Những sai lầm trên quy mô hệ thống

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:43 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008
Kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng cấu thành toàn bộ nền kinh tế. Nhiều quốc gia mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của hình thức kinh tế này và tích cực phát triển nó như một công cụ hiệu quả để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên đã có thời không ít người, đặc biệt là các nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô Viết lên án kinh tế tư nhân và chủ trương xoá bỏ nó. Họ coi kinh tế tư nhân là trở ngại chủ yếu cho việc xây dựng xã hội mới, nhưng thực tế đã minh chứng ngược lại, trong khi chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết sụp đổ thì kinh tế tư nhân lại phát triển không ngừng và càng ngày càng thể hiện ưu thế và sức mạnh to lớn của nó. Hiện tượng lịch sử trên cho thấy, kinh tế tư nhân không chỉ liên quan đến sự thành bại của một quốc gia mà nó còn có tác động rất quan trọng tới tiến trình phát triển của toàn nhân loại.

Nhưng kinh tế tư nhân không chỉ là bài học lịch sử, nghiên cứu về kinh tế tư nhân sẽ không chỉ nhằm giải thích hiện tượng lịch sử quan trọng như sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, mà quan trọng hơn nhận thức được con đường đi tới tương lai của các nước xã hội chủ nghĩa nói riêng và thế giới thứ ba nói chung.

Thể chế kinh tế quyết định chế độ xã hội hay là sự tuyệt đối hóa vai trò của sở hữu

Vì sao chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô Viết sụp đổ? Đó là câu hỏi lớn cần có lời giải đáp. Ngày nay trong chúng ta có quá nhiều học giả mắc căn bệnh "mặc nhiên thừa nhận". Khi mô hình Liên Xô áp dụng tràn lan, họ coi những vấn đề lý luận của mô hình này như một thứ khuôn vàng thước ngọc để tuân thủ, rập khuôn vô điều kiện, nhưng khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ họ né tránh hoặc làm ngơ và cũng "thừa nhận mặc nhiên". Chúng ta ai cũng có thể phạm sai lầm nhưng nhìn thẳng vào sự thật là thái độ chân chính của người làm khoa học. Chúng ta cần đi sâu phân tích để thấy được bản chất của sự thật lịch sử này, những phân tích của chúng ta không nhằm mục đích kết tội hay lên án bất kỳ ai mà điều quan trọng là chúng ta có được một cơ sở lý luận đúng đắn để xử lý những vấn đề mà cuộc sống hiện tại đang đặt ra trước mắt.

Chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô sụp đổ vì nền kinh tế kế hoạch tập trung của nó đã thất bại trong cạnh tranh với nền kinh tế thị trường. Cần thấy rằng nền kinh tế kế hoạch như một tòa lâu đài được xây dựng trên nền móng là thể chế kinh tế xã hội chủ nghĩa, cụ thể là chế độ sở hữu nhà nước và chế độ sở hữu tập thể. Chính đây mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho kinh tế xã hội chủ nghĩa không năng động và kém hiệu quả. Thậm chí hy vọng về sự bình đẳng cho con người thông qua hình thức "phân phối theo lao động" do chế độ công hữu tạo ra cũng chỉ là ảo tưởng. Trên thực tế phương thức phân phối theo lao động bị bóp méo và hoàn toàn không có khả năng kích thích trở lại sản xuất.

Sai lầm về mặt lý luận của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô Viết là tuyệt đối hóa vai trò của sở hữu. Người ta mặc nhiên thừa nhận một lý thuyết cho rằng thể chế kinh tế quyết định thể chế xã hội. Lý thuyết này dẫn đến một kết luận hiển nhiên: kinh tế tư nhân là cơ sở của chủ nghĩa tư bản, bởi vậy nó không có chỗ đứng trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Lý thuyết này cho rằng chế độ sở hữu nhà nước là cơ sở của chủ nghĩa xã hội, vì vậy, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải loại trừ kinh tế tư nhân ra khỏi mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Bị chi phối bởi quan điểm thể chế kinh tế quyết định chế độ xã hội, trong một thời kỳ dài nền kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng theo định hướng xoá bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất tức loại bỏ kinh tế tư nhân. Người ta cho rằng xoá bỏ thể chế kinh tế cũ, tức xoá bỏ kinh tế tư nhân, xây dựng kinh tế tập thể và nhà nước dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất thì sẽ có một xã hội tiến bộ hơn. Nhưng thực tế đã đưa ra lời giải đáp khác, sai lầm của những hành động theo lối duy ý chí tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Cần nhớ rằng hình thức sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân về tư liệu sản xuất đã đan xen nhau trong lịch sử. Nhầm tưởng rằng thể chế kinh tế sẽ quyết định chế độ xã hội như người ta mong muốn đã dẫn đến cưỡng ép sự phát triển. Xã hội sẽ và chỉ phát triển theo hướng tự nhiên của nó. Các hình thức sở hữu sẽ vẫn tồn tại đan xen nhau trong tương lai lâu dài như nó từng tồn tại trong quá khứ. Điều quan trọng hơn để xét một xã hội này tiến bộ hơn một xã hội khác không phải là thể chế kinh tế, tức hình thức sở hữu, mà chính là tính hiệu quả của guồng máy kinh tế.

Nhận thức lại về sản xuất và sở hữu tư nhân trong nền kinh tế hiện đại

Một trong những sai lầm lớn nhất của lý thuyết kinh tế theo mô hình chủ nghĩa xã hội Xô Viết là ở chỗ nó chỉ phân tích phiến diện quá trình sản xuất. Nền tảng của đời sống hay mặt thực tế của cuộc sống chính là kinh tế. Nếu như chỉ để ý đến một khâu mặc dù rất quan trọng của quá trình hoạt động kinh tế là sản xuất thì sẽ vấp phải một sự phiến diện, một sự đơn giản hóa cực kỳ nghiêm trọng. Bởi vì cuộc sống không chỉ có sản xuất, nền kinh tế không chỉ có sản xuất. Sản xuất là một khâu của quá trình kinh tế; đôi lúc, có thể nói là khâu trung tâm của các hoạt động kinh tế. Trước khi đi vào phân tích khâu sản xuất chúng ta cần đi sâu phân tích nhu cầu. Nếu không có nhu cầu thì không có sản xuất. Khi con người được giải phóng ra khỏi những nhu cầu đơn giản của đời sống vật chất thì sản xuất là quá trình phục vụ đời sống với những nhu cầu ngày càng phong phú. Có lẽ những yếu tố của nền kinh tế hàng hoá, cách thức lưu thông phân phối, tín dụng theo phong cách mới của xã hội tư bản tỏ ra ưu việt hơn hẳn những gì diễn ra trong chế độ phong kiến đã gây ấn tượng mạnh và làm các nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội có cách nhìn thiên lệch về khâu sản xuất; họ đã cố gắng phân tích cấu trúc xã hội liên quan đến khâu sản xuất và phạm phải sai lầm đơn giản hóa tất cả các yếu tố khác mà lẽ ra cần đi sâu phân tích. Nhưng với tư cách là một nhà triết học, một nhà khoa học thì không thể chờ đợi thực tế lộ ra rồi mới phân tích. Các nhà khoa học cần phải có phẩm chất cực kỳ quan trọng là năng lực dự báo. Nhà khoa học có thể và cần phải phải dự báo về tương lai của các yếu tố tham gia vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội, đóng góp của nhà khoa học càng lớn khi họ dự báo được càng dài hạn và càng chính xác về tương lai của các yếu tố này. Đáng tiếc là các nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội kiểu cũ đã bị những ý chí chính trị chi phối làm mất đi sự sáng suốt khoa học.

Ngày nay, quá trình kinh tế trở nên phức tạp hơn nhiều, những nhân tố như tri thức, thông tin... đã trực tiếp tham gia vào các quá trình kinh tế và làm thay đổi về chất các quá trình này. Chính vì thế càng đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà lý luận phải tăng cường năng lực dự báo để đảm bảo tính khách quan và khoa học của nghiên cứu.

Cũng vậy, sở hữu là một trong những khái niệm mà nội dung của nó đang có nhiều biến đổi cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta dừng lại ở chỗ chỉ nghiên cứu khái niệm về tư liệu sản xuất không thôi thì hoàn toàn không đủ và có thể nói rằng chúng ta cũng phạm sai lầm. Nếu coi tư liệu sản xuất chỉ như yếu tố trung tâm của quá trình kinh tế thì chúng ta đã đơn giản hóa vấn đề. Khi chúng ta nghiên cứu về kinh tế, về sở hữu chúng ta không được xem sản xuất như quá trình trung tâm, quá trình chủ yếu, quyết định đến toàn bộ tiến trình phát triển. Khi đề cập đến quá trình sở hữu chúng ta cũng không được phép dừng lại ở khái niệm sở hữu về tư liệu sản xuất mang tính vật lý. Tư liệu sản xuất bản thân nó cũng là một thứ hàng hoá, được lưu chuyển từ đối tượng này đến đối tượng kia trong xã hội. Tư liệu sản xuất là một quá trình chứ không phải là một đối tượng hay một đại lượng tĩnh. Khi tư liệu sản xuất là kết quả của một quá trình thì nó xuất hiện ở mọi khâu, mọi chỗ, bản thân nó cũng là một đại lượng biến thiên. Vì thế, tuyệt đối hóa nó như là một đối tượng tĩnh để nghiên cứu và nghiên cứu sự lưu chuyển của nó thuần tuý về phương diện sở hữu thì cũng phạm phải sai lầm của căn bệnh đơn giản hoá.

Ngày nay vẫn chưa hết những nhà khoa học và chính trị vẫn băn khoăn về vai trò, ý nghĩa của hình thức sở hữu đối với sự phát triển của nhân loại. Họ chỉ chú ý đến cái vỏ hình thức của sở hữu, tức là nó thuộc về ai, tư nhân hay nhà nước rồi vội vàng kết luận này nọ về vai trò và tầm quan trọng của loại hình sở hữu đối với tiến trình phát triển của nhân loại. Thực ra vấn đề phức tạp hơn họ tưởng. Bản chất của sở hữu không phải nằm trong hình thức của sự sở hữu tức là hình thức tư nhân, tập thể hay nhà nước mà nằm ở nội dung bên trong của khái niệm này, đó là quy mô, tính đa dạng và khả năng linh hoạt của sở hữu.

Ngày nay sở hữu tư nhân đã phát triển lên một trình độ mới về chất, quy mô sở hữu của nhiều công ty ngày càng đồ sộ và nhiều công ty thậm chí tạo ra lượng tài sản có giá trị lớn hơn cả GDP của một số quốc gia. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, nhân loại càng ngày càng sáng tạo ra nhiều dạng thức sở hữu mới. Ngoài sở hữu tài sản hữu hình, người ta còn sở hữu những tài sản vô hình như các nhãn hiệu hàng hoá, bí quyết công nghệ và sở hữu cả không gian ảo trên mạng Internet và tài sản ảo là những bit thông tin đang tràn ngập trên mạng thông tin toàn cầu. Điều cuối cùng chúng ta cần xem xét là đặc tính linh hoạt của sở hữu. Sự chuyển đổi dạng thức và chuyển đổi chủ sở hữu ngày nay diễn ra cực kỳ linh hoạt. Chính đặc tính này góp phần tạo ra tính năng động của kinh tế hiện đại, đáp ứng với nhịp độ kinh doanh sôi động của thời hiện đại. Vì thế chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kết luận rằng chính quy mô, sự đa dạng và phong phú cũng như tính linh hoạt của sở hữu là kết quả của quá trình phát triển kinh tế và đến lượt nó tác động lại sự phát triển, đến tiến bộ xã hội của nhân loại mạnh mẽ hơn nhiều so với tác động của hình thức sở hữu như một số người nhầm tưởng.

Các nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội kiểu cũ đã không nhận thức được rằng chính trị phục vụ con người chứ con người không phải là đối tượng để phục vụ các quá trình, các tiến trình chính trị. Dùng các ý niệm, khái niệm, lý luận của đời sống chính trị để cưỡng bức, chống lại cho dù dưới hình thức có vẻ nhân ái nhất là cải tạo con người đều phạm phải những sai lầm có kết quả tai hại như nhau, đó là kìm hãm quá trình phát triển.

Sở hữu là một quan niệm xã hội, bao gồm các yếu tố thuộc về quan hệ xã hội. Sở hữu thể hiện hình thức quan hệ giữa con người với con người, sở hữu không chứa đựng ở trong nó đối tượng cụ thể. Điều cần lưu ý là nhiều người nhầm lẫn sở hữu như là những đối tượng vật lý. Sai lầm của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ không chỉ là tuyệt đối hóa khái niệm về sở hữu mà là sai lầm trong quan niệm về bản chất của sở hữu. Xuất phát từ phủ nhận sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, không nhận thức được giá trị của kinh tế tư nhân, chủ nghĩa xã hội kiểu cũ đã phạm phải sai lầm lớn nhất cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đây chính là sai lầm mang tính hệ thống và cũng là tiền đề dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ thống.

Kinh tế tư nhân là hình thức kinh tế tự nhiên của quá trình phát triển xã hội, tồn tại và phát triển ngoài ý muốn chủ quan của những nhà chính trị cho dù họ đại diện cho bất kỳ lực lượng xã hội nào hoặc nhân danh ai hoặc với mục đích nhân đạo hoặc cao cả đến đâu chăng nữa. Chừng nào con người còn cần đến kinh tế tư nhân như là một phương tiện hữu hiệu để xây dựng và kiến tạo cuộc sống của mình và đồng loại thì kinh tế tư nhân còn tồn tại như một hành trang của con người trong tiến trình đi tới tương lai. Chính những tình cảm nhân đạo chung chung hoặc những lý thuyết bình đẳng mơ hồ đã làm cho các nhà cách mạng nóng vội không nhận thức được các giá trị thực của kinh tế tư nhân. Tiến hành cưỡng ép chuyển đổi kinh tế tư nhân thành kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước là hành động dại dột từ bỏ một công cụ hữu ích để đổi lấy một công cụ kém khả dụng. Nhưng làm khoa học cần phải khách quan và tỉnh táo, chúng ta cần thoát khỏi những định kiến sai lầm cũng như những nhận thức bị tình cảm thiên lệch chi phối để nhận thức đúng các giá trị chân chính của hình thức kinh tế này.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: