Thể chế lạc hậu và căn bệnh tham nhũng

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:10 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008
Tham nhũng là vấn đề đau đầu của tất cả các chính thể trên thế giới, bất kể trình độ phát triển, định hướng, khu vực và truyền thống văn hoá, tuy với những mức độ khác nhau. Nhưng tham nhũng là gì? Trên thực tế, câu hỏi phức tạp hơn chúng ta tưởng. Mặc dù không mới, nhưng cùng với sự phát triển của nhân loại, tham nhũng đã thay đổi nhiều về quy mô, hình thức và phần nào cả về bản chất. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất chính là hậu quả của tham nhũng không chỉ đối với các tầng lớp dân chúng nghèo khổ mà cả với các nền kinh tế, thậm chí là cả các thể chế. Tham nhũng làm lũng đoạn xã hội, xói mòn lòng tin của dân chúng vào các giá trị của xã hội. Trong thời đại toàn cầu hoá, tham nhũng đã trở thành tệ nạn mang tính toàn cầu.

Tham nhũng, nói một cách vắn tắt, là việc sử dụng các quyền lực, uy tín và địa vị công cộng để chiếm đoạt các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội hoặc của người khác. Như vậy, theo chúng tôi, đối tượng tham nhũng không chỉ là những giá trị vật chất như người ta thường quan niệm, mà còn là những giá trị tinh thần. Chúng ta sẽ cùng nghiên cứu kỹ lưỡng hơn những hình thức tham nhũng này trong phần dưới, nhưng xin khẳng định ngay rằng chính trong lĩnh vực tinh thần, mức độ nguy hiểm của tham nhũng còn ghê gớm hơn so với trong lĩnh vực vật chất. Chính trong lĩnh vực có vẻ như yên ổn này, hiện tượng tham nhũng lại diễn ra tinh vi hơn, nặng nề và tàn phá xã hội khốc liệt hơn.

Tham nhũng là một căn bệnh của nhân loại. Cũng như các loại bệnh tật khác, nó là khuyết tật tự nhiên mang tính bản năng, là một phần thuộc về bản chất của đời sống con người. Chính vì vậy, dù có căm thù hay nguyền rủa tham nhũng đến mức nào, chúng ta cũng không thể xoá sạch được tham nhũng, đơn giản vì chúng ta không thể tiêu diệt con người. Chúng ta không thể chỉ nhìn tham nhũng dưới con mắt của một nhà tội phạm học mà phải nghiên cứu nó một cách toàn diện và biện chứng dưới những khía cạnh khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. Chỉ có cách nhìn đúng đắn và khách quan mới giúp chúng ta có được những phương thuốc hiệu nghiệm để chế ngự, hay ít nhất là hạn chế thứ bệnh dịch xã hội này.

Tham nhũng vật chất và tham nhũng tinh thần

Bộ mặt dễ nhận biết của tham nhũng là tham nhũng vật chất. Tuy nhiên, ngày nay tham nhũng vật chất không còn hạn chế trong lớp người có quyền lực mà còn lan rộng ra trong mọi tầng lớp dân cư trong xã hội, kể cả lớp người trước đây không thể tham gia vào hoạt động này như thầy giáo, thầy thuốc... Người thầy đáng kính ngày nay có thể tham nhũng bằng cách thức chẳng khác bao nhiêu cách thức của một tên lâu la đòi tiền mãi lộ mỗi khi có học sinh qua "cửa". Một thầy thuốc "như mẹ hiền" thì dùng cách bắt chẹt con bệnh. Tại rất nhiều quốc gia đang phát triển, một bộ phận đáng kể dân chúng, trong đó có nhiều nhân vật đáng kính, chi dùng số tiền gấp hàng chục lần tiền lương, nguồn thu nhập hợp pháp của họ. Nói các khác, tham nhũng vật chất đã trở thành nguồn sống chủ yếu của họ. Tham nhũng vật chất trở nên trầm trọng, nguy hại và khủng khiếp hơn nhiều khi nó mang tính chuyên nghiệp và trở thành lối sống của một tầng lớp dân cư có địa vị quan trọng trong xã hội.

Tuy nhiên, tham nhũng vật chất cũng chỉ là bề nổi, là dạng thông thường của tham nhũng.

Chúng ta sẽ phạm phải sai lầm là đơn giản hóa vấn đề, hay nói khác đi, không nhìn thấy phần chìm của tảng băng tham nhũng, nếu không chỉ ra hình thức tham nhũng giấu mặt khác đang lộng hành trong xã hội hiện đại. Xã hội càng phát triển thì hiện tượng tham nhũng ngày càng tinh vi với nhiều biến thái và sắc thái mới. Khi đói, người coi kho có thể tham nhũng bằng cách ăn cắp bánh mỳ, tức tham nhũng để tồn tại. Khi không đói nữa anh ta có thể tham nhũng để có tiền mua sắm những hàng hóa cao cấp, xa hoa, tức tham nhũng để có các tiện nghi sống. Cao hơn nữa, một số người chuyển sang tham nhũng lẽ phải. Đó chính là tham nhũng tinh thần, bộ mặt thứ hai của tham nhũng, mà như trên đã nói, mức độ trầm trọng và mối nguy hại gây ra cho xã hội còn khủng khiếp hơn nhiều. Điều nguy hiểm là ở chỗ tham nhũng tinh thần dường như không bị lên án, không bị trừng trị và nhiều khi chính thủ phạm cũng không ngờ rằng mình phạm tội. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng tham nhũng tinh thần là biểu hiện cao nhất, tinh vi nhất và cũng nguy hiểm nhất của tham nhũng. Nếu như chống tham nhũng vật chất có mục đích là làm trong sạch đời sống xã hội thì chống tham nhũng tinh thần có nhiệm vụ là chống lại sự rủi ro đối với sự phát triển của nhân loại.

Tham nhũng tinh thần thường được che đậy, ẩn giấu dưới ba hình thức phổ biến sau:

Tham nhũng quyền lực: Có thể kể ra ba mức độ khác nhau của tham nhũng quyền lực. Thứ nhất, lạm dụng và vận dụng một cách sai trái các quyền hợp pháp mà xã hội trao cho; thứ hai, chế ra các hình thức để mở rộng quyền lực nhằm thỏa mãn những lợi ích không hợp pháp và; thứ ba, lợi dụng quyền lực để thỏa mãn khát vọng về quyền lực nhằm duy trì quyền lực đã tham nhũng được hoặc mưu cầu cương vị quyền lực cao hơn.

Điển hình cho hình thức tham nhũng quyền lực là hiện tượng nhiều cá nhân không xứng đáng, không đủ phẩm chất nhưng lại chiếm giữ những cương vị nhiều khi rất quan trọng trong bộ máy nhà nước. Câu nói trong dân gian "tham quyền cố vị" chính là muốn nói đến loại tham nhũng này. Trong bức tranh chung về tham nhũng người ta sẽ thấy tham nhũng quyền lực là yếu tố mở đầu để tham nhũng phát triển lên quy mô lớn hơn. Nhiều nhà cải cách xã hội nỗ lực chống tham nhũng nhưng do không nhìn rõ và không ngăn chặn được hiện tượng tham nhũng quyền lực nên thường bị thất bại.

Độc quyền tư duy: Tương tự như sự độc quyền và đặc quyền trong tham nhũng vật chất, độc quyền tư duy là sự tước đoạt quyền tư duy của dân chúng, coi họ là những người thấp kém không có địa vị đáng kể trong xã hội. Chế độ kinh tế bao cấp, trong đó người dân sống trong sự bao cấp vật chất và tinh thần, nhất cử nhất động đều phải thỉnh thị ý kiến chỉ đạo của cấp trên là một ví dụ như thế. Hậu quả là toàn xã hội rơi vào tình trạng trì trệ. Ngày nay, khi đã chuyển sang kinh tế thị trường, tình trạng độc quyền tư duy vẫn còn để lại những di chứng trầm trọng cho xã hội mà hầu hết chúng ta chưa ý thức được hết mức độ tai hại. Rất nhiều người, kể cả những trí thức hàng đầu, vẫn tiếp tục sống yên ổn trong sự bao cấp tinh thần, cho rằng tư duy về những vấn đề "quốc gia đại sự" là độc quyền của cấp trên, còn nhân dân thì cứ thực hiện theo mệnh lệnh.

Về bản chất, độc quyền tư duy tước mất khả năng và quyền tư duy sáng tạo của quần chúng và tư duy trở thành độc quyền của một nhóm người. Khi đó, khoa học sẽ mất đi giá trị chân chính, cuộc sống sẽ đơn điệu và nguy hiểm, nhân dân không còn là người chủ của xã hội, những người không chỉ có khả năng mà còn có quyền tư duy và đóng góp trí tuệ cho công cuộc xây dựng và kiến tạo cuộc sống mới. Độc quyền tư duy là sự níu kéo quá khứ, cản trở sự phát triển của lịch sử.

Độc chiếm lẽ phải: Đời sống tinh thần của nhân loại không chỉ bị nghèo nàn bởi sự độc quyền tư duy mà còn bị vẩn đục và méo mó bởi nạn độc chiếm lẽ phải. Độc chiếm lẽ phải là biến những lý thuyết mà mình phát hiện, biến những tín điều mà mình nghĩ ra thành "chân lý" của toàn nhân loại. Nhiều người trong giới được gọi là trí thức, là những "nhà lý luận" hay "nhà khoa học", thường tự coi mình là biểu hiện của lẽ phải. Họ mặc nhiên coi những điều họ nghĩ, họ nói, họ làm là đúng và áp đặt "lẽ phải" của họ cho toàn xã hội. Đó là biểu hiện cao nhất và cũng là nguy hiểm nhất của tham nhũng tinh thần. Độc chiếm lẽ phải làm nghèo nàn đời sống tinh thần của nhân loại. Nó xoá bỏ những xu hướng tự nhiên cần thiết cho một môi trường tinh thần lành mạnh và tiến bộ. Nó chính là hiện tượng đúng nhất để lấy làm ví dụ cho tính từ "phản động".

Để chống lại thói độc quyền lẽ phải trước tiên cần nâng cao nhận thức của nhân dân. Mỗi chúng ta, đặc biệt là những nhà chính trị, những nhà khoa học, cần phải có ý thức trách nhiệm cao hơn đối với vận mệnh của nhân loại. Chúng ta không nên và không được phép đưa ra các dự báo viển vông, không nên khuyến dụ con người đi theo các cuộc phiêu lưu vô trách nhiệm. Lịch sử cho thấy nhân loại đã phải trải qua những kinh nghiệm đau xót khi bằng thói tham nhũng lẽ phải người ta biến mình thành chúa, thành thánh, thực chất là thành kẻ độc quyền và độc tài về mặt chân lý, khi hàng triệu con người bị biến thành vật thí nghiệm cho những ý tưởng cá nhân.

Hai bộ mặt của tham nhũng có mối quan hệ gắn bó với nhau, chúng hỗ trợ và che chở lẫn nhau. Tham nhũng tinh thần là cơ cấu bảo trợ về chính trị cho tham nhũng vật chất, còn tham nhũng vật chất làm ô nhiễm đời sống tinh thần của toàn xã hội, tạo điều kiện cho tham nhũng tinh thần phát triển.

Nguồn gốc kinh tế - chính trị - xã hội của tham nhũng hiện đại

Mặc dù là một hiện tượng muôn thuở, tham nhũng ở mỗi quốc gia, mỗi thời đại lịch sử, chịu tác động của những nhân tố kinh tế - chính trị - xã hội khác nhau. Đặc biệt, ở những quốc gia phi dân chủ, nơi thể chế chính trị lạc hậu và kìm hãm sự phát triển, căn bệnh tham nhũng càng trầm trọng và hầu như không thể kiểm soát. Để chống tham nhũng hiệu quả cần phải dựa trên cơ sở phân tích khoa học những nhân tố đó. Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra những phân tích sơ bộ:

Về mặt chính trị, tham nhũng là kết quả của hệ thống chính trị thiếu khả năng tự kiểm soát. Một hệ thống chính trị không xây dựng được các tiêu chuẩn, không tự kiểm soát được, để cho quyền lực bị đánh cắp đại trà trên quy mô xã hội, dưới mọi hình thức, mọi mức độ sẽ tạo cơ hội tốt cho tham nhũng phát triển. Hệ thống chính trị thiếu khả năng tự kiểm soát sẽ làm xuất hiện sự nhập nhằng trong nhận thức và những cơ cấu không được pháp chế hoá. Tất cả các yếu tố này giải thích tại sao trong thời đại chúng ta, tham nhũng lại nở rộ tại những quốc gia có nền chính trị không chuyên nghiệp, hay nói một cách giản dị, tại những quốc gia trong đó nền chính trị tuột khỏi tầm kiểm soát của xã hội.

