Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
Có thể nói, trong suốt lịch sử phát triển lâu dài, con người đã tìm cách lý giải thế giới bằng rất nhiều khái niệm, nhưng bản thân khái niệm con người thì chưa được nhận thức một cách đầy đủ. Ở mỗi một trình độ văn minh, mỗi một trình độ phát triển, mỗi một đặc trưng văn hóa, nó đều được hiểu, được quy định, được chấp nhận rất khác nhau. Do vậy, mâu thuẫn cơ bản mà thế giới tạo ra cho mình chính là hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến việc định nghĩa con người. Mỗi một dân tộc đều tranh luận với các dân tộc khác về hệ thống giá trị, về định nghĩa con người của mình mà không dịch chuyển đến cái ngưỡng của nó.
I. Toàn cầu hóa, từ sức ép đến cơ hội
II. Tự do trong thời đại toàn cầu hóa
1. Nhân quyền, trạng thái tự do mang tính toàn cầu
2. Sự dịch chuyển của các dòng năng lực
Tuy nhiên, từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, trên thế giới xuất hiện một trào lưu mới, một hiện tượng xã hội, hiện tượng chính trị, hiện tượng kinh tế và hiện tượng văn hóa mới và rộng lớn, đó là hiện tượng toàn cầu hoá. Hiện tượng này đã phá vỡ từng mảng một sự cát cứ về tinh thần trên toàn thế giới, và tạo điều kiện cho loài người tiến tới thống nhất một định nghĩa chung xét cả về chất lượng lẫn định lượng về con người. Đó chính là cơ hội thứ tư của loài người để phát triển, trong đó hạt nhân quan trọng nhất tạo ra sự phát triển là tự do được hiểu một cách nhất quán.
I. Toàn cầu hóa, từ sức ép đến cơ hội
Như tôi đã nói trong nhiều bài viết, quá trình phát triển của con người gồm có hai giai đoạn, giai đoạn phấn đấu để trở thành con người và giai đoạn phấn đấu để trở thành con người phù hợp với đòi hỏi của thời đại. Ba lần thất bại của con người khi đi tìm tự do đánh dấu sự khép lại chặng đường đầu tiên trong tiến trình phát triển. Mở đầu cho chặng đường thứ hai chính là toàn cầu hoá. Chúng ta biết rằng, trước khi toàn cầu hoá, thế giới chưa phải là một khái niệm thống nhất, thế giới gồm những mảnh khác nhau đặt trôi dạt trong một dòng chảy. Con người không chỉ có một sự lệch lạc mà có nhiều sự lệch lạc tương đối với nhau trên phạm vi toàn cầu, cho nên con người không thể đối thoại toàn cầu. Song, tất cả những sự lệch lạc như vậy sẽ được điều chỉnh bởi hiện tượng toàn cầu hoá, bắt đầu từ kinh tế, sang đến chính trị, sang đến văn hóa và do đó, nó xúc tiến một sự phát triển thống nhất đối với các giá trị con người. Như thế có nghĩa là, thế giới đã bắt đầu hội tụ đến một trạng thái tự do mang tính toàn cầu đối với thân phận con người. Các quốc gia buộc phải mở cửa do sự thúc ép của toàn cầu hoá, nhưng đó cũng chính là cơ hội lớn để phát triển cho con người ở tất cả các quốc gia này.
Toàn cầu hóa hay lộ trình để khái niệm tự do bộc lộ dần những giá trị của nó đi theo hai trật tự. Trật tự thứ nhất là nó xuất hiện một cách bản năng do sự toàn cầu hóa về kinh tế và sự giao lưu về mặt văn hóa. Toàn cầu hoá về kinh tế đã và đang là một xu thế lớn cuốn hầu hết tất cả các quốc gia vào đó. Sự giao lưu về mặt văn hóa làm cho các nền văn hóa có điều kiện để tìm cách chung sống với nhau. Du lịch là một trong những cách thức mà con người tạo ra sự giao lưu giữa các nền văn hóa. Nếu nhìn du lịch đơn thuần như là nhìn một ngành kinh tế thì đó là một cách nhìn đúng nhưng không đủ, mà phải nhìn du lịch như một trong những cách thức chủ yếu mà loài người sử dụng để giao lưu văn hóa và làm thức tỉnh những tiêu chuẩn văn hóa toàn cầu. Có thể nói rằng, toàn cầu hóa tạo ra những hiện tượng rất kỳ lạ đối với tiến trình phát triển của nhân loại. Toàn cầu hóa tạo ra các hệ quả kinh tế, hệ quả chính trị, hệ quả văn hóa. Tất cả những hệ quả này đẩy con người vào tình thế buộc phải so sánh, buộc phải cạnh tranh, và buộc phải hợp tác với nhau. Điều đó có nghĩa, càng ngày, việc thế giới được toàn cầu hóa một cách bản năng đã phản ánh vào trong ý thức của con người, con người buộc phải có ý thức về hiện tượng ấy để có thể tham gia một cách có lợi vào quá trình này. Vì thế, toàn cầu hóa lại xuất hiện dưới dạng thức thứ hai là ý thức hóa về các hiện tượng ban đầu của toàn cầu hóa và do đó, có ngành khoa học nghiên cứu các diễn biến toàn cầu. Nghiên cứu về toàn cầu hóa thực chất là nghiên cứu sự cạnh tranh toàn cầu. Sự cạnh tranh toàn cầu tố giác một thực tế quan trọng là sự thiếu năng lực cạnh tranh của các nước thế giới thứ ba. Nói cách khác, quá trình hội nhập tạo ra sự thức tỉnh của các nước thế giới thứ ba về việc thiếu tự do. Thiếu tự do thì không phát triển, thiếu tự do thì thiếu năng lực cạnh tranh. Đặc biệt là thiếu tự do thì con người không hạnh phúc. Trong điều kiện toàn cầu hóa, con người nhận ra và thậm chí cần phải xác định rõ hạnh phúc mới là mục tiêu của tự do. Vì nếu không thì con người ngủ một giấc rất say cũng thấy mình hạnh phúc. Theo tôi, các dân tộc khu trú, các dân tộc đóng cửa là các dân tộc ngủ. Đấy là những dân tộc có tâm lý không cần cố gắng, không cần tự do. Họ ngủ vì họ không cần tự do, vì khi đó con người chỉ là con người ý thức. Ngủ về mặt văn hóa tức là không tự do. Nhiều dân tộc ngủ gà ngủ gật suốt nhiều thế kỷ và họ cảm thấy mình rất hạnh phúc. Ở đâu người ta chống đối các nền văn minh nhiều nhất? Ở những vùng lạc hậu, những vùng Amazone, ở Mexico, ở những vùng sâu thẳm trong rừng Clombia, ở Peru, Bắc Phi, Trung Phi, Congo… Ở chỗ nào mà các dân tộc ngủ thì người ta chống đối, người ta chống Mỹ, người ta chống phương Tây một cách quyết liệt vì bị làm huyên náo giấc ngủ hàng nghìn năm. Suy cho cùng, họ chống đối vì họ sợ nhìn vào sự thật. Toàn cầu hóa là cơ hội để các dân tộc nhìn vào sự thật về mình. Tự nhiên người ta bị đặt vào trong các tương quan so sánh với những người bên cạnh để thấy mình là một người lùn như thế nào. Tất nhiên, nếu không nhìn lên để thừa nhận sự thua kém của mình thì con người có thể nhìn xuống, có thể nhìn ngang. Nhìn các chiều là quyền tự do của con người nhưng người ta không thể giấu được sự thua kém đó. Con người cần phải thức tỉnh giấc ngủ của mình bằng những lợi ích của tự do. Các dân tộc không được đóng cửa. Tất cả các dân tộc muốn phát triển thì không được bảo thủ về mặt chính trị, không được đóng cửa về mặt kinh tế, và không được lạc hậu về mặt văn hóa.
Bài viết trích trong cuốn Tiểu luận mới "Cội nguồn cảm hứng" của tác giả Nguyễn Trần Bạt, NXB Hội nhà văn. "Khi đặt bút viết quyển sách này, tôi như con chim hót những tiếng hót được khích lệ bởi âm thanh tự do của các bậc tiền bối như John Locke, Baron de Montesquieu, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, John Stuart Mill... Những tiếng hót ấy còn mang âm hưởng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử lâu dài, quyết liệt trong việc giành tự do. Những tiếng hót ấy chất chứa tình yêu đối với con người và thân phận con người. Những tiếng hót ấy là sự trăn trở trong quá trình đi tìm những nhân tố ảnh hưởng đến đời sống con người và sự hình thành các giá trị con người. Tôi viết bằng cả tấm lòng của mình, bên ngoài mọi động cơ, kể cả động cơ hàn lâm..." |
Người ta thường tự do trong những giới hạn mà người ta nhận thức được, những giới hạn mà xã hội loài người ở thời điểm ấy cho phép. Và thậm chí, người ta biết cách hạnh phúc với những giới hạn tự nhiên, những giới hạn mang tính sinh học của mình. Quay trở lại ví dụ trên, nếu con người cứ ngủ triền miên trong sự khu trú của mình thì con người có hạnh phúc không? Tuy nhiên, ngay cả khi con người đóng cửa lại để hạnh phúc một mình, tức là con người đóng cửa về mặt văn hóa, thì khi xu hướng toàn cầu hoá thúc ép anh mở cửa, anh sẽ cảm thấy bất hạnh ngay lập tức. Vì khi anh đóng cửa thì anh rơi vào tình trạng tự mãn, tức là nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì cũng chẳng ai bằng mình. Sự tự mãn càng làm cho con người không thể hạnh phúc nếu thấy mình lép vế trong bất kỳ tương quan so sánh nào với những người có địa vị như mình trên thế giới. Ngay trong một quốc gia cũng có người hạnh phúc, có người không hạnh phúc. Người thành đạt thì hạnh phúc hơn người không thành đạt, và thế giới không bao giờ phẳng vì sự chênh lệch đó, toàn cầu hoá không xóa bỏ được sự chênh lệch giàu nghèo, nhưng toàn cầu hóa cho phép người ta so sánh giữa những người không thành đạt với nhau. Người ta nhận rõ ra giữa cái cấu trúc nhìn lên và nhìn xuống của con người còn có nhìn ngang. Nhìn ngang là cái nhìn khẳng định các giới hạn tự nhiên, các giới hạn khách quan của con người. Khi một người ở quốc gia nào đó thấy rằng có những người có tương quan như mình và cũng có trạng thái như mình trên toàn thế giới thì họ sẽ không thắc mắc về sự hẩm hiu của mình nữa. Đây là một khái niệm cực kỳ tinh tế trong phân tâm học. Trong cạnh tranh toàn cầu, con người sẽ so sánh. Tại sao người ta đi xe ô tô Mercedes mà mình lại đi xe đạp? Là bởi vì trong khi người đi Mercedes ấy làm một ngày 20 giờ đồng hồ và chỉ ngủ 4 tiếng thì mình ngủ 12 tiếng một ngày. Và khi nào người ta nhận thấy có người ở một quốc gia khác cũng ngủ 12 tiếng một ngày như mình, cũng đi xe đạp thì khi đó người ta mới yên tâm về trạng thái đi xe đạp là trạng thái tất yếu của mình. Nhưng nếu con người không nhận thức được những giới hạn trong năng lực của mình thì họ sẽ cho rằng mình bất hạnh hay mình không có cơ hội, họ không biết rằng rất nhiều người cũng như thế. Vậy, phải phát triển các dân tộc, các cộng đồng như thế nào để cho họ có thể tìm được sự đồng cảm toàn cầu? Toàn cầu hóa có khả năng đem đến cho con người sự đồng cảm ấy, bởi trong thời đại chúng ta, chỉ cần qua mạng Internet, qua máy tính, người ta cũng cảm nhận được về con người trên khắp thế giới. Do đó, khẳng định sự hẩm hiu trên quy mô toàn cầu là làm cho con người yên tâm với trạng thái vốn có của mình. Nói cách khác, toàn cầu hóa tạo điều kiện cho con người nhận ra sự không bất hạnh hay không bi kịch hóa sự bất hạnh của mình. Toàn cầu hóa là cơ hội cho con người nhận ra giới hạn của các năng lực của mỗi một con người hay mỗi một dân tộc, để từ đó, nó tạo ra trạng thái thỏa mãn tương đối, đồng thời cũng xác lập một trạng thái nhận thức được sự kém tương đối và định hướng con người vượt lên những giới hạn cụ thể trong năng lực của mình.
Khi con người nhận thức được giới hạn của các năng lực của mình thì con người dễ yên phận, yên phận sống trong không gian được phép tức là xây dựng cảm giác tự do của mình chứ không phải là xây dựng nên tự do của mình. Nhưng toàn cầu hóa chỉ ra cho con người nhận thấy rằng, nếu con người yên phận với các tiêu chuẩn tự do của mình thì con người sẽ không đáp ứng được đòi hỏi của thời đại. Vì vậy, con người phải đủ bản lĩnh để không bấu víu, để không khu trú, và để tiếp nhận. Do đó, sau khi nhận ra những điều kiện cần và đủ cho đời sống của mình, cho sự phát triển năng lực của mình thì con người phải biết tổ chức cuộc sống của mình. Con người phải có năng lực tổ chức cuộc sống. Nhận ra các giới hạn để đến ngủ bên cạnh các giới hạn thì không phát triển được. Mà phát triển là nhận ra các giới hạn để từ đó đi tiếp, mở rộng tiếp cái không gian tự do của mình. Tất nhiên, phát triển không có nghĩa là liên tục và vượt quá các quy định tự nhiên. Phát triển tới các giới hạn tự nhiên của một cá thể, đấy chính là phát triển cao nhất. Nếu con người khôn ngoan, con người sẽ biết rõ những giới hạn ở những giai đoạn khác nhau, trên những khía cạnh khác nhau, và ở những vấn đề khác nhau của đời sống. Trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi dân tộc, mỗi con người phải tự nhận ra các giới hạn trong năng lực của mình.
Chúng ta cần phân biệt rõ rằng sau khi có tự do, con người có thể phát triển nhất so với chính họ, giải phóng các tiềm năng có thể có của mình nhưng điều này không đồng nghĩa với việc làm cho tiềm năng của con người ở các nước chậm phát triển tăng lên đến mức bằng con người ở các nước phát triển. Chính vì thế, chúng ta không thể đi tìm các định lượng về sự phát triển giống nhau trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để thức tỉnh con người phát triển, chúng ta có thể thống nhất các tiêu chuẩn của khái niệm tự do nhằm giải phóng con người đến mức có thể phát triển được hay có thể tìm đến giới hạn tự nhiên của mình.
II. Tự do trong thời đại toàn cầu hóa
1. Nhân quyền, trạng thái tự do mang tính toàn cầu
Cùng với quá trình toàn cầu hóa, tự do là một khái niệm cần phải làm sáng tỏ hàng ngày hàng giờ trong đời sống nhận thức của loài người. Tự do cần phải được đảm bảo bằng quy trình làm mới, làm phong phú và quy trình bảo vệ nó liên tục trong cuộc sống con người. Thực ra, trong tất cả những tuyên ngôn chính trị mà các nhà chính trị thế giới nói, hiện nay, không có khái niệm nào làm họ lúng túng như khái niệm tự do. Nhiều nhà khoa học, nhiều nhà triết học cũng cố gắng lý giải khái niệm tự do, nhưng khái niệm tự do vẫn chưa được mô tả một cách hoàn hảo. Nó chưa trở thành những tiêu chuẩn phổ biến để có thể kiểm soát tình trạng tự do của con người trong quan hệ đối với các nhà nước, các nhà lãnh đạo. Chúng ta biết rằng, con người là nơi cư trú của những khát vọng về tự do, khát vọng về bình đẳng và lòng bác ái. Vì thế, nếu con người không trở thành trung tâm của sự phát triển thì mọi sự sắp đặt trật tự dường như không ý nghĩa, nên một cách tự nhiên, nhân quyền trở thành các quyền trung tâm. Bởi vậy, hiện nay, nhiều người nói rằng nhân quyền trở thành quyền trung tâm trong thời đại toàn cầu hoá là nói một cách không đầy đủ. Trong thời đại toàn cầu hoá, con người có cơ hội nhận ra các quyền trung tâm của mình chứ không phải các quyền trung tâm ấy chỉ xuất hiện trong thời đại toàn cầu hoá. Do sự cạnh tranh khốc liệt toàn cầu mà con người bỗng nhiên thấy rằng nếu mình không tự do thì mình không có năng lực, mình thua trong cuộc chơi toàn cầu ấy. Cho nên, sau ba lần con người thất bại khi đi tìm tự do, toàn cầu hoá là cơ hội thứ tư để con người nhận ra sự cần thiết, sự sống còn của khái niệm nhân quyền, mà linh hồn của nó là tự do.Cần phải giải phóng con người để con người chạy kịp với thời đại của mình. Độ thấm của tinh thần toàn cầu chính là giải phóng con người, hay nói cách khác là mở rộng những giới hạn của tự do. Toàn cầu hóa trang bị cho con người những tiêu chuẩn mới về tự do.
Trong thời đại của chúng ta, tự do đã phát triển thành quyền, tự do là tài sản của con người. Đó là trạng thái mới của tự do. Tự do trở thành quyền phát triển cùng với sự hiện đại hóa toàn bộ lối sống, cùng với toàn cầu hóa. Trước đây con người có thể muốn hoặc không muốn phát triển, con người không có quyền và không có kinh nghiệm đòi hỏi tự do, con người hạnh phúc với cái mình đã có. Sự hợp tác toàn cầu đã tạo ra cơ hội cho con người ý thức về các quyền cá nhân, đặc biệt là các quyền phát triển, tất cả mọi người đều có vị trí như nhau trước các cơ hội và quyền lợi của mình. Vậy con người có thể dịch chuyển tự do đến đâu để không mâu thuẫn với sự tự do của người khác? Để đảm bảo tự do và nhân quyền cho tất cả mọi người, thời đại toàn cầu hoá đòi hỏi các dân tộc phải thực hiện những cam kết quốc tế về quyền tự do, về nhân quyền và điều đó tạo ra tự do toàn cầu. Bây giờ tự do là quyền của con người, Liên Hợp Quốc đã có công ước về nhân quyền. Từ những tinh thần tự do của Montesquieu đến công ước về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc là một bước nhảy khổng lồ của con người có được bởi những thể chế toàn cầu. Đấy chính là những dấu hiệu đầu tiên và quan trọng của sự toàn cầu hóa về chính trị, về xã hội và văn hóa. Nếu như không có nhân quyền thì không có tư cách con người, cho nên phải xác lập được các điều kiện về nhân quyền. Nhân quyền bao giờ cũng được thể hiện trên tất cả các khía cạnh của cuộc sống, không có kinh tế tự do, không được buôn bán làm ăn một cách tự do thì không có quyền tự do kinh tế; không có các quyền như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do cư trú thì con người không có các quyền tự do xã hội; sống trong một môi trường văn hóa ở đấy con người bị chất vấn và níu kéo bởi các hủ tục thì con người không tự do về văn hóa. Tự do kinh tế, tự do chính trị, tự do văn hóa là ba nhóm của nhân quyền. Chúng ta đều thấy rằng, thế giới không quan sát dân quyền mà quan sát nhân quyền, cho nên họ không thành lập một tổ chức nào được gọi là tổ chức dân quyền, mà chỉ có tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch. Tôn trọng quyền con người đòi hỏi phải làm cho con người hiểu được giá trị của nhân quyền. Bên cạnh đó, cần phải đưa ra tiêu chuẩn về tính hợp pháp của một chính phủ, bởi vì tính hợp pháp của một chính phủ là bằng chứng về mức độ dân chủ của một quốc gia. Chất lượng của một chính phủ là chất lượng của công nghệ sinh ra nó như là hệ quả của quyền làm chủ của người dân.
Khi không thừa nhận đầy đủ các quyền cơ bản của con người thì chủ quyền, là quyền cao nhất của con người đối với quốc gia của mình, không được lý giải minh bạch. Ở các quốc gia chậm phát triển, con người dường như mặc nhiên thừa nhận chủ quyền là quyền của chính phủ. Một vấn đề thể hiện rất rõ sự không hợp lý của quan niệm về quyền làm chủ của người dân là quyền sở hữu đất đai. Một số quốc gia cho đến nay vẫn khẳng định đất đai là sở hữu của toàn dân, quyền sở hữu đất đai là một trong các quyền sở hữu dân tộc. Thực tế cho thấy cách giải thích và tuyên tuyền về quyền sở hữu đất đai có tính chất toàn dân đã gây ra rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc quản lý đất đai. Vậy phải hiểu chủ quyền trong vấn đề sở hữu đất đai như thế nào? Tôi cho rằng, đất đai có hai địa vị, hai khía cạnh rất quan trọng và đều quan trọng như nhau. Trước hết, đất đai biểu hiện là đất và nước, tức là chủ quyền quốc gia. Đã là con người thì có quyền sở hữu đất đai. Nhưng một người không phải công dân quốc gia này có quyền sở hữu đất đai của quốc gia đó không? Mọi quốc gia đều thảo luận rất gay gắt về điều này và không phải ở đâu người nước ngoài cũng có quyền sở hữu đất đai. Cùng với sự phát triển kinh tế, đất đai không còn mang nhiều ý nghĩa về chủ quyền nữa. Ở nhiều nước phát triển, đất đai không quan trọng bằng những thứ khác, ví dụ, bây giờ người ta chú ý tới việc nghiên cứu các quyền về hàng hải, các quyền về lãnh hải và người ta đang giải quyết vấn đề về quyền bầu trời. Thế nhưng ở những quốc gia chậm phát triển, con người chưa trang bị đủ điều kiện để nói về những quyền này, vì thế, họ cường điệu quyền đất đai. Và quyền đất đai có tính chất thứ nhất là chủ quyền là như vậy. Khía cạnh khác của quyền đất đai là quyền sở hữu thông thường, tức là đất đai có giá trị tài sản thông thường. Chúng ta thấy rằng nếu đất đai không biến thành hàng hoá, đất đai không được thương mại hoá thì tính chất chủ quyền ấy không có giá trị trên thực tế. Và thực tế là người ta đã thương mại hoá một số thứ được gọi là chủ quyền, bán bầu trời cho vệ tinh bay là một việc bán chủ quyền. Do sự phát triển kinh tế mà con người thương mại hoá một số đối tượng sở hữu của chủ quyền trở thành đối tượng của các quyền thương mại thông thường. Điều này khẳng định một vấn đề càng ngày càng trở nên căn bản là nhân quyền, dân quyền hay chủ quyền đều có ý nghĩa phát triển và cần phải được tôn trọng thực sự.
