay được vận hành như một cỗ xe ngựa. Cỗ xe ấy phải loại bỏ những yếu tố đã quá lạc hậu để tạo điều kiện cho con ngựa chạy với tốc độ phát triển mà đời sống đòi hỏi. Ngược lại, con ngựa cũng phải lường hết được những "ổ gà" trên đường...
  • Có hay không chuyện “thế giới phẳng” hay “Việt Nam phẳng”?

    15/01/2010Nguyễn Trần BạtCụm từ “Thế giới phẳng” giờ được dùng ở nhiều nơi như mốt thời thượng về một tương lai, nơi đó, xã hội bình đẳng về cơ hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng ngắn. Trong cuộc trao đổi này, ông Bạt nêu câu hỏi: "Có hay không chuyện “thế giới phẳng” hay “Việt Nam phẳng”?
  • Góp ý bài phỏng vấn "bàn về giá trị sống"

    28/12/2009Lâm Kim ThànhTrong bài trả lời phỏng vấn của bác Nguyễn Trần Bạt vào ngày 07/06 /2009 về việc bàn về những giá trị sốngxin mạn phép chia sẻ ý kiến riêng kể cả đồng ý và phản đối quan điểm của bác...
  • Cường quốc và vai trò lãnh đạo thế giới

    22/12/2009Nguyễn Trần BạtLãnh đạo, là việc xúc tiến sự đồng thuận nhằm đạt được các mục tiêu chính trị - xã hội, nói cách khác, đó là việc tìm kiếm sự chấp nhận đối với hệ thống giá trị của mình như những quy tắc lẽ phải của đời sống, nhằm giải quyết những xung đột và điều hoà lợi ích giữa các quốc gia. Khác với nô dịch về mục đích và phương thức tiến hành, lãnh đạo là một hoạt động nghệ thuật và khoa học...
  • Từ thế giới thứ ba đến một thế giới thứ hai rưỡi hay dân chủ hóa như là cuộc giải phóng thứ hai

    01/12/2009Nguyễn Trần Bạt...một khi các dân tộc giành được độc lập của mình, các nhà nước dân tộc sẽ xuất hiện với cấu trúc chính trị và chất lượng chính trị hoàn toàn khác nhau, với những xã hội cũng khác nhau...
  • Bàn về "những giá trị sống"

    29/11/2009Nguyễn Trần Bạt...một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư duy của con người chính là lợi ích. Người không làm chủ các tư duy lợi ích, không thiết kế được công nghệ tư duy lợi ích và không biến tư duy lợi ích thành một nghệ thuật sống là người không có bản lĩnh trên thực tế...
  • Bàn về "những giá trị sống"

    25/11/2009Nguyễn Trần BạtTrong quyển "Cội nguồn cảm hứng" tôi có nói rằng Tự do sinh ra con người, không có tự do thì không có con người và tôi đưa ra cả khái niệm tiền con người. Tôi thảo luận với rất nhiều GS trên thế giới về khái niệm tiền con người và rất nhiều ông tá hỏa lên hỏi tôi rằng "Liệu ông có xúc phạm đến một số quá đông không? Bởi vì theo tiêu chuẩn của ông thì thế giới này chưa được 1/3 loài người là con người?"...
  • Suy tưởng cùng Ông Nguyễn Trần Bạt về “Tự do”

    21/10/2009Thư NgânCon người sinh ra có quyền Tự do. “Tự do” – hai tiếng ngọt ngào – đã khiến con người mất bao sức lực và cả máu để mong giành được nó và đâu đó đã tưởng giành được nó. Nhưng tiếc thay, “Tự do” đâu có phải là một thực thể để dễ dàng chiếm giữ!
  • Công chức bỏ việc - tín hiệu tốt của xã hội dân sự

    01/10/2009Nguyễn Trần BạtCán bộ là một danh hiệu hết sức quan trọng. Những người làm cán bộ ngày xưa ở các phường, xã được miễn dịch nhiều thứ, không bị săm soi, không bị phân loại và không bị quản lý. Nhưng từ khi chúng ta thay từ cán bộ thành công chức thì dường như chúng ta cũng thay đổi luôn các quan điểm rất truyền thống của khái niệm cán bộ...
  • Bàn về tính đồng thuận xã hội

    17/09/2009Nguyễn Trần BạtĐồng thuận xã hội luôn là mục tiêu của bất kỳ nhà nước, bất kỳ chính thể nào. Đồng thuận xã hội trước hết và quan trọng nhất phải là kết quả của sự đồng thuận về nhận thức. Trong thời đại ngày nay, khi hợp tác trở thành nội dung triết học cơ bản của đời sống hiện đại, đồng thuận trở thành lý thuyết về tầm nhìn trong xây dựng cấu trúc xã hội tương lai. Đồng thuận xã hội là sự tự giác thống nhất về cả ba mặt kinh tế, chính trị, văn hoá...
  • Văn hóa và Phát triển

    13/09/2009Nguyễn Trần BạtMặc dù có nội dung rộng lớn và phức tạp, văn hoá về cơ bản là một cấu trúc gồm: Tri thức, tín ngưỡng, đạo đức, truyền thống, pháp luật, thẩm mỹ và lối sống. Việc phân tích kỹ lưỡng cấu trúc của văn hoá vượt quá khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ xin điểm qua ba thành tố quan trọng là tri thức, thẩm mỹ và lối sống...
  • Báo chí cần làm gì cho nền kinh tế?

    08/09/2009Nguyễn Trần BạtTrong những năm đổi mới vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể với tốc độ tăng trưởng khá cao, vào khoảng 7% trong vòng 15 năm, giúp Việt Nam tăng gấp đôi thu nhập bình quân. Nhưng chúng ta cần phải phân biệt giữa những thành tích của nền kinh tế với những thành tích của các doanh nghiệp, giữa những thành tích về lượng và những thành tích về chất...
  • Hồ Chí Minh - cuộc đời như một thông điệp

    02/09/2009Nguyễn Trần BạtHồ Chí Minh là nhà chính trị hiếm hoi đã làm việc ở cương vị cao nhất không nhiệm kỳ và không hề suy thoái chính trị cho đến hơi thở cuối cùng. Cuộc đời Người, những giá trị tinh thần bất tử của Người là tài sản vô giá của dân tộc. Đó không chỉ là một chân trời bao la cho các công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc mà còn cho chúng ta những bài học bổ ích trong việc củng cố nền văn hoá chính trị Việt Nam...
  • Nguyễn Trần Bạt: Viết vì sự tiến bộ

    24/08/2009Chử HàDù biết ông từ lâu nhưng khi "ngốn" gần hết 2 cuốn sách gồm những bài viết, bài nói chuyện và trả lời phỏng vấn của ông đăng trên các báo và tạp chí mới thấy giật mình phát hiện một Nguyễn Trần Bạt khác, một dòng chảy tinh thần với những giá trị mới rất cần cho một Việt Nam hội nhập. Đúng như sự khao khát của tác giả: "Viết vì sự tiến bộ"!
  • Hành trình đi tìm tự do

    17/07/2009Nguyễn Trần BạtThế giới đã đi qua nhiều chặng đường phát triển, nhưng có thể nói, những thành tựu của khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn vẫn chỉ dành cho gần một phần ba nhân loại. Hai phần ba còn lại của nhân loại vẫn đang phải vật lộn với cuộc sống để tồn tại. Đó là những con người thiếu tự do, và vì thiếu tự do nên họ lâm vào tình trạng nghèo đói, lạc hậu và không phát triển được...
  • Văn hóa gia đình

    28/06/2009Phóng viên O2TV thực hiệnGia đình là một khái niệm động, gia đình không phải là những bữa ăn đầm ấm, gia đình không phải là những buổi picnic hấp dẫn đối với người xem. Nếu gia đình là một vở kịch để người khác xem cho đẹp mắt thì gia đình ấy chắc chắn không bền vững và không hữu ích.
  • Cội nguồn cảm hứng

    17/06/2009Bùi Quang MinhĐến nay, còn rất nhiều người chưa đạt tới trình độ nhận thức rằng tự do là nền móng để họ trở thành Con Người, là trình độ làm người ở mức cao nhất. Do truyền thống, do mức muộn mằn tiếp cận khái niệm tự do, do tư duy ấu trĩ chưa được tự do soi rọi vào cuộc đời mình, mà số đông chúng ta không tự trau dồi về tự do, không phát hiện ra hiện tượng nào quanh ta tự do không được coi trọng, thiếu tự do. Cũng không thiếu người bị chà đạp lên tự do, mất quyền cơ bản của mình mà không mảy may nhận ra, phản ứng lại...
  • Tranh cãi về học phí sẽ không đi tới đâu!

    02/06/2009Linh Thủy (PV báo Vietnamnet) thực hiện“Tất cả những chuyện tranh cãi như về học phí là không đi đến đâu. Không thu phí thì không phát triển sự nghiệp giáo dục được vì không có tiền, nhưng mà tiền thu rồi có còn hay không, được dùng vào việc gì không ai biết được.” – Chuyên gia tư vấn Nguyễn Trần Bạt.
  • Việt Nam với chiến lược xây dựng hai nền kinh tế

    01/03/2009Nguyễn Trần BạtHiện tượng khủng hoảng kinh tế vừa rồi của thế giới chính là hiện tượng mà các nền kinh tế bản thể bị nhổ rễ ra khỏi lợi ích của những con người cư trú trong các vùng lãnh thổ. Việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam phải là kết quả của việc xây dựng đồng thời cả nền kinh tế bản thể và nền kinh tế phát triển, vai trò của Nhà nước là phải cân đối tỷ lệ hợp lý của hai nền kinh tế này...
  • Tận nhân lực, tri thiên mệnh

    12/02/2009Thượng Tùng thực hiệnNguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group, thường được nhắc đến như người sáng lập ra công ty tư vấn đầu tiên ở Việt Nam. Có lẽ ông cũng là một trong không nhiều người mạnh dạn rời bỏ môi trường nhà nước từ trước Đổi mới. Ở tuổi 63, người đàn ông này vẫn rất khang kiện, vẫn làm việc miệt mài...
  • Khủng hoảng kinh tế thế giới và những nhiệm vụ của năm 2009

    09/01/2009Nguyễn Trần BạtTrong thời đại đã toàn cầu hoá ngày nay, không quốc gia nào có quyền nói về những hiện tượng phát triển của mình mà không quan tâm, không phân tích hiện tượng tương đương của thế giới. Phải nói rằng, cho đến phút này, giới học giả và chính phủ trên thế giới chưa hình dung được đầy đủ cơ cấu của hiện tượng khủng hoảng kinh tế...
  • Cải cách giáo dục Việt Nam

    27/12/2008Nguyễn Trần BạtCó thể nói, câu chuyện tưởng như không bao giờ hết tính thời sự và luôn được bàn nhiều trong xã hội Việt Nam vẫn là cải cách giáo dục. Đấy là một dấu hiệu tốt cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhưng nhìn ở góc độ khác...
  • Bình luận về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2008

    13/11/2008PV Vietnamnet phỏng vấn ông Nguyễn Trần BạtNước Mỹ là một vấn đề của thế giới, nó ảnh hưởng một cách trực tiếp, một cách sống còn trước hết đến nền kinh tế thế giới và sau đó là ảnh hưởng đến các khuynh hướng chính trị của thế giới. Đấy là một thực tế khách quan, bất chấp việc chúng ta thích hay không thích nước Mỹ, thích hay không thích tổng thống mới của nước Mỹ thì chúng ta cũng buộc phải nghiên cứu chuyện này.
  • Địa vị của nền kinh tế Hoa Kỳ và các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Obama

    13/11/2008PV Vietnamnet phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt"Tất cả các giải pháp về nền kinh tế Hoa Kỳ trước hết phải bắt đầu bằng việc tổ chức lại nền kinh tế tài chính của Hoa Kỳ, việc này không chỉ đơn thuần là xây dựng lại một số chính sách trước mắt." - Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet ngày 6/11/2008
  • Võ Văn Kiệt - Người mang khát vọng lắng nghe

    04/08/2008Thảo Lam - Linh Thủy (ghi)"Có rất nhiều điều để nói về ông - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng điều ấn tượng nhất của tôi là ông có khát vọng lắng nghe như một người khát thông tin, khát ý kiến của người khác đối với các vấn đề mà mình quan tâm. Và ông đem nhốt vào đời sống tinh thần của mình những vấn đề sống còn của đất nước để mà suy nghĩ, trăn trở".
  • Cải cách văn hóa

    13/05/2008Nguyễn Trần BạtSự không phát triển về mặt con người không chỉ thể hiện ở sự lạc hậu về chính trị, kinh tế mà còn cả môi trường văn hoá. Nếu văn hóa chưa được giải phóng, tức là vẫn tồn tại nền văn hóa không thích ứng với sự phát triển thì dân tộc đó vẫn là nô lệ của chính họ...
  • Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành

    25/04/2008Minh ChâuGiá cổ phiếu và TTCK Việt Nam đang đứng trước những thử thách cam go, ông Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Invertconsult Group đặt ra vấn đề...
  • Đổi mới, cải cách và cách mạng

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtThời đại trước, phương pháp lãnh đạo bằng cách mạng đã từng đóng một vai trò rất quan trọng, thậm chí một số nước còn tuyệt đối hóa vai trò của nó trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội. Thế giới ngày nay đã có những thay đổi cơ bản và việc lãnh đạo bằng phương pháp cách mạng không còn phù hợp nữa, cần phải phát triển bằng một phương pháp lãnh đạo mới, phương pháp lãnh đạo phi cách mạng...
  • Cải cách: Bản chất và mục tiêu

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtTrước hết, phải khẳng định, bản chất của cải cách là chủ động hay cải cách là hoạt động chủ động của con người. Cải cách chính là một chương trình mà con người xây dựng để chủ động tác động lên tiến trình phát triển của cuộc sống. Khi nhu cầu xã hội, nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi phải cải cách...
  • Những thay đổi trong quan niệm về phát triển

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtTrong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến những bước thay đổi căn bản về quan niệm phát triển. Khi sự phát triển còn ở vào giai đoạn tốc độ thấp, những vấn đề toàn cầu chưa xuất hiện. Ngày nay, khi tốc độ phát triển đã tăng vọt, những biến đổi vũ bão của thế giới đã và đang kéo theo những vấn đề toàn cầu như chênh lệch giàu nghèo, vấn đề sinh thái, an ninh toàn cầu... đòi hỏi nhân loại phải chung sức giải quyết.
  • Cải cách vì mục tiêu phát triển bền vững

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtLý do quan trọng nhất khiến chúng ta phải chấm dứt phương pháp lãnh đạo cách mạng, đó là trái đất không còn đủ nguồn năng lượng sống để lãng phí đến mức tiêu dùng cho những cuộc cách mạng. Những thay đổi trong quan niệm về phát triển ở trên đã chứng minh điều đó. Các nhà nước và các chính phủ, hơn ai hết phải nhận ra tầm quan trọng của hoạt động lãnh đạo để tạo ra sự phát triển bền vững và chân chính...
  • Đặt vấn đề về các cuộc cải cách

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtBất kỳ xã hội nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ đòi hỏi phải đổi mới và cải cách. Tuy nhiên, đối với các quốc gia đang phát triển, cải cách đang là một nhiệm vụ cấp bách hơn cả. Chúng ta đều biết rằng, thuật ngữ "cải cách" xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử nhưng trong hai thập kỷ qua, thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt khi nói đến những quốc gia đang chuyển mình hướng tới hệ thống kinh tế định hướng thị trường trong bối cảnh đời sống chính trị ngày càng cởi mở hơn...
  • Quan hệ giữa phát triển quốc gia và phát triển toàn cầu

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtCải cách hiện nay là công việc cần thiết đối với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, trọng tâm của cuốn sách này là bàn về sự cần thiết phải cải cách đối với các nước thế giới thứ ba, vì thế giới thứ ba là bộ phận lạc hậu và nơi đang tiềm ẩn các nguồn lực hủy hoại chủ yếu hiện nay...
  • Về khái niệm tính đồng bộ và sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtKhông ít người cho rằng, đồng bộ là bản chất của cuộc sống nhưng tôi thì không. Cuộc sống không đồng bộ, không có cái gọi là sự đồng bộ của cuộc sống, nếu có thì chúng ta phải dùng từ "đồng bộ" để nói đến sự phát triển tự nhiên của cuộc sống. Cuộc sống là đa dạng. Đối với cuộc sống thì đó là tính cân bằng chứ không phải tính đồng bộ...
  • Đảm bảo tính đồng bộ của các cuộc cải cách

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtBản chất của việc xây dựng chương trình cải cách thể hiện về mặt hình thức ở chính tính đồng bộ của cải cách. Sự đồng bộ của các cuộc cải cách không có nghĩa là đồng thời, vì các cuộc cải cách này có quan hệ chặt chẽ, tác động và hỗ trợ lẫn nhau, làm tiền đề hoặc bảo trợ cho nhau trong một chương trình cải cách tổng thể...
  • Xây dựng hệ tiêu chuẩn cải cách

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtTất cả các cuộc cải cách đều có tiêu chuẩn và mục tiêu của nó. Các cuộc cải cách đều nhằm vào sự phát triển, nhưng mục tiêu cuối cùng chính là tự do vì chỉ có tự do mới đem lại sự phát triển thực sự. Thước đo sự thành công của các cuộc cải cách, do đó, chính là mức độ giải phóng con người, sự tiệm cận tới tự do của con người...
  • Toàn cầu hóa và những thay đổi của thế giới hiện đại

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtNói về thế giới hiện đại với những đòi hỏi có tính toàn cầu đối với mọi quốc gia không thể không đặt một câu hỏi có tính chất cốt lõi, đó là thời đại mà chúng ta đang sống có những đặc điểm chủ yếu nào?
  • Tốc độ đổi mới của thế giới hiện đại

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtThay đổi nhanh chóng và không ngừng là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của thế giới hiện đại. Con người trong thời đại mới buộc phải không ngừng vận động để thích nghi với các thực thể khác...
  • Tính phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTrên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta nói nhiều đến hội nhập quốc tế trên tất cả các mặt của cuộc sống như là một điều kiện tiên quyết cho phát triển, một xu thế tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài...
  • Dân chủ hóa về chính trị

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtDân chủ hóa là xu thế tất yếu không chỉ của thế giới thứ ba mà của toàn nhân loại. Trong quá trình tương tác và cạnh tranh giữa các nền kinh tế, bản thân con người cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu và ngày càng khốc liệt. Giá trị cá nhân là sức cạnh tranh và sức cạnh tranh chính là nhân tố quan trọng nhất của một quốc gia...
  • Toàn cầu hoá, kinh tế thị trường và sự nghèo đói

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTrên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đói với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng...
  • Thế giới thứ ba và tự do thương mại

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTự do thương mại mang lại những lợi ích chung, tạo ra sự tiến bộ và phát triển của toàn nhân loại. Tuy nhiên, do đặc điểm và hoàn cảnh riêng của mình, các nước thế giới thứ ba còn nhận được nhiều lợi ích cụ thể to lớn khác...
  • Toàn cầu hóa về văn hoá

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtNgoài hai xu thế là dân chủ hóa về chính trị và tự do hóa về kinh tế còn có một xu thế lớn khác là toàn cầu hóa về văn hoá. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, người ta nói nhiều đến toàn cầu hóa nhưng chủ yếu là nói về khía cạnh kinh tế. Nói như thế là phiến diện, mặc dù nó có lý do lịch sử...
  • Cải cách kinh tế

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtThực tế đã và đang chỉ ra một cách rõ ràng là, nền kinh tế của các nước thế giới thứ ba đang tiềm ẩn những nguy cơ phải cải cách, cải cách triệt để. Nhiều người đặt vấn đề nếu tiến hành cải cách thì các nước này sẽ phải thay đổi những gì và cái giá phải trả là gì?
  • Những sai lầm trên quy mô hệ thống

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtKinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng cấu thành toàn bộ nền kinh tế. Nhiều quốc gia mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của hình thức kinh tế này và tích cực phát triển nó như một công cụ hiệu quả để phát triển kinh tế...
  • Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTại sao kinh tế Việt Nam nhỏ yếu nhưng lại không đổ vỡ sau khi hệ thống XHCN sụp đổ? Chúng ta có thể tìm ra lời giải đáp cho hiện tượng có vẻ kỳ lạ này ở kinh tế tư nhân. Trên thực tế, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đóng vai trò như chiếc phao an toàn hay là tấm đệm chống rủi ro khi kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng trong thập kỷ 80...
  • Sự chậm trễ của cải cách chính trị ở thế giới thứ ba

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtNguyên nhân của tình trạng chậm trễ và trì hoãn cải cách chính trị ở các nước thế giới thứ ba nằm ngay trong hệ thống chính trị của nó; thể chế chính trị ngày càng lạc hậu của thế giới thứ ba đang trở thành lực lượng kìm hãm sự phát triển ở khu vực này...
  • Thể chế lạc hậu và căn bệnh tham nhũng

    13/04/2008Nguyễn Trần Bạt
  • Xây dựng thể chế cho phát triển

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtMột thể chế lạc hậu chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển. Thế giới thứ ba với thể chế chính trị lạc hậu đang phải đối mặt với bài toán xây dựng thể chế. Vậy thể chế nào là tối ưu cho sự phát triển của thế giới thứ ba?
  • Nhà nước pháp quyền - Sản phẩm tất yếu của nền dân chủ chính trị

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTrước hết, phải khẳng định, mô hình nhà nước pháp quyền là mô hình nhà nước phổ biến và tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong hơn 200 quốc gia trên thế giới, đến nay, mới chỉ có một số nước tổ chức theo mô hình nhà nước pháp quyền, còn đại bộ phận các quốc gia vẫn chưa tổ chức theo mô hình này...
  • Phác thảo chương trình cải cách chính trị ở các nước thế giới thứ ba

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtĐể phát triển, các nước thế giới thứ ba buộc phải nhận thức ra rằng không thể tiếp tục trì hoãn cải cách thể chế, cải cách chính trị được nữa, nhất là trong bối cảnh dân chủ hóa là xu thế không thể đảo ngược như hiện nay...
  • xem toàn bộ