Đảm bảo tính đồng bộ của các cuộc cải cách
Trước hết, phải khẳng định, không có cuộc cải cách nào tách rời cuộc cải cách nào, các cuộc cải cách nằm trong chương trình cải cách hay nói cách khác là nằm trong chương trình hành động của một chính phủ trong việc xúc tiến sự phát triển của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Bản chất của việc xây dựng chương trình cải cách thể hiện về mặt hình thức ở chính tính đồng bộ của cải cách. Sự đồng bộ của các cuộc cải cách không có nghĩa là đồng thời, vì các cuộc cải cách này có quan hệ chặt chẽ, tác động và hỗ trợ lẫn nhau, làm tiền đề hoặc bảo trợ cho nhau trong một chương trình cải cách tổng thể.
Sự đồng bộ của các cuộc cải cách thể hiện không chỉ trong mối quan hệ hữu cơ giữa các cuộc cải cách, mà còn trong bản thân mỗi cuộc cải cách và việc xác định tính đồng bộ phụ thuộc vào sự nhạy cảm của các nhà lãnh đạo các cuộc cải cách. Các cuộc cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa hay giáo dục đều là những đòi hỏi tự nhiên, những đòi hỏi thật sự của cuộc sống. Chính trị, kinh tế và văn hóa là ba bộ phận khác nhau của hình thái kinh tế xã hội nên các cuộc cải cách có quan hệ tương tác, quan hệ biện chứng với nhau. Nếu không tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách thì các cuộc cải cách không có sự liên hoàn và hỗ trợ lẫn nhau, và thiếu sự đồng bộ trong mỗi cuộc cải cách dẫn đến các cuộc cải cách đều mang tính nửa vời. Vậy phải đảm bảo tính đồng bộ của cải cách như thế nào?
Tính đồng bộ của cải cách kinh tế
Trong chương trình cải cách toàn diện, việc hoạch định cải cách phải tính đến tính chất đặc thù và vai trò riêng của từng cuộc cải cách. Như trên đã phân tích, cải cách kinh tế phải đi trước để tạo tiền đề vật chất cho cải cách chính trị. Thế giới thứ ba đói nghèo và lạc hậu, người dân đòi hỏi chủ yếu là về khía cạnh kinh tế, mong muốn chủ yếu là có đời sống vật chất đầy đủ. Nhưng trên thực tế, những cuộc cải cách kinh tế được tiến hành lại do sức ép từ bên ngoài chứ không xuất phát từ nhu cầu tự thân phải cải cách, cộng với nhận thức sai lầm của các chính phủ cũng góp phần làm cho các chương trình cải cách kinh tế chỉ là nửa vời và hoàn toàn không triệt để. Nhìn chung, cải cách kinh tế ở các nước này mới chỉ dừng lại ở cải cách thể chế kinh tế. Cải cách thể chế kinh tế tức là làm cho các thể chế kinh tế trở nên tốt hơn, do đó, hoàn toàn chưa đủ để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của cả nền kinh tế. Cùng với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, cạnh tranh trở thành đòi hỏi toàn cầu thì việc phát triển lực lượng kinh tế của xã hội theo hướng hội nhập là một đòi hỏi khách quan. Có thể nói, hoạch định chính sách để phát triển các lực lượng kinh tế là đặc điểm quan trọng nhất của kinh tế chính trị học hiện đại. Như vậy, cải cách kinh tế bao gồm hai công việc rất rõ ràng là (i) cải cách thể chế kinh tế để pháp chế hóa tất cả các trạng thái kinh tế, các trạng thái phát triển của kinh tế và (ii) tạo không gian phát triển tự do cho tất cả các lực lượng kinh tế theo khuynh hướng cạnh tranh toàn cầu. Để đảm bảo sự đồng bộ trong cải cách kinh tế, các nước không chỉ dừng ở cải cách thể chế kinh tế mà phải cải cách toàn diện, cải cách kinh tế thực sự để không chỉ làm cho các thể chế phù hợp với những đòi hỏi của thực tế hay để thỏa mãn mục tiêu hội nhập, mà còn phải làm cho các lực lượng kinh tế phát triển rầm rộ và hùng hậu. Tính đồng bộ của cải cách kinh tế đòi hỏi phải thực thi cả hai nhiệm vụ này một cách triệt để.
ở đây, tôi nói đến phát triển các lực lượng kinh tế chứ không phải phát triển lực lượng sản xuất. Lực lượng kinh tế và lực lượng sản xuất là hai khái niệm, hai mức độ khác nhau. Marx chỉ chú ý đến khâu sản xuất mà bỏ qua các khâu khác của quá trình kinh tế và Marx tưởng rằng sản xuất là toàn bộ quá trình kinh tế. Đó là nhầm lẫn của Marx. Marx biến khâu sản xuất thành tiền đề của các cương lĩnh của Marx về chính trị, tức là Marx biến sản xuất trở thành công cụ lý luận kinh tế để xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học và xây dựng Tuyên ngôn đảng cộng sản. Xây dựng thể chế kinh tế lớn hơn xây dựng lực lượng sản xuất, vì xây dựng thể chế kinh tế là xây dựng các quan hệ kinh tế mà quan hệ kinh tế bao gồm ba loại quan hệ: quan hệ sản xuất, quan hệ thương mại, quan hệ sở hữu dân sự. Tôi nói như vậy chỉ để nhằm làm nổi bật việc xây dựng và phát triển hai khái niệm chủ yếu của đời sống kinh tế, chứ không phải kinh tế nói chung, vì kinh tế rộng lớn hơn nhiều. Hơn nữa đó không phải là quan hệ nền tảng vì nền tảng của thể chế kinh tế là thể chế chính trị và nền tảng của thể chế chính trị là thể chế văn hoá. Như vậy, rõ ràng, tính đồng bộ của các cuộc cải cách thành phần không tách rời khỏi tính đồng bộ của chương trình cải cách chung.
Bản chất của phát triển kinh tế, của tất cả các chương trình phát triển kinh tế đều là phát triển cả thể chế kinh tế và lực lượng kinh tế. Phát triển lực lượng kinh tế phụ thuộc trực tiếp vào sự phát triển chính trị hay tự do chính trị. Phát triển các thể chế kinh tế phụ thuộc một cách gián tiếp vào sự phát triển thể chế chính trị, hay thể chế kinh tế là hệ quả tự nhiên của thể chế chính trị, còn lực lượng kinh tế là hệ quả trực tiếp của sự phát triển thể chế chính trị. Không có tự do chính trị thì không có sự phát triển lực lượng kinh tế. Trên cơ sở sự phát triển của lực lượng kinh tế thì phải phát triển thể chế để quản lý và xúc tiến các lực lượng kinh tế. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cả chính trị lẫn kinh tế để cho đời sống kinh tế phát triển. Hệ quả của việc phát triển các lực lượng kinh tế chính là cải cách chính trị. Cải cách chính trị còn làm cho nhiều lực lượng phát triển chứ không chỉ có các lực lượng kinh tế. Nói cách khác, muốn phát triển các lực lượng kinh tế thì phải tự do hóa về chính trị chứ không phải chỉ tự do hóa về kinh tế. Tóm lại, cải cách kinh tế xét một cách tổng thể là tạo không gian phát triển cho các lực lượng kinh tế, cho đời sống kinh tế. Không gian đó không phải chỉ là không gian pháp luật mà còn là không gian chính trị, và chính không gian chính trị sẽ tạo cảm hứng cho các cuộc cải cách khác. Đây cũng chính là bản chất của kinh tế chính trị học hiện đại.
Tính tiếp nối và liên tục của các cuộc cải cách
Có người đặt câu hỏi, đối với một số nước đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế thì sau khi tiến hành cải cách kinh tế thì cần phải tiến hành cuộc cải cách nào tiếp theo, cải cách chính trị, cải cách văn hóa hay cải cách giáo dục? Tôi cho rằng, ở những quốc gia này, cải cách kinh tế đã bắt đầu và chưa bao giờ kết thúc. Nói cách khác, không có cuộc cải cách nào có điểm kết thúc cả. Cải cách là hoạt động chủ động của con người, cần được tiến hành vào bất cứ lúc nào mà nhu cầu cuộc sống đặt ra. Tôi cho rằng, cải cách kinh tế cần phải tạo lập những nhân tố cần thiết cho tất cả các cuộc cải cách tiếp theo mà quan trọng hơn cả là cải cách chính trị. Người ta chỉ cải cách kinh tế trước một chút không chỉ để tạo tiền đề mà còn để cho con người hiểu được giá trị của các cuộc cải cách, nếm được thành quả của cải cách và tiếp tục hưởng ứng các cuộc cải cách. Khi cải cách kinh tế bắt đầu, con người dần dần có sở hữu và không còn bị chôn vùi trong những nhu cầu như ăn, mặc, ở; khi đó, họ bắt đầu có những đòi hỏi chính trị. Và đó chính là thời điểm thích hợp cho cải cách chính trị.
Thực ra, vấn đề tiến hành cải cách chính trị trước hay sau các cuộc cải cách khác, đặc biệt là cải cách kinh tế là không quan trọng vì nó phụ thuộc vào hoàn cảnh chính trị của mỗi nước. Nhưng, xét về mặt lý thuyết thì không nên cải cách chính trị trước bởi vì con người không được chuẩn bị đầy đủ để thực thi cải cách chính trị nếu không đi qua con đường kinh tế. Chẳng hạn như ở Malaysia, tiến sỹ Mahathir và Đảng của ông cầm quyền quá lâu, thậm chí bằng các vũ khí mang tính văn hoá có chất lượng giá trị khu vực, đã gây ra sự trì trệ về chính trị, cho nên Malaysia phải cải cách chính trị. Nhưng Malaysia không cải cách kinh tế trước vì người dân Malaysia đã có tự do kinh tế. Malaysia chỉ phải cải cách kinh tế khi nền kinh tế nước này có những dấu hiệu đòi hỏi phải cải cách mà thôi. Còn những nước như Việt Nam hay Trung Quốc thì khác, những nước này cần cải cách kinh tế trước để giải phóng con người ra khỏi những trói buộc mang tính kinh tế hay trao cho con người quyền tự do kinh tế. Với nội dung như vậy, chỉ cải cách kinh tế mới tạo ra những tiền đề cần thiết cho cải cách chính trị tiếp theo.
Như vậy, ở đây xuất hiện một khái niệm giới hạn mới, khác với cái gọi là giới hạn của cải cách mà chúng ta đã đề cập một cách khái lược trong phần trước. Cụ thể là tính đồng bộ của cải cách với vai trò là nội dung trọng tâm của Lý thuyết cải cách đặt ra yêu cầu nghiên cứu một giới hạn nữa, đó là giới hạn của từng cuộc cải cách. Tức là, mặc dù cải cách kinh tế được khẳng định là cần phải tiến hành trước tiên để tạo tiền đề cho cải cách chính trị, nhưng vấn đề là cải cách kinh tế đến đâu thì phải cải cách chính trị. Và cải cách chính trị đến đâu thì cải cách văn hóa hay cải cách giáo dục.
Phải khẳng định ngay rằng, trong hai loại giới hạn thì nếu giới hạn thứ nhất quan trọng hơn xét về mặt lý luận thì giới hạn thứ hai lại thiết thực hơn xét về mặt thực tế. Giới hạn thứ nhất chỉ ra ranh giới triết học giữa những tác động chủ quan của con người vào cuộc sống và sự yên tĩnh, cân bằng vốn có của nó. Còn ranh giới thứ hai là ranh giới từ cải cách kinh tế tới cải cách chính trị hay tới bất kỳ cuộc cải cách nào; tức là ranh giới đảm bảo việc tiến hành đúng lúc, đúng thời điểm lộ trình cải cách. Chúng ta đã nghiên cứu cải cách kinh tế như là tiền đề cho cải cách chính trị và các cuộc cải cách còn lại. Thực ra, cải cách kinh tế ở các nước như Trung Quốc và Việt Nam thuần tuý chỉ là việc mở rộng tự do kinh tế để tìm kiếm một sự phát triển bản năng của một nền kinh tế trước đó bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục, còn để phát triển thực sự thì không có sự phát triển nào đi trước tự do, tức là phải có cải cách chính trị. Giới hạn này nói chung không quan trọng bằng giới hạn thứ nhất nhưng vô cùng quan trọng đối với thực tế của các nước thế giới thứ ba. Bởi vì ở các nước thế giới thứ ba, không phải nhân dân, không phải xã hội, mà chính các nhà cầm quyền, vì nhiều lý do, thường do dự trước các cuộc cải cách. Đối với giới hạn thứ nhất, bối cảnh nghiên cứu là toàn bộ nhân loại đang phá hủy sự cân bằng của chính mình, còn đối với giới hạn thứ hai thì vấn đề liên quan được đặt ra là các nhà chính trị tự ngăn cản mình trên con đường phát triển. Tuy nhiên, đấu tranh với các nhà chính trị dễ dàng hơn nhiều đấu tranh với toàn nhân loại. Nói cách khác, cải cách chính trị dù sao cũng dễ hơn cải cách văn hóa bởi vì đối tượng của cải cách văn hóa chính là toàn xã hội, còn đối tượng của cải cách chính trị chỉ là các nhà chính trị. Những nhà lãnh đạo chân chính là những nhà lãnh đạo không áp đặt chủ quan những lợi ích riêng lên lợi ích chung của xã hội, không gây sức ép chủ quan lên những biến đổi tự nhiên của cuộc sống. Đó là những nhà lãnh đạo có khả năng xác định tính đúng lúc của các cuộc cải cách để đảm bảo tính đồng bộ của một chương trình cải cách toàn diện
Tính đồng bộ của cải cách chính trị
Chính trị là yếu tố bảo trợ, là công cụ bảo trợ cho đời sống nói chung và đời sống kinh tế và văn hóa nói riêng. Trong mối quan hệ giữa ba yếu tố kinh tế, chính trị và văn hóa thì chính trị là yếu tố phục vụ, kinh tế là yếu tố chủ chốt trong quá trình phát triển và văn hóa là dung môi tinh thần của toàn bộ đời sống. Yếu tố phục vụ có thể phát triển thụ động và đi sau sự phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo tính hướng dẫn sự phát triển của đời sống kinh tế và đời sống văn hoá. Không tiến hành cải cách chính trị thì mọi cuộc cải cách đều chỉ là những giải pháp tình thế và xã hội không có sự phát triển lâu dài và ổn định. Cần phải nhận ra rằng, không thể chờ cải cách kinh tế xong thì mới cải cách chính trị mà phải chuẩn bị cho chương trình cải cách chính trị từ khi bắt đầu cải cách kinh tế. Thậm chí phải chuẩn bị cải cách chính trị trước cả cải cách kinh tế, bởi vì phải xác định tương lai chính trị thì mới hình dung ra lộ trình cải cách kinh tế.
Cải cách chính trị đóng vai trò là cuộc cải cách trung tâm. Trong tất cả những tác động của con người lên cuộc sống thì chính trị là sự tác động rõ rệt, làm thay đổi cuộc sống rõ rệt nhất. Sự thay đổi chất lượng của các không gian chính trị tạo tiền đề để thay đổi các yếu tố của đời sống tinh thần. Vậy tính đồng bộ của cuộc cải cách chính trị có quyết định đến tính đồng bộ của toàn bộ chương trình cải cách không? Tính đồng bộ là một thuộc tính đòi hỏi phải có trong bất kỳ cuộc cải cách nào, vì tính đồng bộ phản ánh một cách khách quan các đòi hỏi của cuộc sống. Đồng bộ không phải là đầy đủ cơ cấu mà nhận thức chủ quan của con người áp đặt lên một chương trình cải cách hay mỗi cuộc cải cách. Đồng bộ thể hiện tính khách quan của chương trình cải cách và các cuộc cải cách thành phần của chương trình cải cách. Tính đồng bộ của cải cách chính trị không phải là những đòi hỏi có vị trí trung tâm của toàn bộ chương trình cải cách, nhưng cải cách chính trị là cuộc cải cách trung tâm vì về bản chất cải cách chính trị chính là cải cách thể chế. Kết quả cuối cùng của mọi cuộc cải cách là xây dựng được một thể chế tốt và biến thể chế thành tiêu chuẩn của cuộc sống. Để cải cách thể chế thì phải cải cách chính trị. Trên cơ sở xác lập được tính chất của không gian chính trị sau cải cách hay trong chương trình cải cách, xã hội mới có các căn cứ để làm những cuộc cải cách thành phần của cải cách chính trị, ví dụ cải cách pháp luật hay cải cách hành chính...
Nói đến cải cách chính trị không thể không nói đến mục tiêu của nó, vì nếu không thì chúng ta không có điểm đến. Nếu chúng ta không có điểm đến thì mọi cuộc cải cách thành phần đều không có điểm đến. Khẳng định cải cách chính trị nhằm dẫn xã hội đến trạng thái dân chủ có nghĩa là phải xây dựng một xã hội dân chủ bằng phương pháp cải cách chính trị, và như vậy chúng ta đồng thời xác định luôn điểm đến của cải cách pháp luật là xây dựng pháp luật để thể hiện chất lượng dân chủ của không gian chính trị hay pháp chế hóa các tiêu chuẩn chính trị có tính chất dẫn hướng. Do vậy, thiết kế không gian chính trị là điểm mấu chốt để tạo ra toàn bộ cuộc cải cách thể chế. Nếu không có mục tiêu chính trị, tức điểm đến, thì chúng ta không thể định hướng cho các cuộc cải cách.
Cho đến nay, ở không ít quốc gia, cải cách pháp luật được tiến hành vẫn để nhằm pháp chế hóa trạng thái lạc hậu về mặt chính trị. Người ta không hiểu rằng, pháp chế hóa những trạng thái lạc hậu về mặt chính trị tức là thừa nhận trên bình diện nhà nước sự lạc hậu về mặt chính trị. Điều này đẩy cả xã hội đến tình trạng lạc hậu về mặt chính trị và xã hội sẽ tự phá vỡ những mục tiêu của các cuộc cải cách thành phần như cải cách hành chính hay cải cách pháp luật. Chúng ta luôn kêu gọi mọi người sống, làm việc và học tập theo hiến pháp và pháp luật, cố gắng vận động để người dân thực hiện luật giao thông nghiêm túc, thậm chí hô hào chính sách cởi mở về mặt hành chính nhưng lại rụt rè về cải cách chính trị. Chính cái không gian được điều chỉnh bởi rất nhiều yếu tố thành phần phi mục tiêu về mặt chính trị như vậy đã tạo ra tình trạng hỗn loạn về mặt pháp chế, và chính nó tạo ra sự hỗn loạn về mặt hành chính. Đó là kết quả của tính không đồng bộ về cải cách chính trị, tức là không nhất quán về mặt cải cách chính trị trong những cuộc cải cách về chính trị.
Những gì đang được tiến hành ở một số nước đang phát triển hiện nay thực ra chưa phải là cải cách chính trị. Đó là sự thay thế cải cách chính trị bằng cải cách hành chính và cải cách luật pháp trong khi cải cách luật pháp hay cải cách hành chính chỉ là các cuộc cải cách thành phần của cải cách chính trị. Nếu không thừa nhận cải cách chính trị thì không thể tiến hành các cuộc cải cách thành phần, bởi nếu không có không gian chính trị minh bạch thì mọi cuộc cải cách chỉ làm bài toán xã hội thêm rắc rối. Các hoạt động cải cách đó dường như chỉ là sự sửa chữa theo đơn đặt hàng của các thể chế và các định chế quốc tế chứ không phải là hoạt động tự thân. Khi nào con người, từ các cá thể tới các cộng đồng xã hội, tự thân đòi hỏi phải cải cách, thì lúc đó các cuộc cải cách mới có hiệu quả, mới đem lại kết quả.
Nhiệm vụ của cải cách chính trị là giải phóng con người ra khỏi chính trị. Trong một chừng mực nhất định, cải cách chính trị là cuộc cải cách cần tiến hành liên tục. Sửa đổi, trùng tu thường xuyên thể chế chính trị phải được coi như là công việc cơ bản để tạo ra sự tiến bộ của các thể chế điều chỉnh cuộc sống. Nếu hiểu công việc cải cách chính trị là liên tục như vậy thì chúng ta không thể buộc con người vào chính trị được. Con người, một cách tự nhiên, đi trong sự hướng dẫn của các tiêu chuẩn chính trị, do đó con người phải tự do với chính trị.
Một cuộc cải cách chính trị triệt để không chỉ dừng ở cải cách thể chế chính trị, mà quan trọng hơn là phải tạo cảm hứng chính trị và xây dựng tâm lý chính trị tích cực trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Đây cũng chính là hai mục tiêu của cải cách chính trị: cải cách thể chế chính trị và phát triển lực lượng chính trị. Nếu làm được như vậy thì cải cách chính trị mới hoàn thành nhiệm vụ nâng cao chất lượng của thể chế chính trị, làm cho nó tương thích với đời sống phát triển. Tuy nhiên, nếu không khẳng định vai trò của nhà nước là để bảo vệ các quyền tự do của con người thì không có cải cách chính trị. Cải cách chính trị chính là xây dựng một thể chế, ở đó tự do được đảm bảo, cả tự do tinh thần và tự do chính trị. Chất lượng của tự do chính trị là mục tiêu quan trọng số một hay là trung tâm của cải cách chính trị.
█
Tính đồng bộ của cải cách văn hóa
Tiếp theo hai cuộc cải cách căn bản và có tính chất quyết định đến sự bứt phá của thế giới thứ ba là cải cách kinh tế và cải cách chính trị, không thể không tiến hành một cuộc cải cách nữa mà về bản chất là cuộc cải cách có ảnh hưởng dài hạn đối với sự phát triển, đó là cải cách văn hoá. Tại sao hầu hết các chính phủ đều không nhận ra sự cần thiết phải cải cách văn hoá? Vì họ không hiểu rằng, tâm lý, thói quen của con người luôn luôn phải phù hợp với đòi hỏi của thời đại, với tình thế, tức là bản thân văn hóa cũng phải cải cách, cải cách để thay đổi về trạng thái, và quan trọng hơn là thay đổi về nhận thức. Hơn nữa, ngay cả bản thân văn hóa cũng không ổn định và không được phép ổn định, bởi vì nếu văn hóa ổn định thì tự nhiên nó trở thành yếu tố níu kéo, yếu tố kìm hãm sự phát triển. ở các quốc gia chậm phát triển, nơi môi trường văn hóa lạc hậu, các nhà chính trị thường dùng các yếu tố văn hoá, nói đúng hơn là tính luôn luôn lạc hậu tương đối của văn hóa để củng cố và tạo nền tâm lý xã hội cho cái gọi là ổn định chính trị. Chính việc sử dụng tùy tiện các yếu tố, các thành phần của đời sống xã hội như vậy đã tạo ra một trạng thái lẫn lộn, trạng thái không thể kiểm soát được chất lượng con người phù hợp với sự thay đổi của đời sống xã hội.
Về cải cách văn hoá, tôi cho rằng, tự do tiếp tục là yếu tố chủ đạo và xuyên suốt cần phải phân tích để làm rõ tính đồng bộ của cải cách văn hoá. Văn hóa là kết quả của những kinh nghiệm hoặc thói quen của đời sống con người trong sự tương tác của cộng đồng với chính nó và với các cộng đồng khác. Thậm chí, nó còn là sự tương tác của cộng đồng con người với thời gian. Nếu chúng ta áp đặt, tác động lên đời sống tinh thần của con người thì sẽ hình thành một nền văn hóa phản tự nhiên. Có hai cách để tiếp cận các vấn đề khoa học, một là nghiên cứu các khái niệm một cách trực tiếp và hai là nghiên cứu sự đối chứng của nó. Điều này có thể thấy rất rõ qua ví dụ là chúng ta rất khó để định nghĩa tự do nhưng rất dễ dàng để định nghĩa sự không tự do. Nghiên cứu trạng thái phi tự do chính là nghiên cứu tự do. Tự do về mặt văn hóa được nghiên cứu thông qua sự phi tự do về mặt văn hoá. Tất cả các nước lạc hậu trên thế giới đều kêu gọi giữ gìn bản sắc dân tộc và luôn luôn có một bản năng đề kháng, ngăn chặn sự mất mát bản sắc. Thực ra, thái độ gìn giữ bản sắc văn hóa đó phản ánh việc lồng ghép các động cơ, các yếu tố chính trị vào trong văn hoá. Nhìn bên ngoài có vẻ như là giữ gìn bản sắc nhưng thực chất lại là giữ gìn các yếu tố chính trị lén bỏ vào văn hoá, tức là chủ ý chính trị. Điều này rất nguy hiểm bởi nó sẽ làm biến dạng nền văn hoá, bóp méo năng lực nhận thức tự nhiên của con người, làm suy thoái các giá trị tự nhiên của văn hóa và làm hỏng các quy trình hình thành tự nhiên của các giá trị văn hoá. ở một góc độ khác, chúng ta còn thấy là người ta dùng văn hóa để làm chậm quá trình đòi hỏi cải cách chính trị. Giữ gìn bản sắc dân tộc là làm chậm lại tiến trình cải cách về mặt chính trị, tức là tạo ra sự tương thích trong những đòi hỏi về mặt văn hóa để ngăn cản sự xuất hiện những đòi hỏi về mặt chính trị.
Cuộc sống là một quá trình đa dạng các lĩnh vực, làm đậm hay làm nhạt một yếu tố sẽ làm biến dạng cả bức tranh tự nhiên là cuộc sống. Nói cách khác, nhấn mạnh chủ quan các yếu tố khác nhau của cuộc sống là một trong những cách thức phá hoại sự cân bằng cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Trong phim "Phải sống" , ta thấy thái độ con người từ một cậu Phú Quý hay đánh bạc cho đến một ông Phú Quý trung thành với Mao Chủ tịch và cuối cùng đến một ông Phú Quý ra khỏi cách mạng văn hóa và nói với con rằng "Bây giờ con đã khôn lớn rồi" rất khác nhau. Bộ phim cho thấy, ra khỏi những chặng khác nhau của sự áp đặt các giá trị tinh thần khó khăn và khủng khiếp đến thế nào.
Tính đồng bộ của cuộc cải cách văn hóa phải đảm bảo khôi phục lại trạng thái tự do và phi chủ quan của việc áp đặt các giá trị văn hóa hay trả lại văn hóa cho đời sống. Không thể tiếp tục áp đặt các giá trị văn hóa, cải cách văn hóa phải làm cho tự do trở thành công nghệ chủ yếu để hình thành các giá trị mang chất lượng bản sắc. Nếu không có tự do để hình thành các giá trị mang tính bản sắc thì không có tính đồng bộ trong cải cách văn hóa cũng như giữa cải cách văn hóa và các cuộc cải cách khác. Văn hóa vẫn sẽ trở thành hình ảnh được vẽ bởi ý chí chủ quan của một lực lượng xã hội nào đó chứ không phải bản thân cuộc sống. Và nếu lực lượng áp đặt tha hóa thì nó sẽ kéo theo sự biến dạng đời sống tinh thần của cuộc sống.
Văn hóa phải là sản phẩm của đời sống tự nhiên và đa dạng của con người. Nhà cầm quyền với tư cách là người bảo vệ xã hội, trước hết cần phải ý thức về việc bảo vệ tính đa dạng tự nhiên của đời sống xã hội. Nếu không bảo vệ được tính đa dạng tự nhiên của đời sống xã hội thì có nghĩa là anh đã thất bại trong việc bảo vệ xã hội. Đó là xét về mặt khoa học. Còn nếu xét về mặt đạo đức thì việc làm đơn giản hóa cuộc sống chính là biểu hiện của tham nhũng, nói đúng bản chất là tham nhũng tinh thần. Do vậy, có thể kết luận là việc nhà cầm quyền áp đặt lên một nền văn hóa những quan điểm chủ quan của mình là vi phạm cả nguyên tắc đạo đức lẫn nguyên tắc khoa học. Nghĩa vụ chính trị của nhà cầm quyền là bảo vệ tính đa dạng của cuộc sống xét trên cả lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá. Sự đa dạng của cuộc sống trong cả lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa tạo ra sự phát triển tự nhiên và bền vững của đời sống. Xin được nhấn mạnh lại là, con người phải có một thái độ khách quan đối với văn hoá. Thái độ của con người đối với văn hoá, nhất là thái độ của nhà cầm quyền phải hướng tới sự bảo vệ tính đa dạng tinh thần của đời sống chứ không phải là bảo vệ bản sắc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa về văn hóa như hiện nay, sự xâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau của các nền văn hóa tạo ra những cơ hội phát triển rất lớn cho các quốc gia lạc hậu. Các quốc gia này phải nâng cao tính mở của nền văn hóa vốn bị khép kín và đóng cửa từ lâu của mình để có thể giao lưu với các giá trị văn hóa toàn cầu khác. Để làm được như vậy, cải cách văn hóa phải nhằm tới mục tiêu trả lại cho con người quyền tự do về văn hoá. Con người phải được tự do trong việc lựa chọn những giá trị văn hóa mà mình yêu thích. Như vậy, một trong những nhiệm vụ cao cả mà mọi cuộc cải cách văn hóa đều phải làm, đó là tạo không gian tự do để con người có thể đánh giá một cách khách quan và công bằng các giá trị văn hoá. Khi đó, và chỉ khi các quyền tự do về mặt tinh thần cho phép con người lựa chọn các yếu tố văn hóa mình yêu thích được đảm bảo, thì mới tạo ra được sự phong phú của đời sống tinh thần, và đây chính là hạt nhân của tất cả các cuộc cải cách, không chỉ của cải cách văn hoá. Chính tự do về văn hóa tạo ra sự cân bằng văn hoá, tạo ra tính mở, tính hấp dẫn về mặt văn hoá; và sự hấp dẫn về mặt văn hóa sẽ trở thành bến đỗ cho sự trôi dạt các giá trị văn hóa trên quy mô toàn cầu.
Tính đồng bộ của cải cách giáo dục
Nếu ba cuộc cải cách kinh tế, chính trị và văn hóa là ba cuộc cải cách gốc, cải cách hiện tại thì cải cách giáo dục là cuộc cải cách chuẩn bị cho tương lai. Với ý nghĩa như vậy, cải cách giáo dục về thực chất là cải cách xã hội, bởi xã hội phải tiên lượng được các mục tiêu con người của mình, cụ thể là phải thức tỉnh về các mục tiêu xã hội về con người rồi từ đó, cổ vũ về mặt tinh thần, cung ứng về mặt vật chất và kiểm soát về mặt pháp luật đối với các sản phẩm của nền giáo dục, đó là con người. Cuộc cải cách này đòi hỏi người hoạch định chương trình cải cách, đặc biệt là những nhà lãnh đạo, phải có tầm nhìn và năng lực dự báo tương lai. Xin được nhắc lại là, cải cách giáo dục không thể ghép vào bất kỳ lĩnh vực nào khác bởi nó chứa đựng nội dung của ba cuộc cải cách trên. Đó chính là cuộc cải cách quan trọng nhất, đặt nền móng cho tất cả các cuộc cải cách còn lại.
Bất kỳ quốc gia nào muốn hoạch định xã hội tương lai đều phải hiểu được xã hội tương lai. Để hiểu được xã hội tương lai thì phải để xã hội giác ngộ được tương lai của chính nó. Không phải là tri thức hay nhà nước định ra tương lai của mỗi dân tộc mà dân tộc ấy phải tự hiểu tương lai của mình, phải tìm thấy tương lai của mình trong cuộc sống toàn cầu, trong cuộc sống của chính dân tộc mình. Trong ý niệm của bản thân, mỗi con người cũng cần tìm thấy tương lai của chính mình. Nếu mỗi con người tự tiên lượng và khát vọng về tương lai của mình thì chính sự tương tác của số đông những con người như vậy sẽ tạo ra hình ảnh tương lai chung. Tôi cho rằng, cảm hứng lớn nhất mà con người có được trong quá trình sống là tưởng tượng về tương lai của mình. Tôi không thể tưởng tượng nổi trạng thái khi cảm hứng quan trọng nhất của mỗi người là mơ tưởng đến tương lai của mình lại bị tước đoạt, bởi nếu như vậy thì không còn động lực sống cho mỗi một cá nhân.
Khi nghiên cứu tính đồng bộ của các cuộc cải cách và khẳng định sự hội tụ của các cuộc cải cách xã hội trong cải cách giáo dục, chính là chúng ta đang bàn đến các đòi hỏi cấp tiến, đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi có tính chất dự báo, có tính chất quy hoạch về chất lượng của xã hội đối với con người nói chung, chứ không phải chỉ đối với người lao động nói riêng. Nếu cho rằng giáo dục tạo ra các sản phẩm cho lao động thì hoàn toàn sai lầm. Một khi bản thân con người không tiên tiến thì sản phẩm về mặt lao động của nó sẽ không bao giờ tiên tiến; nếu có, thì đó cũng chỉ là sự tiên tiến của một số kiến thức tạm bợ, đặc biệt nếu xét đến sự phát triển như vũ bão của thế giới hiện nay. Vì thế, chúng ta phải tạo ra các sản phẩm là chính con người và con người ấy thường xuyên hoàn thiện mình theo đòi hỏi của xã hội và nhu cầu của chính bản thân. Chính sự hoàn thiện liên tục của con người tạo ra sự tiên tiến của nền giáo dục. Sự tiên tiến của nền giáo dục tạo ra những con người luôn luôn có nhu cầu và biết cách thỏa mãn những đòi hỏi của cuộc sống, và ở mọi nơi không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Vì thế, nếu chúng ta cô lập cải cách giáo dục với các cuộc cải cách khác thì không bao giờ có cải cách giáo dục thành công.
Bốn cuộc cải cách trên có mối quan hệ biện chứng với nhau, có đối tượng chung là cuộc sống và cùng hướng tới sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Mỗi cuộc cải cách tạo cơ sở và tiền đề cho các cuộc cải cách còn lại trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau nhưng tất cả đều hội tụ đến mục tiêu làm cho cuộc sống phát triển một cách đúng đắn. Chính vì thế, sự đồng bộ của các cuộc cải cách với nhau và đồng bộ bên trong mỗi cuộc cải cách đóng vai trò quyết định đến thành công của chương trình cải cách.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng