Sự tha hóa của cái Tôi

11:19 SA @ Chủ Nhật - 16 Tháng Sáu, 2019

Khuyết tật của đời sống hiện đại (Phần 1)

Những gì đã và đang xảy ra trên thực tế cho thấy nặng nề không kém so với hình thức nô lệ trước đây, thậm chí nếu xét về quy mô và ảnh hưởng là lớn hơn, vì tính chất của nó phức tạp và tinh vi hơn rất nhiều biến của một bộ phận lớn của nhân loại trong thế giới hiện đại.

Dưới đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét và phân tích về chúng. Những phân tích cho thấy những khuyết tật của đời sống hiện đại có thể có mặt bất cứ nơi nào nếu con người đánh mất tính chủ động đối với cuộc sống của chính mình, tức là chấp nhận cuộc sống bị áp đặt. Không thể phủ nhận rằng những khuyết tật này xuất hiện chủ yếu ở các quốc gia lạc hậu và phi dân chủ bởi đó là những nơi con người phải sống trong sự bủa vây của những giới hạn nhân tạo của tự do. Sự thiếu tự do là nguyên nhân dẫn đến những khuyết tật trong đời sống tinh thần của con người. Đã đến lúc các nước chậm phát triển phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề rằng họ là những dân tộc khu trú, lạc hậu, trạng thái tồn tại của họ là một trạng thái nô lệ hiện đại. Con người tồn tại lâu dài trong trạng thái nô lệ thì con người mất cân bằng, con người thoái hóa và đó là nguyên nhân gây ra sự khủng hoảng, sự bất ổn định và sự không phát triển.


Khuyết tật 1. Sự tha hoá của cái Tôi

Ở một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi tha hóa xảy ra rất phổ biến. Vậy có mối liên quan nào giữa sự tha hóa này với trạng thiếu tự do không? Theo quan điểm của tôi, chính sự thiếu tự do đã khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mất cân bằng và do đó tạo ra sự tha hóa của cái Tôi.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì Tự do là nguồn gốc sự phát triển của con người. Khi con người không có các quyền tự do thì dần dần con người sẽ đánh mất những kinh nghiệm về tự do, mất ý chí đòi tự do cũng như mất cảm hứng sử dụng tự do như là phương tiện để phát triển các giá trị tinh thần của mình. Nếu không có tự do thì con người không có tiền đề không có không gian tinh thần đầy đủ, không có sự sạch sẽ tâm hồn để tiếp nhận tất cả các khả năng để phát triển, tức là không có năng lực. Sự hạn chế của không gian tự do bên ngoài và bên trong đã làm cho cái Tôi tha hoá mà biểu hiện rõ rệt nhất của nó là sự mất mát năng lực. Tôi cho rằng đây là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu nếu không chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng xã hội bằng những viên gạch hỏng mà không lý giải được tại sao xã hội không phát triển. Thực tế ở nhiều quốc gia lạc hậu cho thấy, sự tha hoá của cái Tôi là kết quả của một đời sống tinh thần phát triển không lành mạnh dưới tác động của sự ràng buộc của tư tưởng, sự bao vây của văn hóa lạc hậu, sự níu kẻo của nghèo đói và trên hệ là sự cai trị của nhà nước. Tất cả, những yếu tố như vậy xuất hiện trong mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, chính trị cho đến giáo dục, làm cho con người trở nên lệch lạc và kết quả là con người không còn đủ các năng lực để thích nghi với cuộc sống.

Bài viết trích trong cuốn Tiểu luận mới "Cội nguồn cảm hứng" của tác giả Nguyễn Trần Bạt, NXB Hội nhà văn.

"Khi đặt bút viết quyển sách này, tôi như con chim hót những tiếng hót được khích lệ bởi âm thanh tự do của các bậc tiền bối như John Locke, Baron de Montesquieu, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, John Stuart Mill... Những tiếng hót ấy còn mang âm hưởng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử lâu dài, quyết liệt trong việc giành tự do. Những tiếng hót ấy chất chứa tình yêu đối với con người và thân phận con người. Những tiếng hót ấy là sự trăn trở trong quá trình đi tìm những nhân tố ảnh hưởng đến đời sống con người và sự hình thành các giá trị con người. Tôi viết bằng cả tấm lòng của mình, bên ngoài mọi động cơ, kể cả động cơ hàn lâm..."

Trên phương diện kinh tế có thể thấy nền kinh tế chịu sự áp đặt của các quan điểm chính trị, được mô hình hóa bằng tiêu chuẩn chính trị mà không phải bằng các tiêu chuẩn, hay các đặc thù kinh tế. Trong các mô hình kinh tế này, có không ít mô hình được lựa chọn dựa trên những quan điểm chính trị khác biệt, mâu thuẫn với sự phát triển tự nhiên của đời sống kinh tế. Sự lựa chọn mô hình kinh tế theo những tiêu chuẩn chính trị được dẫn hướng bởi một hệ tư tưởng cố định đã kéo theo hậu quả là trói buộc thân phận của các dân tộc vào những quan điểm chính trị cụ thể, làm mất tính năng động, tính tự do của các lực lượng kinh tế và ảnh hưởng sống còn đến đời sống phát triển. Hệ quả của nó là con người chuẩn bị toàn bộ các năng lực của mình theo tiêu chuẩn của nền kinh tế mà nhà cầm quyền định xác lập và khi mô hình kinh tế ấy sụp đổ, nhường chỗ cho một loại hình kinh tế khác thì toàn bộ năng lực đã chuẩn bị của con người trở nên không tương thích với những đòi hỏi mới. Nhìn trên phương diện chính trị, chúng ta có thê thấy rất rõ sự cai trị của các nhà nước. Tất cả các mặt đời sống của con người đều bị áp đặt theo một khuynh hướng được qui định bởi lý tưởng chính trị của những người cầm quyền. Chính việc bị áp đặt bởi một khuynh hướng và nhất là khi nhu cầu chính trị của khuynh hướng ấy có sự khác biệt với nhu cầu phát triển của đời sống đã gây ra hiện tượng mất mát năng lực, thiếu hụt năng lực chính trị của toàn xã hội. Hệ thống chính trị sử dụng tất cả những phương tiện có trong tay để hướng dẫn con người chuẩn bị những năng lực phù hợp với nhu cầu chính trị của nó, tức là những thứ mà hệ thống chính trị cần chứ không phải là những thứ mà cuộc sống đòi hỏi. Đây là một hiện tượng khá phổ biến ở các quốc gia chậm phát triển về mặt chính trị, những nước mà đặc trưng cơ bản của nó là thiếu dân chủ, không có dân chủ.

Một vấn đề nữa của các nước chậm phát triển là có nền văn hóa vừa lạc hậu vừa phi tự nhiên, do đó, nó ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt tinh thần của con người. Văn hóa luôn có tính lạc hậu tương đối, nếu nó không cởi mở và tiếp nhận tự nhiên các yếu tố mới, nó sẽ tự xơ cứng và không thể trở thành môi trường tốt cho sự hình thành các giá trị cá nhân. Sự lạc hậu của văn hóa là do tính khép kín của nó, còn tính phi tự nhiên của văn hóa là do sự áp đặt chính trị của tập đoàn cầm quyền. Trong những nền văn hóa đó, con người được hướng dẫn, được tuyên truyền những tiêu chí đạo đức, tiêu chí năng lực, tiêu chí khoa học công nghệ, tiêu chí chính trị một cách máy móc và xem những tiêu chí ấy như những tiêu chí ấy hoàn toàn không thể thay đổi được, vừa có giá trị điều khiến, vừa có giá trị lãnh đạo. Nhưng khi thực tế chứng minh rằng sự tuyên truyền ấy là nhầm lẫn, lý tưởng chính trị đó là nhầm lẫn và những tiêu chí ấy hoàn toàn không có giá trị phục vụ cho đời sống phát triển thì những xã hội hưởng thụ sự tuyên truyền ấy bỗng nhiên mất toàn bộ năng lực. Thế giới luôn biến đổi không ngừng. Xu thế toàn cầu hóa cưỡng bức mọi nền văn hóa phải mở cửa và không ai còn cơ hội để sống biệt lập cả. Vậy con người sẽ ra sao khi phải sống bằng những năng lực đơn giản và được chuẩn bị sai trong những điều kiện mới của thời đại?

Khi chính trị, kinh tế và văn hóa lạc hậu, tất yếu giáo dục cũng sẽ lạc hậu. Giáo dục là khâu trực tiếp giúp con người chuẩn bị năng lực của mình nhưng do sự áp đặt của chính trị mà ở các nước chậm phát triển, con người không được trang bị những kiến thức để rèn luyện những năng lực mà cuộc sống cần. Hệ thống giáo dục chỉ trang bị cho con người những kiến thức mà hệ thống chính trị cần, nhưng những kiến thức này không những lạc hậu mà còn hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của cuộc sống. Xét về mặt triết học và chính trị học, chương trình giáo dục không có tính đa dạng cần thiết của khoa học nhận thức bởi vì nó chỉ dựa trên một loại triết học duy nhất, dựa trên một hệ tư tưởng cố định phù hợp với nhu cầu của hệ thống chính trị. Thời lượng trong chương trình giáo dục bị chiếm dụng một cách không thương tiếc cho những nguyên lý để duy trì sự ổn định của những khái niệm đã cũ. Người ta đã không xem người lao động như một thực thể con người với các quyền độc lập của nó. Đầu ra của hệ thống giáo dục này là lực lượng lao động thiếu năng lực hay có những năng lực không bán được trên thị trường lao động.

Sống trong những môi trường chính trị, kinh tế và văn hoá phi dân chủ, phi tự nhiên một cách lâu dài sẽ làm con người biến dạng, con người không có đủ cảm hứng và cũng không đủ năng lực để tạo ra giá trị, tạo ra cuộc sống của chính mình. Đó không phải là cuộc sống của sự tiến bộ mà là cuộc sống mất cân bằng hay bị tha hoá từ bên trong. Quan sát hàng ngày rất dễ thấy hiện tượng mất mát, thiếu hụt năng lực ở số đông con người trong các xã hội chậm phát triển. Có thể kể ra ở đây một số loại năng lực cơ bản, đó là:

Mất năng lực phản ánh sự thật:

Có thể nói sự tha hoá của cái Tôi chính là sự biến dạng, sự mất cân đối của hình ảnh cuộc sống trong tâm hồn mỗi con người thông qua nhận thức. Chúng ta đều biết, chất lượng của một tấm ảnh phụ thuộc vào chất lượng của máy ảnh, một cái máy ảnh tốt sẽ cho một tấm ảnh có chất lượng, một cái máy ảnh tồi sẽ cho một tấm ảnh hỏng... Tấm ảnh ấy bị hỏng tức là anh không chụp được một cách chính xác các cấu trúc của cuộc sống, anh có những dị tật mà vì thế anh nhận dạng cuộc sống một cách méo mó. Một trong những dị tật ấy chính là sự mất mát năng lực nhận thức và phản ánh cuộc sống trung thực như nó vốn có. Năng lực phản ánh sự thật là một trong những năng lực quan trọng nhất để xác lập ranh giới giữa cái Tôi lành mạnh và cái Tôi không lành mạnh.

Khi con người bị khuyết tật về mặt nhận thức thì mọi diễn biến cuộc sống bên ngoài khi phản ánh thông qua nó sẽ bị méo mó. Mặc dù trong con người luôn có bản năng phản kháng tự nhiên đối với những sức ép những biến dạng mà cuộc sống, xã hội, thể chế tạo ra nhưng do chịu sự áp đặt lâu dài nên khả năng đó không được rèn luyện và vì thế hệ miễn dịch của con người trở nên thoái hoá, còn người mất đi cả năng lực đề kháng trước những biến dạng mà văn hoá hay chính trị có thể gây ra. Sự mất năng lực đề kháng khiến con người trở nên bạc nhược, thiếu ý chí. Mất năng lực phản ánh sự thật nên con người cũng mất luôn cả năng lực rung động trên những đối tượng khác nhau. Những đòi hỏi của cuộc sống do đó được phản ánh một cách méo mó hoặc là không được phản ánh. Alfred de Musset, nhà văn lớn của Pháp từng thốt lên rằng tôi biết nhiều tác phẩm vĩ đại đôi khi chỉ là những tiếng nấc. Nhưng dường như ở những xã hội không tự do nơi con người tha hoá và lạc hậu về mặt nhận thức, không ai có thể nghe thấy những tiếng nấc, tiếng khóc của cuộc sống. Đó là một không gian tinh thần không có dấu hiệu con người.

Cái Tôi khi nhận thức sai sẽ gây hại cho chính nó, bởi vì, về cơ bản con người nhận thức và hành động cho những lợi ích của mình, cho nên, khi con người nhận thức sai, chụp ảnh cuộc sống sai thì con người tự dẫn mình đến những chỗ sai và tạo ra sự thất thiệt cho chính mình. Con người cố gắng sống một cách biệt lập, cố gắng không tương tác với thế giới bên ngoài, cố gắng đóng mọi cánh cửa để không có ánh sáng nào lọt vào, để không ai phát hiện ra tình trạng khuyết tật của mình. Việc đó diễn ra lâu đến mức con người không còn cảm thấy những khuyết tật của mình nữa. Chính điều đó đã tạo ra cái chết lâm sàng của đời sống tinh thần, tức là con người mất đi năng lực xúc động, năng lực nhận biết về cuộc sống, về chính bản thân mình, cũng như không nhận ra sự thoái hoá trong nhận thức của mình. Khi nhận thức sai, con người sẽ mắc phải sai lầm trong quá trình tương tác với xã hội. Những sai lầm đó sẽ tất yếu gây ra những thất thiệt cả về vật chất lẫn tinh thần cho con người.

Thiếu hụt năng lực xấp xỉ tương lai:

Nhận thức là sự phản ánh của chủ thể nhận thức về đối tượng nhận thức và trên một bình diện rộng lớn thì đấy chính là cuộc sống. Nhưng thông thường, trình độ nhận thức của con người không đo được ngay tất cả các khía cạnh của cuộc sống hay các giai đoạn, các trạng thái khác nhau của cuộc sống. Có những giai đoạn có những thành tố xuất hiện mà với kinh nghiệm tại thời điểm quan sát, con người chưa đủ năng lực để đánh giá đúng. Cho nên, trong nhận thức có một giai đoạn suy tưởng, tức là dùng trí tưởng tượng để hình dung về những đối tượng mới, những thành tố mới. Đấy chính là quá trình xấp xỉ tương lai của mỗi cá nhân. Con người luôn luôn cố gắng nhận thức một cách gần đúng tương lai của mình nhưng con người không đoán được hết tương lai mà luôn xấp xỉ tương lai và tương lai của con người phụ thuộc rất nhiều vào năng lực xấp xỉ ấy. Nghiên cứu sự lành mạnh của một xã hội cũng chính là nghiên cứu sự lành mạnh của quá trình hình dung hay xấp xỉ tương lai của mỗi cá nhân trong xã hội. Thiếu hụt năng lực xấp xỉ tương lai, con người sẽ trở nên mất phương hướng và tất nhiên họ sẽ không thể có sự cân bằng trong miền tương lai mà họ không có năng lực hình dung.

Ai cũng phải có một điểm nhìn, tức là phải nhìn thấy mình trong tương lai, khi con người không còn nhìn thấy mình nữa là con người đã chết về mặt tinh thần. Khi số đông nhìn thấy mình trong quá khứ thì xã hội không phát triển. Con người không có tương lai, quá khứ trở thành hình mẫu của tương lai; tương lai cấu trúc từ quá khứ, đấy chính là tha hoá. Quẩn quanh với những hình mẫu cũ, con người không có khả năng tưởng tượng hay không có khả năng sáng tạo thì đồng nghĩa với việc con người không phát triển. Tương lai là trạng thái ngày mai của con người mà hôm nào con người cũng phải có ngày mai của nó. Con người phải hình dung tương lai một cách liên tục mới là con người lành mạnh. Dấu hiệu quan trọng chứng minh sự không thoái hoá của cái Tôi là năng lực duy trì liên tục khả năng hình dung ra tương lai.

Mất năng lực hướng dẫn chính trị:

Ở những nước lạc hậu về chính trị, người ta mặc nhiên thừa nhận nhân dân là người được hướng dẫn, còn nhà nước là người hướng dẫn. Chính vì khẳng định rằng nhân dân là người có quyền được hưởng sự hướng dẫn chính trị và chỉ có mỗi quyền ấy thôi nên các nước này không có xã hội dân chủ. ở những quốc gia này, nhân dân không có quyền để phổ biến các quan điểm của mình. Việc hạn chế quyền tự do phổ biến các quan điểm để giành cho một quan điểm có toàn bộ các quyền tự do làm cho xã hội được hướng dẫn lệch. Theo lẽ tự nhiên, nhân dân cũng có những hướng dẫn chính trị, nếu sự hướng dẫn chính trị của hệ thống chính trị không được cân bằng bởi những hướng dẫn theo chiều ngược lại này tất yếu sẽ trở nên lệch lạc. Có thể thấy hiện tượng mất năng lực hướng dẫn chính trị biểu hiện rất rõ ở một tầng lớp rất quan trọng trong xã hội, đó là tầng lớp trí thức. Trí thức là một lực lượng tham gia vào quá trình hướng dẫn chính trị dưới hình thức các hoạt động khoa học, giới trí thức cũng là thành phần tạo ra sự hướng dẫn xã hội nhưng ở các nước chậm phát triển giới trí thức đang mất năng lực hướng dẫn xã hội. Đời sống chính trị của họ lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cầm quyền, họ không có năng lực để độc lập về mặt nhận thức hoặc năng lực độc lập về mặt chính trị cho nên tiếng nói của họ là tiếng nói phụ họa. Điều đó có nghĩa là trí thức cũng tham gia vào sự hướng dẫn sai lệch về mặt chính trị. Độ không phù hợp hay độ mất mát năng lực ở giới trí thức là rất lớn vì họ trượt theo những sự hướng dẫn không còn giá trị khách quan nữa. Sự mất mát năng lực hướng dẫn của giới trí thức tạo ra sự mất mát năng lực hướng dẫn chính trị của xã hội, làm cho xã hội mất cả năng lực hành động. Sự mất năng lực hành động của xã hội là hệ quả tất yếu của sự mất năng lực hướng dẫn chính trị, mà sự mất năng lực hướng dẫn chính trị là hệ quả của sự không tự do về mặt chính trị. Cái logic ấy chặt chẽ một cách tự nhiên, vì đó là logic của cuộc sống.

Rõ ràng là sự mất mát năng lực hướng dẫn chính trị của xã hội xuất phát từ chỗ cả xã hội được hướng dẫn bởi một khuynh hướng duy nhất, xã hội không có quyền lựa chọn. Làm như vậy chính là tiêu diệt sự đa dạng tinh thần của xã hội. Các năng lực khác nhau là nguồn dự trữ để chuẩn bị cho xã hội khả năng ứng phó với những đòi hỏi khác nhau của cuộc sống, tiêu diệt sự đa dạng tinh thần chính là tiêu diệt nguồn dự trữ các giải pháp xã hội. Nhà nước không những hướng dẫn sai năng lực, tạo ra sự lệch pha giữa năng lực và đòi hỏi mà còn tạo ra cái không thể đúng được của xã hội khi chuẩn bị năng lực vì nhà nước đã làm mất nguồn dự trữ. Do đó, có thể kết luận rằng, chỉ riêng nhà nước có quyền hướng dẫn chính trị trực tiếp là trạng thái chậm phát triển về chính trị của những nước chậm phát triển. Sai lầm của các xã hội ở đó là vô tình cố định hoá những người cầm quyền là người hướng dẫn mà quên mất rằng những người có năng lực hướng dẫn mới có thể trở thành người cầm quyền. Đã đến lúc các xã hội chậm phát triển phải thức tỉnh về một thực tế rằng: Ai có năng lực hướng dẫn thì người đó có thể trở thành người cầm quyền, đấy chính là sự chuyển dịch hợp lý, chuyển dịch thuận của quá trình chính trị.Chỉ có được sự chuyển dịch thuận như vậy mới có thể đảm bảo để xã hội không rơi vào tình trạng mất mát năng lực trên qui mô lớn.

(Xem tiếp phần 2)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bảy bước tới tha hóa

    16/06/2020Vương Trí NhànKhi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết tự giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa. Quá trình tha hoá, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cái gì mất đi thì vĩnh viễn không lấy lại được nữa...
  • Mối quan hệ giữa sở hữu tư và tha hóa

    26/03/2018Ngụy Tiểu BìnhC.Mác đã không chỉ dùng khái niệm tha hoá để giải thích về sự đối tượng hoá (sự vật hoá) bản chất con người, mà còn dùng nó để chỉ rõ các quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng như vạch trần sự bóc lột trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Song, C. Mác vẫn chưa có sự phân biệt rõ hai phương thức biểu thị khác nhau của sự đối tượng hoá bản chất chủ thể, đó là: sự tha hoá nội sinh (dị hoá) và tha hoá ngoại sinh (ngoại hoá)...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: tha hóa tự nhiên, đáng chê cười

    20/04/2015Vương Trí NhànNước ta, đạo Khổng Mạnh dĩ đức báo oán là chữ nhãn, dĩ tiểu sự đại là chữ trí, ai chết mặc ai không học chữ kiêm ái, dở khôn dở dại cứ giữ đạo trung dung(1), trải mấy ngàn năm vua tôi cha con quan dân thầy trò từ trên chí dưới cứ ở trong phạm vi cái đạo đức ấy đã gây nên một nến văn hóa rất có đặc sắc cho đến ngày nay...
  • Tiền! đâu là ranh giới giữa sự tha hóa và sức bật?

    24/06/2014Mai LanMột khi cơ chế hoạt động kinh tế - tài chính của nền giáo dục (GD) không minh bạch và thiếu khoa học thì hậu quả nhận được sẽ khôn lường. Nó chính là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tính công bằng xã hội trong GD bị triệt tiêu và trên hết nó sẽ làm chậm lại sự phát triển của nền GD, dù chúng ta có trong tay hàng núi tiền! – Đó là lời cảnh báo của nhiều nhà nghiên cứu GD...
  • Tham nhũng và tham nhũng tinh thần

    29/11/2011Nguyễn Trần BạtNếu như chống tham những vật chất có mục đích là làm trong sạch đời sống xã hội thì chống tham nhũnng tinh thần có nhiệm vụ là chống lại sự rủi ro đối với sự phát triển của nhân loại.”
  • Tự do sinh ra con người

    21/04/2007Nguyễn Trần Bạt- Chủ tịch/ Tổng Giám đốc InvestConsult GroupKhái niệm tự do gắn với khái niệm con người. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, hai khái niệm này tạo thành một mối quan hệ cực kỳ mật thiết, quan hệ biện chứng và phát triển. Thế nhưng không chỉ khái niệm tự do mà khái niệm con người từ trước đến nay vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ và chưa được hiểu một cách nhất quán.
  • Biện chứng của tự do

    21/07/2005Nguyễn Trần BạtTự do không phải là thuật ngữ xa lạ, càng không phải một phát hiện bởi nó gắn liền với con người như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Tuy nhiên, đối với con người, tự do vẫn phần nào bí ẩn; chúng ta, dường như, chưa nhận thức trọn vẹn về nó, càng chưa biết khai thác và sử dụng nó như một công nghệ phát triển...
  • xem toàn bộ