Vấn đề xây dựng mô hình kinh tế
Xem thêm:
- Kinh tế tư nhân - Động lực của quá trình cải cách kinh tế
4.Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam
Trước hết, xem xét vấn đề cải cách kinh tế ở các nước thế giới thứ ba cho thấy, các nước này lúng túng ngay từ khâu đầu tiên, đó là lựa chọn con đường phát triển, cụ thể là lựa chọn mô hình kinh tế đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển chung.
Trong một thời gian dài, vấn đề lựa chọn các mô hình kinh tế được đặt ra một cách sôi nổi, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đang phát triển và các quốc gia chuyển đổi. Không những thế, việc lựa chọn các mô hình kinh tế sao cho phù hợp với những đặc điểm riêng của từng quốc gia được xem như là biểu tượng của sức sáng tạo và quyền tự quyết của quốc gia. Thế nhưng rất ít quốc gia thành công trong sự nghiệp có vẻ rất cao thượng cả về chính trị lẫn tâm lý dân tộc đó.
Những năm gần đây, cùng với xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, quyền lựa chọn mô hình kinh tế đang ngày càng trở nên không rõ ràng. Thậm chí, người ta bắt đầu phải đặt câu hỏi về tính hợp lý của "quyền tự quyết của quốc gia" này: Liệu người ta có quyền và có thể chọn cho xã hội một mô hình nào đó hay không?
Hãy thử nhìn nhận một cách tỉnh táo và khách quan những đặc điểm của thế giới hiện đại, chúng ta sẽ thấy rằng câu hỏi trên là hoàn toàn có cơ sở. Trong xu thế toàn cầu hoá, những cái gọi là mô hình, với các đặc điểm ít nhiều ổn định, không còn nhiều ý nghĩa khi tất cả cố gắng hội tụ đến một khuynh hướng trong đó đòi hỏi lớn nhất là tính khả thi của đối thoại và hợp tác. Trước toàn cầu hoá, các không gian đặc biệt, đặc thù về kinh tế ở mỗi quốc gia dường như là một đặc quyền chính trị của nhà cầm quyền. Giờ đây, các đặc thù ấy, dù vẫn tồn tại, không còn thể hiện khuynh hướng có tính ưu thế, mà chỉ là một khuôn khổ linh hoạt để các cộng đồng riêng, các quy chế, mô hình riêng có thể hội nhập.
Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng để hội nhập tốt, các nền kinh tế đều có hai khía cạnh rất đáng quan tâm. Khía cạnh thứ nhất là tính đặc thù của mỗi một quốc gia. Khía cạnh thứ hai là trình độ phát triển của nền kinh tế. Nếu chúng ta không phân biệt được tính đặc thù với sự khác biệt vô lý và chủ quan, thì chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với sự lẫn lộn giữa tính đặc thù về mức độ phát triển và khác biệt về mô hình chính trị.
Để một nền kinh tế tương tác thuận lợi với các nền kinh tế khác, chúng ta phải dẹp bỏ sự khác biệt về mặt chính trị trong các mô hình kinh tế, hay nói cách khác là phải đảm bảo để các khía cạnh chính trị không cản trở khuynh hướng hội nhập. Khi đó chỉ còn lại sự chênh lệch về trình độ phát triển, cái người ta có thể nỗ lực để khắc phục, hay ít nhất có thể hỗ trợ lẫn nhau để khắc phục, và không thể được xem là sự can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Như thế, sự lựa chọn mô hình kinh tế không mang đặc thù kinh tế mà nó mang đặc thù chính trị. Cho đến nay, các mô hình kinh tế luôn được lựa chọn bằng tiêu chuẩn chính trị mà không phải bằng các tiêu chuẩn, hay các đặc thù kinh tế. Sự lựa chọn mô hình kinh tế này hay mô hình kinh tế khác, như vậy, sẽ mang màu sắc chính trị và sẽ kéo theo rất nhiều hậu quả. Chọn mô hình kinh tế nào, người ta sẽ phải đào tạo người lao động theo mô hình ấy. Người ta cũng phải đào tạo các nhà quản lý, xây dựng hệ thống pháp luật và xây dưng môi trường cho đời sống kinh tế dựa vào các đòi hỏi của mô hình đã chọn. Nói cách khác, lựa chọn mô hình kinh tế là kết quả của hoạt động chính trị, trong chừng mực các yếu tố chính trị còn ảnh hưởng quyết định. Việc này sẽ dẫn đến các hậu quả xã hội và chính trị nghiêm trọng, do đó, mô hình kinh tế vô tình trở thành đối lập với các mô hình chính trị. ở một số quốc gia, người ta thậm chí xem cải cách kinh tế như là biểu hiện của một quá trình diễn biến hòa bình. Kết quả là người ta phải cảnh giác, rồi tạo ra hàng loạt biện pháp đề kháng, cái mà thực chất chỉ cản trở tốc độ phát triển tự nhiên của nền kinh tế.
Đã đến lúc phải khẳng định rõ, chính trị cần trở thành một tổ hợp các giải pháp hỗ trợ để phát triển kinh tế. Nếu phát triển kinh tế vẫn chưa trở thành nội dung chủ yếu của hoạt động chính trị thì chính trị sẽ cản trở kinh tế phát triển. Chính trị hóa đời sống kinh tế, vì vậy, là một việc làm nguy hiểm. Nó khiến cho năng lượng bị phân tán vào các khía cạnh chính trị nhiều hơn, gây nên sự mất cân đối giữa các khuynh hướng. Vì lẽ đó, lý thuyết Ba đại diện và việc kết nạp thương nhân vào Đảng ở Trung Quốc, theo chúng tôi, cần được nghiên cứu rất cẩn thận. Đó thực chất là chính trị hóa đời sống kinh tế, chính trị hóa các lực lượng xã hội. Cho dù trong điều kiện hiện nay của Trung Quốc nó có thể được coi là dân chủ và tiến bộ, nhưng nếu xét tổng thể, nó không phải là một bước tiến. Bởi lẽ nó lôi kéo thương nhân, cùng các hoạt động kinh doanh, tức là lôi kéo đời sống kinh tế vào các guồng máy chính trị, bằng cách đó chính trị hóa tư duy của một bộ phận ít cần đến chính trị nhất. Kết quả là nó làm giảm thiểu năng lực kinh doanh và năng lực sản xuất, tạo ra mối liên hệ móc ngoặc giữa kinh doanh và chính trị, đồng thời tạo ra các quan hệ không minh bạch giữa chính trị và kinh tế. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khủng hoảng tài chính châu Á.
Đối với các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, chúng tôi cho rằng, chừng nào kinh tế còn lệ thuộc chính trị một cách thái quá thì sẽ khó phát triển. Chính trị hóa tất cả các lực lượng của xã hội là trói buộc thân phận của một dân tộc vào những quan điểm chính trị cụ thể, làm mất tính năng động, tính tự do của các lực lượng, ảnh hưởng sống còn đến đời sống phát triển. Vì thế, lựa chọn mô hình kinh tế là vấn đề đã lỗi thời. Vấn đề hiện nay không phải là lựa chọn mô hình kinh tế, mà là, và dứt khoát phải là, lựa chọn các giải pháp chính trị không mâu thuẫn với sự phát triển tự nhiên của đời sống kinh tế.
Như trên đã nói, ngày nay các nước thế giới thứ ba không nên đi tìm mô hình kinh tế, mà phải tìm một mô hình chính trị không cản trở các quá trình kinh tế. Khi đó, nhiệm vụ của bộ máy chính trị là nghiên cứu những đặc điểm quốc gia và lãnh thổ để tìm ra các tham số đặc biệt nhằm hạn chế hay phát huy chúng trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước. Nói cách khác, để xây dựng nền kinh tế, các nước này phải xem những tham số nào tham gia vào quá trình kinh tế của mình và biến chúng thành những nhân tố thuận của đời sống phát triển kinh tế chứ không phải xây dựng các mô hình kinh tế. Chẳng hạn, trong trường hợp Việt Nam, những tham số này là sự thể hiện những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và địa lý rất phức tạp do những quá trình lâu dài trong lịch sử để lại. Sự nghiên cứu một cách khoa học và khách quan các yếu tố này là một trong những điều kiện quan trọng bậc nhất để đảm bảo sự phát triển của đất nước. Đó là một vấn đề lớn mà ở đây chúng tôi chỉ cố gắng đưa ra một vài tham số chính.
Thứ nhất, đó là sự chung sống giữa hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa với khuynh hướng phát triển kinh tế tự do toàn cầu. Sự chung sống và tồn tại song song của hai yếu tố này là một tham số quan trọng hàng đầu. Vấn đề là có cách nào dung hòa chúng hay không? Việc xây dựng và điều chỉnh các hoạt động kinh tế dựa trên khuynh hướng xã hội chủ nghĩa sẽ tác động tới quá trình phát triển của đời sống kinh tế như thế nào? Nó làm chậm hơn hay thúc đẩy quá trình phát triển?
Thứ hai, kinh nghiệm chiến tranh, văn hóa chiến tranh, tâm lý chiến tranh có ảnh hưởng đến tiến trình kinh tế hay không? Dân tộc chúng ta là một dân tộc suốt mấy chục năm lận đận vì chiến tranh, và cả lịch sử hàng ngàn năm cũng luôn có chiến tranh. Thói quen thời chiến ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động và tư duy kinh tế?
Thứ ba, truyền thống văn hóa có vai trò như thế nào đối với sự nghiệp phát triển hiện nay? Dân tộc Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào nền văn hóa Trung Quốc, nhất là tư tưởng Khổng giáo. Giới trí thức Việt Nam và Trung Quốc được hình thành dựa trên các nguyên tắc Khổng giáo về trí tuệ và về địa vị xã hội. Nó có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế? Bệnh thích bằng cấp, sính văn chương, tầm chương trích cú... có phải là yếu tố tiến bộ không?
Thứ tư, đó là vị thế địa kinh tế của Việt Nam. Việt Nam hiện nay là thành viên của ASEAN, một khối kinh tế đang phát triển tương đối mạnh. Chúng ta lại nằm ngay bên cạnh Trung Quốc. Xét về mặt địa kinh tế, rõ ràng Trung Quốc là một cộng đồng kinh tế lớn. Để tồn tại, chúng ta không được giống họ về mặt cấu trúc của một nền kinh tế hàng hoá, tức là cấu trúc sản phẩm. Với một cộng đồng sản xuất và tiêu thụ lớn như vậy, chúng ta không đủ sức cạnh tranh. Nói đúng hơn, họ là đối thủ không thể cạnh tranh được. Vậy nhiệm vụ của những người hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam là phải đưa ra được chiến lược hàng hóa phù hợp, cho phép chúng ta có thể tăng cường hợp tác với ASEAN và Trung Quốc, tránh hoặc giảm bớt nguy cơ đối đầu về thương mại và dịch vụ với họ trong những lĩnh vực chúng ta có ít ưu thế.
Chúng tôi một lần nữa khẳng định rằng không có và không thể có một mô hình chính trị làm khuôn khổ và chỗ dựa cho phát triển kinh tế. Ngược lại, chính chính trị như là một tổ hợp các biện pháp hỗ trợ cho phát triển kinh tế phải thay đổi, phải thích ứng để không ngăn cản và hơn nữa, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Sự phát triển của thế giới hiện đại đòi hỏi mỗi quốc gia phải có chiến lược phát triển riêng, không phải để thỏa mãn những đòi hỏi cứng nhắc của các tiêu chuẩn chính trị, mà căn cứ vào những xu thế chung của thời đại và những tham số riêng của đất nước mình để hội nhập, hợp tác và cùng tiến bộ. Đó là một khoảng tự do đồng thời cũng là thách thức đối với các chính phủ. Và đó là công việc quan trọng nhất, chỗ đứng chính trị của các chính phủ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý