Sự hình thành trong im lặng của văn hóa
Phóng viên (PV):Nhân ngày tết chúng tôi muốn nói chuyện một chút về văn hoá, bắt đầu bằng những câu chuyện rất cụ thể về sự xô bồ, ồn ào, chen lấn trong cuộc sống hiện nay. Ví dụ, chúng ta vừa chứng kiến những con người trong cùng một cộng đồng khi ra đường sẵn sàng chửi bới nhau. Từ hiện tượng đó, ông đánh giá thế nào về văn hoá của người Việt?
Nguyễn Trần Bạt (NTB): Phải nói rằng đất nước chúng ta mới mở cửa được 20 năm và không phải lớp người nào cũng nhận được lợi ích từ việc đó, vì thế mọi người đều vội vã đi tìm những cái cho mình trong đời sống, và do đó chúng ta nhìn thấy sự vội vã. Khi chạm đến khía cạnh văn hoá, tôi lại nhớ đến một giáo sư triết học người Pháp là ông François Jullien, cách đây khoảng 2 tuần, ông ấy có đến thăm Việt Nam và truyền bá một khái niệm gọi là "sự chuyển hoá trong im lặng".
Có lẽ sự hình thành của văn hoá là một ví dụ điển hình cho khái niệm "sự chuyển hoá trong im lặng". Văn hoá vẫn phát triển trong im lặng, sở dĩ nó ồn ào là vì chúng ta hướng sự chú ý vào, chứ còn thực ra tất cả những phẩm hạnh mà người Việt Nam có đã hình thành trong một quá trình lâu dài, bất chấp tất cả những sức ép cũng như những sự tuyên truyền một cách ầm ĩ. Những gì không phải là kết quả của sự chuyển hoá trong im lặng thì không phải là văn hoá. Thành phố Hà Nội, nơi mà chúng ta đang đứng, là một mảnh đất của châu thổ Sông Hồng. Châu thổ Sông Hồng được hình thành bởi kết quả của một quá trình chuyển hoá trong im lặng của hàng triệu triệu hạt phù sa. Sự hình thành của châu thổ Sông Hồng và sự hình thành của những đặc trưng văn hóa Việt Nam có sự giống nhau và có sự tương đương về mặt phương thức. Không thể quan sát những biểu hiện hiện nay để đánh giá văn hoá của người Việt. Đấy là trạng thái người Việt đi đến văn hoá chứ không phải là trạng thái văn hoá của người Việt. Tôi nghĩ rằng cùng với thời gian, cùng với sự phát triển, cùng với sự đi lên và sự no đủ, chắc chắn mỗi người đều sẽ nhận ra cái chúng ta được không phải là cái chúng ta kiếm được mà là cái chúng ta nhận được trong sự phát triển im lặng, trong sự chuyển hoá im lặng của đời sống. Không thể sốt ruột được.
Vừa rồi, khi đến Bờ Hồ, chúng ta đã chứng kiến cuộc chửi bới của mấy chị cách chỗ chúng ta đang đứng vài chục thước, đấy là sự bức xúc, sự lo lắng của ngày Tết đến mức vượt quá sức chịu đựng của một con người thông thường và nó tạo ra sự cãi cọ. Trạng thái ấy không phải là trạng thái thường xuyên của con người. Chúng ta quan sát nhiều con người, mỗi con người một giây thì chúng ta thấy họ vội vã, nhưng nếu chúng ta quan sát một con người trong một thời lượng đủ dài thì chúng ta thấy rằng cuộc sống vẫn thế, cuộc sống vẫn đi từ từ và các đặc trưng văn hoá vẫn hình thành.
PV: Về câu chuyện những người phụ nữ cãi nhau mà chúng ta vừa chứng kiến, có nhiều cách để thể hiện sự bức xúc mà không nhất thiết phải chửi bới, không cần phải nói những lời thô tục. Vậy theo ông đấy là cái gì?
NTB: Đấy là sức ép của sự thiếu thốn và quan trọng hơn nó là hệ quả của sự không được giáo dục một cách đầy đủ. Các bạn thấy gần đây chúng ta nói to về rất nhiều việc trên các phương tiện truyền thông, giáo dục cũng nói to, chống lạm phát cũng nói to, kích cầu cũng nói to… Tất cả các phương tiện truyền thông đều vặn hết cỡ để mô tả những việc chúng ta làm.
Chúng ta quên mất rằng đôi khi chúng ta làm được một việc nhưng chúng ta lại phá vỡ điều quan trọng hơn của cuộc sống là sự yên tĩnh. Tôi muốn nói rằng, chúng ta phải luôn luôn nhớ tất cả những cái uy nghiêm, những cái đẹp đẽ đều được hình thành trong sự yên tĩnh. Đảm bảo sự yên tĩnh chính là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để giáo dục con người và để tiến tới những tiêu chuẩn văn hoá lành mạnh.
PV: Ông nói rằng chúng ta không thể sốt ruột, chúng ta phải để cho văn hoá hình thành, nhưng dường như những hành vi, những tập quán thanh lịch của người Hà Nội càng ngày càng biến đi đâu mất. Ông có thể giải thích điều này?
NTB: Nó không biến đi đâu cả. Phải nói là thế này: chúng ta vẫn có nguyên Hà Nội, nhưng chúng ta không còn người Hà Nội, hay nói cách khác là người Hà Nội đã bị pha loãng. Người Hà Nội có phải là một chuẩn mực văn hoá không thì tôi không dám nói, bởi vì nói như vậy thì các địa phương khác dễ tự ái. Tuy nhiên, nói gì thì nói, người Hà Nội xét về phương diện văn hoá là một tiêu chuẩn tốt trong cộng đồng văn hoá Việt Nam. Vì thế, chúng ta phải làm thế nào để Hà Nội có lại người Hà Nội. Hà Nội bây giờ không còn nhiều người Hà Nội gốc, cho nên, vấn đề đặt ra là chúng ta phải giữ gìn tiêu chuẩn văn hoá của người Hà Nội như là một gen quý để chờ đợi những người từ nơi khác đến cư trú hấp thụ dần nó, để làm cho các yếu tố ngoại lai, những yếu tố mới không lấn át, không chèn ép, để Hà Nội sẽ có lại những thứ mà mình đã từng có. Anh nói đến chuyện bây giờ những tập quán thanh lịch của người Hà Nội không có nữa, nhưng tôi cho rằng không phải như vậy. Ra đường, trước sự phức tạp của cuộc sống như thế này thì con người phải chen chúc, phải vội vã, nhưng anh hãy đến những gia đình Hà Nội cổ, quan sát họ thì các anh sẽ thấy nó vẫn còn. Và tôi nghĩ rằng các anh phải làm nhanh lên để chúng ta có thể có một tư liệu chuẩn về phong cách của người Hà Nội, bởi vì văn hoá Hà Nội, phong cách của người Hà Nội cũng sẽ biến đổi.
Truyền thông là một phương tiện phổ biến, truyền thông có thể góp phần phổ biến các tiêu chuẩn Hà Nội, làm cho con người có cái chuẩn để mà học, để mà tiếp cận, để mà rèn luyện. Chúng ta phải phấn đấu để có lại những tiêu chuẩn phong cách của người Hà Nội.
PV: Ông nói rằng chúng ta phải có lại nghĩa là chúng ta đã có nhưng bị mất đi?
NTB: Đúng thế. Chúng ta mất đi bởi vì chúng ta không ý thức được rằng cuộc sống thay đổi thì con người cũng sẽ thay đổi. Chúng ta không biết cái gì là quý, chúng ta tưởng tiền là quý, chúng ta tưởng nhanh nhẹn là quý, chúng ta tưởng năng động là quý. Sự năng động có thể quý đối với việc làm ra một số lượng vật chất nào đó, nhưng chưa chắc nó đã duy trì được sự yên tĩnh cần thiết và vốn có của đời sống, mà cái đấy chính là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của đời sống, của sự phát triển. Các anh biết rằng trong những tiêu chuẩn về môi trường, người ta có cả tiêu chuẩn về tiếng ồn, tiếng ồn lớn quá được xem là ô nhiễm môi trường. Vậy thì con người mà nói lắm quá, ra phố mà ồn ào quá thì nó cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng của môi trường, và đây không phải là môi trường hiểu theo nghĩa tự nhiên, nó còn được hiểu theo nghĩa tinh thần. Môi trường tinh thần không yên tĩnh thì nhân cách con người rất khó hình thành một cách lành mạnh.
PV: Gần đây chúng ta phê phán rất nhiều về hành xử giữa con người với con người trong xã hội với nhau, đặc biệt ở giới trẻ. Xã hội ngày nay dường như không biết cái gì là chuẩn mực, cái gì là giá trị, cái gì được gọi là lý tưởng để cho con người có thể theo đó mà ứng xử. Ông có nghĩ rằng đấy cũng là một cái chúng ta cần nghiên cứu?
NTB: Đây là một vấn đề khá phức tạp, bởi vì văn hoá không phải là một đại lượng cố định. Văn hoá là một đại lượng mở, nó có nghĩa vụ phải tiếp nhận những yếu tố mới để cung cấp cho con người những tiêu chuẩn để hành động trong những điều kiện hiện đại. Khi lớp trẻ lớn lên họ phải đi tìm chính họ, đi tìm phương thức hành động của họ, đi tìm phương thức sống của họ và tìm vẻ đẹp mà họ cần phải có. Đấy là một quá trình hành hương đến sự hợp lý, cho nên, không lên án lớp trẻ được. Nếu có thì chỉ nên phê phán lớp già thôi: chúng ta không giữ lại cho bọn trẻ sự yên tĩnh vốn có để bảo tồn các giá trị văn hoá. Cho đến bây giờ có nhiều người vẫn tự hào rằng hành vi của mình là chuẩn mực.
PV: Theo ông cái gì có thể được gọi là chuẩn mực?
NTB: Đôi khi chúng ta nhầm lẫn giữa chuẩn mực và bản sắc. Sự nhầm lẫn này rất tai hại, bởi vì nếu chúng ta nhầm lẫn giữa chuẩn mực và bản sắc thì chúng ta sẽ thành bảo thủ. Chuẩn mực bao gồm cả bản sắc và sự tiếp nhận những yếu tố mới. Nếu chúng ta kết hợp được việc giữ gìn những mặt tích cực của bản sắc đã có với việc tiếp nhận những yếu tố hợp lý mới của cuộc sống thì chúng ta mới có chuẩn mực. Chuẩn mực là một đại lượng động, vì thế cho nên chúng ta buộc phải nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu văn hoá buộc phải làm chuyện đấy, các nhà quản lý xã hội buộc phải làm chuyện đấy, các nhà chính trị buộc phải làm chuyện đấy, và chuẩn mực phải bắt đầu từ hành vi của nhà chính trị.
PV: Gần đây chúng ta nhắc tới nhiều chuẩn mực trong xã hội, quy nó thành những câu chữ, những khẩu hiệu. Theo ông như thế có đủ hay không?
NTB: Đấy là hệ quả của một lối tư duy đơn giản, những câu chữ, những đúc rút kiểu 16 chữ, 18 chữ, 20 chữ tạo ra một thói quen văn hoá không lành mạnh. Bởi vì chúng ta làm đơn giản hoá và làm mất đi tính linh hoạt của hành vi, làm mất đi tính linh hoạt của văn hoá, làm mất đi tính linh hoạt của đời sống. Khi tóm tắt một số quy tắc thành chữ thì chúng ta làm mất đi cái tươi mát thật sự của cuộc sống. Có thể có hình mẫu nhưng không có khẩu hiệu.
PV: Ông có nói rằng chúng ta chưa no đủ để có thể cảm nhận được văn hoá. Chúng ta vẫn còn thiếu thốn, chúng ta vẫn còn đang trong giai đoạn phải tích luỹ. Như vậy có thể hiểu là khi nào chúng ta no đủ thì chúng ta mới có văn hoá không?
NTB: Không. Cái đói, cái thiếu là một đại lượng tương đối. Trước năm 1985 tất cả chúng ta đều nghèo nhưng chúng ta không đau khổ về sự nghèo khổ bằng bây giờ. Bởi vì bây giờ chúng ta phải đối chiếu sự nghèo khổ của mình với sự giàu có của người bên cạnh. Sự giàu có của người bên cạnh xác nhận tính bất lực của chúng ta, cho nên chúng ta luôn luôn phải kèn cựa, phải lo lắng. Chúng ta không lo lắng để có cái ăn mà chúng ta lo lắng về sự thua kém. Đấy là một tâm lý buộc phải phân tích một cách rất cẩn thận. Nó có cần thiết không? Rất cần. Nếu không có tâm lý ấy thì sẽ không có phát triển. Nhưng sự thái quá của tâm lý ấy sẽ tạo ra sự cạnh tranh một cách vô nguyên tắc, tạo ra sự vội vã một cách phi tiêu chuẩn hay là sự vội vã phá vỡ toàn bộ các giá trị văn hoá đã có. Tức là chúng ta không đủ nền tảng tâm lý để kế thừa những sự hợp lý của quá khứ nữa. Chúng ta vứt bỏ mọi cái một cách vội vã để đi tìm kiếm những cái chúng ta không biết chắc là sẽ có, hoặc không biết chắc giá trị của nó.
PV: Chúng ta nên hiểu như thế nào về cái gọi là phát triển cùng với giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc? Dường như nó hơi mơ hồ?
NTB: Tôi đã có rất nhiều bài viết về bản sắc, tôi không xem việc giữ gìn bản sắc là một khuynh hướng đúng, mà nhất là giữ gìn bản sắc bằng công cụ nhà nước thì tôi lại càng không ủng hộ, vì nó trở thành bắt ép. Bản sắc là cái của anh, anh phải tự giác thấm được, thậm chí anh không tự giác nữa mà anh thấm một cách vô thức. Vì thế cho nên, không có mâu thuẫn về bản sắc nếu chúng ta không đưa nó ra như một cái áp đặt. Văn hoá phát triển một cách tự nhiên và không phải chỉ đi cùng với sự no đủ. Cùng với sự no đủ thì chúng ta thấy được sự bất lực của sự no đủ trong việc hình thành nhân cách, trong việc hình thành phong cách. Phong cách là hệ quả tất yếu của việc thấm các giá trị xã hội, còn nhân cách là phổ quát toàn cầu, cho nên, chúng ta phải phấn đấu vì những tiêu chuẩn nhân cách. Khi nhân cách của chúng ta hình thành một cách hợp lý thì chúng ta sẽ có phong cách đẹp đẽ. Hay nói cách khác, phong cách dường như là hệ quả trực tiếp của nhân cách.
PV: Người ta vẫn nói rằng chính phong cách tiểu nông của người Việt Nam, chính những lối sống phi cộng đồng, những sự ích kỷ cá nhân, những sự kèn cựa làm cho người Việt Nam trở thành những con người nhỏ trên một đất nước nhỏ. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
NTB: Không. Tôi rất không thích việc có một thời kỳ rất dài chúng ta gán mọi khuyết tật của xã hội chúng ta cho tâm lý tiểu nông. Người nông dân là hệ quả tự nhiên của đời sống xã hội và kinh tế Việt Nam, họ không tiểu nông gì cả. Nếu phê phán họ là tiểu nông thì "đại nông" là gì? Tôi không đồng ý sự lên án căn bệnh tiểu nông. Người nông dân cũng có phong cách, có tính cách của họ. Tôi nghĩ rằng người nông dân là những người đầu tiên cấu tạo ra nền tảng của nền văn hoá Việt Nam, họ là nền tảng của nền kinh tế và là nền tảng của xã hội Việt Nam. Người nông dân đẹp hơn chúng ta tưởng, và họ oan uổng trong việc chúng ta phê phán họ, gán cho họ cái gọi là bệnh tiểu nông. Tôi không nghĩ là có bệnh tiểu nông. Bệnh tiểu nông là kết quả của một cách nhìn sốt ruột đối với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Bệnh tiểu nông là sự áp đặt của những kẻ sốt ruột và có thế lực cho những người vốn dĩ không có thế lực và vốn dĩ cần cù lao động trong suốt cả chiều dài lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam. Tôi phản đối việc lên án bệnh tiểu nông.
Chúng ta cứ tưởng rằng người nông dân có nhiều bệnh nhưng không phải thế. Họ có vẻ đẹp của họ. Đêm qua tôi đi xem một vở chèo ở Nhà hát Lớn. Phải nói thật với các bạn là tôi không hiểu tại sao người ta lại hát chèo hay đến thế. Tôi là người thành phố 100%, thậm chí còn có chất lượng phương Tây về mặt thành phố, nhưng tôi vẫn bàng hoàng khi nghe người ta hát chèo hay đến như vậy. Chúng ta có rất nhiều thứ nhưng chúng ta không tự tin, cho nên chúng ta thường đặt những cái tên xấu cho những gì thuộc về chúng ta như cái Tí, cái Tèo, thằng Cún… Chúng ta không dám sử dụng những chữ đẹp để đặt tên cho những cái thuộc về mình. Tại sao chúng ta lại không tự tin? Bởi vì chúng ta chưa tự giác về giá trị của cá nhân, chúng ta mượn những giá trị khác để cấu tạo ra niềm tin của chúng ta, đấy là nguồn gốc triết học của những khuyết tật mà chúng ta có. Trước khi làm việc với các anh, tôi có chuẩn bị một loạt thông tin, tôi thấy người Việt Nam chẳng đến nỗi nào. Chúng ta có nhiều nhà khoa học, nhiều nhà văn hoá, nhiều nghệ sĩ thành đạt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ngay cả trong lĩnh vực tôn giáo chúng ta cũng có những con người tạo ra một vùng ảnh hưởng tôn giáo rất lớn, ví dụ như cụ Thích Nhất Hạnh. Chúng ta có tới 117 vị thánh trong lịch sử hình thành Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Đem so với bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào, số lượng những người được phong thánh của chúng ta là không hề kém. Tại sao chúng ta không xem đấy là những thành tựu của người Việt? Vì định kiến nên chúng ta không thống kê hết những thành tựu của người Việt mà do số phận họ trót dại không ở trong tuyến chính trị của chúng ta. Cho nên, chúng ta không thấy người Việt lớn, không thấy người Việt có những thành tựu nào đó, không thấy rằng chúng ta không phải rồng phượng gì nhưng cũng chẳng kém ai, và chúng ta không truyền bá được những cái đó trở thành niềm tự hào của mỗi một con người. Chúng ta chỉ có một vài niềm tự hào và chúng ta cứ nói mãi, nói đến mức người ta chán nghe rồi thì chúng ta không biết nói gì nữa.
Trong khi đó, trên thực tế chúng ta có rất nhiều cái để nói, chúng ta có rất nhiều ví dụ để nói, chúng ta có nhiều đặc trưng văn hoá để nói. Cái tôi không thích nhất ở người Việt là sự thiếu tự tin vào những giá trị của mình. Nguồn gốc của sự thiếu tự tin về giá trị của mình là chúng ta không tự giác về sự tồn tại của các cá nhân. Mỗi một con người là một cá nhân, mỗi một con người đều có thể phấn đấu để có những giá trị của mình, chúng ta không phải vay mượn ở đâu cả. Chúng ta sống được đến bây giờ, chúng ta vui vẻ được đến bây giờ, chúng ta vẫn yêu đời đến phút tôi đang đứng đây trả lời phỏng vấn của các anh tức là chúng ta có quyền tự hào về năng lực tồn tại của chúng ta trong một thế giới phức tạp như thế này.
PV: Theo ông, sự tự tin xuất phát từ đức tin hay niềm tin?
NTB: Đức tin tức là anh tin vào người khác, còn tự tin là anh tin vào anh, hai cái đó khác nhau. Khi nào con người không tự tin thì người ta phải mượn đức tin, nhưng nói như thế không có nghĩa là có sự đối lập nào đó giữa sự tự tin và đức tin. Bởi vì đôi khi con người có những lúc không tự tin, họ phải mượn đức tin để hỗ trợ bản thân mình. Đức tin như một công cụ tinh thần để hỗ trợ con người đi qua những phút tiêu cực của cuộc đời.
PV: Người ta nói rằng đức tin làm cho con người tự tin hơn, và có những lúc mất tự tin thì người ta phải mượn đức tin. Vậy thì theo ông người Việt bây giờ thiếu tự tin có phải là vì chúng ta chưa có một đức tin hay không?
NTB: Mọi đức tin đều có giới hạn của nó. Tôi lấy ví dụ đức tin vào tôn giáo chẳng hạn. Cái lúc mà anh định cạnh tranh, anh định kiếm lợi thì đức tin ấy dường như không hỗ trợ những chuyện như vậy. Nhưng khi anh sai lầm, anh đau khổ thì đức tin ấy hỗ trợ anh. Cho nên việc sử dụng đức tin như thế nào để hỗ trợ một cách hợp lý cho những giai đoạn khác nhau, ở những thời điểm khác nhau của cuộc đời một con người cũng lệ thuộc vào bản lĩnh cá nhân. Nếu không tự giác về sự tồn tại của cá nhân thì không có tự tin, mà không có tự tin thì không thể có đức tin hợp lý được. Và như vậy, trong trường hợp anh không tự tin mà anh vẫn có đức tin thì đức tin dường như là một sự gán ghép, hoặc một sự lừa bịp. Đứng trước cái đẹp của Đức Phật, cái đẹp của thiên chúa, cái đẹp của những anh hùng liệt sĩ, tôi xúc động thật sự. Tôi xúc động trước những đối tượng như vậy vì cá nhân tôi tồn tại trước sự xúc động ấy. Cho nên, nếu thiếu yếu tố cá nhân, nếu không khẳng định các giá trị cá nhân thì mọi cái khác đều không có ý nghĩa.
PV: Tại sao trong chiến tranh, đứng trước những khó khăn liên quan đến sinh mạng của con người thì chúng ta có một sự tự tin, có niềm tin là chúng ta sẽ chiến thắng. Còn trong thời bình, chúng ta có cảm giác no ấm hơn, an toàn hơn, tại sao chúng ta lại thiếu đi những cái đấy?
NTB: Bởi vì trong chiến tranh chúng ta cùng đi với nhau, chúng ta cùng nhau chiến đấu, chúng ta thắng kẻ thù. Chúng ta tin vào sự chính đáng của các hành động của mình, chúng ta tin vào mục tiêu của mình: vì độc lập, tự do của dân tộc. Những mục tiêu ấy chính đáng đến mức không ai luận lại chuyện ấy vào thời điểm ấy, kể cả những người bây giờ luận lại chuyện ấy thì vào chính thời điểm ấy, họ vẫn hành động như mọi người. Điều ấy chứng tỏ rằng, có những chất lượng chính đáng của thời kỳ chiến tranh làm cho con người tự tin về sự trong sạch của mình, về sự cao thượng của mình, về sự đẹp đẽ của mình, và người ta quên đi những chuyện lặt vặt. Còn bây giờ chúng ta không phải đối đầu với kẻ địch mà chúng ta đối đầu với sự thua kém của chúng ta so với người khác, và chúng ta không tự tin khi thấy mình thua kém. Nhưng với lớp trẻ thì họ chưa đến cái ngưỡng để thừa nhận chuyện thua, cho nên họ vẫn dấn. Sự thiếu tự tin là một sự lục lại cái kho kinh nghiệm và trạng thái thiếu tự tin ấy không phải là trạng thái thường xuyên của con người. Nếu trạng thái thiếu tự tin ấy là trạng thái thường xuyên của con người thì làm sao có tới 300, 400, 500 ngàn công ty mở ra. Con người vẫn tự tin, mặc dù vẫn tồn tại cả tâm lý thiếu tự tin, và sự tồn tại cân đối giữa tự tin và thiếu tự tin chính là một tỷ lệ hợp lý cho sự phát triển. Còn nếu tất cả chúng ta đều tự tin và lúc nào cũng tự tin thì xã hội sẽ trở thành một xã hội liều mạng.
PV: Như ông nói trong chiến tranh chúng ta có những điều rất tự nhiên và rất chính đáng để tự tin. Trong thời bình, liệu chúng ta có thể có được những yếu tố như thế để tự tin hay không?
NTB: Tất cả những con người hiện đại nói chung phải dựa vào nhiều thứ để xác lập sự tự tin của mình, nhưng có một tiêu chuẩn rất phổ biến, đó là pháp luật. Sự tuân thủ pháp luật một cách chính xác dường như là nền tảng để tạo ra sự tự tin của con người khi người ta hành động. Vì thế cho nên, xây dựng pháp luật không phải chỉ để quản lý nhà nước, xây dựng pháp luật là cung cấp những tiêu chuẩn để con người có thể tự tin khi tiến hành các hành động của mình. Các nhà lập pháp của chúng ta chưa ý thức một cách đầy đủ về chuyện này. Những người quản lý nhà nước cũng chưa ý thức đầy đủ về chuyện này. Xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi chung, bảo vệ quyền lợi con người nói riêng, bảo vệ sự nghiêm cẩn của xã hội và gương mẫu tuân thủ nó chính là cung cấp cho con người một công cụ để xác lập một cách căn bản và đúng đắn sự tự tin của mình trong các hành động. Khi con người tự tin trong các hành động cá lẻ, khi con người tích luỹ được kinh nghiệm và sự đúng đắn của mình thì con người sẽ tiến đến sự tự tin như một giá trị tinh thần hoàn chỉnh.
PV: Xung quanh câu chuyện về văn hoá mà chúng ta vừa bàn ông có điều gì muốn nhắn gửi mọi người không?
NTB: Năm mới, qua các bạn ở đài truyền hình, tôi muốn nói với mọi người rằng chúng ta không nên sốt ruột, chúng ta phải tự tin là mỗi chúng ta đều chứa đựng trong mình những giá trị rất quan trọng. Đôi khi chúng ta chưa đủ kinh nghiệm để phát hiện ra giá trị ấy mà thôi. Tất cả chúng ta đều phải tin vào mình, chúng ta phải tin rằng trong con người mình có những nhân tố mà đến một thời điểm nào đó hợp lý, nó sẽ xuất hiện để làm cứu cánh cho sự đúng đắn của chúng ta, cứu cánh cho những thành tựu của chúng ta.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn