Phát triển khu vực kinh tế nhà nước

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:32 CH @ Thứ Tư - 27 Tháng Mười, 2010
Kinh tế quốc doanh và vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ lâu nay vẫn được coi là thành phần chủ đạo trong các nền kinh tế đang chuyển đổi. Ở Việt Nam và cả Trung Quốc, thực ra cái gọi là "vai trò chủ đạo" này chưa bao giờ có thực.

Đánh giá chung của nhiều cấp lãnh đạo, nhà chuyên môn và của chính nhiều người trong cuộc là những người có trách nhiệm điều hành các DNNN đều thừa nhận sự yếu kém của thành phần kinh tế này và chính sự yếu kém đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của cả nền kinh tế.

Để khắc phục tình trạng này chủ trương đẩy mạnh đổi mới DNNN với mục tiêu kinh tế nhà nước giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần đã và đang được triển khai. Có thể kể ra các giải pháp đổi mới như cổ phần hoá, điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh; bổ sung sửa đổi cơ chế, chính sách, đổi mới và hiện đại hóa công nghệ và quản lý của đại bộ phận doanh nghiệp nhà nước; đầu tư phát triển và thành lập mới doanh nghiệp nhà nước ở những lĩnh vực, địa bàn cần thiết...

Từ lâu, một số người nhìn nhận vai trò chủ đạo của khối DNNN một cách phiến diện thông qua những con số thống kê tỷ lệ phần trăm về vốn, nhân lực và GDP. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa số lượng và chất lượng. Với vai trò hạt nhân của nền kinh tế kế hoạch, các DNNN tập trung và phản ánh đầy đủ, sâu sắc nhất những mâu thuẫn, yếu kém, thậm chí là phi kinh tế của nền kinh tế kế hoạch tập trung. Bản chất sự yếu kém của các DNNN là thực thể kinh tế này cho đến nay vẫn chưa được vận hành đầy đủ theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường. Vì vậy để đổi mới chúng ta phải nhìn nhận và giải quyết các vấn đề đang cản trở sự phát triển bình thường của lực lượng kinh tế quan trọng này.

Vấn đề quản lý, điều hành

Vấn đề "lỗ lãi" của DNNN từ lâu luôn là vấn đề nhức nhối. Các con số thống kê cho thấy số DNNN làm ăn có lãi không phải là ít và nếu quả đúng như vậy thì với vai trò chủ đạo của nó, nền kinh tế Việt Nam hay Trung Quốc cũng không đến nỗi yếu kém và trì trệ như ngày nay.

Nhưng Việt Nam hay Trung Quốc buộc phải thừa nhận một thực tế là việc quản lý, điều hành các DNNN hiện nay còn thiếu tính minh bạch và chưa đạt các chuẩn mực kinh doanh hiện đại. Cụ thể là các chế độ quản lý, hạch toán thường không phản ánh đúng tình hình kinh doanh, thậm chí ngay đến các cơ quan quản lý cấp trên của DNNN cũng khó nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh cũng như hiện trạng tài chính của doanh nghiệp. ở Việt Nam, từ lâu nay, chúng ta đã quen với hiện tượng "nhà nước và doanh nghiệp là một", một phương thức điều hành rất vô lý và phi kinh tế. Theo phương thức này, Nhà nước tức chủ sở hữu quá tin tưởng vào các giám đốc tức người thực hiện dịch vụ điều hành, quản lý đến mức các kết quả kinh doanh không hề cần và phải kiểm toán để kiểm tra, đánh giá lại kết quả kinh doanh thực sự của doanh nghiệp.

Vấn đề chính sách, chế độ bao cấp, ưu tiên, độc quyền và bảo hộ

Có thể nói chính sự bao cấp, ưu tiên, độc quyền và bảo hộ không hợp lý của nhà nước đã gây một kết quả trái với mong đợi, biến các DNNN trở thành những đứa con được quá nuông chiều, luôn nhũng nhiễu và thường tỏ ra kém cỏi khi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của thực tế. Sự bao cấp, ưu tiên, độc quyền của nhà nước là nguyên nhân cơ bản làm cho các DNNN không được điều hành theo đúng cơ chế thị trường và hậu quả là các DNNN mất sức cạnh tranh luôn phải cậy nhờ vào sức mạnh và sự can thiệp vốn rất hạn hẹp của bà mẹ nhà nước. Trong xu thế hội nhập, nếu không nhanh chóng xoá bỏ chế độ bao cấp, ưu tiên, độc quyền thì DNNN khó có thể có được sức mạnh thực sự để cạnh tranh có kết quả với các doanh nghiệp trong ngoài nước trên thị trường trong nước và quốc tế chứ chưa nói đến vai trò chủ đạo của nó, nghĩa là nó phải kinh doanh có hiệu quả nhất, có sức cạnh tranh lớn nhất và gương mẫu đi đầu trước mọi thách thức trong quá trình hội nhập. Ta có thể thấy căn bệnh độc quyền dẫn tới những phi lý về giá cả làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng và ảnh hưởng tới sự cạnh tranh và sự phát triển lành mạnh của chính các doanh nghiệp nhà nước. Giá sản phẩm và dịch vụ của các công ty độc quyền bất hợp lý làm biết bao doanh nghiệp khốn đốn và mất sức cạnh tranh một cách oan uổng. Những ưu tiên, độc quyền kiểu này chính là nguyên nhân dẫn đến những nghịch lý đang tồn tại như một căn bệnh di căn làm trở ngại sự phát triển bình thường của cả nền kinh tế. Rõ ràng là việc xoá bỏ những ưu tiên, độc quyền cho các DNNN không chỉ có tác dụng làm cho chính các doanh nghiệp này trở nên vững mạnh và có sức cạnh tranh lớn hơn mà quan trọng hơn, nó còn là một điều kiện tiên quyết để cho cả nền kinh tế phát triển ổn định theo những quy luật thông thường.

Vấn đề đầu tư

Ở Việt Nam, các DNNN hiện sử dụng một tỷ lệ lớn các nguồn lực nhưng lại tạo ra quá ít việc làm và có mức tăng năng suất lao động thấp (nhận hơn một nửa trong toàn bộ vốn cho vay của hệ thống ngân hàng chính thức nhưng chỉ tạo ra chưa đến 10% số việc làm) . Đầu tư, phát triển sản xuất của các DNNN thiếu hiệu quả do không gắn với thị trường và thiếu chiến lược đầu tư hợp lý. Nhiều tác giả phân tích những tác hại của hiện tượng các DNNN đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ, lạc hậu hàng chục năm so với các nước phát triển nhưng theo chúng tôi vấn đề còn trầm trọng hơn nếu các DNNN được đầu tư dàn trải và sai định hướng. Bài học nhiều doanh nghiệp quốc doanh đầu tư phát triển xi măng lò đứng để rồi chết đứng là một ví dụ. Theo chúng tôi, sự lộn xộn và thiếu hiệu quả đầu tư của các DNNN thể hiện ngay trong chiến lược đầu tư ở tầm vĩ mô. Chúng ta chạy theo sự đầu tư dàn trải vào các ngành, các lĩnh vực trong khi ngân sách nhà nước khá hạn chế. Chúng ta chưa thể quên được bài học đắt giá của cuộc khủng hoảng tài chính châu á năm 1997 mà một trong những nguyên nhân chủ yếu của nó là sự sai lầm của chiến lược đầu tư. Trong thực tế hội nhập và phân công lao động quốc tế hiện nay cho phép chúng ta không phải lặp lại tất cả những gì các quốc gia đi trước đã trải qua. Trong chiến lược đầu tư hiện nay, với vị thế, hoàn cảnh của đất nước, chúng ta nên tập trung đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch và công nghệ thông tin, đó là những ngành chúng ta có cơ hội hợp tác và cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.

Vấn đề sử dụng nhân lực và chính sách tiền lương

Sự yếu kém của các DNNN một phần là do không thu hút được lực lượng lao động có chuyên môn cao. Một thực tế là ngày nay lực lượng chất xám trong đó có nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, có xu hướng bị thu hút về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nơi có tiền lương và thu nhập cao hơn. Về bản chất đây là hiện tượng bình thường của kinh tế thị trường, các DNNN với tiền lương thấp hơn đương nhiên khó lòng thu hút được đội ngũ lao động có chất lượng cao. Kết quả là các DNNN vốn dĩ yếu kém càng ngày càng mất đi sức mạnh cạnh tranh về chất lượng đội ngũ lao động của mình.

Thực tế cũng cho thấy, các DNNN chỉ có thể thực sự có vai trò chủ đạo khi nó là một mô hình kinh doanh năng động, có hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và gương mẫu đi đầu trong nhiệm vụ cạnh tranh và hội nhập quốc tế đầy khó khăn ngày nay. Vì vậy, đổi mới DNNN phải là thực hiện những giải pháp khắc phục những thiếu sót cơ bản kể trên chứ không thể chỉ đổi mới thông qua các giải pháp mang tính tổ chức, tình thế. Thành công của công tác đổi mới các DNNN chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước. Chính vì vậy, việc đổi mới các DNNN cần đặt trong bối cảnh chung của sự nghiệp đổi mới nền kinh tế gắn với quá trình hội nhập. Đặt các DNNN bình đẳng trong nền kinh tế nhiều thành phần và vận hành chúng theo những quy luật kinh tế thị trường, đó là giải pháp cơ bản để đổi mới và hướng tới mục tiêu "giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần".

Nội dung liên quan

  • Luật Doanh nghiệp - "con dao sắc ngọt" giải phẫu các tập đoàn kinh tế

    17/09/2014Luật sư Nguyễn Trần BạtTừ thời điểm 1/7/2010, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được chuyển đổi thành các công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây là một sự kiện pháp lý quan trọng, theo cam kết khi gia nhập WTO, đánh dấu một bước tiến mới trên lộ trình hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, trước và sau sự kiện quan trọng này có nhiều việc cần bàn...
  • Doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực đóng vai trò chủ đạo

    03/03/2014Vũ Thành Tự AnhDự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TƯ Đảng khẳng định mọi thành phần kinh tế đều được coi trọng, đồng thời thừa nhận rằng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực nhà nước thấp hơn so với khu vực tư nhân, nhưng vẫn tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế nhà nước có đủ năng lực để đóng vài trò chủ đạo này hay không?
  • Vẫn theo kiểu của nền kinh tế quản lý tập trung

    28/10/2010TS. Nguyễn Sỹ Phương, CHLB ĐứcNếu coi thực tiễn là thước đo của chân lý, thì vụ Vinashin chính là một căn cứ không thể bác bỏ, để không chỉ đoạn tuyệt với vai trò chủ đạo, chi phối của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng ý chí quyền lực nhà nước, mà quan trọng hơn, trả nó về đúng chức năng kinh doanh độc lập của nó...
  • Độc đoán, chuyên quyền làm đắm con tàu lớn (...)

    22/10/2010Chí TùngCon tàu lớn (...) quyết định làm theo ý mình**) là một việc cố ý làm trái với chỉ đạo của Chính phủ...
  • Kinh tế tư nhân vẫn còn mờ nhạt trong cương lĩnh

    13/10/2010Phạm HuyênMột chiến lược về xây dựng, phát triển doanh nghiệp doanh nhân, thể hiện vai trò của khu vực này trong phát triển kinh tế cần được thể hiện rõ ràng hơn trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng...
  • Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước

    15/08/2006Anh ThưTham nhũng thường bắt đầu từ cái gốc là quyền lực. Một người tham nhũng được vì anh ta có quyền. Những người có sức, có quyền trong bộ máy Nhà nước nói chung và bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp nói riềng là địa chỉ dễ xảy ra tham nhũng nhất. Vì vậy, muốn phòng ngừa và chống được tham nhũng thì trước hết những người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền về mặt chủ quan phải gương mẫu và về mặt khách quan những người này phải được giám sát chặt chẽ trong thực thi công vụ...
  • Không thể tiếp tục xóa nợ cho doanh nghiệp Nhà nước

    09/12/2005Luật gia Vũ Xuân Tiến (Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam)Đã từ lâu, khi nền kinh tế nước ta chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tình trạng thua lỗ trong các DNNN đã xẩy ra nghiêm trọng. Vì thua lỗ trong kinh doanh nên rất nhiều DNNN không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Trong trường hợp ấy, lẽ ra phải tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì người ta lại nghĩ ra và áp dụng một biện pháp thật hy hữu trong quản lý kinh tế, đó là: khoanh nợ, giãn nợ và xóa nợ cho những doanh nghiệp này.
  • xem toàn bộ