Nhà nước pháp quyền - Sản phẩm tất yếu của nền dân chủ chính trị

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:04 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008
Trước hết, phải khẳng định, mô hình nhà nước pháp quyền là mô hình nhà nước phổ biến và tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong hơn 200 quốc gia trên thế giới, đến nay, mới chỉ có một số nước tổ chức theo mô hình nhà nước pháp quyền, còn đại bộ phận các quốc gia vẫn chưa tổ chức theo mô hình này. Nhưng, thế giới đang tiến đến một nền dân chủ nên xét về phương diện nhà nước có thể nói, thế giới đang phấn đấu cho một nhà nước pháp quyền chứ nhà nước pháp quyền chưa phải là hiện tượng phổ biến. Ngay cả ở những nước tự cho mình có nền dân chủ lớn thì bản thân nhà nước pháp quyền vẫn là một vấn đề trăn trở, cần được cải tiến và nghiên cứu hàng ngày. Nhà nước pháp quyền không phải là một đối tượng tĩnh mà là một đối tượng động, có năng lực tự cải tiến để phù hợp với tình thế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, sự giác ngộ chính trị và trình độ dân trí.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó quyền lực của pháp luật là quyền lực duy nhất và cơ bản; nghĩa là, không phải quyền lực chính trị mà quyền lực pháp luật là quyền lực tối cao. Do đó, ở bất kỳ đâu nếu thừa nhận một đảng chính trị nào đó là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước thì điều đó đồng nghĩa rằng nhà nước ấy được lãnh đạo bởi chính trị chứ không phải bởi pháp luật. Nhà nước pháp quyền là sản phẩm của nền dân chủ về chính trị, tại đó con người tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị; đương nhiên, nếu con người tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị thì cộng đồng sẽ tự do trong việc lựa chọn các hình thái chính trị. Những quốc gia không tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị sẽ có nền chính trị đồng nhất, tại đó người ta chỉ thừa nhận những quan điểm duy nhất về mặt chính trị và do đó, sẽ rất khó xây dựng nền dân chủ. Nói về vấn đề nhà nước pháp quyền của Việt Nam, tôi cho rằng, chúng ta mới chỉ đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và cần phải thỏa mãn một số tiền đề quan trọng thì mới có thể hoàn thành công việc này.

Nhà nước pháp quyền chưa bao giờ là cái đích mà chỉ là công cụ hay phương tiện quản lý xã hội. Marx nói rằng, nhà nước sẽ biến mất khi không còn giai cấp nữa; như thế, trong quan niệm của Marx, nhà nước không phải là cái đích mà chỉ là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, tức là nhà nước là cơ quan điều hành xã hội. Cần phải quan niệm như vậy thì mới dễ dàng cải tiến, thay đổi và tái cấu trúc nhà nước pháp quyền để thích hợp với những tình thế mới, những yêu cầu mới. Đương nhiên, nói đến nhà nước pháp quyền tức là chúng ta đang bàn về một nhà nước tốt. Chúng ta đang cố gắng xây dựng nhà nước pháp quyền với các tiêu chuẩn mang tính phổ biến, chẳng hạn sự rành mạch và cân bằng giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Việc phân ra các quyền như vậy nhằm tạo điều kiện cho các quyền giám sát nhau và tạo ra tính độc lập tương đối để tránh tình trạng đánh cắp hay thao túng quyền lực của các lực lượng chính trị. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta cũng đang có những thay đổi nhất định khi tiếp cận vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Những thay đổi như vậy là hoàn toàn cần thiết bởi việc chuyển từ hình thái nhà nước này sang hình thái nhà nước khác nhiều khi phải trả giá bằng một cuộc cách mạng, trong khi cải tiến một nhà nước thì không phải trả giá bằng một cuộc cách mạng mà chỉ bằng những cải cách và đổi mới thường xuyên.

Không phải tất cả các nhà nước pháp quyền đều có chất lượng giống nhau. Chất lượng của nhà nước pháp quyền bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó, hai yếu tố cơ bản nhất là sự đa dạng của các khuynh hướng chính trị và trình độ dân trí. Nền dân chủ của Anh, Pháp và Hoa Kỳ có những điểm khác nhau và nhà nước pháp quyền ở những quốc gia đó cũng có chất lượng khác nhau. Xưa nay, nhân loại vẫn phê phán những người tư duy theo lối lẽ phải giản đơn, hay nói cách khác là những người tư duy theo lối logic một lẽ phải. Rõ ràng, không thể có một lẽ phải, mà phải có nhiều cấp độ của lẽ phải, nhiều khía cạnh của lẽ phải. Dân chủ là một khái niệm và nó cũng có nhiều cấp độ, nhiều mức độ, nhiều hình thức. Hai yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ dân chủ là sự đa dạng chính trị và sự đa dạng nhận thức. Không phải không có sự đa dạng chính trị thì không xây dựng được nhà nước pháp quyền nhưng mức độ da dạng chính trị sẽ quyết định chất lượng của nhà nước pháp quyền. Cũng tương tự như vậy với sự đa dạng về nhận thức. Dân trí gắn liền với ý thức của nhân dân và phụ thuộc vào chất lượng của giáo dục. Nếu không thừa nhận sự đa dạng về chính trị và sự đa dạng về nhận thức thì không thể giáo dục tự do, và nếu không giáo dục tự do thì không gian nhận thức của nhân dân sẽ bị hạn chế và điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trình độ dân trí.

Chúng ta đều thấy rõ là, các nhà nước phi dân chủ không thể xây dựng nhà nước pháp quyền bởi vì ở những quốc gia này, pháp luật không phải là sản phẩm của những thỏa thuận xã hội mà là kết quả của những ngẫu hứng chính trị. Nói cách khác, toàn bộ quá trình lập pháp, tư pháp, hành pháp ở những nhà nước phi dân chủ thường bị thao túng bởi một số lực lượng chính trị nhất định, không rành mạch về nguyên tắc và không hợp pháp về địa vị. Rõ ràng, chừng nào pháp luật còn bị xây dựng và sửa đổi dựa trên những nhận thức chính trị chủ quan của những người cầm quyền thì không thể tạo ra trạng thái ổn định của quyền lực pháp luật, tức là không thể xây dựng nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa. Xin được nhắc lại rằng, nhà nước pháp quyền phải là nhà nước mà ở đó pháp luật giữ địa vị thống trị, tức là pháp luật chi phối và điều chỉnh mọi sinh hoạt của đời sống và quyền lực của pháp luật phải ổn định.
Có người đặt vấn đề về cơ sở xây dựng một nhà nước pháp quyền. Cụ thể là, đối với một số nền kinh tế chuyển đổi, nền kinh tế được cải cách nhưng vẫn mang đậm dấu ấn nền kinh tế quốc doanh có trở ngại gì đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền? Chúng tôi cho rằng, nhiều quốc gia đã có nhà nước pháp quyền từ thế kỷ XVIII, mặc dù nền kinh tế của họ là nền kinh tế quốc doanh, hay sở hữu nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tôi không cho rằng nền kinh tế quốc doanh là trở ngại cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền mà nên chăng chúng ta cần lật ngược vấn đề, tức là sự tồn tại hoặc không tồn tại của nhà nước pháp quyền ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế. Không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế nhiều thành phần là một trong những tiền đề cơ bản cho việc xây dựng một xã hội dân chủ; nói cách khác, sự tồn tại của nền kinh tế đa thành phần sẽ dẫn đến sự thừa nhận tính đa dạng của các khuynh hướng chính trị. Nếu không có nền kinh tế nhiều thành phần thì không có tiền đề vật chất cho việc thừa nhận tính đa dạng của các khuynh hướng chính trị. Có lẽ, đã đến lúc phải nhận ra rằng các khuynh hướng chính trị hoàn toàn bình đẳng với nhau và sự thắng thế của một khuynh hướng trong quá trình cạnh tranh sẽ tạo ra khuynh hướng chủ đạo của xã hội.

Tuy nhiên, không phải mọi sự đa dạng đều có thể tạo ra dân chủ; vì thế, sự đa dạng chính trị là một đại lượng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đại lượng này phải đủ lớn thì mới tạo ra những thay đổi căn bản mà kết quả của nó là một nền dân chủ chính trị.

Mặt khác, con người là sinh vật hoạt động có mục đích. Tính đa mục đích trong hoạt động kinh tế sẽ lan truyền rất nhanh và dẫn đến những đòi hỏi chính trị. Việc nhấn mạnh vai trò chủ đạo của một thành phần kinh tế cũng giống như việc thừa nhận sự lãnh đạo của một khuynh hướng chính trị. Lịch sử đã chỉ ra rằng, con người không thể không thừa nhận sự đa dạng của đời sống kinh tế bởi nó là tiền đề phát triển và một nền kinh tế không phát triển có thể đưa đến sự sụp đổ về mặt chính trị. Chính vì thế, thừa nhận sự đa dạng của đời sống kinh tế là một bước lùi cần thiết của bất kỳ hệ thống chính trị nào vì sự tồn tại của chính nó. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng nó đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho việc xây dựng một nền dân chủ và một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa.

Nói đến nhà nước pháp quyền không thể không nói đến vai trò của đảng cầm quyền. Tôi cho rằng, bất kỳ xã hội nào cũng cần đảng chính trị như là những người đại diện cho nó tham gia điều hành công việc nhà nước. Tuy nhiên, vai trò của đảng cầm quyền trong một nhà nước không dân chủ về mặt chính trị khác rất xa so với trong một nhà nước dân chủ về mặt chính trị. Đảng cầm quyền trong nhà nước phi dân chủ là chủ thể quyết định tuyệt đối các khuynh hướng chính trị; còn trong một xã hội dân chủ thì đảng cầm quyền là đảng thắng cử chứ không phải là đảng duy nhất. Chúng ta đều biết rằng, sự thận trọng chính trị là hệ quả của việc có nhiều đối tượng cạnh tranh. Một nhà lãnh đạo phạm những sai lầm về mặt chiến lược sẽ không được bầu tiếp ở nhiệm kỳ sau, tức là đảng mà anh ta đại diện sẽ không trở thành đảng cầm quyền trong nhiệm kỳ sau. Người đại diện cho đảng cầm quyền lên thay có trách nhiệm đúc kết những thất bại của người tiền nhiệm để đưa ra những điều chỉnh đối với các hoạt động lãnh đạo của mình. Đó chính là bản chất nhạy cảm, bản chất tiến bộ hay sự đổi mới bắt buộc của hệ thống chính trị mang tính dân chủ. Không có sự cạnh tranh về mặt chính trị thì sự điều chỉnh này sẽ không mang tính bắt buộc và rất có thể, xã hội sẽ phải trả giá cho những sai lầm mà đảng cầm quyền liên tiếp vấp phải bởi không có động lực sửa chữa.

Xin được nhấn mạnh một lần nữa là, nhà nước pháp quyền là sản phẩm riêng có của nền dân chủ. Không có nền dân chủ như là không gian hình thành và phát triển của nhà nước pháp quyền thì ngay cả khi người ta cố tình dựng lên nhà nước pháp quyền, nó cũng chỉ mang tính triển lãm. Dân chủ được thể hiện sâu sắc nhất trong loại hình hoạt động nào nếu không phải hoạt động lập pháp; nói cách khác, nếu không dân chủ trong việc xây dựng pháp luật thì mọi điều còn lại trở nên vô nghĩa. Do đó, bàn về việc xây dựng nhà nước pháp quyền với các tiêu chí của nó trong điều kiện phi dân chủ là vô nghĩa bởi các thể chế phi dân chủ có thể có tất cả những gì thế giới có xét về phương diện cấu trúc, nhưng lại thiếu yếu tố quan trọng nhất là một nền dân chủ chính trị. Một số người cho rằng tất cả các nhà nước dân chủ đều tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập để kiềm chế lẫn nhau, nhưng theo chúng tôi, tam quyền phân lập chưa hẳn đã là bản chất của nhà nước pháp quyền. Điểm ưu việt nhất của nhà nước pháp quyền là một nhà nước dựa trên quyền lực nhân dân. Các thể chế phi dân chủ không thể có cái gọi là nhà nước dựa trên quyền lực nhân dân và do đó, không thể xây dựng nhà nước pháp quyền trong điều kiện phi dân chủ.

Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng, dân chủ không còn là quyền chính trị, trong thời đại toàn cầu hoá, dân chủ là một quyền phát triển. Chỉ khi nào nhận thức được điều này thì nền dân chủ mới hình thành và chính trong quá trình hình thành một cách âm thầm trong lòng xã hội như vậy, nó sẽ tạo ra sự phát triển trong nhận thức của người dân về tính cần thiết của các quyền tự do. Khi sự thức tỉnh của xã hội đạt tới mức độ nhất định, con người sẽ nhận ra rằng nhà nước pháp quyền vĩnh viễn chỉ là một khái niệm rỗng nếu thiếu đi nền dân chủ chính trị. Đó là sự thức tỉnh quan trọng, nhất là đối với thế giới thứ ba và là động lực để xây dựng một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: