Hiện đại hóa lối sống
Viết về những yếu tố cản trở đến quá trình phát triển, người ta thường nói đến thể chế, chính sách... Theo chúng tôi, nói thế không sai, nhưng chưa đủ. Có một nguyên nhân rất quan trọng và rất sâu xa khác, đó là những mặt tiêu cực của truyền thống văn hoá, trong đó đặc biệt phải kể đến lối sống. Việc nghiên cứu ảnh hưởng của lối sống đối với phát triển đòi hỏi có những công trình đầy đủ khoa học, ở đây chúng tôi chỉ xin đưa ra một số suy nghĩ có tính chất gợi mở ban đầu.
Trong cuộc sống chung, người ta buộc phải tuân thủ những qui tắc nhất định, thành văn hoặc bất thành văn, bao trùm tất cả các lĩnh vực: đạo đức, thẩm mỹ... Có những qui tắc được thừa nhận rộng rãi trong nội bộ một cộng đồng nào đó, được tuân thủ gần như vô điều kiện. Đó là lối sống cộng đồng, điều có thể coi như một thói quen có định hướng, có chất lượng lý tưởng, thể hiện tổng hợp tất cả các cấu trúc của nền văn hoá và, như Marx viết trong Hệ tư tưởng Đức, có quan hệ mật thiết với phương thức sản xuất. Theo Marx, không thể có lối sống chung cho tất cả mọi người trong xã hội. Nói cách khác, mỗi dân tộc, tầng lớp, mỗi nhóm người có lối sống riêng của mình. Tuy nhiên, điều này cũng đang thay đổi nhanh chóng. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà không ai có thể đứng ngoài mối quan tâm và lợi ích chung, không quốc gia nào có thể đứng ngoài các các mối quan tâm và quyền lợi của cộng đồng thế giới. Trong xã hội hiện đại, nhờ những phương tiện kỹ thuật tiên tiến, sự giao lưu của con người không chỉ khắc phục được những hạn chế cố hữu về thời gian và không gian trước đây mà còn diễn ra với sự đổi mới cơ bản về chất, nghĩa là khoảng cách giữa lối sống cá nhân và lối sống cộng đồng càng ngày càng bị thu hẹp lại.
Ở các nước châu Á trong những năm gần đây người ta nói rất nhiều về cái gọi là nhiệm vụ giữ gìn bản sắc dân tộc. Đúng là không thể phủ nhận sự bành trướng của văn hoá phương Tây trên thế giới trong vòng hơn một thế kỷ qua. Nhưng cũng không thể không thấy rằng cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của văn hoá phương Tây là sự gia tăng tương ứng những cố gắng khắp nơi trên thế giới nhằm chống lại sự bành trướng đó. Nhiều người gióng chuông báo động về sự xâm lăng văn hoá và cho rằng những nỗ lực theo hướng bảo vệ bản sắc dân tộc cần được thúc đẩy hơn nữa. Theo chúng tôi, ngay cả trong trường hợp nhiệm vụ là thực sự cần thiết thì cũng rất khó thực hiện, bởi vì cuộc sống đang hàng ngày hàng giờ thúc ép người ta phải làm quen với nhau. Trong thời đại ngày nay, kết quả của bất kỳ việc gì cũng cần được chấp nhận ở những cộng đồng rộng lớn hơn chứ không chỉ ở cộng đồng nhỏ hẹp mà người ta cư trú. Con người phải sống làm sao để được chấp nhận không chỉ trong cộng đồng của mình, mà cả trong các cộng đồng mà mình có quan hệ. Hơn thế nữa, cả lối sống của cộng đồng mà mình làm đại diện cũng phải được chấp nhận bởi các cộng đồng khác.
Trong thời đại hội nhập, sự tương tác giữa lối sống phương Đông và lối sống phương Tây là tất yếu. Trong quá trình tương tác đó, không chỉ có phương Đông hấp thụ được những giá trị của phương Tây, mà ngược lại phương Tây cũng có thể học phương Đông được rất nhiều điều. Theo tôi, nhiệm vụ của chúng ta là nhận thức những cái hay, cái dở trong lối sống của dân tộc mình và nỗ lực hiện đại hoá nó.
Chúng ta có thể thành công và phát triển nhanh chóng, để không chỉ không bị tụt hậu thêm nữa mà còn đuổi kịp và vượt các quốc gia tiên tiến trên thế giới - điều đó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tự thay đổi để làm bạn đồng hành với toàn nhân loại.
Điều đó quả là không dễ chút nào. Cuộc cách mạng con người còn khó khăn hơn nhiều so cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng. Chúng ta có những thói quen mà nếu bỏ đi chúng ta cảm thấy như mình phải hy sinh cá nhân mình. Rất nhiều người quên mất rằng nếu chúng ta muốn tồn tại thì chúng ta phải thay đổi bản thân mình. Sự thay đổi ấy là cần thiết dù cũng phải trả giá.
Lối sống của con người luôn luôn thay đổi theo những thay đổi của tri thức, của hoàn cảnh sống và không phải bao giờ cũng tích cực. Một ví dụ rõ nét nhất là ảnh hưởng của chủ nghĩa vật chất thái quá. Những hậu quả của tâm lý chạy theo lợi nhuận thật là trầm trọng đối với xã hội và đối với lối sống của con người nói chung. Nhưng một xã hội muốn phát triển được thì không thể không hiện đại hoá lối sống của mình.
Nhiệm vụ khó khăn này chỉ có thể thực hiện được nếu có sự đồng tâm, nhất trí và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Trong một bài phát biểu cách đây không lâu, Ông Tổng Bí Thư ĐCS Việt Nam đã nói rằng nhiệm vụ quan trong bây giờ là phải tri thức hoá Đảng, phải tri thức hoá xã hội. Lời phát biểu vị lãnh đạo cao nhất cho chúng ta thấy rằng Đảng nhận thức rất kịp thời những yêu cầu đổi mới của thời đại. Và sự đổi mới phải bắt đầu chính từ người lãnh đạo. Vấn đề hiện nay không phải chỉ là kinh tế tri thức mà là xã hội tri thức. Mọi người đều phải đổi mới, mọi lĩnh vực đều phải đổi mới. Đích phấn đấu của chúng ta là: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý