Những vấn đề của kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển
Sẽ rất sai lầm nếu chúng ta cho rằng kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi không còn gì phải bàn. Khác với các nước phát triển là nơi khu vực kinh tế tư nhân có sức mạnh khổng lồ và ưu thế tuyệt đối, nó có đủ sức để thoát khỏi sự trói buộc của chính trị như chúng ta đã phân tích ở trên. Khu vực kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển nói chung còn ở quy mô thấp và sức mạnh hạn chế, chính do đặc điểm này nó bị các thế lực chính trị chi phối và kiểm soát chặt chẽ. Kết quả là các hoạt động kinh tế thường có nguy cơ bị bóp méo, tạo ra tình trạng phát triển lệch lạc, phi tự nhiên của nền kinh tế. Đó chính là những nguy cơ có thật mà các lực lượng trong xã hội đặc biệt là các nhà chính trị phải luôn ý thức để nền kinh tế của đất nước mình tránh được những trở ngại, rủi ro không đáng có.
Nguy cơ của nền kinh tế thành tích chính trị
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà hoạt động kinh tế được gọi là hoạt động gia tăng giá trị, chính theo nguyên lý này mà người ta đánh thuế giá trị gia tăng. Chúng ta phải thừa nhận là nếu không tạo ra được sự gia tăng giá trị thì đó không phải là nền kinh tế theo đúng nghĩa của nó hay có thể gọi là chưa có nền kinh tế chuyên nghiệp.
Các hoạt động kinh tế tại các nước có nền kinh tế chuyển đổi đang quay về với xu hướng tự nhiên, tuy nhiên nó cần được nhìn nhận một cách đầy đủ. Nếu không nhìn nhận các quá trình sản xuất kinh doanh một cách tổng thể chúng ta không thể đánh giá được lợi ích. Cần có quan điểm của người điều hành một nền kinh tế chứ không phải của một nhà kinh doanh. Không nhận thức được tính hiệu quả trọn vẹn tổng thể thì không có phát triển tức là không có nền kinh tế chuyên nghiệp. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển đều có một nền kinh tế gọi là nền kinh tế thành tích chính trị. Các nhà chính trị nhìn nhận nền kinh tế như những thành tích chính trị chứ không phải lợi ích, không phải theo quan điểm gia tăng các giá trị. Một khi nền kinh tế được điều hành bởi những người chỉ tính đến khía cạnh chính trị của hoạt động kinh tế thì khía cạnh trị giá gia tăng của nền kinh tế bị xem nhẹ, hoạt động kinh tế bị bóp méo, nhào nặn theo ý đồ của các nhà chính trị và kết quả là không có phát triển kinh tế và thậm chí tai hại hơn người ta phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng kinh tế cực kỳ nghiêm trọng mà bài học ở Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và gần đây là Argentina đã chỉ rõ. Điển hình nhất về bài học này là những gì đã xảy ra tại bán đảo Triều Tiên. Từ những năm 60 và nhiều thập kỷ sau đó, do sự ganh đua mà cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đã mắc vào sai lầm chạy theo một nền kinh tế thành tích chính trị, do đó đã tiến hành những hoạt động đầu tư khổng lồ trên quy mô quốc gia không có hiệu quả. Người ta còn nhớ khi cuộc chiến tranh Trung Đông nổ ra, phương Tây bị các nước Arab cấm vận dầu mỏ, than đá của Bắc Triều Tiên được giá và nước này vay nợ nước ngoài để có nhiều tiền xây dựng một nền công nghiệp hùng mạnh nhưng rồi than đá mất giá, đầu tư của nhà nước không hiệu quả, kết quả là Bắc Triều Tiên nhanh chóng trở thành nền kinh tế bị phá sản. Tại miền Nam, chính phủ Hàn Quốc cũng ra sức xây dựng các tập đoàn (chaebol) lớn mạnh bằng mọi chính sách về thuế và tín dụng ưu đãi. Những chính sách ngầm của chính phủ bước đầu có vẻ thành công và người Hàn Quốc rất tự hào về những gì đất nước này đạt được, nhưng rồi nền kinh tế bị bóp méo do mục tiêu thành tích chính trị không thể có đủ sức mạnh trước bão táp của khủng hoảng tài chính năm 1997. Hàn Quốc từ một nền kinh tế thứ 10 thế giới đã phá sản nhanh chóng và phải nhờ IMF ra tay cứu giúp. Điểm khác nhau giữa hai miền là nền kinh tế Bắc Triều tiên xây dựng theo mô hình Liên Xô nên sau khi phá sản tình hình càng ngày càng thêm bi đát còn tại Hàn Quốc do một khu vực kinh tế tư nhân đã tương đối phát triển nên nước này cũng mau chóng vượt qua khủng hoảng và nay đã bắt đầu lấy lại sức mạnh của mình.
Nguy cơ trầm trọng khác của nền kinh tế thành tích chính trị là tính phi kinh tế của các hoạt động kinh tế. Tất cả chúng ta đều phải ý thức rằng hành vi kinh doanh của mình chỉ có ý nghĩa tiến bộ chừng nào nó tạo ra các giá trị gia tăng. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà nguồn tài nguyên trên phạm vi toàn cầu là rất hữu hạn. Nhận thức của loài người ở cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI là nhận thức về tính hữu hạn của các nguồn năng lượng sống. Vì thế tiết kiệm không phải là một quốc sách mà là một giá trị mang tính triết học. Cần phải nhận thức tiết kiệm như là một giá trị triết học. Muốn tiết kiệm nguồn lực chúng ta phải tiết kiệm các hành vi, phải thận trọng trước khi hành động, bởi vì bất kỳ hành vi nào của con người hiện đại cũng đều tiêu tốn các nguồn năng lượng. Nếu như con người hành động bừa bãi, hành động không để ý đến sự gia tăng các giá trị, tức là con người không trở thành nhà kinh tế học trong mỗi một hành vi của mình thì sáu tỷ con người này sẽ đẩy trái đất đến chỗ kiệt quệ do những hành động bản năng của mình. Nên nhớ rằng tất cả các hành vi hàng ngày của con người đều tiêu tốn những nguồn năng lượng có giá trị chiến lược nhưng hữu hạn. Cho nên tiết kiệm trong thế kỷ này cần được giới thiệu, phân tích như là một đối tượng triết học chứ không phải là giá trị khuyến khích chính trị hoặc đạo đức thông thường. Đây là vấn đề không phải nếu có thì tốt mà thực sự là nếu không có thì chết. Tiết kiệm phải trở thành một khái niệm triết học toàn cầu trong thế kỷ này. Tại nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, người ta tiến hành nhiều công việc hoàn toàn phi kinh tế. Nhiều chương trình truyền hình phát tràn lan hàng ngày nhưng hầu hết các chương trình không có thông tin bổ ích, không có kiến thức cần thiết, chỉ có những mục tiêu tuyên truyền. Chính trị là hoạt động hết sức cơ bản của con người, nó cần được sử dụng để giúp đỡ, hỗ trợ kinh tế chứ không phải như một liều thuốc an thần để xoa dịu hoặc quên đi thực tế và làm cho việc nhìn nhận đánh giá các vấn đề càng trở lên sai lạc hay nói khác đi, chính trị là sự sáng suốt chứ không phải là việc lấy sai lầm để sửa chữa sai lầm.
Bản năng và kinh nghiệm tạo ra sự điêu luyện cũng như sự duyên dáng của các hành vi điều hành nền kinh tế. Tại các nước đang phát triển cần phải có thời gian cho các nhà chính trị làm quen dần với cả cơ hội lẫn rủi ro của nền kinh tế tự do. Cần nhớ rằng khái niệm nền kinh tế tự do hay nền kinh tế thị trường không hoàn toàn đồng nhất trên thế giới. Người Mỹ, người Anh xem yếu tố tự do như là yếu tố chủ đạo hay là toàn bộ bản chất của nền kinh tế, sự can thiệp của nhà nước chủ yếu chỉ thông qua chính sách thuế và chính sách tín dụng. Còn tại châu Âu, nhà nước can thiệp nhiều hơn vào hoạt động kinh tế và người ta gọi là mô hình chế độ xã hội dân chủ tức là nhà nước có vai trò rõ ràng hơn trong điều hành kinh tế.
Con người luôn luôn phải biết bảo tồn những gen quý. Khát vọng kinh doanh tức là khát vọng về giá trị gia tăng, là khát vọng quý giá và là một gen quý. Nghe theo một lý thuyết sai lầm để tiêu diệt nó thì sẽ đến lúc chúng ta không còn gen kinh doanh nữa. Vấn đề của các nước đang phát triển là phải bảo tồn và tạo điều kiện cho loại gen kinh doanh này phát triển. Chủ nghĩa xã hội kiểu cũ không có cơ hội để tồn tại nhưng các gen trị giá gia tăng lại có sức sống cực kỳ vĩ đại, bởi vì không có cách gì tiêu diệt được những bản năng tự nhiên của con người.
Nguy cơ từ thái độ chính trị thiếu thiện chí của đảng cầm quyền
Thái độ chính trị của đảng cầm quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân ở các nước đang phát triển cũng như các nước đang trong giai đoạn nền kinh tế chuyển đổi là vô cùng quan trọng.
Sự phát triển của kinh tế thường gắn liền với những rủi ro chính trị, những rủi ro này phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức chính trị và thái độ chính trị của đảng cầm quyền. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, cho dù nhà nước ra sức làm các công việc như sửa đổi Hiến pháp, Luật và ban hành rất nhiều quy chế khác nhau nhằm tạo ra cảm giác tự do cho khu vực tư nhân thì điều đó vẫn chưa đủ, bởi vì nhà kinh doanh tư nhân có hệ thống tâm lý kinh doanh riêng. Họ là những người tích cực và chủ động, họ buộc phải có tầm nhìn xa hơn so với những người khác. Hoàn toàn có thể so sánh năng lực này của nhà kinh doanh với những nhà chính trị chuyên nghiệp. Bởi vậy nếu đảng cầm quyền không có thái độ đúng, không có nhận thức đúng về kinh tế tư nhân thì cho dù có tạo ra một khối lượng đồ sộ các chính sách hay quy chế thì cũng vô ích. Nhà kinh doanh nhìn chính quyền không phải thông qua văn bản chính sách mà chủ yếu qua thái độ chính trị. Bản năng của nhà kinh doanh giúp họ luôn nhận thức về sự xuất hiện của những rủi ro và phải thừa nhận rằng trong xã hội hiện đại rủi ro chính trị là rủi ro cơ bản. Vì nếu một chủ kinh doanh phá sản thì sở hữu công ty đó không mất đi, nó sẽ được chuyển sang một chủ kinh doanh khác. Cho nên chúng ta không nên xem sự sụp đổ của một công ty có nghĩa là công ty ấy biến mất. Công ty ấy chỉ thay đổi chủ sở hữu mà thôi nhưng công ty có thể biến mất trong một chế độ mà đảng cầm quyền có thái độ thù địch hoặc đàn áp đối với họ. Với sự xuất hiện của các cuộc cách mạng, các công ty có thể biến mất theo nghĩa đen. Cho nên mọi nhà kinh doanh đều xem sự rủi ro chính trị, sự rủi ro do sự đàn áp của chính quyền còn đáng sợ hơn bất kỳ rủi ro nào. Bởi vì nó rất khó lường, bởi vì sự khủng hoảng chính trị xuất hiện không dự báo trước sẽ là thảm họa đối với các nhà kinh doanh. Và những nhà kinh doanh tại nhiều nước đặc biệt là các nước châu á có quá nhiều kinh nghiệm về những cuộc khủng hoảng như thế, bởi vậy rủi ro lớn nhất có thể phá vỡ các dự tính kinh doanh xuất phát từ nhà nước và thái độ chính trị của nhà nước chứ không phải là các chính sách khó hay dễ. Đơn giản là dễ thì các nhà kinh doanh đi thẳng khó thì họ đi vòng. Nói đến chuyện khó dễ của chính sách là nói đến sự phát triển của một nền kinh tế chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Chẳng hạn như ở Việt Nam, thái độ chính trị của Đảng Cộng sản, của các nhà lãnh đạo ảnh hưởng chủ yếu đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân chứ không phải là chính sách hay chế độ. Chừng nào các phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam còn thể hiện thái độ phân biệt, kỳ thị đối với kinh tế tư nhân thì sẽ không có kinh tế tư nhân lành mạnh, không có khu vực kinh tế tư nhân chuyên nghiệp. Nguy hiểm hơn, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có nguy cơ bị đẩy vào những hoạt động kinh doanh không minh bạch, làm bóp méo các hoạt động kinh tế và lực lượng kinh tế tư nhân không phát triển lên quy mô lớn, nó sẽ biến dạng và tiến hành những hoạt động kinh doanh theo kiểu du kích để tồn tại và để chống lại mọi rủi ro chính trị có thể được dự báo thông qua quan sát thái độ chính trị của những người lãnh đạo đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Nguy cơ về một nền kinh tế tội phạm
Khác với cái gọi là động cơ kinh doanh của kinh tế nhà nước có màu sắc lý tưởng hoá, với mục đích phục vụ phúc lợi xã hội, động cơ kinh doanh của kinh tế tư nhân mang tính bản năng và vụ lợi cá nhân. Kinh doanh kiếm lợi hay là nhận thức về sự gia tăng giá trị từng bộ phận của từng hộ kinh doanh hay từng cá nhân là bản năng của con người và nhiệm vụ của người quản lý xã hội, của nhà chính trị chính là phối hợp một cách tự nhiên cái bản năng ấy để biến thành lý tưởng phát triển kinh tế của xã hội. Lý tưởng phát triển kinh tế, lý tưởng trị giá gia tăng của một nền kinh tế phải được nhận thức, được kiến thiết trên nền tảng sự tự giác của người điều hành, người lãnh đạo trước bản năng kiếm lời của các cá nhân. Xã hội đưa ra những quy định càng ngặt nghèo, càng nghiêm khắc, càng có những tiêu chuẩn rành mạch bao nhiêu thì bản năng ấy càng được gọt giũa và có giá trị văn hóa bấy nhiêu. Khi hoạt động kinh doanh không chứa đựng trong đó những yếu tố văn hóa thì chúng sẽ cấu tạo thành một nền kinh tế tội phạm trong tất cả các khu vực kinh tế, bởi vậy trong nhiều quốc gia đang phát triển đặc biệt là các nước có nền kinh tế chuyển đổi ngày nay đang hội tụ đầy đủ các yếu tố của một nền kinh tế tội phạm.
Tại những nước đang phát triển tình trạng lạm dụng quyền lực chính trị cho những quyền lợi cá nhân, sự móc ngoặc giữa các nhà chính trị và các nhà kinh doanh, tình trạng tham nhũng trên quy mô quốc gia, tất yếu dẫn nền kinh tế đến chỗ không phân loại được. Hình thức thì những nền kinh tế này có dấu hiệu của nền kinh tế thị trường nhưng nội dung thì không phải thế. Nước Nga sau khi thoát ra khỏi cái gọi là XHCN thì rơi vào một trạng thái cả chính trị lẫn kinh tế theo kiểu mafia. Một quốc gia vốn hùng mạnh đến nước Mỹ cũng phải e sợ bỗng nhiên trở nên nghèo xơ xác. Đó là hiện tượng biến mất các giá trị hay các tài sản xã hội một cách đáng ngờ vực. Quá trình tư nhân hóa nền kinh tế tại Việt Nam hay Trung Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới cần phải hết sức thận trọng. Cần phải cảnh báo cho các nhà cầm quyền, những người lãnh đạo quốc gia biết rằng nếu không cẩn thận thì người ta không phải đi từ CNXH đến CNTB về kinh tế thậm chí cả chính trị mà người ta sẽ đi từ CNXH đến chủ nghĩa mafia (toàn diện) cả chính trị lẫn kinh tế. Đấy là một nguy cơ có thật, nguy cơ lớn đến mức mà nếu không có những giải pháp kịp thời và hữu hiệu thì mọi sự tranh luận ầm ĩ về chiến lược phát triển kinh tế cũng chỉ là chuyện hão huyền và phù phiếm.
Thời đại của quá trình kinh tế phá vỡ sự trói buộc của chính trị
Một trong những sai lầm lớn nhất của rất nhiều chính phủ trên thế giới là gắn kinh tế với chính trị, thậm chí không chỉ kinh tế mà đời sống kinh doanh hàng ngày với chính trị và vì vậy luôn luôn tạo ra rủi ro cho nền kinh tế. Chính trị thuộc về thượng tầng kiến trúc của đời sống xã hội, không bao giờ chính trị ổn định thực sự. Chính trị thường biến đổi liên tục do thay đổi chu kỳ cầm quyền từ những nhà chính trị này sang những nhà chính trị khác. Một hệ thống chính trị sẽ được điều hành, một nguyên lý sẽ được vận dụng rất khác nhau tùy theo cá nhân các nhà chính trị. Nếu như để cho kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào chính trị, hay là nhà nước chính trị thì kinh tế sẽ quay cuồng như người ta thay đổi bản nhạc. Thử tưởng tượng một quá trình rất căn bản của đời sống con người là quá trình kinh tế mà lại nhảy theo nhịp điệu ưa thích của từng cá nhân các nhà chính trị thì sẽ nguy hiểm và rủi ro nhường nào. Cái dại dột lớn nhất của nhân loại chính là gắn hoạt động kinh tế với chính trị. Trong lịch sử phát triển nhân loại, người cộng sản không phải là những người đầu tiên gắn kinh tế vào chính trị. Suy ra cho cùng kinh tế chính là mặt vụ lợi, mặt vật chất của đời sống chính trị. Cho nên, việc trói buộc kinh tế vào chính trị dường như cũng là một bản năng xấu của con người và mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết với nhà nước trực tiếp can thiệp vào các hoạt động kinh tế là đỉnh cao của hiện tượng này. Ngày nay tình hình đã đổi khác. Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế phát triển nhanh hơn nhiều so với chính trị. Nửa cuối thế kỷ XX đặc biệt là một phần ba cuối cùng của thế kỷ XX chúng ta đã chứng kiến một đặc điểm rất quan trọng của đời sống nhân loại, đó chính là kinh tế phát triển không còn cùng nhịp độ hoặc không có tính chất có nhịp độ gắn với sự phát triển chính trị mà kinh tế bứt khỏi chính trị để tạo thành một vũ hội riêng của đời sống phát triển. Vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, nếu không giải phóng đời sống kinh tế ra khỏi những định kiến và ràng buộc chính trị thì chúng ta sẽ phạm sai lầm làm cản trở sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần nhận thức rằng việc trói buộc kinh tế vào đời sống chính trị, nhịp điệu chính trị không chỉ làm giảm sự phát triển kinh tế mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh của cộng đồng dân tộc mình trước các cộng đồng dân tộc khác, đẩy dân tộc đó vào tình trạng suy thoái và nguy cơ bị đào thải. Đấy chính là khía cạnh nguy hiểm nhất của việc trói buộc kinh tế vào chính trị. Người ta vẫn lên án các nước xã hội chủ nghĩa bởi vì nó trói buộc kinh tế vào chính trị. Nhưng sự trói buộc kinh tế vào chính trị ở các nước XHCN còn có lý thuyết, có sự sụp đổ mang tính lý thuyết để cho con người thức tỉnh về sự sai lầm. Trong khi đó, nhiều sự trói buộc kinh tế vào chính trị ở những quốc gia chưa từng xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng không kém phần nguy hiểm. Nó tạo ra tiền đề làm kìm hãm phát triển và bóp méo các quan hệ kinh tế và góp phần tạo ra các cuộc khủng hoảng cả kinh tế chính trị, xã hội trầm trọng như những cuộc khủng hoảng mà chúng ta từng biết. Thái độ của chúng ta là không được trói buộc, hay nói cách khác, là phải chống lại hoặc phải cải tạo, kìm hãm bản năng buộc kinh tế vào chính trị bởi vì chỉ như vậy thì khi chính trị có biến động đến đâu đi chăng nữa đời sống nhân dân không rơi vào thảm hoạ.
Tình trạng kinh tế phá vỡ sự trói buộc của chính trị có một ý nghĩa quan trọng đối với khu vực kinh tế tư nhân là khu vực mang tính bản năng tự nhiên của con người. Trên cơ sở của không gian kinh tế tự chủ sẽ hình thành một trật tự mới hay một không gian rộng mở cho các giá trị cá nhân phát triển. Trong không gian rộng mở chúng ta có cơ hội để bảo tồn và phát triển các bản năng kinh tế hoặc kinh doanh, bảo tồn và phát triển các khả năng làm xuất hiện các trị giá gia tăng hay nói cách khác là làm cho không gian tự do cá nhân về kinh tế ngày càng rộng mở. Hãy tạo không gian kinh tế tự do cho các công ty tư nhân bởi vì đây không chỉ là giải pháp nhằm mục đích phát triển kinh tế mà còn nhằm đảm bảo sự an toàn về chính trị. Nếu những nhà chính trị cũng như một đảng cầm quyền không nhận thức được tầm quan trọng của không gian kinh tế tự do thì nền kinh tế có nguy cơ lâm vào khủng hoảng và quốc gia đó sớm muộn cũng rơi vào ngõ cụt của những cuộc khủng hoảng chính trị và rốt cuộc đẩy xã hội đến tình trạng kiệt quệ. Đó là lý do giải thích tại sao có những sự phân đàn trong đời sống phát triển của nhân loại.Mở rộng không gian tự do cho kinh tế tư nhân là giải pháp hữu hiệu giúp cho mỗi quốc gia không bị tụt hậu trên đường đua phát triển.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh