Văn hoá và Quá khứ
Theo định nghĩa của chúng ta, văn hoá là những gì còn lại sau những chu trình của lịch sử. Như thế, văn hoá là sản phẩm của quá khứ. Nhưng không phải bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ, bất cứ cái gì từng xuất hiện trong quá khứ đều thuộc về văn hoá, mà chỉ có những gì mang tính kế thừa một cách có hệ thống mới trở thành văn hoá. Quá khứ càng dài, càng phong phú thì vốn văn hoá càng lớn, càng đa dạng. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều khi người ta nhầm lẫn nền văn hoá của một dân tộc với lịch sử của dân tộc ấy. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nhầm lẫn văn hoá với văn minh, cái mà theo chúng tôi, là một trình độ phát triển nhất định của văn hoá. Thực ra văn hoá với lịch sử, hoặc văn hoá với quá khứ là những phạm trù khác nhau. Chúng chỉ có những mối liên hệ, cho dù rất mật thiết, mà thôi.
Lịch sử là toàn bộ những sự kiện liên tiếp diễn ra trong toàn bộ thời gian tồn tại của một cộng đồng người. Những sự kiện ấy có thể mâu thuẫn nhau, có thể tuân theo những qui luật nhất định đã biết hoặc chưa biết, cũng có thể hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng có thể có những tác động vào xã hội theo những hướng khác nhau, và cũng có thể được đánh giá theo những quan điểm khác nhau.
Văn hoá không phải là những sự kiện, cũng không phải là toàn bộ những sự kiện. Văn hoá nói cho cùng là những xu hướng, những đặc điểm, những tính chất được hình thành một cách tự nhiên như những giá trị tinh thần của chung xã hội, mặc dù nó luôn luôn được mang tải thông qua những phương tiện vật chất. Văn hoá do những hạt phù sa của quá khứ tạo ra. Chúng lệ thuộc vào quá khứ. Tất cả mọi thành tố của văn hoá, cũng tức là mọi khía cạnh của cuộc sống nhân loại, mọi trạng thái hiện đại của nó, đều lệ thuộc vào quá khứ.
Cuộc sống là một chuỗi liên tục, ngày hôm nay phụ thuộc vào ngày hôm qua - đó là một chân lý.
Việc hình thành lối sống, chẳng hạn, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi truyền thống văn hóa và ngược lại lối sống của con người, của cá nhân cũng như cộng đồng, góp phần tạo thành truyền thống và di sản văn hoá. Trong thời điểm của những thay đổi chưa từng có trên thế giới hiện nay, có những lực lượng, những cá nhân có quyền lực nào đó tỏ ra không tin thế hệ trẻ. Họ lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ.
Nhưng đó là sự lo lắng dựa vào tiêu chuẩn của quá khứ mà họ vẫn còn xem là chân lý. Ở nước nào mà người già không tin vào người trẻ, cha không tin vào con thì đất nước ấy không có tương lai. Riêng tôi, tôi luôn tin vào thế hệ trẻ và tôi tin rằng có rất nhiều người đồng ý với tôi. Lý do thật là đơn giản: cuộc sống của chúng ta sẽ hoàn toàn vô nghĩa, nếu ngày mai không đẹp hơn hôm nay? Nếu tương lai của con cháu chúng ta không đẹp hơn hiện tại của chúng ta? Nếu những người kế nghiệp của chúng ta không thông thái hơn chúng ta?
Mỗi một thế hệ cần phải phấn đấu để cho thế hệ sau mình trở nên vĩ đại hơn mình- Đấy là đạo đức quan trọng nhất của đời sống con người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn