Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
Hồng Thanh Quang: Theo anh, lễ hội ở Việt Nam hiện này là nhiều hay là ít?
Nguyễn Hòa:Nhìn vào con số hơn 8.000 lễ hội (trong đó có hơn 88% lễ hội dân gian, hơn 4% lễ hội lịch sử, hơn 6% lễ hội tôn giáo, còn lại là lễ hội khác hoặc được du nhập) thì đúng là quá nhiều. Cũng nên chú ý, lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa xuân, và mọi người thường quan tâm tới các lễ hội lớn.
Như chúng ta đã thấy, các năm gần đây, đời sống tâm linh ở nước ta ngày một sôi động, nhiều màu sắc và thêm sức hấp dẫn đối với nhiều tầng lớp nhân dân. Bây giờ thì không ai cảm thấy lạ lùng trước cảnh đám đông tập hợp la liệt cả ngoài đường trước chùa Phúc Khánh ở Hà Nội mỗi dịp rằm tháng Giêng để hóng lễ dâng sao giải hạn. Hay các lễ hội dân gian tràn trề hơi thở nguyên thủy với các cuộc vật lộn, tranh cướp lộc luôn thu hút đông đảo nam phụ lão ấu tới thưởng lãm hay trực tiếp tham gia…Rồi các trích đoạn hầu đồng bây giờ thường xuyên được tổ chức cả trên vỉa hè trong cái gọi là khu phố cổ Hà Nội mỗi dịp cuối tuần… Với tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa, anh lý giải sao về việc này?
- Người quan tâm câu hỏi “ngày mai mình sẽ ra sao?” đều mong ước có cuộc sống tốt lành, gặp may mắn, tai qua, nạn khỏi… Với đất nước có nền văn hóa lúa nước lâu đời như Việt Nam, mong ước đó rất lớn. Mùa xuân mở đầu năm mới, vạn vật sinh sôi nảy nở, đây là thời điểm con người tiến hành những nghi lễ thể hiện ý nguyện với đối tượng được xem là có khả năng đáp ứng điều mong mỏi, từ đó các “lễ” ra đời; kết hợp với hoạt động ngoài lễ là “hội”. Các lễ gắn với tín ngưỡng, tôn giáo thu hút công chúng có lẽ vì đưa ra được lý lẽ riêng, tạo niềm tin. Nói vắn tắt thì lý lẽ của “dâng sao giải hạn” là mỗi năm mỗi người đều có một sao chiếu mệnh, có sao tốt sao xấu, nếu gặp sao xấu thì phải cúng để “giải”. Hiểu biết về Phật giáo còn hạn hẹp, tôi vẫn tin giáo lý nhà Phật không có quan niệm về sao La hầu (hành kim), Thái dương (hành hỏa), Kế́ đô (hành thổ), Thái âm (hành thủy), Mộc đức (hành mộc), Thái bạch (hành kim), Thủy diệu (hành thủy),… Điều này làm tôi liên tưởng tới Đạo giáo hơn là Phật giáo, nếu liên tưởng của tôi đúng, thì việc nhà chùa thực hành nghi lễ Đạo giáo có trái khoáy không? Còn chen đẩy, dùng cả nắm đấm, cú đạp nhằm tranh cướp “lộc” thì không thể chấp nhận. “Cụ” nào có khả năng ban phúc lành hay ban lộc, chắc chắn sẽ không ban cho người giành giật thô bạo!
Không chỉ ở Việt Nam, mà trong lịch sử văn hóa nhân loại, sự ra đời của vô số tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hoạt động tôn giáo, trong đó có nhiều kiệt tác, nên có người cho rằng, nghệ thuật bắt nguồn từ tôn giáo. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa tín điều gợi ý tưởng hoặc nội dung tôn giáo tác phẩm chuyển tải, với lao động sáng tạo của nghệ sĩ. Từ góc nhìn này có thể khai thác và làm cho phần nghệ thuật của nghi lễ, nghi thức tôn giáo thành tác phẩm nghệ thuật độc lập. Tháng 9.2015 ở Paris, tôi xem một màn múa hát hầu đồng hấp dẫn do diễn viên Đoàn chèo Hà Nội biểu diễn. Người nước ngoài vỗ tay rào rào, hào hứng nhận món quà nhỏ do “cô đồng” phân phát rồi cho quà vào túi rất trịnh trọng. Tôi nghĩ là họ vừa được thưởng thức nghệ thuật, dù có thể không hiểu tác phẩm bắt nguồn từ đâu.
Có bậc tu hành cho rằng, Phật không dạy là phải làm lễ cúng sao giải hạn. Thế nhưng, mỗi dịp đầu năm không ít người hăm hở tiến hành nghi thức lắm khi rất tốn kém này. Người ta cho rằng, để có được một niềm tin, dù chỉ duy tâm, vào cái tốt đẹp thì giá nào cũng là chấp nhận được. Anh có đồng tình với quan điểm này không?
- Theo Hòa thượng Thích Thanh Tứ thì: “Trong sách của đạo Phật không nói về việc cúng sao giải hạn. Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình. Tục lệ này thành mốt là do hiện nay thầy cúng nhiều hơn thầy tu, thầy chùa nhiều hơn chân tu đó thôi”, điều này càng củng cố liên tưởng tôi trình bày ở trên. Tình trạng “hỗn dung tôn giáo” (chữ của GS Trần Quốc Vượng) ở Việt Nam dẫn tới một hệ quả là dường như có sự đan xen phức tạp trong hệ thống tín điều của tín ngưỡng, tôn giáo, nên khó nắm bắt tín ngưỡng, tôn giáo nào thực sự là thuần khiết như vốn có, phải có? Nếu đặt câu hỏi với ai đó rằng, tại sao đến chùa làm lễ “dâng sao giải hạn”, Hồng Thanh Quang không dễ tìm được câu trả lời có vẻ thuyết phục. Vả lại, khó phân biệt trong hàng vạn người chen chúc hành lễ, thì bao nhiêu người cầu mong sức khỏe, bình yên, mọi việc hanh thông, bao nhiêu người cầu xin nhằm chụp giật dễ dàng hơn, lừa đảo hiệu quả hơn, tham nhũng “gọn ghẽ” hơn!? Rốt cuộc, vấn đề là phản ứng của nhiều người trước sự bất an. Còn người đi lễ từ sự chi phối của thói thực dụng thì nên thông cảm. Khi nguồn gốc kinh tế - xã hội, nhận thức, tâm lý của tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn thì các yếu tố tác động niềm tin về sự may rủi vẫn tồn tại, để họ phung phí tiền bạc cầu may, tránh rủi. Chỉ có điều, không vì mục đích hẹp hòi mà làm ô uế “phong cảnh Phật”. Đáng tiếc càng gần đây, lễ hội càng trở nên đơn điệu, nhàm chán. Ngoài vài sự khác nhau về đối tượng hành lễ và nghi lễ, phần hội của nhiều lễ hội bây giờ na ná nhau, lễ hội trở thành cơ hội kinh doanh chụp giật hơn là tổ chức ngày vui.
Không chỉ ở nước ta mà cả ở một số nước khác cũng xuất hiện những cách lý giải mới về tôn giáo truyền thống. Ở Nhật chẳng hạn, chắc anh cũng biết, không những các nhà sư được phép lấy vợ mà hơn thế nữa, các nhà sư còn đang là đối tượng săn đuổi của một số thiếu nữ muốn lập gia đình. Ở ta thì ngày càng đông các ông sư chỉ ăn chay một cách hạn chế trong những ngày nhất định và thích đi theo sự chỉ dẫn của câu châm ngôn “không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”. Anh đánh giá thế nào về xu thế này?
- Tôi đã nghe kể chuyện có vị sư một tuần chỉ ăn chay mấy ngày, rồi sư uống rượu, ăn thịt chó,… nếu đúng vậy thì thật oái oăm. Còn trên báo chí, có thể đọc các bài Tậu được iphone 6 mới nhất sư thầy chơi trội khoe ngay trên Facebook, Nhà sư thừa nhận hình “nhạy cảm” là ảnh thật… Thậm chí youtube có videoclip nhan đề Cilp hot trên mạng nhà sư tu hành thời nay ăn chơi nhảy múa, Nhà sư thác loạn tại quán hát, Tuyển tập những sư thầy bá đạo,… không rõ sư thật hay sư giả mà không thấy đính chính. Lại nghĩ đến Hồ Xuân Hương với bài thơ Sư hổ mang! Tôi không biết điều Hồng Thanh Quang đề cập có phải là cố gắng thích nghi thời đại hay là sự thích ứng với bối cảnh xã hội mới, nhưng nhìn ra thế giới cũng có một số việc có thể khiến liên tưởng. Như tôi không hiểu vì sao trong tác phẩm Bụt trong ta, Chúa trong ta (Living Buddha, Living Christ), Sư ông Thích Nhất Hạnh viết: “Tôi thấy chúng ta phải quán chiếu mọi hành động và mọi lời dạy của Chúa Giêsu trong cuộc đời Ngài, như một mẫu mực để chúng ta tu tập... Giêsu không phải chỉ là Chúa của chúng ta. Ngài còn là Cha, là Thầy, là Anh, và là chính chúng ta... Nếu muốn sáng danh Chúa Giêsu chúng ta phải tập sống sâu xa, thương yêu và hành động bác ái. Ðạo, con đường, chính là Chúa chứ không phải là một vài ý Chúa nói ra”? Tôi cũng không hiểu vì sao Osho - người ở Việt Nam hiện có nhiều người học “thiền” theo ông, lại coi sex là bước đầu tiên trước khi thiền định (samadhi), như ông viết: “Con đường từ dục tới samadhi là con đường dài. Samadhi là mục tiêu tối thượng; dục chỉ là bước đầu tiên. Và tôi muốn chỉ ra rằng những người từ chối thừa nhận bước đầu tiên, người chỉ trích bước đầu tiên, thì thậm chí không thể nào đạt tới bước thứ hai được. Họ không thể nào tiến bộ được chút gì”? Nghĩa là có nhiều sự kiện, hiện tượng mới liên quan tín ngưỡng, tôn giáo đã nảy sinh, và dường như từ đó đã xuất hiện một số khác biệt so với một số điều đã có ở thời kỳ trước?
Lễ hội cướp Phết Hiền Quan huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: I.T)
Có lẽ chưa bao giờ công cuộc xây mới hay trùng tu các công trình tôn giáo lại diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam như trong những năm vừa qua. Hơn thế nữa, nhiều công trình mới xuất hiện lại rất nguy nga, choáng lộn, khác với quan niệm xưa là cần phải khiêm nhường, giản dị. Có người lý luận rằng, một khi các tín đồ ở nhà cao cửa rộng, sử dụng công cụ tân kỳ thì cũng nên thiết kế các công trình tương xứng làm nơi trú ngụ cho tôn giáo và tín ngưỡng. Thời nào thì đền chùa đấy… Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Năm 2010 đến Tây Ban Nha, Giáo hoàng Benedict XVI đã nói: “Sự đụng độ giữa đức tin và tính hiện đại đang lại diễn ra, và thời nay sự đụng độ này rất mạnh mẽ”. Khi cuộc sống còn khó khăn, ai đó quyết gạt sang một bên các ham muốn trần tục dành trọn đời cho đức tin cũng là điều bình thường, nhưng khi cuộc sống sung túc hơn, sẽ khó vượt qua các cám dỗ trần tục, theo tôi đó cũng là một yếu tố đẩy tới sự đụng độ. Đọc bài Trụ trì uống rượu Tây, nhắm tiết canh! trên tờ Lao Động, đến đoạn: “Rồi ông Miễn kể một loạt chuyện mà ông cho là tày đình ở chùa Phú Thị làng ông như các lối ăn chơi của sư trong cuộc sống hàng ngày, trong trưng bày phòng ốc không đúng với nơi tôn nghiêm cũng bị ông Miễn cực lực công kích. “Có lần tôi góp ý chuyện ăn nhậu quán xá, thịt thà chả ra người xả thân cầu đạo gì cả, sư bảo tôi: Các cụ cũng ăn, cháu không ăn thì cháu chết à”, ông Miễn nhấn mạnh” tôi phá ra cười. Câu trả lời của ông sư rất đúng với con người nói chung, nhưng liệu đó phải là lý lẽ của người nhà Phật đã “thoát tục”?
Những ngôi chùa to lớn, bề thế, những bức tượng Phật hoành tráng, đang trở thành niềm tự hào của một số địa phương và nhiều người ở nước Nam. Nhưng nghe người ta kể làm lễ ở chùa này chùa kia tốn mấy chục triệu đến trăm triệu mà thấy e ngại. Rồi nữa là sự tăng lên của hòm công đức! Hầu như đến chùa là phải đối mặt với hòm công đức không đặt ở cạnh cửa cũng đặt cạnh ban thờ. Cái hòm này như là “thước đo” thiện tâm trước Đức Phật! Người giàu có cúng dường còn ra một nhẽ, người nghèo túng vì tin theo Đức Phật mà đến chùa sẽ ứng xử sao đây, chẳng lẽ lại dửng dưng trước hòm công đức. Tôi nghĩ nếu Đức Phật biết được, thì với thiện ý của mình, chắc Ngài không nỡ để thiện nam tín nữ nghèo khó đem những đồng tiền vất vả kiếm được làm công đức với nhà chùa.
Anh có tin rằng những yếu tố mới, phần nhiều là du nhập từ nước ngoài, trong các công trình mới, đa số xa lạ với quan niệm truyền thống và hiện đang bị phê phán, chỉ trích từ một bộ phận những nhà chuyên môn nhưng theo dòng thời gian, có thể lại trở thành kinh điển?
- Đó là một khả năng, nhất là khi nhà chuyên môn lên tiếng cứ lên tiếng, việc nhà chùa thì nhà chùa cứ làm. Để rồi cùng với thời gian, cái việc “cứ làm” kia hằn in vào tâm thức của các thế hệ kế tục, đến lúc nào đó sẽ trở thành kinh điển!
Anh đã tới khu di tích Bái Đính chưa? Anh đánh giá thế nào về quần thể đang là niềm tự hào của đất Tràng An ấy?
- Hồi chùa Bái Đính mới còn đang là công trường ngổn ngang, đến công tác ở Ninh Bình, nghe mọi người nói tôi cũng tới xem, nhưng lại được dặn phải vào chùa Bái Đính cũ. Nhìn công trường ngổn ngang, đã có thể hình dung về sự hoành tráng. Song tôi chỉ lướt qua, mà vào chùa Bái Đính cũ. Đúng là một ngôi chùa Việt thuần nhất, thắp hương ở đó, tôi có cảm giác về sự an lành, linh thiêng. Sau khi chùa Bái Đính mới được khánh thành, tôi có đến thăm. Ai đó tự hào về những cái “nhất” của Bái Đính mới thì cứ tự hào, còn tôi đến đó chủ yếu vì tò mò, và không có cảm giác an lành, linh thiêng; dù nghe nói những bức tượng ở đây đã được “khai quang điểm nhãn”, “hô thần nhập tượng”…
Có người cho rằng cáp treo ở các di tích như chùa Hương, Yên Tử, một mặt giúp khách tham quan có thêm phương tiện thuận lợi để tới hành lễ nhưng mặt khác lại làm mất đi ý nghĩa ban đầu của các chuyến hành hương. Anh có đồng tình với ý kiến này không? Tại sao?
- Tôi đã leo chùa Hương, Yên Tử vài lần. Đoạn đầu háo hức, đoạn sau thì vừa đi vừa thở, chỉ mong có ai cùng đoàn nghỉ chân thì nghỉ theo. Nhưng khi nhìn thấy các cụ già cần mẫn leo từng bậc thang thì tôi xấu hổ quá, lại hì hục leo tiếp. Mỗi chuyến hành hương bằng đường bộ như thế có ý nghĩa riêng của nó, nên ai về cũng vừa hoan hỉ, vừa bở hơi tai. Giờ có cáp treo, nhưng không bắt buộc, ai muốn cáp treo cứ cáp treo, ai muốn leo trèo cứ leo trèo, mọi nhu cầu vẫn được đáp ứng, chỉ có điều đừng vì có cáp treo rồi mà không quan tâm bảo dưỡng đường bộ lên núi.
Những năm gần đây, một số hình thức hoạt động tâm linh đã và đang được xúc tiến để UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Liệu việc đó có làm cho chúng ta trở nên duy tâm hơn không? Và lợi hại thế nào từ câu chuyện này?
- Từ các tín ngưỡng sơ khai đến tôn giáo độc thần, con người đã trải qua quá trình rất dài trong nhận thức về thế giới và nhận thức về chính mình. Dẫu các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với niềm tin về thế lực siêu nhiên có khả năng chi phối con người thì vẫn phải thừa nhận một điều: dẫu quan niệm sơ khai hay có hệ thống giáo lý chặt chẽ thì cũng là sản phẩm văn hóa lịch sử của loài người, nên UNESCO coi đó là một bộ phận di sản văn hóa phi vật thể. Vấn đề cần quan tâm là có nên chi một kinh phí “khủng” để được công nhận theo lối “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, hay từ đó lại đánh thức, phục hồi một số hủ tục lỗi thời?
Cá nhân tôi nghĩ, những lễ hội dân gian trong cội nguồn của nó là nơi giúp con người “sạc” lại năng lượng nguyên thủy, một cách tiêm vắc xin để có được sức đề kháng đối với những điều xấu có thể xảy ra trong xã hội. Chính vì thế, nhìn từ “con mắt văn minh” thì không bao giờ hiểu được lý do tồn tại và thậm chí ngày càng được mở rộng của những lễ hội như thế. Cũng như sẽ không hiểu được tại sao người đời xưa lại để “cô Tấm thảo hiền” làm mắm cả cô em con bà dì ghẻ… Ý kiến của anh về câu chuyện này?
- Về lễ hội dân gian, học giả Đoàn Văn Chúc cho rằng mỗi lần tham gia lễ hội là một lần mỗi người đặt mình vào khoảng thời gian sống đặc biệt. Ở đó, họ vừa được bày tỏ lòng thành kính với đối tượng được cử lễ, vừa được vui chơi, được ăn uống những thứ ngày thường không có,… Ông xác định một chức năng quan trọng của lễ hội là: “giải phóng những xung cảm bị kìm hãm trong đời sống đơn điệu hàng ngày, và bằng đích cái vô trật tự, cái thái quá ấy, lễ hội nhắc nhở người ta sự trật tự, sự mực thước hàng ngày”. Từ góc nhìn này thì lễ hội dân gian là một tập giá trị văn hóa không những giúp con người giải tỏa, mà còn giúp con người nạp thêm năng lượng để sống tốt hơn. Điều đó thể hiện rất rõ qua tâm trạng phấn chấn của mỗi người từ khi tham gia lễ hội đến khi lễ hội kết thúc và theo họ về nhà. Vì thế xã hội hiện đại vẫn cần tới lễ hội. Còn chuyện cô Tấm thì bàn qua cãi lại đã nhiều rồi, công bố ý kiến của mình, có khi tôi lại mở ra một cuộc tranh luận mới thì cũng phiền, nên xin lỗi được phép không trả lời.
Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. (Ảnh: I.T)
Như nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, không ít các nhà khoa học vì về già lại trở nên duy tâm. Điều này có gì mâu thuẫn không, thưa anh?
- Tôi cũng không hiểu vì sao có hiện tượng này. Phải chăng trong khi nghiên cứu, nhà khoa học bất lực không thể giải quyết vấn đề đặt ra, nên bi quan, chán nản và đã tìm đến tôn giáo như đi tìm sự an ủi, giải thoát? Còn việc nhà khoa học bỗng dưng “đốn ngộ” rồi theo một tôn giáo thì tôi chịu, không lý giải được.
Theo một điều tra xã hội mới được tiến hành ở Nga vào trung tuần tháng 2-2016, đại đa số những người được hỏi ý kiến ở quốc gia này đồng tình với mức độ ảnh hưởng hiện nay của Chính thống giáo đối với các hoạt động nhà nước. Theo tôi biết, các vị lãnh đạo cao nhất của nước Nga, cả Tổng thống Vladimir Putin lẫn Thủ tướng Dmitri Medvedev, đều có mặt ở nhà thờ trong các ngày lễ của Chính thống giáo. Có một tỉ lệ khá cao người dân Nga cho rằng, tôn giáo là tối cần thiết trong việc duy trì và củng cố đạo đức xã hội. Anh nghĩ thế nào về việc này?
- Lịch sử cho thấy tín ngưỡng, tôn giáo có khả năng thống nhất niềm tin và tập hợp dân chúng khá hiệu quả, nhất là với tôn giáo giữ vai trò là quốc giáo. Hầu như các tôn giáo có giáo lý được xây dựng hệ thống đều coi đạo đức là một yếu tố quan trọng, và xây dựng một số chuẩn mực, tiêu chí đạo đức yêu cầu tín đồ cần tuân thủ. Nếu chuẩn mực, tiêu chí đạo đức này có khả năng thích nghi với sự vận hành của xã hội hiện đại thì vẫn có giá trị nhất định. Về câu hỏi liên quan tôn giáo ở nước Nga, tôi có suy nghĩ riêng, nhưng chỉ là giả thuyết, đưa ra có thể bị “ném đá”, nên xin không trả lời! Nhân đây xin bàn về điều K. Marx viết “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Thiết nghĩ, khi đề cập ý kiến này nên dẫn lại toàn bộ mệnh đề: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là linh hồn của trật tự không có linh hồn. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”để thấy K. Marx không coi tôn giáo là ma túy như quan niệm thời nay, ông coi tôn giáo là nơi trú ngụ tinh thần, giúp chữa lành khổ đau. Thời của K. Marx, thuốc phiện dùng làm thuốc giảm đau, không gây nghiện ngập để thành vấn nạn xã hội.
Anh có nghĩ rằng trong thời điểm hiện tại, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở trên quy mô quốc tế đã xuất hiện những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng văn hóa, trong đó có cả ở trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo?
- Cách đây vài năm, tôi triển khai chuyên luận đặt tên là Chuyển dịch văn hóa và cuộc khủng hoảng lựa chọn. Có lúc ngỡ có thể công bố, rồi lại thấy chưa hoàn chỉnh nên tôi suy nghĩ và viết tiếp, nay đã 92.000 chữ mà vẫn chưa xong. Hóa ra là phức tạp chứ không đơn giản như tôi nghĩ lúc đầu. Mục đích của chuyên luận là phân tích nhấn mạnh vai trò của văn minh góp phần tạo nên quá trình chuyển dịch văn hóa nhân loại, thúc đẩy các dân tộc phấn đấu đạt mặt bằng chung về trình độ phát triển; đồng thời khẳng định nếu lấy văn minh thay thế văn hóa, con người dễ “trượt” theo xu hướng tiêu cực từ đó đẩy tới khủng hoảng văn hóa. Mà hệ quả trực tiếp, cụ thể của khủng hoảng văn hóa là sự nhiễu loạn đạo đức và niềm tin đã diễn ra không chỉ ở một số quốc gia, mà đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Thực tế cho thấy sự phát triển của khoa học lại không khiến cho ảnh hưởng của các tôn giáo chính thống cũng như các tín ngưỡng dân gian bị suy giảm. Chúng ta cần phải ứng xử với xu thế này như thế nào? Tôi biết anh là người theo chủ nghĩa lạc quan. Vậy một người lạc quan thì cần nhìn nhận ra sao về triển vọng của tín ngưỡng, tôn giáo trong tương lai của sự phát triển văn hóa?
- Tín ngưỡng, tôn giáo có nguồn gốc riêng, trong đó có yếu tố không liên quan khoa học, như nỗi sợ hãi, lo âu, bất hạnh của con người, rồi sự hoảng sợ trước sức mạnh tự nhiên… Do đó, ngày nào các yếu tố giữ vai trò nguồn gốc của tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn thì ngày đó tín ngưỡng, tôn giáo vẫn tồn tại trong cuộc sống. Tuy nhiên, coi tôi là người theo chủ nghĩa lạc quan thì hơi quá, cũng chẳng lạc quan lắm đâu, nếu không nói nhiều khi bi quan nhìn vào thực trạng văn hóa. Về tín ngưỡng, tôn giáo, tôi nghĩ trước hết là cần tôn trọng đức tin của người khác, không dè bỉu, tẩy chay, nhưng không nhân danh thích nghi thời đại mà biến bản chất lương thiện của tín ngưỡng, tôn giáo thành công cụ mê hoặc, trục lợi phục vụ cho những mục đích nằm ngoài tín ngưỡng, tôn giáo.
Xin cảm ơn anh!
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng