Toàn cầu hoá, kinh tế thị trường và sự nghèo đói
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đói với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng.
Cần phải khẳng định rằng, toàn cầu hóa chỉ làm cho sự nghèo đói xuất hiện và được chú ý hơn, chứ không phải làm cho người ta nghèo đói hơn. Trước đây, khi tất cả mọi người đều nghèo đói, nhất là trong một thế giới ít thông tin, sự nghèo đói bị chìm đi. Thế nhưng, toàn cầu hoá, với luồng thông tin thông thoáng, đã khiến người ta cảm nhận rõ ràng hơn sự nghèo đói của mình trong mối tương phản với sự giàu có của những dân tộc khác. Cũng bởi thế mà một số người vội vã đổ lỗi cho toàn cầu hoá, quên mất rằng chính nó đã, đang và sẽ đem đến cho dân tộc mình rất nhiều cơ hội phát triển.
Hãy nhìn lại những diễn biến gần đây của thế giới để thấy rằng, sự luân chuyển mạnh mẽ dòng vốn giữa các quốc gia, quá trình chuyển giao công nghệ sôi động cùng với sự phổ biến các tiêu chuẩn về lao động và môi trường đã giúp và buộc các quốc gia, nhất là những nước thuộc thế giới thứ ba, cải thiện bức tranh kinh tế xã hội của mình như thế nào. Toàn cầu hóa có tác động quan trọng nhất là khai thác việc sử dụng một cách hiệu quả lợi thế so sánh của các quốc gia, và hơn thế nữa, nó giúp các quốc gia phát huy những lợi thế ấy. Dường như, lý thuyết về việc khai thác chi phí nhân công rẻ đã không còn tuyệt đối đúng và giữ nguyên màu sắc nguyên thuỷ của nó nữa. Trước đây, khi toàn cầu hóa còn ở mức thấp, các nước giàu chỉ khai thác lao động về mặt số lượng, hay nói khác đi, họ chỉ tận dụng những lao động cơ học, thay vì tạo điều kiện để tăng cường hàm lượng chất xám của những lao động ấy. Ngày nay, toàn cầu hóa buộc các quốc gia phải tăng cường chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn hóa lao động của mình, phải đặt vấn đề về việc sử dụng lao động tù nhân, lao động trẻ em... thay vì khai thác theo kiểu bóc lột như trước đây.
Toàn cầu hóa cũng đã làm thay đổi tư duy của mọi người về hoạt động đầu tư của các nước giàu có. Trước đây, người ta nhìn nhận nó đơn thuần như một quá trình khai thác tài nguyên, mà kẻ hưởng lợi duy nhất là những nước đi đầu tư. Ngày nay, hoạt động này được công nhận như một quá trình hợp tác "win-win", đôi bên đều có lợi. Các nước đầu tư đã, đang và sẽ tái phân phối sự giàu có của mình và giúp các nước nghèo đói khai thác và chỉ cho họ cách thức để tạo ra sự giàu có cho riêng mình. Bên cạnh đó, các nước đầu tư cũng có thể mở rộng thị trường của mình qua việc làm cho một bộ phận dân cư ở các nước nhận đầu tư trở nên giàu có hơn, và do đó, có điều kiện tiêu dùng sản phẩm của mình. Cũng nhờ thế, quá trình này phần nào giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đề việc làm và gia tăng những điều kiện thuận lợi để thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên ý thức về những bài toán mà toàn cầu hóa đặt ra. Thứ nhất, toàn cầu hóa buộc các quốc gia phải đối mặt với những nguy cơ tụt hậu, nó cũng buộc các quốc gia phải chấp nhận thay đổi mà đôi khi là những thay đổi đau đớn. Toàn cầu hóa sẽ chỉ ra những hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sẽ khiến các doanh nghiệp phải tham gia vào một cuộc chơi với những luật chơi khắc nghiệt, để hoặc tận hưởng những cơ hội mà nó mang lại, hoặc chấp nhận bị phá sản. Vì thế, nó sẽ kéo theo hệ quả thất nghiệp như là nguyên nhân của sự lan tràn các tệ nạn xã hội. Thứ hai, toàn cầu hóa chỉ ra một cách rõ ràng sự lạc hậu của năng lực một dân tộc, năng lực doanh nghiệp và năng lực cá nhân. Hơn bất kỳ lúc nào, người ta sẽ phải đánh giá một cách sâu sắc về "tính có thể mua bán được" của những giá trị lao động của mình. Thứ ba, toàn cầu hóa cũng sẽ yêu cầu các quốc gia phải giải bài toán đánh đổi tăng trưởng về kinh tế với tính ổn định của chính trị và xã hội bởi nó thổi vào các quốc gia những luồng tư duy mới rất có thể gây ra những xáo trộn tạm thời.
Cũng tương tự như vậy, chúng ta phải nhận thức lại vấn đề chênh lệch giàu nghèo. Xét về mặt xã hội học, chênh lệch giàu nghèo trở thành vấn đề xã hội thực sự và làm nảy sinh những vấn đề mang tính tâm lý tác động không tốt tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Điều này thể hiện qua việc xuất hiện và tồn tại tâm lý hằn học với sự giàu có, đố kỵ với những nhà kinh doanh, ác cảm với những người thành đạt không theo quan niệm truyền thống cũ. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta đổ lỗi cho kinh tế thị trường, cho toàn cầu hóa hoặc tự do thương mại, coi đó như là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, buôn lậu, và các hành vi trục lợi hoặc tạo ra ưu thế và lợi ích cho người giàu, hạn chế và làm thiệt hại đến quyền lợi của người nghèo và là nguyên nhân khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng. Tâm lý tiêu cực này nảy sinh trên cơ sở nhận thức không đúng đắn về chênh lệch giàu nghèo. Nhận thức lại vấn đề sẽ giúp chúng ta hình thành tâm lý xã hội đúng đắn và chỉ có như vậy mới đưa ra được những biện pháp phù hợp để xoá đói giảm nghèo tiến tới thu hẹp khoảng cách phát triển vốn là hố sâu ngăn cách giữa nhiều quốc gia, nhiều cộng đồng đang cùng sống chung dưới một mái nhà thế giới.
Chúng ta cần nhận thức chênh lệch giàu nghèo là hiện tượng tất yếu của xã hội. Chúng ta không thể xoá bỏ được chênh lệch giàu nghèo bởi nó thể hiện kết quả của chênh lệch năng lực tự nhiên giữa các cá thể. Điều chúng ta có thể làm được là nâng cao mức sống của người nghèo thông qua việc nâng cao năng lực của chính họ. Chỉ có trên cơ sở đổi mới quan điểm như vậy chúng ta mới xây dựng được một tâm lý xã hội tích cực đối với vấn đề chênh lệch giàu nghèo. Đây cũng chính là tiền đề để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Chúng ta cũng cần đặt lại vấn đề về mối liên quan giữa chênh lệch giàu nghèo với toàn cầu hóa và kinh tế thị trường. Toàn cầu hoá, một lần nữa xin được nhấn mạnh, chưa bao giờ làm người ta nghèo đói hơn, mà chỉ làm cho vấn đề nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo được ý thức một cách rõ ràng và đầy đủ hơn mà thôi. Cũng như vậy, kinh tế thị trường không phải là nguyên nhân của chênh lệch giàu nghèo, trái lại, những điều kiện này giúp người ta ý thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về sự nghèo đói. Còn hơn thế nữa, người giàu, trong chừng mực nào đó, còn là tấm gương, sự giàu có còn là mục tiêu để những người nghèo phải nỗ lực vươn lên. Sẽ hoàn toàn không quá đáng nếu chúng ta nói rằng toàn cầu hoá, kinh tế thị trường là cơ may để các dân tộc đang phát triển thoát khỏi nghèo đói.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng