Văn hoá và... “văn hoá”
Tôi xin mở đầu bằng hai kỷ niệm.
Năm 1951 - 52, trong rừng Việt Bắc chống Pháp, cơ quan hậu cần của quân đội ta có một cộng tác viên rất đặc biệt, mà mấy anh em văn hoá - văn nghệ chúng tôi không biết tên, chỉ thấy mọi người cung kính gọi bằng họ, là bác Vi. Một cụ già quắc thước, sắc sảo, ăn lương tiểu đoàn trưởng tuy chỉ ngồi một chỗ, dịch sách chữ Hán cho quân đội. Về ngoại hình, từ vóc dáng đến đôi mắt, vầng trán đến chòm râu thưa, bác Vi giống Bác Hồ đến nỗi ai mới gặp cũng lầm, và mỗi lần Tổng cục mở hội nghị lớn, bác Vi phải tránh lộ mặt trước các cán bộ trung - cao từ các địa phương lên họp. Nhưng kỳ diệu hơn nữa, là tài năng khác thường của cụ. Một dịp nào khác, tôi sẽ phải thuật lại những câu chuyện nghe như huyền thoại về cuộc đời bôn ba cách mạng của bác Vi, nhưng ở đây chỉ xin kể ngắn câu chuyện bác Vị học vẽ thuỷ mặc. Bác kể: … “Cầy cục mãi, tớ mới xin được chân học việc với một ông thầy Tàu. Mùa đông tuyết trắng, chỉ còng lưng đun nước pha trà mài mực, rồi trố mắt xem thầy múa bút như phù thuỷ vẽ bùa. Lâu quá, mãi rồi sắp nản, thì một hôm đẹp trời, thầy gọi ra cho làm bài tập vỡ lòng. Trên mặt bàn dài căng sẵn một tờ giấy tuyên chỉ, thứ giấy vẽ trắng bong, hút nước như bấc. Hí hửng nghe đề bài, đơn giản đến nực cười: vạch một đường thẳng lên tờ giấy. Nhưng khi thầy đưa ra mấy yêu cầu thì không cười được nữa. Một không được chạm tay xuống mặt giấy, dù là đầu ngón út. Hai, nét vẽ phải thẳng căng như sợi chỉ, không được run, không được cong, không được toè, không được đứt. Ba, kéo bút liền mạch một hơi, không ngập ngừng, từ lúc bút chạm giấy đến lúc nhấc lên!... Các cậu hiểu chứ? Tớ ì ạch đánh vật với bài suốt ba tháng, phá của thầy một đống giấy vứt đi, rồi đành vái thầy, xin đi học nghề khác!".
Quốc họa Trung Hoa là thế. Vẽ nhanh loang loáng, có khi chỉ nửa giờ xong tranh, kể cả đề lạc khoản. Nhưng để có cái nửa giờ xuất thần ấy, phải qua nhiều năm ròng rã tu dưỡng, cảm khái, tư duy và luyện bút không nghỉ.
Kỷ niệm thứ hai, là “mâu thuẫn âm lượng” giữa bố con tôi.
Cách đây một phần tư thế kỷ, tôi với cậu con trai từng đối đầu nhau quanh núm volume của bộ tăng âm. Bố nghe nhạc cổ điển ở nấc 2, nấc 3. Con nghe nhạc trẻ mở nấc 8, nấc 9, rung cả cửa kính. Thời ấy miền Bắc còn thịnh băng cối qua giàn AKAI hay TEAC khuân từ Sài Gòn ra, với cặp loa thùng PIONEER nặng hơn cối đá. Bố nghe Chopin, Mozart hay Verdi, con nghe Beatles, ABBA, Pink Floyd… Nay thì ơn trời, con tôi trung niên tròn bốn mươi tuổi, từ thành phố Hồ Chí Minh ra chơi đã biết ôm ra tặng bố hàng chồng đĩa CD Classic Meditationloại “gin” của Đức và Mỹ, và “sám hối” tâm tình: “Đã lâu lắm rồi, con không chịu được Heavy metallnữa bố ạ. Con vẫn chưa thật hiểu nhạc cổ điển, nhưng bắt đầu cảm thấy phẩmchất đặc biệt, khác xa. Con đánh dấu mấy bài tự chọn, để bố nhận định lại thẩm âm của con… “Tôi giở ra xem, thở phào khi thấy “cậu cả” đã biết nghe Tiếng hát nàng Solveigcủa Grieg, Sérénatacủa Toselli hay Truyện kể của Hoffmanncủa Offenbach…Mừng hơn nữa, cậu chàng đã vươn được lên tầm văn hoá đích thực giữa cảnh sôi động xô bồ, nơi mà từ sản xuất kinh doanh đến ăn chơi xả láng kiểu Mỹ đều đi trước và đi xa hơn thủ đô văn hiến. Hơn nữa, thằng cháu nội choai choai trung học của tôi cũng được bố nó kín đáo hướng dẫn để biết tự chọn thứ nhạc đáng nghe, không phí thì giờ vào chát, mà cũng không chạy theo các gu top hitthời thượng. Dù trường hợp của con tôi không phải duy nhất hay quá hiếm, song chắc hẳn cũng không đại diện cho thị hiếu số đông tuổi trẻ bây giờ. Nhịp cầu mỹ cảm không đến nỗi gãy giữa các thế hệ, hoá ra cũng mất hai mươi năm trải nghiệm thực tế thoát khỏi những cám dỗ xu thời.
Tôi thuộc lớp người hoài cổ, nuối tiếc những giá trị nhân văn đã soi rọi đường đời. Như Vang bóng một thờivà Chùa Đàncủa Nguyễn Tuân. Như Nhà thờ Đức Bàở tuổi thơ, chăm chút ngồi xem ông ngoại tỉa những dò thuỷ tiên trắng muốt. Tôi “trót” thấm thứ văn hoá chắt lọc, thanh tao của Hà Nội cũ, vâng, có bị chê trách là gu “tầng lớp trên” cũng cứ tự hào.
Quá khứ văn hoá có trở lại được không, quá khứ văn hoá không việc gì phải “trở lại”, nhưng thích nghi, dịch chuyển và tiếp biến liền mạch sang hiện tại và cả tương lai. Hình thái có thể khác, nhưng tinh hoa không mai một. Ngót hai trăm năm sau khi Beethoven qua đời, khúc Âu ca niềm vui trong chương kết Giao hưởng số 9của ông vẫn được Hollywood khai thác đắc địa vào phim đương đại, và mới đây thôi, giai điệu giản dị và bất hủ ấy lại được dành cho Triệu Vi bày tỏ niềm vui trong phim truyền hình Tân dòng sông ly biệt của Trung Hoa…Hơn năm thế kỷ sau khi bị xử chém oan khiên, Nguyễn Trãi sống lại dõng dạc, sững sững qua pho tiểu thuyết đồ sộ Vạn Xuân - kết qủa bảy năm tâm huyết của nhà văn nữ người Pháp Yveline Féray, một người không biết tiếng Việt, chữ Hán, chữ Nôm. Một kiệt tác trên văn đàn Pháp đương đại, mà nhà văn hoá lớn Trần Bạch Đằng hết lời ca ngợi, với niềm mặc cảm dân tộc là … khúc sử thi bi tráng thời Trần ấy lại không do một ngòi bút Việt
Đó là những biểu hiện đa dạng của văn hoá chiều sâu, văn hoá tâm huyết tràn trề thanh khí nhân văn, tạo nên những nhân cách lớn, qua vô vàn dẫn dụ trong biên niên sử của các dân tộc, các thời đại.
*
* *
Đối mặt, thậm chí đối đầu với nền văn hoá ấy, là nền văn hoá ào ạt tràn vào các châu lục hôm nay, có thể gọi không quá lời là “văn hoá tiêu dùng”, “văn hoá tranh thủ” được hưởng ứng rầm rộ, coi là cập nhật, phù hợp với thời đại, chứ không “lề mề” và quá lao tâm khổ tứ như văn hoá “kiểu cũ”.
Lập luận logíc “sinh hoạt vật chất thế nào, tất có mỹ cảm thế ấy” hoàn toàn đúng. Nhưng chỉ đúng khi con người chưa đủ trí tuệ và tài năng tự giải phóng khỏi miếng cơm manh áo. Xã hội phát triển cao, thì sự phân biệt giàu - nghèo về trí tuệ. Bởi trí tuệ và mỹ cảm gồm những giá trị độc lập, cao hơn cơm áo gạo tiền. Ra đường hôm nay, dễ dàng bắt gặp những bộ mặt lỗ mãng bặm trợn phóng Spacy vọt ra cửa biệt thự chóp nhọn, những ông chủ làm ăn phát đạt choãi chân trên vỉa hè, văng tục vào… điện thoại di động, những thanh niên ngực áo in chữ “Kiss me” và cả “Harvard Univesity”, chỉ trỏ một nhà văn hoá già yếu đi qua, bình luận: “Chữ nghĩa đầy bồ đấy, mẹ, xe đạp tòng tọc, mẹ, ăn cái giải gì!”, rồi cười hô hố kéo nhau vào quán karaoke… Cái gì thấp, cái gì cao, và ai giàu ai nghèo ở đây vậy?
Văn hoá vốn là biểu hiện tốt đẹp nhất của nhân cách, là phẩm chất tích luỹ dài lâu mới có. Còn nghệ thuật? Sáng tạo nghệ thuật - cũng như phát minh khoa học, chính là biểu hiện cao nhất, khó nhất và đáng tự hào nhất của mỗi con người, không đồng đều. Còn lại, năng lực tiềm ẩn mà ai cũng có, chỉ có luyện rèn tích luỹ mới hy vọng tạo nên công quả gì đó đáng kể. Tích luỹ ấy chính là sự học. Học suốt đời để tự nâng cao hiểu biết, mở rộng khả năng, đóng góp tài trí, chứ đâu phải để khoe mẽ mảnh bằng, dù là chứng chỉ đích thực, không nói đến những học hàm học vị mua bán như mớ rau giữa chợ. Vì thế, nếu hiểu văn hoá là quá trình phấn đấu sáng tạo của con người để tự vươn lên mãi, ắt phải dứt khoát gạt bỏ mọi giá trị ảo.
Phải nhấn rất mạnh khái niệm tích luỹ, để khẳng định rằng quá trình tích luỹ không thể chóng vánh. Tích luỹ phải trả giá bằng thời gian, không thể sốt ruột, đi tắt, nhảy cóc, đốt cháy giai đoạn. Tuổi trẻ ngày nay có lợi thế hơn hẳn lớp già, bởi được lớn lên trong thời đại diệu kỳ của tin học. Nhiều bộ óc trẻ đang tỏa sáng qua dàn vi tính, khẳng định những thành tựu bước đầu đầy hứa hẹn và triển vọng. Một số ít khác tuy chưa chiếm lĩnh được tầm cao, song đã nhạy bén và không ngoan, biết lấy internet làm nguồn cập nhật thông tin, thu nạp kiến thức, trau dồi vốn liếng trí tuệ… Song, điều ai cũng biết, là internet không chỉ có mặt hay mặt tốt. Trong khi các bạn trẻ nói trên hợp thành lực lượng tích cực, nền tảng trở thành chủ nhân gánh vác tương lai đất nước, thì cũng không thiếu gì thanh niên nam nữ quanh ta phung phí thời gian vào việc tán gẫu (chatting) trên các sạp chợ internet, và qua chattừng hứng lấy những hậu quả đáng buồn. Chính mặt trái của mạng internet cũng đã và đang gây ra không ít bi kịch cho lớp trẻ quen sống buông thả, bằng cách nhồi thêm độc tố văn hoá vào những cái đầu non trẻ nhẹ dạ hôm nay.
Mặt khác, trong số tri thức trẻ khai thác trên internet để tự trau dồi, cũng có người quên rằng internet chỉ có thể là nguồn thông tin nhanh, nhạy nhưng rút gọn,trong khi chính văn hóađọc mới là đại dương kiến thức tầm sâu.Đơn giản là, nếu internet (cùng với công nghệ nghe - nhìn) thay thế được văn hóa đọc, thì các thư viện, các nhà xuất bản tại các cường quốc tin học đều theo nhau đóng cửa hết, song thực tế đang diễn biến ngược lại. Tôi dám khẳng định lại ở đây một ý kiến đã nói từ ba năm trước, rằng hiệu sách ở Mỹ thật sự là một siêu thị trí tuệ,nơi người ham học đã vào thì không muốn ra. Còn điều kiện nào lý tưởng hơn để đọc (tức là tự học) khi có sẵn bàn ghế, ánh sáng tiện nghi giữa một rừng sách, thích quyển nào tôi ra quyển ấy, ngồi từ sáng đến chiều chẳng ai đến quấy rầy,dù bằng một câu hỏi ngắn. Đọc xong bỏ cả đống sách trên bàn, cứ thế ra về, cũng chẳng thấy nhân viên nào ra trách móc nửa lời (tất nhiên nếu bạn “quên” chưa trả tiền mà đã cầm theo một quyển dù nhỏ, thì chuông báo động reng ngay). Hiệu sách ở Mỹ là như thế.
Cái thú đọc sách xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp, Trung Hoa, ấn Độ cho đến ngày nay, lưu truyền suốt mấy nghìn năm, xem ra đến Việt Nam thời mở cửa đã nhạt nhòa đi nhiều, nhất là trong đám thanh niên ăn chơi dông dài.
Ta có thể thắp hương xin phép cụ Tú Xương mà than rằng:
Đạo đọc đời nay đã chán rồi.
Mười người không đọc, chín người chơi...
Quả thế, vì đọc sách thì còn đâu thì giờ mà nhậu nhẹt, karaoke, đua xe, hút hít, chích và chát,chưa nói chuyện bồ bịch và... sinh sản vị thành niên.
Thật ra, không phải thế hệ trẻ “dấy lên” phong trào “văn hóa ăn liền”. Họ cũng chỉ là nạn nhân. Mà cũng chẳng phải đợi đến kỷ nguyên tin học, con người mới bập vào văn hóa vội vàng.Đầu têu châm ngòi cho văn hóa cao tốc, chính là giới kinh doanh văn hóa,từ những năm 50-60 của thế kỷ trước đã chế tạo những sản phẩm văn hóa ăn nhanh(cultural fastfood) dưới dạng sách khổ nhỏ bỏ túi, tóm lượcnhững kiệt tác văn học thế giới, Hugo, Tolstoi, Dumas, Thackeray, Dickens đến Goethe... “Văn hóa rút gọn” xem nhanh ấy vứt bỏ văn chương, chỉ cốt thuật chuyện, nhằm vào đông đảo những kẻ bon chen kinh tế mà vẫn muốn được tiếng là không sao lãng văn hóa. Nó cũng na ná như phần lớn phim truyền hình của ta thời nay, phớt lờ mỹ cảm bố cục, dàn dựng, tạo hình, vứt bỏ kinh tế trong lời thoại và diễn xuất, chỉ cần kể chuyện lan man như loại tranh truyện động hình - sản phẩm biện chứng của nền kinh tế cạnh tranh vì lợi nhuận tối đa, đẩy dân chúng vào dòng xoáy tăng tốc không gì hãm nổi, theo quỹ đạo tỏa nở xoáy ốc. Và cũng như ô nhiễm sinh thái vật chất, khi ô nhiễm sinh thái tinh thần được nhận thức rõ nét thì đã quá muộn. Trên toàn thế giới, tiện nghi hưởng thụ vật chất tiếp tục đánh đổi lấy cái gì đó từa tựa như cuộc tự hủy kéo dài của nhân phẩm và nhân cách.
*
* *
Hãy thừa nhận rằng thứ văn hóa vội vàng thời nay rất hợp với số đông. Mà dân trí càng thấp, sự hưởng ứng càng rầm rộ. Tạm gác mỹ từ “thưởng ngoạn” sang bên, để nói rằng việc tiêu dùngnhững văn hóa phẩm cao tốc không cần đòi hỏi mỹ cảm, trí tuệ gì nhiều. Trong văn hóa chợmà nói đến “chân - thiện - mỹ” nhắc tới “dân tộc và hiện đại”, “truyền thống và bản sắc”, thậm chí đến chính khái niệm văn hóa,đều ít nhiều gượng ép, lạc lõng, thậm chí khôi hài, mai mỉa. Đám đông cần giải tỏa thần kinh sau mỗi giành giật cật lực về kinh tế, hơn là... vươn lên (hơn nữa, trong đám đông ấy, không ít người hiểu “vươn lên” đồng nghĩa với phát tài phát lộc).
Tình hình trên đang diễn biến toàn cầu. Nhưng mỗi vùng đều có nét dị biệt. Chẳng hạn, các nước phát triển có thể song song đáp ứng cả những nhu cầu văn hóa đích thực tầm cao... dành cho người giàu,trong khi các nước nghèo chỉ có thể lựa chọn một phía, là văn hóa chợ (dán cái nhãn sạch sẽ là “văn hóa phổ thông”), bởi con ma sĩ diện giấu dốt, và thói lười biếng ngại khó ám ảnh, che khuất mục tiêu phấn đấu nên người. Lời nhắn bảo của cổ nhân thật đúng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật: Quý hồ tinh, bất quý hồ đa.Mà chắc sẽ còn đúng mãi mãi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường