Tản mạn về một số hiện tượng văn hóa Việt Nam đương đại trong quan hệ với quá trình “đứt gãy văn hóa”

11:29 SA @ Thứ Ba - 06 Tháng Mười Hai, 2005

Lâu nay, khái niệm “đứt gãy văn hóa” thường đã được nhiều nhà khoa học sử dụng khi nghiên cứu một bước biến đổi, một sự “lột xác”... của một nền văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển. Trong phạm vi khảo sát của người viết bài này, cho đến nay, chưa thấy tác giả nào định nghĩa “đứt gãy văn hóa” cụ thể là gì, song căn cứ vào những nội dung được các tác giả đã trình bày, có thể xác định một số nội hàm cơ bản của khái niệm “đứt gãy văn hóa”, mà trong đó nổi lên là tính chất “bước ngoặt”, là sự chuyển đổi hệ thống giá trị văn hóa của một dân tộc trong tính liên tục của nó. Xét theo thời gian, “đứt gãy văn hóa” không diễn ra trong một thời gian ngắn, nó cần tới một khoảng thời gian khá dài, sao cho sự tiếp thu trong giao lưu văn hóa cùng với sự vận động nội sinh của một nền văn hóa... có thể phối kết tạo dựng nên hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa mới. Tuy nhiên, nếu coi văn hóa là thể hiện của “tính người” trong hoạt động sinh tồn thì “đứt gãy văn hóa” không làm cho “tính người” ấy biến đổi, mà về bản chất, “đứt gãy văn hóa” chính là tầng cấp mới của “tính người”, là biểu hiện của năng lực sáng tạo, của khả năng thỏa mãn nhu cầu văn hóa vật chất - tinh thần... đã đạt tới một trình độ mới, cao hơn.

Từ cách hiểu trên đây, theo tôi trong lịch sử ít nhất văn hóa Việt Nam đã trải qua hai lần “đứt gãy”, và phải nói rằng hệ quả của sự “đứt gãy” đã đưa tới những biến đổi tích cực, theo hướng đi lên của văn hóa dân tộc. Và nếu xét trong sự vận động nội tại của nó, hai lần “đứt gãy văn hóa” ấy vừa là tình trạng chuyển dịch để biến đổi vừa tạo ra tiền đề để biến đổi.

Nhìn từ lịch sử văn hóa, chúng ta không có nhiều sử liệu đủ để xác định cơ tầng văn hóa Nam Á ở Việt Nam trước và sau thiên nỉên kỷ I có diện mạo ra sao, cũng như không đủ sử liệu để xác định diễn tiến của quá trình văn hóa Trung Hoa đã theo bước chân các tập đoàn cai trị phong kiến phương Bắc du nhập vào Việt Nam như thế nào. Về phần mình, tôi cho rằng sớm nhất cũng phải đến thế kỷ VII, với sự thiết lập An Nam đô hộ phủ của nhà Đường, vấn đề “đồng hóa văn hóa” của phong kiến Trung Hoa mới được đặt ra ở Việt Nam (?). Điều này có thể được lý giải từ cách thức cai trị. Là một lãnh thổ nằm trong khu vực “tứ di” dưới con mắt của phong kiến Trung Hoa, ở thời kỳ đầu, sự cai trị của phong kiến Trung Hoa có lẽ không hoàn toàn triệt để. Tính chất “kymi” (lỏng lẻo) của sự cai trị dường như là kết quả của sự “nhìn xa, trông rộng” đối với một vùng lãnh thổ mà tự nó đã thiết lập được những điều kiện cơ bản để tồn tại, và tinh thần độc lập dân tộc không phải là một động lực nội sinh mà phong kiến Trung Hoa có thể khuất phục trong một sớm một chiều. Các cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng, của Bà Triệu, của Lý Bôn... đã minh chứng điều đó. Về mặt văn hóa, nếu coi chữ Hán là bộ phận “lĩnh ấn tiên phong” để mở rộng ảnh hưởng của văn hóa Hán thì dường như từ thế kỷ VII trở về trước, chữ Hán mới chỉ giữ một vai trò khiêm tốn trong sinh hoạt văn hóa của xã hội, có lẽ chữ Hán được sử dụng chủ yếu trong bộ máy quan lại cai trị người Trung Hoa và những người Việt nào phụ thuộc trực tiếp vào họ?

Từ thế kỷ VII đến nửa đầu thế kỷ X - khi Ngô Quyền giành lại quyền tự chủ, hẳn chữ Hán và Nho giáo dần dà đã có một vị trí xã hội nào đó để tới năm 1070, dưới triều Lý, Văn Miếu ra đời và năm 1076 Quốc tử giám được thành lập. Từ đó, cùng với những thăng trầm của lịch sử, trải qua các cuộc xâm lược từ nhà Nguyên tới nhà Minh, một văn hóa Việt “kiểu mới” từng bước hình thành, phát triển. Lần “đứt gãy” này biến thiên trong mấy thế kỷ, và phải chăng có thể coi những yếu tố cơ bản nhất, những nguyên lý cơ bản nhất... của hệ thống giá trị văn hóa này đã được đặt nền móng, được tạo dựng dưới triểu Lê Thánh Tông (1442 - 1497) và tiếp được bổ sung hoàn chỉnh trong các thế kỷ sau?

Do chưa đủ dữ kiện để phân tích - chứng minh nên ý kiến trên đây chỉ là giả thuyết làm việc. Điều muốn nói tới ở đây là một quá trình “đứt gãy văn hóa” mới diễn ra từ đầu thế kỷ XX, vắt sang thế kỷ XXI, mà theo tôi cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Và do chưa khái quát được những vấn đề cơ bản, chủ yếu của quá trình “đứt gãy văn hóa” từ đầu thế kỷ XX đến nay, nên bài viết này chỉ dừng lại ở sự mô tả các hiện tượng.

Hơn thế kỷ trước, người Pháp xâm lược Việt Nam. Sau khi bình định được một thuộc địa ở phương Đông, trong chừng mực nhất định, người Pháp đã thực thao một số hành động văn hóa để hình thành nên một quá trình “Âu hoá” trong nhiều sinh hoạt xã hội. Nổi lên là sự ra đời của tầng lớp trí thức “Tây học”, là sự ra đời của báo chí, là nền văn học mới... (và lỉệu có thể nói rằng chiếc “áo dài” của phụ nữ Việt Nam là ví dụ điển hình của sự phối kết “Đông - Tây” trong văn hóa trang phục ở Việt Nam?). Xét về văn hóa - văn minh, đây là lần đầu tiên văn hóa Việt Nam tiếp xúc - giao lưu - tiếp biến với một văn hóa - văn minh hoàn toàn khác biệt so với những gì đã tiếp xúc - giao lưu - tiếp biến từ hàng hàng chục thế kỷ trước. Một tư duy hoàn toàn khác (tư duy phân tích), một hệ thống giá trị văn hóa - văn minh lạ lẫm được du nhập... đã gây nên một cuộc đảo lộn và một quá trình “đứt gãy văn hóa” xuất hiện. Nhưng quá trình du nhập ấy, sự “đứt gãy văn hóa” ấy dẫu mạnh mẽ đến đâu vẫn không thể nhanh chóng thay thế tất thảy mọi hành vi ứng xử, mọi thói quen, nền nếp văn hoá... có tuổi đời đã hàng nghìn năm. Nó phải chấp nhận một tình trạng “lưỡng phân”, như chấp nhận sự chung sống giữa khăn xếp áo the với complet, giữa “giầy giôn” với “guốc kinh”, giữa rau diếp với salade, giữa khoai lang với khoai tây… Tình trạng “lưỡng phân” kéo dài trong nhiều thập kỷ, và chưa lúc nào sự “Âu hóa” thể hiện được khả năng thật sự lấn lướt. Cho nên không phải là ngẫu nhiên vào quãng những năm 60 của thế kỷ XX, trong đa số các gia đình Việt Nam ở miền Bắc, không dễ các bậc phụ huynh lấy làm vừa lòng với cô con gái “rượu” có mái tóc phidê (frisé), và đám con trẻ còn pha phách phần lời một ca khúc thành: “người phidê trông cao bồi, người phidê trông chán ghê…” để nghêu ngao. Đó cũng là thời mà các “ông Tây An Nam” bị coi như một cái gì “khác người”, và trong sinh hoạt hàng ngày, nếu ai đó nói tiếng Việt thi thoảng có pha thêm một vài “từ Tây” thường đem tới một ấn tượng buồn cười, thậm chí lố lăng. Tức là sau hơn nửa thế kỷ tiếp xúc với văn minh phương Tây, về cơ bản người Việt vẫn bảo lưu rất nhiều giá trị văn hoá vật chất - tinh thần truyền thống.

Tuy nhiên do mấy chục năm chiến tranh, quá trình “đứt gãy văn hóa” đã bị gián đoạn ít nhiều, song nếu quan sát kỹ, người ta vẫn thấy những hiện tượng như là biểu hiện của sự phối kết văn hóa “Tây - Ta” xuất hiện ở cả hai miền Nam - Bắc (mà có lẽ ở khu vực phía Nam tỏ ra nổi trội hơn?)... Còn vài thập niên trở lại đây, dường như một quá trình “Âu hoá” mới lại đang diễn ra, quá trình “đứt gãy văn hóa” lại tiếp tục và cũng dường như, nó không khởi nguồn từ một sự tự giác mà được khởi nguồn một cách tự phát?

Hôm nay ở vùng đô thị, vốn liếng thời gian rỗi ít ỏi và cả sự đua theo những kiểu lối thời thượng đã lôi cuốn người ta đến với các siêu thị(super market), nơi những người mẹ trẻ có thể mua thức ăn sẵn dành cho cả tuần, để cha mẹ già chỉ còn việc lên gác xuống nhà, xem vô tuyến truyền hình hoặc rủ nhau đi tập thể dục dưỡng sinh. Trong mâm cúng gia tiên ngày Tết ở nhiều gia đình, đã thấy có mặt thịt hun khói, jambon, ngô ngọt xào và xúc xích Đức - những món ăn mấy chục năm trước vẫn chưa thể len lỏi vào mâm cơm Việt. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu thấy trong bữa tiệc gia đình lại được tổ chức mô phỏng theo thực đơn(menu) nhà hàng để bắt đầu bằng súp gà và kết thúc bằng bánh mì phết bơ. Rồi nữa là những bộ Jean “cả cây”, những chiếc mini jube tối màu, những cravatte made in France… cùng với sự hiện diện của những chai XO, Rémy Martin, John Black trên bàn thờ các cụ… tất cả thật sự đang tiềm ẩn khả năng biến khăn xếp, áo dài thành trang phục của những dịp lễ lạt hoặc cần giới thiệu bản sắc, và biến những chai “quốc lủi” nút lá chuối khô thành thú vui của những cuộc nhậu bình dân và những người hoài cổ.

Mọi thứ đến quá nhanh, nói theo ngôn ngữ của xã hội học văn hóa thì một số “chuyển dịch văn hoá” đang diễn ra gấp gáp. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đa số lớp trung niên chưa kịp hiểu internet là gì thì lớp cháu con đã kịp chat qua mạng để kết bạn với một John, một Smith nào đó ở phía trời Tây. Rồi người ta chấp nhận, dù vẫn thấy “chướng mắt”, về sự hiện diện hàng ngày không chỉ trên đường phố mà trong cả ngôi nhà của mình những mái tóc nhuộm xanh đỏ tua tủa như lông nhím vì được xịt “keo bọt”, hoặc những tấm áo kéo phía trước thì hở phía sau và ngược lại, kéo phía sau thì hở phía trước. Rồi cánh thanh niên trẻ tuổi bắt đầu không quan tâm tới ý nghĩa của quan niệm “mất dông”, họ đi chơi giao thừa tới 4 - 5 giờ sáng. Họ phấp phỏng chờ đón ngày Thánh Valentin để gửi cho nhau một nhánh hoa hồng - thứ quà tặng mà đôi khi nhiều người do không nắm bắt được “thông điệp tình yêu” của nó nên vẫn vác đại lên sân khấu tặng cho các diễn viên (!). Một cách tự nhiên, người ta chấp nhận luôn cả lời “Chúc mừng Năm mới” qua telephone, qua SMS, qua Email và không cảm thấy có điều gì thất thố. Nghĩa là đã có những “chuyển dịch văn hoá” mới đang bắt đầu và phần nào được thừa nhận như những kiểu loại hành vi được coi là phù hợp với tiết tấu, nhịp điệu, quan niệm thẩm mỹ, khuôn mẫu ứng xử của lối sống đương đại.

Trên bình diện rộng hơn. Nửa thế kỷ trước, khi ở một số đô thị xảy ra hiện tượng giao lưu - tiếp biến với văn minh phương Tây, thì người Việt ở nông thôn chủ yếu vẫn nhìn về đô thị như nhìn một “thế giới khác mình”, hiếm hoi mới có người “dám” gia nhập vào thế giới đó. Do điều kiện kinh tế, và do cả sự e ngại, văn minh đô thị rất khó xâm nhập vào “biển làng xã” mênh mông vốn bảo lưu khá chặt chẽ những tập quán văn hoá cổ truyền. Ngày nay tình huống đã khác, văn minh đô thị đã có điều kiện toả rộng ảnh hưởng của nó. Nói theo xã hội học thì người nông dân Việt Nam đã có sự chuyển biến trong “vai trò xã hội”. Họ đã mở rộng tầm nhìn, được đánh thức những khát vọng và tự phát tiếp nhận, chuyển tải những nội dung văn hoá - văn minh từ đô thị mà họ biết rằng họ hoàn toàn có khả năng gia nhập và biến chúng thành tài sản của mình. Tuy nhiên, chính sự tự phát ấy lại đưa tới một tình trạng “hỗn tạp” mới, bởi ở đây - các làng xã, văn minh thường chỉ được chọn lựa qua xe máy Wave, đầu VCD GVG, quạt MD… cùng mang nhãn hiệu made in China. Sau lũy tre làng, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, ngất nghểu cần ăngten cùng những bức tường cắm mảnh chai bia Tàu nham nhở, đã làm cho hàng râm bụt và hai câu lục bát “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi - Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn” của Nguyễn Bính đôi khi chỉ còn đọng lại trong ký ức của những người già. Cưỡi trên chiếc mô tô phóng vèo vèo, phun khói mù mịt vào mọi ngõ ngách, cười hô hố khi có cụ già vừa dạt vào bên đường vừa mắng “con cái nhà ai”, trai làng không còn lo lắng về chuyện “công tử nhất bộ”. Họ được học hành, được đi đây đi đó nhưng nhiều người trong số họ vẫn tỏ ra hăng hái níu kéo những lề thói của tinh thần tiểu nông tư hữu mà biểu hiện rõ nhất là thói ích kỷ tiểu nông “cha chung không ai khóc”, “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” và cái hiện tượng “phong tỏa gái làng” tưởng đã mất hút từ lâu nay lại có xu hướng “phục sinh”…!

Thêm nữa, thử khảo sát một sinh hoạt kinh tế - văn hóa phổ biến ở Việt Nam như “cái chợ” chẳng hạn, hẳn sẽ thấy nhiều điều thú vị.

Cuối năm 2003, tôi đi chợ Bắc Hà. Trời se se lạnh. Các chị người Mông vừa đi vừa thoăn thoắt se lanh. Lán lò rèn phì phào đỏ lửa, tiếng búa chí chát nhịp nhàng. Chênh vênh trên sườn đồi, vài ba chiếc chảo thắng cố bốc khói nghi ngút. Dưới cái sân xi măng rộng rãi, các cuộc mua bán trao đổi đang diễn ra. Góc này hơn chục chú trâu ủ rũ chờ sang tay chủ mới. Góc kia dăm chú chó lừng lững như con bê, nằm phủ phục canh chừng đám lợn choai đuôi ngoáy tít chạy ra chạy vào. Giữa nhộn nhịp những chiếc áo Mông, áo Dao, thấp thoáng mấy ông tây bà đầm cao lớn vừa giương ống kính máy ảnh, vừa gặm ngô luộc hoặc nhồm nhoàm ngoạm quả dưa to như cái phích một lít… Đi giữa khu chợ vùng cao lại nghĩ đến lời một anh bạn làm dân tộc học kể rằng, cũng ở một cái chợ như thế này, ngày nọ người ta cho xây một loạt ki-ốt với ý định quy hoạch việc trao đổi mua bán vào nền nếp. Nhưng rồi không có “khách thương” nào chịu vào. Từ bản làng vùng cao xuống chợ, đem theo nắm sa nhân, túi thảo quả, xách con gà…, “khách thương” tự sản tự tiêu chỉ cần nhanh chóng và giản tiện. “Kinh tế tự nhiên” không có nhu cầu đặt chân vào các ki-ốt. Và mọi người vẫn đứng ở đầu chợ để mời mua chai mật ong, bọc mộc nhĩ, túi ớt khô và liếc cái nhìn lãnh đạm vào dãy ki-ốt mốc thếch, đứng lẻ loi.

Nhớ ngày nọ, về thăm gia đình người bạn ở làng Vọng Nguyệt (Yên Sơn, Bắc Ninh), thấy bạn bảo muốn đi chợ Mai thì phải ngủ sớm, tôi đâm tò mò. Mờ đất hôm sau bạn đã gọi dậy, hai anh em mắt nhắm mắt mở đi chợ. Chợ họp gần giữa làng, trong ánh đèn le lói, chợ ồn ào kẻ bán người mua. Thì ra chợ có tên chợ Mai vì họp vào lúc sớm mai, chỉ diễn ra trong vòng hơn một giờ đồng hồ, bày hàng nhanh, mua bán nhanh, tan chợ cũng nhanh. Mọi người tranh thủ đi chợ còn kịp về cơm nước để đi làm. Mấy năm sau, đến làng Bái Nại (Nga Sơn, Thanh Hóa) lại gặp cái chợ có tên chợ Hôm. Chợ họp lúc xế chiều, khi các ngư phủ thu lưới từ biển trở về. Và mọi việc cũng diễn ra rất nhanh, chưa kịp tìm hiểu, vừa lúc lên đèn thì chợ đã tan. Lại nghĩ, nếu làm một nghiên cứu đầy đủ, có lẽ những chợ “mai”, chợ “hôm” kể trên hẳn cũng có một mối liên hệ nào đó với các chợ “cóc”, chợ “xổm” mà ta vẫn gặp ở nhiều đô thị Việt Nam. Tương tự như mấy chữ “mai, hôm”, mấy chữ “cóc, xổm” tự chúng đã chuyển tải tính chất và loại hình hoạt động của các chợ này. Họp chợ nhanh, mua bán nhanh, thu dọn cũng nhanh. Nơi đó thường chỉ có hàng hóa tiêu dùng cập nhật, như mớ rau, con cá, miếng bí, lạng thịt, củ khoai, cân đậu… Nghĩa là những loại hàng hóa thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày mà quỹ thời gian rỗi ngắn ngủi không cho phép người ta có thể đến chợ Mơ, chợ Hôm (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Sắt (Hải Phòng), chợ Đông Ba (Huế), chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) để sắm sanh… Các chợ “cóc”, chợ “xổm” luôn không nằm trong quy hoạch, nghĩa là chúng hình thành tự nhiên và luôn phải thích ứng với sự xuất hiện bất chợt của người quản lý đô thị. Và thật kỳ tài, nếu mấy bác xe thồ, mấy chị hàng rau còn có thể nhanh tay dúi phương tiện, hàng hóa vào một xó xỉnh nào đó hoặc cắm đầu cắm cổ chạy dạt ra tứ phía, thì mấy cô hàng thịt vừa mới đon đả mời chào “Anh ăn mông cho em đi!”, vừa mới thoăn thoắt liếc con dao sáng loáng lên chiếc dũa tròn to bằng ngón chân cái, vậy mà thoáng thấy bóng nhân viên công lực là cô hàng thịt đã thu dọn sạch bong những ba chỉ, chân giò… chỉ để lại cái bàn chỏng chơ!

Các loại chợ hình thành một cách “tự nhiên” này tồn tại bởi chúng có khả năng đáp ứng tức thời nhu cầu của con người về các chủng loại hàng hóa tiêu dùng hàng ngày và phù hợp với vốn liếng thời gian dành cho việc đi chợ. Thật ra đến hôm nay, việc đi siêu thị mua thức ăn cho cả tuần, hoặc có người giúp việc đi chợ theo thực đơn kê sẵn của ông bà chủ vẫn chưa phổ biến, số đông người Việt Nam ở đô thị vẫn phải tự lo lấy việc cơm nước. Trừ hai ngày nghỉ cuối tuần, mọi người chỉ có thể đến chợ vào lúc xế chiều (tuy vẫn có một số chị em tranh thủ lúc “sếp” đi vắng, liền tạt ra chợ mua con cá mớ rau về giấu sau cánh cửa!). Quỹ thời gian cùng với hai thực phẩm chủ yếu là rau và cá trong bữa ăn thường ngày dường như không thích hợp với các khu nhà dở chợ dở siêu thị sầm uất, ngất nghểu mấy tầng lầu. Những khu nhà kỳ vĩ ấy thường chỉ thu hút cư dân một địa bàn, vắng teo vào giờ hành chính, và được bố trí giống hệt nhau: tầng một gồm các quầy quần áo, túi cặp, đồ điện tử, hàng khô; tầng hai vẫn gồm các quầy đồ điện tử, vải vóc, đồng hồ… nhưng cao cấp hơn tầng một; tầng ba trở lên là vài ba văn phòng cùng các hiệu sửa sang sắc đẹp, các trung tâm thể dục thể hình treo biển quảng cáo có mấy lực sĩ cơ bắp cuồn cuộn như ếch lột da. Và xung quanh các khu chợ cao tầng như vậy, đâu đâu cũng thấy một vành đai trong quầy, ngoài quầy của các hàng rau cá, gà lợn. Ở đó, kiểu loại chợ búa của “kinh tế tự nhiên” vẫn hiện hữu với mẹt ổi, chùm roi, thúng chanh, rổ rau hái từ vườn nhà và là nguyên nhân chủ yếu của những tiếng còi “toét, toét” vẫn vang lên một cách thường xuyên. Đấy cũng là nơi khi chiều về, các bà nội trợ có thể dừng xe đạp, ghé xe máy mua vội lạng thịt, mớ rau cho bữa cơm chiều mà không phải gửi xe và không tốn thời gian luồn lách vào những quầy hàng có mái hiên sùm sụp, không phải cò kè mặc cả với những chị những cô mắt xanh mỏ đỏ, cong cớn “khinh người rẻ của”, luôn đưa ra những cái giá cao ngất trời, bán hàng mà cứ như đuổi khách.

Sau một thời gian đô thị hóa, chúng ta đã làm được khá nhiều công việc để xây dựng phong cách sinh hoạt mới cho xã hội hiện đại, nhưng xem ra câu hỏi “chợ sẽ tồn tại như thế nào?” vẫn là một bài toán khó giải. Nếu như ở cái chợ vùng cao kia, người ta đã không thành công khi xây ki-ốt để đưa một sinh hoạt “kinh tế tự nhiên” vào quy củ, thì đối với chợ ở vùng đô thị vẫn còn nhiều vấn đề đang được đặt ra. Trước mắt, khi thức ăn nhanh (fastfood) và việc mua sắm ở siêu thị chưa trở thành thói quen của số đông, và nếu một ngày những khu chợ hiện đại ra đời chưa phải kết quả của một khảo sát khoa học về nhu cầu, về biểu thời gian, về đặc điểm của người Việt trong việc tổ chức bữa ăn và đi chợ… thì ngày ấy trật tự đô thị còn nhiều bề bộn. Và tôi cũng như bạn, trong khi di chuyển trên đường vẫn phải bấm còi “pim pim” hoặc vội vàng phanh gấp vì một chiếc xe thồ bắp cải hay một gánh su hào… vừa hiên ngang phóng qua!

Chỉ sau một hai chục năm mà vật đổi sao dời, cuộc sống đổi thay, có những sự vật gắn bó với người dân nước Nam không biết đã bao năm mà trong khoảnh khắc chỉ còn như hoài niệm. Những ngôi nhà lợp ngói âm dương. Những chiếc cổng làng cổ kính rêu phong nơi bao thế hệ thảng thốt bồi hồi mỗi lúc đi xa về gần. Những đêm trăng đập lúa, tãi rơm. Tiếng giã gạo phập phùm. Tiếng sáo diều vi vút. Và còn biết bao thứ nữa đang dần dần vắng bóng. Rồi những chiếc giếng làng, nơi chiều chiều các cô gái làng khỏa làn nước trong, uyển chuyển đôi thùng, kĩu kịt đi vào các ngõ tre xanh. Những cảnh tượng ấy hiện giờ ở nhiều nơi như đã đi vào dĩ vãng. Từ ngày giếng khoan xuất hiện, nhiều chiếc giếng làng bỗng trở nên hoang phế. Hàng gạch thấp xây quanh miệng giếng gãy đổ nham nhở, dãy xương rồng trồng chắn lối trâu bò thì xơ xác tiêu điều. Nước trong giếng vẫn ngấp nghé đầy tràn, nhưng làn nước xanh trong ngày trước nay đã chuyển màu, đục ngàu và lập lờ xác chuột. Ngày giếng làng mới bỏ hoang, mấy chú bé còn loai ngoai ngụp lặn, đến khi mấy chú trâu con cũng thích thú ngâm mình giữa làn nước trong thì giếng làng trở thành ao đầm. Lũ trẻ sinh sau đẻ muộn đâu có biết nơi ấy, bên giếng làng, xưa kia cha mẹ chúng đã trao cho nhau cái nhìn đầu tiên. Cũng là nơi chờ khi chiều xuống, cha chúng cùng cánh trai làng, mỗi chàng một chiếc thùng con xách nước dội ào ào, mặc kẻ qua người lại, mặc cho ông bố vợ tương lai cất tiếng “e hèm” nhắc nhở. Thì ngày xưa bằng tuổi con bây giờ, các cụ lại không ra đây dội ào ào hay sao!

Trong khi các sinh hoạt bên cái giếng làng đang dần dà phai nhạt ở một số làng quê, người ta lại thấy “hồn giếng làng” lù lù xuất hiện trên nhiều hè phố đô thị vào các buổi chiều mùa hạ. Đấy là lúc vài bác trung niên, dăm chàng trai trẻ, mấy chú choai choai, cùng nhau tung tẩy cái thùng con con tiến ra hè phố. Rồi cái cảnh tượng mang không khí trào lộng quanh chiếc giếng làng ngày xưa lại được tái hiện. Người ta bày ra bụng to bụng nhỏ, mình béo mình gầy. Hò hét í ới. Cười đùa vô tư như ở chỗ không người, tảng lờ chiếc biển “đường phố văn minh sạch đẹp” được nghiêm cẩn gắn lên cột điện. Thế là hè phố đã trở thành nơi trình diễn thể dục thể hình và cửa hàng trưng bày đồ lót nam giới! Lại nhớ trong những câu chuyện cha kể cho tôi nghe thời tôi còn nhỏ, có một chuyện rằng ngày trước ở Hà Nội, sáng sáng có những anh “culit” đạp xe dọc phố, qua vỉa hè nhà nào còn rác rưởi, anh ta liền viết một cái hóa đơn gài vào cửa, và nhà đó tự giác lên “bốt” nộp phạt. Lớn lên đọc Nhớ và Ghi của Nguyễn Công Hoan thấy có đoạn: “thỉnh thoảng đội xếp đi tuần… Họ đi tới đâu, thì dân phố bảo nhau, vội vàng quét hè nhà cho sạch. Hàng rong, thì ù té chạy. Vì người ta sợ bị phạt” tôi liên tưởng đến chuyện cha kể năm nào và nghĩ, những sự việc tưởng chừng nhỏ mọn ấy nay đang có xu hướng trở nên sống động hơn trong sinh hoạt đô thị.

Xét từ lịch sử hình thành, thì Hà Nội và rộng hơn là các đô thị khác ở Việt Nam, đến hôm nay xem ra vẫn chỉ là một cái “làng” lớn. Kết luận này có thể “lạ tai” nếu nhìn từ các phương tiện văn minh, nhưng sẽ là “thuận tai” nếu nhìn từ lối sống, thói quen, tác phong… của dân cư. Xưa kia, kinh tế thương nghiệp còn trong tình trạng sơ khai vốn không cần tới quy mô lớn, trao đổi hàng hóa thường dừng lại ở phạm vi địa phương. Bởi thế ngoài các trung tâm quyền lực như kinh đô và các trung tâm hành chính địa phương, thì sự xuất hiện đô thị với tính cách là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa dường như không thật sự là đòi hỏi cấp thiết. Sự phồn thịnh rồi suy tàn nhanh chóng của kiểu đô thị - kinh tế như Phố Hiến là một ví dụ điển hình, và nên lưu ý là hiện tượng này xảy ra cách chúng ta không xa. Khi đô thị không ra đời như kết quả tất yếu của sự phát triển đô thị - kinh tế thì việc tổ chức để đô thị có thể vận hành theo quy củ hiển nhiên sẽ rất dễ lỏng lẻo. Cùng với đó quá trình “phình ra” của đô thị ở một quốc gia nông nghiệp lúa nước, xét đến cùng, là hệ quả của sự tích hợp dân cư. Người ta đến đô thị từ mọi miền, người ta định cư nhưng không thể cắt đứt mối liên hệ với cộng đồng làng xã. Ngay đến cả tầng lớp quan lại, các vị đại khoa… cũng không dám thoái thác nghĩa vụ với nguồn gốc xuất thân (về quê giỗ chạp, dự hội làng, họp “giáp”, nhận phần ruộng…). Điều này góp phần lý giải tại sao cho đến thời hiện tại, những ngày mồng 1, 2, 3 Tết ở Hà Nội thường vắng vẻ, vì nhiều gia đình đã bầu đoàn kéo nhau về quê. Trong một số trường hợp, khi số lượng người cùng một cộng đồng xuất thân tăng lên, người ta còn mang cả thành hoàng làng, cả ông tổ nghề nghiệp theo để thờ cúng, làm hình thành nên các khu phố có cư dân xuất xứ cùng một địa phương, hình thành các “phố nghề”. Rồi theo thời gian, sự tích hợp này cũng biến động với sự xuất hiện của cư dân từ các địa phương khác đến sau, sự xuất hiện của những ngành nghề mới… Và thế là các đô thị dần dà phai nhạt tính chất “nguyên hợp” ban đầu, thậm chí phai nhạt một vài đặc điểm riêng để thay thế bằng sự tích hợp văn hóa từ các cộng đồng không cùng nguồn gốc, với những nền nếp, thói quen, lối sống… khác nhau, với những nét bản sắc khác nhau. Tất cả cùng phối kết làm nên một diện mạo văn hóa mới cho đô thị, và bên những “cái hay” lại không thiếu những “cái dở”. Nếu xem xét từ lối sống, từ quan niệm ứng xử của cư dân nông nghiệp truyền thống, phải nói rằng những tàn dư của “thói vị kỷ tiểu nông tư hữu” còn tồn tại khá dai dẳng trong sinh hoạt đô thị. Ở đó nhiều người đã quen với lối “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, tâm lý dựa dẫm vào cộng đồng… Phải chăng chính những điều này là nguyên do chủ yếu làm nên sự manh mún, tùy tiện, nhếch nhác của đô thị Việt Nam đương đại và gây sự cản trở không nhỏ đối với lối sống công nghiệp, tư duy công nghiệp - những thành tố văn hóa mới mà xã hội đang hướng tới? Thiết nghĩ vấn đề phải được giải quyết từ nhận thức của mọi người, từ sự giáo dục đồng bộ, chứ không chỉ từ những biện pháp hành chính. Nếu không giải quyết từ phần “gốc gác” của nó, thì người dân vẫn xây nhà theo sở thích chứ không theo quy hoạch, rồi khi anh nhân viên môi trường đô thị khuất bóng nơi góc phố là người ta lại tiếp tục “lẳng” ra đường những chú chuột to đùng và đã “ngoẻo” cứng đơ…!

Nhìn từ các hiện tượng, có thể đặt ra một câu hỏi rằng phải chăng sự tăng trưởng về mức sống, cái mới về văn minh... dường như chỉ đem lại một số biến đổi về hình thức - với những dáng vẻ bên ngoài khác nhau, trong sinh hoạt văn hoá của xã hội Việt Nam ở cả đô thị lẫn nông thôn, còn thực chất chúng vẫn chưa có khả năng làm biến đổi một cách cơ bản những thói quen, tập quán từng ổn định lâu đời? Từ tiếp biến văn hoá đến “chuyển dịch văn hoá” rồi phát triển văn hoá là cả một quá trình lâu dài. Cũng tức là quá trình “đứt gãy văn hoá” trong thời hiện đại không phải là một quá trình “tự nhiên nhi nhiên”, đó phải là một quá trình được nhận thức tự giác, vừa chủ động chọn lọc, vừa sáng tạo, vừa tích luỹ... để hình thành hệ thống giá trị vật chất - tinh thần mới, được xã hội thừa nhận, tạo tiền đề cho văn hoá phát triển. Tình trạng “nhùng nhằng” càng kéo dài, không được hướng dẫn bằng một ý thức tự giác sẽ rất dễ đẩy tới một kết quả là tình trạng “hỗn mang văn hóa, trì trệ văn hóa”, hiển nhiên sự phát triển văn hoá cũng sẽ rơi vào cùng cảnh ngộ. Phải chăng những “chuyển dịch văn hoá” đương thời đang phát lộ điều chúng ta không mong mỏi rằng đây mới chỉ là những “chuyển dịch văn hóa” tự phát?

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Gia tài văn hóa của Việt Nam

    05/04/2019Phan NgọcTại sao có một bề dày văn hóa mà Việt Nam chưa bao giờ giàu có cả? Bởi vì, bề dày văn hóa như một kho vàng, tuy nhiên phải vất vả đào bới mới có được và từng cá nhân một phải làm cho chính minh. Nhưng trước hết phải có người chỉ cho anh ta thấy kho vàng đã. Do đó, phải có một chính trị sáng suốt của anh ta, cho anh ta và vì anh ta. Và xây dựng những tổ chức để cùng nhau dào bới...
  • Truyền thống

    24/04/2018Nguyễn Trần BạtMột đất nước mà không có truyền thống, không có lịch sử, không có những giá trị vĩnh hằng thu không thể có hiện tại, càng không thể có tương lai. Tuy vậy, vai trò của truyền thống trong quá trình phát triển của quốc gia, đặc biệt là đối với các quốc gia đang cải cách thể chế, luôn luôn có tính hai mặt....
  • Tính truyền thống và yêu cầu đổi mới trong thiên niên kỷ tới

    15/05/2016Lê Đăng DoanhChúng ta có nhiều đức tính để đón nhận sự thay đổi rất nhanh chóng khi bước vào thiên niên kỷ của sự sáng tạo và đổi mới, nhưng cũng rất rõ ràng là chúng ta cần xây dựng một tương quan lành mạnh giữa truyền thống với hiện đại, trong đó truyền thống phải tạo cơ sở để tiếp nhận cái mới, những tinh hoa của văn minh nhân loại.
  • Văn hoá và Hiện tại

    26/08/2015Nguyễn Trần BạtToàn bộ đời sống tinh thần của chúng ta hiện nay là gì, nếu không phải là sản phẩm của văn hoá?
  • Tại Minh Minh Đức

    16/07/2015Thuỷ ThiênNhiều vấn đề bức xúc, nhiều chuyện vướng mắc, nhiều lệch lạc... Đó là những gì có thể thấy qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chung quy lại là chuyện quản lý. Quản lý kém hay không biết quản lý? Nguyên nhân ở đâu? Tại không biết quản lý, tại không có kiến thức, hay tại không có ý thức?
  • Hình mẫu

    15/06/2015Nguyễn Hữu TháiHình mẫu là gương tiêu biểu về nhân cách và hoạt động của những con người mà ta có thề lấy làm chuẩn noi theo để tiến lên trong cuộc sống. Thường thì họ là những người thành công và hoạt động chân chính trong các lĩnh vực sinh hoạt khác nhau trong đời thường và là các nhân vật xuất sắc mà các phương tiện truyền thông đại chúng hay đề cập đến...
  • Về khẩu hiệu bảo vệ bản sắc dân tộc

    24/03/2015Nguyễn Trần BạtVấn đề bản sắc dân tộc đang được tranh cãi rất nhiều, đặc biệt là tại nhiều nước đang phát triển. Đối mặt với xu thế toàn cầu hoá, người ta thấy xuất hiện những quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về vấn đề bản sắc dân tộc...
  • Văn hoá và Quá khứ

    26/11/2014Nguyễn Trần BạtVăn hoá là sản phẩm của quá khứ. Nhưng không phải bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ, bất cứ cái gì từng xuất hiện trong quá khứ đều thuộc về văn hoá, mà chỉ có những gì mang tính kế thừa một cách có hệ thống mới trở thành văn hoá. Quá khứ càng dài, càng phong phú thì vốn văn hoá càng lớn, càng đa dạng...
  • "Phát triển bền vững" nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa

    25/09/2014Trần Hữu DũngTừ giữa thập niên 80 đến nay, "phát triển bền vững" đã trở thành một ý niệm thời thượng. Nó là khẩu hiệu của hàng trăm tổ chức quốc tế, đề tài của mấy cuộc hội nghị, hội thảo toàn cầu, và một tiêu chuẩn quan trọng trong chiến lược phát triển của hầu hết mọi nước...
  • Văn hoá và Tương lai

    17/05/2014Nguyễn Trần BạtTương lai không phải là của văn hoá, tương lai là của con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Trình độ nhận thức của con người đã đạt đến mức con người nhận thấy văn hoá trở thành quan trọng....
  • Lối sống

    27/02/2013Nguyễn Trần BạtCon người luôn luôn phải tồn tại trong một cộng đồng người, một nước, một khu vực nhất định. Trong cuộc sống chung như thế, người ta buộc phải tuân thủ những qui tắc nhất định, thành văn hoặc bất thành văn. Những qui tắc này bao trùm tất cả các lĩnh vực: đạo đức, thẩm mỹ... Trong số đó, có những qui tắc dần dần được cá nhân thừa nhận và trở thành thói quen...
  • Một số mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay

    08/11/2005Võ Văn ThắngQuá trình xây dựng lối sống ở nước ta hiện nay đang gặp phải một số mâu thuẫn. Đó là, mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với xu hướng phủ nhận những phẩm chất đó; mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với xu hướng phương Tây hóa; mâu thuẫn “hóa giải” các mâu thuẫn đó, đồng thời đảm bảo mục tiêu xây dựng lối sống mới, hiện đại, văn minh và mang đậm bản sắc dân tộc...
  • Tính truyền thống và yêu cầu đổi mới trong thiên niên kỷ tới

    10/10/2005Lê Đăng Doanh"Truyền thống của dân tộc ta đâu chỉ có chiến đấu. Sao không thấy trình diễn các truyền thống sáng tạo văn học nghệ thuật, khoa học, cách tân của ông cha ta?" Đó là một câu hỏi nghiêm túc cần được suy nghĩ và phân tích, khi chúng ta bước vào thiên niên kỷ của tiến bộ khoa học công nghệ và toàn cầu hoá với quy mô và mức độ sâu rộng chưa từng có. Không có dân tộc nào có thể tự cho mình là hoàn hảo trong mọi thời đại để quên mất học tập và tiếp thu cái tốt, cái đẹp của các dân tộc khác...
  • Bản sắc văn hoá - tính tương đối của sự đa dạng

    25/08/2005Ngô Tự LậpThế nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến niềm hân hoan khi tiếp xúc với những miền đất lạ, những tiếng nói lạ hay những giai điệu xa xôi. Những gì diễn ra trong quan hệ giữa các nền văn hoá vào phút giây gặp gỡ gieo trồng những cảm xúc giống như tình yêu trai gái khi lần đầu ánh mắt giao nhau. Tất cả nói lên điều gì? Bản sắc đóng vai trò như thế nào trong đời sống nhân loại? Và sự đa dạng về bản sắc có cần đạt đến bằng mọi giá hay không?
  • Thông tin xã hội và vai trò của nó trong quản lý xã hội

    24/08/2005Nguyễn Hữu Đễ (*)Thông tin xã hội có nội dung rất đa dạng và phức tạp. Đối với quản lý xã hội, vai trò quan trọng của nó được thể hiện ở chỗ; Thứ nhất, thông tin xã hội là cơ sở, điều kiện cần thiết để tiến hành quản lý xã hội: thứ hai, tùy theo chất lượng, nó có thể đẩy nhanh hoặc làm chậm tốc độ phát triển của hệ thống xã hội và cuối cùng, quyết định sự thành công hay thất bại của cả quá trình quản lý xã hội.
  • Để chống lại sự "hạ cấp và phàm tục" trong đời sống văn hóa

    17/08/2005Tương LaiKhi đòi hỏi cần tạo cho được thật nhiều “mô hình thuyết phục”, những mô hình về đạo đức và văn hóa (*), tôi muốn nói thêm về “trách nhiệm nắm chắc các chuẩn mực văn hóa và điều chỉnh nó trong đời sống xã hội bằng các mô hình thuyết phục”...
  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.
  • Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội

    19/07/2005Nguyễn Khoa ĐiềmBước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng kinh tế trở thành nhiệm vụ trung tâm. Tiếp đó, nhiệm vụ xây dựng Đảng được khẳng định là then chốt việc xác lập nhiệm vụ trung tâm và then chốt trở thành yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ Quốc. Tuy nhiên hơn 10 năm lại đây, phát triển Văn hoá, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội đã trở thành mệnh lệnh cấp thiết của cuộc sống.
  • Toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá

    18/07/2005Dương Thuấn, Mai Văn HaiVăn hoá Việt Nam đang có nguy cơ bị văn hoá nước ngoài lấn át và mất dần đi bản sắc dân tộc! Đã có không ít bài viết cảnh báo về vấn đề này và bày tỏ sự quan ngại đó. Thực tế có đáng lo như vậy hay không? Trước tình hình toàn cầu hoá nhanh chóng như hiện nay, hội nhập là tất yếu, không có con đường nào khác nếu muốn phát triển. Để làm sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến việc toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá.
  • Ở đâu, đạo đức và lương tâm của giới trẻ?

    07/07/2005Tuyết Thanh, Viện Văn họcTôi thấy có một mặt của thanh niên đang tụt hậu, có thể dùng khái niệm suy thoái. Nghĩa là các thế hệ ông cha đã từng có rồi mà thanh niên ngày nay (một bộ phận lớn) đang làm mất đi, suy yếu đi. Đó là đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.
  • xem toàn bộ