Những thay đổi trong quan niệm về phát triển
Mặt tiêu cực lớn nhất của phát triển chính là sự cạn kiệt tài nguyên. Cùng với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp là sự nhanh chóng lỗi thời của các sản phẩm công nghiệp. Tất cả các sản phẩm ấy lại đều được lấy ra trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong nền kinh tế tư bản, để tăng nhanh vòng quay của vốn, người ta phải tiêu thụ nhanh chóng, phải phá huỷ nhanh cái cũ để tiêu thụ những sản phẩm mới. Trong nền kinh tế tập trung, việc thiếu những nhân tố kích thích cạnh tranh khiến cho việc đổi mới công nghệ và hợp lý hóa sản xuất gần như bị lãng quên. Cả hai xu hướng trên đều dẫn đến hậu quả là sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Thực tế cho thấy, một số quốc gia chạy theo những chỉ tiêu đã được lên kế hoạch và bằng mọi cách đạt mục tiêu đó. Những chỉ số tăng trưởng như thế thực chất chỉ là những chỉ số phản phát triển, cho thấy sự lãng phí năng lượng và nhiên liệu rất lớn. Có thể lấy Trung Quốc làm ví dụ. Nhiều người lo ngại rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng "nóng" như hiện nay thì sẽ đưa nền kinh tế nước này đến sự bùng nổ. Hơn nữa, sự phát triển kinh tế đi kèm với sự lạc hậu về chính trị, về công nghệ, về hoạt động tổ chức nhà nước có ý nghĩa phá hoại rất lớn, tức là biến những nguyên liệu có chất lượng cao thành những sản phẩm không dùng được. Chúng tôi cho rằng, đó là bản chất của toàn bộ sự phá hoại các nguồn năng lượng sống. Với một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc, quy mô phá hoại ngày càng lớn, nguy cơ biến những cơ sở vật chất, những nguồn năng lượng sống trở thành phế phẩm ngày càng lớn. Tóm lại, sự khai thác một cách thái quá những tài nguyên thiên nhiên hữu hạn mang giá trị vĩnh cửu để chế ra những sản phẩm có giá trị nhất thời, ngắn hạn nhờ sử dụng những thành tựu nhanh chóng của khoa học công nghệ, là sự mất cân đối khủng khiếp đối với đời sống và tương lai của nhân loại.
Ô nhiễm môi trường là hậu quả lớn thứ hai do phát triển lấy mục tiêu tăng trưởng gây ra. Hàng trăm triệu chiếc xe hơi, hàng ngàn nhà máy nhiệt điện đang ngày đêm thiêu đốt nhiên liệu, làm cho lượng CO2 trong khí quyển tăng lên, gây ra hiệu ứng nhà kính. Nạn phá rừng đang làm trái đất bị sa mạc hóa với tốc độ đáng lo ngại. Rừng bị tàn phá khiến lụt lội xảy ra thường xuyên hơn. Hàng triệu tấn dầu mỏ, hóa chất độc hại đang ngày đêm theo sông ngòi đổ vào đại dương. Những kho chất thải hạt nhân nằm âm ỉ trong lòng đất mà cho đến nay con người chưa biết làm cách nào để xử lý được. Khí hậu trái đất nóng lên đang làm tan băng trên hai cực, kết quả là nước biển dâng lên, nhấn chìm hàng triệu héc-ta đất ven biển. Không thể kể hết những tai họa mà ngành công nghiệp của con người đã gây ra cho chính con người. Nếu nhìn nhận một cách khách quan chúng ta phải thấy rằng dường như sự phát triển vừa qua đem lại nhiều tai họa hơn là lợi ích.
Bất bình đẳng trên quy mô thế giới là mặt tiêu cực khác không thể không nhắc đến của sự phát triển không kiểm soát. Sự đổi mới kinh tế cho phép những nước phát triển trước chiếm hữu được nhiều lợi nhuận hơn trong quan hệ kinh tế thế giới. Chính những nước giàu nắm quyền chi phối giá cả và những quy định trên thị trường thế giới. Không những thế, sự bất bình đẳng còn thể hiện trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù về mặt hình thức, các quốc gia có cơ hội như nhau trong việc khai thác vùng biển quốc tế và khí quyển. Nhưng trên thực tế những đội tàu đánh cá và vận tải của vài nước giàu đang chi phối gần như toàn bộ các đại dương. Các nhà máy, xí nghiệp và xe cộ của những nước ấy cũng đang xả ra một lượng khí độc nhiều gấp hàng trăm lần các nước nghèo. Phần lớn lợi nhuận từ sự khai thác và sử dụng tài nguyên thuộc về các nước giàu, nhưng nạn ô nhiễm môi trường lại là vấn đề chung. Sự bất bình đẳng trên quy mô thế giới như vậy tất yếu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, đến chiến tranh và tình trạng khủng bố...
Cuối cùng, sự suy thoái văn hóa là kết quả không thể tránh khỏi của những mục tiêu phát triển ngắn hạn. Việc tôn sùng các chỉ tiêu vật chất, bỏ qua hoặc không đánh giá đúng vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đã dẫn đến rất nhiều vấn đề xã hội. Ở nhiều nước công nghiệp phát triển tình trạng chung là sự đổ vỡ của gia đình và các quan hệ xã hội truyền thống. Vật chất càng dồi dào con người dường như càng cô đơn. Tâm lý chán chường, bất ổn và thiếu phương hướng hết sức phổ biến trong lớp trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà càng ngày ở phương Tây người ta càng nói nhiều đến xu thế trở về với truyền thống. Đó là sự trở về đúng đắn, tuy rằng cũng đã khá muộn màng.
Những vấn đề phát sinh buộc con người phải nhìn nhận lại mục tiêu của sự phát triển. Nếu như chúng ta cứ tiếp tục lấy tăng trưởng làm mục tiêu của phát triển, chúng ta sẽ phá vỡ sự cân bằng của trái đất, và không chỉ trên khía cạnh sinh thái, sự mất cân bằng sẽ làm kiệt quệ tiềm năng của tương lai. Con người cần phải chững lại để nhìn nhận lại, và chúng tôi cho rằng con người đã bắt đầu nhìn ra vấn đề.
Trên thế giới hiện nay người ta đã đưa ra một vài khái niệm, định nghĩa mô tả sự phát triển, tuy nhiên một định nghĩa thống nhất và hoàn chỉnh về sự phát triển vẫn chưa được ngã ngũ. Tôi cho rằng, sự phát triển là trạng thái cho phép chúng ta thỏa mãn những nhu cầu tốt đẹp của con người. Ở đâu con người có năng lực nhận thức tốt hơn, có năng lực và điều kiện hưởng thụ tốt hơn, có điều kiện để tư duy một cách tự do và sáng tạo hơn, có sức cạnh tranh tốt hơn, tóm lại, ở đâu con người cảm thấy hạnh phúc thì ở đó có sự phát triển. Phát triển, suy cho cùng, chính là sự tăng trưởng những giá trị của con người chứ không phải là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là một yếu tố để biểu thị - có lẽ là tập trung nhất - năng lực thỏa mãn nhu cầu của con người, nhưng không phải là tất cả. Khi người ta cố gắng để có được sự tăng trưởng bằng mọi giá thì đó chỉ còn là cuộc chạy đua giữa các nhà chính trị. Chúng tôi cho rằng, sự phát triển chân chính là những khả năng, năng lực và những thành tựu do con người tạo ra chứ không phải là kết quả của những biến hóa chính trị, của sự thống kê mang tính chính trị.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta, nhất là những quốc gia đang phát triển, từ bỏ tăng trưởng trong quá trình phát triển của mình. Bởi vì dù sao thì tăng trưởng cũng vẫn là cơ sở vật chất của sự phát triển. Điều chúng ta cần tránh là sự theo đuổi thái quá mục tiêu tăng trưởng. Chúng ta cần hoạch định quy mô của sự tăng trưởng. Loài người cần đạt được những khế ước liên quan đến việc khai thác tài nguyên. Điều này ngày càng trở nên bức bách và quan trọng hơn bao giờ hết. Chính vì thế, tôi cho rằng trước khi tiến tới một chiến lược phát triển cho tương lai, loài người cần phải xây dựng được những tiêu chuẩn văn hóa chính trị chung toàn cầu. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất mà những người đại diện cho các quốc gia phải có được là ý thức về những lợi ích và những vấn đề toàn cầu. Nếu không, những người đại diện ấy sẽ dẫn dắt quốc gia của mình tham gia một cách tích cực vào quá trình phá hoại điều kiện sống chung của toàn nhân loại.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng