Khủng hoảng kinh tế thế giới và những nhiệm vụ của năm 2009

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
10:41 CH @ Thứ Sáu - 09 Tháng Giêng, 2009

Hỏi:Phân tích về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng này vẫn chưa chạm đáy. Cả World Bank lẫn ADB đều dự đoán phải đến quý IV năm 2009, may ra tình hình kinh tế mới sáng sủa hơn. Ông nhận định thế nào về vấn đề này? Theo ông, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam đã chạm đáy chưa và ông dự báo thế nào về năm 2009?

Trả lời: Trong thời đại đã toàn cầu hoá ngày nay, không quốc gia nào có quyền nói về những hiện tượng phát triển của mình mà không quan tâm, không phân tích hiện tượng tương đương của thế giới. Phải nói rằng, cho đến phút này, giới học giả và chính phủ trên thế giới chưa hình dung được đầy đủ cơ cấu của hiện tượng khủng hoảng kinh tế. Chính phủ quan trọng nhất trên thế giới này là chính phủ Mỹ cũng chưa có một văn bản nào, chưa có một chương trình nào mô tả đầy đủ hiện tượng khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Cho nên, nói rằng nó đã đến đáy hay chưa đến đáy đều không thoả đáng, vì chưa ai chỉ ra được một cách khoa học bản chất của hiện tượng này. Mỗi người nói một tiếng nói, mỗi người tiếp cận một góc độ và góp thêm tư liệu để có thể giải thích về cấu trúc của hiện tượng khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, nhưng cũng chưa có ai tóm lược, tổng hợp, phân tích đầy đủ về hiện tượng này với tư cách một nhà khoa học hoặc với tư cách một chính phủ. Ví dụ như ở châu Âu, các chính phủ có một số bất đồng về cách thức tiếp cận hiện tượng khủng hoảng. Có những chính phủ lo quá cho chuyện thâm hụt ngân sách, có những chính phủ lo quá cho sự yếu đuối của thị trường nội địa, có những chính phủ lo quá đến vấn đề thất nghiệp. Các chính phủ đứng trên những vị trí khác nhau, những tình thế khác nhau và những đặc điểm khác nhau của mình mà giải thích hiện tượng khủng hoảng kinh tế thế giới một cách rất khác nhau, và do đó các giải pháp cho nó cũng được tiếp cận trên những khía cạnh rất khác nhau.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tất cả các khía cạnh khác nhau ấy chỉ là biểu hiện khác nhau của một hiện tượng, đó là hiện tượng khủng hoảng trên qui mô toàn cầu. Xưa nay thế giới vẫn nói về toàn cầu hoá thế này, thế khác, nhưng dường như thế giới cũng chưa hình dung ra toàn cầu hoá thực chất là gì. Nhà chính trị thì nói rằng toàn cầu hoá là sự phá vỡ các biên giới địa lý, phá vỡ chủ quyền quốc gia, quyền lực tuột khỏi tay chính phủ v.v…, tức là nói về mặt lý thuyết, nói có tính chất tuyên huấn thì nhiều chính phủ đã làm, nhưng hình dung nó và xây dựng chương trình đề kháng nó thì chưa. Các chính phủ tỏ ra rất thông minh trong việc lợi dụng nó, nhưng chưa đủ sâu sắc để hoạch định một hệ thống chính sách có khả năng chống đỡ khi có chuyện do nó gây ra. Cho nên, rất khó để có thể trả lời câu hỏi "Khủng hoảng kinh tế đã đến đáy chưa?" một cách có cơ sở khoa học. Tôi linh cảm rằng nó chưa tới đáy. Bởi vì suy ra cho cùng, khủng hoảng kinh tế thế giới có phải là sự mất mát tài sản của các nhà tài phiệt, của các hãng lớn trên thế giới hay không? Nếu cho rằng khủng hoảng kinh tế là sự mất mát tài sản của các đại gia trên thế giới thì chúng ta nghiên cứu kinh tế học là vô nghĩa. Chúng ta nghiên cứu kinh tế học để thông báo cho xã hội cũng như thông báo cho các chính phủ rằng, các chính sách kinh tế cần phải chiếu cố đến sự khủng hoảng trong đời sống thông thường của người dân. Nhiệm vụ của tất cả các chính phủ là bảo vệ, bảo hộ người dân chứ không phải các đại gia về kinh tế. Tất nhiên, các đại gia phá sản thì tan xí nghiệp, mà tan xí nghiệp thì mất việc và mất việc thì ảnh hưởng đến đời sống, nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ đến các đại gia thì chúng ta không hiểu hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến sự mất việc làm của người lao động thông thường mà không nghĩ đến các đại gia thì tức là chúng ta quên mất cái cỗ máy có tính chất động lực để xúc tiến sự phát triển kinh tế.

Tôi nghĩ rằng sớm hay muộn thì các quốc gia, thậm chí cả Liên hợp quốc sẽ phải nhảy vào cuộc như là một liên minh toàn cầu để giải thích hiện tượng này và có các chính sách tương đối đồng bộ để giải quyết. Hiện nay mới chỉ có một nhóm các nước phát triển nghĩ tới chuyện ấy, còn các khu vực còn lại thì chưa, hay nói cách khác là thế giới chưa có tiếng nói chung về tai họa. Tai họa hiện nay vẫn được giải thích với tư cách của những kẻ tham gia quá trình cạnh tranh toàn cầu chứ chưa phải là sự cứu hộ của cộng đồng toàn cầu đối với tai họa này. Những bài báo trên thế giới phân tích về chuyện này cho thấy các quốc gia, các nhà khoa học chỉ mới giải thích nó như là sự mất mát sức cạnh tranh của các nền kinh tế, mà chưa phân tích được sự khủng hoảng của đời sống, của xã hội trong toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ diễn ra như thế nào. Phải nói rằng, nếu không nói rõ vấn đề này thì chúng ta không phân tích được hiện tượng khủng hoảng kinh tế hiện nay, mà nếu có phân tích được thì chính phủ cũng cảm thấy chúng ta công kích chính phủ chứ không phải hỗ trợ họ. Tức là, tất cả các chính phủ đều chỉ nhìn vấn đề này như một đơn vị tham gia quá trình cạnh tranh toàn cầu mà chưa nghĩ nó là một bộ phận hợp thành nền kinh tế toàn cầu. Cho nên, kinh tế thế giới năm 2008 là kết quả của một sai lầm có chất lượng hệ thống, một sự phân vân, một sự do dự, một sự tranh luận về vai trò của các nhà nước đối với nền kinh tế.

Người ta vẫn tranh luận xem trường phái tự do và trường phái bảo thủ về kinh tế cái nào đúng, cái nào sai mà quên mất rằng các lý thuyết như vậy chỉ có giá trị giới hạn trong những điều kiện xác định nào đó của kinh tế thế giới. Trong những giai đoạn kinh tế thế giới suy trầm, chính lý thuyết "Tân Tự do" về kinh tế là một trong những lý thuyết giải phóng một cách đại trà cái năng lực phát triển toàn cầu, và phải nói rằng nó có giá trị rất tích cực trong việc xúc tiến sự phát triển. Nhưng khi sự phát triển đã kéo dài đến mức các yếu tố cực đoan của nó được tích luỹ thì lý thuyết Keynes mới bắt đầu phát huy vai trò của nó, tức là phải xác lập lại vai trò của nhà nước trong việc điều hành nền kinh tế như thế nào. Như vậy, các lý thuyết đều có vai trò của nó trong mỗi một giai đoạn nhất định chứ không phải cái này đúng, cái kia sai một cách tuyệt đối. Nếu chúng ta phủ nhận lý thuyết kinh tế Tân Tự do thì chúng ta sẽ phạm phải một sai lầm căn bản là đến khi kinh tế thế giới suy trầm, chúng ta không biết kích động nó bằng phương pháp luận nào. Nhưng nếu chúng ta chỉ biết đến nó, thì khi nó trở nên thái quá, chúng ta sẽ không biết kiểm soát nó bằng cách nào. Những người ủng hộ trường phái can thiệp của Keynes thì vẫn cho rằng nhà nước luôn luôn có vai trò và nhà nước phải can thiệp, nếu nhà nước không có vai trò, không can thiệp là sai. Còn những người theo trường phái Tân Tự do thì nói rằng nhà nước không có vai trò gì và không nên can thiệp vào khu vực kinh tế.

Cả hai lý thuyết này đều đúng và đều sai trong những điều kiện khác nhau. Trong khi nền kinh tế phát triển một cách lành mạnh thì lý thuyết về Tân Tự do rất đúng, vì khi đó nhà nước trở thành cái ba lô trên lưng của nền kinh tế trong quá trình hành hương đến sự phát triển, nhưng trong quá trình xuống dốc thì nhà nước phải nhảy xuống đất để trở thành cái phanh, trở thành cái nêm để ngăn chặn sự suy thoái của nó. Vai trò của nhà nước là một trong những vấn đề lý thuyết quan trọng nhất để không chỉ đánh giá các lý thuyết kinh tế mà đánh giá một cách toàn diện cả lý thuyết về phát triển. Nhà nước luôn luôn có vai trò trong mọi sự phát triển cả kinh tế, cả chính trị, cả xã hội. Biến nhà nước trở thành một thành tố ổn định, thành tố duy nhất đúng cho sự phát triển là sai, nhưng loại bỏ hẳn vai trò của nhà nước trong những trạng thái khủng hoảng của xã hội thì cũng sai. Phải nói rằng, giai đoạn cuối thế kỷ XX là giai đoạn của sự tranh luận bất tận của hai trường phái thông thái nhưng không đầy đủ. Tôi cho rằng, một cách khái quát, nhà nước luôn có vai trò, nhưng vai trò của nhà nước với tư cách là kẻ ngăn chặn sự cực đoan hoá các quá trình phát triển, chứ không phải là lãnh đạo sự phát triển. Nhà nước lãnh đạo sự phát triển, nhà nước biến thành yếu tố động lực thường xuyên của quá trình phát triển thì sai, nhưng nhà nước luôn luôn là yếu tố để cứu hộ xã hội khỏi sự thái quá của quá trình phát triển thì tôi nghĩ luôn luôn đúng. Cho nên, có thể kết luận là quá trình trước 2009 là quá trình vận hành nền kinh tế thế giới một cách tích cực, nhưng không đầy đủ ở giai đoạn tột cùng của sự phát triển của chu kỳ này. Từ 2009 trở đi, nhà nước phải nhảy vào cuộc như một người cứu hộ có chất lượng chính trị, có chất lượng kinh tế, có chất lượng xã hội. Và sự có mặt của nhà nước trong giai đoạn này càng ngắn bao nhiêu thì hạnh phúc càng đến sớm với nhân loại bấy nhiêu. Không nên kéo dài vai trò của nhà nước trong đời sống kinh tế một cách quá lâu. Nó chỉ nên có trong khủng hoảng, nếu nó tiếp tục có mặt sau khủng hoảng thì nó sẽ là một thảm họa lớn đối với phát triển kinh tế.

Còn Việt Nam chúng ta thì sao? Việt Nam thực ra là một quốc gia mới ra phố, mới trưởng thành, chúng ta cũng chưa có sự tranh luận nào, chưa có tiếng nói nào. Cũng có một vài người được học ở phương Tây về nói, nhưng đó không phải là những tiếng nói có tính chất chính thống, có tính chất quyết định trong quá trình điều hành xã hội. Trước năm 2009, các nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà khoa học về điều hành xã hội không có tiếng nói chính thống, không có địa vị xã hội trong việc hình thành các tư tưởng điều hành vĩ mô đời sống xã hội. Đấy là lỗi lầm lớn nhất của chúng ta. Chúng ta hội nhập nhưng chúng ta không huy động các bộ não tham gia vào quá trình hình thành cái kho trí tuệ của xã hội. Hay nói cách khác là chúng ta hội nhập với tư cách đi theo và không có trí tuệ chủ động khi tham gia vào quá trình toàn cầu hoá. Năm 2009 chúng ta phải khắc phục hiện tượng này, và đời sống chính trị của giai đoạn từ 2009 trở đi cần phải huy động được sự tham gia một cách chính thống, có địa vị, thậm chí có quyền lực của các lực lượng trí tuệ.

Trong một bài phân tích về khủng hoảng kinh tế thế giới, tôi đã nói rằng bản chất của khủng hoảng kinh tế thế giới là sự lộng hành của các yếu tố tri thức trong nền kinh tế. Nếu chúng ta không huy động được một trí tuệ tương đương thì chúng ta không đủ năng lực để ngăn chặn, chống đỡ và giải phóng đời sống xã hội ra khỏi sự lộng hành của các yếu tố tri thức trong một nền kinh tế mà mọi chính phủ đều không kiểm soát được.

Liệu có phải là chúng ta không có những trí thức, những chuyên gia có thể phân tích các hiện tượng thế giới và Việt Nam không? Tôi khẳng định là không. Chúng ta có thừa khả năng để đưa ra các phân tích, thậm chí đưa ra các dự báo. Dự báo là 80% nghĩa vụ của các chính phủ, vì thế cho nên, việc huy động và tạo không gian chính đáng về chính trị cho các lực lượng trí thức đủ để họ phân tích, dự báo và đề kháng tất cả các yếu tố tri thức lộng hành trong nền kinh tế của thế giới là việc mà chính phủ phải làm. Tất nhiên, khi huy động một lực lượng trí thức đông đảo với những quan điểm khác nhau, trình độ khác nhau, quyền lợi khác nhau như vậy thì sẽ tạo ra một tình trạng hỗn loạn âm thanh có chất lượng tư vấn, do đó, Thủ tướng chính phủ phải cócấp dưới để giúp phân loại và lựa chọn các lý giải khác nhau. Sự phân loại này không nhằm để chống, cũng không phải nhằm để phân cấp sai đúng hay hơn kém, sự phân loại chính là việc sắp xếp các dụng cụ một cách ngăn nắp để vào mỗi một thời điểm khác nhau, trước những đòi hỏi khác nhau của cuộc sống, chúng ta có thể dễ dàng lấy ra những loại dụng cụ thích hợp. Trong đời sống xã hội, có những tình huống đòi hỏi chúng ta phải sử dụng những dự báo, phân tích có tính chất bảo thủ, nhưng cũng có những tình huống khác lại đòi hỏi phải sử dụng những dự báo, phân tích có tính chất lạc quan. Trong trạng thái suy trầm thì những dự báo và phân tích có tính chất lạc quan là rất cần thiết, nhưng trong trạng thái thái quá thì những dự báo và phân tích có tính chất bảo thủ mới là cần thiết. Nói tóm lại, các vị thuốc khác nhau của dàn giao hưởng các biện pháp để chống trả lại sự lộng hành của các yếu tố không tích cực của nền kinh tế thế giới đòi hỏi chính phủ không phải chỉ có một loại chuyên gia mà buộc phải dự phòng nhiều loại chuyên gia. Khi chúng ta phải giải quyết những vấn đề cụ thể thì chúng ta rất cần những chuyên gia chiến thuật. Nhưng lúc cần dự báo một cách tổng thể, tạo ra sự cân đối tổng thể thì những chuyên gia chiến lược là vô cùng cần thiết. Và chúng ta phải biết kết hợp hai loại chuyên gia như thế. Cho nên, tôi nghĩ rằng chính phủ không nên có thái độ kỳ thị với bất kỳ loại chuyên gia nào, mà chính phủ phải biết sắp xếp các công cụ có tính chất chuyên gia ấy vào những ô khác nhau để lựa chọn công cụ thích hợp vào những thời điểm khác nhau, vào những nhiệm vụ khác nhau và phối hợp chúng với nhau. Đấy là thông điệp 2009 của tôi.

Hỏi: Hiện nay chúng ta vẫn đang bàn về các biện pháp chống khủng hoảng và vẫn chưa xác định được đâu là biện pháp thích hợp. Trước tháng 3, chúng ta đưa ra 8 gói giải pháp, đến tháng 6 chúng ta vẫn tiếp tục cho rằng kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một, còn bây giờ là kích cầu để chống thiểu phát. Trong một cuộc hội thảo ngày hôm qua về vấn đề này, các chuyên gia vẫn tiếp tục bàn cãi, nhiều người thì cho rằng năm 2009 phải ưu tiên chống giảm phát, thiểu phát, nhưng cũng có nhiều ý kiến cảnh báo nguy cơ lạm phát sẽ rất cao. Theo ông, giải pháp nào là thích hợp trong tình hình hiện nay?

Trả lời: Chúng ta vẫn cho rằng giảm phát, lạm phát là những trạng thái thống nhất trong toàn bộ cơ cấu của một nền kinh tế, tất cả cái sai của chúng ta là ở chỗ đấy. Ở trong cơ cấu của một nền kinh tế, tại mỗi một thời điểm, có khu vực thì giảm phát và có khu vực thì lạm phát. Cho nên, điều hành vĩ mô một nền kinh tế không phải là mô tả nền kinh tế ấy như một hiện tượng thống nhất ở mọi khu vực. Tôi lấy ví dụ, khi thị trường chứng khoán dâng lên thì đấy là sự tăng trưởng hay sự phát triển với tốc độ chóng mặt của các đại công ty, nhưng nó là sự giảm phát của khu vực kinh tế vừa và nhỏ, khu vực tư nhân.

Nghiên cứu hiện tượng giảm phát hay lạm phát không phải là nghiên cứu cái định nghĩa của nó, mà nghiên cứu sự xuất hiện của nó trong từng bộ phận, trong từng khu vực khác nhau của một nền kinh tế. Không có giải pháp chung cho một nền kinh tế mà có giải pháp cho những khu vực khác nhau của nền kinh tế. Tôi gọi hiện tượng khủng hoảng kinh tế Việt Nam là hiện tượng xung huyết cục bộ. Cho nên, chúng ta chữa căn bệnh kinh tế Việt Nam không phải bằng một tuyên ngôn kinh tế mà bằng một chương trình cụ thể, vừa chính xác về thời gian, vừa chính xác về không gian và có những tác động khác nhau, hỗ trợ nhau trên từng khía cạnh cũng như từng vấn đề của đời sống kinh tế. Chúng ta hay có hiện tượng cãi nhau lấy được là tôi đúng, anh sai. Tôi cho rằng không nên xem ai đúng, ai sai một cách triệt để cả, nhất là ở địa vị của cao nhất chính phủ. Người ta nhìn vào khu vực này và đưa ra những phân tích, dự báo cho khu vực này thì có thể dự báo ấy sai so với khu vực khác. Nhưng cả cái sai và cái đúng ấy theo con mắt của một người không quan trọng bằng việc sử dụng một cách hợp lý các lý giải khác nhau cho những khu vực khác nhau và những thời điểm khác nhau. Tôi cho rằng, vẫn tồn tại cả nguy cơ lạm phát và nguy cơ giảm phát ở Việt Nam. Nguy cơ giảm phát của nền kinh tế Việt Nam xuất hiện trong khu vực kinh doanh vừa và nhỏ từ trước khi lạm phát xuất hiện, lạm phát chỉ là kẻ xúc tiến, làm tăng trưởng một cách không kiểm soát được hiện tượng giảm phát ở khu vực vừa và nhỏ cũng như khu vực kinh tế tư nhân mà thôi.

Hỏi:Như vậy có nghĩa là chính phủ phải thừa nhận nhiều sai sót trong dự báo và bài học rút ra là chúng ta phải điều hoà được tất cả các vị thuốc?

Trả lời: Đúng thế. Tuy nhiên, ở đây tôi nghĩ vấn đề không phải là chúng ta thừa nhận hay không thừa nhận. Chúng ta cũng không nên chỉ trích chính phủ một cách vô cảm và vô cảm với chính phủ. Như thế là không công bằng.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta mới gia nhập quá trình toàn cầu hoá một cách chính thức được gần 2 năm, chúng ta thiếu kinh nghiệm là việc giải thích được. Và do đó, cái không giải thích được không phải là cái sai mà là không nhận ra cái sai của mình và không rút kinh nghiệm. Nếu chính phủ nhận ra cái sai thì tôi là người đầu tiên cảm thấy vui. Những việc như thế không khó, nếu nhận ra đấy là nghĩa vụ của mình thì ai cũng làm được. Trên thế giới không phải chỉ có một mình người Việt Nam làm việc ấy.

Dự báo là gì? Về thực chất, dự báo là kết quả phân tích thông tin và rút ra các kết luận. Thông tin về khí tượng thì tạo ra dự báo về khí tượng, thông tin kinh tế sẽ tạo ra dự báo kinh tế. Vì chúng ta chưa ý thức được chúng ta là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, cho nên chúng ta cảm thấy rằng dự báo như một chức năng có tính chất bói toán của người Việt. Không phải. Thế giới có thông tin, chúng ta phân tích nó thì chúng ta sẽ tạo ra dự báo. Và thế giới cũng có cả những dự báo nữa. Những dự báo của các khu vực khác nhau của nền kinh tế thế giới tạo ra tư liệu hay nguyên liệu cho quá trình dự báo của Việt Nam. Và ngược lại, khi người ta dự báo về Hoa Kỳ thì dự báo của Việt Nam là tư liệu. Hay nói cách khác, dự báo của mỗi quốc gia là tư liệu để tạo ra dự báo của các quốc gia khác trong quá trình toàn cầu hoá. Vì thế, chúng ta phải cung cấp một dự báo nghiêm túc như là một bộ phận của hệ thống thông tin dự báo toàn cầu. Chúng ta có nghĩa vụ toàn cầu việc dự báo chứ không phải chúng ta chỉ sử dụng dự báo toàn cầu để dự báo cho chúng ta. Và chúng ta sẽ có uy tín khi những dự báo của Việt Nam trở thành tư liệu tốt để đưa ra những dự báo khác trên thế giới. Còn nếu chúng ta không có dự báo tốt, chúng ta không chủ động có những dự báo của mình thì chúng ta không đóng góp nghĩa vụ dự báo của một thành tố tham gia vào quá trình toàn cầu hoá. Trong Bộ tham mưu kinh tế của chính phủ có nhiều chức năng, có nhiều vị tham mưu trưởng khác nhau, nhưng tham mưu trưởng về dự báo thuộc về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, nếu chúng ta nói đến nội các như là tập hợp những cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những khía cạnh khác nhau của đời sống điều hành vĩ mô. Nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra được những dự báo tốt của Việt Nam thì chính là cách thức để khẳng định uy tín của chính phủ chúng ta. Để tăng uy tín của Việt Nam, chúng ta phải sử dụng cái kho trí tuệ của xã hội, phải sử dụng các thông tin của thế giới để làm tốt dự báo của chúng ta, và thế giới sẽ sử dụng dự báo của chúng ta để làm tốt cho dự báo của thế giới. Đấy chính là ý kiến của tôi về vấn đề điều hành vĩ mô.

Hỏi: Vừa rồi, chính phủ cũng có nhiều biện pháp hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khu vực tư nhân, đặc biệt là người nông dân, nhưng dường như sự hỗ trợ này cũng chưa được rõ ràng. Theo ông, các khu vực kinh tế của chúng ta cần phải được hỗ trợ như thế nào trong tình hình hiện nay?

Trả lời: Câu hỏi mà bạn vừa đặt ra có liên quan đến một vấn đề căn bản, đó là địa vị của các nền kinh tế cụ thể trong nền kinh tế thế giới là như thế nào? Nếu các nền kinh tế cụ thể trở thành những yếu tố vãng lai thuần tuý đối với nền kinh tế thế giới thì toàn bộ lý thuyết về phát triển là sai. Các nền kinh tế vẫn phải giữ địa vị độc lập của nó, vì khi chúng ta hội nhập, khi chúng ta tham gia vào quá trình toàn cầu hoá thì không có nghĩa là toàn thể dân tộc, toàn thể các bộ phận của nền kinh tế đều tham gia. Những người ra trận bao giờ cũng phải có hậu phương. Trong kinh tế cũng vậy, những bộ phận hậu phương của một nền kinh tế cần phải được xây dựng bởi một lý thuyết nghiêm chỉnh và ổn định hơn. Kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp tiêu dùng, kinh tế công nghiệp xuất khẩu... tất cả những cái đó đều phải được phân loại, và chúng ta phải xác lập được nghĩa vụ của mỗi một khu vực kinh tế như vậy đối với quá trình hội nhập. Chúng ta vẫn đưa ra những dự báo về chuyện Tân tổng thống Obama sẽ quay về trạng thái bảo hộ hay là vẫn tiếp tục duy trì xúc tiến các quan hệ quốc tế, đấy là những dự báo hẹp và không đúng, vì bản chất của quá trình toàn cầu hoá là có cả việc anh tự khẳng định mình ở trong nhà lẫn việc anh tự khẳng định mình trong cái chợ chung của thế giới. Anh không thể đem tất cả tài sản trong nhà ra chợ được, cho nên, củng cố nền kinh tế bản thể như một yếu tố độc lập với tất cả các biến động, các khủng hoảng là việc phải làm. Khủng hoảng chỉ ảnh hưởng đến các yếu tố xuất khẩu, các yếu tố tiên phong, các yếu tố ra trận của nền kinh tế thôi. Cho nên, xây dựng nền kinh tế Việt Nam phải là kết quả của việc xây dựng hai nền kinh tế mà thực chất là hai bộ phận của nền kinh tế quốc dân. Nền kinh tế tiên phong là nền kinh tế tham gia vào quá trình toàn cầu, còn nền kinh tế bản thể là nền kinh tế giúp anh tồn tại cho dù bão tố ở ngoài chợ diễn ra như thế nào. Cái nền kinh tế bản thể ấy chính là nền kinh tế có chất lượng bảo hiểm đời sống xã hội, là nền kinh tế tối thiểu cần phải có, hay là sự độc lập với các hiện tượng quốc tế cần phải có của một nền kinh tế.

Cho nên, không nên tranh cãi là chúng ta sẽ bảo hộ hay chúng ta sẽ tiếp tục cấp tiến để tham gia toàn cầu hoá. Càng toàn cầu hoá bao nhiêu thì yêu cầu phải củng cố nền kinh tế bản thể càng lớn bấy nhiêu, bởi vì nếu tỷ trọng của nền kinh tế bản thể không đủ nặng thì quá trình toàn cầu hoá sẽ hút tuột nền kinh tế của chúng ta, làm chúng ta biến mất trong vòng xoáy của nền kinh tế toàn cầu. Hiện tượng khủng hoảng kinh tế vừa rồi của thế giới chính là hiện tượng mà các nền kinh tế bản thể bị hút, bị nhổ rễ ra khỏi cái lợi ích của những con người cư trú trong các vùng lãnh thổ.

Có người nói rằng cần phải đầu tư, cần phải phát triển khu vực kinh tế vừa và nhỏ, có người bảo cần phải đầu tư vào các công ty lớn, cần phải có các tập đoàn kinh tế lớn thì mới đủ sức cạnh tranh, và họ mất rất nhiều thời gian và công sức cho những cuộc bàn cãi như thế. Tôi cho rằng những tranh cãi như vậy là vô ích. Cả hai yếu tố ấy đều rất cần cho quá trình phát triển của một nền kinh tế chung, nền kinh tế quốc dân. Nếu không xây dựng được cơ sở xã hội của nền kinh tế bản thể thì không có ổn định chính trị. Khu vực vừa và nhỏ và khu vực tư nhân thuộc về nền kinh tế bản thể, nó phải được chăm sóc kỹ lưỡng hơn bởi một đảng chính trị có tiêu chuẩn là chăm sóc nhân dân lao động, mà chăm sóc nhân dân lao động chính là việc củng cố nền kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế vừa và nhỏ. Còn việc phát triển Việt nam thành một quốc gia tiên tiến, có những lực lượng có năng lực cạnh tranh toàn cầu lại là việc khác, việc xây dựng các tập đoàn, các công ty lớn. Tuy nhiên, cần thấy rằng việc xây dựng các tập đoàn nhà nước không tạo ra sự ổn định chính trị. Nếu xét về quan điểm chính trị thì các tập đoàn nhà nước chỉ tạo ra năng lực xung đột chính trị chứ không phải là ổn định chính trị. Còn xét theo quan điểm phát triển toàn cầu, thì các tập đoàn hay các công ty lớn có thể giữ một vai trò nào đấy, nhưng chất lượng các đòi hỏi đối với nó phải khác chứ không phải như hiện nay. Hiện nay chúng ta đang có một thực thể nhìn ngoài giống như một chàng trai khoẻ mạnh, cường tráng, nhưng sức khoẻ sinh sản thì không có, cho nên vô tình nó trở thành một kẻ lừa đảo trong quá trình toàn cầu hoá. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải có sự cân đối, mà trước hết là cân đối chính trị trong sự chú ý đến hai khu vực này. Chúng ta phải nhận thức một cách chính xác nghĩa vụ chính trị của hai khu vực này rồi mới hoạch định chính sách điều hành vĩ mô được. Về bản chất, điều hành vĩ mô là anh phát triển tới ngưỡng không mất ổn định, hay anh xác lập được ranh giới giữa ổn định và phát triển. Còn phát triển bằng mọi giá, tăng trưởng bằng mọi giá thì không phải là điều hành vĩ mô, bởi vì cứ thả ra là nó sẽ phát triển. Thả ra thì từ bê tông cho đến đất đá đều trở thành bụi hết, vì bản chất của sự phát triển, của toàn cầu hoá là làm bụi hoá những vật thể cứng khu trú trong các quốc gia, biến chúng thành năng lượng chung để tham gia vào quá trình toàn cầu. Nói tóm lại, để ra khỏi khủng hoảng, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải dựa trên việc xây dựng và cân đối giữa nền kinh tế bản thể với nền kinh tế phát triển.

Hỏi: Theo ông, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn gì và họ cần được hỗ trợ như thế nào?

Trả lời: Tôi thấy có một nguy cơ có thật mà mọi người rất ngại nói đến, anh Lê Đăng Doanh, một nhà hoạt động xã hội rất dũng cảm, cũng đã có lần nhắc đến nguy cơ này, đó là nguy cơ của hàng hoá Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, các xí nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần được hướng dẫn bởi một chiến lược sắc sảo hơn thì mới tồn tại được.

Hiện nay chúng ta bàn về chuyện hỗ trợ khu vực kinh tế vừa và nhỏ như là một cách tranh giành quyền lợi chứ chưa phải là bàn đến việc kê đơn thuốc nào để làm cho nó khoẻ mạnh. Tôi đã viết về vấn đề này cách đây 7 năm, trong một bài viết đã được đưa vào quyển "Suy tưởng". Trong đó, tôi phân tích chúng ta sống cạnh nước CHND Trung Hoa là sống cạnh một nền kinh tế khổng lồ như thế nào. Việc chúng ta sống cạnh Trung Quốc cũng giống như Nhà xuất bản Hội nhà văn sống cạnh Nhà xuất bản Longman vậy. Một quyển sách được xuất bản với số lượng 300.000 - 400.000 bản và một quyển sách được xuất bản với số lượng 3000 bản sẽ có giá thành rất khác nhau. Cùng sản xuất một loại hàng hoá thì nền kinh tế Việt Nam vĩnh viễn không cạnh tranh được với nền kinh tế của Trung Quốc. Cho nên, toàn bộ nghệ thuật để tồn tại bên cạnh Trung Quốc là tìm những cái họ không làm được để làm. Chúng ta phải xây dựng chương trình hay chính sách phát triển công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam để tránh sản xuất những mặt hàng giống về chất lượng hoặc giống về công dụng đối với hàng hoá của nước Trung Quốc. Đấy không phải là chính sách để đối phó với Trung Quốc, mà là chính sách để chung sống hoà bình với họ. Bởi khi chúng ta không va chạm trong quá trình cạnh tranh về kinh tế trên những mặt hàng cụ thể thì về thực chất chúng ta mới thoả mãn được nguyên tắc chung sống hoà bình. Những kẻ cạnh tranh trực tiếp trên một đối tượng không thể chung sống hoà bình với nhau được. Cho nên, để chung sống một cách hoà bình thì không phải chúng ta chỉ nói khẩu hiệu mà cần phải nghiên cứu một chương trình phát triển công nghiệp sao cho không trùng với họ. Nhiều khi chúng ta vẫn xem nguy cơ hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào nhiều quá như là một phát hiện có tính chất đối địch, quan niệm ấy là sai. Chúng ta không đối đầu với Trung Quốc, mà chúng ta muốn thực hiện sự không đối đầu ấy thì chúng ta phải sản xuất khác họ. Tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ thị trường, người Mỹ hay người Trung Quốc cũng đều phải làm nghĩa vụ thị trường và họ bán hàng sang nước chúng ta là đương nhiên. Nếu chúng ta có hàng hoá chất lượng hơn, có hàng hoá cao cấp hơn với giá cả cạnh tranh hơn thì chúng ta sẽ cạnh tranh được. Muốn vậy chúng ta phải đi tìm các lỗ hổng thị trường của các loại sản phẩm, tìm xem chỗ nào không có nó hoặc chỗ nào nó không thể có, tức là chúng ta phải làm công tác tình báo kinh tế. Để có được thông tin phục vụ cho việc tổ chức ra cấu trúc của nền sản xuất hàng hoá Việt Nam, chúng ta cần phải xây dựng hệ thống tình báo kinh tế đối với nền kinh tế Trung Quốc. Đấy là một nhiệm vụ có chất lượng chiến lược. Xây dựng hệ thống tình báo kinh tế không có nghĩa là chúng ta đối đầu với Trung Quốc. Nhiều khi chúng ta làm công tác an ninh, làm công tác về chiến tranh lâu quá, cho nên chúng ta cứ nghĩ tình báo kinh tế là một loại hoạt động gián điệp, nhưng không phải như vậy. Tình báo kinh tế chính là anh nắm được, mô tả được chính xác các đối tượng kinh tế khác để có thể chen chân được một cách hợp lý và đỡ tốn kém vào thị trường.

Hỏi:Vậy cụ thể là nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào?

Trả lời: Rất đơn giản. Khi chúng ta đã tìm ra một lớp hàng hoá mới để khuyến khích sản xuất thì chúng ta phải có đầu tư ban đầu. Đầu tư ban đầu đối với các hàng hoá có triển vọng cạnh tranh, có năng lực cạnh tranh trong tương lai chính là đất mà chính phủ có thể sử dụng chính sách kích cầu. Hiện nay, chúng ta vẫn bàn cãi về chính sách kích cầu theo hướng này, hướng khác, có người còn bảo rằng phải thay nhà chất lượng cao bằng nhà chất lượng vừa phải, những chuyện ấy không có giá trị gì về mặt lý thuyết cả. Tôi lấy ví dụ, bây giờ các nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện các dự án bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam, được tôi cho anh làm, nhưng anh phải bỏ tiền ra làm, anh không được huy động vốn ở trong lãnh thổ Việt Nam. Tất nhiên, cuối cùng thì những dự án bất động sản ấy cũng thu tiền của người Việt Nam, nhưng từ khi họ làm cho đến khi họ bán được là một khoảng thời gian đủ để các đồng vốn Việt Nam luân chuyển đến các bộ phận có nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân. Dường như, không ai để ý đến chuyện ấy cả. Thậm chí để bảo vệ ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài, nhiều khi chúng ta còn che chắn cho nó nữa. Những che chắn như vậy không phải là vì chúng ta muốn làm hại đất nước mà phải nói thẳng là vì chúng ta muốn bảo vệ mình. Đôi khi, vì bảo vệ mình mà chúng ta vô tình trở thành người che chắn cho các đối tượng bên ngoài mà không biết. Nếu làm như tôi vừa phân tích ở trên thì tự nhiên nhịp độ đầu tư bất động sản sẽ giảm xuống ngay. Bởi vì thực chất các dự án đầu tư vào bất động sản làm gì có tiền thật. Đầu heo nhà có sẵn, nồi có sẵn, gạo có sẵn, anh chỉ mang bao diêm châm lửa vào bếp rồi bảo đấy là đầu tư nước ngoài. Khi các dự án bất động sản được thực hiện theo kiểu như vậy thì tức là nền tài chính Việt Nam bị hút về phía ấy. Với tình trạng huy động vốn khó khăn như hiện nay thì trả thêm một chút, móc ngoặc thêm một chút, khuyến mại thêm một chút để hút vốn về là không khó gì đối với một đối tượng có tiềm năng như các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, vô tình họ đã rút ruột nền tài chính Việt Nam, làm cho các khu vực của nền kinh tế bản thể không có năng lượng để hoạt động. Chúng ta khuyến khích các đại công ty, các tập đoàn liên minh với người nước ngoài để làm đầu tư nước ngoài, nhưng chúng ta cũng vẫn quên mất rằng ngay cả khi các công ty Việt Nam tham gia vào đấy như một đối tác thật sự thì cũng vẫn là hút vốn của xã hội và làm mất máu ở các khu vực cần phải nuôi sống. Cho nên, tôi gọi hiện tượng khủng hoảng ở Việt Nam là hiện tượng xung huyết cục bộ là vì thế.

Hỏi: Vừa rồi có một số ý kiến cho rằng nên kích cầu vào khu vực bất động sản và chứng khoán, bởi vì hai thị trường ấy đóng băng lâu quá rồi. Ý kiến của ông thế nào về chuyện này?

Trả lời: Tôi cho rằng lúc này kích cầu vào bất động sản, kích cầu vào chứng khoán là vô lý, bởi vì chúng ta chưa tạo ra được một cái kênh để thông tiền từ thị trường chứng khoán ra thị trường phát triển công nghiệp. Thị trường chứng khoán chỉ có giá trị khi nào nó là nơi gọi vốn của các dự án công nghiệp. Chừng nào nó không phải là nơi gọi vốn của các dự án công nghiệp thì nó không có giá trị tích cực, và trên thực tế chúng ta đã thấy thế giới trở nên khủng hoảng vì chuyện ấy như thế nào. Bất động sản và chứng khoán là những quả mìn đối với bất kỳ nền kinh tế nào, kể cả nền kinh tế số một thế giới là Hoa Kỳ. Chúng ta chỉ kích cầu vào chứng khoán 6 tháng là nền kinh tế Việt Nam lạm phát. Chúng ta chỉ kích cầu vào khu vực bất động sản một thời gian ngắn là toàn bộ nền kinh tế Việt Nam giảm phát. Nếu chứng khoán là nguồn gốc của lạm phát thì bất động sản là nguồn gốc của giảm phát, bởi vì nó đóng băng tiền vốn vào trong bê tông. Thị trường Việt Nam, người lao động Việt Nam, người dân Việt Nam chưa đủ tiền để xem bất động sản là hàng hoá. Nếu không có sự dễ dãi, sự thông đồng giữa các ngân hàng với các đại công ty thì trên thực tế không có thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản là thị trường đầu cơ bằng tiền rút ra thông qua các ngân hàng. Bất động sản và chứng khoán tạo ra hiện tượng xung huyết cục bộ của bất kỳ nền kinh tế nào. Những người kiếm lời từ chứng khoán không phải là nhà đầu tư như người ta nói. Trên thực tế họ vô tình không phải là nhà đầu tư, vì nếu là nhà đầu tư thật thì họ phải biết được tiền ấy được đầu tư vào dự án nào, dự án ấy có triển vọng gì. Anh chỉ trở thành nhà đầu tư một cách có ý thức khi nào anh biết rõ rằng tiền mà anh mua cổ phiếu được đầu tư vào dự án nào hoặc là ngành công nghiệp nào. Nói tóm lại, khi nào thị trường chứng khoán chưa phải là thị trường gọi vốn cho những mục tiêu phát triển công nghiệp thì nó không phải là thị trường chứng khoán có đạo đức, mà nó là thị trường đầu cơ.

Tôi đã có một bài nói về vấn đề này, trong đó tôi nói rằng cần phải kiểm soát chất lượng hàng hoá của thị trường chứng khoán, nhưng chúng ta đã không làm. Thị trường chứng khoán là gì? Là nơi gặp gỡ giữa ý tưởng kinh doanh và tiền. Tức là nơi gọi vốn cho những ý tưởng kinh doanh, hoặc là nơi bán những ý tưởng kinh doanh đã được đầu tư rồi, và giải phóng vốn ra. Như vậy thì anh phải kiểm toán để kiểm soát chất lượng của hàng hoá. Chất lượng của hàng hoá đã hình thành rồi thì tài sản của nó là bao nhiêu, đầu tư thật bao nhiêu, giá trị ảo của nó là bao nhiêu. Nếu không kiểm toán thì không ai xác định được giá trị của xí nghiệp mà anh đem bán. Còn đối với các hàng hoá ở dạng ý tưởng kinh doanh thì anh phải thẩm định xem ý tưởng kinh doanh ấy có triển vọng không. Cả hai loại hàng hoá này đều không được kiểm định giá trị, cho nên nó biến thị trường trở thành thị trường lừa đảo. Và sự lừa đảo này không phải chỉ làm cho cá nhân người mua mất tiền, mà nó còn giam đồng tiền vào trong khu vực ấy, dẫn đến sự không có mặt của tiền bạc ở những khu vực cần phát triển khác. Cho nên, thị trường chứng khoán trở thành khu vực xung huyết cục bộ. Ngày mai, nếu chính phủ bỏ phiếu kích cầu cho khu vực bất động sản và chứng khoán thì tức là ngày mai xã hội sẽ quyết định xem mình còn tin chính phủ nữa hay không.

Hỏi: Năm 2009, Việt Nam sẽ bắt đầu mở cửa thị trường bán lẻ, có nhiều ý kiến lo ngại rằng các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Ông nhận định thế nào về số phận của những doanh nghiệp này?

Trả lời: Vừa rồi, khi báo Sinh viên phỏng vấn tôi về vấn đề này, tôi đã trả lời rằng: còn lâu lắm các công ty Việt Nam mới có thể cạnh tranh với các công ty của thế giới, nhưng chúng ta không buồn và không thất vọng về chuyện ấy. Bởi vì, nếu chúng ta thua trong sự cạnh tranh của các công ty Việt Nam với các công ty thế giới thì không có nghĩa là người Việt Nam thua trong cạnh tranh. Chúng ta chưa đủ năng lực để xây dựng những công ty có thể cạnh tranh với các công ty của thế giới thì chúng ta phải xây dựng năng lực cạnh tranh của người Việt. Người Việt Nam hoàn toàn có thể thắng trong quá trình cạnh tranh toàn cầu với tư cách là người lao động. Tôi đã đưa ra một ví dụ phân tích, chúng ta chưa có một bệnh viện nào có chất lượng quốc tế, nhưng trong các bệnh viện có chất lượng quốc tế ở Việt Nam hoặc ở nhiều nước trên thế giới thì đã có các bác sỹ Việt Nam. Vậy, khi chúng ta chưa có khả năng cạnh tranh thành công với tư cách là một bệnh viện thì chúng ta hãy cạnh tranh một cách thành công với tư cách là các bác sỹ. Khi chúng ta có đủ lượng bác sỹ đủ tiêu chuẩn để cạnh tranh quốc tế thì sẽ xuất hiện các yếu tố tập hợp các bác sỹ để trở thành một bệnh viện. Cho nên chúng ta đừng đốt cháy giai đoạn, đừng sốt ruột. Cái gì chín thì nó sẽ chín. Chúng ta phải thành công trong việc biến người Việt Nam thành người những lao động có năng lực cạnh tranh trước đã. Đến những năm 50 của thế kỷ này mà người Việt Nam làm được việc ấy thì đã đáng tạc tượng các nhà lãnh đạo của chúng ta rồi. Chúng ta phải làm thế nào để những người lao động Việt Nam có năng lực cạnh tranh một cách thành công trong quá trình toàn cầu hoá với tư cách là một cá thể. Khi nào chưa có yếu tố ấy thì chúng ta chưa thể hy vọng có các công ty thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, chúng ta sẽ chỉ có những kẻ huy động năng lực xã hội để nướng vào các sòng bạc của thế giới mà thôi. Khi mà người lao động chưa có năng lực cạnh tranh, xã hội chưa tham gia cạnh tranh với tư cách của những người lao động cá thể thì mọi công ty chỉ là những kẻ phiêu lưu ở sòng bạc thế giới mà thôi, và chúng ta đi từ chết cho đến bị thương trong những sự phiêu lưu như vậy. Cho nên, khi chúng ta mở cửa cho các công ty bán lẻ nước ngoài vào thì chính phủ cần phải nghĩ đến chuyện mở ngay các lớp huấn luyện những người bán hàng. Bởi vì, nếu như chúng ta có một đội ngũ những người bán hàng chuyên nghiệp thì các công ty bán hàng chuyên nghiệp sẽ đến Việt Nam, họ sẽ đỡ chính phủ chúng ta trong việc đầu tư để tổ chức các công ty bán lẻ. Vừa rồi, tôi có nghe tin chính phủ Cannada đã bỏ ra 3 tỷ đô la để cứu hộ các xí nghiệp ô tô mà về mặt pháp lý là chi nhánh của hãng GM và Chrysler, như vậy là họ cứu hộ các xí nghiệp công nghiệp trên lãnh thổ của họ chứ không phải cứu hộ các công ty Hoa Kỳ hay chính phủ Hoa Kỳ. Chúng ta buộc phải xem tất cả những lực lượng làm kinh tế có mặt trên lãnh thổ Việt Nam là lực lượng kinh tế Việt Nam. Rất nhiều người đã biết rõ chuyện này, nhưng không phải tất cả xã hội đều biết. Rất nhiều người tiên tiến trong giới lãnh đạo của chúng ta biết, nhưng không phải toàn bộ hệ thống lãnh đạo của chúng ta đều biết. Hỗ trợ các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nó tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam chính là cứu hộ nền kinh tế Việt Nam.

Hỏi:Theo ông, thế mạnh của người dân Việt Nam để Việt Nam có thể bứt phá lên là gì?

Trả lời: Chúng ta có một ưu thế rất quan trọng là người Việt Nam rất thông minh. Trong bản chất của họ đã hình thành năng lực cạnh tranh với nhau để tạo ra sự xuất sắc của mỗi một cá thể. Cho nên, phát triển năng lực lao động của người Việt là điểm quan trọng nhất để phát triển Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Tôi xin kể một ví dụ. Chính phủ Áo bỏ ra hàng tỷ đô la để xây dựng một toà nhà mà bây giờ là trụ sở của Liên hợp Quốc ở châu Âu và cho các cơ quan Liên hợp Quốc thuê lại với giá tượng trưng là 1 đô la/năm. Ai cũng tưởng chính phủ Áo làm từ thiện, làm nghĩa vụ quốc tế, nhưng trên thực tế đã có hàng trăm ngàn người Áo làm việc trong toà nhà đó. Tức là chính phủ Áo đã bỏ tiền ra để giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người Áo, và nếu xét theo quan điểm cho thuê nhà thì tiền cho thuê sẽ ít hơn nhiều so với tiền thuế thu nhập cá nhân từ những người có công ăn việc làm trong các tổ chức của Liên hợp Quốc ở Viên. Khi tôi nói chuyện với tiến sĩ Mayer, chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Viên vào đầu những năm 90, tôi được nghe ông ấy kể câu chuyện này. Trong giai đoạn từ giờ cho đến những năm 50 của thế kỷ này, chúng ta không được nhầm lẫn giữa việc các công ty Việt Nam thua trong sự cạnh tranh toàn cầu với việc thua của người lao động Việt Nam. Chúng ta chưa thắng được bằng các công ty thì chúng ta hãy làm thế nào đó để thắng bằng người lao động đã. Và do đó, chúng ta cần phải có một chính sách giáo dục phù hợp với mục tiêu như vậy, tức là giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của cá nhân người Việt. Về mặt chính trị, những người lao động muốn sáng tạo thì phải có một chút tự do phù hợp. Vậy hãy cung cấp cho người lao động Việt Nam hai thứ để họ có thể trở thành người lao động có sức cạnh tranh: một chút tự do cần thiết và một chương trình giáo dục và đào tạo thích hợp. Khi nào chúng ta làm xong việc ấy rồi thì các bạn có thể đến phỏng vấn tôi là làm thế nào để các công ty Việt Nam có sức cạnh tranh, còn bây giờ thì nó chưa có.

Xin cảm ơn ông!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa

    18/04/2004Nguyễn Trần BạtMỗi một dân tộc đều tranh luận với các dân tộc khác về hệ thống giá trị, về định nghĩa con người của mình mà không dịch chuyển đến cái ngưỡng của nó. Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, trên thế giới xuất hiện một trào lưu mới, một hiện tượng văn hóa mới và rộng lớn, đó là hiện tượng toàn cầu hoá. Hiện tượng này đã phá vỡ từng mảng một sự cát cứ về tinh thần trên toàn thế giới...
  • Bình luận về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2008

    13/11/2008PV Vietnamnet phỏng vấn ông Nguyễn Trần BạtNước Mỹ là một vấn đề của thế giới, nó ảnh hưởng một cách trực tiếp, một cách sống còn trước hết đến nền kinh tế thế giới và sau đó là ảnh hưởng đến các khuynh hướng chính trị của thế giới. Đấy là một thực tế khách quan, bất chấp việc chúng ta thích hay không thích nước Mỹ, thích hay không thích tổng thống mới của nước Mỹ thì chúng ta cũng buộc phải nghiên cứu chuyện này.