Bàn về "những giá trị sống"
Xem bài liên quan:
Hỏi:Ông có suy nghĩ về chuyện được mất trong đời?
Trả lời: Có chứ, luôn luôn, vì một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư duy của con người chính là lợi ích. Người không làm chủ các tư duy lợi ích, không thiết kế được công nghệ tư duy lợi ích và không biến tư duy lợi ích thành một nghệ thuật sống là người không có bản lĩnh trên thực tế. Tôi là người rất làm chủ mình trong tư duy lợi ích, vì thế tôi luôn ung dung, không phải lo nghĩ về chuyện đấy. Ví dụ tôi kiếm được 100 đồng thì 40 đồng dành cho vợ để tiêu, 40 đồng nữa dành cho vợ để đầu tư hoặc để dành, còn tôi tiêu 20 đồng.
Hỏi:Cái mất lớn nhất mà ông từng trải qua là gì?
Trả lời: Tôi mất một đứa con gái, nếu còn sống thì năm nay cháu 35 tuổi. Cháu bị bệnh máu trắng và mất năm 1985, lúc cháu 12 tuổi. Đấy là mất mát lớn nhất mà đôi khi tôi tưởng mình không thể vượt qua được, nhưng rồi những thằng bé này lớn lên, chúng động viên tôi và làm cho cuộc sống của tôi dần dần cũng nguôi ngoai. Nhưng phải mất một thời gian rất lâu, hàng chục năm mới nguôi ngoai được. Cái nhược điểm lớn nhất của tôi là yêu con.
Hỏi: Sau cái chết của đứa con, ông tìm thấy điều gì trong con đường đi của mình?
Trả lời: Không. Tôi là người có ý thức về con đường đi của mình một cách rất ổn định. Về bản chất tôi là một nhà khoa học, đã từng là chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu về cái mà người ta đang làm hỏng ở Thủ Thiêm, đó là bộ môn nền móng và công trình ngầm của Viện Khoa học Giao thông Vận tải. Khi con tôi bị bệnh, tôi phải hy sinh, tôi bỏ việc, bỏ sự nghiệp ấy để chữa bệnh cho cháu 2 năm. Không có tiền chữa bệnh cho con thì mất con nên tôi phải ra ngoài kiếm tiền và tạo ra công ty này.
Phải nói rằng, tôi kiếm tiền rất nhanh và khá thành công về chuyện ấy. Có thể nói 15-16 năm trước đây tôi là người thành công nhất trong việc kiếm tiền bằng lao động trí khôn ở Việt Nam. Nhưng bản chất tôi vẫn là một người làm khoa học, và tôi quay trở về với khoa học cách đây khoảng 10 năm, nhưng tôi chuyển sang nghiên cứu về xã hội học, chính trị học và cũng viết được một số tác phẩm. Sự mất con của tôi làm tôi tổn thương, mất mát về tình cảm chứ không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc nghiên cứu khoa học.
Ở một nước đang bế tắc về hệ thống tư tưởng như Việt Nam, nếu một người định làm khoa học thật thì sớm hay muộn cũng đều dẫn đến triết học hoặc chính trị. Ví dụ, có nhiều giáo sư toán học của chúng ta nổi tiếng không phải với tư cách một nhà toán học mà như những nhà lý luận về các vấn đề chính trị - xã hội. Một cách tự nhiên, trong các dân tộc lạc hậu và các dân tộc đang bế tắc, mọi nhà khoa học đều tiệm cận đến việc đi tìm con đường giải thoát con người và dân tộc của họ ra khỏi sự bế tắc về mặt lý luận. Tôi không phải là ví dụ điển hình, nhưng là một trong những ví dụ như vậy. Tuy nhiên nói gì thì nói, trước đó phải có phẩm chất của nhà khoa học. Phương pháp luận khoa học, cảm hứng khoa học, thiên tư về khoa học là cái tối thiểu phải có. Những người không có chất lượng khoa học có thể làm một kỹ sư rất giỏi, hoặc một luật sư rất giỏi nhưng không bao giờ trở thành một nhà khoa học được.
Hỏi: Liệu có xu hướng khoa học tự nhiên tiệm cận tới các khoa học xã hội không, thưa ông?
Trả lời: Về nguồn gốc, vốn dĩ nó là một. Leonardo Da Vinci vừa là một nhà nghệ thuật, vừa là một nhà tư tưởng, vừa là một nhà kỹ thuật. Newton vừa là một nhà triết học, vừa là một nhà khoa học tự nhiên, vừa là một nhà toán học. Hegel cũng là người như thế, Kant cũng là người như thế.
Chúng ta đang ở giai đoạn mà các khoa học đang hội tụ đến sự hợp lý về mặt tư tưởng, bởi vì sau khi phát triển theo lối phân chia thì các khoa học mất dần sự phải chăng về mặt triết học và nó tạo ra cả thành tựu lẫn tai họa. Để cứu tình trạng các khoa học tự phát tán các năng lực phá hoại của nó thì nó lại hội tụ lại để điều hòa, còn vốn dĩ về nguồn gốc là nó xuất phát từ một điểm. Galilei hay Bruno đều là những nhà tư tưởng chống lại tôn giáo. Người ta ép Galilei nói rằng trái đất vuông, ông ấy phải nói để thoát chết, nhưng sau khi xuống khỏi giàn thiêu thì ông ấy bảo "dù sao đi nữa, trái đất vẫn quay". Nếu là nhà khoa học thật thì sự hội tụ đến những sự hợp lý có tính chất tư tưởng là tất yếu của sự phát triển cá nhân.
Hỏi: Ông có nghĩ Việt Nam đang thiếu các nhà tư tưởng không?
Trả lời: Một trạng thái rất tự nhiên của nhân loại là lúc nào cũng thiếu các nhà tư tưởng. Nhưng sự thiếu của các nhà tư tưởng có hai nguyên nhân.
Thứ nhất, thiếu một cách tự nhiên vì tư tưởng là một loại hình hoạt động vô cùng khó. Tức là năng lực của con người thiếu một cách tự nhiên để đáp ứng các yêu cầu về sự phát triển các tư tưởng.
Thứ hai, trong một số chế độ chính trị thì nhà nước chủ động làm thiếu các nhà tư tưởng. Vốn dĩ trong tự nhiên đã thiếu rồi, nhưng trong một số nhà nước thì sự thiếu ấy không chỉ là thiếu tự nhiên mà còn thiếu nhân tạo. Tuy nhiên, sự thiếu một cách phi tự nhiên bằng nhà nước ấy không phải là thiếu về số lượng mà thiếu chất lượng, vì nhiều nhà nước sản xuất ra vô khối các nhà tư tưởng để hướng dẫn con người đến chỗ chết.
Hỏi: Vậy theo ông, bản chất của hạnh phúc, của những giá trị sống là gì?
Trả lời: Trong quyển sách "Cội nguồn cảm hứng" của tôi, chương hay nhất, chương có nhiều người đọc trên chungta.com là chương viết về hạnh phúc. Trong đó tôi nói rằng bản chất của hạnh phúc là con người sử dụng được những năng lực tự nhiên của mình để tạo ra sự thịnh vượng và tạo ra tương lai của sự thịnh vượng. Và hạnh phúc bền vững chính là hạnh phúc được xác lập trên cơ sở con người có được bản lĩnh để duy trì cảm giác ấy trong bất kỳ điều kiện nào mà con người nhận thức đúng.
Khái niệm hạnh phúc của tôi hơi khác so với những định nghĩa hay những quan niệm thông thường rằng hạnh phúc đơn giản là sự thỏa mãn. Nếu để xác lập một mối liên hệ giữa hạnh phúc và sự thỏa mãn thì tôi cho rằng hạnh phúc là năng lực biết thưởng thức và gìn giữ cho bền vững tất cả những gì tạo ra sự thỏa mãn, và phát triển chính là phá vỡ mọi sự thoả mãn đơn giản.
Hỏi: Ông đã thực sự hạnh phúc chưa?
Trả lời: Câu hỏi ấy rất khó trả lời. Suy ra cho cùng, nếu ngày mai tôi không tìm được cảm giác hạnh phúc hơn ngày hôm nay thì tức là tôi bất hạnh. Nếu tôi trả lời rằng tôi đang rất hạnh phúc thì tức là tôi sai. Tôi đang đi tìm kiếm chất lượng của cái hạnh phúc ngày mai của tôi bằng cái hôm nay của tôi. Và phải nói thật rằng, hạnh phúc lớn nhất của con người là không buộc phải để ý đến nó. Người ta bảo rằng mỗi một người đều có một trái tim, nhưng khi người ta để ý rằng mình có một trái tim thì tức là trái tim ấy bị bệnh. Mỗi một người đều có hạnh phúc và khi người ta bắt đầu để ý đến hạnh phúc của mình thì tức là lúc ấy hạnh phúc đã bắt đầu méo.
Hỏi:Làm thế nào để một nhà triết học có thể sống hồn nhiên như thế được?
Trả lời: Tất cả các nhà triết học đều hồn nhiên, vì kẻ hồn nhiên nhất là kẻ biết được các tất yếu. Các nhà triết học là những người được trang bị công cụ để biết rõ hơn người khác về tính tất yếu của những gì xung quanh mình, và do đó họ cảm thấy họ yên tâm và họ hạnh phúc. Nếu một nhà triết học mà không yên tâm về mình, không hạnh phúc thì không phải là nhà triết học. Đừng nhầm lẫn về sự cau có, sự chau mày, sự vặn vẹo, sự trăn trở của họ là sự bất hạnh. Không phải đâu, đấy chính là hạnh phúc, hạnh phúc đang cuộn sóng trong tâm hồn những nhà hiền triết. Vì nhiệm vụ của họ là chỉ ra hạnh phúc cho người khác cho nên họ phải có kinh nghiệm về hạnh phúc. Huy Cận có bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" mô tả trạng thái vặn vẹo của triết học mà nhiều người cho là không hay nhưng tôi thích:
Các vị La hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về long vấn vương
Có phải nơi đây là xứ Phật?
Mà sao ai nấy mặt đau thương
Mặt đau thương đấy nhưng họ có đau thương đâu. Sự đau thương của xứ Phật khác với sự đau thương của Huy Cận. Hay nói cách khác, Huy Cận không đủ kinh nghiệm để hóa thân vào để cảm nhận sự đau thương của các vị La hán. Tôi đã từng mời anh Lê Bá Khánh Trình, một nhà toán học, chủ nhiệm khoa Toán của trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đến dạy con tôi. Anh ấy có đọc bài của tôi và cũng thích nên nhận lời. Hôm thì vợ áp tải đến, hôm thì mẹ áp tải đến. Tôi mời anh ấy đi ăn thì vợ ngồi bên cạnh cầm cái khăn cho anh ấy, ai nhìn vào một người đàn ông như thế cũng đều thấy giống như một cậu "em chã", nhưng anh ấy không thấy điều ấy vì trong tâm hồn anh ấy là những đường cong tuyệt mỹ của toán học. Làm sao những người bán cháo quẩy lại có thể hiểu được cái hạnh phúc của một nhà toán học? Tôi nói rằng bài thơ ấy hay không phải vì bản thân nó hay mà vì nó phản ánh được một sự thật, đó là sự không tiếp cận nổi của một số người đối với trạng thái tôn giáo, đối với trạng thái tinh thần cao cả của con người.
Hỏi: Anh có tin vào năng lực tâm linh không?
Trả lời: Tôi luôn luôn tin rằng có cái gì đó không phải là ma mà là những dòng năng lượng tinh thần của con người. Những năng lượng tinh thần ấy xuất hiện trong những phút lao động thần thánh của con người, và những phút lao động thần thánh ấy tạo ra tất cả những gì vĩ đại để lại cho nhân loại. Tôi cho rằng tất cả các tác phẩm vĩ đại mà nhân loại đang có đều là kết quả của sự giao lưu giữa tác giả và thần thánh. Thần thánh được hiện hình dưới dạng các xung lượng tinh thần mà con người có trong những phút lao động xuất thần. Tôi đôi lúc cũng cảm thấy mình có điều ấy.
Hỏi: Ông tiếp nhận năng lượng ấy như thế nào?
Trả lời: Một cách không biết. Trong quyển "Suy tưởng" tôi có nói rằng thiên tài là một thứ mà người cuối cùng biết về nó chính là người sở hữu nó. Còn ở chúng ta thì có rất nhiều người biết trước về thiên tài của mình, thậm chí còn thiết kế ra nó. Có thể nói trạng thái thần thánh ấy là trạng thái siêu dẫn về mặt thông tin. Khi mà con người rơi vào trạng thái mà các điện trở gần như bằng không trong các hệ thống dẫn thì nó tạo ra những liên kết kỳ lạ và đấy là sự sáng tạo. Con người mà chịu ảnh hưởng của nhiều tạp âm, nhiều tạp vọng, không tập trung nổi vào một công việc thì không bao giờ có phút xuất thần cả và trở thành những người lao động mà Marx định nghĩa là những người lao động chân chính. "Ba ông hàng da thành một ông Gia Cát Lượng" đấy là công thức điển hình của nền văn hoá vô sản khi định nghĩa về lao động.
Hỏi:Một ngày của ông diễn ra như thế nào?
Trả lời: Tôi dậy vào khoảng 8 giờ hoặc muộn nhất vào 8 rưỡi sáng, tuỳ thuộc vào thời gian đi ngủ buổi tối. Sau đó ăn sáng và dành nửa tiếng gọi cho các đồng nghiệp của tôi để kiểm tra xem bộ máy công ty đang chạy như thế nào, vì dù sao đi nữa cũng phải lo miếng cơm manh áo cho mình và mọi người trước. Từ 9 giờ trở đi, tôi bắt đầu đọc và nghĩ. Buổi trưa tôi ăn cơm cùng với những người lãnh đạo cao cấp trong công ty và chúng tôi điểm lại tất cả những thông tin về tình hình thế giới và Việt Nam trong ngày. Sau bữa trưa, tôi nghỉ đến 2 giờ rồi lại bắt đầu đọc, nghĩ hoặc kiểm tra công việc của công ty. Đến 5 rưỡi chiều tôi lại có buổi điểm tin hẹp hơn và đến 6 rưỡi chiều thì tôi nghỉ ăn cơm. Đến 7 rưỡi tối tôi lại tiếp tục làm việc cho tới khuya.
Hỏi:Có lẽ sự cảm nhận của ông về những chuyển động xung quanh mình rất mạnh?
Trả lời: Đúng. Các dự báo chính trị, dự báo kinh tế của tôi trong 20 năm nay dường như chưa bao giờ sai. Tôi thấy trước sự sụp đổ của Liên Xô. Tôi có gặp Brzezinski ở Hoa Kỳ vào năm 90. Ông ấy hỏi tôi "ông có biết tôi không?". Tôi bảo "có, tôi đọc quyển Great Failure của ông". Ông ấy hỏi "ông thấy thế nào". Tôi trả lời "ông dự báo sau tôi 10 năm". Tôi có gặp tiến sĩ Henry Kissinger vào năm 1995, ông ấy mời tôi và chúng tôi thảo luận về vấn đề toàn cầu hoá. Tôi nói rằng sẽ có một trào lưu bên cạnh toàn cầu hoá về kinh tế là toàn cầu hoá về văn hoá và chính trị và nhiệm vụ của các học giả là nghiên cứu về những vấn đề ấy chứ không phải về toàn cầu hoá kinh tế.
Những năm trước đây tôi lang thang khắp thế giới, chỗ nào có thể liên quan đến Việt Nam, đến những suy ngẫm của tôi là tôi đến và tìm cách gặp gỡ với những đối tượng có thể thảo luận được. Những năm gần đây, với tình trạng thông tin phát triển trên toàn cầu như thế này thì tôi thấy không cần phải đi nữa. Hàng ngày tôi dự báo tình hình, tôi có viết những bài báo chẳng hạn như bài "Con ngựa và cỗ xe kinh tế", "Obama - nhiệm kỳ chống khủng hoảng và tìm triết lý phát triển" và nhiều bài khác để nói những phán đoán của mình. Nhiều phóng viên đến hỏi tôi về chuyện chính sách này, chính sách kia bị chỉ trích là đúng hay sai, tôi bảo rằng tại sao phải mất thì giờ chỉ trích. Gần đây có người hỏi tôi "Anh có băn khoăn gì về vấn đề kinh tế không?". Tôi trả lời rằng "Điều tôi băn khoăn bây giờ không còn là chuyện kinh tế Việt Nam. Điều tôi suy nghĩ bây giờ chính là điều mà đầu thế kỷ XX Hồ Chí Minh suy nghĩ, tức là chúng ta bắt đầu lại phải nghĩ về vấn đề độc lập dân tộc".
Hỏi:Tôi cũng có trao đổi với một số nhà nghiên cứu, họ nói rằng chúng ta mới chỉ giải phóng về mặt chủ quyền lãnh thổ chứ chưa giải phóng toàn diện về mặt con người. Ông có đồng ý về điều đó không?
Trả lời: Vấn đề ấy cách đây hơn chục năm tôi đã có một bài viết đăng trên tạp chí Khoa học và Tổ quốc (Bài báo: Từ thế giới thứ ba đến một thế giới thứ hai rưỡi hay dân chủ hoá như là cuộc giải phóng thứ hai). Trong bài ấy tôi có nói đến cuộc giải phóng nửa vời. Chúng ta thiếu một nửa cuộc giải phóng, đó là chia cái gói tự do mà quốc gia này nhận được từ việc giải phóng dân tộc cho từng người một.
Tôi nghiên cứu về những chuyện như vậy một cách rất có hệ thống. Ai đó có bức xúc này khác nhưng tôi thì không. Những người nghiên cứu triết học không bức xúc, bởi vì nếu không thấy trước được bằng suy tưởng thì không thể nghiên cứu triết học được. Nếu phải bức xúc mới thấy được thì không phải là người nghiên cứu triết học.
Hỏi: Ông đã đề cập đến cuộc giải phóng thứ hai cần thực hiện và đó mới là cuộc giải phóng thực sự. Để đi đến một cái kết cho những vấn đề được trao đổi hôm nay, ông có gì tâm huyết nhất muốn chia sẻ?
Trả lời: Tôi cho rằng món nợ của những người lãnh đạo ở Việt Nam đối với dân tộc này chính là dân chủ hoá xã hội. Dân chủ hoá xã hội là xây dựng một thể chế để bảo vệ và phân bố các quyền tự do đến từng con người một. Đấy là món nợ và là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của những người lãnh đạo hiện nay.
Nếu việc ấy không được thực hiện bởi họ thì dân tộc chúng ta sớm muộn cũng sẽ đối mặt với một cuộc cách mạng. Mà mọi cuộc cách mạng đều là cơ hội khổng lồ của những kẻ cơ hội. Tôi không chờ đợi một cuộc cách mạng mà tôi kêu gọi những người lãnh đạo hãy chủ động thực hiện tiến trình dân chủ hoá xã hội. Cách duy nhất để dân tộc chúng ta tránh được sự đổ vỡ, sự thất thiệt, sự mất mát là đoàn kết và ủng hộ những người cầm quyền trong quá trình dân chủ hoá xã hội. Đấy là cái kết của những quan điểm chính trị chủ chốt của tôi.
Tôi nghiên cứu về sự phát triển chính trị ở Việt Nam chỉ để đi tìm một lối thoát để dân tộc chúng ta không phải đi qua sự bạo loạn, không phải đi qua cách mạng, bởi vì chúng ta không còn đủ dự trữ cho một cuộc cách mạng nữa. Vì thế chúng ta cần phải huy động toàn bộ sức lực xã hội để tiến hành một cuộc cải cách mà trung tâm của nó là dân chủ hoá xã hội và nhất thiết phải được thực hiện bởi sự tổ chức của những người lãnh đạo đương nhiệm thì mới tránh được những tai họa của một cuộc cách mạng. Thời gian không còn nhiều, nếu không làm nhanh thì rất có thể chúng ta không còn cơ hội để làm nữa. Sự phát triển tiêu cực của đời sống chính trị đã dẫn đến việc nhiều người phải bắt đầu suy nghĩ về những điều Hồ Chí Minh đã nghĩ ở đầu thế kỷ XX, tức là độc lập dân tộc và tự do.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh