Những thực tế phổ biến
Chương 6. Những thực tế phổ biến
I. Trạng thái nô lệ mới
II. Các giới hạn nhân tạo của tự do(Nhà nước, Hệ tư tưởng, Văn hóa, Sự nghèo đói)
III. Khuyết tật của đời sống hiện đại (Sự tha hóa của cái Tôi, Tham nhũng, Bóc lột, Lộng hành)
Có một thực tế rất phổ biến trên thế giới hiện nay, đó là trạng thái thiếu tự do ở một bộ phận lớn của thế giới -các nước chậm phát triển. Đại bộ phận của thế giới đang ở trong trạng thái các năng lực của con người không đáp ứng được các đòi hỏi của thời đại mà nó tồn tại, tức là con người ở trạng thái thiếu tự do. Con người ở trạng thái thiếu tự do bởi vì nó không có tự do hoặc là nó bị kìm hãm không được quyền tiếp cận với tự do, cũng như nó được giáo dục để không hiểu hết các giới hạn mới của tự do. Thực tế phổ biến này tố cáo sự tồn tại của các thể chế phi dân chủ, đồng thời nó là một minh chứng cho sự tồn tại của trạng thái nô lệ của con người trong thế giới hiện đại.
Chế độ nô lệ mà con người từng biết trong lịch sử đã chấm dứt ở trên thế giới từ lâu nhưng hình ảnh người nô lệ cũng như các tiêu chuẩn để làm con người trở thành nô lệ thì chưa chấm hết. Chúng ta đã chứng minh rằng nếu không có tự do thì không có con người. Sự thiếu tự do ở các thể chế phi dân chủ cho thấy ở những nơi đó chưa có con người hoàn chỉnh mà chỉ có con người trong trạng thái nô lệ.
Con người không bắt buộc phải làm việc một cách nô lệ nữa nhưng thay vào đó, con người buộc phải làm những điều để phù hợp với tiêu chuẩn của một nền sản xuất hiện đại trong điều kiện không được trang bị kiến thức phù hợp. Việc ngăn cản con người tiếp cận những phương tiện để chuẩn bị cho mình những năng lực đáp ứng được đòi hỏi của thời đại, hay sự chênh lệch về những điều kiện vật chất mà con người cần phải có để thoả mãn những tiêu chuẩn hiện đại của đời sống là một trong những dấu hiệu về việc con người mới chỉ được giải phóng một nửa. Vậy tại sao nhân loại đã từng tạo ra khái niệm tự do với bề dày lịch sử nghìn năm nhưng cho đến nay, các dấu hiệu nô lệ vẫn tồn tại trong đời sống của con người ở một bộ phận lớn của thế giới?
Chúng tôi cho rằng nhà nước, các hệ tư tưởng, văn hóa và sự nghèo đói là bốn nhân tố cơ bản đang trói buộc tự do của con người, đẩy con người vào trạng thái nô lệ. Đây là một trạng thái nô lệ mới, là kết quả của việc con người bị nô dịch bởi các công cụ do mình sáng tạo ra. Điều đáng buồn là phần đông nhân loại hiện nay vẫn không nhận ra sự mất tự do của mình và đó chính là lý do khiến cho các nước chậm phát triển đến nay vẫn chìm đắm trong lạc hậu và nghèo đói.
Cùng với sự chấm dứt của chế độ chính trị nô lệ, trạng thái nô lệ theo định nghĩa cổ điển về cơ bản cũng không còn tồn tại nữa, nhưng trạng thái thiếu tự do một cách phổ biến hiện nay lại đang chỉ ra một cách rõ ràng những tính chất mới của khái niệm này.
Mặc dù ngày nay, nô lệ không còn là một thể hoàn chỉnh được đặt tên là kẻ nô lệ hay tên nô lệ như trước đây nhưng nô lệ hiện đại hay nô lệ phi hiện đại thì cuối cùng, sản phẩm của nó vẫn là nô lệ. Khái niệm Nô lệ hiện đại nói đến những khuyết điểm hay trạng thái có tính chất nô lệ được thể hiện một cách không liên tục trong những khía cạnh khác nhau của đời sống tinh thần và tâm lý của con người. Không ai nhìn một người ở thế kỷ XXI này ăn mặc sáng sủa, hát nhạc Rock, nhạc Pop lại có thể tưởng tượng được người ấy có chất lượng nô lệ ở trong mình, nhưng nếu như nhìn vào cuộc sống, nhìn vào tương lai thụ động của người đó thì chúng ta sẽ thấy dấu hiệu của trạng thái nô lệ hiện đại. Cũng không ai có thể tưởng tượng được nhiều trí thức đến giờ này còn là nô lệ, nhưng khi họ bắt đầu phát biểu thì chúng ta sẽ cảm thấy những dấu hiệu của trạng thái nô lệ hiện đại hiện ra trong lời nói của họ. Con người lội bộ trong một loạt các chỉ dẫn có tính chất áp đặt thì đấy chính là trạng thái nô lệ hiện đại. Một cách khái quát có thể nói, trạng thái nô lệ hiện đại là trạng thái mà con người hành động phải tuân thủ các tiêu chuẩn mà nó không tham gia vào quá trình thảo luận để tạo ra nó. Đó là trạng thái con người phải chịu quá nhiều đòi hỏi, quá nhiều quy định mà chính nó không được góp phần tạo nên các tiêu chuẩn hay các quy định đó. Nói cách khác, trạng thái nô lệ hiện đại không phải là biến một con người trở thành nô lệ mà biến mỗi hoạt động của con người trở thành một hoạt động có tính chất nô lệ.
Không thừa nhận đầy đủ nội dung của khái niệm tự do là đi ngược lại đòi hỏi thực tế của con người và đó là bằng chứng của sự không thừa nhận các quyền cơ bản của con người. Không thể tiếp tục biện minh cho cái gọi là sự khác biệt giữa khái niệm hay mức độ tự do cần có trong sự phát triển của xã hội phương Đông và phương Tây. Nhưng ngay cả trong trường hợp chúng ta đồng ý nhân nhượng với quan điểm cho rằng tiêu chuẩn của tự do có thể thấp hơn ở phương Đông thì liệu chúng ta có thể chấp nhận được không khi điều đó có nghĩa là tiêu chuẩn con người ở phương Đông có thể thấp hơn ở phương Tây? Đã đến lúc các nhà chính trị ở các nước lạc hậu phải nghiêm túc trả lời câu hỏi: Nếu cho rằng tự do là chưa cần ở những nước lạc hậu, rằng con người có thể chưa cần các quyền nhân thân, các quyền dân sự hiện đại, vậy thì các nước lạc hậu có cần các công dân của mình là con người không? Bởi vì nếu theo tinh thần là phương Đông không cần tự do như phương Tây thì chúng ta cũng không cần nghiêm khắc lắm để nói về con người, tức là chúng ta có quyền ngờ vực tất cả các luận thuyết nói về con người. Chính vì thế, cần phải thay thế việc thảo luận khái niệm tự do cần hay không bằng việc thảo luận là xã hội có cần công dân của mình là con người hay không? Một xã hội có cần thiết phải cấu trúc từ con người không? Rõ ràng không có tự do thì không có con người hay không có tự do thì tức là con người ở trong trạng thái nô lệ. Phần tiếp theo sẽ là những phân tích về những công cụ trói buộc tự do của con người để thấy rõ được thân phận nô lệ của con người trong thế giới hiện đại. Ở đây tôi xin nhắc lại rằng, tự do không có ranh giới tự nhiên hay ranh giới khách quan, tự do chỉ có ranh giới nhân tạo, đó chính là sự trì hoãn của các thế lực xã hội đối với các quyền tự do của con người.
II. Các giới hạn nhân tạo của tự do
Nguyên lý góp vốn tự do cho thấy việc con người nhượng bớt tự do để tạo ra nhà nước, về bản chất là tạo ra ranh giới nhân tạo của tự do, để dung hoà tự do bản năng của mỗi người. Nhà nước sinh ra là để phục vụ con người nhưng ở một khía cạnh nào đó nó cũng hạn chế tự do của con người thông qua việc điều chỉnh một phần tự do cá nhân thành tự do cộng đồng. Có thể nói, nhà nước là một ranh giới nhân tạo có tính chất tất yếu của tự do. Nhưng cái đáng lên án là hiện tượng các nhà nước phi dân chủ lợi dụng cái giới hạn tất yếu đó để kìm hãm tự do của con người và trở thành những lực lượng chèn ép cuộc sống.
Tất cả các nhà nước đều mấp mé trạng thái phi dân chủ, nhưng chỉ có nhà nước dân chủ mới khắc phục được trạng thái phi dân chủ của mình một cách thường xuyên còn nhà nước phi dân chủ thì không làm được việc ấy. Mâu thuẫn giữa tự do của nhà nước và tự do của xã hội phản ánh mâu thuẫn giữa quyền lợi của nhà nước với quyền lợi của xã hội. Mâu thuẫn này trong điều kiện xã hội dân chủ được điều chỉnh hợp lý và kịp thời bởi cơ chế tự cân bằng của thể chế dân chủ, còn trong điều kiện xã hội phi dân chủ thì mâu thuẫn này dường như là cố hữu, do đó dẫn đến tự do cá nhân bị kìm nén, bị chi phối hay kiềm toả, tức là con người thiếu tự do. Con người thiếu tự do thì không được rèn luyện đủ năng lực để thỏa mãn các đòi hỏi của thời đại, do đó không phát triển được.
Có thể nói, sự thiếu tự do ở các nước chậm phát triển là một thực tế phổ biến, như đã nói ở trên, đại bộ phận con người lạc hậu đang ở trong trạng thái thiếu tự do bởi vì họ không có tự do hoặc là bị kìm hãm không được quyền tiếp cận với tự do, họ được giáo dục để không hiểu hết các giới hạn mới của tự do. Khi con người không tự do về mặt tinh thần thì con người không phải là chính mình, mà không phải là chính mình thì không sáng tạo được, không có đủ năng lực để chịu trách nhiệm về mình và cũng không có nhu cầu để tự chịu trách nhiệm về mình. Và đó là nguyên nhân tại sao đến nay họ vẫn nghèo khổ. Các nước chậm phát triển đang ở trong trạng thái các năng lực của con người không đáp ứng được các đòi hỏi của thời đại, hay là chỉ số của tự do dưới mức đòi hỏi của thời đại. Không chỉ có con người không có tự do không có năng lực sáng tạo, mà con người có tự do hạn chế cũng không có năng lực sáng tạo. Sáng tạo là nghĩ ra, phát hiện ra, tạo ra những vật phẩm thỏa mãn đòi hỏi của thời đại. Nếu anh không có năng lực thỏa mãn những đòi hỏi của thời đại thì dù có tạo ra sản phẩm chúng cũng chỉ là những thứ phẩm không phục vụ sự phát triển.
Một trong những nguyên nhân chính khiến con người biến thành nô lệ là con người bị ràng buộc, bị kìm hãm bởi các quyền lợi của một tập đoàn điều hành vĩ mô. Hầu hết các trạng thái này thuộc về những nơi chậm phát triển, tức là người ta sử dụng các công cụ như là một phương tiện để bảo vệ một nhóm lợi ích nhỏ và do đó vô tình tiêu diệt hoặc hạn chế tự do của nhân dân. Ở đó nhà nước là người điều hành, điều chỉnh toàn bộ cái gọi là khế ước xã hội.
Khế ước xã hội trở thành nhà tù của các quyền tự do cá thể khi nó được góp vào, còn bộ máy nhà nước là nơi điều khiển và sử dụng cái kho thiếu tự do hay cái nhà tù ấy và tìm mọi cách duy trì tính hợp pháp của nó. Chúng ta đều biết nhà nước cũng là một lực lượng xã hội, nếu trong một chế độ chính trị mà nhà nước có những quyền lợi riêng của nó, có nền kinh tế của nó thì tất yếu sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa quyền lợi của nhà nước và quyền lợi của xã hội. Sự tranh chấp quyền lợi giữa nhà nước với xã hội góp phần hạn chế tự do của con người. Điều này được thể hiện hàng ngày thông qua sự điều hành, quản lý không tốt làm mất mát, lãng phí tiền của của xã hội và nhà nước trở thành lực lượng làm hạn chế tự do của con người. Tức là nhà nước không sử dụng một cách sòng phẳng phần vốn tự do mà nhân dân đóng góp để đánh đổi lấy sự an toàn và sự đảm bảo các điều kiện vĩ mô cho phát triển từ phía nhà nước.
Sự an toàn của con người đòi hỏi phải được đảm bảo bởi nhà nước, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất kỳ nhà nước nào. Nhưng các nhà nước lạc hậu đã không làm nổi nhiệm vụ đó. Nếu xét trên quan điểm an ninh, quốc phòng thì tham nhũng là hiện tượng nội xâm, đó là hiện tượng xâm lược về kinh tế trong lòng mỗi quốc gia. Tình trạng tham nhũng tràn lan ở các nước lạc hậu là biểu hiện của sự băng hoại toàn diện đời sống tinh thần của xã hội, do đó tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn cho nền kinh tế và cho toàn xã hội. Ở những xã hội mà mức sống của người dân còn thấp, các điều kiện xã hội không được đảm bảo, tham nhũng gây ra những tổn thất, những rủi ro vô cùng lớn cho xã hội vì nó làm trầm trọng thêm tình trạng kém phát triển của xã hội. Những kẻ tham nhũng hàng tỷ đô la như gia đình Marcos đẩy xã hội Philippines vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, làm kiệt quệ đời sống của nhân dân. Hay những vụ thiên tai ở các nước Đông Nam Á gần đây cho thấy nếu nhà nước sử dụng phần vốn góp của con người có trách nhiệm thì cuộc sống của người dân đã không bị đe dọa và tàn phá khủng khiếp đến thế. Tự do đối với sự sống còn, sự an toàn của con người quan trọng chính là ở chỗ này, tức là phải làm thế nào để con người ở các nước lạc hậu hiểu rằng cần phải biến tự do trở thành những quy tắc sống, và các nhà nước lạc hậu cũng phải hiểu rằng tổ chức cuộc sống của con người bằng những quy tắc của tự do là việc mà các nhà nước buộc phải thực thi nếu muốn tồn tại. Đây chính là bản chất chính trị học quan trọng nhất của khái niệm tự do.
Nhà nước dân chủ là nhà nước mà ở đấy mọi cái đều được công khai, nếu nhà nước lấy của dân 5 đồng tự do thì nhà nước phải tiêu hết số vốn đó cho sự an toàn của người dân. Trong khi đó ở những nhà nước phi dân chủ, phần tự do do con người góp vốn không những không được sử dụng hiệu quả mà còn bị sử dụng như là công cụ để kìm hãm phần tự do còn lại của con người. Chúng ta đều biết rằng bất cứ nền chính trị lạc hậu nào đều không có năng lực giải phóng con người, không có năng lực giải phóng tất cả các hoạt động ra khỏi chính trị, nền chính trị ấy "neo" con người vào các hoạt động của nó, vào một số tiêu chuẩn hạn hẹp để quản lý. Tất cả các nền chính trị tiên tiến đều lãnh đạo, tổ chức và điều chỉnh con người trên cơ sở tự do. Nếu mất yếu tố tự do trong hoạt động quản lý và lãnh đạo thì nhà nước đó cũng không tự do. Biểu hiện quan trọng nhất của sự lạc hậu và phi dân chủ của mọi nền chính trị chính là ở chỗ con người không có tự do, con người không được tôn trọng và con người không tin cậy vào cuộc sống. Vậy con người được định hướng đến đâu nếu con người không tin cậy vào hệ thống chính trị, không tin cậy vào cuộc sống và nhất là khi con người không được tôn trọng? Nếu con người không có tự do, con người không được tôn trọng thì sự định hướng ấy mang tính áp đặt. Khi con người được định hướng một cách áp đặt thì con người không thể là đầu ra của quá trình xã hội này và là đầu vào của quá trình xã hội khác, tức là con người mất đi chính tương lai của mình. Điểm mấu chốt của sự tôn trọng con người chính là tự do, vì vậy cần phải tách tiêu chuẩn tự do ra khỏi tập hợp các tiêu chuẩn để xếp nó thành tiêu chuẩn quan trọng số một đối với tương lai của con người.
Như đã nói, trạng thái nô lệ hiện đại không phải là trạng thái biến một con người trở thành một tên nô lệ mà biến mỗi hoạt động của con người trở thành một hoạt động có chất lượng nô lệ. Con người không có quyền thảo luận về các quyền của mình, con người bị kìm hãm bởi quyền lợi của nhà nước thì thực ra đó là cuộc sống có chất lượng nô lệ. Thế nhưng nhiều nhà nước vẫn tuyên truyền về những thành tích của mình. Suy cho cùng, giải phóng nô lệ không phải chỉ vì lòng nhân đạo đối với mỗi một con người. Sự hình thành của tất cả các hình thái nhà nước đều có nguồn gốc từ sự đòi hỏi phát triển, tức là một hình thái nhà nước biến mất và bị thay thế bởi một hình thái nhà nước khác tích cực hơn là do nhu cầu của con người về một chế độ chính trị ngày càng ưu việt. Chính vì thế, ở bất kỳ đâu mà nhà nước nói to về nghĩa vụ và thành tích của mình thì đó là bằng chứng không gì hùng hồn hơn để chứng minh được tính lạc hậu về chính trị và tính chậm phát triển về kinh tế của quốc gia đó.
Tất cả những nhà nước chân chính đều là sản phẩm của xã hội, được sinh ra bởi nhân dân, tức là nhân dân phải đóng thuế cho sự tồn tại của nhà nước chứ không phải nhà nước là người lo cho sự tồn tại của nhân dân. “Phải kính trọng con người! Đừng thương hại nó”. Marxim Gorki đã từng nói như thế. Con người không có quyền tự lo cho chính mình, không có quyền hoạch định tương lai của mình thì tức là không có các quyền cá nhân và như vậy thì không còn là con người nữa. Tinh thần tự do của thời đại đòi hỏi rằng không ai có quyền nhân danh lo cho nhân dân yên ổn mà khất lần các quyền cá nhân, quyền nhân thân cụ thể. Sự bảo hộ, sự phủ bóng của nhà nước đối với đời sống của người dân càng lớn càng chứng tỏ con người không được tôn trọng, các quyền con người không được tôn trọng và nhà nước đó đã biến mỗi hoạt động của con người trở thành một hoạt động có chất lượng nô lệ.
Sự khác biệt của nhà nước dân chủ và nhà nước phi dân chủ còn ở chỗ, nhà nước phi dân chủ chủ yếu bảo vệ quyền của người đại diện chứ không bảo vệ quyền con người trong khi đối với các nhà nước dân chủ, nhiệm vụ bảo vệ quyền của con người gắn liền với quyền của người đại diện. Công việc bảo vệ quyền của người đại diện khác về bản chất so với việc bảo vệ quyền con người. Đã đến lúc các nhà nước phi dân chủ không thể tiếp tục kể thành tích để kéo dài tính hợp pháp của mình, để bảo vệ sự tồn tại của mình. Thành tích chủ nghĩa là một căn bệnh. Nếu không thừa nhận pháp luật là sở hữu toàn dân, không thừa nhận nền dân chủ chính trị thì có nghĩa là vẫn phải sử dụng chủ nghĩa thành tích để củng cố và bảo vệ địa vị cầm quyền của mình.
Tóm lại, trong thế giới hiện đại, các nhà nước phi dân chủ vẫn đang tồn tại một cách phổ biến, ở đó những quyền cơ bản của con người không được tôn trọng, không được thảo luận và đảm bảo thực thi trên thực tế. Chừng nào một xã hội chưa được quyền thảo luận về quyền con người thì xã hội ấy chưa thể phát triển. Không có một chính phủ tiên tiến nào có thể tạo ra sự tiên tiến thật sự của quốc gia nếu con người ở đó không nhận thức đầy đủ về các quyền con người của mình. Đấy là bài học của các nước châu Á. Malaysia là một nước có chính phủ tiên tiến, nhưng Malaysia không phải là một xã hội tiên tiến, do đó Malaysia không đi xa được. Vì thế các quyền con người là đòi hỏi không thể thiếu cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Vấn đề quyền con người không phải là tiêu chí chính trị mà đó là một đòi hỏi của sự phát triển bền vững, sự phát triển trên nền tảng phát triển từng cá nhân. Nếu nhà nước nào không được xây dựng trên cơ sở lý luận như vậy thì nó tiếp tục là một trong những nhân tố trói buộc tự do của con người.
Nhà nước không phải là yếu tố duy nhất hạn chế tự do của con người. Sự hạn chế tự do của con người còn được tạo ra bởi tư tưởng hay hệ thống các tư tưởng. Nói đến sự hạn chế tự do bằng hệ thống các tư tưởng chính là nói đến sự lộng hành của các khuynh hướng chính trị hay của các hệ tư tưởng trong đời sống xã hội.
Tư tưởng là công cụ của nhận thức, hệ tư tưởng là hệ thống các công cụ nhận thức. Đời sống tư tưởng là một trong những mảng quan trọng nhất cấu thành nên đời sống con người. Con người ai cũng có tư tưởng. Có tư tưởng sai và có tư tưởng đúng, sai hay đúng hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của mỗi người. Tư tưởng là kết quả của những đúc kết thực tiễn có tính chất lý luận nhằm phục vụ sự phát triển của cuộc sống chứ không phải là những tín điều để tôn thờ. Tư tưởng cũng như văn hoá có tính chất khách quan, nó là tất cả những gì xuất hiện một cách tự nhiên do nhu cầu nhận thức của con người.
Cuộc sống phát triển tự nhiên, con người tương thích với nhau một cách tự nhiên, con người hợp tác và đấu tranh với nhau một cách tự nhiên, nhà nước chỉ là nơi điều hoà những mặt cực đoan của hai quá trình ấy. Thế giới đang thay đổi cần phải mở rộng cho con người quyền tự do nhận thức tức là quyền tự do tư tưởng, từ đó họ sẽ có sản phẩm riêng của mình. Trong bối cảnh thế giới đã và đang phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay thì mỗi một con người ít nhất phải phấn đấu để trở thành nhà tư tưởng của chính hành động của mình. Chỉ khi đó con người mới làm chủ được tương lai, làm chủ được cuộc sống của mình.
Hệ tư tưởng đã từng đóng vai trò to lớn trong đời sống con người, nhưng đã đến lúc con người cần hiểu rằng sức cản lớn nhất đối với sự phát triển chính là con người tự trói mình vào các tín điều, giáo điều. Cần phải thay thế hệ thống tư tưởng, cần giải phóng con người để con người đo đạc lợi ích của chính mình bằng các tiêu chuẩn của hệ giá trị, tức là con người có quyền đo đạc lợi ích của mình mà không bị trói buộc vào các tín điều hay các chỉ dẫn của hệ thống tư tưởng. Điều đó cũng có nghĩa là con người phải nhìn nhận lợi ích thông qua hệ thống giá trị chứ không phải là hệ thống các tiêu chuẩn có tính chất tư tưởng.
Tự do không chỉ là một khái niệm liên quan đến các quyền, tự do còn là một khái niệm trong đó hàm chứa cả tính không lệ thuộc tự nhiên vào nhận thức của người khác. Việc lạm dụng tất cả các phương tiện truyền thông để tuyên truyền thái quá các quan điểm chuyên biệt chính là tạo ra các ranh giới ngăn cản, cô lập con người khỏi tự do.
Văn hoá là môi trường tinh thần của con người nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy, ở nhiều quốc gia chậm phát triển, văn hoá cũng là một trong những nhân tố chính góp phần trói buộc con người. Sự ràng buộc về văn hóa cũng làm giảm chất lượng tự do của con người và làm cho con người không đủ năng lực để thỏa mãn đòi hỏi của thời đại. Con người không bước ra khỏi các ranh giới văn hóa, các sự ràng buộc mang chất lượng văn hóa cũng là con người không tự do.
Nói đến sự kìm hãm của văn hoá đối với tự do của con người không thể không nói đến các nền văn hoá phi tự nhiên, mà thực chất là sự áp đặt chính trị. Chúng ta đều biết, văn hoá có tính đặc thù khách quan. Một nền văn hoá lành mạnh là một nền văn hoá hình thành một cách tự nhiên từ bản chất đa dạng của cuộc sống. Tính đa dạng tự nhiên của cuộc sống tạo ra một sự cạnh tranh bình đẳng giữa các khuynh hướng của cuộc sống và sau khi trải qua quá trình sàng lọc một cách tự nhiên, những khuynh hướng còn lại là những khuynh hướng hợp lý. Nếu con người áp đặt một khuynh hướng nào đó một cách tuyệt đối thì tức là đã tiêu diệt sự cạnh tranh giữa các khuynh hướng, cũng tức là tiêu diệt tính đa dạng của cuộc sống. Ở đâu các giá trị văn hoá được thể hiện một cách đa dạng hay các yếu tố tự nhiên của đời sống con người được tôn trọng và có vị trí bình đẳng, thì ở đấy văn hoá được hình thành một cách lành mạnh. Nền văn hoá đó chính là hệ quả của tự do hay là nền văn hoá tôn trọng tính đa dạng của đời sống tinh thần.
Ngược lại, một nền văn hoá không lành mạnh là nền văn hoá mà ở đấy người ta sử dụng công cụ nhà nước để áp đặt các giá trị, các tiêu chuẩn. Ở không ít quốc gia, nhất là những quốc gia chậm phát triển, nền văn hoá bị biến thành công cụ chính trị và bị thao túng cho những mục đích chính trị và hậu quả là nền văn hoá trở nên lạc hậu và không hỗ trợ sự phát triển. Ở các quốc gia này, hiện tượng can thiệp vào đời sống văn hoá của hệ thống chính trị là phổ biến. Phải khẳng định rằng, bất kỳ một lực lượng chính trị nào cũng muốn tham gia vào việc hình thành các thói quen văn hoá vì hơn ai hết, các nhà chính trị đều hiểu rõ rằng, văn hoá là công cụ điều chỉnh trên phạm vi rộng lớn nhất, mạnh mẽ và sâu sắc nhất đối với nhận thức và ứng xử của con người. Do đó, sự thao túng về mặt văn hoá sẽ tạo ra cơ sở cho sự ổn định trong hoạt động cầm quyền của các lực lượng chính trị.
Tham vọng đó, thực ra, cũng có thể hiểu được vì lực lượng chính trị nào cũng tuyên truyền, phổ biến thậm chí là áp đặt nhận thức chính trị của mình vào trong đời sống. Ví dụ Đảng Xanh xem môi trường là vấn đề chính trị, để tuyên truyền cho đảng của mình thì họ phải tuyên truyền các thói quen bảo vệ môi trường, biến thói quen tôn trọng môi trường trở thành các tiêu chuẩn văn hoá. Sự tuyên truyền trong trường hợp như vậy không phải là không lành mạnh vì điều đó là tất yếu. Tuy nhiên, người ta chỉ có thể đi theo, cổ vũ hay ưu tiên một khuynh hướng chứ không thể dành cho một khuynh hướng địa vị duy nhất bằng việc phủ nhận các khuynh hướng khác. Vì việc dành cho một khuynh hướng địa vị duy nhất sẽ làm biến mất tính đa khuynh hướng, hay tính đa dạng tự nhiên của văn hoá, mà xét về bản chất, chính là tiêu diệt tính đa dạng của đời sống tinh thần của con người. Nói cách khác, việc chính trị hoá văn hoá đã tiêu diệt yếu tố tự do trong văn hoá làm cho nền văn hoá trở nên khô cứng hay chết lâm sàng về mặt tinh thần.
Sự can thiệp vào văn hoá của các lực lượng chính trị sẽ ít tác dụng nếu như xã hội đó là xã hội đa khuynh hướng. Tính đa khuynh hướng thể hiện ở chỗ, có nhiều lực lượng chính trị cùng thể hiện những khuynh hướng chính trị khác nhau thông qua con đường văn hoá. Các hệ quả của việc tuyên truyền chính trị không đa dạng không phải là văn hoá mà chỉ là kết quả chính trị vì đến một lúc nào đó nó sẽ bị cuốn đi không chỉ bởi những khuynh hướng chính trị khác mà còn bởi thời gian vì sự lạc hậu của khuynh hướng mà nó tuyên truyền.
Chính trị cũng như văn hoá, đều là hệ quả của tự do. Tuy nhiên, chính trị là một hoạt động thuộc về thượng tầng kiến trúc tinh thần của con người nên chính trị chi phối toàn bộ hoạt động xã hội khác của con người. Nền chính trị tự do chính là điều kiện đảm bảo cho quá trình hình thành tự nhiên của văn hoá. Con người phải có tự do chính trị thì mới có tự do văn hoá. Một nền chính trị tự do, tức là tính đa dạng khuynh hướng của chính trị được đảm bảo, sẽ đảm bảo tính đa dạng cho nền văn hoá, đảm bảo cho nó được hình thành như là hệ quả của tự do và theo quy luật tự nhiên. Ngược lại, một nền chính trị mà không được đảm bảo bằng tự do, tức là không có sự đa dạng khuynh hướng chính trị, sẽ rất dễ phá vỡ quy luật hình thành tự nhiên của văn hoá. Các giá trị nội tại của một nền văn hoá luôn là chất xúc tác cho sự phát triển các giá trị cá nhân, tạo ra sự phát triển đa dạng của cộng đồng xã hội. Do đó, văn hoá khi bị thao túng vì những động cơ chính trị khác nhau sẽ trở thành vật cản cho sự phát triển đa dạng của cuộc sống, tức là ngăn cản tự do của con người.
Sự phong phú trong nhận thức của con người chính là vũ khí quan trọng nhất giúp con người ứng phó với cuộc sống. Khi những người cầm quyền, bằng sức mạnh chính trị của mình, cố gắng tiêu diệt tính đa dạng của văn hoá, họ đã không hiểu rằng chính họ đang tiêu diệt tính đa dạng của cuộc sống mà tiêu diệt tính đa dạng của cuộc sống chính là làm cho con người "chết" ngay cả khi họ đang sống. Khi tác động vào văn hóa như vậy là họ đã tạo ra một nền văn hoá không lành mạnh, ở đó tính cá thể bị tiêu diệt và con người trở nên đơn giản đến mức hết thảy mọi người đều giống nhau và giống với một hệ tiêu chuẩn được định sẵn. Sự tôn trọng cá nhân trong trường hợp này được thay thế bằng sự tôn sùng chủ nghĩa tập thể. Con người, trước hết, phải là một cá thể và sự liên kết giữa những cá thể hoàn chỉnh mới tạo ra chủ nghĩa tập thể. Không thể có cái gọi là chủ nghĩa tập thể trong khi hết thảy những thành tố tạo ra nó đều không phải các cá thể. Cần phải thức tỉnh về trạng thái văn hóa phi tự nhiên này, nếu không, cái chúng ta có sẽ không phải là một chủ nghĩa tập thể chân chính mà là chủ nghĩa tập thể ngụy biện hay chủ nghĩa tập thể giả tạo.
Một nền văn hoá không lành mạnh sẽ làm cho con người trở nên cực đoan, cực đoan tới mức trở thành nô lệ về mặt tinh thần cho một con người hay một khuynh hướng nào đó. Xin được nhấn mạnh rằng, biến con người trở thành nô lệ, dẫu chỉ là nô lệ về mặt tinh thần, chính là huỷ hoại tính Người trong một con người. Tự do sinh ra con người, điều đó có nghĩa là con người cần có tự do khi nhận thức, con người cần cả tự do khi lựa chọn, bởi đó chính là biểu hiện quan trọng nhất của tự do, cũng chính là quyền quan trọng nhất của một con người.
Như vậy, văn hoá có thể là một lực cản lớn đến sự phát triển lành mạnh của con người thông qua việc ràng buộc tự do của con người. Những yếu tố cực đoan của văn hoá làm biến dạng sự hình thành của nhân cách và giá trị con người. Chính vì thế, khi nghiên cứu về cải cách văn hoá, chúng tôi đã đi đến kết luận là "Cải cách văn hoá không phải là thay đổi cấu trúc của văn hoá mà thay đổi thái độ của con người về nghĩa vụ đóng góp của văn hoá đối với đời sống và sự phát triển", tức là con người phải biết khai thác văn hoá, sử dụng văn hoá như một công cụ để bảo vệ sự hình thành các năng lực cũng như các giá trị của mình. Văn hoá có vai trò quan trọng như vậy nhưng từ xưa đến nay, người ta chỉ xem văn hoá như dấu hiệu của cái riêng mà không hiểu nghĩa vụ của nó là giải quyết những mặt lệch lạc của đời sống con người, quan trọng hơn là bảo vệ tự do của con người.
Không chỉ nhà nước, hệ tư tưởng, văn hóa, mà sự nghèo đói cũng là nhân tố hạn chế tự do của con người. Thế giới chưa bao giờ phát triển đồng đều và không bao giờ có thể phát triển đồng đều được, vì thế, sự khác biệt về phát triển là một thực tế khách quan và nó trở thành nguồn gốc hay nguyên nhân chính của nhiều vấn đề của loài người, trong đó có sự chênh lệch giàu nghèo. Sự nghèo đói và thiếu thốn cũng ràng buộc và hạn chế không gian tinh thần, không gian tự do của con người. Ví dụ, một người ở Trung Quốc muốn đến nước Mỹ tham quan nhưng không có tiền, sự không có tiền đã hạn chế tự do của anh ta đến nước Mỹ mặc dù không ai cấm, nhà nước không cấm, văn hóa không cấm, hệ tư tưởng cũng không cấm. Như vậy, chính sự hạn hẹp của các điều kiện vật chất đã hạn chế tự do của con người, kìm hãm con người vươn tới những khả năng thỏa mãn đòi hỏi của thời đại.
Nghèo đói là hệ quả tất yếu của sự chênh lệch tự nhiên của năng lực con người. Chênh lệch giàu nghèo về thực chất là biểu hiện kinh tế của chênh lệch năng lực; nói cách khác, tình trạng phát triển không đồng đều của các năng lực đã tạo ra hiện tượng phổ biến toàn cầu, hiện tượng có tính chất triết học đó là chênh lệch giàu nghèo. Nếu xã hội được hướng dẫn chính trị đúng thì vẫn tồn tại hiện tượng chênh lệch năng lực nhưng hiện tượng chênh lệch này chỉ giới hạn ở mức tự nhiên. Cho nên, sự tồn tại của nhà nước phúc lợi hay hoạt động phúc lợi của nhà nước vẫn là một thực tế. Trong cuốn sách "Cải cách và sự phát triển", tôi nói rằng cải cách về bản chất là tìm ra giới hạn hợp lý giữa sự tác động chủ quan của con người vào đời sống phát triển, tức là độ thấm tự nhiên của chính sách vĩ mô. Điều đó có nghĩa là, các nhà chính trị phải đủ tầm nhìn để nhận ra tác động hay hướng dẫn của họ đến đâu là đủ. Bởi vì nếu hướng dẫn sai thì sẽ tạo ra khoảng cách chênh lệch năng lực lớn hơn so với khoảng cách tự nhiên và đấy chính là bi kịch của sự chậm phát triển về mặt chính trị.
Sự nghèo đói là tất yếu khách quan ngăn cản con người với tự do. Khi các điều kiện về mặt vật chất không đảm bảo thì rõ ràng tự do của con người cũng không thể được đảm bảo. Người nghèo vẫn tồn tại từ xưa đến nay, nước nghèo vẫn tồn tại từ xưa đến nay và vì nghèo đói nên con người phải tìm cách thoát khỏi nó. Nhưng vấn đề là cho đến thế kỷ XXI mà một phần đông nhân loại vẫn sống ở mức nghèo khổ thì phải khẳng định đó là những con người sống kiếp nô lệ. Trạng thái nghèo đói là trạng thái nô lệ. Không bị bóc lột trực tiếp bởi những ông chủ nhưng con người bị bao vây bởi sự đói nghèo và bệnh tật, dẫn đến mất hết tự do và không thể vươn tới trạng thái phát triển được. Trạng thái nghèo đói đó chính là hệ quả của những trói buộc của nhà nước, của hệ tư tưởng và văn hoá đối với tự do của con người. Nó có quy mô rộng lớn nhất để duy trì trạng thái nô lệ hiện đại của con người đến mức ở không ít nơi, các nhà chính trị lợi dụng quy mô của sự nghèo đói để xem việc khắc phục nghèo đói là biện pháp chính trị duy nhất đúng và cần thiết để thực thi quyền con người. Tức là chỉ cần quyền không có nghèo đói là đủ, còn các quyền tự do khác được xem là ngăn cản quá trình khắc phục hiện tượng nghèo đói. Khi kết luận rằng nghèo đói là hệ quả tất yếu của sự thiếu các quyền tự do chính trị, quyền tự do văn hóa, quyền tự do tư tưởng thì có nghĩa là khắc phục nghèo đói chính là khắc phục sự thiếu tự do. Các nhà chính trị ở các nước lạc hậu cần phải hiểu điều đó. Sự thiếu tự do chính trị, thiếu tự do tư tưởng, thiếu tự do văn hóa làm cho con người không ra khỏi quá khứ của mình, không ra khỏi các thói quen của mình, đó là những nguyên nhân của sự không phát triển của một cá thể và do đó là nguyên nhân của sự nghèo đói. Đã đến lúc các nhà chính trị không thể tiếp tục nhân danh nghèo đói hay sử dụng nghèo đói như là một lý do để khất lần dân chủ được nữa.
Trong thế kỷ XX, thế giới bị chia thành hai phe dựa trên học thuyết về giàu nghèo và hình thành sự đối đầu của hệ tư tưởng giải thích thế giới, giải thích sự phân biệt giàu nghèo, hay là tìm lại quyền lợi cho người nghèo trên thế giới. Kết quả sự phân chia và đối đầu ấy là tạo ra cuộc Chiến tranh Lạnh trong nửa cuối thế kỷ XX. Chiến tranh Lạnh kết thúc bằng việc mất đi cách nhìn nhận phổ quát về cái gọi là cuộc đấu tranh giai cấp toàn cầu, nhưng sự giàu nghèo không vì sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh mà biến mất theo. Nhân loại vẫn đang tìm cách giải thích và một phần nào đó đang giải quyết vấn đề chênh lệch giàu nghèo. Một số quốc gia nghèo đói phấn đấu để trở thành những quốc gia giàu có, nhưng cũng có những quốc gia giải quyết sự nghèo đói của mình bằng con đường khác. Có những dân tộc cam phận nghèo đói, không khủng bố, không đấu tranh. Nhưng có những dân tộc tìm cách thể hiện sự uất ức của mình đối với sự phân hóa giàu nghèo trên thế giới bằng việc chống lại lợi ích của một số nước phát triển và cả lợi ích chung từ các quá trình hợp tác và cạnh tranh toàn cầu. Và thực tế này đã tạo ra chủ nghĩa khủng bố, nói cách khác, chênh lệch giàu nghèo là nguồn gốc của các cuộc phiêu lưu chính trị và tôn giáo này. Chủ nghĩa khủng bố lợi dụng hiện tượng phân biệt giàu nghèo nhưng được diễn ra dưới góc độ lợi dụng tôn giáo để tiến hành các hoạt động được mệnh danh là đấu tranh cho các dân tộc nghèo đói.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)