Tham nhũng là kết quả của tình trạng thiếu dân chủ trong sinh hoạt chính trị. Tham nhũng gắn liền với bản chất con người, nhưng không phải bất kỳ ai cũng tham nhũng và cũng có thể tham nhũng. Để tham nhũng phải có quyền hoặc quyền lực. Ngoài ra, tham nhũng phụ thuộc vào các cơ chế xã hội có nhiệm vụ ức chế hành vi tham nhũng. Khi một quốc gia lâm vào tình trạng thiếu dân chủ trong sinh hoạt chính trị, những người thoát khỏi sự ức chế của các cơ chế xã hội sẽ lợi dụng, lạm dụng quyền lực, địa vị, uy tín xã hội để thực hiện hành vi tham nhũng. Cùng với tình trạng thiếu dân chủ trong sinh hoạt chính trị, sự thiếu công khai trong đời sống chính trị cũng tạo ra không gian đen tối cho hiện tượng tham nhũng phát sinh và phát triển.

Về mặt kinh tế, tham nhũng là hậu quả của môi trường kinh tế thiếu minh bạch. Môi trường kinh tế thiếu minh bạch là mảnh đất tốt cho các hành vi tham nhũng sinh sôi nảy nở. Điều này lý giải tại sao tham nhũng tại các nước đang phát triển trầm trọng hơn nhiều so với các nước phát triển, nơi có môi trường kinh tế minh bạch hơn. Tại những nước có môi trường kinh tế kém minh bạch, việc trốn thuế diễn ra tràn lan, lý do đơn giản là tại đó hành vi này dễ dàng thực hiện trót lọt hơn tại các quốc gia khác. Trong môi trường kinh tế thiếu minh bạch, sự can thiệp thái quá và nhiều khi thô bạo của các cơ quan nhà nước vào hoạt động kinh doanh làm méo mó các quan hệ kinh tế - xã hội. Đó là tình trạng thích hợp, là cơ hội vàng để các tham quan dễ bề trục lợi.

Về mặt nhà nước, tham nhũng là con đẻ của những thể chế tồn tại bất hợp lý và bị độc quyền lũng đoạn. Chúng ta đã thấy tham nhũng phát triển cả về hình thức và quy mô cùng với sự phát triển của xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là có một sự tương quan tỷ lệ nào đó giữa tham nhũng và phát triển. Quy mô tham nhũng lệ thuộc nhiều vào tính chất của thể chế nhà nước. Chẳng hạn tại các quốc gia nghèo khổ châu Phi, nơi tập trung nhiều thể chế lạc hậu và phi dân chủ, quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị bị phân chia một cách tùy tiện hoặc không được bảo vệ và sử dụng cẩn trọng, tức là các quyền lực này dễ bị tham nhũng, mở đường cho nạn tham nhũng tràn lan trong xã hội. Các thể chế này không đủ năng lực để tự kiểm soát, nhưng lại ra sức ngăn cản việc xây dựng một thể chế mới có thể quản lý xã hội hữu hiệu hơn. Tình trạng bất hợp lý của thể chế có thể thấy rõ ở những quốc gia mà một bộ phận nhân lực quan trọng của nó được trả lương quá thấp so với nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Thể chế bất hợp lý đã buộc nhiều người phải tham nhũng để sống, để tồn tại.

Về mặt pháp luật, tham nhũng là kết quả của tình trạng không hợp pháp hóa các quyền và lợi ích cá nhân. Tình trạng nhiều quyền lợi chính đáng của cá nhân không được hợp pháp hóa hoặc bị hạn chế có thể quan sát thấy tại nhiều quốc gia chậm phát triển. Ta có thể lấy ví dụ như tình trạng "ngăn sông cấm chợ" tại Việt Nam trước đây hay sự hạn chế các hoạt động xã hội của nữ giới tại Afghanistan mới đây, khi chỉ vì những suy nghĩ thiển cận, người ta muốn tối thiểu hóa không gian sống của mỗi cá nhân. Điều này trên thực tế đã đẩy nhiều người vào vòng xoáy tham nhũng để thỏa mãn các khát vọng thật ra là chính đáng của họ. Điều nguy hiểm là ở chỗ sự thiếu thể chế hóa sẽ tạo ra trạng thái nhập nhằng về nhận thức. Việc thay thế các chế tài kiểm soát bằng những thỏa thuận ngầm trên quy mô xã hội hoặc đạo đức xã hội khiến các nhóm lợi ích luôn chèn ép, chen lấn lẫn nhau trong cùng một cá nhân. Nếu chúng ta tạo cho cá nhân một không gian sống tốt, nếu chúng ta hợp pháp hóa các quyền cá nhân chính đáng để mỗi cá nhân có thể phát huy tối đa sức sống, sức sáng tạo của họ trong khuôn khổ pháp luật, chắc chắn rất nhiều người bình thường sẽ sống và ứng xử theo những chuẩn mực được chấp nhận rộng rãi trong xã hội.

Về mặt văn hóa xã hội, tham nhũng bắt nguồn từ sự đạo đức giả của hệ thống chính trị - xã hội. Hệ thống xã hội được xây dựng trên nền tảng đạo đức giả này đã đẩy nhiều người phải sống với bộ mặt giả tạo. Chẳng hạn, việc trả công chủ yếu không theo hình thức tiền lương mà dưới hình thức các tiêu chuẩn hưởng thụ là cơ sở kinh tế của một lối sống đạo đức giả. Một ví dụ khác có thể thấy ở nhiều nền kinh tế chuyển đổi, khi người ta thủ tiêu chế độ đặc quyền đặc lợi, nhưng không có biện pháp cân bằng các lợi ích bị đột ngột xoá đi ấy. Kết quả là một số người tìm đến những biện pháp phi pháp để giành lại những gì đã mất. Với cách nhìn như vậy, chúng ta thấy rằng đôi khi các vị tham quan vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một hệ thống xã hội xa lạ với bản chất con người.

Tham nhũng còn được hỗ trợ bởi các yếu tố tiêu cực trong nền văn hoá, chẳng hạn tính gia trưởng vốn là một đặc điểm rất rõ nét tại nhiều nước châu á. Trong lịch sử đương đại châu á có quá nhiều ví dụ về các nhà chính trị gia trưởng, độc tài, những người trong thời kỳ cầm quyền lâu dài đã trở thành những "bố già" của đất nước. Văn hóa gia trưởng gắn liền với việc độc quyền sở hữu lẽ phải chúng tôi vừa đề cập ở trên. Kết quả là quyền lực dễ bị đánh cắp, tạo cơ sở cho cả tham nhũng vật chất và tinh thần.

Về mặt nhân văn, tham nhũng là hậu quả của quan niệm lệch lạc và thái độ thiếu tôn trọng các giá trị cá nhân. Các giá trị cá nhân không được tôn trọng sẽ dẫn đến sự xâm hại các giá trị công cộng. Điều này có vẻ ngược đời nhưng thực ra rất hợp với logic. Trên thực tế, việc chống chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá luôn luôn dẫn đến một tình trạng cực đoan trong đời sống tinh thần của xã hội. Tâm lý xem nhẹ nếu không muốn nói là bài bác các giá trị cá nhân khiến người ta tìm mọi cách tối thiểu hóa không gian sống của cá nhân, làm cho con người thiếu ý thức trách nhiệm về hành vi của mình, dễ dàng bằng lòng với thực tại, dễ dàng tham nhũng, tiếp tay hoặc chí ít cũng là mặc nhiên thừa nhận tham nhũng.

Sự ngộ nhận về giá trị cá nhân và giá trị tập thể còn dẫn đến cả hiện tượng tham nhũng mang tính tập thể, nghĩa là có sự cấu kết, đồng tình để tiến hành hành vi tham nhũng trên quy mô lớn hơn. Đó là gì nếu không phải là mầm mống của tội phạm có tổ chức? Nếu cá nhân nào không chịu tham nhũng, họ sẽ không còn là người của tập thể, họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Điều này giải thích tại sao tham nhũng tại những nước có sự nhìn nhận sai lạc về cá nhân và tập thể lại càng trầm trọng và khó đẩy lùi hơn nhiều nước khác.

Những phân tích ở trên về nguồn gốc kinh tế - chính trị - xã hội cho thấy rằng để chống tham nhũng chúng ta phải sử dụng các biện pháp toàn diện, dựa trên những giải pháp có tính khoa học, tuyệt đối không được xem việc chống tham nhũng chỉ như một biện pháp mang tính hình sự nhằm trừng trị con người.

Như trên đã nói, tham nhũng vật chất cũng như tinh thần ngày nay đã phát triển với quy mô rất lớn, với những dạng thức vô cùng tinh vi, phức tạp và gây nên những tác động khủng khiếp tới đời sống xã hội. Nó khiến cho rất đông dân chúng rơi vào trạng thái thụ động hoặc cam chịu. Vì thế, cuộc chiến chống tham nhũng cần bắt đầu bằng việc hâm nóng lại quyết tâm chống tham nhũng của người dân. Điều này không phải đơn giản. Sự sùng bái cá nhân ở một số quốc gia, sự nô dịch tư tưởng ở một số quốc gia khác cũng như cảnh bần cùng về vật chất tại những quốc gia kém phát triển nhất đã dập tắt những hy vọng cuối cùng về một xã hội trong sạch. Chính vì vậy, chúng ta phải chống tham nhũng chủ yếu trên phương diện chính trị, với những biện pháp chính trị và được tiến hành với tư cách của những nhà chính trị, trong đó việc đầu tiên là phải trong sạch hoá, phải gương mẫu hóa bộ máy nhà nước. Muốn vậy, lãnh đạo không thể được coi là địa vị có các quyền để tham nhũng, mà phải là sự thể hiện và biểu dương những giá trị cao quý của con người. Khi nào các thành viên của bộ máy nhà nước trở thành những mẫu mực của đời sống cao quý của tinh thần, thể hiện tài năng và đạo đức, như là tấm gương để dân chúng noi theo thì lúc ấy bắt đầu một trạng thái nhà nước kiểu mẫu. Việt Nam từng có một nhà nước tốt đẹp như vậy. Đó là giai đoạn cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, khi mỗi bộ trưởng là một danh nhân, một nhân sĩ, một huyền thoại, một mẫu mực về con người. Chỉ có nhà nước kiểu mẫu như vậy mới đủ sức kiểm soát được chính mình và khống chế được tham nhũng. Đó là nhà nước dân chủ, đúng nghĩa là nhà nước của dân, do dân và vì dân, trong đó người dân có quyền lựa chọn thể chế chính trị và cả các quan chức điều hành bộ máy nhà nước. Trong một xã hội dân chủ con người có quyền lựa chọn những chân lý mà mình nhận thức được chứ không bị bắt buộc phải tuân theo những "chân lý" mà người khác áp đặt. Giá trị của xã hội dân chủ chính là ở chỗ con người có quyền lựa chọn, xác định chân lý phù hợp với nhận thức của mình.

Việc chữa bệnh muốn hiệu quả thì không chỉ tập trung vào việc loại bỏ những tác nhân ngoại lai gây bệnh mà còn phải chú ý đúng mức đến việc đảm bảo một môi trường tốt để duy trì và nâng cao thể trạng con người, tức là tăng khả năng đề kháng của cơ thể. Cũng vậy, việc chống tham nhũng đòi hỏi phải làm trong sạch môi trường tinh thần, nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của con người. Xã hội có thể và cần phải tự xây dựng một nền văn hóa có khả năng đề kháng đối với những mầm mống tham nhũng. Để giải quyết bài toán tham nhũng, mỗi quốc gia phải xây dựng được một môi trường văn hóa lành mạnh, theo nghĩa là nó không dung nạp các yếu tố thuận lợi cho tham nhũng. Một môi trường văn hóa lành mạnh giúp con người biết tự đấu tranh để không bị rơi vào vòng xoáy của tham nhũng. Trong một cộng đồng nhỏ, một công ty chẳng hạn, nhà lãnh đạo không chỉ cần có tài mà còn cần phải trong sạch mới có thể điều hành công ty tốt. Cũng vậy, trên quy mô toàn xã hội, để điều hành đất nước tốt mỗi quốc gia phải làm trong sạch hóa bộ máy nhà nước ở các cấp.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: