Địa vị của nền kinh tế Hoa Kỳ và các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Obama
Hỏi: Thượng Nghị sĩ Obama đã thắng cử và trở thành tổng thứ 44 của Hoa Kỳ. Ông dự đoán như thế nào về khả năng của tân tổng thống Obama trong việc vực lại nền kinh tế Hoa Kỳ? Một số nhà phân tích cho rằng không có nhiều khoảng trống để ông Obama tạo ra sự thay đổi lớn, vì mọi quyết sách đối với nền kinh tế đã được quyết và bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều phải chịu áp lực từ rất nhiều phía. Ông Obama muốn đưa ra bất kỳ sự thay đổi hay đột phá nào thì cũng phải thông qua Quốc hội, Nghị viện mà không phải ở đâu ông Obama cũng có thể nhận được sự ủng hộ. Vậy ông Obama có thể hiện thực hoá được thông điệp tạo thay đổi không, nhất là trong tình huống ông ấy không còn nhiều khoảng trống để hành động như hiện nay?
Trả lời: Nếu nói rằng không gian để ông Obama có thể thực thi các quan điểm của mình không còn nữa, hoặc rất hẹp vì tất cả các quyết sách đã quyết rồi thì đấy là một kết luận vội. Kế hoạch giải cứu nền kinh tế mà Tổng thống Bush và chính quyền hiện nay đang làm không phải là quyết sách lâu dài đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Đấy chỉ là biện pháp giải cứu những vấn đề tài chính trước mắt để tránh một sự sụp đổ, biện pháp ấy không thể giải quyết được vấn đề phát triển lâu dài của nền kinh tế Hoa Kỳ. Vấn đề của nền kinh tế Hoa Kỳ sâu sắc và ghê gớm hơn nhiều.
Về mặt bản chất, trong nền kinh tế Hoa Kỳ tiềm ẩn nhiều vấn đề và những vấn đề ấy có liên quan đến tư tưởng kinh tế đang được ứng dụng trong xã hội Hoa Kỳ, tư tưởng ấy cũng đồng thời được ứng dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Vì thế, tôi không cho rằng, không gian hành động của ông Obama hẹp đến mức không còn nữa hay mọi quyết định quan trọng đã được quyết định rồi. Tôi nghĩ rằng, là một tổng thống thì ông Obama cũng sẽ không cam chịu như thế. Có thể vào nhiệm kỳ thứ hai hoặc năm cuối của nhiệm kỳ thứ hai thì hầu hết các tổng thống sau một chu kỳ mệt mỏi cũng quay trở về một số trạng thái bình thường nào đó, nhưng thường thì những tổng thống còn trẻ, vào những giai đoạn đầu tiên trong nhiệm kỳ họ sẽ hoạt động rất tích cực để nới rộng không gian chính trị của mình. Tôi tin rằng ông Obama sẽ là người chủ động nới rộng không gian chính trị của mình, bất chấp tất cả những giải pháp hay những chính sách cứu hộ nền kinh tế trước mắt đã có.
Tất cả các giải pháp về nền kinh tế Hoa Kỳ trước hết phải bắt đầu bằng việc tổ chức lại nền kinh tế tài chính của Hoa Kỳ, việc này không chỉ đơn thuần là xây dựng lại một số chính sách trước mắt. Các chính sách đối nội của Tổng thống Bush đã đi hết năng lực của nó, và cái giá mà chính phủ của Tổng thống Bush phải trả là tình trạng khủng hoảng nền tài chính hiện nay và những hiệu ứng tài chính đã bắt đầu thấm vào nền kinh tế của nó. Chính phủ của Tổng thống Bush đã đi hết không gian của nó, nhưng tôi cho rằng việc chê chính phủ của Tổng thống Bush một cách "dậu đổ bìm leo" là một việc không công bằng.
Nước Mỹ luôn phải đối mặt với những vấn đề hết sức khổng lồ, so với các chính phủ tiền nhiệm thì chính phủ của ông Bush là một chính phủ không may mắn, phải đối mặt với hiện tượng quá khốc liệt. Hệ quả của hiện tượng kinh tế hiện nay thực chất là kết quả bắt đầu từ hàng chục năm về trước, từ thời M. Thatcher và R. Reagan đã bắt đầu một tiến trình phát triển một nền kinh tế mà bây giờ chúng ta gọi nó là nền kinh tế bong bóng. Việt Nam cũng đang bắt đầu những năm đầu tiên của nền kinh tế bong bóng ấy và nếu không cẩn thận, chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng như vậy. Người Trung Quốc cũng đã gặp phải tình trạng này và đã sửa chữa rất nhanh bằng chính sách của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ông Ôn Gia Bảo là nhà chính trị đầu tiên nhận ra tác hại của nền kinh tế bong bóng và đã có những chính sách chuyển nền kinh tế bong bóng của nhiệm kỳ trước thành nền kinh tế mà tôi gọi là nền kinh tế tương đối hài hoà giữa cái thực và cái ảo của giai đoạn hiện nay.
Hỏi: Một nhiệm kỳ tổng thống chỉ có 4 năm, theo truyền thống, 2 năm đầu, bao giờ các tổng thống cũng ưu tiên cho vấn đề đối nội mà như dự đoán, năm 2009 vẫn là thời điểm trầm trọng nhất của khủng hoảng kinh tế và những giải pháp này là để áp dụng cho năm 2009 và có thể kéo dài đến 2010. Như vậy là gói giải pháp thì đã có rồi, có thể có điều chỉnh nếu có đột biến xảy ra, nhưng điều đấy là khó. Vậy vai trò của tổng thống Obama sẽ là như thế nào trong việc thực hiện gói giải pháp kinh tế để vực nền kinh tế khỏi khủng hoảng?
Trả lời: Nhiệm kỳ tổng thống là 4 năm nhưng không có người nào làm tổng thống Hoa Kỳ mà chỉ nghĩ đến 4 năm. Hầu hết các tổng thống đều cầm quyền 2 nhiệm kỳ, có những tổng thống chỉ cầm quyền 1 nhiệm kỳ nhưng tất cả các tổng thống đều xây dựng cương lĩnh chính trị, chương trình chính trị của mình cho 8 năm. Tôi nghĩ rằng, nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama chắc chắn là nhiệm kỳ chống khủng hoảng kinh tế.
Nếu nghiên cứu toàn bộ bản chất của cuộc khủng hoảng của nền tài chính Hoa Kỳ hay nền kinh tế Hoa Kỳ thì sẽ thấy căn bệnh ấy trầm trọng lắm, nó biến một nền kinh tế vốn dĩ rất tiên tiến trở thành một nền kinh tế bong bóng, một nền kinh tế rất thời thượng một cách từ từ. Và phải nói rằng, đấy chính là cái lỗi của một lý thuyết kinh tế mà người ta gọi là "Tân Tự do", hay nói cách khác là tự do thoải mái, tự do không có giới hạn về mặt phát triển. Nó làm biến dạng, đảo lộn sự phân bố lực lượng kinh tế, biến nước Mỹ trở thành một nền kinh tế, trong đó vay nợ để tiêu dùng là một trong những đặc điểm (tôi chưa nói nhược điểm) quan trọng nhất.
Nước Mỹ phát triển và có địa vị quốc tế bởi vì nó là nơi mà đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ trong đời sống dân sự là một tỷ lệ kiểu mẫu trong nhiều thập kỷ. Nhưng trong khoảng 2 thập kỷ gần đây thì sự gương mẫu ấy không còn, nhiều lắm là nước Mỹ chỉ duy trì được trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, còn trong đời sống thông thường thì nước Mỹ đang trong quá trình từ chối một nền kinh tế công nghiệp và trở thành nền kinh tế xuất khẩu các dịch vụ tài chính là cơ bản.
Tôi lấy ví dụ về hiện tượng bất động sản chẳng hạn. Thực ra nó là hậu quả của một khái niệm rất quan trọng đó là vay và tiêu. Trên tất cả các cơ sở hạ tầng của một nền kinh tế thì người vay bao giờ cũng có vật thế chấp và bất động sản trở thành một công cụ thế chấp để thực thi chính sách vay và tiêu. Cho nên, người ta bơm thị trường bất động sản lên để cung cấp bằng chứng về khả năng có thể vay được và tạo ra trạng thái tâm lý vẫn tiếp tục có thể vay được cho người Mỹ.
Gói giải pháp mà chính phủ của ông Bush đưa ra không phải để giải quyết nền kinh tế Hoa Kỳ mà mới chỉ để giải quyết vấn đề cứu hộ trạng thái khủng hoảng hiện nay của nền tài chính Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của Tổng thống Obama sắp tới là phải tổ chức ra giải pháp để khôi phục lại nền kinh tế Hoa Kỳ chứ không phải cứu hộ trạng thái khủng hoảng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cái gói giải pháp hiện nay chưa có ý nghĩa để khôi phục lại nền kinh tế, tái thiết nền kinh tế, tổ chức lại nền kinh tế, nó chỉ là giải pháp chống sự sụp đổ của nền tài chính Hoa Kỳ mà thôi. Nếu để nền tài chính Hoa Kỳ sụp đổ thì uy tín của Hoa Kỳ đổ vỡ ngay lập tức, cho nên chính sự tiên phong trong việc chống lại sự sụp đổ của nền tài chính Hoa Kỳ nhận được sự hưởng ứng rất rộng lớn của các chính phủ trên thế giới, nhưng chưa nhận được sự hoan nghênh của công chúng trên thế giới, bởi vì nó chưa đạt đến mức có thể vẽ ra triển vọng quay trở lại các quỹ đạo tự nhiên của các nền kinh tế. Do đó, trên thế giới người ta mới lên án, phê phán rằng việc đó mới chỉ cứu các ông chủ. Tuy nhiên sự phê phán này cũng có mặt cực đoan của nó, bởi vì nếu không có các ông chủ thì không có các nền kinh tế, và cứu các ông chủ là cứu các động lực của các nền kinh tế, còn bản chất của nền kinh tế thì chưa.
Vì thế, ông Obama vẫn phải nghĩ ra một gói giải pháp nữa chứ không phải là buộc phải thực thi 100% chú ý chính trị của mình vào gói giải pháp hiện nay.
Hỏi: Có nhiều ý kiến cho rằng khi đã trở thành tổng thống, ông Obama phải hiện thực hoá các cam kết của mình và ông ấy phải nhìn các vấn đề với con mắt thực tế hơn. Chẳng hạn như vấn đề Iraq thì rõ ràng là ông Obama sẽ rút quân, nhưng thời gian sẽ dài hơn và khó khăn hơn nhiều so với cam kết 16 tháng mà ông ấy nói. Và còn rất nhiều vấn đề khác như giảm thuế cho những người thu nhập trung lưu, những người kinh doanh nhỏ và áp thuế đối với đối tượng giầu hơn thì ông ấy sẽ phải cân nhắc giữa chuyện thâm hụt ngân sách và chuyện khủng hoảng kinh tế. Vậy thì ông đánh giá thế nào về khả năng biến các lời hứa thành hiện thực của ông Obama?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng bao giờ cũng có một khoảng cách giữa thực tế và lời hứa của các nhà chính trị. Những ai tin rằng có mối quan hệ 1 - 1 giữa lời hứa và thực tế chính trị thì những người đấy là những người đứng ngoài chính trị.
Người Mỹ không phải là những người đứng ngoài chính trị. Họ cũng không nghĩ rằng ông Obama thực hiện 100% lời hứa. Người dân Mỹ là những người rất có kiến thức về chính trị. Họ bầu cho khuynh hướng của ông Obama chứ không phải bầu cho lời hứa cụ thể của ông ấy. Bầu cử ở những quốc gia phát triển về chính trị là bầu cử cho khuynh hướng chứ không phải cho những lời hứa cụ thể. Nhưng không có những lời hứa cụ thể thì không có cái để diễn đạt khuynh hướng, cho nên, những lời hứa cụ thể là nguyên liệu để mô tả khuynh hướng chính trị của một nhà chính trị chứ không phải là mô tả các đơn hàng của nhà chính trị. Cho nên người Mỹ sẽ không thất vọng một cách dễ dàng.
Các bạn thử nghĩ mà xem, trong nhiệm kỳ thứ nhất ông Bush đã tranh cử một cách rất gay go với ông Al Gore, nhưng chưa có tổng thống Hoa Kỳ nào được bầu ở nhiệm kỳ hai với một tỷ số áp đảo như ông Bush. Nhưng đến năm thứ hai của nhiệm kỳ thứ hai ông Bush bắt đầu mất uy tín là vì cuộc chiến tranh Iraq. Trong cuộc chiến tranh ấy, nói cho cùng người Mỹ cũng không mất nhiều lắm. Sự phá hoại nền kinh tế nước Mỹ và uy tín nước Mỹ mà cuộc chiến tranh Iraq tạo ra bé hơn nhiều so với sự xuất hiện của các quỹ đầu tư ở nước Mỹ.
Khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn DPA của Đức, tôi nói rằng các nhà chính trị Hoa Kỳ mải mê đuổi theo bọn khủng bố mà quên mất những kẻ cướp đoạt lớn nhất của toàn bộ xã hội Hoa Kỳ nằm ở New York. Tôi không nghĩ người Mỹ bầu cho ông Obama là bầu cho các đơn hàng cụ thể, mà bầu cho khuynh hướng của ông ấy, và khuynh hướng ấy là khuynh hướng đúng. Cái khuynh hướng căn bản của ông Obama không phải là cái mà nhiều tờ báo vẫn nói.
Vấn đề mà mỗi ứng cử viên tổng thống phải xác định là giữa năng lực áp đặt và khống chế thế giới với tiềm năng của nước Mỹ thì cái gì là sức mạnh thật của nước Mỹ. Giữa việc xây dựng nước Mỹ trở thành một quốc gia mạnh với nước Mỹ có những hành động mạnh ở ngoại vi nước Mỹ thì đâu là quyền lực thật của nước Mỹ? Ông Obama cho rằng nước Mỹ mà không mạnh thật thì vị thế của nước Mỹ cũng không có thật. Còn ông McCain thì cho rằng sự có mặt của nước Mỹ ở những điểm nóng, ở những vấn đề nóng trên thế giới chính là sức mạnh của nước Mỹ. Trong hai khuynh hướng này, khuynh hướng của ông Obama đúng hơn. Nước Mỹ không mạnh thật thì nước Mỹ không có vị thế thật, tức là bước số một, công việc số một của một nhà chính trị Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay là khôi phục lại sức mạnh thật sự của nước Mỹ, mà chủ yếu là sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học và công nghệ. Tôi nghĩ rằng khuynh hướng ấy đúng, cho nên người Mỹ bầu cho khuynh hướng ấy. Ông Obama đã thắng một cách áp đảo bằng tỷ số của phiếu đại cử tri, đó là hình thức dân chủ đại diện. Còn tỷ số phổ thông đầu phiếu là hình thức dân chủ trực tiếp. Nền dân chủ trực tiếp không phải là một nền dân chủ đủ sáng suốt so với nền dân chủ đại diện trong những vấn đề sống còn của đời sống chính trị. Ông Obama thắng là do khuynh hướng của ông ấy chứ không phải là do các cam kết cụ thể.
Hỏi: Cùng với sự khủng hoảng của nền tài chính và sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ thì người ta nói rằng vị thế, vai trò của nước Mỹ đang mất đi, chí ít là trong tương quan so sánh Trung Quốc đang nổi lên, nước Nga được gọi là chú gấu đã thức dậy sau một giấc ngủ đông quá dài. Vậy theo ông, Tổng thống Obama sẽ định vị vị thế của nước Mỹ trên thế giới như thế nào? Với tuyên bố hiện nay của ông Obama thì có vẻ là sẽ có một triều đại Obama đa phương hơn, thân thiện với thế giới hơn. Liệu xu hướng ấy có kéo dài không hay nó chỉ được thể hiện trong giai đoạn đầu?
Trả lời: Đây là một vấn đề rất thú vị. Thế giới giải thích nói chung là không đúng về vị thế của nước Mỹ. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy vai trò, vị thế của Hoa Kỳ một cách rõ rệt như giai đoạn khủng hoảng tài chính vừa rồi. Trước đây, các nhà chính trị cả bên này lẫn bên kia cũng tuyên truyền, cũng nói quá lên, và di chứng của việc tuyên truyền trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn còn cho đến bây giờ. Thế hệ của những người được dạy, được tuyên truyền trong một nửa thế kỷ như thế vẫn còn tồn tại. Chính sự tồn tại ấy tạo ra trạng thái hiện nay của nền chính trị Nga, sau khi Đông Âu và Liên bang Xô Viết sụp đổ và tạo ra trạng thái dân tộc chủ nghĩa của Trung Hoa hiện nay.
Theo quan điểm của tôi, mọi giải thích về nước Mỹ theo kiểu như vậy đều không thực tế. Nước Mỹ chưa bao giờ bộc lộ vai trò là cường quốc số một, là người điều khiển đời sống kinh tế và chính trị quốc tế một cách rõ rệt như giai đoạn hiện nay. Ngay cả các nhà chính trị hàng đầu của nước Mỹ cũng không ý thức được một cách đầy đủ về vấn đề này. Mỗi một tổng thống có một cách lạm dụng khác nhau đối với vị thế của nước Mỹ, nhưng bản thân họ cũng không ý thức đầy đủ về vai trò hay sự quan trọng thực sự của nước Mỹ đối với toàn bộ tiến trình kinh tế và chính trị trên thế giới.
Cuộc khủng hoảng năm 1929 xảy ra là tiền đề để hình thành dần dần các lực lượng cực đoan của thế giới và tạo ra cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhưng sự xung đột ấy cũng mới chỉ diễn ra trong quan hệ của những nước đặc biệt phát triển và nó cũng tạo ra những sự xung đột giữa các nhân tố mới của thế kỷ XX, đó là chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với phương Tây. Cuộc khủng hoảng thứ nhất về kinh tế năm 1929 làm bộc lộ một thực tế là nước Mỹ từ lúc ấy về bản năng đã bắt đầu trở thành yếu tố chi phối thế giới. Cho nên, trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, việc lôi kéo nước Mỹ tham gia chiến tranh là cả một sự vất vả khổng lồ của tất cả các nhà chính trị ở Tây Âu và Liên Xô. Để ngăn chặn người Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh, người Nhật đã đánh vào Trân Châu Cảng và nghĩ rằng, bằng một cú con con như vậy là có thể ngăn chặn người Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh. Nhưng ngược lại, đấy chính là động lực để người Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh ấy. Từ năm 1929 đến năm 2008 là 80 năm, chúng ta lại có một hiện tượng nữa để thấy vai trò của nước Mỹ. Tôi không tin là có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này có thể thay thế người Mỹ để trở thành nhân tố chi phối sự phát triển chính trị và kinh tế của thế giới trong thế kỷ XXI.
Người ta đồn rằng đến năm 2040, 2050 của thế kỷ này, các quốc gia khác sẽ thế này thế khác và thế giới sẽ trở thành đa cực. Nhưng tôi cho rằng, thế giới sẽ luôn luôn trở thành đa cực trên miệng của các nhà chính trị nhưng rất khó đa cực trên thực tế. Người Mỹ vẫn phải gánh một gánh nặng rất quan trọng là để trở thành một quốc gia có sức mạnh, có chất lượng đơn cực thì nước Mỹ phải thể hiện thái độ đa cực để đoàn kết thế giới và để giải quyết các xung đột của thế giới một cách đỡ tốn kém và yên ổn. Còn sự đa cực trên thực tế là chưa hình thành được ở thế kỷ XXI. Nếu không nhận thức được điều ấy thì rất khó để phân tích tình hình chính trị và kinh tế trên thế giới.
Còn Trung Quốc có trở thành một cực chính trị không? Nước Nga có quay lại để trở thành một cực chính trị không? Tôi không đưa ra bất kỳ sự tiên đoán tiêu cực nào về vai trò của nước Nga và Trung Quốc cả, nhưng linh cảm mách bảo tôi rằng trong thế kỷ này họ chưa làm được gì hơn. Thứ nhất, tính tiên tiến về chính trị của các quốc gia này là chưa xuất hiện. Đối với những quốc gia khổng lồ như nước Nga và Trung Quốc, để xác lập một nền chính trị tiên tiến theo tiêu chuẩn của thế giới, theo tiêu chuẩn của hội nhập chứ không phải theo định nghĩa khu trú và cá biệt của từng quốc gia một là rất khó. Cả hai quốc gia này đều không thống trị được thế giới, nó chỉ có thể can thiệp vào hệ thống tiêu chuẩn của thế giới về chính trị chứ không đủ tiềm lực để áp đặt cho thế giới tiêu chuẩn chính trị của nó. Về cơ bản, để xác lập tính tiên tiến về mặt chính trị thì Nga và Trung Quốc vẫn buộc phải trải qua một thời kỳ rất dài để xây dựng nền chính trị của mình theo tiêu chuẩn của nhân loại chứ không phải theo tiêu chuẩn của chính họ. Một vài thế kỷ nữa các quốc gia này cũng không làm được cái việc áp đặt tiêu chuẩn chính trị của mình cho thế giới. Cho nên, cái gọi là đa cực hoá đời sống quốc tế sẽ chỉ có trong thái độ của tất cả các quốc gia, trong lời nói của tất cả các nhà chính trị. Tổng thống Obama cũng sẽ nói tiếng nói đa cực, nhưng nước Mỹ vẫn là đơn cực, bất chấp tổng thống của nó nói một cách lịch sự hay thô lỗ. Nước Nga và Trung Quốc trong thế kỷ XXI chưa có được triển vọng trở thành một đối tượng có quyền áp đặt tiêu chuẩn chính trị của mình cho thế giới và nhiệm vụ của hai nước này là phải tự cải tạo mình theo tiêu chuẩn của thế giới.
Hỏi: Khi nước Mỹ có vấn đề về kinh tế thì người ta đặt câu hỏi là liệu tiêu chuẩn Mỹ có thực sự tốt hay không? Các luật chơi về kinh tế mà Mỹ đã đặt ra cho thế giới đã đúng hay chưa? Chính quyền Mỹ đã ra tay cứu các ngân hàng trong khi nước Mỹ là nước cổ vũ cho tự do thương mại. Những tiêu chuẩn và giá trị Mỹ đã bị tổn thương với cuộc khủng hoảng này, vậy làm thế nào để khắc phục được?
Trả lời: Đây là một câu hỏi đúc kết bởi kinh nghiệm của những quốc gia hoặc của những người vẫn quan niệm sai về nước Mỹ. Nước Mỹ không áp đặt gì cả, các nhà chính trị Mỹ thường tỏ một thái độ áp đặt nhưng nước Mỹ không tỏ ra áp đặt. Qua câu chuyện trúng cử của Thượng Nghị Sĩ Obama, chúng ta lại một lần nữa khẳng định rằng nền dân chủ Hoa Kỳ là một nền dân chủ có thật, nền dân chủ ấy vượt lên trên tất cả các sức mạnh, các định kiến, kể cả các định kiến chủng tộc. Đây là một bằng chứng về tính có thật của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Chúng ta vẫn nhầm lẫn giữa sự muốn áp đặt các tiêu chuẩn Hoa Kỳ của các nhà chính trị Hoa Kỳ với sự muốn áp đặt của xã hội Mỹ đối với các xã hội khác. Một khi sự áp đặt của các nhà chính trị đối với thế giới mà gây ra những hậu quả không có lợi, xã hội Mỹ sẽ thay đổi, sẽ vứt bỏ không thương tiếc cả nhà chính trị lẫn thái độ của họ. Hiện tượng trúng cử của Thượng Nghị sĩ Obama thể hiện điều ấy. Tôi không nói đến ngôn từ, đến thái độ, đến cách thức của các nhà chính trị Hoa Kỳ đối với thế giới mà tôi muốn nói đến tương quan nước Mỹ với thế giới. Không có chuyện áp đặt ấy trong thực tế. Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà chính trị Hoa Kỳ có ý muốn áp đặt thì ý muốn áp đặt ấy đem so với ý muốn áp đặt của những quốc gia có khả năng trở thành những cực chính trị khác trên thế giới còn bé hơn nhiều.
Trong đời sống chính trị, các nhà chính trị luôn luôn có ý chí muốn áp đặt, đấy là bản năng của đời sống chính trị. Không nên nhầm lẫn giữa bản năng của đời sống chính trị với bản năng của cả một dân tộc, cả một quốc gia. Nền dân chủ Hoa Kỳ là một nền dân chủ kiểu mẫu để nhân dân có thể thay đổi thái độ cũng như cách thức của đời sống chính trị. Tôi không tin rằng có câu chuyện áp đặt ấy. Đấy là cách mô tả do nhận thức sai lầm từ nhiều phía. Các quốc gia đối lập với quyền lợi Hoa Kỳ tìm cách giải thích như thế, các quốc gia cạnh tranh với ảnh hưởng của Hoa Kỳ cũng cố gắng giải thích như thế.
Hỏi: Vậy bỏ qua việc có áp đặt hay không mà chỉ đặt vấn đề về sự lan toả tự nhiên của sức mạnh Mỹ, giá trị Mỹ. Người ta nhìn Mỹ như biểu tượng của sự thành công và người ta noi theo nhưng người ta buộc phải đặt nghi vấn liệu có đáng để noi theo không?
Trả lời: Sự nghi vấn ấy là đương nhiên. Người Mỹ cũng nghi vấn đề giá trị Mỹ. Sự ngờ vực về những giá trị của mình chính là một mặt, một yếu tố để tạo ra sự minh mẫn của một dân tộc. Nếu người Mỹ không nghi vấn về các giá trị Mỹ thông thường thì người Mỹ mù quáng. Nghi vấn luôn luôn là một đại lượng có thật và là khả năng lành mạnh của tất cả các cộng đồng xã hội. Tôi không cho rằng thế giới nghi vấn giá trị Mỹ là một hiện tượng tiêu cực, và nó cũng không hề ảnh hưởng tiêu cực đến địa vị có thật của nước Mỹ đối với tiến trình phát triển của thế giới. Nghi vấn là động lực cơ bản của sự tìm tòi phát triển. Nếu ai đó nói rằng người Mỹ thất bại, người Mỹ mất uy tín, người ta nghi ngờ các giá trị Mỹ và người Mỹ mất dần ảnh hưởng thì đấy là kết luận hời hợt, bản năng, không có chất lượng khoa học.
█Hỏi: Vậy với tư cách một người lãnh đạo cái đất nước với vai trò, sứ mệnh như thế thì ông Obama sẽ phải làm gì?
Trả lời: Ông Obama phải làm hai việc. Thứ nhất là khôi phục lại các trạng thái tự nhiên, tiêu chuẩn trước khủng hoảng của đời sống, trước khi bắt đầu cái chu trình sai của nền tài chính Hoa Kỳ (tôi nói nền tài chính chứ không phải nền kinh tế), cái chu trình sai này bắt đầu từ 15-20 năm trước đây. Ông Obama cần phải khôi phục lại trạng thái tương đối cổ điển, tương đối chuẩn mực của nền tài chính Hoa Kỳ. Thứ hai là buộc phải đoàn kết thế giới bắt đầu bằng sự đoàn kết các đồng minh của mình, tức là giảm bớt các hành vi có chất lượng đơn phương của chính phủ Hoa Kỳ đối với những vấn đề quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, nói gì thì nói, lòng tin của thế giới đối với nước Mỹ đã bị suy giảm, cho nên, nước Mỹ buộc phải tự uốn nắn thái độ phù hợp với trạng thái hiện nay của nó.
Về bản năng ông Obama sẽ làm như thế và chắc chắn ông ấy sẽ làm như thế. Ông ấy buộc phải tham gia một cách tích cực với thái độ vừa phải trong những vấn đề nóng của thế giới. Những vấn đề nóng của thế giới gồm những việc sau đây:
Thứ nhất là dẫn dắt các nước phát triển trong việc chống lại sự khủng hoảng của nền kinh tế tài chính và nền kinh tế nói chung. Trong việc này, nước Mỹ tự nhiên đứng địa vị số một, vì thế nước Mỹ không cần phải thuyết phục thế giới, mà thế giới sẽ thuyết phục là nước Mỹ có trách nhiệm số một. Hiện tượng Thủ tướng Gordon Brown thay mặt châu Âu sang vận động các nước Arab để góp tiền chống khủng hoảng tài chính cho thấy có nhiều nhà chính trị của các quốc gia khác cũng không yên tâm với việc để nước Mỹ làm một mình. Tuy nhiên, trong việc này Gordon Brown làm với tư cách là người phó thứ nhất cho Bộ Chỉ huy của nền kinh tế thế giới. Phải nói là trường phái Tân tự do này là một trường phái Anglo-Saxons trong quá trình ứng dụng các lý thuyết về kinh tế.
Thứ hai là giải quyết những điểm nóng trên thế giới, gồm có Iran là số một, Bắc Triều Tiên là số hai, và một phần các nước Đông Âu cận Kavkaz. Tôi gom tất cả những điểm nóng ấy với trung tâm là chủ nghĩa khủng bố làm vấn đề thứ hai. Như vậy là chống khủng hoảng tài chính là số một, chống chủ nghĩa khủng bố và giải quyết các điểm nóng trên thế giới là số hai. Và ngôn ngữ của Tổng thống Obama trong giai đoạn tới là ngôn ngữ đa phương, nhưng ông Obama cũng sẽ kiên quyết không kém gì ông Bush, thậm chí tôi cho rằng ông Obama có thể còn kiên quyết hơn, bởi vì sức lực của ông ấy còn trẻ và ông ấy còn có sự hậu thuẫn tự nhiên của cộng đồng quốc tế cho việc này. Cho nên, ông Obama sẽ mềm mỏng và đa nguyên về mặt hình thức nhưng ý chí để giải quyết các điểm nóng thế giới thì tôi không tin là mềm yếu.
Việc thứ ba là ông Obama buộc phải tổ chức các quan hệ, các trục quyền lực thế giới. Ông ấy buộc phải giải quyết vấn đề quan hệ với Nga theo xu hướng hoà hoãn. Đối với quyền lợi Hoa Kỳ thì nước Nga là nguy cơ trước mắt, Trung Quốc là nguy cơ lâu dài. Trung Quốc chưa trở thành nguy cơ ngay lập tức được và nếu có thì chỉ là nguy cơ xuất khẩu hàng hoá rẻ tiền thôi. Nhưng nếu xử lý không khéo thì nước Nga rất có thể trở thành một nguy cơ, một điểm nóng trước mắt và nó trở thành cuộc khủng hoảng thế giới ngay lập tức. Vì thế cho nên, chắc chắn là ông Obama phải giải quyết việc sắp xếp lại các trục quyền lực cơ bản trên thế giới, về cơ bản có thể là khéo hơn nhưng không khác gì các tổng thống tiền nhiệm của Hoa Kỳ cả. Người ta sẽ thu xếp ngay quan hệ với nước Nga để tránh biến nước Nga trở thành một điểm nóng.
Việc này chắc chắn là sẽ có, và sẽ thuận lợi, bởi vì sự suy trầm của nền kinh tế thế giới làm cho nước Nga không có thế lực gì về mặt kinh tế nữa. Bây giờ, để quay trở về đối phó với những vấn đề cơ bản, vấn đề nội bộ của nước Nga về mặt kinh tế sau khi giá dầu suy giảm đến mức như thế này thì cũng đã là mệt lắm cho ông Putin và ông Medvedev rồi. Và bây giờ ngay những nhà lãnh đạo Nga, kể cả ông Putin, ông Medvedev cũng đã nhìn thấy khả năng tối đa của mình để xử lý các vấn đề như thế nào. Tất cả những chuyện vươn tới Cuba, vươn tới Venezuela là những động tác giả có chất lượng chính trị. Trong những điều kiện giao thời giữa Tổng thống Bush và Tổng thống Obama thì nước Nga cố gắng làm, nhưng thực tế nó cũng không có tác dụng gì, cũng không cải thiện địa vị của nước Nga thật, mà không cẩn thận nó còn gây tốn kém như trước đây. Cho nên, tôi nghĩ rằng nước Nga sẽ quay trở về là một quốc gia tương đối thân thiện và cân bằng với châu Âu. Nước Nga cũng không từ chối các định chế mà châu Âu mời tham gia, có một thời kỳ tưởng thế nhưng bây giờ không thế.
Tổng thống Obama sẽ không giải quyết quan hệ một cách trực tiếp với nước Nga mà giải quyết thông qua sự kết hợp với châu Âu, để tránh được đằng nọ mất đằng kia. Sai lầm của Tổng thống Bush chính là ông ấy giải quyết trực tiếp với nước Nga, bởi vì khi đối thoại với một người hùng trẻ trung kiểu Putin thì ông Bush bị lôi cuốn, và cái đấy trên thực tế đã làm bé các nhà lãnh đạo châu Âu lại và gây tự ái cho họ. Ông Obama chắc chắn sẽ rút kinh nghiệm về hành vi của ông Bush trong việc giải quyết vấn đề nước Nga và sẽ cùng với châu Âu giải quyết vấn đề nước Nga. Tôi không nghĩ rằng ông Obama có thể làm gì hơn cả. Đấy là một người thông minh. Tôi làm nghề luật sư, tôi biết tư duy của các luật sư. Tôi cố gắng hình dung hành vi tương lai của ông Obama, ông ấy sẽ hành động bằng tư duy lợi ích trong điều kiện tôn trọng các trật tự pháp lý. Ông ấy không phải là một nhà chính trị có chất lượng cách mạng hoặc có chất lượng thương mại, ông ấy là một nhà chính trị dựa trên những công nghệ pháp lý cho phép, cho nên ông ấy sẽ đi theo hướng đó. Vấn đề nước Nga phải giải quyết cùng với châu Âu. Vấn đề Trung Quốc, chắc chắn phải giải quyết cùng với Nhật Bản. Tuy nhiên tỷ trọng châu Âu cùng Mỹ giải quyết vấn đề Nga cao hơn nhiều so với tỷ trọng Nhật Bản cùng Mỹ giải quyết vấn đề Trung Quốc.
Tôi không nghĩ là ông Obama không giải quyết được việc sắp xếp lại trật tự quyền lực của các cường quốc trên thế giới. Ông ấy sẽ làm việc này tốt hơn ông Bush. Ông ấy sẽ rút quân ra khỏi Iraq nhưng không dễ như ông ấy nói. Cho dù là nhà chính trị nào đi nữa thì cuối cùng cũng phải rút quân khỏi Iraq, nếu có nhiệm kỳ thứ ba thì ông Bush cũng phải rút quân thôi.
Cách đây 4 năm, khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra, báo Far Eastern Economic Review có đến phỏng vấn tôi. Họ hỏi tôi rằng ông đánh giá cuộc chiến tranh này như thế nào và tình cảm của ông đối với người Mỹ sau khi người ta tạo ra cuộc chiến tranh này? Tôi trả lời rằng tôi mất rất nhiều thời gian để thay đổi tình cảm đối với người Mỹ từ ghét sang thích, tôi không dễ dàng thay đổi tình cảm ấy qua việc người ta phát động chiến tranh, nhưng tôi đánh giá cuộc chiến tranh ấy không được chuẩn bị cẩn thận về mặt chính trị. Tôi nghĩ rằng cuộc chiến tranh ấy đã được bắt đầu bằng một sự không chuẩn bị cẩn thận về mặt chính trị, cho nên khi rút ra khỏi cuộc chiến tranh ấy phải chuẩn bị một cách rất cẩn thận về mặt chính trị. Cho dù tuyên ngôn có vẻ khác nhau, nhưng mọi nhà chính trị Hoa Kỳ khi rút quân ra khỏi Iraq đều phải chuẩn bị rất cẩn thận về mặt chính trị. Đối với ông Obama thì ý chí rút quân mạnh hơn, cho nên sự khó khăn về mặt chính trị sẽ không giữ được ông Obama rút quân ra khỏi Iraq. Còn với các nhà chính trị khác thì rất có thể là những khó khăn chính trị sẽ làm họ rút quân chậm hơn, hoặc có thể chưa chắc đã rút ngay. Việc rút quân ra khỏi Iraq nếu thành công sẽ là một thắng lợi chính trị của chính phủ Obama.
Hỏi: Vậy các nước nhỏ ở châu Á, ở khu vực ASEAN sẽ nằm ở đâu trong bàn cờ chính trị của ông Obama?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng các nước nhỏ bao giờ cũng là đồng minh, hay là quần chúng của tất cả các ván cờ về chính trị. Rất khó có những nước nhỏ trở thành yếu tố có chất lượng trung tâm của đời sống chính trị, nếu nước ấy không đủ mạnh dạn để trở thành một nước thật thông thái hoặc là thật liều mạng. Cho nên, ở nhiệm kỳ thứ nhất, trong giai đoạn buộc phải giải quyết những vấn đề sốt dẻo có chất lượng chiến lược của thế giới, những nước bé không có địa vị gì đáng kể trong sự sắp xếp chính trị của ông Obama, trừ trường hợp ông ấy muốn lôi kéo để tạo ra quần chúng trong cuộc chơi như vậy. Ví dụ, nếu ông ấy định ngăn chặn Trung Quốc thì sẽ lôi kéo Việt Nam. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của ông John McCain đã hết thời rồi. Ông Obama là một người rất thực tế. Một người thực tế thì luôn biết rằng một nhiệm kỳ của tổng thống không đủ để giải quyết tất cả các vấn đề, cho nên ông ấy sẽ tác động một cách cầm chừng để những vấn đề nhỏ không biến thành vấn đề trầm trọng cho nhiệm kỳ sau, vì quyền lợi của nước Mỹ.
Tôi nghĩ rằng ông Obama sẽ duy trì ở mức cầm chừng đối với các nước bé ở châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Cho nên, khi các hãng thông tấn nước ngoài hỏi tôi là ông thích ông Obama hay ông McCain thì tôi trả lời là tôi thích ông McCain. Là một người Việt Nam thì tôi thích ông McCain, vì ông ấy có lợi cho Việt Nam, nhưng chưa chắc đã có lợi cho nước Mỹ. Tại sao người Mỹ bầu cho ông Obama một cách tuyệt đối như vậy? Bởi vì người Mỹ muốn chấm dứt giai đoạn dính líu đến chiến tranh Lạnh. Việt Nam là một biểu hiện nóng của cuộc chiến tranh Lạnh. Tôi nghĩ rằng dù chúng ta có vận động kiểu gì đi nữa thì Việt Nam cũng sẽ không được chú ý như trong thời kỳ của Tổng thống Bush. Tôi thích ông McCain là vì ông ấy xem Việt Nam là một vấn đề, còn đối với ông Obama thì Việt Nam không phải là một vấn đề.
Trong các nền kinh tế hoặc nền chính trị ngoại vi của Hoa Kỳ thì châu Phi mới là trung tâm chú ý của ông Obama. Các nước châu Phi sẽ được nhờ, sẽ được khích lệ bởi sự trúng cử của ông Obama. Tôi nghĩ rằng nếu ông Obama mà trúng chỉ một nhiệm kỳ thôi rồi sau đó được thay thế bởi những người cộng hoà thì may ra Việt Nam mới được để ý trở lại. Nhưng nếu trong 8 năm nữa mà không có cơ hội ấy thì Việt Nam sẽ không còn là vấn đề của người Mỹ. Sau hai nhiệm kỳ của ông Obama, rất có thể là một tổng thống sinh năm 1970, với những người ở thế hệ ấy, cuộc chiến tranh Việt Nam không còn giá trị gì.
Đối tượng duy nhất làm cho người Mỹ nghĩ đến Việt Nam, để ý đến Việt Nam một cách bản năng thì chỉ có duy nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc ảnh hưởng đến địa vị và quyền lợi của nước Mỹ (tôi nói là địa vị và quyền lợi của nước Mỹ chứ không phải là xung đột) có thể làm cho người ta để ý đến Việt Nam, nhưng để ý một cách không tha thiết, không sôi động. Cái chính là người Việt Nam bỏ lỡ một cơ hội cực kỳ quan trọng từ năm 1975 đến bây giờ là bình thường hoá với người Mỹ càng sớm càng tốt và tận dụng khoảng thời gian trung niên khoẻ khoắn của nước Mỹ, của nền kinh tế Mỹ. Nhưng chúng ta đã bỏ lỡ. Trong suốt quá trình ấy chúng ta do dự và chúng ta không được quyền lợi gì trên thực tế từ Hoa Kỳ cả, và chúng ta đã hết cơ hội.
Đây là nhiệm kỳ chấm hết tất cả những cơ hội mà chúng ta có thể lôi kéo cho lợi ích phát triển Việt Nam. Về mặt bản năng thì nước Mỹ đang đi xuống một chút, nhưng nước Mỹ không còn vô tổ chức, vô kỷ luật trong nhiệm kỳ tới về mặt tài chính. Đầu tư nước ngoài từ Mỹ sẽ đến Việt Nam một cách thận trọng chứ không dễ dàng như bây giờ. Quyền lợi kinh tế của chúng ta sẽ giảm đi một cách rất đáng kể, trừ việc xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng xuất khẩu sang Mỹ từ sang năm trở đi cũng sẽ không nở rộ như năm vừa rồi, bởi vì xã hội Mỹ muốn lành mạnh trở lại thì phải duy trì tâm lý tiêu dùng ở trạng thái hợp lý chứ không giống như giai đoạn dùng nhà thế chấp để vay tiền tiêu nữa. Tuy nhiên, có cái may là chất lượng tiêu dùng của xã hội Mỹ trong vài năm tới sẽ giảm xuống và nó phù hợp với năng lực sản xuất của nền kinh tế Việt Nam, đấy là điểm may duy nhất khi nghiên cứu tương quan thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Hỏi: Ông nói rằng gói giải pháp mà Tổng thống Bush đưa ra mới chỉ là giải quyết vấn đề khủng hoảng tài chính. Vậy theo ông vấn đề cốt lõi mà nước Mỹ cần giải quyết là gì?
Trả lời: Vấn đề cốt lõi của nước Mỹ là cần phải thay thế chủ nghĩa Tân Tự do trong phát triển kinh tế bằng một lý thuyết cân đối hơn, tức là phải tăng cường đầu tư trở lại cho việc nghiên cứu các giải pháp, các vấn đề khoa học công nghệ để cho các nền kinh tế khi hội nhập với nhau là những thực thể độc lập. Toàn cầu hóa đã tạo ra một nền kinh tế mà nút bấm ở chỗ này nhưng quả bom thì đặt ở chỗ khác. Hiện tượng công xưởng của thế giới (Trung Quốc là điển hình) là hiện tượng thể hiện sự mất cân đối do chủ nghĩa Tân Tự do tạo ra, tức là nền kinh tế không lấy tăng trưởng giá trị làm gốc mà lấy lợi nhuận làm gốc.
Chủ nghĩa Tân Tự do đã tạo ra sự bành trướng một cách thái quá của nền kinh tế tài chính. Đưa nền kinh tế tài chính trở về địa vị hợp lý của nó trong toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế thế giới là nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn sắp tới. Địa vị hợp lý tức là nó không trở thành kẻ lôi kéo toàn bộ năng lượng, toàn bộ tiền bạc của xã hội, nó không tạo ra những lợi nhuận ảo. Hay nói cách khác, giảm bớt độ ảo của các nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế Hoa Kỳ chính là mục tiêu của cải cách kinh tế ở nước Mỹ hiện nay.
Tôi cho rằng ông Obama sẽ thắt chặt các chính sách tài chính, các định chế tài chính để cho nền kinh tế tài chính rút về địa vị hợp lý của nó, không tạo ra các khuynh hướng mang lại rủi ro cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng hậu quả của việc ấy là làm giảm bớt mức độ chi tiêu của người Mỹ, mà như thế tức là làm giảm bớt mức độ sản xuất của nhiều nước xuất khẩu, trong đó nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhiều nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, sức mạnh và địa quốc tế của Hoa Kỳ chính là sự tiêu dùng của nó. Khi tiêu dùng giảm thì thế lực của Hoa Kỳ cũng sẽ giảm, vậy lấy cái gì để bù vào cái phần hụt, cái phần thiếu đi của ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với thế giới? Đấy chính là vấn đề quan trọng nhất, vấn đề chính trị cốt lõi mà ông Obama phải giải quyết.
Cách duy nhất là ông Obama phải tiếp tục xây dựng cơ sở lý thuyết tái xác lập lại khuynh hướng đầu tư chủ yếu của khoa học và công nghệ để nước Mỹ trở thành một nước xuất khẩu những sản phẩm thông minh. Trong thời kỳ tân tự do vừa rồi nước Mỹ cũng xuất khẩu những sản phẩm thông minh nhưng là những sản phẩm dịch vụ tài chính. Nước Mỹ đã xuất khẩu những mẹo tài chính cho thế giới để thế giới huy động vốn cho nước Mỹ, và huy động vốn không phải để xây dựng mà để tiêu dùng.
Tuy nhiên, có một thực tế là người Mỹ cũng là một dân tộc đông dân, và không phải tất cả mấy trăm triệu người ấy đều có thể tạo ra được sản phẩm thông minh để xuất khẩu, vậy giải quyết vấn đề thất nghiệp như thế nào trong một nền kinh tế chỉ chuyên giải quyết những vấn đề thông minh? Từ đó nó phát sinh hàng loạt vấn đề mà ông Obama cần phải giải quyết. Nhưng cái trục cơ bản trong khuynh hướng phát triển chính sách của ông Obama vẫn là giảm bớt kích thước ảo của nền kinh tế và do đó phải tìm cách bù đắp để duy trì vị thế của nước Mỹ trên thế giới. Bây giờ mà chấm dứt tình trạng tiêu dùng để không nhập siêu nữa thì nước Mỹ không có địa vị gì trên thế giới cả dù có hàng vạn tên lửa. Địa vị của nước Mỹ chính là khả năng tiêu dùng của nó. Khả năng tiêu dùng của nó đồng thời thể hiện khả năng vay nợ của nó, và khả năng vay nợ của nó thể hiện sự tín nhiệm và sự lệ thuộc của thế giới vào nó. Cho nên, nhiều khi chúng ta cứ nói rằng Trung Quốc có tới 1800 tỷ trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ, tức là Hoa Kỳ nợ Trung Quốc, là chúng ta không hiểu. Nếu không đủ độ tin cậy thì không bao giờ người ta mua trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ.
Hỏi: Một trong những sự chỉ trích đối với chính quyền Bush hiện nay chính là sự thâm hụt ngân sách quá lớn và ông Obama cam kết là sẽ làm giảm mức thâm hụt đấy. Theo ông Obama sẽ làm thế nào?
Trả lời: Giảm bớt thâm hụt ngân sách thực ra là việc thắt chặt chi tiêu của chính phủ, hay nói cách khác là chính phủ không được xem túi của mình luôn rủng rỉnh và muốn làm gì thì làm. Chính phủ buộc phải cân nhắc một cách cẩn thận. Nhưng bao giờ chi tiêu cũng được phê chuẩn bởi quốc hội bằng sự thông qua của đa số trong quốc hội, mà với một quốc hội mà người của đảng Dân chủ cầm quyền thì sẽ có một sự đồng nhất làm cho việc kiểm soát hoặc kìm hãm sự sai lầm của chính phủ trở nên khó khăn. Chỗ này là chỗ mà đảng Dân chủ phải tự giải quyết. Ông Obama cần phải khắc phục cái ưu thế nhưng đồng thời cũng là nhược điểm chính trị của mình là đảng của mình chiếm đa số ghế trong quốc hội.
Hỏi: Thâm hụt ngân sách là chi tiêu chính phủ, còn thâm hụt thương mại chính là việc nước Mỹ lệ thuộc vào thế giới. Vậy theo ông, ông Obama phải giải quyết câu chuyện lệ thuộc vào thế giới như thế nào?
Trả lời: Tôi là người có chủ trương hay có khát vọng xây dựng lý thuyết tương đối về xã hội. Ai lệ thuộc vào ai là cả một vấn đề lý thuyết. Nước Mỹ lệ thuộc vào thế giới bởi người Mỹ thích tiêu tiền, nhưng nước Mỹ không tiêu tiền nữa thì thế giới hoảng, cho nên đấy là những trạng thái lệ thuộc rất tương đối và là một trò chơi tung hứng cực kỳ thú vị để nghiên cứu. Trạng thái tung hứng hay biên độ của sự tung hứng như thế nào để nó không dẫn đến rủi ro khủng hoảng là nghệ thuật của các chính phủ. Về mặt nguyên tắc, nếu nước Mỹ không chi tiêu nữa, nước Mỹ không trở thành con nợ của thế giới nữa thì nước Mỹ không có sức mạnh. Sức mạnh của nước Mỹ là nó trở thành người đáng tin cậy nhất để cho vay nợ.
Hỏi: Vấn đề hiện nay là việc tiêu dùng ấy đã vượt quá giới hạn và dẫn đến khủng hoảng, vậy làm thế nào để kéo nó trở về mức thông thường?
Trả lời: Cần phải thắt chặt thể chế tài chính, làm biến mất những định chế tài chính tạo rủi ro chứ không phải quốc hữu hoá các loại thể chế như vậy. Chính phủ của ông Obama không dại gì quốc hữu hoá các thể chế như vậy, những giải pháp vừa qua là trạng thái tạm thời, là giải pháp chữa cháy thôi. Họ sẽ trả lại cho nền kinh tế các quyền cơ bản của nó, nhưng họ sẽ hạn chế không gian của những yếu tố tạo ra khủng hoảng. Tôi cho rằng các quỹ đầu tư là yếu tố tạo ra cơn say của thế giới trong sự phát triển của 20 năm vừa rồi và nó cần phải được kiểm soát lại để không tạo ra những cơn say như thế nữa. Hay nói cách một cách cụ thể hơn là nhiệm vụ về mặt khoa học tài chính của thế giới cũng như của Mỹ trong giai đoạn sắp tới là phải tìm ra cách ứng xử và kiểm soát thích hợp đối với các quỹ đầu tư.
Hỏi Cơ sở nào để ông nghĩ rằng chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên ông Obama có thể chấm dứt khủng hoảng tài chính?
Trả lời: Thế giới đã nghiên cứu vấn đề này rất kỹ rồi, cả thế giới đang cùng nhau ngăn chặn sự khủng hoảng của nền kinh tế tài chính. Như vậy tức là ông Obama đã biết được tội đồ thật sự của sự phát triển thái quá của nền kinh tế tài chính ở Hoa Kỳ là các quỹ, cho nên chỉ cần thay đổi và thắt chặt một số định chế là có thể điều chỉnh được chuyện đó. Ông ấy chỉ cần khắc phục hậu quả của việc chữa căn bệnh ấy chứ không phải là chữa căn bệnh ấy. Cả thế giới đã làm rồi và nước Mỹ với địa vị khổng lồ như vậy thì chỉ cần khắc phục hậu quả bằng việc thắt chặt các định chế tài chính để chống khủng hoảng tài chính.
Hỏi: Phải chăng việc khắc phục hậu quả của việc chữa căn bệnh của nền kinh tế tài chính chính là không gian để ông Obama thể hiện vai trò của mình?
Trả lời:Đúng thế, đấy là không gian hoàn toàn tự do của ông Obama. Thắt chặt tài chính có nghĩa là nền kinh tế ảo giảm đi, nền kinh tế ảo giảm đi thì nền kinh tế thật tăng lên, nền kinh tế thật tăng lên thì có công ăn việc làm, có công ăn việc làm thì chương trình giảm thuế mới có tác dụng, bởi vì phải có người đóng thuế thì mới có chuyện giảm thuế. Trong việc này ông Obama cần học kinh nghiệm của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Khi mới lên nắm quyền, ông Ôn Gia Bảo đã khôi phục lại khu gang thép An Sơn, lúc đầu thì tôi cho ông ấy là cổ, nhưng sau sáu tháng suy nghĩ tôi hiểu rằng ông ấy đã đúng, đúng hơn thủ tướng Chu Dung Cơ. Thủ tướng Chu Dung Cơ đã sử dụng lý thuyết tân tự do để cường điệu vai trò của nền kinh tế tài chính và biến tài chính thành công cụ cơ bản của sự phát triển kinh tế Trung Quốc, làm cho khoảng cách giàu nghèo tăng lên một cách rõ rệt. Tuy nhiên, khi phát triển công nghiệp thì phải lấy đất của nông dân và nó lại sinh ra loại mâu thuẫn xã hội khác. Nhưng ngay cả khi phát triển kinh tế tài chính thì nó cũng lấy đất của nông dân để làm bất động sản. Giữa lấy đất làm công nghiệp và lấy đất làm bất động sản thì hậu quả đối với người nông dân là như nhau. Cho nên, nếu làm ở chừng mực hợp lý thì cả hai cái đều tốt. Nhưng mà đối với kinh tế tài chính thì Trung Quốc không kiểm soát được, cho nên, chính phủ Trung Quốc trở thành con tin của các nhà đầu tư tài chính. Phải nói rằng trong tình huống này ông Ôn Gia Bảo là một người rất đáng nể khi đưa ra những chính sách hợp lý. Ông Obama có thể học cách của ông Ôn Gia Bảo.
Hỏi: Theo ông chính phủ của ông Obama sẽ can thiệp vào các định chế tài chính đến mức độ nào? Liệu sự can thiệp ấy có là cái cớ cho một số chính nói rằng mình có quyền nhúng tay can thiệp vào nền kinh tế và làm mất đi tính tự do của nó?
Trả lời:Tôi nghĩ rằng, việc chính phủ Mỹ can thiệp trực tiếp vào các tổ chức tài chính sẽ không kéo dài. Hiện nay là trạng thái khủng hoảng sẽ sớm chấm dứt sau khi giải quyết xong vấn đề này. Động thái này là nhằm để bảo vệ chủ nghĩa tư bản. Cho nên, hiện tượng mà chúng ta gọi quá lên là quốc hữu hoá là sai, đó là trạng thái cứu hộ của các chính phủ đối với các định chế. Nó sẽ sớm chấm dứt cùng với sự chấm dứt khủng hoảng. Còn việc lấy đó làm cái cớ để can thiệp một cách tuỳ tiện vào nền kinh tế thì tôi cho rằng ở bất kỳ một nước nào chậm phát triển và kiến thức thấp thì các chính phủ đều có thể làm như vậy. Tuỳ thuộc vào độ lành mạnh của các chính phủ mà mỗi một chính phủ sẽ ứng xử một cách khác nhau trong chuyện này. Tôi nghĩ rằng xã hội phải cảnh báo sớm, các nhà khoa học và giới truyền thông phải cảnh báo sớm, và cảnh báo nhẹ nhàng chứ không nên chỉ trích trực tiếp. Nếu không cảnh báo thì rất có thể các chính phủ sẽ can thiệp tuỳ hứng, và can thiệp không phải với động cơ cứu hộ mà với động cơ tham nhũng. Chính phủ có thể sở hữu các xí nghiệp nhưng chính phủ không kinh doanh trực tiếp, cũng như trọng tài có thể lờ đi một lỗi của một cầu thủ mà mình bênh, nhưng không thể đá hộ cầu thủ được. Hiện nay chính phủ chúng ta đang đá những quả bóng ở trong sân với tư cách là cầu thủ, đấy chính là lỗi lầm cơ bản của chính phủ chúng ta trong giai đoạn này, điều đó làm mất đi sự nghiêm minh của toàn bộ nhà nước chứ không phải chỉ có các thể chế.
Hỏi: Theo ông, liệu ông Obama có thể thực hiện được chính sách giảm thuế như đã cam kết không?
Trả lời: Về chuyện giảm thuế, tôi nghĩ rằng ông Obama không nhất thiết phải làm ngay một lúc. Cái mà ông McCain chỉ trích đối với chính sách của ông Obama là trên thực tế những người nghèo ở Mỹ, 30% người Mỹ, không phải đóng thuế, cho nên việc giảm thuế nghe thì có vẻ oai nhưng trên thực tế là không làm gì thêm cho ai cả. Như vậy là cam kết của ông Obama vẫn còn có chỗ hở để chỉ trích. Nếu ở địa vị của ông Obama thì tôi không nói đến chuyện giảm thuế, bởi vì còn có rất nhiều cách khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng một nền kinh tế mà có một số lượng người đủ lớn không đóng thuế là một nền kinh tế không lành mạnh, bởi vì như vậy có nghĩa là khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Cho nên, ngầm trong chuyện giảm thuế là thông điệp tôi phấn đấu để các anh có khả năng đóng thuế, bởi vì có khả năng đóng thuế thì giảm thuế mới có giá trị. Tâm lý đóng thuế là tâm lý rất quan trọng, đóng thuế là sợi dây trách nhiệm duy nhất gắn bó người dân với một thể chế, với một nhà nước, với một hệ thống chính trị. Cho nên những thuật ngữ như thu thuế, truy thuế là những thuật ngữ thô lỗ, và một nhà nước chỉ thu mà không nghĩ đến việc nâng cao khả năng đóng thuế của mọi người là một nhà nước kém. Vì thế, nói về triển vọng giảm thuế tức là nói về cái triển vọng là anh phải phấn đấu để có khả năng đóng thuế. Ông Obama đã vận động một cách rất khôn ngoan.
Hỏi: Nhưng như thế có nghĩa là người giàu ở Mỹ phải chịu gánh nặng nhiều hơn về thuế?
Trả lời:Xu hướng đấy chính là lý thuyết chính trị được gọi là chủ nghĩa xã hội dân chủ, hay nói cách khác là chủ nghĩa nhà nước phúc lợi. Khuynh hướng chính trị ấy nếu được sử dụng ở Hoa Kỳ thì nó sẽ phát triển rất tốt, bởi vì Hoa Kỳ là một quốc gia đa nguyên về chính trị, nhà nước phúc lợi không có nghĩa là phúc lợi tĩnh mà nhà nước phúc lợi tuỳ thuộc vào sự phát triển và tuỳ thuộc vào năng lực điều hành. Đưa ra chuyện ấy là thông minh, bởi vì xã hội sẽ tự bảo vệ lấy mình bằng cách bầu chọn cho những người biết bảo hộ quyền lợi của xã hội thông qua những chính sách như vậy. Nếu ông Obama ý thức được đầy đủ chuyện này thì ông ấy sẽ làm được rất nhiều việc.
Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ sớm thành công trong việc chống khủng hoảng tài chính, trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên để đưa nền kinh tế trở lại ổn định với tốc độ phát triển chậm. Áp lực của ông ấy nửa nhiệm kỳ đầu tiên chính là làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ hồi phục trở lại, và ông ấy sẽ tranh cử nhiệm kỳ hai bằng việc xây dựng nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng. Nhưng một khi nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng thì một xu hướng tâm lý thông thường sẽ nảy sinh là người Mỹ lại đòi hỏi nước Mỹ có những địa vị rực rỡ ở trên thế giới.
Ông Obama có hai cách để tạo ra địa vị của nước Mỹ ở trên thế giới, đó là chọn thái độ đối ngoại như thế nào, đơn phương hay đồng minh hay đa phương, và lấy việc giải quyết các điểm nóng của thế giới làm khuynh hướng cơ bản hay làm tăng trưởng các khu vực khác nhau của thế giới làm khuynh hướng cơ bản. Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ chọn cách ẩn ác giương thiện, có nghĩa là cô lập các điểm nóng và phát triển các điểm lành mạnh ở trên thế giới. Với bản tính của con người ấy, tôi cho rằng ông ấy sẽ đi theo hướng này.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005