Nghĩ về nền văn hóa mới và cơ hội mới
Chúng ta đang bước vào thời đại mới của nền văn hóa mới, với sự phát triển nhanh chóng của văn minh, của kỹ thuật, công nghệ. Bản thân kỹ thuật, công nghệ là biểu hiện, là tài sản chung cho trí tuệ loài người, không phụ thuộc riêng vào một dân tộc nào, và theo phép biện chứng của C.Mác, thì khi kỹ thuật sản xuất thay đổi, đời sống tinh thần cũng thay đổi.
Các khoa học chính xác không liên quan tâm lý của người tiêu thụ. Còn sản xuất hàng hóa thì phải tính đến những sở thích và những nhu cầu rất khác nhau của từng nhóm người. Ðã thế, người sản xuất phải có một trình độ tự quản khá rộng cho phép anh ta thay đổi trong sản xuất, và phải được đãi ngộ xứng đáng, khi anh ta đem đến thu hoạch to lớn cho đất nước, so với những người sản xuất kém. Nếu anh ta bị ràng buộc quá thì rất khó xoay xở, và thiếu cả sự say sưa trong công việc của mình.
Mặt khác, với kỹ thuật hiện đại của nền sản xuất hậu công nghiệp và tin học, các nước tiến bộ thuộc giai đoạn này nhận thấy có thể làm cả thế giới no đủ, mà mình lại giàu có hơn bao giờ hết.
Cho phép tôi nói đến đường lối cách mạng của Hồ Chí Minh. Ðường lối đó xây dựng trên đoàn kết, tình nghĩa, theo một mục tiêu khiêm tốn "cơm ăn, áo mặc, học hành, nhà ở, thuốc men" hòa hiếu với mọi nước. Ðây là sự tiếp nối truyền thống văn hóa Việt Nam qua một lịch sử oanh liệt, nhưng cũng rất khiêm tốn.
Vào năm mới, người ta thường nói đến những điều tốt đẹp, bỏ qua những chuyện cũ không hay. Trước năm 1950, không một người Việt Nam nào có thể hình dung những đổi mới nhanh chóng như ngày nay. Nước Việt Nam có quan hệ hữu nghị với rất nhiều nước. Các nước trên thế giới quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam phát triển. Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế thế giới.
Quá trình xóa đói giảm nghèo đang được tiến hành rất có kết quả, không ai có thể phủ nhận. Các nước muốn giúp Việt Nam phát triển để họ càng giàu có thêm, vì Việt Nam có những lợi thế về văn hóa phải nói là hiếm có.
Một là, nhân dân thông minh đặc biệt, do hai nghìn năm học tập chăm chỉ. Nhân dân này tiếp thụ kỹ thuật mới rất dễ dàng.
Hai là, có truyền thống đoàn kết, lao động mẫu mực, có nhiều sáng kiến. Không nói gì xa, kinh nghiệm 30 năm chiến đấu đã cho thấy khả năng lao động về trí tuệ và tinh thần làm việc phi thường của người Việt Nam.
Do chỗ lịch sử Việt Nam liên tục phải đối phó lần này, lượt khác chống ngoại xâm, cho nên trong văn hóa Việt Nam có vài hạn chế. Một là, coi nhẹ thương nghiệp, coi nhẹ việc buôn bán đường biển trong khi gần ba nghìn cây số biển có thể đem đến của cải vô tận. Hai là, cái học thiên về từ chương, nhẹ về kỹ thuật. Ba là, óc gia đình quá nặng nên thiếu tinh thần mạo hiểm, đột phá trong kinh doanh.
Nhưng những hạn chế này sẽ được khắc phục trong vận hội mới, khi sự thay đổi đem đến giàu có. Các nước tiên tiến đều nhận thấy công nhân và trí thức Việt Nam giàu sáng kiến, biết và dám chịu đựng gian khổ, nên việc kinh doanh ở Việt Nam sẽ có lợi hơn kinh doanh ở nhiều nước khác.
Việt Nam có một thời bao cấp
Ðiều này là bắt buộc, vì nếu không bao cấp làm sao chúng ta khắc phục được điều kiện trong chiến tranh với bao nhiêu khó khăn, vất vả kéo dài để giành những thắng lợi phi thường mà trong lịch sử loài người, tôi cũng ít thấy trường hợp nào như thế. Song do chỗ phải bao cấp, nên có tình trạng quan liêu, chủ yếu từ sau 1975. Tình trạng này đang được khắc phục, nhưng không phải dễ dàng.
Nhưng không thể vì thế mà buông lỏng sự lãnh đạo. Vì với thời đại mới có những khó khăn mới. Các tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn lậu, khủng bố hiện nay là mối nguy cho cả thế giới, đòi hỏi sự góp sức chung của cả thế giới để khắc phục. Chỉ riêng một dịch cúm gia cầm thôi cũng đã là mối lo cho nhiều nước.
Trong quan hệ với thế giới, Việt Nam có những ưu thế nếu phát huy được sẽ có ích cho Việt Nam và cho nhiều người. Hiện nay, trong quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, nước nào cũng muốn duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.
Về điểm này, Việt Nam có kinh nghiệm duy trì bản sắc văn hóa của mình qua tiếp xúc với các cường quốc trong lịch sử. Ðây là điều Nên.J.Giamixơn đã viết trong lời tựa Cách hiểu Việt Nam (Understaning Vietnam - Trường đại học California xuất bản, năm 1993) : "Ðể hiểu chúng ta tốt hơn ta phải hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam. Ðể hiểu cuộc chiến tranh, ta phải hiểu người Việt Nam. Ta phải hiểu thêm về văn hóa và các hệ dọc (paradisgm) Việt Nam để tháo gỡ những cuộc tranh luận rắc rối về chúng ta... Ðây là một điều người Mỹ chúng ta đã tỏ ra quá muộn để học về Việt Nam".
Những hệ giá trị "dọc" ấy là những hệ tư tưởng của Việt Nam về Tổ quốc, gia đình, thân phận và diện mạo.
Vào giai đoạn này, Việt Nam cũng phải học hỏi thêm từ thế giới để hiểu chính mình mà hành động có kết quả. Vai trò của các ngành khoa học xã hội sẽ vì thế càng thêm quan trọng. Tôi chỉ nói đến các mặt văn học, nhạc, tư tưởng, lịch sử Việt Nam... nếu được truyền bá khắp Ðông-Nam Á thì sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng khối Ðông-Nam Á thành một khu vực đoàn kết hữu nghị có lợi cho cả Việt Nam và Ðông-Nam Á. Dĩ nhiên, trong thời gian vừa qua, vừa làm vừa học hỏi, làm sao tránh khỏi những sai sót. Nhưng nhìn chung, tình trạng của các nhược điểm ấy nhẹ hơn ở nơi chúng ra đời, và rõ ràng Việt Nam bước sang giai đoạn mới của lịch sử một cách suôn sẻ hơn.
Ðiều này một phần cũng nhờ vào đường lối cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Những sai sót đang được sửa chữa, và theo kinh nghiệm một người nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tôi thấy ta sẽ sửa chữa được trong một thời gian ngắn.
Tuy công việc còn nhiều, nhưng đường đi đã rõ. Khi đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, khi vùng sâu, vùng xa được quan tâm phát triển để cùng tiến bước với vùng đô thị và đồng bằng, khi số vô tuyến truyền hình trong nước đã lên đến hàng triệu chiếc, khi con người bình thường có thể tiếp xúc với cả thế giới qua internet, khi thế hệ trẻ được đào tạo cơ bản cả về tri thức và lòng yêu nước... thì tất nhiên sẽ có những thay đổi khác trước, bởi đó là những tiền đề quan trọng để dân tộc chúng ta phát triển. Và đó cũng là tiền đề để chúng ta tin tưởng về một năm mới ngày càng "mới" hơn.
Nguồn:Báo Nhân dân
Nội dung khác
Thiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVăn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu