Lộng hành
Những gì đã và đang xảy ra trên thực tế cho thấy nặng nề không kém so với hình thức nô lệ trước đây, thậm chí nếu xét về quy mô và ảnh hưởng là lớn hơn, vì tính chất của nó phức tạp và tinh vi hơn rất nhiều biến của một bộ phận lớn của nhân loại trong thế giới hiện đại.
Dưới đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét và phân tích về chúng. Những phân tích cho thấy những khuyết tật của đời sống hiện đại có thể có mặt bất cứ nơi nào nếu con người đánh mất tính chủ động đối với cuộc sống của chính mình, tức là chấp nhận cuộc sống bị áp đặt. Không thể phủ nhận rằng những khuyết tật này xuất hiện chủ yếu ở các quốc gia lạc hậu và phi dân chủ bởi đó là những nơi con người phải sống trong sự bủa vây của những giới hạn nhân tạo của tự do. Sự thiếu tự do là nguyên nhân dẫn đến những khuyết tật trong đời sống tinh thần của con người. Đã đến lúc các nước chậm phát triển phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề rằng họ là những dân tộc khu trú, lạc hậu, trạng thái tồn tại của họ là một trạng thái nô lệ hiện đại. Con người tồn tại lâu dài trong trạng thái nô lệ thì con người mất cân bằng, con người thoái hóa và đó là nguyên nhân gây ra sự khủng hoảng, sự bất ổn định và sự không phát triển.
- Xem »Khuyết tật 1. Sự tha hóa của cái Tôi
- Xem »Khuyết tật 2. Tham nhũng
- Xem »Khuyết tật 3. Bóc lột
- Xem »Khuyết tật 4. Lộng hành - khuyết tật lớn nhất của con người
Lộng hành - Khuyết tật lớn nhất của con người
Sự lộng hành của các khuynh hướng chính trị luôn ám ảnh nhân loại suốt từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Đầu tiên phải nói đến nỗi lo về sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản hoang dã đã tàn phá xã hội và con người. Từ những năm đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bắt đầu bóc lột con người hết sức dã man, sự bóc lột đó mang tính chất thể nghiệm. Tiếp đó là tính chất độc tài phi dân chủ của một số nhà nước hình thành từ sau phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa. Những nhà nước này đã áp đặt và thi hành những chính sách đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và mang đến những nỗi lo cho đời sống nhân loại. Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI này, chủ nghĩa khủng bố cũng là một biểu hiện của sự lộng hành, thao túng và phá nát sự tin cậy về năng lực hợp tác của nhân loại. Những dấu hiệu toàn cầu của các hiện tượng có tính chất lộng hành như vậy đến nay vẫn bám riết đời sống nhân loại. Nhân loại luôn luôn có những cảm giác bất an về chính cuộc sống của mình và những cảm giác bất an đó đều xuất phát từ các khuynh hướng lộng hành.
Tôi cho rằng, lộng hành chính là kết quả của việc một khuynh hướng chính trị, khuynh hướng tư tưởng, khuynh hướng văn hoá, khuynh hướng tôn giáo không được kiểm soát và không được cân bằng bởi những khuynh hướng khác. Tất cả các yếu tố đều có thể trở thành hiện tượng lộng hành. Lộng hành là khuyết tật bản chất và tự nhiên của đời sống nhân loại chứ không phải chỉ là khuyết tật chính trị hay khuyết tật của một vài nhà tư tưởng, một vài nhà chính trị hay một vài nhà nước. Vấn đề đặt ra là nhân loại không nhận ra rằng một trong những khía cạnh quan trọng của mọi sự phát triển là lộng hành. Con người phải ý thức về các khuyết tật mang tính bẩm sinh của đời sống nhân loại trong đó có sự lộng hành, và phải nghiên cứu những cách thức kiềm chế mang chất lượng toàn cầu đối với các khuynh hướng lộng hành. Trên thực tế, con người cũng đã cố gắng làm điều ấy nhưng vẫn chưa giải thích được một cách bản chất hiện tượng lộng hành. Ví dụ, con người đã thảo luận và ký kết Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế sự phá hoại đối với đời sống tự nhiên của con người. Tuy nhiên, tinh thần để xây dựng các văn kiện quốc tế như vậy lại dựa trên sự phân bố các quyền khai thác tự nhiên chứ không phải bắt đầu từ việc nói rõ về nguy cơ nhân loại sẽ bị chôn vùi bởi chính mình. Do vậy, con người cãi nhau về quyền lợi trong quá trình xây dựng các văn kiện để điều chỉnh toàn bộ quá trình ấy. Ngay cả những người thông thái như Samuel Huntington cũng chỉ nói đến sự va chạm và chiến thắng giữa các nền văn minh mà quên mất rằng, toàn bộ nhân loại là một nền văn minh với các điểm sáng, tối khác nhau trên địa chính trị toàn cầu.
Bài viết trích trong cuốn Tiểu luận mới "Cội nguồn cảm hứng" của tác giả Nguyễn Trần Bạt, NXB Hội nhà văn. "Khi đặt bút viết quyển sách này, tôi như con chim hót những tiếng hót được khích lệ bởi âm thanh tự do của các bậc tiền bối như John Locke, Baron de Montesquieu, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, John Stuart Mill... Những tiếng hót ấy còn mang âm hưởng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử lâu dài, quyết liệt trong việc giành tự do. Những tiếng hót ấy chất chứa tình yêu đối với con người và thân phận con người. Những tiếng hót ấy là sự trăn trở trong quá trình đi tìm những nhân tố ảnh hưởng đến đời sống con người và sự hình thành các giá trị con người. Tôi viết bằng cả tấm lòng của mình, bên ngoài mọi động cơ, kể cả động cơ hàn lâm..." |
Nghiên cứu hiện tượng lộng hành là nghiên cứu khuyết tật lớn nhất của nhân loại, nghiên cứu nguy cơ lớn nhất của nhân loại. Phải nói rằng, bản năng của con người là khao khát tự do. Lộng hành là một biểu hiện của sự nới rộng không gian tự do cho bản thân bằng cách chiếm đoạt tự do của người khác. Vì thế, lộng hành thể hiện sự hấp dẫn của tự do. Tâm lý của kẻ độc tài cũng là tâm lý yêu tự do nhưng là yêu tự do một cách thiếu cân bằng. Những nhân vật lịch sử như Ceasar hay Hitlle là những nhân vật tiêu cực của đời sống nhân loại, cần phải lên án những kẻ như thế. Nhưng cũng phải thấy là Hitlle và Ceasar chính là chỗ "bục" ra của căn bệnh tiềm ẩn trong đời sống nhân loại, đó là căn bệnh lộng hành. Nếu như không có sự "bục ra" đó thì nhân loại không nhận thức được mình có căn bệnh ấy và những bệnh khác nữa. Từ trước tới nay, con người chưa có những lý giải triết học một cách hoàn chỉnh về những vấn đề như thế, vì vậy đã đưa ra những giải pháp sai lầm. Người ta chỉ giải thích sự độc tài, sự tàn bạo của Hitlle là do khiếm khuyết của cá nhân con người Hitlle hay do sự mất cảnh giác của người Đức, chứ không giải thích đó là những khiếm khuyết của loài người. Chỉ khi hiểu hết được các khuyết tật của nhân loại, con người mới có đủ tỉnh táo để hạn chế được các nguy cơ trong tương lai với các hiện tượng tương tự.
Cần phải nghiên cứu hiện tượng lộng hành để thấy được nó tác động và phá hoại nhân cách của con người như thế nào. Sự lộng hành, trước hết, gây ra sự biến dạng tinh thần của con người. Hai biểu hiện cơ bản của hiện tượng này là: thứ nhất, con người không còn thích ứng tại chỗ với các tiến trình chính trị khác; thứ hai, con người không thể ra khỏi môi trường sống quen thuộc của mình bởi nó không thể tương thích với thế giới bên ngoài. Điều đó có nghĩa là con người thoái hoá năng lực tương thích với nhiều nền văn hoá một năng lực mang tính không gian và thời gian, không gian là từ quốc gia này tới quốc gia kia, nghĩa là hội nhập, còn thời gian chính là tương lai. Nền văn hoá của các tư tưởng tả khuynh đã làm đơn giản hoá con người đến mức tất cả mọi người đều giống nhau và rất khó trở thành nguyên liệu đầu vào của một tiến trình chính trị khác. Sự dị biệt của những dân tộc khép kín và định kiến làm cho họ rất khó trở thành nguyên liệu đầu vào của một tiến trình chính trị khác. Đó là tội ác của sự lộng hành của hệ tư tưởng đối với con người. Nó cũng cho thấy rủi ro lớn nhất của con người là trở thành phế phẩm của mọi quá trình chính trị.
Sự lộng hành biểu hiện dưới rất nhiều khía cạnh chứ không chỉ các khía cạnh tư tưởng. Sự lộng hành trong phát triển tạo ra sự phá hoại mang chất lượng hệ thống với quy mô toàn cầu về các vấn đề môi sinh và phá vỡ sự cân bằng tự nhiên. Đây là một trong những vấn đề toàn cầu quan trọng nhất hiện nay. Cần nghiên cứu sự lộng hành để thấy sự lộng hành không chỉ tác động và phá hoại nhân cách của con người mà đồng thời còn phá hoại tính cân bằng và sự hợp lý của tự nhiên. Nghiên cứu hiện tượng lộng hành là nghiên cứu hiện tượng mất cân bằng trên cả xã hội lẫn trong tự nhiên và nghiên cứu các giải pháp để cân bằng lại đời sống nhân loại trên cả hai khía cạnh đó.
Cần lưu ý rằng, sự lộng hành là sự mất cân bằng của đời sống, nhưng trong đó có sự mất cân bằng cần thiết ở một chừng mực và sự mất cân bằng rủi ro ở một chừng mực khác. Nghiên cứu sự lộng hành cũng đồng thời là nghiên cứu sự phát triển vì lộng hành làm mất tính cân bằng, mà thế giới chỉ phát triển trong sự mất cân bằng. Phát triển và lộng hành là hai yếu tố song song và ở một góc độ nào đó, lộng hành tạo tiền đề cho sự phát triển, nếu có sự cân bằng tuyệt đối thì không có sự phát triển. Thế giới phải vừa cân bằng và vừa phát triển, tức là sự cân bằng đó là cân bằng động. Nếu chúng ta thu xếp để thế giới tiến tới sự cân bằng bằng cách tiêu diệt toàn bộ mầm mống của sự lộng hành thì thế giới không phát triển vì nếu tính trội trong một cá nhân tạo ra giá trị của người đó thì tính trội trong cộng đồng nhân loại tạo ra sự phát triển. Tính trội của các yếu tố trong đời sống cân bằng toàn cầu cũng được thể hiện dưới hiện tượng lộng hành. Do vậy, một kế sách vừa có chất lượng triết học vừa có chất lượng chính trị là phải tổ chức thế giới trong một trật tự cân bằng động để không làm mất hết toàn bộ năng lực lộng hành của nhân loại mà chỉ hạn chế mặt thái quá, mặt cực đoan của nó để không dẫn đến sự trả giá đắt. Điều này có nghĩa là con người phải hiểu rằng cần phát triển để ổn định chứ không phải ổn định để phát triển.
Những sự lộng hành chủ yếu
Một điều dễ nhận thấy là hiện nay, ở nhiều quốc gia phi dân chủ và chậm phát triển, sự nghèo đói đang kìm kẹp cuộc sống con người khiến con người phải vất vả vật lộn chỉ để kiếm ăn. Chúng ta không thể không so sánh những con người chỉ còn da bọc xương ở châu Phi với những người phương Tây đang phải tìm cách giảm béo vì cuộc sống quá thừa thãi của mình. Không thể gọi những thân phận nghèo khổ này là con người theo đúng nghĩa. Các quốc gia ở châu Phi là những ví dụ với phần đông dân số là người da đen vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Nhưng trong khi những người dân phải sống cuộc sống dưới mức nghèo khổ thì nhiều nhà lãnh đạo của họ lại được hưởng những đặc quyền, đặc lợi và một cuộc sống xa hoa. Hình ảnh tương phản đó chính là biểu hiện sự lộng hành của nhà cầm quyền, nói đúng hơn là của một nhóm người mà năng lực, quyền lực của nó đã được thể chế hóa. Phải nói rằng, con người ở đó không còn đủ năng lực để nổi giận trước sự lộng hành của thể chế hay của nhà cầm quyền và đó là dấu hiệu quan trọng nhất thể hiện đấy không phải là con người. Mọi sự tác động để phá vỡ tình trạng này được gọi là một cuộc giải phóng con người. Tuy nhiên, thế giới không thể điềm nhiên đem quân đến giải phóng những con người này, không phải vì không làm được việc ấy hay không muốn làm việc ấy, mà vì một thực tế là việc ấy có thể đem lại những tác hại lớn hơn. Vì những con người đã thành người, chúng ta buộc phải thận trọng trong việc xử lý với những con người chưa thành người hoàn chỉnh này.
Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Nhìn nhận sâu hơn chúng ta sẽ thấy đó không đơn giản là sự lộng hành của một nhóm người. Một dân tộc không tự phát triển, tự bóp méo mình và trở thành dị biệt cũng là một khuynh hướng lộng hành, đó là sự lộng hành tiêu cực và khép kín hay sự lộng hành của một dân tộc không ý thức về trách nhiệm của mình đối với sự phát triển tổng thể của nhân loại. ở khía cạnh này, chúng ta thấy lộng hành không chỉ là khuyết tật của con người mà hơn thế nó đã phát triển những tính chất mới, mang tính thời đại. Chúng ta đều biết rằng cái gì cũng đều có ngưỡng của nó. Sự lộng hành của nhà cầm quyền tạo ra sự lộng hành của toàn xã hội, và nếu sự lộng hành diễn ra ở quy mô xã hội thì đến một lúc nào đó nó có thể làm sụp đổ xã hội.
Khủng bố cũng là một hiện tượng lộng hành gây nhức nhối cho nhân loại. Như chúng ta biết khi đời sống tinh thần, đời sống tự nhiên không cân bằng thì sẽ có dấu hiệu của sự lộng hành. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi Chiến tranh Lạnh qua đi, thế giới không còn đối đầu lưỡng cực mà trở thành một thế giới hỗn loạn, thì ngay cả sự hỗn loạn không đối đầu cũng đem lại sự phát triển nhanh chóng hơn. Hiện nay, thế giới đang dịch chuyển tới một sự cân bằng mới và chất lượng của sự cân bằng mà thế giới tạo ra trong những năm sắp tới sẽ quy định toàn bộ chất lượng của đời sống nhân loại. Sự dịch chuyển mới đã có những dấu hiệu tích cực như việc xuất hiện các cộng đồng: EU, ASEAN... tất cả đã phản ánh khuynh hướng tìm đến nhau của thế giới. Tuy nhiên, lại có những khuynh hướng rất tiêu cực như chủ nghĩa khủng bố.Về thực chất, chủ nghĩa khủng bố đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhưng sau sự kiện 11/9 thì nó đã trở thành một khuynh hướng tiêu cực hàng đầu của thế giới hiện đại. Hiện nay, những vùng đất xuất hiện nhiều lực lượng khủng bố là nơi con người sẵn sàng phá huỷ cuộc sống của chính mình, đó là những con người không có tự do, không cần tự do,. càng không có bản lĩnh tự do. Và cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi đó cũng là những vùng đất lạc hậu, chậm phát triển của thế giới. ở những nơi đó con người đã bắt đầu làm quen với những khái niệm hiện đại nhưng không được sử dụng nó trên thực tế để bảo vệ các khả năng phát triển của chính mình, thậm chí còn sẵn sàng tiêu diệt nó.
Có thể nói, chủ nghĩa khủng bố là phản ứng rất tiêu cực của những người thua thiệt, lép vế trong các tương tác so sánh toàn cầu. Do vậy nó đòi hỏi phải có người đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề này như là một người lãnh đạo thế giới, nếu không, chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố sẽ trở thành hiện tượng lộng hành tiếp theo của các quan hệ của nhân loại ở thế kỷ XXI, thay thế sự đối đầu lưỡng cực trong Chiến tranh Lạnh. Những người lãnh đạo phương Tây vẫn còn quanh quẩn với các kinh nghiệm của Chiến tranh Lạnh để giải quyết hay hạ bệ các nhà nước cực đoan nhằm thiết lập nền dân chủ và đem sự phát triển tới phương Đông, mà chưa có nhà lãnh đạo nào nghĩ đến chuyện giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả. Nói cách khác, chưa có bộ phận trí thức nào của nhân loại nhận thức lại vấn đề toàn cầu này một cách rõ ràng.
Trong tất cả những hiện tượng lộng hành thì sự lộng hành của mỗi người trong cuộc sống của chính mình và trong quan hệ với người khác là trạng thái lộng hành cao nhất, nguy hiểm nhất, nó phản ánh sự tha hóa, biến dạng của con người. Chính sự bủa vây của những giới hạn nhân tạo của tự do đã gây ra trạng thái này. Trạng thái lộng hành này là kết quả của sự gặp gỡ giữa yếu tố mất cân bằng của cuộc sống với mất cân bằng về nhận thức mà chủ yếu là nhận thức chính trị, nhưng được hỗ trợ bởi nhận thức lệch lạc vê văn hoá. Có thể nói, chính những yếu tố cực đoan vê chính trị cộng với yếu tố mất cân bằng về mặt văn hoá đã tạo ra hiện tượng lộng hành có tính chất chủ quan. Hiện tượng lộng hành này xuất hiện như một thực tế trong cuộc sống khi nó kết hợp với sự mất cân bằng và mất phương hướng của cuộc sống của con người. Càng ngày, mật độ của những ý nghĩ những hành vi không thích đáng của con người càng tăng, chứng tỏ sự tha hoá của con người ngày càng nhân rộng trong phạm vi xã hội, con người ngày càng mất cân bằng trong cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Sự lộng hành này vừa mang tính nhận thức, vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính bản năng của cuộc sống. Một phần không nhỏ nhân loại đang ở trong trạng thái mất cân bằng như vậy, tức là ở trong trạng thái lộng hành của nhiều yếu tố chứ không phải của một yếu tố.
Hiện tượng mất phương hướng, mất cân bằng trong cuộc sống hiện nay trở nên phổ biến, đến mức nhiều khi con người không nhận ra chính mình. Con người đi quá những giới hạn hợp lý trong nhận thức của mình, không kiểm soát được hành vi của mình, và do đó con người lộng hành trong cuộc sống của chính mình và phá vỡ mọi kết cấu của cuộc sống. Sự lộng hành này là lộng hành theo quyền lực tự nhiên, tức là vô chính phủ để chống lại sự lộng hành của nhà cầm quyền. Đó là trạng thái tồi tệ nhất, khó chữa nhất. Đó không chỉ là sự cảnh báo đối với các nhà chính trị, mà còn đối với mọi người.
Kiểm soát lộng hành
Phân tích về sự lộng hành để thấy rằng tự do quý giá như thế nào đối với sự phát triển. ý thức về giá trị của tự do phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội và trình độ dân trí. Hay có thể nói, tự do chính là năng lực nhận thức được không gian phát triển của mỗi một xã hội. Nhân dân càng ý thức được các quyền tự do, càng có khả năng tự mở rộng các quyền tự do của mình, càng tuân thủ các cam kết của mình đối với xã hội bao nhiêu thì càng thể hiện sự phát triển, ý thức về tự do của xã hội bấy nhiêu.
Kiểm soát hiện tượng lộng hành chính là kiểm soát mức độ của sự lộng hành. Nếu chúng ta chống lại nó bằng cách tiêu diệt nó thì không bao giờ chống được vì không ai có thể tiêu diệt bản chất tự nhiên của con người được. Chúng ta chỉ có thể hạn chế sự lộng hành chứ không thể tiêu diệt được nó. Hạn chế sự lộng hành của con người chính là điều chỉnh thói xấu của con người và điều này có nghĩa là chúng ta phải nghiên cứu chính sách điều chỉnh con người.
Có hai cách điều chỉnh thói xấu của con người là hạn chế nó và làm cho tỷ lệ của nó bé đi bằng cách làm cho những yếu tố tích cực trong một con người lớn lên. Tuy nhiên, yếu tố tích cực cũng chỉ có thể làm lớn lên đến một mức nào đó chứ không thể lớn quá, điều đó sẽ làm thay đổi về chất và con người sẽ không còn là con người tự nhiên nữa. Cho nên, nghiên cứu về con người là nghiên cứu những trạng thái cân bằng khác nhau của con người trong sự phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống. Nếu để một khuynh hướng phát triển quá mức đến một ngưỡng nào đó thì sẽ thành lộng hành. Do vậy, cân bằng là giải pháp tốt nhất để chống lại sự lộng hành và chỉ có tự do mới tạo ra cân bằng. Không có tự do mà chỉ có điều khiển thì sẽ không tạo ra sự cân bằng mà chỉ tạo ra sự đối đầu. Đặc biệt ở các nước chưa có dân chủ thì không hy vọng kiềm chế được sự lộng hành. Vậy cái gì sẽ ngăn cản, kiềm chế được sự lộng hành của con người? Đó là sự bao vây văn hoá ở trong nước và sự bao vây luật pháp trên bình diện toàn cầu. Sự bao vây văn hoá là để chế giễu và lên án những kẻ hay những việc lộng hành. Sự tham gia vào quá trình toàn cầu là cách để giáo dục, rèn luyện và kiềm chế sự lộng hành của một nhà nước. Văn hoá là công cụ điều chỉnh hành vi con người và do đó, nó điều chỉnh các thành tố hay các cá thể của loài người. Văn hoá là công cụ vạn năng để điều chỉnh mọi thứ trong đó có cả sự lộng hành. Văn hoá đứng trên cả pháp luật, trên cả nhà nước, cảnh sát, quân đội. Chúng ta đều biết rằng một tiếng cười mỉa mai có thể giết chết một triều đại của một tên bạo chúa mà chưa chắc đã cần đến võ sĩ.
Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là vấn đề dân chủ hoá, vấn đề này phải được đặt lên hàng đầu. Cần phải xây dựng một xã hội tự do, xây dựng thể chế để kìm hãm tính cực đoan, sự lộng hành, mà trước hết là của nhà cầm quyền. Nếu các nhà cầm quyền không tự cân bằng thì họ sẽ tác động một cách lộng hành vào cuộc sống và tạo ra sự lộng hành trên phạm vi xã hội. Xây dựng thể chế là nghĩa vụ chính trị số một của các nhà cầm quyền ở các nước chậm phát triển cho đến khi đi đến nền dân chủ. Xây dựng thể chế không có nghĩa là sẽ có ngay nền dân chủ mà mới chỉ là quá trình tiệm cận tới nền dân chủ. Khi có nền dân chủ, tự bản thân nó sẽ là một thể chế có thể kiểm soát cân bằng được nhiều mặt của xã hội, bởi vì song song với nền dân chủ là dân trí, song song với dân trí là việc chấm dứt hiện tượng lộng hành của nhân dân đồng thời ngăn cản sự lộng hành của nhà nước.
Như chúng tôi đã nói, nền dân chủ không chỉ là nhà nước, nhà nước chỉ là một trong các yếu tố của cái gọi là nền dân chủ. Dân chủ là biểu hiện tập trung của khái niệm đa dạng tinh thần của đời sống nhân loại Và con người xây dựng một thể chế để đảm bảo, giữ gìn, chăm sóc tính đa dạng tinh thần của con người và của loài người là một trong những nhiệm vụ khổng lồ của cuộc cải cách thể chế. Nó giúp đảm bảo gìn giữ tính đa dạng tinh thần của con người, đảm bảo cho tất cả các giá trị tinh thần đều có những địa vị bình đẳng trước lẽ phải và tự nó nhận ra giá trị của chính nó. Các dân tộc phải nhận ra giá trị của chính mình và tính giới hạn của các giá trị ấy. Bám vào các giá trị không nằm trong thang giá trị của nhân loại là một trong những khuyết tật nặng nhất của các nước chậm phát triển. Nhưng, việc phủ nhận các giá trị mang tính dân tộc đó tạo ra sự bực bội và sự phản ứng thái quá của nó là chủ nghĩa khủng bố. Do vậy, nghiên cứu chống chủ nghĩa khủng bố là nghiên cứu một thể chế toàn cầu tôn trọng tất cả các giá trị và làm như thế nào để các giá trị tự nhận ra tính giới hạn của mình, thậm chí cả tính lỗi thời của mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn