Xây dựng hệ tiêu chuẩn cải cách
Tất cả các cuộc cải cách đều có tiêu chuẩn và mục tiêu của nó. Các cuộc cải cách đều nhằm vào sự phát triển, nhưng mục tiêu cuối cùng chính là tự do vì chỉ có tự do mới đem lại sự phát triển thực sự. Thước đo sự thành công của các cuộc cải cách, do đó, chính là mức độ giải phóng con người, sự tiệm cận tới tự do của con người. Đó cũng chính là tiêu chuẩn để hoạch định, tiến hành và đánh giá tính đúng đắn của các cuộc cải cách hay chính là tiêu chuẩn cải cách.
Nếu so sánh với những thước đo hiện nay dùng để đo sự thành công của các chương trình cải cách hay phát triển, chẳng hạn như chỉ số tăng trưởng và chỉ số xoá đói giảm nghèo, thì tiêu chuẩn giải phóng con người và tiệm cận tới tự do không thể đo được theo cách thông thường như vậy. Cách đánh giá cải cách bằng thành công của sự tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo, là cách xem con người như một cái gì đó bên dưới người đánh giá, thấp hơn người đánh giá. Người ta quan sát các hiện tượng ấy như là các hiện tượng bên ngoài họ. Với tư cách là một con người, tôi không xem cách đánh giá như vậy là đúng đắn và nhân văn. Tôi không xem rằng trên thế giới này lại có một tập hợp con người đứng trên các con người khác để đánh giá. Các nước thế giới thứ ba không thể bị coi là các lớp học để chịu sự hướng dẫn và đánh giá của các chuyên gia quốc tế. Các quốc gia này có nghĩa vụ và cần phải có năng lực tự đánh giá sự phát triển của chính mình, và các tổ chức quốc tế cần tham khảo sự đánh giá của họ. Cần phải tránh cả hai khuynh hướng là các nước phát triển chi các khoản ODA hoàn toàn dựa theo tiêu chuẩn đánh giá của họ, trong khi chính phủ các nước nhận tài trợ coi sự liên minh với các tổ chức quốc tế để xin được tài trợ là thành tựu chính trị trước nhân dân của mình. Đó là một cách không bao giờ có thể dẫn các nước thế giới thứ ba ra khỏi sự chậm phát triển được. Khi nào nhân dân chưa được giải phóng thì không thể tạo ra sự phát triển mà biểu hiện đầu tiên khi nhân dân được giải phóng chính là nhân dân ý thức được nghĩa vụ xã hội của mình. Nếu bản thân mỗi xã hội không tự đánh giá được các giá trị chính trị, kinh tế và xã hội của chính mình thì xã hội đó không thể phát triển được.
Tôi cho rằng không nên và cũng không thể đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể cho các cuộc cải cách, bởi các tiêu chuẩn luôn luôn phải biến động theo đòi hỏi của cuộc sống. Việc ấn định các tiêu chuẩn cụ thể và cứng nhắc chính là quan liêu hóa. Một trong những quá trình quan trọng nhất của nhân loại là quá trình tiệm cận đến tự do, do vậy, chúng ta không buộc tự do bằng những sợi chỉ con con của những kinh nghiệm thông thường. Tiêu chuẩn hóa tự do thì phải bằng con đường tự do nhất, tức là không đưa ra các tiêu chuẩn. Sự phát triển dân trí của xã hội sẽ làm cho con người ý thức được giá trị hay kích thước của tự do. Tự do chính là năng lực nhận thức được không gian phát triển của mỗi một xã hội, và nhân dân càng ý thức được các quyền tự do bao nhiêu, càng mở rộng được các quyền tự do của mình bao nhiêu, càng tuân thủ các cam kết của mình đối với xã hội bao nhiêu thì càng thể hiện ý thức về tự do của xã hội bấy nhiêu.
Mặc dù không có một hệ tiêu chuẩn cụ thể cho cải cách nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn phải định hướng cách thức xây dựng chúng. Như ở trên đã nói, tự do là nền tảng cho sự đồng nhất giữa tiêu chuẩn và mục tiêu của các cuộc cải cách. Mục tiêu của cải cách chính là hướng tới tự do. Mục tiêu của cải cách kinh tế là tự do hóa kinh tế. Tự do hóa kinh tế được thể hiện ở hai mục tiêu: xây dựng một thể chế kinh tế tự do và xây dựng môi trường vi mô để phát triển một cách tự do các lực lượng kinh tế. Về chính trị, phải xây dựng một thể chế dân chủ, tức là một thể chế mà tự do được bảo vệ bằng các thể chế. Nhà nước dân chủ là công cụ để bảo vệ các quyền tự do, nhà nước tự bảo vệ mình là nhà nước độc tài, là nhà nước lạc hậu về chính trị. Nhà nước mà tự bảo vệ mình chính là sự lộng hành mang tính chính trị, đó là sự lộng hành chính trị. Nhà nước là công cụ của xã hội để bảo vệ các quyền tự do của xã hội. Các quyền tự do của xã hội là thể hiện sự cam kết của các thành viên của xã hội đối với không gian chính trị được lựa chọn. Còn cải cách văn hóa là xây dựng một nền văn hóa cởi mở, xây dựng một xã hội đa dạng về đời sống tinh thần. Chúng ta phải xây dựng tự do theo các tiêu chuẩn văn hóa tức là xã hội chấp nhận tự do chứ không phải nhà nước chấp nhận tự do. Hay nói cách khác, tự do về chính trị là kết quả của hai cuộc cải cách, cải cách chính trị và cải cách văn hoá. Nếu xã hội không xem tự do như một quyền, như một khát vọng có chất lượng văn hoá, có chất lượng tự nhiên thì tự do ấy không ổn định, mà tự do ấy hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ hay sự tiến bộ của nhà cầm quyền.
Do tập hợp các giá trị nhận thức xã hội của mỗi quốc gia là khác nhau, nên việc định hướng cách thức xây dựng hệ tiêu chuẩn theo những nguyên lý ở trên không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với các nước thế giới thứ ba. Mặc dù vậy, các nước này vẫn phải tự thiết kế các chương trình cải cách, có nghĩa là họ phải chủ động thiết kế những chương trình riêng phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mình. Và điều này đòi hỏi năng lực nhận thức của những người hoạch định cải cách về hệ tiêu chuẩn hay mục tiêu cải cách. Mỗi dân tộc cần có một thể chế và lực lượng các nhà lãnh đạo sáng suốt, vì việc định lượng những tiêu chuẩn ấy lệ thuộc một cách chủ quan vào nhận thức của các nhà lãnh đạo. Rõ ràng, để xây dựng được một hệ tiêu chuẩn cải cách đúng đắn đòi hỏi phải có công nghệ xây dựng tiêu chuẩn cải cách, tức là đòi hỏi phải xây dựng một thể chế có khả năng xác định một cách đúng đắn tiêu chuẩn của các cuộc cải cách.
Tuy nhiên, không thể định hướng việc xây dựng tiêu chuẩn cải cách nếu không có khái niệm cơ bản về chúng. Tiêu chuẩn cải cách chính là tập hợp các giá trị nhận thức của xã hội về tiêu chuẩn phát triển hay ý thức về các giá trị tự do. Chúng ta cần phải xây dựng thể chế để tạo ra được những tiêu chuẩn có tính chất như thế. Đó là thể chế nhận thức của xã hội về những đòi hỏi của cuộc sống và chính nó gây sức ép đối với nhà cầm quyền để có các cuộc cải cách. Việc gây sức ép trực tiếp lên nhà cầm quyền để tạo ra sự cởi mở của họ trong các cuộc cải cách sẽ không dễ dàng và ít hiệu quả so với việc tạo ra hiệu quả thực tế bằng cách thức tỉnh nhân dân. Sự thức tỉnh của nhân dân sẽ tác động vào toàn bộ hệ thống chính trị và ý thức của nhà cầm quyền. Một tiến trình cải cách khi bắt đầu có thể không được hỗ trợ bởi một thể chế trọn vẹn, nhưng ít nhất nó phải được bắt đầu từ nhận thức về tiêu chuẩn phát triển. Các nước thế giới thứ ba cần phải biết học hỏi, tập hợp các tiêu chuẩn cải cách ở bên ngoài thành hệ tiêu chuẩn phát triển, hệ tiêu chuẩn cải cách cho riêng mình có tính đến những đặc điểm và hoàn cảnh cụ thể của mình. Như vậy, việc "vay mượn" các tiêu chuẩn để chủ động xây dựng chương trình cải cách và phát triển có thể là lối thoát để các nước kém phát triển thiết kế các chương trình cải cách của mình. Âm nhạc có 7 nốt và 5 dòng kẻ nhưng mỗi người sử dụng một cách khác. Thiên tài của Mozart hay Beethoven được tạo ra từ bản sắc âm nhạc của họ chứ không phải từ 7 nốt nhạc và 5 dòng kẻ, nhưng nếu không có 7 nốt nhạc và 5 dòng kẻ thì người ta không có thước đo để tư duy.
Việc xác định tính đúng lúc của các chương trình cải cách cũng như tính đồng bộ về nội dung của mỗi cuộc cải cách phụ thuộc vào sự nhạy cảm, sự sáng suốt của lực lượng lãnh đạo các cuộc cải cách. ở đây, vấn đề ai sẽ là người thẩm định sự đúng đắn của các chương trình cải cách lại được đặt ra. Theo tôi, trong những nền dân chủ tương đối hoàn chỉnh, tính đúng đắn của các chương trình cải cách được thẩm định bởi xã hội, còn trong những nền dân chủ chưa hoàn chỉnh thì nó có thể được thẩm định bằng lực lượng tiên tiến của xã hội, tức là tầng lớp trí thức. Phải khẳng định là, chỉ có hệ thống cầm quyền, hay nói cách khác là chỉ có các nhà cầm quyền mới đủ điều kiện để tổ chức một cách chủ động các cuộc cải cách. Do đó, để việc hoạch định cải cách không chủ quan, các nhà cầm quyền cần thẩm định các chương trình cải cách của mình thông qua cả sự phản ứng và hưởng ứng của xã hội. Xã hội phản ứng trước hết thông qua lực lượng tiên tiến của mình, do đó, có thể khẳng định, lực lượng tiên tiến của xã hội, tức đội ngũ trí thức phải có nhiệm vụ thẩm định một cách minh bạch tính đúng đắn của các chương trình cải cách.
Cải cách trong thời đại ngày nay là để hội nhập vào hệ tiêu chuẩn phổ biến toàn cầu về kinh tế, chính trị và văn hóa. Các tiêu chuẩn ấy tồn tại bên ngoài mỗi cộng đồng nhưng lại tồn tại trong giao lưu giữa các cộng đồng. Các nước chậm tiến buộc phải cải cách mình, và trên thực tế họ cũng đang cố gắng để hội nhập vào cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, các nước thế giới thứ ba cần phải hiểu cải cách không phải là quá trình đánh đu với những gì mình không có hay đến những gì mình muốn, mà cải cách là quá trình dịch chuyển một cơ cấu xã hội từ trạng thái trì trệ đến một trạng thái khác tiến bộ hơn. Như vậy, cải cách không phải nhằm thỏa mãn các ý muốn hay đòi hỏi xác lập một trạng thái mà xã hội không được chuẩn bị.
Như vậy, tính đúng đắn của mỗi một cuộc cải cách không những phụ thuộc vào sự thông minh, độ nhạy bén và sáng suốt của các nhà chính trị, những người thiết kế các chương trình cải cách mà còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức của xã hội. Các nước thế giới thứ ba cần nhận thức về tính đồng bộ của các cuộc cải cách để chủ động hoạch định và tiến hành thành công các chương trình cải cách.
Cải cách kinh tế, cải cách chính trị, cải cách văn hóa và cải cách giáo dục là bốn cuộc cải cách có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại nói chung và các nước thế giới thứ ba nói riêng. Các cuộc cải cách này liên quan mật thiết với nhau, có tác động bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách là giải pháp duy nhất đúng nhằm nâng cao tính hiệu quả và tính triệt để của các cuộc cải cách. Các tiêu chuẩn cải cách được xác định bởi sự sáng suốt, nhạy cảm của các nhà lãnh đạo và đội ngũ trí thức. Cơ chế dân chủ sẽ tạo ra sự đồng thuận của xã hội trong việc đảm bảo tính đồng bộ và chất lượng của các cuộc cải cách hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng