Võ Văn Kiệt - Người mang khát vọng lắng nghe
"Có rất nhiều điều để nói về ông - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng điều ấn tượng nhất của tôi là ông có khát vọng lắng nghe như một người khát thông tin, khát ý kiến của người khác đối với các vấn đề mà mình quan tâm. Và ông đem nhốt vào đời sống tinh thần của mình những vấn đề sống còn của đất nước để mà suy nghĩ, trăn trở".
Chuyên gia kinh tế - chính trị Nguyễn Trần Bạt kể lại những kỉ niệm sâu sắc và chiêm nghiệm của riêng ông về một con người được tất cả chúng ta kính trọng: Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Từ một hội thảo gây chấn động...
Lần đầu tiên tôi biết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lại là lần "va đụng" vào đúng thời điểm tôi bắt đầu sự nghiệp của mình. Có lẽ vào thời kỳ đó, tôi là người Việt Nam đầu tiên tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài.
Tháng 5/1989, công ty INVESTIP của chúng tôi, trực thuộc UB Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề Xây dựng thị trường tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam. Diễn giả là TGĐ Thị trường chứng khoán London và TGĐ Thị trường chứng khoán Budapest.
Phải nói đó là hội thảo gây chấn động dư luận tại TP.HCM bấy giờ. Hội thảo được tổ chức tại Nhà hát lớn TP.HCM - vốn có khoảng từ 550 đến 700 chỗ, nhưng ghế được kê kín tất cả các hành lang, với khoảng hơn 1000 người tham dự.
Sau khi ra Hà Nội được 3 hôm thì tôi nhận được một công văn gửi cho UBKHKT Nhà nước khiển trách và đề nghị tạm thời đóng cửa công ty chúng tôi. Người ký là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt. Sau đó, Ban Bí thư cũng mời tôi lên làm việc.
Vào năm 1989, Đảng ta mới bắt đầu mở cửa và Đông Âu vừa mới sụp đổ, cho nên không thể tránh khỏi những nghi vấn chính trị trong việc truyền bá các khái niệm. Khi có công văn khiển trách, nhiều người khuyên tôi nên có phản ứng với Chính phủ và với đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhưng tôi nói, là một người làm việc vì thiện chí chính trị nên tôi không phản ứng. Có thể tôi không đủ tinh khôn để lường hết những hậu quả xã hội hoặc chính trị đối với những việc mình làm, nên tôi im lặng và lắng nghe dư luận.
Tôi nghĩ rằng, chính sách mở cửa của chúng ta là một thể nghiệm không đầy đủ. Có lẽ những người chủ trương mở cửa cũng gặp phải khó khăn giống như tôi khi tổ chức hội thảo. Cho nên, dường như giữa tôi và Phó thủ tướng Võ Văn Kiệt có một sự cảm thông nào đó, mặc dù ông là người ký quyết định khiển trách tôi.
Một thời gian sau, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) theo chỉ thị của Chính phủ đã cấp giấy phép hoạt động tư vấn đầu tư nước ngoài và quản lý loại hoạt động này. Tôi cũng nằm trong danh sách xin cấp giấy phép kinh doanh.
Tôi vẫn nhớ, trợ lý của Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt là ông Nguyễn Thiệu có đến làm việc chính thức với tôi về chuyện này. Họ không còn khiển trách tôi về sai sót của hội thảo nữa mà muốn hỏi tôi tư vấn đầu tư là gì? Có thời kỳ các nhà lãnh đạo gọi nghề này là cai đầu dài, chuyên tổ chức cho khách hàng các cuộc gặp rồi thu phí. Tôi luôn nghĩ rằng, một con người cởi mở và có chủ trương đổi mới như ông Kiệt chắc chắn không trừng phạt một người như tôi, do đó tôi trả lời một cách vui vẻ và kiên nhẫn tất cả các chất vấn của ông Nguyễn Thiệu, cũng như các chất vấn của ban bí thư trước đó.
Sau đó, một người bạn ở Vụ 7 của Văn phòng Chính phủ cho tôi xem một tờ phê chuẩn có tên công ty của tôi với nét phê bằng bút dạ rất đậm ghi rằng "Cái này số 1", ký tên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với chữ Sáu. Nói thật là lúc đó tôi mừng đến phát khóc. Bởi tôi làm việc này vì một sự nghiệp mà tôi theo đuổi là làm sao để cho Việt Nam hội nhập thật, làm sao để cho thế giới chấp nhận Việt Nam thật, làm sao để cho Việt Nam nhận được đầu tư thật.
Đó là kỷ niệm mở đầu sự tương tác của tôi thông qua nghề nghiệp của mình với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bối cảnh đất nước đổi mới và mở cửa.
Tiên phong mở cửa cho nhiều thị trường
Năm 1990, công ty InvestConsult mời nhà tài chính quan trọng của châu Âu thời bấy giờ là huân tước Jimmy Goldsmith đến Việt Nam.
Trong chương trình làm việc của ông này có một buổi nói chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt được tổ chức từ 5h chiều và kết thúc vào 10h đêm. Gần đây khi nói chuyện lại với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, `tôi mới biết rằng ông rất nhớ buổi làm việc ấy.
Có một thông tin mà người phiên dịch cho cuộc gặp đó kể lại, ông Jimmy Goldsmith hỏi tại sao các ngài cứ bám chặt vào cái chỉ tiêu tăng trưởng? GDP không phản ánh được gì cả, như ở Bhutan chẳng hạn, GDP của họ bằng không nhưng người dân rất hạnh phúc. Ông Kiệt rất tâm đắc với quan điểm đó của Jimmy Goldsmith.
Đấy là lần đầu tiên tôi làm việc với ông Kiệt với tư cách là giám đốc một công ty và tổ chức một chương trình làm việc cho khách hàng của mình.
Lần thứ hai, tôi dẫn đại diện chi nhánh của công ty kiểm toán KPMG tại Sydney, ngân hàng ANZ, một công ty bảo hiểm và một công ty luật nước ngoài đến làm việc trực tiếp với ông Kiệt . Ông Kiệt tiếp đón rất vui vẻ, đến khi tiễn khách, tự nhiên ông đi cạnh tôi, ông hỏi là những công ty như thế này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự phát triển.
Tôi trả lời, thưa Thủ tướng, chúng ta đang trong quá trình mở cửa để mời gọi các nhà kinh doanh, các nhà đầu tư vào Việt Nam, nếu không mở cửa thị trường ngân hàng, kiểm toán, luật sư, bảo hiểm thì chúng ta không chứng minh được với thế giới là chúng ta đang mở cửa.
Ông hỏi tôi luôn tại sao lại như thế? Tôi nói, luật sư nước ngoài đến Việt Nam bao giờ cũng đảm bảo sự đúng đắn pháp lý cho các công ty nước ngoài, bởi hầu hết các công ty có tiền vào đây không phải là các công ty tư nhân mà là các công ty công chúng. Những công ty công chúng được công chúng đánh giá chính xác hay không chính xác bằng việc nó sử dụng các dịch vụ bảo vệ pháp luật như thế nào. Một công ty công chúng được đánh giá tốt nếu nó có được những báo cáo kế toán và kiểm toán tốt. Một công ty công chúng sẽ an toàn nếu nó được bảo hiểm tốt. Và một công ty công chúng sẽ kinh doanh tốt nếu nó được cung cấp các dịch vụ ngân hàng thích hợp với các tiêu chuẩn thương mại của họ.
Cho nên mở cửa thị trường ngân hàng, thị trường bảo hiểm, thị trường kiểm toán, thị trường luật sư là những sự mở cửa có tính chất cơ sở đối với việc mở cửa thị trường. Ông tỏ ra rất thích thú và ngạc nhiên. Và trong nhiệm kỳ làm Thủ tướng, ông đã mở cửa được thị trường ngân hàng, kiểm toán và luật sư.
Con người mang khát vọng lắng nghe
Sau hai lần gặp kể trên thì đến năm 2006 tôi mới có dịp gặp lại Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Như vậy, từ năm 1989 đến năm 2006, tôi gặp ông ba lần, nhưng cả ba lần ông đều không biết tên tôi, bởi vì tôi không gặp ông với tư cách cá nhân mà do quan hệ công tác.
Năm 2005, tôi đã xuất bản một số quyển sách. Bạn bè tôi có chuyển cho ông đọc. Ông có ngỏ ý muốn tôi lên gặp một đôi lần, nhưng vốn là một người không mấy bạo gan nên tôi cũng ngại.
Cuối cùng, một người bạn bố trí mời tôi ăn cơm cùng Thủ tướng. Tôi nghĩ đấy là một sự ngẫu nhiên, nhưng khi thấy tôi đến thì Thủ tướng đứng dậy và bắt tay tôi. Ông nói: “Trời, mình cứ tưởng sẽ gặp một ông già, hoá ra trông cậu vẫn còn trẻ". Tôi gọi Thủ tướng bằng chú nhưng ông bảo: “Mình còn trẻ, cậu cũng còn trẻ, vậy cứ gọi bằng anh cho trẻ”.
Từ đấy, theo đề nghị của ông, tôi buộc phải gọi ông bằng anh nhưng tôi thường tránh bằng cách xưng hô "Thủ tướng". Tôi rất cảm động khi lần đầu tiên được gặp ông với tư cách cá nhân, ông tiếp tôi với một thái độ gần gũi. Sau đó, nhà thơ Việt Phương sắp xếp để chúng tôi cùng làm việc với Thủ tướng tại Hồ Tây. Hôm ấy chúng tôi trao đổi nhiều chuyện, nhưng tôi không nói nhiều, tôi lắng nghe người khác nói và lặng lẽ quan sát ông.
Có rất nhiều điều cần nói về ông, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng tôi muốn nói đến một khía cạnh mà tôi đã học được ở ông, một nhà lãnh đạo, một nhà cách mạng, một nhà chính trị chuyên nghiệp, đó là ông biết nghe và ông có khát vọng lắng nghe. Ông có khát vọng lắng nghe như một người khát thông tin, khát kiến thức, khát ý kiến của người khác đối với các vấn đề mà mình quan tâm.
Ở ông, trong 4, 5 lần gặp sau này nữa, tôi thấy ông không có thái độ chiếu cố để nghe bất kỳ ai cả. Đấy là một phẩm chất rất quan trọng mà thế hệ trẻ hơn ông phải học. Ông luôn khao khát được nghe và nghe với một thái độ thân thiện khó mô tả, tranh luận một cách bộc trực thậm chí có khi nóng nảy, nhưng thân thiện và khao khát. Một người đã ở tuổi ngoài 80 mà vẫn khao khát thông tin, khao khát hiểu biết như vậy làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Tại sao ông luôn giữ được điều ấy?
Khi nghe ông nói về GS Trần Văn Giàu thì tôi không tưởng tượng được là tại sao lại có một con người biết kính trọng học vấn đến thế! Ông nhận xét về ông Giàu là: "Ông già viết cả ngày lẫn đêm, không biết ông ấy viết gì mà lắm vậy, ông ấy viết về lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam mà dày như thế này này. Đôi lúc mình tìm đến chỗ nào mình muốn để đọc và hiểu ý của ông già". Ông nói một cách đầy tự hào về các bậc đàn anh của mình như thế. Đó là một sự kính trọng bản năng của một nhà chính trị đối với một khối trí tuệ như GS Trần Văn Giàu.
Giáo sư Trần Văn Giàu năm nay gần 100 tuổi, một người chưa bao giờ thật sự bước vào đời sống cầm quyền. Một người thành đạt đến mức trở thành Thủ tướng như ông Võ Văn Kiệt nhưng nói về người đàn anh của mình, nói về người thầy của mình bằng một sự kính trọng mà tôi nghĩ rằng học sinh bây giờ cũng không biết nói về thầy giáo, cô giáo mình như thế.
Ông không những biết lắng nghe, khao khát nghe mà ông còn biết động viên người nói. Tôi không thấy ở ông bất kỳ sự trịch thượng nào của một người đã từng làm Thủ tướng. Có lần, ông cho thư ký gọi điện đề nghị tôi 8 giờ sáng lên Hồ Tây làm việc với ông. Sáng hôm sau tôi đến chậm mất hai phút. Ông nói: "Chậm hai phút nhé!", rồi cười rất hiền. Ông thả dép ra, ngồi khoanh tròn trên cái đi văng, còn tôi ngồi trên ghế sofa đối diện và hai “thầy trò” nói chuyện với nhau.
Tôi nói thao thao bất tuyệt. Từ 8h sáng đến 12h rưỡi trưa, tôi nói phần lớn thời gian, còn ông chỉ hỏi và nói thêm một vài điều. Đầu tiên, ông hỏi về cuộc đời tôi. Tôi kể tôi đã đi thanh niên xung phong vào năm tôi 16 tuổi như thế nào, tôi đi bộ đội như thế nào, ở sư đoàn nào, trung đoàn nào, đến khi bị loại ngũ vì thiếu sức khoẻ, tôi đi học đại học như thế nào, rồi sau đó, tái ngũ vào bộ đội phục vụ xây đường Hồ Chí Minh ra sao… Ông bảo tôi: “À, hoá ra cũng trần ai lắm nhỉ!” Ông nói rất dễ thương rồi cười. Rồi ông hỏi tôi về vấn đề kinh tế.
Hôm đó khi tôi nói về kinh tế thì thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mốc 1100 điểm. Câu hỏi của ông thể hiện sự lo lắng cho tình hình kinh tế. Tôi nói rằng, về mặt cơ bản, nền kinh tế Việt Nam không có các vấn đề quá khó. Cái khó của Việt Nam là chúng ta vẫn do dự trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống của chủ nghĩa xã hội đến nền kinh tế có chất lượng thị trường thật sự. Chính sự do dự trong quá trình chuyển đổi tạo ra các khó khăn và khi gặp phải những khó khăn vĩ mô, những khó khăn bên ngoài thì tự nhiên chúng ta lâm vào khó khăn.
Ông hỏi tôi về vấn đề điều hành của chính phủ. Tôi trả lời, trong điều hành, Chính phủ có gặp phải một số vấn đề nhưng không thể quy hết trách nhiệm cho Chính phủ. Tôi cũng nói thật là tôi không bênh chính phủ nhưng về mặt khoa học thì phải công bằng với chính phủ và Thủ tướng đương nhiệm. Cỗ xe kinh tế của chúng ta không thuần nhất và không đủ chắc chắn. Vì cỗ xe này không gắn kết với nhau, khu vực tư nhân, khu vực nhà nước là những thực thể rời rạc nên khi kéo cỗ xe đi quá nhanh thì để rớt lại đằng sau cả một khu vực kinh tế rộng lớn là tư nhân. Đi theo kịp chính phủ chỉ có các tập đoàn.
Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm về việc chọn tốc độ phát triển, tốc độ chạy của cỗ xe thôi. Còn cơ cấu của cái xe là lỗi có tính chất chuyển đổi của cả hệ thống chính trị. Mà những mặt lạc hậu của thể chế thì Thủ tướng không đủ quyền lực để sửa đổi mà phải kêu gọi sự thống nhất của hệ thống chính trị.
Và song song với quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển, Đảng phải mạnh dạn trong việc cải cách thể chế. Tôi có trình bày rất cẩn thận với ông rằng, cần phải sửa đổi những mặt đã lạc hậu, những mặt không còn phù hợp của thể chế, chứ không phải thay đổi thể chế.
Thay đổi và sắp xếp đời sống chính trị tới đâu thì phát triển kinh tế phải có tốc độ tương ứng. Tốc độ phát triển kinh tế lớn hơn tốc độ cải cách thể chế chính trị thì luôn luôn tạo ra các mâu thuẫn xã hội và người chịu thiệt là nhân dân. Tôi nói gần như nguyên văn với ông như thế.
Khi đó, tôi nói say sưa lắm, vì dường như tôi "mê" ông. Lần đầu tiên tôi được một nhà lãnh đạo tầm cỡ nguyên thủ quốc gia thừa nhận như một người có thể phát biểu với mình và điều đó làm tôi cảm thấy cuộc gặp gỡ rất thiêng liêng. Tôi nói say sưa, có lúc dường như tôi phải dừng lại để thở, tôi thấy ông nhìn tôi một cách chăm chú với ánh mắt của một người cha thưởng thức sự thăng hoa của con mình. Tôi rất cảm động! Có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi quên được buổi gặp riêng với ông hôm ấy.
Sau đó, tôi có gửi cho Thủ tướng những bộ bản thảo của tôi. Tôi không nghĩ ông có thời gian để đọc, đọc các cuốn sách đã in của tôi đã mất nhiều thời gian rồi, nhưng qua nói chuyện với ông, qua câu hỏi của ông và những vấn đề ông nói thì tôi hiểu là ông đã đọc hết.
Sau này tôi có gặp ông hai lần nữa. Khi nói chuyện xong, còn một mình tôi với ông, ông tiễn tôi ra về, tôi lặng lẽ đi trước. Bất ngờ ông đặt tay lên vai tôi, giao tiếp bằng trường sinh học giữa hai con người mách bảo tôi rằng không nên quay lại, bởi vì nếu quay lại, tôi sẽ khóc.
Nhốt vào đời sống tinh thần những vấn đề sống còn của đất nước
Điều thứ hai tôi quan sát được ở ông là sự trăn trở, sự thức, sự sống cùng các vấn đề mà mình quan tâm và hầu hết đều là những vấn đề gắn liền với sinh mệnh của đất nước. Chẳng hạn như chuyện chống tham nhũng. Băn khoăn về chuyện chống tham nhũng có thể lẫn lộn với nhiều tâm lý khác, nhưng băn khoăn về hậu quả của sự nóng lên của trái đất rõ ràng không có chính trị ở trong đấy, mà nó chứa đựng sự khát khao, sự trăn trở về thân phận của con người, về sự tồn vong của đất nước, của quê hương. Ông hỏi vụ động đất ở Tứ Xuyên có phải là hậu quả của sự nóng lên của trái đất không.
"Có lần, tôi nói với ông: "Thưa Thủ tướng, có lẽ những người giữ cương vị Thủ tướng về sau có nhiều thuận lợi hơn Thủ tướng, vì dù sao thảo luận với các Tổng Bí thư hay Chủ tịch Quốc hội hiền có vẻ dễ hơn với những người cùng thế hệ của Thủ tướng". Ông bảo rằng: "Tôi đồng ý với anh là thảo luận với một Tổng bí thư hiền là một điều thuận lợi với một Thủ tướng. Nhưng tôi không hề khó chịu khi hợp tác với những người cùng thế hệ với tôi. Phải nói rằng, những người cùng thế hệ với tôi giữ những cương vị khác như Tổng Bí thư, họ sắc sảo và giàu kinh nghiệm. Thuyết phục Tổng Bí thư là một việc rất khó và tôi buộc phải thuyết phục, bởi vì đấy là kỷ luật của đời sống chính trị”. Ông luôn tôn trọng các kỷ luật chính trị, nhất là kỷ luật quan hệ giữa các nhà chính trị cùng một thế hệ với mình". |
Tôi trả lời rằng, động đất ở Tứ Xuyên không liên quan đến sự nóng lên của trái đất mà là sự chất tải quá đáng lên trên các vết nứt của trái đất. Tôi giải thích là trên trái đất có các vết nứt và hầu hết các dòng sông trên thế giới này là những vết nứt như vậy. Cho nên, trong công tác thuỷ điện cần phải luôn lưu ý lựa chọn chiều cao đập như thế nào cho phù hợp với năng lực chịu tải của các vết nứt. Còn sự nóng lên của trái đất thì gắn liền với nhiều thứ.
Tôi giải thích với ông việc người Mỹ không ký Nghị định thư Kyoto vì sự nóng lên của trái đất dẫn đến hiện tượng băng tan, băng tan thì nước biển dâng, những vùng đất ven biển bị ngập và nó kéo theo hiện tượng ngập mặn, nhưng có những vùng thì nước rút, có những vùng ấm lên và ở những vùng này trồng trọt được, còn ở những vùng ngập mặn thì không trồng trọt được.
Như vậy, việc nước biển dâng sẽ dẫn đến sự phân bố lại diện tích trồng trọt trên phạm vi toàn cầu và do đó, nhiều quốc gia không chấp nhận Nghị định thư Kyoto vì cái đấy phản ánh lợi ích của mình. Tuy nhiên, chắc chắn nó là một hiện tượng gây hại toàn cầu, nhất là đối với Việt Nam, một quốc gia có hơn 3000 km đường bờ biển, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với hiện tượng xây các đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, tức là làm cho lưu lượng nước chảy xuống hạ lưu giảm xuống cộng với nước dâng lên thì châu thổ không phát triển được để cân bằng với sự mất mát châu thổ do ngập mặn thì có thể có những thất thiệt.
Có lẽ sau khi nghe những điều tôi nói, ông Kiệt mới nảy sinh ra ý định đi Hà Lan. Ông nghe những chuyện ấy rất chăm chú, tôi rất ngạc nhiên thấy một người đã 87 tuổi mà băn khoăn từ việc chống tham nhũng đến việc nóng lên của trái đất, và thậm chí là việc nuôi hổ của người dân…
Trước đây, tôi luôn ngưỡng mộ những nhà cách mạng tiền bối, thế hệ sáng lập đất nước. Chưa nói về lập trường chính trị, mà với tư cách là những con người thì họ đã dấn thân và chiến đấu hết mình vì một sự nghiệp mà họ coi là lý tưởng. Khi tiếp cận với ông Kiệt, tôi mới hiểu chất lượng của những người tiền bối là như thế nào. Sự trăn trở trước những vấn đề của đời sống đã tạo cho ông một sức hấp dẫn kỳ lạ của con người.
Đặt những vấn đề của đất nước vào trong đời sống tinh thần của mình là cả một công nghệ để nâng mình lên một tầm khác. Tôi thấy rất nhiều thanh niên ngồi với nhau là nói chuyện bia rượu, chuyện hoa hậu, bóng đá… Tôi ít thấy ai nói chuyện đất nước, nói chuyện rừng ngập mặn, nói về hiện tượng nóng lên của trái đất.
Tôi cầu mong cho thế hệ trẻ bây giờ có nhiều người học được những phẩm chất như vậy, đem "nhốt" vào trong đời sống tinh thần của mình những vấn đề sống còn của đất nước mà suy nghĩ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005