Tôn trọng các quyền con người chính là tôn trọng con người. Bạn đi ra nước ngoài hay ở lại đất nước mình, đó là quyền của bạn. Trong thực tế đời sống quốc tế hiện nay, khi một con người có quyền công dân của nhiều quốc gia thì điều này rất có ý nghĩa. Ở châu Âu bây giờ, một người có quyền công dân của 27 quốc gia. Thời đại toàn cầu hoá, các quốc gia khác nhau chỉ là địa điểm để con người đóng góp vào tiến trình phát triển. Các quốc gia có thể hưởng niềm vinh quang của một người có nguồn gốc ở vùng đất của mình tạo ra đối với các vùng đất khác nhau trên thế giới, nhưng quyền lợi mà sự vinh quang đó đem lại thì thuộc về người sáng tạo chứ không phải thuộc về quốc gia có người đó. Nhân quyền trở thành một khái niệm vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thế giới hiện đại. Mọi thứ đều phải thuộc về con người thì con người mới mang theo nó một cách tích cực đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Mọi cuộc cải cách đều phải phục vụ sự mở rộng không gian có ích của từng con người cụ thể. Cải cách chính trị, cải cách kinh tế, cải cách văn hóa đều phải tạo ra các môi trường hỗ trợ năng lực sáng tạo của con người khi con người dịch chuyển đến những địa điểm khác nhau trên trái đất. Đấy chính là mục tiêu, là kết quả cuối cùng của toàn cầu hóa. Có nhiều định nghĩa về toàn cầu hoá nhưng tôi cho rằng trước hết, toàn cầu hóa cần phải được hiểu là quá trình tạo ra một môi trường vĩ mô mà ở đâu một người cũng đều có hiệu lực đóng góp giống nhau, đấy chính là tự do hiện đại. Tự do cư trú là một phần của tự do hiện đại. Tự do cư trú cũng là một vấn đề lớn của mỗi quốc gia trong thời đại toàn cầu. Chúng ta cần phải rất tinh tế để phân biệt mục đích của việc tự do cư trú với một hệ quả tất yếu của nó là làm xao nhãng tình cảm của con người với vùng xuất xứ của mình. Tại sao người ta phải an phận sống ở một vùng đất không hỗ trợ hạnh phúc cho mình? Con người có quyền di cư. Tự do cư trú chính là một trong những dấu hiệu chính trị để khẳng định con người có quyền thoát ra khỏi những chỗ mình không muốn ở, con người có quyền đi đến những nơi mình thích. Như vậy, ngay cả quyền tự do cư trú cũng được khẳng định bởi nhiều quyền cụ thể, quyền sinh sống ở những chỗ khác nhau và quyền tị nạn. Nói tóm lại, tôn trọng nhân quyền là một trong những giá trị văn hóa vĩ đại nhất của thời đại chúng ta.
2. Sự dịch chuyển của các dòng năng lực
Toàn cầu hóa là một quá trình dịch chuyển tất cả các dòng năng lực của nhân loại đến những chỗ mà giá trị có thể tăng trưởng. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, các dòng dịch chuyển năng lực đang hàng ngày diễn ra với mật độ dày đặc trên toàn thế giới, từ các dòng dịch chuyển con người, các dòng vốn đến các dòng công nghệ, tài nguyên… Các dòng di dân chính là sự thoát ra khỏi sự ràng buộc của các quốc gia đối với các lực lượng con người. Chính sự dịch chuyển của các lực lượng con người tạo ra sự dịch chuyển của các dòng năng lực. Khái niệm năng lực xã hội không chỉ khoanh trong biên giới quốc gia, trong môi trường toàn cầu hóa nó là sự hấp dẫn của các quốc gia đối với các dòng năng lực. Sự dịch chuyển tự do các dòng năng lực trên phạm vi toàn cầu chính là lý tưởng của sự phát triển chính trị trên toàn thế giới, và đó chính là tiền đề của lý thuyết về toàn cầu hoá, tức là tiết kiệm năng lượng sống toàn cầu. Dòng vốn sẽ đổ vào chỗ nào mà ở đấy người ta khai thác một cách hợp lý nhất, hữu ích nhất, tức là tiết kiệm. Sự tiết kiệm trên quy mô toàn cầu tạo ra sự dịch chuyển tự do của tất cả các dòng năng lực, và sự dịch chuyển tự do của các dòng năng lực làm cho năng lực có những dòng đi ra, có những dòng đi vào. Xuất khẩu lao động, xuất khẩu chuyên gia là dòng năng lực đi ra. Bây giờ một dân tộc đông dân thì sự dịch chuyển đi ra của các dòng nhân lực trở thành nhu cầu, bởi vì nhân lực cũng là một yếu tố tạo nên năng lực.
Xã hội là tập hợp các nguồn năng lực. Con người cũng là tập hợp của các nguồn năng lực. Tài chính là một năng lực thuộc về con người. Sự dịch chuyển của tài sản là biểu hiện hiện đại của sự dịch chuyển con người. Nhìn những dòng dịch chuyển đi ra đó chúng ta thấy được bản chất của sự phát triển các dòng năng lực, hay các không gian chính trị. Các dòng ấy dịch chuyển giữa các không gian chính trị, do đó các quốc gia, các nhà nước phải xây dựng các không gian chính trị phù hợp với đòi hỏi của nhu cầu phát triển khách quan của từng vùng lãnh thổ. Ở những chỗ đông dân mà dòng dịch chuyển nhân lực đi ra thì đó là một biểu hiện lành mạnh. Nhưng con người đi ra với tư cách nào? Nếu đi ra với tư cách là những nhân lực cao cấp thì khác với đi ra với tư cách là lao động đơn giản. Vậy một chính phủ phải xác định đầu tư vào đâu? Sự đi ra tất yếu của các dòng nhân lực ở những quốc gia đông dân là một hiện tượng khách quan, và nếu chính phủ đầu tư để cho dòng dịch chuyển đi ra của các nguồn nhân lực ấy trở thành những chuyên gia thì hiệu quả kinh tế sẽ lớn hơn. Xuất khẩu lao động đơn giản là sự đi ra tự nhiên, nhưng xuất khẩu chuyên gia là sự đi ra có đầu tư. Như vậy, men theo các quy luật vận hành của đời sống tự nhiên mà chính phủ hay xã hội phải xác định đối tượng để đầu tư.
Phát triển năng lực là tạo ra sự hấp dẫn các nguồn năng lực. Sự hấp dẫn các nguồn năng lực khác nhau tụ họp về một vùng lãnh thổ chính là năng lực khai thác hết các nguồn lực. Nếu chúng ta hấp dẫn về mặt chính trị, chúng ta hướng dẫn để du nhập những phần thiếu hụt của năng lực, ví dụ như thiếu tiền (tiền là một năng lực) thì một cách tự nhiên, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề phát triển của mình. Tạo ra sự dịch chuyển thuận lợi cho tất cả các dòng năng lực là biểu hiện quan trọng nhất của tự do. Sức hấp dẫn các dòng năng lực được tạo ra bởi sức hấp dẫn của các không gian chính trị tự do. Các không gian chính trị tự do sẽ thu hút các dòng năng lực. Nhưng các dòng năng lực cũng có tính hấp dẫn, bởi vì chính chúng cũng bị lôi kéo. Không ai lôi kéo một dòng năng lực không có giá trị. Vì thế, bên cạnh việc bản thân các dòng năng lực phải được đầu tư để trở nên hấp dẫn thì các không gian chính trị cũng phải đủ hấp dẫn và tự do để thu hút các dòng năng lực. Tất cả các chất lượng hiện có của các nguồn năng lực là tốt và có triển vọng, đấy chính là sự hấp dẫn về chính trị. Một hệ thống tòa án tốt là sự hấp dẫn chính trị, hệ thống luật pháp tốt là sự hấp dẫn chính trị, hệ thống trí tuệ tốt là sự hấp dẫn về chính trị, hệ thống giáo dục tốt là sự hấp dẫn về chính trị. Một quốc gia hấp dẫn sẽ hội tụ được nhiều người thuộc nhiều dòng văn hoá, nhiều môi trường khác nhau đại diện cho nhiều năng lực đa dạng đến sinh sống, tất cả sẽ khuếch đại năng lực phát triển của quốc gia đó. Những phân tích trên cho thấy năng lực quan trọng nhất của một quốc gia là tính hấp dẫn của nó. Nếu một quốc gia không có sự hướng dẫn chính trị tốt dựa trên nền tảng là tự do thì sẽ bị mất năng lực, không chỉ là mất năng lực sản xuất, mà còn là mất tất cả các năng lực con người khác. Đó là kết quả của sự chuyển những năng lực thuộc về con người ra những không gian có điều kiện chính trị tốt hơn. Chính sự thiếu hấp dẫn của một không gian là sự hướng dẫn chính trị để con người thoát ra khỏi không gian ấy. Như vậy, xây dựng một không gian chính trị tự do chính là phát triển năng lực hay tạo ra sự hấp dẫn năng lực trong thời đại toàn cầu hóa.
Sự xuất hiện của toàn cầu hoá cộng với sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ làm cho cuộc sống của con người hiện đại vận động với tốc độ ngày càng nhanh. Càng ngày, các dân tộc, các cộng đồng giao lưu với nhau chủ yếu thông qua các hệ giá trị, thông qua các quyền lợi và đặc biệt là thông qua các nền văn hoá; càng ngày, con người càng nhận ra giá trị chung mà mình phải vươn tới, đó là những tiêu chuẩn có giá trị phổ quát toàn cầu. Do vậy, việc xây dựng một hệ tư tưởng có giá trị toàn cầu là đương nhiên cùng với sự hợp tác và phát triển của con người. Ngày nay, do quá trình toàn cầu hoá, tất cả các quốc gia đã có mặt trong nhau và sự tràn lan của thông tin sẽ khiến cho các quá trình nhận thức cũng có mặt trong nhau. Vì thế, toàn cầu hoá cũng có giá trị như thuyết tương đối của đời sống, và chính nó làm rối loạn hệ tư tưởng, buộc hệ tư tưởng phải bám vào các giá trị thực tức là hệ giá trị để tồn tại. Càng toàn cầu hoá thì hệ tư tưởng vốn chỉ mang tính khu trú cá nhân càng phải trải qua một quá trình sàng lọc khắc nghiệt hơn để tồn tại bằng những giá trị thật của nó.
III. Năng lực tự chủ
Cần phải khẳng định rằng nếu như có vấn đề gì cần thảo luận về toàn cầu hoá thì đó là sự thảo luận về tốc độ của quá trình hội nhập chứ không phải về việc có hội nhập hay không. Nhưng không ở đâu con người được chuẩn bị để hiểu điều đó. Không ai có thể cung cấp cho con người dịch vụ để toàn cầu hoá chính nó. Hệ thống giáo dục chỉ cung cấp cho con người những điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Các nhà chính trị dễ rơi vào trạng thái thiếu khách quan nếu phổ biến các giá trị này, vì họ chỉ chọn những yếu tố có lợi xét theo quan điểm của họ. Thực ra, việc phổ biến các giá trị toàn cầu là nhiệm vụ của con người, của cả loài người chứ không phải là nhiệm vụ của riêng nhà nước. Con người phải tinh khôn để nhận ra các giá trị toàn cầu, có trách nhiệm cá nhân để nhận ra nó chứ không chờ đợi một sự phổ biến từ bên ngoài. Đấy chính là sự khác nhau giữa việc làm một con người tự do và con người không tự do. Con người tự do là con người tự chủ. Một con người tự do là một con người có năng lực nhận ra các giá trị, nâng cao năng lực làm chủ của chính mình, khai thác hết các không gian quyền của mình để phát triển. Con người phải tự lo lấy thân phận của mình, và rèn luyện năng lực tự chủ của mình chính là triết học của thời đại toàn cầu. Vì, cùng với xu thế toàn cầu hóa, một xã hội dân sự là mục tiêu mà con người hướng tới. Trong xã hội ấy, con người phải có đầy đủ bản lĩnh để quyết định chính thân phận của mình.
Con người tự chủ phải có năng lực mở rộng không gian cho những hành động của mình vì năng lực ấy sinh ra các giá trị của sự phát triển. Toàn cầu hóa chính là môi trường cho con người tự rèn luyện mình để hình thành những phẩm chất mang tính toàn cầu. Tất nhiên, bất kỳ hiện tượng nào của đời sống cũng đều có mặt trái của nó. Trong quá trình toàn cầu hóa tức là trong quá trình dịch chuyển tự do của các yếu tố tham gia vào quá trình phát triển, vẫn có những người lạm dụng. Con người lạm dụng cái hiện tượng tự do như vậy, con người lạm dụng cả những hiện tượng sai và hiện tượng đúng. Sự lạc hậu của một số dân tộc khác đều có thể bị lợi dụng. Toàn cầu hóa là quá trình thương mại mọi chuyện, kể cả thương mại các sai lầm. Thế nhưng, con người không được trốn ra khỏi quá trình này, con người phải hiểu rằng mọi thất bại mà mình gặp trong quá trình toàn cầu hóa là những bài học cần có để nâng cao năng lực nhận thức. Khi con người xây dựng được thái độ như vậy đối với toàn cầu hóa, con người sẽ yên tâm trước cả thất bại lẫn thành công, và như thế, con người mới làm chủ được chính bản thân mình.
Không chỉ con người phải tự quyết định lấy thân phận của chính mình mà các dân tộc cũng phải tự quyết định lấy thân phận của mình. Không chỉ con người phải rèn luyện năng lực tự chủ mà các dân tộc, các quốc gia cũng phải rèn luyện một năng lực tự chủ vững vàng, đặc biệt là những nước chậm phát triển. Toàn cầu hóa đang xảy ra dưới hình thức bản năng, do các động lực của sự phát triển kinh tế hay giao lưu kinh tế. Bởi vậy, con người ở hầu hết các dân tộc đều không được chuẩn bị và đều bị động trước quá trình toàn cầu hoá. Liệu mỗi dân tộc có nghĩ là tại sao mình phải toàn cầu hoá, và liệu có thể đứng bên ngoài quá trình toàn cầu hóa được không? Toàn cầu hóa là một hiện tượng cạnh tranh toàn cầu để phát triển. Nếu không tham gia vào quá trình này một cách quyết liệt, thì ngay lập tức, quốc gia nào khu trú, đóng cửa dân tộc mình sẽ bị đẩy ra ngoài dòng chảy của thời đại.
Có không ít dân tộc, không ít các lực lượng chính trị cảm thấy một cách chắc chắn rằng mình thất bại trong quá trình toàn cầu hóa. Chủ nghĩa khủng bố là một trào lưu tư tưởng thể hiện sự thất vọng của một lực lượng, một quan điểm đối với quá trình cạnh tranh toàn cầu. Nhưng đối với một lực lượng nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước là chủ nghĩa khủng bố thì nhân loại phải làm gì để ngăn chặn nó? Nhân loại đã có kinh nghiệm về việc hình thành sự đối đầu về hệ tư tưởng và thế kỷ XX là thế kỷ bất hạnh của nhân loại. Chính vì thế, nhân loại cần phải cảnh giác, các nhà nước, chính phủ cần phải cảnh giác hơn nữa trước các phản ứng tình thế để tránh việc dung dưỡng hoặc sử dụng các yếu tố mang tính chất khủng bố vì định kiến, vì quyền lợi trước mắt mà tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn. Nếu không nhân loại sẽ trượt vào việc hình thành các tuyến nhà nước khủng bố hoặc nhà nước chống khủng bố. Về cơ bản, tôi nghĩ rằng cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố là cuộc chiến tranh toàn cầu và sự xuất hiện của các lực lượng khủng bố sẽ tạo ra sự phá vỡ quyền lực nhà nước trong phạm vi toàn cầu. Vì thế, các nhà nước phải tạo ra một sự liên minh và phải nhận thức rất rõ triển vọng, qui luật phát triển của các lực lượng khủng bố để truy đuổi nó. Nhận thức toàn cầu của các nhà nước không giống nhau nên nhân loại chỉ có thể dần dần tiệm cận đến một cơ cấu hợp lý để đảm bảo an ninh chi tiết hơn trong phạm vi toàn cầu.
Cũng có một trào lưu thụ động hơn, đó chính là sự khu trú về mặt văn hóa. Đây là khuynh hướng trung dung trong quá trình toàn cầu hóa, họ mới chỉ thừa nhận là không thể né tránh quá trình toàn cầu hóa mà chưa thừa nhận là họ buộc phải theo đuổi quá trình này một cách quyết liệt, tức là cần phải cải cách, cần phải làm như thế nào để thắng lợi. Đại bộ phận các nước thế giới thứ ba là như vậy. Trước kia, các nước thế giới thứ ba có thể né tránh toàn cầu hóa, nhưng đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI, người ta không thể tiếp tục sự tránh né. Thế giới thứ ba, với tất cả sự lạc hậu của nó, nếu cứ tiếp tục lần khân thì sẽ xuất hiện một loạt các cuộc cách mạng chính trị và lại tiếp tục bỏ lỡ cơ hội. Do đó, các nước thế giới thứ ba buộc phải nhìn nhận lại rất nhiều vấn đề. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để đủ khả năng tham gia vào quá trình cạnh tranh toàn cầu? Các nước thế giới thứ ba cần phải cải cách để giải phóng con người, cải cách để tìm kiếm tự do cho con người. Toàn cầu hóa chính là phương thức mà nếu nắm lấy nó, các nước thế giới thứ ba sẽ rút ngắn được thời gian cũng như được hỗ trợ về nguồn lực cho quá trình này. Các nước thế giới thứ ba có thể tận dụng cơ hội này như tận dụng quán tính một cách tích cực. Chúng ta thấy rằng, toàn bộ tiến trình phát triển ổn định chính là xác lập trạng thái không lăn theo quán tính của đời sống phát triển. Nhưng phát triển sẽ rất vất vả nếu không lợi dụng được quán tính của sự dịch chuyển. Mà toàn cầu hóa chính là quá trình dịch chuyển tự do của những yếu tố tham gia vào sự phát triển. Nếu không đủ năng lực để cân bằng với thế giới thì hãy để thế giới cân bằng mình. Giảm bớt được sự chống cự một cách vô ích cũng chính là tiết kiệm. Trong quá trình tự cân bằng của thế giới, các năng lực, nhất là năng lực chính trị sẽ đến một cách tự nhiên với những tốc độ khác nhau. Thế giới sẽ lôi các dòng dân cư có chất lượng lao động đơn giản của các nước đang phát triển ra bên ngoài và trả về những lao động ấy có chất lượng cao hơn. Chỉ có tự do mới tạo ra được sự tự cân bằng trên phạm vi toàn cầu. Lý thuyết tự do là sự dịch chuyển không bị ngăn chặn của tất cả các dòng năng lực để tạo ra tính hữu ích cao nhất, tính hiệu quả cao nhất của khái niệm năng lực. Nói cách khác, toàn cầu hóa là quá trình thư giãn toàn xã hội trên phạm vi toàn cầu để các dòng năng lực, các dòng năng lượng sống tự cân bằng và tạo ra sự phát triển tự nhiên. Các nước thế giới thứ ba phải nắm lấy toàn cầu hóa như một cơ hội lớn để giải phóng năng lực của con người.
Đối với các nước thế giới thứ ba thì trong thời gian tới, toàn cầu hoá cũng tạo ra nhiều thách thức. Nhưng thách thức ấy lại tạo ra một cơ hội lớn nhất trong tất cả các cơ hội, đó là làm cho con người ở các nước này thức tỉnh một thực tế là, mình đang đứng trong một cuộc chơi toàn cầu chứ không phải đứng trong cái chợ riêng của mình. Chúng ta sẽ khóc cùng với thế giới khi thế giới khủng hoảng, chúng ta sẽ hát cùng với thế giới khi giá vàng hạ xuống và giá dầu giảm. Đấy chính là cơ hội lớn nhất. Tất cả các cơ hội thương mại là cơ hội phụ, cơ hội cá lẻ. Chúng ta biết rằng, toàn cầu hoá về chính trị tức là dân chủ hoá, toàn cầu hoá về kinh tế nghĩa là phải xây dựng một nền kinh tế tự do, và toàn cầu hoá về văn hoá chính là xây dựng nền văn hoá mở. Thời đại toàn cầu chính là thời đại mà mọi người hội nhập, mọi quốc gia đều phải tuân thủ hay đều phải tham gia vào quá trình hội nhập. Tham gia vào quá trình toàn cầu hoá là chúng ta đã bắt lấy cơ hội thứ tư của toàn nhân loại. Sớm hay muộn, các quốc gia đều phải làm như vậy. Vì cho dù người ta có tham gia vào quá trình toàn cầu hoá một cách bị động như hiện nay thì toàn cầu hoá vẫn đem lại những yếu tố tích cực và đó chính là sự vĩ đại của toàn cầu hoá, nếu anh không đến được với thế giới thì thế giới đến với anh. Toàn cầu hoá thay đổi phẩm chất của từng người, từng dân tộc và qua đó thay đổi số phận của cả dân tộc.
Không ai lo hộ mình cả, mỗi con người, mỗi dân tộc phải tự lo cho chính bản thân mình. Nếu có người lo lắng hộ thì đó là sự may mắn, nhưng con người không thể sống và phát triển trong sự may mắn được. Con người phải sống trong sự hoạch định tương lai của mình, điều đó chỉ có khi con người có tự do, tức là con người có trách nhiệm với chính mình. Bởi tự do là quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền thiết kế ra tương lai và sắp đặt cuộc đời cho mình, quyền đi tìm kiếm các cơ hội của mình. Thế giới luôn là một trường học vĩ đại để chỉ ra rằng ở đâu có tự do thì ở đó có phát triển, ở đó có tăng trưởng, ở đó có sự thịnh vượng. Và giờ đây, chúng ta không thể bỏ lỡ một vận hội lớn, cơ hội lần thứ tư của nhân loại.
Nội dung khác
Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn