Dù mưa, xin cứ ra đường!

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Invest Consult
10:07 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Sáu, 2016

Nếu khủng hoảng là một cơn mưa, tại sao ta không đi xuyên qua nó và tìm những cơ hội cho mình?Khủng hoảng sẽ ra đi và sẽ quay trở lại

Chúng ta cần xác định với nhau rằng, khủng hoảng là hiện tượng mang tính chu kỳ với mức độ dài ngắn khác nhau. Xác định như vậy mới có sự dự phòng và sẵn sàng tâm thế cho những tình huống khó khăn, bấn loạn.

Vì sao người trẻ dễ trở thành nạn nhân của khủng hoảng?

Trong khủng hoảng, lớp trẻ sẽ là những người chịu áp lực nặng nề, vì ít kinh nghiệm, sống lãng mạn với không ít ảo tưởng, cũng thường ít kiên định, dễ dao động trong lúc khó khăn, lại thuộc về tầng lớp những người nghèo trong xã hội…

Và vì thế, người trẻ dễ trở thành nạn nhân của khủng hoảng, do những tham vọng chủ quan quá lớn và sự bất tương xứng của khả năng.

Vậy ưu thế của người trẻ là gì?

Đó chính là sức khỏe, sức chịu đựng, và… sự bất cần vốn có. Sự bất cần vốn là điểm yếu, thế nhưng trong khủng hoảng, đó lại là điểm mạnh, giúp người trẻ vượt qua. Các bạn trẻ có thể hủy bỏ các quyết định, các cam kết dễ hơn người già chúng tôi.

Khủng hoảng đem lại cho các bạn trẻ cơ hội thách thức bản thân, khuyến khích sự sáng tạo. Với sức trẻ và kiến thức vào độ chín tới, đó là cơ hội cho các bạn thể nghiệm bản thân mình, tìm ra những lối thoát bất ngờ, dù cũng không tránh khỏi việc tìm đến những tai họa cũng khôn lường.

Năng lực phiêu lưu, sự "liều mạng" và quyền tự do với các trách nhiệm, cùng với sự năng động... sẽ tiếp sức cho người trẻ.

Ai cũng có cơ hội được… làm quen với khủng hoảng

Tuổi trẻ của các bạn, của con tôi phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế, còn tuổi trẻ của tôi và thế hệ tôi phải đi qua một cuộc khủng hoảng khác - chiến tranh, cuộc khủng hoảng mang màu sắc chính trị.

Năm 2009 chắc chắn là một năm khó khăn. Nhưng thực ra, những khó khăn thực sự của người Việt Nam vẫn chưa qua lâu lắm. Các bạn đã từng sống trong cái khó khăn chung của toàn xã hội. Hãy xem dịp này như là dịp để ôn tập lại kinh nghiệm của những giai đoạn khó khăn, để thấy dù tình hình như thế nào thì vẫn chưa khó bằng những gì mình đã từng trải qua.

Năm 2009 còn là năm của những thay đổi chóng mặt. Chúng ta sẽ chứng kiến những khái niệm, tiêu chí... tưởng là ổn định, bền vững vẫn bị thách thức và thay đổi. Xác định cuộc sống là những thay đổi liên tục, các bạn cũng không nên lấy gì làm ngỡ ngàng với những khó khăn và thay đổi của 2009. Cuộc sống là một hàm số với biến số thời gian. Các bạn không có gì phải lo sợ!

Thiếu kinh nghiệm và kiến thức, nhưng bù lại, bạn có lòng dũng cảm và óc tưởng tượng. Kinh nghiệm là sản phẩm của quá khứ, trong khi óc tưởng tượng sẽ sáng tạo tương lai. Người trẻ phải dùng thế mạnh của mình là óc tưởng tượng, thay vì dựa vào thế mạnh của người già là kinh nghiệm để hành xử.

Tìm CƠ HỘI trong CƠN MƯA...

Không có công thức nào đúng cho từng người và phổ biến cho mọi người để đi qua khủng hoảng. Mỗi người sẽ có phản ứng và lựa chọn hành xử khác nhau: khai thác quan hệ vốn có, liên kết thành tập thể, chí ít là để chia sẻ những khó khăn...

Cách làm có thể khác nhau, nhưng để vượt qua thì đều phải tìm về điểm chung: liên kết với nhau trong xã hội để sức chịu đựng được bồi thêm, nâng lên...

Trời mưa, ai ra đường làm gì vội, dễ bị ốm đau. Nhưng khi trời mưa, không ai ra đường, mà mình lăn xả ra, rất có thể đó lại là cách tốt để kiếm được cơ hội gì đó cho riêng mình, giúp mình vượt lên, bật lên.

Nhưng dù ở trong nhà trú mưa, hay ra đường tìm kiếm lợi nhuận thì điều quan trọng nhất là không được mất ý chí, mất liên lạc với xã hội, bạn bè. Chất lượng liên minh xã hội bền chặt là một trong những món võ quan trọng và phổ biến với các cá thể trước khó khăn.

Đừng để khủng hoảng đốn ngã mình với tư cách là một CON NGƯỜI

Cũng cần lưu ý, khủng hoảng là cơ hội cho nhiều tính xấu đâm chồi. Trước khó khăn, người chưa đủ bản lĩnh về đức hạnh thường dễ tiếp cận những giải pháp xấu, những giải pháp khiến mình không còn giữ được bản thân.

Do đó, dù trong hoàn cảnh nào, bạn cũng không được cho phép khủng hoảng bẻ gãy sự lương thiện vốn có. Không được phép để khó khăn đốn ngã mình với tư cách là một CON NGƯỜI.
Trong khó khăn, người trẻ cần có đủ ý chí, đủ sức mạnh, trí tưởng tượng và dám đánh đổi, chấp nhận mạo hiểm và đánh đổi, trừ đánh đổi sự lương thiện của mình, để thành công.

Ngay cả sự thua thiệt, hy sinh cũng có cái giá của nó: giúp bạn nhận diện ranh giới mình có thể vượt quá, giúp bạn lượng sức mình. Nhưng ghi chú rằng, sự mạo hiểm và đánh đổi không phải dành cho số đông. Với đa số, trong khủng hoảng, tôi nghĩ các bạn cần phải hết sức thận trọng và lượng sức.

Khủng hoảng là dịp để quốc gia kiếm tìm "nguyên khí"

Khủng hoảng giúp mỗi bạn trẻ đo được sức mình và xã hội cũng đo được người trẻ, phát hiện tài năng trong từng con người, đánh dấu những cá nhân có tài thật sự để xếp vào đội ngũ những người có tiềm năng tạo nên "nguyên khí quốc gia".

Các nhà lãnh đạo phải nhìn vào sự vượt ngưỡng ngoạn mục của người trẻ để xem quốc gia mình có gì và không có gì. Nếu trong khó khăn, đất nước không có những người trẻ vượt ngưỡng ngoạn mục, thì Việt Nam khó cất cánh sánh vai với các quốc gia trên thế giới. Sau cơn mưa, trời nắng ráo, ta sẽ biết được ai là người có sức chịu đựng tốt nhất.

Các bạn cần kết hợp được nhuần nhuyễn hai yếu tố "thận trọng" và "dũng cảm". Càng khó khăn càng đòi hỏi sự kết hợp hai yếu tố đó nhuần nhị hơn. Đó là chìa khóa giúp người trẻ trong khó khăn thử thách tìm ra giải pháp hợp lý cho mỗi cá nhân.

Ngược lại, nếu tất cả cùng xông ra mà không lượng sức, thì lại chứng minh anh đáng chết vì liều mạng. Sự dũng cảm và thận trọng của bạn trẻ không chỉ cho mình, mà cho quốc gia này, đất nước này.

Trong khó khăn và khủng hoảng, người yếu và kém sẽ bị loại khỏi vòng quay cuộc sống, hoặc nếu không, anh sẽ trở thành đối tượng của sự quan tâm mang tính nhân đạo của cộng đồng. Nếu không muốn là đối tượng nhận sự che chở của người khác, không có cách gì hơn, bạn cần phấn đấu hết sức mình.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự do - Tự lập - Tự trọng là những giá trị làm người số một

    12/11/2014Tự do - Tự lập - Tự trọng là những đại lượng hết sức quan trọng để hình thành giá trị của con người. Có những con người nếu mà đầu tư cho nó một chút thì giá của nó cao gấp mười lần so với giá tự nhiên, người ta gọi đó là lăng-xê. Rất nhiều người được lăng-xê, trông xa thì lấp lánh nhưng đến gần thì thấy rất thất vọng...
  • Tinh thần bất ổn

    13/07/2017Phạm QuỳnhKhông thể chối cãi được rằng đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng, có thể là khủng hoảng tăng trưởng, cách gì thì cũng là một khủng hoảng khá sâu sắc, và nhiều người không nghi ngờ gì mức độ nghiêm trọng của nó.
  • 6 xu hướng của giới trẻ Việt năm 2008

    31/12/2008Lan HươngNăm 2008 khép lại không có những “scandal” hoành tráng nhưng cộng đồng giới trẻ Việt vẫn chứng kiến sự lên ngôi của một số xu thế, cả trên giảng đường, trong không gian ảo lẫn trong cuộc sống thật.
  • Tác động toàn cầu hóa đến đạo đức sinh viên hiện nay

    25/08/2006Võ Minh TuấnToàn cầu hoá là một làn sóng vô cùng mạnh mẽ kéo theo tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi gia đình và cá nhân vào cuộc. Không một ai, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. SV Việt Nam là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng khá mạnh của xu thế toàn cẩu hóa...
  • Thế kỷ XXI: Một tương lai hư nhiều hơn thực?

    21/05/2006Đặng Chuẩn giới thiệu và lược dịchBước sang thế kỷ XXI, có những đợt sóng liên tục các dự báo lạc quan về thành tựu khoa học, phát minh công nghệ, về kinh tế xã hội. Tuy nhiên, cũng có một luồng ý kiến hoài nghi liệu thế kỷ mới có đem lại được gì hơn cho loài người? Điển hình trong luồng phản đề ấy là một bài viết gần đây...