Cải cách: Bản chất và mục tiêu
Trước hết, phải khẳng định, bản chất của cải cách là chủ động hay cải cách là hoạt động chủ động của con người. Cải cách chính là một chương trình mà con người xây dựng để chủ động tác động lên tiến trình phát triển của cuộc sống. Khi nhu cầu xã hội, nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi phải cải cách, tức là khi các hoạt động xã hội không theo kịp những trạng thái phát triển mới, không phù hợp với những quy luật mới của cuộc sống thì hệ thống chính trị hoặc xã hội phải chủ động đưa ra các chương trình uốn nắn và điều chỉnh. Nói một cách khái quát, cải cách là biện pháp con người chủ động đưa ra các chương trình uốn nắn các hành động xã hội, nhằm thúc đẩy một nhịp điệu phát triển phù hợp với quy luật của cuộc sống. Từ định nghĩa này, chúng ta có thể thấy rõ là, mục tiêu của cải cách chính là phát triển, vì những trạng thái tiến bộ của cuộc sống. Hơn ai hết, những người hoạch định chương trình cải cách cần phải hiểu là cải cách không phải vì chính nó mà vì cuộc sống, vì con người.
Các chương trình cải cách có hai nhiệm vụ rất rõ ràng: Thứ nhất là uốn nắn những sai trái trong các chương trình hành động xã hội được phát hiện bởi trạng thái tiến bộ về nhận thức của xã hội. Thứ hai là bổ sung vào các chương trình hành động xã hội những yếu tố mới xuất hiện do đòi hỏi của sự phát triển tự nhiên hoặc phát triển mới của cuộc sống. Nếu chương trình cải cách nào không có những nhiệm vụ như vậy và con người không hiểu bản chất của cải cách là chủ động sửa chữa, chủ động khắc phục, chủ động bổ sung các hoạt động xã hội thì không còn là cải cách nữa. Con người luôn luôn phải chủ động tiến hành chương trình cải tạo xã hội, chương trình sửa chữa những sai lầm và bổ sung những sự thiếu hụt của các chương trình hành động xã hội.
Chúng ta sẽ giải thích rõ hơn từng thuật ngữ. Trước hết là "chủ động". Khác với cải cách, cách mạng là hoạt động bị động đối với xã hội. Mọi người vẫn cho rằng cách mạng là hành động chủ động, nhưng không phải. Hành động cách mạng là hành động bị động đối với tất cả, kể cả những người bị cách mạng tiến công và những người tiến hành cách mạng và nó gây ra sự phá vỡ các cấu trúc của đời sống. Người ta nói rằng, cách mạng tạo ra sự tiến bộ. Có thể đúng, nhưng đó là sự tiến bộ phải trả giá, cụ thể là nó làm mất đi sự yên ổn của cuộc sống. Đây là cái mà hầu hết những người tiến hành cách mạng, trong khi say sưa với hành động của mình, không suy ngẫm một cách thấu đáo và trên thực tế họ không thể sống mãi sau các cuộc cách mạng để có thể đo đạc được độ dài dư âm của chúng. Lenin mất lâu rồi nên không thấy được sự sụp đổ của Liên Xô. Marx mất lâu rồi nên ông không thấy được những diễn biến sau Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Vì thế, những người tiến hành cách mạng không có điều kiện quan trắc, không có điều kiện kiểm nghiệm cơ sở lý luận về luận điểm cách mạng của mình. Muốn tránh một cuộc cách mạng chúng ta không có cách nào khác buộc phải cải cách. Chúng ta phải cải cách để sửa chữa hàng ngày các khuyết tật của các chương trình hành động xã hội, bổ sung hàng ngày những đòi hỏi của cuộc sống phát sinh do tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cùng với sự tiến bộ của thời đại. Chính vì vậy, cải cách là hoạt động chủ động và đó là công việc của hệ thống chính trị nhằm hợp lý hóa hay khắc phục các nhược điểm hàng ngày của các chương trình điều hành cuộc sống. Ở đây, cần phân biệt rõ là khắc phục những nhược điểm của các chương trình điều hành cuộc sống chứ không phải cuộc sống. Cuộc sống là đối tượng khách quan, con người phải tôn trọng sự phát triển tự nhiên của cuộc sống thì mới tồn tại được.
Về nhiệm vụ thứ nhất của cải cách là phát hiện và uốn nắn những khuyết tật của các chương trình hành động xã hội bằng sự tiến bộ về nhận thức, phải khẳng định đây là một nhiệm vụ quan trọng. Chỉ có sự đa dạng về nhận thức mới giúp con người tiến bộ về mặt nhận thức và phát hiện ra những khuyết tật để sửa chữa và uốn nắn. Nếu chúng ta không đa dạng về nhận thức và không chủ động về nhận thức thì chúng ta không thể nào phát hiện ra những khuyết tật của các chương trình hành động và do đó không thể uốn nắn chúng được. Mỗi con người tiến bộ, có trí tuệ đều có những chương trình hành động mang tính cải cách nhằm vào chính các phẩm chất của cá nhân mình. Một xã hội hay một quốc gia cũng vậy. Các nước thế giới thứ ba là một nửa nhân loại càng phải vậy. Nhưng muốn thế thì thế giới thứ ba phải tiến bộ về mặt nhận thức. Muốn tiến bộ về nhận thức thì nhận thức phải được rèn luyện, phải được cạnh tranh, phải được đối thoại trong những tranh luận xã hội và từ đó tạo ra sự lựa chọn mặt đúng đắn của quá trình nhận thức; trên cơ sở ấy phát hiện ra được những khuyết tật. Một điều chắc chắn là, sự lựa chọn đúng đắn, có chất lượng khoa học là kết quả của sự đa dạng nhận thức. Đa dạng về nhận thức không chỉ là đòi hỏi của xã hội mà còn là đòi hỏi của mỗi con người. Mỗi người có những nhận thức đa dạng, khác nhau thì mới tạo nên tính đa dạng của xã hội.
Sự xuất hiện các yếu tố mới của mọi thời đại làm cho các chương trình hành động xã hội, chương trình chính trị, chương trình phát triển nhanh chóng trở nên lạc hậu. Nói cách khác, quá trình lạc hậu hàng ngày là thuộc tính của các chương trình hành động xã hội. Nếu như chúng ta không có hoạt động bổ sung vào chương trình hành động xã hội thì bản thân chương trình hành động xã hội luôn luôn là một đối tượng lạc hậu so với các tiến trình tự nhiên của cuộc sống. Do vậy, một nhiệm vụ quan trọng và hiển nhiên nữa, một nhiệm vụ có chất lượng triết học của cải cách, chính là bổ sung vào các chương trình hành động xã hội những yếu tố mới do sự phát triển của các thời đại. Sự đa dạng và tiến bộ về nhận thức giúp con người không chỉ phát hiện ra những khuyết tật để sửa chữa mà còn nhận biết những yếu tố mới của cuộc sống cần bổ sung. Những yếu tố mới có thể là yếu tố kinh tế, có thể là yếu tố chính trị, yếu tố nhận thức hay yếu tố văn hoá. Các chương trình hành động xã hội phải được bổ sung những yếu tố mới, những yếu tố ấy thể hiện tính phổ quát hay tính đồng bộ của các đòi hỏi của cuộc sống đối với các chương trình cải cách. Hay nói cách khác, các yếu tố mới xuất hiện trên tất cả các miền của cuộc sống, các khía cạnh của cuộc sống.
Tôi luôn cho rằng phải bảo tồn tính đa dạng nhận thức về cuộc sống vì nếu không con người sẽ loại bỏ ra khỏi vùng nhận thức của mình rất nhiều những cái mới xuất hiện trong quá trình phát triển của cuộc sống. Nếu đi theo một định hướng, một khuynh hướng thì chúng ta sẽ không có cơ hội nhận ra thực tế đó. Do vậy, con người phải luôn luôn bổ sung vào chương trình hành động xã hội, chương trình cải cách những đòi hỏi mới nằm trong những khu vực, những khía cạnh rất phong phú và đa dạng của cuộc sống.
Đó là hai nhiệm vụ chính của các cuộc cải cách: bổ sung những cái mới và uốn nắn, khắc phục những cái sai cũ. Để đảm bảo sự tiến bộ trong nhận thức, con người phải duy trì tính đa dạng về mặt nhận thức. Sự đa dạng về nhận thức hay sự đa dạng tinh thần là điều kiện căn bản để đảm bảo toàn bộ tiến trình cải cách được diễn ra một cách cân đối. Đó cũng chính là cơ sở triết học của việc tiến hành cải cách.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng