Tranh cãi về học phí sẽ không đi tới đâu!
>> Tham khảo: Một số bài viết về cải cách giáo dục của chuyên gia tư vấn Nguyễn Trần Bạt
- Cải cách giáo dục Việt Nam
- Cải cách giáo dục - Điểm hội tụ của tất cả các cuộc cải cách
- Cải cách giáo dục
- Cải cách văn hóa như thế nào?
- Những căn bệnh chung của hệ thống giáo dục ở thế giới thứ ba
- Truy nguyên tình trạng lạc hậu của hệ thống giáo dục
- Cải cách giáo dục vì một nền giáo dục hiện đại
- Thêm một số suy nghĩ về cải cách giáo dục
Hỏi: Gần đây vấn đề học phí trong giáo dục đang thu hút nhiều sự quan tâm. Đề án của Bộ giáo dục về việc tăng học phí được đưa ra từ năm 2003 và gác đi gác lại nhiều lần, bây giờ lại được mang ra. Phần lớn những người được gọi là chuyên gia giáo dục phản đối, không chấp nhận việc tăng học phí ở bậc phổ thông. Bộ giáo dục chỉ đưa ra cái khung là thu học phí không quá 6% thu nhập của gia đình. Vấn đề gây tranh cãi là thế nào là thu nhập của gia đình? Làm sao để xác định được 6%? Và vấn đề là giao cho các tỉnh, các sở đưa ra các quy chế thì mỗi tỉnh sẽ có các quy chế khác nhau. Đấy là một bài toán mà cho đến bây giờ có rất nhiều người phản đối nhưng chưa ai đưa ra được cách giải quyết. Cũng có những ý kiến cho rằng học phổ thông là phải được miễn phí hoàn toàn. Bài toán thứ hai là vấn đề minh bạch hoá trong chi tiêu giáo dục cũng có nhiều rắc rối. Bộ Giáo dục Đào tạo nói rằng trong 20% Ngân sách của Nhà nước đưa vào cho giáo dục, thì các Bộ khác hoặc các địa phương nắm 91%, còn trên Bộ chỉ có 9%, và cũng không có bất cứ một cơ chế nào ràng buộc rằng Bộ phải được báo cáo về tất cả các thông tin ấy. Hôm nay, chúng tôi muốn phỏng vấn ông tập trung vào hai bài toán đang gây tranh cãi này của ngành giáo dục.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Có mấy lý do khiến vấn đề này gây tranh cãi. Thứ nhất là ở Việt Nam trong chiến tranh, trong những lúc khó khăn nhất của đất nước học sinh không phải đóng tiền học, thậm chí kể cả sinh viên đại học, 70-80% sinh viên đại học vào thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất vẫn được học bổng, mặc dù được ít. Ví dụ, học bổng của tôi thời sinh viên là 15 đồng nhưng trong đó thì tiền ăn đã là 12 đồng, còn tất cả các tài liệu giáo khoa gần như là được bao cấp. Đấy là sinh viên, còn học sinh thì chưa bao giờ có khái niệm đóng học phí cả. Từ năm 1945 đến giờ là hơn 60 năm, phải nói rằng 80% khoảng thời gian đó chúng ta được bao cấp và điều đó đã trở thành một thói quen trong tiềm thức của ông bà, cha mẹ học sinh. Bây giờ tất cả những tiềm thức ấy thức dậy và nó khiến người ta đặt ra câu hỏi: Tại sao hơn 20 năm rồi chúng ta mở cửa, chúng ta phát triển kinh tế tới 7%, 9% một năm mà bây giờ bỗng nhiên chúng ta lại phải đóng học phí? Chính thói quen được bao cấp kéo dài quá lâu đã trở thành căn cứ số một để tất cả mọi người có một thái độ không đồng thuận với Bộ giáo dục về việc buộc phải đóng học phí cho học sinh phổ thông. Thứ hai là học sinh phổ thông ở các trường công trên thế giới hầu hết là không phải đóng học phí, vì thế cho nên không có lý do gì ở một nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa, nơi nhà nước là công cụ rất mạnh được dành mọi sự ưu tiên để điều phối đời sống xã hội kể từ mặt vật chất trở đi, mà học sinh phổ thông bỗng nhiên lại phải đóng học phí. Thứ ba là sau hơn 20 năm đổi mới - mở cửa, cùng với phát triển kinh tế, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn, tức là xã hội phân hoá càng ngày càng lớn, do đó đưa ra bất kỳ tiêu chuẩn gì mà không nghiên cứu cẩn thận đều dễ gây chia rẽ xã hội, nhất là vấn đề liên quan đến học phí, liên quan đến học sinh, đối tượng cần phải được đối xử bình đẳng nhất.
Cho nên, vấn đề ở đây không phải là đóng học phí hay không mà vấn đề là chúng ta phải tìm một lối thoát để tạo ra sự đồng thuận giữa xã hội với nhau và sự đồng thuận giữa xã hội với nhà nước trong những vấn đề liên quan đến trẻ con. Đưa ra vấn đề học phí như hiện nay thì dứt khoát là xã hội bị chia rẽ. Việc đóng 300 - 500 nghìn tiền học một tháng cho con mình đối với một người có thu nhập mấy chục triệu một tháng chẳng có ý nghĩa gì, và thái độ không thấy có nghĩa gì khi đóng 300 - 500 nghìn của một số ít cha mẹ được đem đặt cạnh sự vất vả của 80 - 90% số cha mẹ còn lại khi lo đóng tiền học cho con mình sẽ làm chia rẽ xã hội. Cái dở của Bộ Giáo dục Đào tạo là đưa ra một chính sách mà không tính đến hậu quả xã hội của nó. Khi không phân tích được hậu quả xã hội của chính sách thì không có bất kỳ chính sách nào trên thực tế có giá trị tích cực được, và cuối cùng, người ta đành phải đưa ra một giải pháp là bắt buộc phải làm, ai có con cũng phải làm, nghèo hay giầu cũng phải làm và thế là nó gây chia rẽ xã hội. Tất cả những sự chia rẽ do khoảng cách giàu nghèo trong đời sống xã hội sẽ tập trung trở thành những yếu tố để chia rẽ nhà nước và xã hội. Đấy là hậu quả chính trị của những chính sách không xét đến, không chiếu cố đến, không phân tích đến hậu quả xã hội.
Nói tóm lại, có bốn lý do cơ bản: Thứ nhất là tình trạng được bao cấp, được hưởng lợi miễn phí về giáo dục trong một thời gian quá dài và trong điều kiện đất nước khó khăn; Thứ hai là tình trạng quốc tế về bao cấp học phí đối với giáo dục phổ thông; Thứ ba là khoảng cách giàu nghèo; Và cuối cùng, còn một vấn đề nữa là sự chia rẽ giữa học sinh ngay trong lớp học. Thời tôi đi học thì học sinh trong lớp chia rẽ theo kiểu con các nhà lãnh đạo hay các cán bộ có chức có quyền một chút thì chiếm một ưu thế tinh thần trong một cộng đồng mà con nhân dân là đông hơn. Tuy nhiên, đấy chỉ là chia rẽ tinh thần thôi và phải nói rằng các nhà lãnh đạo vào thời điểm ấy khá gương mẫu, mặc dù họ cũng phải lo cho con, họ cũng có những đặc quyền đặc lợi, nhưng thái độ xã hội của họ vào thời điểm ấy khiêm tốn hơn thái độ xã hội của những người có tiền hoặc người có chức quyền bây giờ rất nhiều. Cho nên, phải nói rằng bốn yếu tố như vậy dồn Bộ giáo dục và Đào tạo vào thế trở thành đối tượng chỉ trích. Bởi vì không còn đối tượng nào, diễn đàn nào để chỉ trích cả, cho nên Bộ Giáo dục đào tạo buộc phải đứng ra hứng chịu dư luận thôi.
Bộ Giáo dục Đào tạo nói rằng chúng tôi nắm có 9% còn 91% là các cơ sở nắm, như vậy đấy là một sự phân bố quyền lực không thoả đáng giữa cơ quan quản lý trung ương của ngành giáo dục với các cấp cơ sở. Và khi anh không có quyền lực thì anh dễ bị chỉ trích. Phụ huynh học sinh không dám chỉ trích nhà trường đâu, bởi vì không ai lại đối mặt với những kẻ nắm sinh mạng của con mình cả. Trong khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể nắm sinh mạng của từng đứa trẻ một được, cho nên Bộ phải chịu đựng sự bực bội của xã hội đối với vấn đề chưa giải quyết nổi là vấn đề học phí. Xưa nay, chúng ta vẫn nói là các mô hình nhà nước như chúng ta là những công cụ cơ bản để điều hoà quyền lợi xã hội mà một trong những quyền lợi quan trọng nhất cần phải điều hoà trong đời sống xã hội chúng ta chính là giáo dục. Vậy tại sao chúng ta không dồn một ít tiền thoả đáng vào để điều hoà phúc lợi giáo dục trong khi chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư một cách rất lãng phí vào các loại công trình, các loại đối tượng khác ngoài giáo dục? Người ta buộc phải đặt câu hỏi ấy.
Bây giờ người ta chỉ mới đặt ra câu hỏi ấy với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thôi, người ta sẽ còn tiếp tục đặt câu hỏi ấy đến Thủ tướng nữa. Vậy thì thái độ của chính phủ đối với vấn đề điều phối các phúc lợi giáo dục là thế nào? Nhân dân là người đóng thuế và chính phủ là người điều hoà tất cả các khoản đầu tư lấy từ nguồn thu thuế ấy, vậy thì chính phủ phải điều hoà cả đầu tư vào khu vực giáo dục cho thoả đáng. Có lẽ do sự sốt ruột nào đó mà chúng ta không nhìn thấy giáo dục là một trong những vấn đề quan trọng số một của chương trình phát triển quốc gia và chúng ta vẫn đi tìm các nguồn tài chính dễ dãi dựa vào quyền lực nhà nước, do đó đưa ra giải pháp rất đơn giản là thu học phí. Nếu chúng ta cân đối chi tiêu ngân sách quốc gia thoả đáng dựa trên sự xác nhận một cách đầy đủ tầm quan trọng của khu vực phúc lợi giáo dục thì chúng ta sẽ không đặt ra vấn đề thu học phí mà chúng ta sẽ điều hoà ngay thu nhập quốc gia cho vấn đề giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề giáo dục và đào tạo cũng không đơn thuần chỉ là chuyện chi phí cho học sinh. Bao nhiêu năm nay chúng ta không xem cơ sở hạ tầng của đời sống giáo dục là gì, chúng ta hiện đại hoá tất cả mọi thứ có thể hiện đại hoá được nhưng không hiện đại hoá giáo dục. Cho nên các bạn nói vấn đề không giải quyết được thì tôi đồng ý với tư cách là hiệu trưởng một trường phổ thông, nhưng tôi không đồng ý với tư cách là Thủ tướng chính phủ. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể điều hoà được nếu chúng ta xem giáo dục là quan trọng và nếu chúng ta không sốt ruột.
Hỏi:Có một số người đưa ra ý kiến là dành 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục là quá cao. Ông có nghĩ rằng việc người ta điều phối một khoản ngân sách như thế cho giáo dục là cao không?
Trả lời:Tôi không nghĩ 20% là cao hay thấp. Với một quốc gia chưa làm gì cho giáo dục cả thì 20% là thấp. Còn với một quốc gia đã đầu tư đầy đủ vào cơ sở hạ tầng giáo dục, một quốc gia mà mức sống của các gia đình phát triển cao thì 20% là thừa. Ở đây vấn đề không phải là con số mà là đòi hỏi phải trả nợ cho lịch sử các sai lầm của các quan niệm về tổ chức hệ thống giáo dục và phúc lợi giáo dục. Đừng nhìn tỷ lệ theo một con mắt thông thường. Ở những xã hội mà tỷ lệ sự chú ý chính trị vào từng đối tượng đã được xác lập bởi các quyền xã hội, tức là xã hội ấy tương đối cân bằng và tương đối tự do thì nó khác. Ở đây không có sự cân bằng ấy, sự chú ý chính trị của hệ thống chính trị đối với giáo dục không phải lúc nào cũng liên tục và không phải lúc nào cũng đúng tỷ lệ như vậy. Cho nên trong khi chúng ta nợ quá khứ không biết bao nhiêu, nhất là ở một quốc gia có một thời kỳ chiến tranh rất dài nữa thì chúng ta không nên xem 20% hay 10% là đủ. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải kiểm điểm lại, phải xác lập lại xem chúng ta nợ quá khứ cái gì trong việc phát triển hệ thống giáo dục.
Hỏi: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với câu trả lời đó. Nhưng khi ông nói đến sự phân bố quyền lực không đều giữa cơ quan quản lý trung ương và các cơ sở trong ngành giáo dục thì nó lại liên quan đến vấn đề khác là xã hội ngày càng đòi hỏi Bộ giáo dục phải buông bớt quyền lực ra và giao cho các cơ sở giáo dục. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Trả lời:Về chuyện buông bớt quyền lực thì tôi đồng ý, nhưng không thể buông bớt quyền kiểm soát về tính ngay thẳng trong chi tiêu của hệ thống giáo dục. Bởi vì chúng ta chỉ có một cách kiểm soát bằng tiền, tước cái đó tức là tước quyền lực và anh không kiểm soát được. Chúng ta không kịp xây dựng một hệ thống các nguyên tắc để kiểm soát mà không cần qua tiền. Xã hội chúng ta đang cần tiền, chỗ nào cũng cần tiền, chúng ta bí đến mức phải đưa ra cả những chuyện như cổ phần hoá các trường đại học, như vậy tức là chúng ta rối loạn giải pháp, bởi vì chúng ta không xây dựng nổi một nền văn hoá quản lý, ít nhất trong hệ thống giáo dục. Chúng ta làm cho tất cả các cấp giáo dục không còn tôn trọng danh dự nữa, bởi vì khi đói kém quá thì danh dự trở thành thứ yếu. Chỉ khi nào bị lên án trực tiếp thì người ta mới bắt đầu cãi rằng như thế là xúc phạm, nhưng mà sự xúc phạm trong im lặng thì rất phổ biến. Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng trong các vấn đề về cải cách giáo dục ở nước ta, vấn đề cơ bản không phải là học phí mà là phải nhận thức về sự thiếu hụt của sự chú ý có chất lượng chính trị đến sự nghiệp giáo dục. Và phải nói rằng, khi không lấy con người làm trung tâm của mọi chương trình phát triển thì đương nhiên chúng ta sẽ bỏ sót đối tượng yếu nhất trong xã hội là trẻ con.
Tôi không tin rằng giải pháp học phí tìm kiếm được bất kỳ sự đồng thuận nào, cho dùng có dùng bất cứ mẹo gì. Lý do thứ nhất là chúng ta đã có một lịch sử ngay trong nghèo khổ trẻ con cũng được bao cấp học phí; thứ hai là chúng ta có một thực tế về tình trạng miễn học phí đối với giáo dục phổ thông ở hầu hết các quốc gia trên thế giới; thứ ba là do những chính sách xã hội kém cho nên sự phân hoá xã hội, khoảng cách giàu nghèo lớn đến mức động chạm đến tiền túi của những người nghèo là trở thành những cú nổ về chính trị hoặc xã hội; và cuối cùng chúng ta chia rẽ trẻ con ngay trong học đường. Với quan niệm học phí như thế này, chúng ta không những mất uy tín đối với lịch sử, mất uy tín đối với quốc tế, mà chúng ta còn chia rẽ xã hội và chia rẽ cả xã hội tương lai. Không thể xem xét, không thể bàn và không thể tiến hành bất kỳ mức độ nào chính sách thu học phí của học sinh phổ thông.
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ InvestConsult Group "Tôi làm hết sức mình để "giải độc cho thế hệ trẻ". Tôi cũng là một người cha. Tôi đã nghĩ nhiều để thế hệ trẻ, thế hệ con tôi bước vào cuộc đời với tư cách những người tự do, những người không nhiễm độc, không định kiến, những người có tầm nhìn hình nan quạt chứ không phải cái nhìn trên một đường thẳng. Xét cho cùng, mục tiêu của con người là sống chứ không phải làm việc. Hiện nay ngành giáo dục đang dạy trẻ con sai, làm con cháu chúng ta thi rất giỏi, nhưng làm thì rất kém. Có những người làm rất giỏi, nhưng sống thì tồi. Còn công việc sắp tới của tôi là thuyết phục các nhà lãnh đạo về những vấn đề sống còn của đất nước. Tôi không phải là người đối lập, nhưng đem những ý kiến của mình thuyết phục người khác thì tôi làm không mệt mỏi." |
Vậy chúng ta giải quyết chuyện này như thế nào? Nhà nước phải ưu tiên chuyện lập các trường tư, và cần lưu ý là trường tư chứ không phải trường bán công hay trường dân lập, tất cả những thuật ngữ ấy nói cho cùng chỉ là những thuật ngữ có tính chất mát-xa. Chúng ta phải gọi đích danh đấy là những trường tư thục và phải có luật giáo dục tư thục để kiểm soát chất lượng của mọi thứ liên quan đến khu vực này. Vì chúng ta phải giải quyết bài toán phân biệt giàu nghèo, cho nên con em của những người giàu có cần được đưa vào một khu vực để chúng không trở thành sự khiêu khích, sự trêu ngươi và không khoét sâu khoảng cách giàu nghèo làm phân hoá xã hội. Đấy là bài toán chính trị chứ không chỉ là bài toán học phí giáo dục. Ở trường tư thì người ta phải thu phí, nhưng thu phí cũng phải theo luật và phải có luật riêng về giáo dục tư thục, còn trường công là miễn phí. Vậy vấn đề đặt ra là giáo viên trường công và giáo viên trường tư sẽ có mức sống khác nhau. Ở trường tư là phải cạnh tranh, phải giành giật học sinh, bởi vì khi bỏ tiền ra cho con em mình đi học thì phụ huynh có quyền lựa chọn, và đã có quyền lựa chọn thì tự nhiên xuất hiện nhu cầu cạnh tranh. Khu vực tư thục là khu vực sẽ có sự cạnh tranh ráo riết và do đó nó sẽ lôi kéo giáo viên có chất lượng tốt, và phải nói thẳng là ở đâu trên thế giới này trường tư cũng tốt hơn trường công về chất lượng. Đấy là một thực tế mà chúng ta phải thấy trước chứ không rồi lại lên án nó. Đương nhiên giáo viên của trường công sẽ nghèo hơn và thiệt thòi hơn, nhưng ít nhất về phương diện vĩ mô chúng ta không phải đối mặt hàng ngày với sự khó chịu do sự va chạm giữa con nhà giàu và con nhà nghèo, con ông lớn và con dân thường mang lại.
Chúng ta phải thừa nhận một thực tế là có phân hoá xã hội, có khoảng cách giàu nghèo và chúng ta tìm cách để hạn chế nguy cơ dẫn đến xung đột của nó chứ chúng ta chưa đủ năng lực để giải quyết khoảng cách giàu nghèo. Chúng ta không thừa nhận thực tế cho nên không giải được bài toán này. Nếu chấp nhận khu vực giáo dục tư thì toàn bộ 20% ngân sách mà nhà nước dành cho giáo dục sẽ thuộc về khu vực giáo dục công và chúng ta tạm dừng ở mức phổ thông đã. Và tôi nghĩ rằng bất kỳ bậc cha mẹ nào, chỉ trừ không có tiền, còn thiếu một chút thì họ vẫn phấn đấu cho con đi học trường tư.
Muốn sử dụng khu vực tư thục để lôi kéo bớt, san sẻ bớt gánh nặng của chính phủ thì chính phủ phải hỗ trợ khu vực tư hai điều: Thứ nhất, không có nhà đầu tư tư nhân nào có đủ tiền mua đất xây trường học cả, cho nên đất là phải được bao cấp. Trong khi các trường công được bao cấp cả đất lẫn trường học, học phí, học bổng thì khu vực tư nên được bao cấp về đất, còn cơ sở vật chất thì họ phải tự lo, và đấy là việc của họ chứ không phải việc của nhà nước. Thứ hai là hệ thống chính trị của chúng ta không được kỳ thị trường tư, thậm chí phải ca ngợi nó để khuyến khích những người có tiền đưa con mình ra khu vực ấy để làm giãn bớt sự đông đúc trong khu vực công. Đây là một chương trình xã hội chứ không phải là chương trình học phí. Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra chính sách học phí là trên cơ sở không thừa nhận những thực tế giáo dục, thực tế chính trị mà tôi đã phân tích ở trên, và như vậy tức là không có giải pháp.
Hỏi: Vấn đề Bộ giáo dục đưa ra không chỉ là vấn đề học phí mà học phí là cái trọng tâm bị mọi người chỉ trích. Cái mà Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo đưa ra Quốc hội là cơ chế tài chính cho giáo dục, trong đó có học phí, lương cho giáo viên và các vấn đề tài chính khác, nhưng học phí là vấn đề được quan tâm nhất. Theo ông liệu có thể nhìn nhận như thế này: học phí thấp cũng có thể gây nên sự bất công, lâu nay với học phí thấp như thế thì người giàu là người được bao cấp nhiều nhất, mà đáng ra người giàu phải nộp nhiều tiền hơn?
Trả lời: Một người lãnh đạo một nền công nghiệp chiếm dụng hàng chục triệu thành viên tham gia không thể cân đối theo logic mà bạn vừa nói được, đấy là cân đối theo kiểu hàng xén. Chính sách vĩ mô phải được quan niệm, phải được xây dựng trên những yếu tố vĩ mô chứ không phải trên cơ sở tìm kiếm sự công bằng lặt vặt. Không thể khoét sâu cái khoảng cách giàu nghèo như thế được, tất cả những phân tích như vậy chỉ đẩy xã hội đến chỗ rắc rối hơn mà thôi. Vì chúng ta giáo dục là để phục vụ xã hội, để tạo ra một xã hội tốt đẹp, một xã hội hoà hoãn, một xã hội tử tế, cho nên phải có biện pháp thông minh chứ không phải là đi xem xét sự công bằng giống như chia thịt ở thời bao cấp. Khu vực tư và khu vực công cần phải được phân biệt rõ ràng với những bộ luật giáo dục rõ ràng. Ở những nước như nước Anh có tới hai Bộ giáo dục, giáo dục tư và giáo dục công, chúng ta chỉ có một Bộ cũng được nhưng phải có hai bộ luật điều chỉnh đối với hai khu vực ấy một cách rõ ràng, tránh sự va chạm giữa người giàu và người nghèo. Hệ quả xã hội của việc làm rõ chuyện ấy là mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy thất thiệt về sự nghèo khổ và phấn đấu vươn lên. Tất cả những chuyện tính toán lặt vặt ấy người giàu cũng không quan tâm đến. Nếu đem chuyện ấy nói với người giàu thì họ sẽ nói rằng chúng tôi có quan tâm đến chuyện ấy đâu, các anh không biết quản lý cho nên chúng tôi vô tình được hưởng đấy chứ. Khi cân đối những vấn đề vĩ mô của đời sống chính trị thì chúng ta phải tư duy trên cơ sở các yếu tố vĩ mô chứ không phải tư duy trên cơ sở chia thịt. Tôi nhớ trong truyện của Ngô Tất Tố có tả về việc chặt mỏ gà, nếu tư duy theo kiểu là mỗi một bát phải có một mảnh mỏ gà thì chia ngang không được mà phải chia dọc. Thế giới người ta đã làm chán rồi, chúng ta không phải mất công sáng tạo cái gì cả, chúng ta chỉ mất công để khắc phục những hậu quả cá biệt của một miền địa lý chậm phát triển là Việt Nam thôi.
Tôi có tiếp xúc với một quan chức cao cấp hàm phó thủ tướng của chính phủ một bang ở nước Úc, đấy là một người thuộc Công đảng, ông ấy không thích trường tư. Thấy học sinh trường tư đi ngoài đường tự do nhảy múa ông ta nói với tôi rằng đấy chính là sản phẩm của các quan niệm giáo dục tư. Tâm lý ấy có trong mọi nhà chính trị ở mọi quốc gia nhưng họ vẫn phải chấp nhận. Chúng ta cũng buộc phải chấp nhận điều ấy. Biết đâu học sinh trường công dễ trở thành nhà chính trị hơn, dễ làm quan hơn thì sao, bởi vì các em sống với số đông và sống với những điều kiện phổ biến của xã hội và do đó có kinh nghiệm của đời sống phổ biến. Và biết đâu các em con nhà giàu thì sống cô lập trong những trường sang trọng và trở thành những cậu ấm và không vừa lòng ai cả thì sao? Chỉ đến khi xã hội phát triển đến mức mà người ta thấy rõ ưu thế thực sự nằm ở đâu trong sự phát triển chung của xã hội thì lúc bấy giờ người ta mới tìm được đến những yếu tố công bằng chi ly như vậy, còn bây giờ thì chưa.
Hỏi:Phân tích của ông cho thấy nếu bây giờ chúng ta đẩy mạnh khu vực tư thục thì sẽ gỡ được vấn đề học phí. Giả sử chúng ta bắt tay vào làm việc đó thì chúng ta phải đối mặt ngay với những khó khăn gì?
Trả lời: Chúng ta đã làm đâu mà biết sẽ đối mặt với khó khăn nào. Toàn bộ khu vực tư trên thế giới đều phát triển một cách ghê gớm với một tốc độ ghê gớm. Một lần hình như tôi đã kể với các bạn ở Vietnamnet việc tôi đến xin học cho con tôi ở một trường tư thục cách thành phố Oxford mấy chục cây số. Đấy là một trường tư có những cánh rừng, bãi cỏ, sân thể thao đẹp như ở xứ sở thần tiên. Bà hiệu trưởng trường ấy trả lời tôi rằng "Thưa ông, tôi rất tiếc không thể giúp gì được ông bởi vì trường của tôi đã hết chỗ cho đến năm 2020 rồi. Ở trường chúng tôi, có những cặp vợ chồng vừa mới cưới nhau đã đến đăng ký học cho con rồi". Chúng ta hãy làm như thế đi thì tự nhiên chúng ta sẽ thấy công bằng xã hội. Chúng ta không phải bao cấp một xu nào cho những người có thu nhập cao và chúng ta yên tâm những đối tượng nằm trong khu vực công là những đối tượng xứng đáng và đủ điều kiện được hưởng sự bao cấp của xã hội, hay nói cách khác, đó là sự san sẻ có chất lượng phúc lợi đối với khu vực công.
Hỏi: Hiện nay ở bậc tiểu học, chúng ta cũng có những trường tư đấy chứ?
Trả lời: Đấy là lỗ chỗ và những trường tư ấy không được quản lý bằng một bộ luật nghiêm túc, cho nên chất lượng xã hội, chất lượng chính trị, chất lượng giáo dục không bình đẳng. Và vì chúng ta không phân biệt khu vực công và khu vực tư một cách công minh cho nên chúng ta không điều phối lực lượng được. Chúng ta buộc phải tuân thủ các quy luật tự nhiên của đời sống, chúng ta phải tổ chức hệ thống dịch vụ giáo dục trong bối cảnh thừa nhận thực tế khách quan, nhưng chúng ta lại chối, chúng ta chỉ thừa nhận trên lý thuyết chứ không thừa nhận trên thực tế, vì thế chúng ta không có giải pháp thực tế.
Ví dụ, trong nhiều trường tư ở châu Âu, người ta áp dụng chính sách công dân cộng đồng châu Âu khi vào học chỉ nộp tiền học phí bằng 1/5 hay 1/7 so với công dân các nước bên ngoài. Trong khi một đứa trẻ người Anh hoặc người Pháp đến Anh học chỉ phải đóng 1.000 Bảng thì con tôi phải đóng 7.000 Bảng, và tôi buộc phải chấp nhận và chấp nhận một cách rất vui vẻ. Vui vẻ vì thứ nhất, với tư cách là một người cha, tôi có đóng góp đồng nào để xây dựng cộng đồng châu Âu đâu mà tôi được hưởng chính sách ưu đãi, tôi không thể lấy cái mà tôi không có, đấy là một cách lấy trộm công khai; thứ hai, quan trọng hơn là đối với công dân một nước chưa phát triển lắm thì để chen chân vào đấy không có ưu thế nào bằng ưu thế nộp tiền cả, chất lượng đâu đó thôi nhưng có đủ khả năng đóng học phí thì được vào học. Thế nên mới có chuyện các trường học quyến rũ học sinh Việt Nam không phải là các trường tư mà là các chương trình từ thiện của các trường tư hoặc các chương trình tư của các trường công, tức là các trường công cũng có những dịch vụ tư thục thu phí thấp dành cho những lớp người không giàu lắm ở những quốc gia như chúng ta.
Cho nên, xã hội luôn luôn có những phản ứng phù hợp với chính sách để tận dụng các chính sách ấy, và chúng ta phải xem đấy là sự thông minh của xã hội chứ không phải là lên án và chống lại những phản xạ như vậy. Khi đã có thời gian để những chuyện như vậy hình thành rõ, chúng mới bắt đầu uốn nắn luật lệ để điều hoà các quyền lợi xã hội. Bản chất của chính sách vĩ mô là điều hoà các quyền lợi của xã hội chứ không phải là áp đặt một trật tự mà mình muốn.
Hỏi: Những câu chuyện trong giáo dục cứ mỗi một lần đưa ra bàn đều không có đầu có cuối, bởi vì người ta không biết giải quyết từ đâu. Có nhiều người đưa ra giải pháp là phải thay đổi tận gốc, phải có sự quan tâm từ Nhà nước, từ Chính phủ chứ không phải chỉ cấp Bộ hoặc các cơ sở. Nhưng trong khi những vấn đề cốt lõi chưa thay đổi được thì người ta vẫn phải tiếp tục làm, vẫn phải thông qua các chính sách như vậy. Có nghĩa là các chính trị gia, các nhà nghiên cứu cứ tranh cãi với nhau về mặt quan điểm, tư tưởng, còn ngày hôm nay, ngày mai con tôi vẫn đi học và tôi vẫn chấp nhận những quy định ấy?
Trả lời: Đương nhiên, có những việc còn tệ hơn cả việc chấp nhận đóng học phí vì con mà người ta còn phải chấp nhận nữa là. Ví dụ bỗng nhiên sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội thì có vô lý không? Vô lý nhưng vẫn phải chấp nhận, mà chấp nhận chẳng vì cái gì cả, vậy tại sao việc này là vì con mình mà mình lại không chấp nhận? Mọi cái đều phải chấp nhận, nhưng đừng tưởng khi người ta chấp nhận thì anh có lợi. Khi người ta chấp nhận thì anh được cái sự chấp nhận, nhưng anh sẽ gặt hái toàn bộ hậu quả của sự chấp nhận như vậy và cái đó nặng nề lắm. Có lẽ các nhà lãnh đạo chưa hình dung ra tai họa của sự chấp nhận của xã hội đối với những sai trái và bất hợp lý.
Hỏi: Những tai họa của sự chấp nhận trong giáo dục có lẽ còn tệ hơn bởi vì ngay cả những người chấp nhận họ cũng không hiểu rằng họ đang dấn thêm vào một hậu quả xa hơn. Một câu hỏi đặt ra là nếu như người ta vẫn trông chờ vào việc Nhà nước phải thay đổi, hoặc ít nhất là Bộ giáo dục phải thay đổi, tức là thay đổi từ trên xuống, nhưng sự trông chờ ấy có lẽ là quá lâu , vậy liệu có cách thay đổi nào đó từ dưới lên không?
Trả lời: Không.
Hỏi: Như vậy có nghĩa là câu chuyện gần như đi vào bế tắc?
Trả lời: Không phải là gần như mà là nó đã đi vào trung tâm của sự bế tắc rồi. Lý do rất đơn giản là chúng ta không có xã hội dân sự, cho nên Nhà nước là người chịu trách nhiệm duy nhất, toàn diện và tuyệt đối mọi vấn đề. Nếu họ không thay đổi thì xã hội vẫn phải chấp nhận, nhưng nó sẽ bế tắc, chẳng có lối thoát nào khác cả. Thừa nhận xã hội dân sự chính là nền tảng để thành lập khu vực giáo dục tư thục.
Chúng ta đã lùi để tôn trọng một khu vực kinh tế tư nhân, nhưng chúng ta hạn chế nó, chúng ta làm cho nó trở nên yếm khí và nó chỉ ngo ngoe thế thôi. Chúng ta không dám thừa nhận khu vực tư nhân về giáo dục có nghĩa là chúng ta không chấp nhận một sự đào tạo phi tiêu chuẩn chính trị trong sự nghiệp đào tạo con người. Và tôi xin nói lại là không thể xây dựng được khu vực tư nhân nếu không có tự do trong giáo dục. Chúng ta vẫn muốn khu vực giáo dục công là chủ đạo, giống như trong đời sống kinh tế, khu vực kinh tế nhà nước là chủ đạo. Chúng ta tìm mọi cách hạn chế khu vực tư và khi đã hạn chế khu vực tư thì người ta bỏ khu vực tư để đi tìm lối thoát sang khu vực công, vì thế cho nên Hà Nội vẫn đông người trong khi đường Trường Sơn thì chẳng có xe cộ nào qua lại. Nếu khuyến khích khu vực tư phát triển thì chúng ta có thể dành toàn bộ 20% ngân sách cho giáo dục để xây dựng khu vực giáo dục công và chúng ta sẽ không thể tưởng tưởng được hiệu quả của nó. Bởi vì sự sang trọng của khu vực tư nó sẽ lôi kéo, nó sẽ làm khu vực công cảm thấy bị xúc phạm, và khu vực công sẽ vận động mọi cách để tìm được sự ưu tiên để cho nó cân bằng, và như vậy tức là xã hội tự nhiên tạo ra sự cạnh tranh.
Hiện nay xã hội không có yếu tố cạnh tranh mà chỉ có yếu tố cãi cọ, mà cãi cọ và cạnh tranh là khác nhau. Chúng ta thấy rằng tất cả các chính sách của Bộ giáo dục và đào tạo hiện nay đều bị các chuyên gia phản đối, nhưng tôi cho rằng đây không phải là mặt trận của các chuyên gia. Vì sao? Vì bản chất của cải cách giáo dục là quy hoạch xã hội chứ không phải tranh cãi về sách giáo khoa hoặc chương trình, mà quy hoạch xã hội chính là quy hoạch chính trị. Quy hoạch chính trị trong lĩnh vực này là thừa nhận khu vực tư giống như khu vực tư trong đời sống kinh tế, và phải thừa nhận một cách thật sự chứ không phải chỉ để cho thiên hạ nhìn vào thấy mình cũng có khu vực tư.
Hỏi: Thừa nhận khu vực tư tức là thừa nhận môi trường cạnh tranh và chấp nhận thị trường hoá giáo dục?
Trả lời: Cạnh tranh và thị trường hoá là hai khái niệm khác nhau. Có thời kỳ chúng ta đã thay thế cạnh tranh bằng thi đua xã hội chủ nghĩa. Cạnh tranh minh bạch hơn thi đua xã hội chủ nghĩa, bởi vì thi đua xã hội chủ nghĩa là hoạt động nội bộ và người ta có thể ngáng chân nhau trong cùng một đơn vị. Cạnh tranh đòi hỏi các đơn vị phải thống nhất thì mới thắng được kẻ khác, tức là ít nhất nó nới rộng ranh giới của sự đoàn kết nội bộ. Thi đua xã hội chủ nghĩa là anh ganh đua với nhau ở trong một đơn vị cơ sở, bởi vì lao động tiên tiến là người ta tặng cho từng người, tiền thưởng là phát cho từng người, tăng lương từng người, và do đó chúng ta nới rộng phạm vi xung đột quyền lợi đến từng cá nhân một, cho nên dễ gây chia rẽ. Còn cạnh tranh thì buộc các tổ chức, các đơn vị phải cạnh tranh với nhau và các đơn vị sẽ tạo ra một xã hội có vẻ không thống nhất, nhưng ít nhất nó tạo ra được các phần tử thống nhất trong xã hội. Xã hội mà trở thành thống nhất một khối là xã hội chết, vì thế cho nên người ta luôn luôn đi tìm kiếm sự thống nhất trong một đơn vị xã hội chứ không ai đi tìm sự thống nhất trong toàn xã hội cả. Cho nên khi chúng ta thảo luận về đồng thuận xã hội mà chúng ta muốn có một xã hội luôn luôn hoà thuận với nhau thì xã hội ấy là xã hội chết. Đồng thuận xã hội, hay là đoàn kết xã hội chỉ trên từng vấn đề thôi chứ không phải trong toàn bộ cuộc sống.
Cho nên tôi xin nhắc lại rằng, bài toán học phí không giải quyết được trong điều kiện của nước CHXHCN Việt Nam. Còn nếu giải quyết nó thì tôi nói thẳng là Nhà nước có thể sẽ mất toàn bộ uy tín trong xã hội. Bởi vì cuối cùng toàn bộ tài nguyên, toàn bộ nhân lực, toàn bộ ngân sách, mọi thứ đều thuộc về anh cả, nhưng đến giáo dục thì nhân dân phải bỏ tiền. Chúng ta cải cách tiền lương, chúng ta mới chỉ tăng 100.000 đồng mà chúng ta đã có mấy nghìn tỷ thâm hụt ngân sách hoặc nới rộng ngân sách, cho nên chúng ta buộc phải thu tiền học. Tức là chúng ta cho tiền vào túi bố mẹ ở bên phải và lấy ra ở túi bên trái. Mỗi một lần lưu chuyển như vậy tiền tệ mất đi 10 - 15% nữa do tham nhũng.Tiền tệ càng lưu chuyển qua nhiều khâu lặt vặt bao nhiêu thì tỉ lệ mất mát càng lớn bấy nhiêu, giống như hiện tượng truyền tải điện. Tôi chắc chắn rằng vấn đề học phí nếu không cẩn thận sẽ là một trận Điện Biên Phủ trên quy mô toàn quốc gia.
Hỏi: Thực ra trong giáo dục, câu chuyện nào cũng đang kéo dài bất tận, không có kết thúc. Nếu như đưa ra một hướng đi là cổ vũ cho khu vực tư thục phát triển thì nó lại động chạm đến cuộc tranh cãi là có thị trường giáo dục hay không, chúng ta có kinh doanh, có thu lợi bằng giáo dục hay không?
Trả lời: Đấy là những câu hỏi ngớ ngẩn. Cái gì cũng có chất lượng thị trường cả, nhưng nhớ một điều là chất lượng thị trường chứ không phải thị trường. Tại sao? Chúng ta có một nền kinh tế thị trường, nền kinh tế sẽ mua một tài nguyên, một phương tiện vô cùng quan trọng là con người, vậy thì sản phẩm giáo dục tự nhiên có chất lượng thị trường, tức là nó là thị trường phái sinh chứ không phải bản chất của nó là thị trường. Nhiệm vụ quản lý nhà nước trong chuyện này là biến nó trở thành một thị trường lành mạnh nhất trong tất cả các thị trường có trên đất nước của chúng ta.
Hỏi: Sẽ có hai vấn đề. Một là chúng ta có chịu thừa nhận sự thực hay không và thứ hai là nhiều người luôn luôn bảo vệ quan điểm giáo dục là phi lợi nhuận và rất dị ứng với chữ kinh doanh và thu lợi trong giáo dục. Theo ông giải quyết những vấn đề ấy như thế nào?
Trả lời: Giáo dục không phi lợi nhuận, nhưng giáo dục cũng không xem lợi nhuận là cái duy nhất. Sản phẩm giáo dục mà đẫm chất lợi nhuận thì bao giờ cũng tồi, và sản phẩm tồi thì không bán được. Tại sao chúng ta lại lo cái việc mà bản thân đời sống tự nhiên nó sẽ điều phối? Anh cứ có lời nhiều đi, anh cứ chạy theo lợi nhuận đi, anh thu lợi nhuận nhiều thì sản phẩm của anh tồi, mà sản phẩm của anh đã tồi thì anh không bán được và anh sẽ sụp đổ. Tại sao chúng ta lại lo hộ những người đứng ra đầu tư vào giáo dục cái chuyện ấy? Câu chuyện nó bùng nhùng là vì anh nói thế nhưng anh không nghĩ thế, anh sợ người khác thu lợi mà anh không thu được bởi vì anh bất tài. Điều đấy phản ánh tâm trạng đố kỵ của một bộ phận xã hội và sự thiếu tầm nhìn của số đông xã hội. Nếu giáo dục mà biến lợi nhuận trở thành yếu tố duy nhất và quan trọng nhất thì sản phẩm của nó không bán cho ai được. Các bậc cha mẹ sẽ cho con sang trường khác học ngay. Nếu chỉ có một trường tư thì họ không cho con mình đi đâu được, nhưng nếu có 10 trường tư thì người ta sẽ chuyển ngay con mình sang trường khác và trong 10 trường ấy, rất có thể 6 trường sẽ không có học sinh.
Hỏi:Trong cuộc tranh luận cách đây vài tuần, nhân cuộc khủng hoảng người ta bàn đến chuyện cổ phần hoá trường học và bàn rộng ra vấn đề là có chấp nhận cho thu lợi trong giáo dục không, có chấp nhận thị trường giáo dục hay không. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Trả lời:Bây giờ tôi hỏi các bạn là ai sẽ làm những việc không thu lợi? Người ta vẫn nhầm lẫn giữa thu lợi và kinh doanh. Làm Bộ trưởng có thu lợi không? Mà thu lợi như một Bộ trưởng thì có gọi là kinh doanh Bộ trưởng không? Có nhiều thứ thu lợi và thu lợi trong những mức độ khác nhau của cuộc sống là rất khác nhau. Khái niệm thu lợi cũng là một khái niệm rất phát triển và rất biến động. Đừng sợ xã hội ngu ngốc, lúc nào cũng bám lấy tiền. Đến một lúc nào đó xã hội sẽ không còn xem những người nhiều tiền là những người đáng tôn trọng nhất nữa, chỉ có những người nghèo, đói khi đến xin việc thì khúm núm thôi nhưng sự khúm núm lúc ấy và cái họ nghĩ trong đầu là khác nhau. Trình độ văn hoá của một ông chủ giàu có ở mức thấp như thế nào, lúc này có thể người ta không nhận ra, nhưng cùng với thời gian, cùng với sự phát triển cá nhân, người ta sẽ nhận ra.
Những sự phát triển của quy luật tâm lý như vậy là tự nhiên, chúng ta không thể lo hộ tự nhiên được mà phải đón lõng nó để cung cấp dịch vụ cho sự phát triển của nó. Và ở địa vị của chính phủ, tôi không nghĩ cần làm gì hơn ngoài việc xây dựng khu vực giáo dục tư để giảm ùn tắc trong khu vực giáo dục công, giống như việc chúng ta xây dựng một số đô thị vệ tinh cho Hà Nội để giảm tình trạng tắc nghẽn cho Hà Nội. Đấy là cái duy nhất cần nghĩ và cần làm bây giờ, còn học phí là chuyện lặt vặt, và nhất là đừng bao giờ đưa vào thảo luận những chuyện như làm thế thì người giàu được bao cấp hơn. Tôi là một người cũng có tiền, tôi không bao giờ quan tâm đến chuyện bao cấp cả. Anh không có chính sách nào khác thì tôi đành phải nhận cái sự bao cấp của anh. Chúng ta thấy là bây giờ ở Mỹ các ngân hàng thi nhau trả lại tiền vay cho Chính phủ. Người làm kinh doanh bao giờ cũng muốn đi tìm cái quyền tự quyết, quyền tự do của người ta, vạn bất đắc dĩ chính phủ cứu họ thì họ phải chấp nhận, nếu không thì họ chết, nhưng họ không chết nữa thì họ trả lại chính phủ. Chỉ có những nhà kinh doanh lười biếng hoặc quá nghèo khó thì mới thích được bao cấp mãi thôi. Nhưng cái quá trình ấy cũng không lâu đâu, đến một lúc nào đó, họ sẽ trả lại nhà nước những gì nhà nước đã cấp cho họ trong quá khứ để làm chủ trọn vẹn sự nghiệp của mình. Sớm hay muộn điều ấy cũng phải xảy ra, nhất là trong khu vực giáo dục và đào tạo, bởi đấy là khu vực đầy rẫy những người có học vấn và do đó khu vực ấy sẽ thức tỉnh sớm nhất về quyền tự quyết của nó.Nỗi lo sợ lớn nhất của những người lãnh đạo ở chúng ta không phải là sợ xã hội đẽo mình mà là sợ xã hội không thèm đẽo mình nữa.
Hỏi:Câu chuyện của ông gợi ra vấn đề khác nữa, đó là trong khi hệ thống luật giáo dục của chúng ta còn yếu thì có những cơ sở cấp bằng nước ngoài ở Việt Nam, ví dụ như RMIT, họ thu tiền và hoạt động bên ngoài sự quản lý Bộ giáo dục, họ chỉ chịu sự quản lý của Bộ Nội vụ, Bộ Công thương. Ông thấy vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Nếu thế thì Bộ Giáo dục Đào tạo sinh ra không phải để lo sự nghiệp giáo dục mà lo thu phí, vậy ghép Bộ giáo dục vào Bộ tài chính có hơn không? Đấy là một ví dụ điển hình, một ví dụ tìm ra lối thoát cho ngành giáo dục Việt Nam. Cho nên tôi nói rằng họ không sợ kẻ đẽo mình mà sợ nhất là kẻ không thèm đẽo mình. Bởi vì kẻ đẽo mình thì mình biết nó đẽo được bao nhiêu và do đó biết nó có bao nhiêu để kiểm soát, còn kẻ không thèm đẽo mình thì nó kiếm ở đâu, làm thế nào để kiểm soát nó? Bộ Giáo dục Đào tạo không thể có kinh nghiệm kiểm soát tài chính bằng Bộ Tài chính được, vậy thì tốt nhất là sáp nhập Bộ Giáo dục Đào tạo vào Bộ Tài chính, nếu như Bộ Giáo dục Đào tạo không yên tâm khi người ta thu phí bên ngoài sự kiểm soát của mình.
Hỏi:Chuyển sang một vấn đề khác, theo ông vấn đề minh bạch trong giáo dục phải dựa trên những nguyên tắc nào?
Trả lời: Nhiều nguyên tắc lắm. Chúng ta không có một xã hội minh bạch nên việc minh bạch hoá ngành giáo dục và đào tạo là không thể làm được. Cho nên tôi nói rằng tôi thương những người làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo là vì thế. Không minh bạch ở những chỗ khác thì sự động chạm quyền lợi cũng ít vì đấy là của chùa, nhưng trong ngành giáo dục đào tạo thì nó động chạm trực tiếp đến tiền túi của người dân, cho nên ngành giáo dục đào tạo là ngành đối mặt thật sự và trực tiếp đối với những cơn giận xã hội. Trong những điều kiện hiện nay thì không thể minh bạch được. Tại sao không minh bạch được? Bởi vì nền văn hoá lương thấp, thu nhập thấp đang khống chế toàn bộ đời sống chính trị và xã hội của Việt Nam.
Hỏi:Nhưng trong khi người ta chưa thể có một sự minh bạch toàn diện được thì cũng phải có những bước tiến dần dần đến sự minh bạch?
Trả lời:Đương nhiên. Đấy là lộ trình minh bạch hoá dần dần, nhưng nó phải phù hợp với nhịp điệu thừa nhận sự minh bạch như một tiêu chuẩn của xã hội, nó không tiên phong được. Bộ Giáo dục Đào tạo đã phạm phải một sai lầm khi tiên phong trong việc nói không với cái này, nói không với cái kia. Bằng giả, điểm giả là bản chất của nền văn hoá giáo dục trong nửa thế kỷ của chúng ta, và khi bộc lộ nó thì không chỉ bộc lộ chất lượng học sinh mà bộc lộ chất lượng của cả hệ thống nhà nước, bởi vì bằng cấp của khoảng 50 - 60% những quan chức đương quyền bây giờ là đều giả giả, thật thật. Gọi là giả thì cũng không đúng mà gọi là thật thì cũng không đúng, cho nên tôi gọi là giả giả, thật thật. Thế thì bây giờ nói không thế nào được? Bộ trưởng vừa mới nói không thì ở ngay vụ quản lý đại học ở bên cạnh, cách phòng Bộ trưởng có mấy phòng thôi người ta đã làm bậy rồi.
Hỏi: Trong khi chúng ta chưa thể kỳ vọng vào việc minh bạch hoá thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Trả lời: Trong buổi nói chuyện với sinh viên trường Luật, tôi có nói một câu: "Bản chất của việc hội nhập là xây dựng nhà nước pháp quyền". Tôi không định nói với sinh viên bởi vì họ nghe câu ấy là không hiểu, nhưng tôi vẫn nói, lý do rất đơn giản là tôi muốn nói với đối tượng khác. Xây dựng nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ duy nhất, cơ bản nhất trong giai đoạn hiện nay và cái đó sẽ gỡ tất cả những khó khăn mà tất cả quan chức chính phủ đều vướng phải. Nếu chúng ta đau răng chữa răng, đau mắt chữa mắt, chúng ta cứ đi chữa vặt như vậy thì không thể khỏi được căn bệnh rối loạn này.
Tôi đang định viết một bài về vai trò của Tỉ lệ và Nhịp điệu trong việc xây dựng các chính sách điều hành xã hội. Xã hội chúng ta không có tỉ lệ, chân phải dài hơn chân trái, tay thì dài hơn chân, chúng ta không xác lập được tỉ lệ và chúng ta cũng không xác lập được nhịp điệu. Sự mất cân đối về tỉ lệ dẫn đến không ổn định, sự mất cân đối về nhịp điệu dẫn đến rối loạn. Vừa không có điều kiện để ổn định, vừa không có điều kiện để phát triển, đấy là bản chất của xã hội chúng ta. Tất cả những chuyện tranh cãi hiện nay như tranh cãi về thu học phí là không có giá trị gì cả, bởi vì nó không đi đến đâu. Không thu phí thì không phát triển sự nghiệp giáo dục được vì không có tiền, nhưng mà tiền thu rồi có còn hay không, được dùng vào việc gì không ai biết được. Chúng ta rót nước một cách tích cực vào cái thùng có những lỗ thủng mà chúng ta lờ đi, không dám nhìn vào nó. Chúng ta biểu diễn sự tích cực của việc rót nước để hoàn thành nhiệm vụ rót nước, nhưng chúng ta không vá cái đáy thùng lại. Trong câu chuyện này, người dân không là gì ngoài vai trò là chúng tôi nói cho các anh gật cho xong chuyện. Người dân không phải là một tham số gì thật quan trọng trong tất cả các quyết định hoặc các vấn đề đang được đặt ra hiện nay.
Hỏi: Ví dụ nếu đưa ra hướng cổ vũ khu vực trường tư thì chúng ta phải làm những việc gì?
Trả lời: Vấn đề đấy tôi đã in thành sách rồi. Trong cuốn sách Bàn về cải cách và sự phát triển tôi viết rằng có bốn cuộc cải cách cơ bản, trong đó cải cách giáo dục là trung tâm. Ví dụ, mỗi một tỉnh hiện nay đều có năm bảy khu công nghiệp, nhưng không có khu giáo dục đào tạo. Phải quy hoạch đất đai dành cho giáo dục và đào tạo với một chế độ thuê đất dài hạn và ưu đãi cho tất cả những ai có gan đầu tư vào khu vực giáo dục và đào tạo. Người ta sẽ bỏ tiền đầu tư vào giáo dục nếu người ta có được một ưu tiên ban đầu nào đấy.
Hỏi: Đánh giá lại hiện trạng những trường tư đã có lác đác trong xã hội, kể cả những cơ sở của nước ngoài như RMIT, ông thấy thế nào?
Trả lời: Tôi thấy rằng những trường như trường RMIT là một bằng chứng, một ví dụ rất thú vị về các trường tư thục. Và hôm qua trên đài truyền hình cũng đưa chuyện ông hiệu trưởng mới trả lời phỏng vấn, ông ấy nói rằng chúng tôi cần đầu tư. Nhưng họ cần đầu tư chứ không phải cần kinh doanh cái đầu tư ấy. Người ta có thể sử dụng phương thức quản lý của một công ty đối với một trường đại học chứ không biến một trường đại học trở thành một công ty. Xã hội chúng ta hiểu đơn giản, hiểu rất sơ cấp cho nên chúng ta cứ đồng nhất giữa quản lý theo phương thức công ty với một công ty. Thậm chí có thể quản lý một chính phủ theo phương thức công ty, nhưng không thể biến chính phủ thành công ty được.
Chúng ta cần phải xây dựng một tỉ lệ rất quan trọng và cái tỉ lệ ấy phải được xây dựng bởi Bộ chính trị, đó là khu vực tư trong giáo dục chiếm bao nhiêu phần trăm, khu vực công chiếm bao nhiêu phần trăm. Và sự cân đối phải dựa trên cơ sở khoa học là khu vực công giải quyết được bao nhiêu phần trăm để giáo dục cho ra tấm ra món, cho tử tế, để cho lương thưởng giáo viên tốt hơn bằng tỉ lệ ngân sách được phân bố cho đầu tư giáo dục.
Còn nữa là để cho xã hội làm thông qua khu vực tư và phải có luật giáo dục tư thục rõ ràng. Đương nhiên trường tư và trường công phải thống nhất với nhau về chất lượng của những nội dung giáo dục bắt buộc, tức là giáo dục tối thiểu, ngoài ra giáo dục tư còn có nhiều nghĩa vụ nữa, ví dụ dạy người ta sống, dạy người ta phong cách, dạy người ta cách hùng biện, dạy người ta cách thuyết phục, dạy người ta cưỡi ngựa, lái xe v.v.. Tôi mất tiền cho con tôi đi học, nó học cũng không phải giỏi lắm nhưng tôi biết rằng chất lượng con người của nó tốt. Ví dụ, biết vào Nhà hát Lớn thì không mặc áo phông, biết đi đánh golf thì không được ngại cúi xuống nhặt quả bóng, biết vào sân golf không nói to, không cười lớn, biết tắt chuông điện thoại khi ngồi trong nhà hát. Vậy thì đấy có phải là kết quả của giáo dục không? Biết không nói đến màu da, bởi vì phân biệt chủng tộc, phân biệt màu da là một trong những khuyết tật lớn nhất và đáng ghê tởm nhất của con người, biết không vứt rác ra đường, biết tôn trọng môi trường, biết yêu súc vật v.v., những thứ biết ấy quan trọng lắm. Chúng ta mới chỉ dạy Toán thôi, chúng ta chưa dạy làm người. Khu vực tư có những điều kiện để làm như thế.
Để gửi một đứa trẻ ra nước ngoài học phải mất 10.000 đô la, thế thì tại sao không học ở Việt Nam với giá 2000 đô la để tiết kiệm được 8000 đô la nếu như chương trình giáo dục của các khu vực tư thục biết dạy những điều như vậy? Nền văn hoá của chúng ta có rất nhiều điều đáng ngưỡng mộ nhưng chúng ta không làm cái gì để nói về nó. Chúng ta mang khoe những điều chúng ta không có nhưng những điều chúng ta có thì chúng ta không biết. Chúng ta nhầm lẫn giữa lòng yêu nước và căm thù giặc, chúng ta nhầm lẫn nhiều khái niệm và điều đó làm cho chúng ta ngày càng xa con người. Giáo dục là gì? Giáo dục là thúc đẩy con người để nó càng ngày càng người hơn. Giáo dục xong mới đến đào tạo, nếu không giáo dục thì đào tạo là vô ích. Có biết bao nhiêu tên tội phạm tin học trên đời này là những kẻ giỏi tin học hơn rất nhiều những quan chức cao cấp trong các hãng? Chúng ta dạy một học sinh có kỹ năng giỏi mà không dạy làm người thì tức là chúng ta huấn luyện thêm tội phạm. Vậy ai sẽ đối mặt với những tội phạm có bản lĩnh và có kinh nghiệm ấy? Chính phủ. Nếu chính phủ cứ tiếp tục như thế này thì tức là chính phủ đang gieo gió, còn gặt bão lúc nào thì chưa biết được bởi vì chính phủ dường như cũng không lường được sau gió sẽ có bão.
Xin cảm ơn ông!
Phản hồi của độc giả
Họ và tên: Nguyễn Đức Thuần
Địa chỉ: 18T1/1705 Trung Hoà Nhân Chính
Email:[email protected]
Tôi tán thành quan điểm của chuyên gia tư vấn Nguyễn Trần Bạt và đề xuất thêm định hướng tăng nguồn đầu tư cho giáo dục:
Tăng học phí để tăng đầu tư cho giáo dục hay là tăng nguồn thu cho giáo dục và đào tạo mới là hướng đi đúng, phát huy tiềm năng to lớn của bản thân ngành giáo dục và của cả xã hội cho giáo dục. Nếu nghĩ đến tăng học phí dù tăng có lộ trình để có thêm kinh phí nâng cao chất lượng giáo dục tưởng chừng như cần và hợp lý để phát huy sức mạnh của nhân dân đóng góp cho giáo dục v.v., nhưng theo tôi là chưa đúng hướng. Nên tăng đầu tư cho giáo dục theo những hướng tích cực nhất phát huy tiềm năng của chính ngành giáo dục và của toàn xã hội. Theo định hướng này ban đầu sẽ gặp khó khăn nhưng buộc phải tìm mọi cách mà thực hiện mới có hiệu quả lâu dài và còn có khả năng tiến lên bền vững nhất. Đó là:
1) Phải làm thế nào để chính các ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực sự chăm lo đầu tư cho giáo dục, thực hiện giáo dục là quốc sách hàng đầu của chính mình. Hiện nay có hiện tượng nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển người lại ra “hội chợ việc làm” tuyển chọn kiểu ăn sẵn, có đến đâu, cần đến đâu thi tuyển, thường không đáp ứng, phải đào tạo bồi dưỡng thêm. Làm thế nào để chính các đơn vị này có tầm nhìn chủ động đầu tư vào con người dài hạn hơn, lo xa hơn, thực sự tham gia vào quá trình giáo dục hướng nghiệp, tham gia thực sự vào quá trình đạo tạo, tổ chức thực hành thực tập để có được “sản phẩm đào tạo ra” đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu phát triển sản xuất dịch vụ của chính mình trước mắt cũng như lâu dài. Nên chăng nhà nước yêu cầu họ phải có quỹ đầu tư vào đào tạo bồi dưỡng và nhà nước có thể cho vay với lãi xuất thấp nhất để khuyến khích việc làm này rồi khấu hao trừ dần sau. Nói cách khác là cơ sở có nhu cầu tuyển dụng phải chăm lo và nhà nước tích cực hỗ trợ.
2) Nhà nước tạo điều kiện vật chất để các nhà trường tích cực tổ chức cho thầy trò nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới thực hiện học tập kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động sản xuất ra hàng hoá vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, lại tự tạo ra nguồn kinh phí còn đầy tiềm năng vô hạn này đang bị coi nhẹ, cũng có thể nói là lãng quên, lãng phí lớn. Trong những năm trước đây, thực tế đã xuất hiện nhiều trường thông qua thực hành, tổ chức kết hợp học tập với lao động sản xuất và đã có kết quả tạo thêm nguồn kinh phí cho nhà trường cải thiện đời sống, phục vụ địa phương, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Tiềm năng này của các nhà trường rất to lớn, cần phải biết tổ chức, phát huy. Bằng phương thức đào tạo kết hợp với lao động sản xuất, nhiều cơ sở dạy nghề đã đào tạo miễn phí. Đây là một hướng đi phát huy nội lực, giảm học phí phải đóng góp của người học.
3) Xã hội hoá giáo dục có mức độ phát triển phù hợp: Hãy xem một số trường tư thục, phát huy tiềm năng của một số người có điều kiện đầu tư cho giáo dục, kết hợp việc đóng góp có thể chấp nhận của gia đình người học, tuy có cao hơn một chút so với trường công lập nhưng lại yên tâm không phải lo đi học thêm, có khi còn tốn kém, mất thời gian hơn. Nhà nước nên nghiên cứu, giúp đỡ để từng bước phát triển loại mô hình trường này.
Họ và tên: phan ha van
Địa chỉ: hai phong
Email:[email protected]
Tôi hoàn toàn nhất trí ý kiến của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, vì đúng như vậy "không phải mất công sáng tạo" vì các nước trên thế giới, kể cả những nước xung quanh nước ta họ đã đi trước ta rất nhiều với nền giáo dục cực kỳ phát triển. Nếu 70%-80% dân số nước ta sống ở nông thôn với thu nhập thấp liệu con em họ có điều kiện học tập khi học phí cao nhưng không biết có chất lượng tốt không, mặc dù xã hội có thể cho vay nhưng định mức vay chỉ đủ đóng học phí và một chút nhỏ để sinh hoạt, với thu nhập như vậy thì đến bao giờ mới có thể trả nợ. Chưa nói tới việc sau khi học xong xin việc. Việc đầu tư cho giáo dục và khám chữa bệnh dưới chế độ ta là một việc cần làm, là bản chất tốt đẹp của chế độ mà các cấp lãnh đạo cần nhìn nhận vì nó ăn sâu vào tiềm thức chính trị của mỗi công dân kể từ khi đất nước giành được độc lập. Do vậy phải tiến tới giáo dục công lập là miễn phí, đồng thời khuyến khích hỗ trợ giáo dục tư, nhưng không như kiểu ý tưởng của một ai đó dự định cổ phần hoá trường học để có một kiểu giáo dục khác tất cả các nước trên thế giới mới là độc đáo.
Họ và tên: Dương Minh
Địa chỉ: 317 Nguyễn Thị Minh Khai, Tp. Quy Nhơn
Email:[email protected]
Bài viết của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đáng để cho những người có trách nhiệm, không chỉ những người đang quản lý ngành giáo dục suy nghĩ và nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục Viêt Nam và tìm một lối thoát chiến lược cho giáo dục. Không thể lẩn quẩn việc tiền nong mà để ngành giáo dục ngày càng xuống cấp. Bất cứ hoạt động nào của xã hội cũng vậy, nếu thiếu cạnh tranh sẽ không có động lực phát triển. Quyền lực của nhà nước là làm sao cho các cuộc cạnh tranh nằm trong một trật tự và kiểm soát được. Tôi tán đồng quan điểm của ông, lối thoát cho giáo dục Việt Nam là hệ thống trường tư. Nhà nước đã có chính sách xã hội hóa giáo dục rồi. Nhưng chế độ ưu đãi chưa kích thích những nhà đầu tư lắm. Không có gì lo ngại là trường tư sẽ tăng học phí vô tội vạ, hoặc kém chất lượng, chạy theo lợi nhuận... Nhà đầu tư giáo dục đủ khôn ngoan để biết mình phải làm gì để tồn tại và phát triển trong một thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh. Nguyên tắc giản đơn đối với nhà kinh doanh là làm sao chất lượng cao, giá cả rẻ và đem lại lợi ích cả hai phía.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành