Tốc độ đổi mới của thế giới hiện đại

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
09:12 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008
Thay đổi nhanh chóng và không ngừng là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của thế giới hiện đại. Con người trong thời đại mới buộc phải không ngừng vận động để thích nghi với các thực thể khác.

Ưu điểm cũng là nhược điểm của thời đại hiện nay của chúng ta là sự nhanh, nhạy của thông tin. Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông làm tăng khả năng con người tiếp nhận thông tin, chính vì thế gia tăng áp lực cạnh tranh để phát triển.

Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập thương mại toàn cầu diễn ra sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế và thương mại, và các hoạt động này đang và sẽ tiếp tục quy định tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia bất kể giàu nghèo. Lợi nhuận lớn nhất của toàn cầu hóa sẽ được tạo ra từ các quốc gia và các tập đoàn kinh tế khi họ tiếp cận và áp dụng những công nghệ mới. Xu hướng này sẽ tăng nhanh, kéo theo sự phổ biến công nghệ ngày càng nhanh và rộng trên phạm vi toàn cầu, mặc dù cuộc cách mạng công nghệ đang từng bước phát triển sẽ không mang lại lợi ích ngang nhau cho mọi người.

Có thể nói, tốc độ phát triển của thế giới đang được đo bằng thước đo dựa trên những yếu tố hiện thực của các quốc gia phát triển, và do đó, thay đổi để thích nghi là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng không thể trốn tránh của các nước đang và kém phát triển. Trong một môi trường vừa hợp tác vừa cạnh tranh sâu sắc, nếu một dân tộc có năng lực cạnh tranh kém sẽ ngày càng ít cơ hội để phát triển. Như vậy, đồng thời với các cơ hội được mở ra, toàn cầu hóa cũng tạo ra mâu thuẫn gay gắt giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển trong quá trình mở cửa, hội nhập.

Thời đại của chúng ta hiện nay là thời đại của hội nhập và toàn cầu hoá, cũng có nghĩa là thời đại của đối thoại và hợp tác. Toàn cầu hóa là hiện tượng lan toả bởi sức mạnh tự do của các luồng tài chính, các luồng lao động, các luồng hàng hoá. Sự dịch chuyển một cách tự do của tất cả các nguồn lực như vậy chính là nội dung cơ bản của toàn cầu hoá. Do đó, để hợp tác và tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa với tư thế chủ động, các nước thế giới thứ ba không có con đường nào khác buộc phải mở cửa đất nước để tiếp nhận các nguồn lực kinh tế xã hội chung của nhân loại và gia nhập dòng chảy chung của tiến trình phát triển. Tóm lại, các nước này phải có những năng lực mới đáp ứng những yêu cầu của thời đại mới.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: