Cải cách giáo dục Việt Nam
Có thể nói, câu chuyện tưởng như không bao giờ hết tính thời sự và luôn được bàn nhiều trong xã hội Việt Nam vẫn là cải cách giáo dục. Đấy là một dấu hiệu tốt cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhưng nhìn ở góc độ khác, khi Việt Nam đã mở rộng cánh cửa hội nhập với thế giới mà vẫn loay hoay không tìm ra phương hướng cho con tàu giáo dục thì đấy là điểm đáng buồn chứng tỏ cuộc cải cách giáo dục được tiến hành hàng năm qua không đem lại hiệu quả. Thực trạng ấy khiến một số người đưa ra kết luận vội vã, cho rằng giáo dục Việt Nam hiện đang khủng hoảng.
Cùng một tác giả:
»Cải cách giáo dục
»Thêm một số suy nghĩ về cải cách giáo dục
»Truy nguyên tình trạng lạc hậu của hệ thống giáo dục
»Cải cách giáo dục- Điểm hội tụ của tất cả các cuộc cải cách
»Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất của nhân lực
»Từ Hệ tư tưởng đến Hệ giá trị
Chúng ta cần nhìn lại nền giáo dục Việt Nam, bắt đúng căn bệnh của nó và đưa ra những giải pháp kiên quyết, dứt khoát để từ đó, tiến hành công cuộc cải cách giáo dục với một thái độ hợp lý. Có như thế, chúng ta mới có hy vọng về tương lai của nền giáo dục Việt Nam.
1. Giáo dục Việt Nam - Sự khủng hoảng của các quan điểm
Phải thấy rằng, hiện nay chỉ có sự khủng hoảng của những người tổ chức ra nền giáo dục Việt Nam chứ không phải là sự khủng hoảng của nền giáo dục Việt Nam. Nền giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có những nhược điểm của nó, nhưng nó vẫn cho ra sản phẩm. Sản phẩm của giáo dục Việt Nam là kết hợp của sự cố gắng một cách chưa đầy đủ của những người tổ chức và quản lý về giáo dục và những cố gắng bù đắp của xã hội Việt Nam, của các gia đình học sinh và không phải tất cả các sản phẩm ấy đều tồi, vẫn có những sản phẩm tốt. Xã hội Việt Nam đã cố gắng rất nhiều, vất vả rất nhiều, cha mẹ học sinh đã vượt ra khỏi giới hạn khả năng của mình để bù đắp tất cả những cái thiếu, cái hạn chế của toàn bộ cơ sở hạ tầng của nền giáo dục Việt Nam. Nếu nói về sự khủng hoảng thì chúng ta phải xem xét nó ở khía cạnh này:
Thứ nhất là những quan điểm về chất lượng, tiêu chuẩn, khuynh hướng và đòi hỏi của nền giáo dục là không rõ ràng, không nhất quán và không hội tụ đủ sự đồng thuận của xã hội;
Thứ hai là nền giáo dục của chúng ta không bắt nguồn từ việc xác lập những mục tiêu, những đòi hỏi của xã hội và sự thiết lập một chương trình thoả mãn những đòi hỏi ấy, cho nên, theo cách nói hơi chế giễu của một số người, nó trở thành nền giáo dục "vô cảm".
Về khía cạnh thứ nhất, trong khoảng nửa thế kỷ, nền giáo dục của chúng ta có một nhược điểm cố hữu, nó tạo thành sự thiếu hạnh phúc thường xuyên, mãn tính trong đời sống tinh thần của học sinh. Nhược điểm đó chính là sự tồn tại của một mâu thuẫn rất lớn, rất căn bản giữa một bên là những người có con em đi học và một bên là những đòi hỏi của đời sống chính trị xã hội đối với tiêu chuẩn của giáo dục, cho nên, vô tình nó tạo ra một sự căng thẳng cho các em học sinh. Do sự lấn át của một số nội dung đào tạo bắt buộc phải có theo những yêu cầu của đời sống chính trị, các giáo viên phải đưa ra những chương trình bổ trợ kiến thức để cân bằng những cái đó, vì vậy, vô tình khối lượng các thông tin dồn vào trong chương trình học tập quá lớn. Cho nên phải nói rằng học sinh Việt Nam, nhất là học sinh phổ thông thì không tồi nhưng các em học hành rất vất vả và các em không còn thời giờ để thưởng thức cuộc sống. Các bạn biết rằng học sinh phổ thông bắt đầu đi học vào lúc 6 tuổi, kết thúc vào lúc 17 tuổi, còn sinh viên đại học thì bắt đầu vào khoảng 17-18 tuổi và kết thúc vào khoảng 21-23 tuổi. Đấy là quãng thời gian các em phải nhặt vào tiềm thức của mình những ấn tượng tốt đẹp nhất của đời người, phải có thời gian để đọc sách, để nghe nhạc, để vui chơi, tức là giai đoạn ấy là giai đoạn cơ bản học làm người. Nhưng những cuộc tranh chấp có chất lượng thời lượng học tập bởi những đòi hỏi của hiểu biết từ đời sống chính trị cũng như của đời sống nói chung làm cho các em không còn thời gian hưởng thụ những gì mà một con người đáng lẽ phải được hưởng trong giai đoạn quan trọng nhất để hình thành nhân cách của mình.
Như vậy, sự khủng hoảng hiện nay không phải là sự khủng hoảng của nền giáo dục mà là sự khủng hoảng các quan điểm giáo dục. Các em học sinh cũng không khủng hoảng nhưng các em học hành rất vất vả, và phải nói rằng sự hình thành nhân cách của các em diễn ra trong những điều kiện rất khó khăn. Trong những điều kiện của Việt Nam hiện nay, các em không được hưởng sự yên tĩnh vốn có của đời sống học sinh như trong những năm chiến tranh. Trong những năm chiến tranh, học sinh không phải chịu đựng những sức ép như hiện nay, mặc dù khi đó điều kiện vật chất gian khổ hơn nhiều. Hiện nay, các em học sinh đang phải tham gia cùng với bố mẹ để giải quyết những mâu thuẫn vốn không nên có trong đời sống học sinh. Ví dụ như việc tăng học phí. Tôi không hiểu tại sao trong những năm chiến tranh không thấy ai nói đến học phí, còn bây giờ thì học phí càng ngày càng nhiều. Phải nói rằng trong những năm chiến tranh chúng ta xoá nạn mù chữ, chúng ta phổ cập phổ thông cấp I, cấp II một cách rất nhẹ nhàng, nhưng bây giờ trong lúc kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7-8%/năm thì chúng ta lại căng thẳng về những chuyện như vậy. Trong những năm chiến tranh, học sinh không bao giờ buộc phải tranh luận hoặc suy ngẫm về quan điểm giáo dục, nhưng bây giờ học sinh phải đứng giữa những cuộc tranh cãi về mặt quan điểm giáo dục. Trong những năm chiến tranh học sinh không phải bàn về chuyện nhân cách con người, làm thế nào để trở thành người tốt, làm thế nào để trở thành người anh hùng, nhưng bây giờ thì học sinh tham gia vào quá trình bàn cãi xem mình là người tốt hay xấu, mình là sản phẩm tốt hay sản phẩm tồi. Tức là không còn sự kín đáo, không còn sự yên tĩnh tự nhiên của quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Những cuộc cãi vã như vậy dội vào trong đời sống tinh thần của học sinh những sự phân vân, do dự khi xem xét phẩm chất con người. Tình trạng đó là phổ biến.
Về khía cạnh thứ hai, nền giáo dục của chúng ta không bắt nguồn từ việc xác lập những mục tiêu, những đòi hỏi của xã hội nên có rất nhiều ý kiến phàn nàn và thất vọng về chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Với những sản phẩm như của các trường đại học hiện nay thì người tuyển dụng khó sử dụng được ngay. Tuy nhiên, tôi cho rằng, không thể đổ tất cả lỗi cho nhà trường, chất lượng giáo dục không chỉ phụ thuộc vào chất lượng nhà trường mà còn bởi chất lượng người sử dụng lao động. Chúng ta quen một tâm lý là tìm những cái có sẵn phù hợp với mình, cho nên chúng ta lấy những nhược điểm, đôi khi là nhược điểm sử dụng của mình để đánh giá sản phẩm. Lâu nay các cơ sở tuyển dụng, những người có quyền lựa chọn lao động lợi dụng vị thế của mình để bắt nạt các trường đại học trong việc đánh giá một cách không công bằng chất lượng giáo dục. Một người được đào tạo tốt mấy đi nữa mà nhà quản lý không biết cách sử dụng thì cũng vô ích. Và một người có quyền mà không biết sử dụng lao động thì bao giờ cũng đổ lỗi cho sản phẩm giáo dục. Đấy chính là sự thiếu khoa học, thiếu công bằng, thậm chí thiếu tử tế trong việc đánh giá sản phẩm của các trường đại học. Phải thấy rằng sản phẩm của các trường đại học Việt Nam nếu có nhược điểm thì nhược điểm ấy không phải là lỗi riêng của nhà trường và do đó, không thể khắc phục bằng cách góp ý với nhà trường được, thậm chí không thể khắc phục bằng cách góp ý với Bộ giáo dục và Đào tạo. Có những lỗi thuộc về cả hệ thống xã hội cho nên phải thừa nhận những nhược điểm đó như một thực tế, song song với việc các nhà trường phấn đấu để nâng cao chất lượng của mình thì những người sử dụng lao động, những người điều hành đất nước cũng phải nâng cao năng lực sử dụng các sản phẩm giáo dục. Và nâng cao năng lực sử dụng các sản phẩm của nhà trường chính là hiểu các nhược điểm của nó chứ không chỉ là hiểu các ưu điểm của nó.
Nguyễn Trần Bạt (1946) Sách đã xuất bản: 1. Văn hoá và Con người, NXB Hội nhà văn, 2005 |
Có thể thấy những cuộc thảo luận trong xã hội về giáo dục bây giờ chưa đi đến đâu bởi vì mâu thuẫn căn bản không giải quyết được ở đây là mâu thuẫn giữa đòi hỏi của chính trị và đòi hỏi tự nhiên của đời sống đối với giáo dục. Tôi không thấy có sự tôn trọng các qui trình hay các đòi hỏi tự nhiên của giáo dục ở trong các chính sách hiện nay. Nếu người phụ trách ngành giáo dục mà là một nhà khoa học thì vai trò của đại học được cường điệu, người phụ trách ngành giáo dục mà xuất thân từ một giáo viên dạy phổ thông thì vai trò của giáo dục phổ thông được chú ý hơn. Thầy hiệu trưởng là giáo sư toán thì môn toán được chú ý hơn, các giáo viên toán cũng được lựa chọn cẩn thận hơn. Tóm lại, mỗi một người vẫn phát biểu quan điểm theo tính đặc thù cá nhân của mình mà những quan điểm ấy không phù hợp với đòi hỏi tự nhiên của ngành giáo dục. Hay nói cách khác, chúng ta không có bộ luật điều chỉnh những tiêu chuẩn bắt buộc đối với những người tổ chức ra các cơ sở giáo dục. Ở bất kỳ chỗ nào chúng ta cũng có thiếu sót. Cho nên tôi xin nhắc lại là không có sự khủng hoảng giáo dục mà chỉ có sự khủng hoảng quan điểm giáo dục của những người có trách nhiệm tổ chức ra nền giáo dục. Bây giờ giáo dục đang trở thành nơi hội tụ những yếu tố tiêu cực của đời sống. Đấy là sự khủng hoảng của việc buông lỏng kiểm soát các yếu tố tiêu cực thâm nhập vào ngành giáo dục.
2. Cải cách giáo dục trước tiên là xác lập sự thuận lợi có chất lượng lứa tuổi đối với các môn học khác nhau
Tôi cho rằng giáo dục phổ thông quan trọng hơn giáo dục đại học. Bởi vì giáo dục là tạo ra một sản phẩm người thoả mãn các đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống, cùng với cấp độ học tập, trình độ tri thức sẽ tăng dần lên và nhân cách sẽ được hình thành vào cuối giai đoạn phổ thông.
Nhưng trong chương trình giáo dục của chúng ta, tôi không thấy điều ấy. Các chương trình học được đặt vào trong không gian tinh thần của trẻ em hoàn toàn không đúng lúc, và có đến 30-40% chương trình giáo dục là kết quả của sự đòi hỏi của đời sống chính trị đối với một người trưởng thành như Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng... Thực tế là năng lực tiếp nhận của con người bao giờ cũng có hạn, ở mỗi giai đoạn phát triển, mỗi một lứa tuổi có những thời điểm thuận lợi khác nhau cho mỗi loại kiến thức khác nhau. Ví dụ: nếu học triết học vào giai đoạn 30 - 40 tuổi là không học được, bởi vì khi đã hình thành thói quen tư duy một cách dân dã rồi thì anh khó có cách gì để tiếp cận với phương pháp siêu hình. Ở nhiều nền giáo dục khác, trẻ em được tiếp cận với những khoa học trừu tượng như vậy rất sớm nên các em không phải chống lại những thói quen nhận thức để tiếp nhận nó. Tại sao một học sinh, một sinh viên phương Tây nói chuyện về Kant, về Nietzsche, về Schopenhauer một cách rất tự nhiên, và hiểu rất nhanh? Bởi vì các em chưa có những luận lý mang tính chất định kiến nên có thể tiếp cận rất nhanh và chấp nhận những cái đó một cách nhẹ nhàng. Còn khi mà chúng ta đã học thơ Tố Hữu từ lớp 1 đến lớp 7 thì tức là giai điệu lục bát đã trở thành khống chế và chúng ta không có cách gì để đọc những loại thơ có vần điệu khác với thơ lục bát nữa. Các nhà giáo dục của chúng ta quên mất rằng mỗi một giai đoạn khác nhau của sự phát triển thói quen, sự phát triển nhận thức cũng như sự phát triển các giá trị tinh thần của con người chỉ thuận lợi cho một loại kiến thức nào đó. Chương trình đào tạo của chúng ta dầy kín những kiến thức lịch sử, chính trị như thế này thì có nghĩa là sẽ có một “cuộc kháng chiến” chống lại triết học phương Tây ngay từ trong tâm lý của các em. Bởi vì các em sẽ đối chiếu nguyên lý của Marx với nguyên lý của Kant hay nguyên lý của Hegel chẳng hạn, và chỉ nguyên phân vân ở đầu vào của bộ não thôi cũng làm năng lực tiếp nhận giảm đi rất nhiều rồi. Theo tôi, toán học, triết học, âm nhạc và ngoại ngữ, bốn môn đó phải học rất sớm, học khi chưa kịp có định kiến. Ví dụ với môn toán, ngay từ bậc phổ thông, chúng ta nên cho học sinh tiếp cận với những khái niệm hiện đại, nhưng chúng ta phân vân và các em cứ học mãi những phép toán đơn giản. Có một thời gian các nhà toán học của chúng ta đã đề nghị dạy lý thuyết tập hợp từ bậc học phổ thông, giáo sư Hồ Ngọc Đại là người tiên phong trong việc đưa vào chương trình giáo dục phổ thông những khái niệm toán học hiện đại như vậy, nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn đang bàn cãi về vấn đề đó.
Tôi nghĩ rằng, một trong những nghiên cứu hết sức căn bản để hoạch định ra một chương trình giáo dục tốt là phải xác lập sự thuận lợi có chất lượng lứa tuổi đối với các môn học khác nhau. Tất nhiên, mọi nhà nước đều có đòi hỏi cấy vào trong chương trình giáo dục những chủ điểm chính trị. Ở các quốc gia khác người ta có Thần học, Tôn giáo. Mọi nhà nước đều cố gắng tác động vào học sinh những chất lượng chính trị tối thiểu mà mình đòi hỏi đối với công dân. Nhưng thứ nhất là phải "tối thiểu", thứ hai là phải "tự do". Tự do là gì? Tự do có nghĩa là có môn học ấy nhưng ai muốn học thì đăng ký, không bắt buộc. Ở các nước phát triển, chương trình phổ thông có rất nhiều môn, trong đó có một số môn bắt buộc như Toán, Lý, Hoá, Ngôn ngữ, Văn học, tất cả các môn còn lại là tự do lựa chọn. Học sinh có thể chọn Lịch sử Cổ đại, Lịch sử Vũ trụ, Vật lý phát triển, Toán học cao cấp… Cái "siêu thị giáo dục" của chúng ta không được bày một phổ rộng các hàng hoá phù hợp với ý thích như thế. Tức là chúng ta không cho phép học sinh lựa chọn, và chúng ta nhồi nhét vào những chỗ rỗng của đời sống tinh thần của học sinh tất cả những gì mà các nhà chính trị muốn. Việc nhồi nhét những chương trình giáo dục chính trị vào trong đời sống học sinh theo cách như vậy là vô cùng nguy hiểm, không phải vì nhiều hay ít mà vì nó khai hoang miền tiềm thức của đứa trẻ khi bắt đầu đi học và trở thành yếu tố quen biết đầu tiên. Theo các lý thuyết về nhận thức, yếu tố quen biết đầu tiên trong miền tinh thần của con người chính là yếu tố chủ đạo chi phối toàn bộ quá trình lựa chọn tiếp theo để có kiến thức. Nếu người ta cấy những yếu tố sai trở thành nền tảng trí tuệ của đứa trẻ thì kết quả là nó sẽ có những lựa chọn sai trong suốt quãng đời tiếp theo. Cho nên, dạy dỗ những môn học mà giá trị theo thời gian của nó không bền vững chính là chuẩn bị để học sinh lựa chọn các yếu tố không bền vững đối với toàn bộ hệ thống trí tuệ của các em trong tương lai. Tôi lấy ví dụ, nhà chính trị nào cũng muốn từ trong học sinh có những nhà hoạt động xã hội, nhà chính trị của mình, nhưng chính trị là một món kiến thức mà trong mười học sinh thì có thể có một, hai em thích. Người nào thích học chính trị thì có thể chọn môn đấy, còn những người không có tham vọng thì không cần thiết phải học nó.
Nếu chúng ta không dạy gì ngoài những cái mà các nhà chính trị biết và muốn thì chúng ta có thể phải trả những giá đắt. Có một thời kỳ chúng ta xem những tấm gương như anh Phan Đình Giót quan trọng hơn nhiều so với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và chúng ta đã phải gánh chịu và khắc phục rất nhiều hậu quả. Dường như chúng ta chưa thấy hết được những thất thiệt do sự lệch lạc của giáo dục gây ra. Giáo dục trở thành nơi thể hiện tập trung tất cả những quan niệm lệch lạc của chúng ta về cấu trúc xã hội, và người hứng chịu những thất thiệt chính là con em của chúng ta, là nhân dân của chúng ta. Nếu chúng ta vẫn duy trì giáo dục theo cách như hiện nay thì các thế hệ sau sẽ tiếp tục lớn lên bằng sự khiếm khuyết của trí tuệ.
3. Cải cách giáo dục chính là phi chính trị hoá giáo dục
Nhiều người cho rằng chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục nhưng tôi cho rằng chúng ta không thiếu triết lý giáo dục mà chúng ta đang chấp nhận một triết lý giáo dục sai. Nếu thiếu triết lý giáo dục thì mỗi một trường phải có chất lượng khác nhau. Sự phổ biến của những giá trị thấp, của những giá trị không có chất lượng một cách rộng rãi trong nền giáo dục Việt Nam thể hiện rằng chúng ta có một triết lý giáo dục và triết lý ấy sai. Cho nên, chúng ta cần phải tìm ra một triết lý đúng đắn. Trong quyển sách "Cải cách và sự phát triển", tôi đã nói rằng phải trả lại cho nhà trường tính độc lập của nó, sự tự do của nó. "Tự do - Tự lập - Tự trọng" là ba công đoạn đào tạo ra con người. Trước hết chúng ta phải tạo ra con người, triết lý gì thì cũng phải phục vụ việc tạo ra con người, mà con người thì phải tự do, tự lập, tự trọng, trên nền tảng ấy con người mới có thể có thành tựu khác. Nếu không có nền tảng ấy, mọi sự bàn cãi đều là vô nghĩa. Bởi vì xác định được mục tiêu đào tạo là con người "Tự do - Tự lập - Tự trọng", người ta mới có tiêu chuẩn để chọn giáo viên và cái cộng đồng giáo viên là những người tạo ra các sản phẩm Tự do, Tự lập, Tự trọng đó mới có thể tạo ra được một người đứng đầu ngành giáo dục phù hợp cho mục tiêu ấy.
Hiện nay, chúng ta có nhiều chính sách giáo dục không hợp lý. Trong khi nền giáo dục sa sút như thế này mà chúng ta lại đặt ra chỉ tiêu tất cả giáo viên phải biến thành nhân viên hợp đồng là không phù hợp. Khái niệm "hợp đồng" là một công cụ toàn cầu về xử lý mối quan hệ giữa con người với nhau, tất cả mọi quan hệ đều dựa trên cơ sở hợp đồng nhưng chúng ta không tuân thủ điều ấy. Chúng ta lại nhồi vào khái niệm "biên chế", và khi chúng ta không chịu đựng được khái niệm "biên chế" thì chúng ta thải nó đi và thay vào bằng khái niệm "hợp đồng". Đó là một quá trình rút lui và quá trình ấy cũng lâu dài giống như quá trình tiến quân vào khái niệm "biên chế", do đó, phải xác định rõ nên làm nó vào lúc nào, vào thời kỳ nào. Ví dụ, nếu định hợp đồng hoá thì phải làm vào đầu kỳ nghỉ hè để cho giáo viên có 3 tháng quen dần với khái niệm này. Vừa mới khai giảng mà lại truyền bá khái niệm hợp đồng thì sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn. Tóm lại những chính sách giáo dục của chúng ta chưa có sự chiếu cố đến con người, đến tâm lý thông thường của con người. Nếu nhà lãnh đạo quên mất nhân tố con người mà ứng xử với thầy thì thầy lấy đâu ra nhân tố con người để ứng xử với trò? Chúng ta đã làm nhiều việc thiếu tế nhị trong một khu vực mà đáng ra mỗi một động thái đều phải diễn ra hết sức tinh tế, nhẹ nhàng.
Sở dĩ nền giáo dục của chúng ta có những sự lộn xộn như hiện nay là bởi vì chúng ta đã sai từ gốc. Hãy trả lại cho nhà trường, cho giáo dục và đào tạo những khoảng không gian tự do cần thiết và lấy giáo dục làm chính, lấy việc huấn luyện và đào tạo ra con người làm chính. Chúng ta phải cố gắng phi chính trị hoá nền giáo dục Việt Nam. Nếu trường học là diễn đàn của giáo dục để tuyên truyền chính trị - xã hội như với người lớn thì giáo dục không bao giờ khá được. Chúng ta có thể tìm kiếm những tài năng chính trị trong nhà trường thông qua hoạt động của phong trào thanh niên, phong trào đoàn thể và phong trào nghiên cứu những thứ liên quan đến ý thích của học sinh, sinh viên. Ai thích làm chính trị thì sẽ tham gia những hoạt động như vậy. Thường những người thích làm chính trị bao giờ cũng thích tham gia những hội đoàn học sinh, lãnh đạo đoàn, lãnh đạo đội… Trên cơ sở có những con người thích thú và tự nguyện làm những chuyện như vậy thì nhà nước sẽ tìm ra được những nhà chính trị có tài và có năng khiếu. Nếu cứ bắt tất cả học sinh đều phải có hiểu biết, làm chính trị thì chúng ta sẽ không có các nhà chuyên môn và cũng không có cả các nhà chính trị.
Phi chính trị hoá một nền giáo dục không phải là vô chính trị hoá. Chính trị là một đối tượng thật của cuộc sống, là một loại hoạt động, là một loại cấu trúc thượng tầng của đời sống tinh thần con người. Không vô chính trị được, không coi thường nó được, nhưng không gắn một quan điểm chính trị đặc biệt nào vào giáo dục thì tức là phi chính trị hoá giáo dục. Việc phi chính trị hoá đời sống học đường hoàn toàn không làm giảm chất lượng chính trị của các sản phẩm giáo dục. Nó ngăn chặn các căn bệnh của đời sống chính trị lẻn vào trong học đường tới trí não học trò và ngăn cản những cái đó trở thành một thứ cơ hội. Chúng ta công bằng với lịch sử tức là phi chính trị hóa môn lịch sử. Chúng ta công bằng với các trào lưu triết học ở trên thế giới tức là chúng ta phi chính trị hoá môn triết. Chúng ta công bằng với tất cả giá trị của thơ ca Việt Nam tức là chúng ta phi chính trị hoá thơ ca. Phi chính trị hoá chính là vứt bỏ sự vụ lợi chính trị trong việc cấu thành nội dung giáo dục đào tạo. Phi chính trị tức là người ta giữ được thái độ khách quan đối với việc đánh giá các thành tựu chính trị. Ví dụ ở quê hương của chủ nghĩa tư bản, một người cộng sản có thành tựu thì vẫn được nhắc đến, người ta vẫn đánh giá tốt về Marx. Ở London, bức tượng đẹp nhất ở trong công viên Hyde Park là bức tượng của Marx. Đấy là phi chính trị, tức là không có định kiến chính trị trong việc đánh giá các hiện tượng, các sự việc và các nhân vật. Phi chính trị hoá giáo dục là bắt buộc. Mọi quốc gia đều phải đủ tỉnh táo để không nhồi nhét những động cơ tuyên truyền của mình đối với công dân trưởng thành vào trong chương trình giáo dục và đào tạo. Đó là nguyên lý không có nhân nhượng. Hãy phi chính trị hoá động cơ cũng như nội dung của các chương trình giáo dục, chúng ta sẽ có một hệ thống nhà trường trong sạch, yên tĩnh và nó sẽ phát triển cùng với năng lực của dân tộc về mặt cơ sở vật chất.
Tôi cho rằng cần phải cải cách giáo dục ngay lập tức. Nếu chúng ta tạo ra được cảm hứng đúng thì xã hội sẽ làm, xã hội sẽ thức tỉnh, sẽ phấn khởi và nó sẽ có hiệu quả ngay. Có nhiều cách làm tinh tế lắm, ví dụ trong chương trình giáo dục không nên bắt buộc học môn tư tưởng Hồ Chí Minh, ai thích thì học. Khi người ta thấy rằng học tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ làm cho con đường thăng tiến của mình thuận lợi hơn thì người ta sẽ học một cách tự nguyện. Còn những ai không đi làm trong cơ quan nhà nước thì không cần học tư tưởng Hồ Chí Minh, như vậy đỡ lãng phí. Không nên bắt tất cả học sinh học những thứ mà xã hội không phải chỗ nào cũng cần. Đấy chính là phi chính trị hoá. Một ví dụ khác, triết học Marx là một trong nhiều trường phái triết học, trước đó có nhiều trường phái khác như duy tâm, duy tâm chủ quan, phép biện chứng Hegel… và như vậy là trong môn triết có nhiều nội dung, nhiều chương trình, anh thấy nội dung nào hợp thì chọn. Làm như thế thì tự nhiên xã hội sẽ cân bằng trở lại. Chúng ta phải dạy cả triết học của Kant, của Hegel, của Descartes... để trung hoà lại trạng thái hiểu biết của mình, khi đó tự nhiên xã hội sẽ lành mạnh. Khi học lịch sử, dạy lịch sử một cách thật sự công bằng, vô tư về mặt chính trị thì cũng không phải là không nên lật lại nó. Bởi vì trạng thái nhận thức các giá trị của con người ở mỗi một thời đại là khác nhau, nó thay đổi theo sự phát triển của kinh nghiệm và trí tuệ. Cho nên, luôn luôn phải lật lại. Lật đi lật lại các bài học lịch sử chính là công việc của mọi thời đại.
Bây giờ, chúng ta cứ đòi hỏi cải cách giáo dục là phải cải cách chương trình này khác trong khi việc nhanh nhất chúng ta có thể làm là "bắt chước". Nước nào có nền giáo dục tốt thì chúng ta bắt chước, bắt chước chương trình, bắt chước triết lý của họ. Trên thế giới này nền giáo dục nào cũng đều có triết lý của nó. Chúng ta không có kinh nghiệm để tạo ra các triết lý giáo dục thì chúng ta bắt chước triết lý của các nền giáo dục tiên tiến và cố gắng bổ sung những yếu tố cho thích hợp với Việt Nam. Cần nhớ rằng, các tiêu chuẩn của một nền giáo dục càng trung lập, càng phổ quát, tức là càng giống những nền giáo dục khác bao nhiêu thì chất lượng nền giáo dục ấy càng tốt bấy nhiêu, vì đấy chính là dấu hiệu của tự do. Nếu một nền giáo dục mà mang từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ nước này sang nước khác là không dùng được nữa thì nền giáo dục ấy chính là công nghệ để tạo ra các sản phẩm không có năng lực đối phó trên phạm vi toàn cầu, một năng lực không thể thiếu trong thời đại của chúng ta. Cho nên cần phải khẳng định rằng, tạo ra tính tự quản cho ngành giáo dục và phi chính trị hoá giáo dục là hai yêu cầu bắt buộc đối với cải cách giáo dục. Nếu không làm được hai việc ấy, thì không thể thành công được.
Tóm lại, cải cách giáo dục về bản chất là phi chính trị hóa giáo dục. Nếu nhà chính trị vẫn tiếp tục xem học đường là nơi đào tạo, là diễn đàn chính trị với đối tượng người lớn, những người hoạt động khác xem đó là nơi làm từ thiện, các bậc cha mẹ xem đó như là nơi thể hiện sự chăm sóc, nếu tất cả những lực lượng không phải là học sinh đều xem đó như nơi thể hiện ưu thế của mình thì kết quả là học sinh sẽ trở thành những đứa trẻ vị thành niên vĩnh viễn.
4. Trả lại sự yên tĩnh cho học đường
Lâu nay chúng ta vẫn bàn quanh và tiến hành liên tục chuyện cải cách sách giáo khoa, các hình thức thi cử đại học, nhưng tất cả những cái đó không làm nên sự đổi mới của nền giáo dục. Vì những quan điểm chính trị cơ bản về giáo dục chưa được xác lập, mà chưa có nó thì chưa thể bàn cái gì khác. Chúng ta thấy rằng ông bộ trưởng nọ kế tục ông bộ trưởng kia, ông bộ trưởng sau muốn chứng minh mình ưu việt hơn ông bộ trưởng trước, đấy là công việc chính trị. Lôi kéo chuyện nội bộ của những người lãnh đạo vào trong giáo dục là làm hỏng môi trường tinh thần của những đứa trẻ. Những đứa trẻ bị phân vân ngay từ đầu, bị nỗi khiếp sợ không thể hiểu được ám ảnh ngay từ đầu. Với tâm trạng như vậy, nó không thể tự tin vào bất kỳ chân lý gì nó tìm kiếm được trong quá trình học tập. Tôi nghĩ rằng, ông bộ trưởng mới hay bộ trưởng cũ đều là những người thầy. Hai người thầy số một mà đối đầu với nhau thì làm sao có đủ sự yên tĩnh cho giáo dục, làm sao có thể khuyến khích học sinh trở thành những người đứng đắn và trưởng thành được? Nghe những vấn đề về giáo dục hiện nay, là một người làm cha làm mẹ, tôi thấy rất sốt ruột. Cách đây một hai năm, khi Bộ trưởng giáo dục mới bắt đầu làm những việc chống tiêu cực, nói không cái này, nói không với cái kia, tôi đã rất lo lắng. Tôi cho rằng những đứa trẻ Việt Nam đang mộng du đi trên những nóc nhà hoặc những bức tường cao, bây giờ bỗng nhiên đánh thức nó dậy mà không đỡ, không có thang, không có quang treo, không có đệm thì lũ trẻ sẽ ngã gục. Anh không thể nói hai không hay ba không mà anh phải tôn trọng nền giáo dục đã có và lặng lẽ nhặt nhạnh tất cả những khuyết tật của nó để vứt đi và vứt không có tiếng động. Ngày xưa thế hệ của tôi khi nói về thầy giáo, cô giáo là phải nói thầm. Sau bao nhiêu năm, chúng tôi đã 50-60 tuổi rồi nhưng khi nói đến họ, chúng tôi vẫn kính trọng. Bây giờ chúng ta cãi nhau về chuyện viết sách giáo khoa bừa bãi một cách công khai, chúng ta nói về chuyện tham nhũng trong ngành giáo dục, chuyện đánh học trò công khai, tức là tất cả mọi thứ đều biến thành đối tượng của những hoạt động hết sức thiếu ý thức của các lực lượng xã hội. Trong khi còn nghèo khổ thế này thì thầy giáo, cô giáo, mỗi người đều có vấn đề của mình, những chuyện ấy vào thời của chúng tôi cũng có, nhưng chúng tôi chỉ chế giễu một cách nhẹ nhàng các khuyết tật của thầy cô, chúng tôi không dám nói một cách “oang oang” như hiện nay. Và những động thái thiếu tín nhiệm rất tinh tế như vậy của học sinh có giá trị uốn nắn, có giá trị sửa chữa, có giá trị tấn công chất lượng của thầy rất lớn. Chúng tôi tham gia vào quá trình làm trong sạch đội ngũ giáo viên bằng thái độ của học sinh chứ không phải bằng thái độ của người trả tiền. Ở những nước phát triển, học sinh phổ thông không được phép mang tiền đến trả cho nhà trường. Nếu chúng ta cứ tiếp tục vi phạm những quy tắc văn hóa trong quan hệ giữa thầy và trò như thế thì sẽ làm hỏng sự tôn nghiêm và sự tốt đẹp của mối quan hệ này.
Tôi cho rằng, cải cách giáo dục là tổ chức một loạt các công nghệ hợp lý và tổ chức một thái độ hợp lý. Thái độ hợp lý và công nghệ hợp lý đối với chúng ta hiện nay là nhặt nhạnh và vứt bỏ một cách rất yên tĩnh tất cả những yếu tố không còn hợp lý trong nền giáo dục đang có, và bỏ vào đấy một cách yên tĩnh những cái mới. Tất cả sự lấy ra và bỏ vào ấy phải đảm bảo tính yên tĩnh của một nền giáo dục, không được làm náo động tâm lý của thầy và trò. Tăng lương cho thầy cũng phải yên tĩnh, giảm học phí cho học trò cũng phải yên tĩnh. Tất cả mọi việc làm đối với trẻ con, đối với giáo dục, đối với nơi chúng ta đào tạo ra con người phải rất yên tĩnh. Tuyệt đối không thể biến công cuộc cải cách giáo dục thành một ngày hội náo nhiệt của các quan điểm chính trị. Cải cách giáo dục là xây dựng thái độ lặng lẽ nhặt nhạnh tất cả sự bất hợp lý trong các trạng thái khác nhau của một nền giáo dục và vứt đi một cách lặng lẽ hơn cả lúc nhặt. Cải cách giáo dục là một cuộc giải phẫu xã hội với đòi hỏi về sự cẩn trọng lớn hơn tất cả các cuộc giải phẫu ở tất cả các bệnh viện giải phẫu lớn nhất thế giới. Đấy chính là thái độ cần có đối với cải cách giáo dục. Cải cách giáo dục không phải là một chiến dịch ầm ĩ, bởi tất cả những cái đó, do trạng thái của truyền thông hiện nay, bọn trẻ sẽ đọc được và chúng sẽ thấy được tính không bền vững, tính không chắc chắn của trường học. Tính tạm bợ và không chắc chắn của trường học sẽ tạo ra trạng thái tạm bợ của kiến thức và của học tập. Cho nên, cần phải làm cho nhà trường trở thành một khu chân không, khu vô trùng để ở đấy không có vi khuẩn gặm nhấm năng lực, gặm nhấm sự phát triển tự nhiên của nhận thức.
Trong những bài viết về cải cách giáo dục trước đây, tôi đã nói rằng đầu tiên, chúng ta phải tạo ra cơ sở vật chất. Cơ sở vật chất gồm hai thứ, cái anh bỏ vào và cái anh huy động. Mỗi một tỉnh cần phải quy hoạch một khu vực giáo dục, ở đấy phải có các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, trường dạy nghề, trường đại học… nó tạo ra một hệ thống liên hoàn có chất lượng địa phương. Thứ hai là loại bỏ tất cả những nội dung không cần thiết cho việc hình thành nhân cách và năng lực chuyên môn của con người. Nếu không làm được ở từng tỉnh thì ít nhất phải làm ở từng khu vực. Lặng lẽ làm, không ầm ĩ, và nhà nước phải có ngân sách đầu tư cho chuyện ấy hoặc phải bán trái phiếu để đầu tư cho chuyện ấy. Trong khi chờ đợi chất lượng trở nên ổn định thì phải có ưu đãi để khuyến khích. Bây giờ chúng ta cần phát triển hệ thống giáo viên thì chúng ta tăng lương giáo viên lên. Nhưng có lúc chúng ta lại muốn công bằng xã hội, tăng lương giáo viên thì chúng ta lại e ngại làm các nghệ sĩ bực mình. Chúng ta cần phải làm dứt khoát mọi chuyện và phải có ý chí rõ ràng. Nhà nước là người đưa ra chính sách giáo dục, nhà nước phải định nghĩa giáo dục cho ai, để làm gì và làm như thế nào. Còn làm như thế nào thì Nhà nước phải có ngân sách giành cho phát triển giáo dục và có phương thức để huy động xã hội. Tôi nghĩ rằng cần làm ngay, làm một cách kiên nhẫn và yên lặng, không làm huyên náo học đường, kể cả làm để tạo ra cơ sở vật chất của nó.
*
* *
Phải nói rằng tất cả những thảo luận xung quanh vấn đề giáo dục hiện nay đều đang ở phạm vi hẹp và chưa đi vào được cái lõi của vấn đề. Sự tranh cãi hiện nay giữa các nhà giáo dục của chúng ta cũng chỉ đến mức Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ giáo dục mà Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ giáo dục không phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng của nền giáo dục.. Người chủ trì chương trình cải cách giáo dục phải là người đứng đầu đất nước và ông ấy phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục chứ không phải là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Chừng nào người đứng đầu đất nước chưa ý thức được mình là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng của nền giáo dục thì không thể hy vọng có nền giáo dục tốt.
Thực ra cải cách giáo dục không phải là quá phức tạp. Những năm 65 trở về trước, chúng ta có một nền giáo dục rất tốt, chúng ta có thầy tốt, trò tốt. Chúng ta đã từng có những giai đoạn tốt, nhưng chúng ta không biết, chúng ta chê bai nó, những người sau muốn phủ nhận thành công của người trước và tạo ra các trạng thái càng ngày rối. Đấy là sự cãi nhau giữa những người đứng đầu về thành tích của họ chứ không phải vì sự hoàn thiện của nền giáo dục. Phải trả lại cho nhà trường tất cả sự yên tĩnh của đời sống con người, phải tạo điều kiện để có những cơ sở giáo dục mà sự yên tĩnh của giáo dục hỗ trợ sự yên tĩnh của tinh thần.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005