Văn hoá học là gì?

09:17 SA @ Chủ Nhật - 02 Tháng Bảy, 2006

Văn hoá học là khoa học hình thành trên vùng tiếp giáp của các tri thức xã hội và nhân văn về con người và xã hội, nghiên cứu văn hoá như một chỉnh thể toàn vẹn, như một chức năng đặc biệt và như tính tình thái của tồn tại con người.

Mặc dù xuất xứ của thuật ngữ văn hoá học gắn liền với tên tuổi nhà nhân học văn hoá Mỹ L. White, tên gọi đó không bắt rễ được trong khoa học Tây phương, mà trong 2-3 thập kỷ gần đây đã phát triển mạnh mẽ ở Nga. Việc làm rõ sự tương đồng trực tiếp giữa Văn hoá học Nga với cách phân loại các khoa học được thừa nhận ở nước ngoài là rất phức tạp, bởi vì khác với truyền thống Nga gắn khái niệm văn hoá trước hết với thực tiễn và mảng đề tài nghệ thuật và giáo dục, trong truyền thống khoa học phương Tây hiện tượng đặc biệt văn hoá được hiểu thiên về ý nghĩa xã hội-dân tộc học. Xuất phát từ đó, ở châu Âu và Mỹ, được coi là những khoa học cơ bản về văn hoá là: nhân học văn hoá và xã hội (theo cách phân loại Nga - là cái gì đó trung gian giữa xã hội học, dân tộc học và tâm lý học), xã hội học thuần tuý, nhân học cấu trúc (ở Nga người ta sẽ gọi đó là ngôn ngữ học tâm lý dân tộc), lịch sử văn hoá mới (tổng hợp lịch sử lối sống với tâm lý học lịch sử dân tộc), ký hiệu học và ngôn ngữ học hậu cấu trúc (chủ nghĩa hậu hiện đại) v.v.

Văn hoá học Nga hiện đại cố gắng kết hợp các khuynh hướng và phương pháp luận nghiên cứu văn hoá trên và một số khuynh hướng khác với truyền thống Nga trong nghiên cứu lịch sử tập quán, nghiên cứu tái cấu trúc huyền thoại và văn hoá-ngữ văn, nghiên cứu các quan điểm về kiểu loại lịch sử-văn hoá, với triết học và ý thức hệ trong chức năng khai hoá của văn hoá, với các tư tưởng triết học của “chủ nghĩa vũ trụ Nga” v.v… Có ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành Văn hoá học Nga là kinh nghiệm của ngành Phương Đông học Nga, giải quyết những nhiệm vụ tương tự trong việc tổng hợp các kiến thức khoa học xã hội với kiến thức nhân văn, nhưng thiên về lược đồ thu nhỏ có tính chất đất nước học hạn hẹp.

Sự mở rộng các tiếp xúc khoa học và giáo dục quốc tế đã làm nảy sinh vấn đề chuyển nghĩa tương đương thuật ngữ Văn hoá học được chấp nhận ở Nga sang các thứ tiếng châu Âu và giải thích nội dung đầy đủ của nó. Văn hoá học Nga rõ ràng rộng hơn Nhân học (Anthropology) phương Tây, nhưng không bao trùm toàn bộ khái niệm Nhân văn (Humanitaria). Những định nghĩa kiểu: Cultural research hoặc Cultural studies chính xác hơn về mặt hình thức, nhưng ít giải thích được gì về bản chất. Cho đến nay vấn đề diễn giải quốc tế về Văn hoá học Nga vẫn chưa được giải quyết.

Sự đa dạng của các định nghĩa khoa học và triết học hiện hành trên thế giới về văn hoá không cho phép viện dẫn khái niệm này như một biểu thị rõ ràng nhất về khách thể và đối tượng của Văn hoá học, và đòi hỏi một sự cụ thể hoá nó hẹp hơn và rõ ràng hơn kiểu: “Văn hoá, được hiểu như...”. Do đó văn hoá, với tư cách khách thể nhận thức của Văn hoá học, có thể được biểu thị như kinh nghiệm xã hội-lịch sử của con người thông qua việc chọn lọc, tích luỹ và áp dụng những hình thức hoạt động và tác động lẫn nhau, những hình thức ấy ngoài tính hiệu quả thực dụng còn được các tập thể người tiếp nhận nhờ giá trị và kết quả xã hội của chúng, được lựa chọn trên cơ sở phù hợp với tiêu chí không làm hại cho sự đoàn kết của cộng đồng, được củng cố trong hệ thống các giá trị văn hoá, các qui tắc, chuẩn mực, truyền thống v.v., nghĩa là một hệ thống các “khế ước xã hội” nhất định, đảm bảo một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đặc tính tập thể của hoạt động sống của con người. Kinh nghiệm văn hoá-xã hội này được thể hiện trong hệ thống các qui định có tính điều chỉnh trực tiếp - đó là các phong tục, đạo luật, tôn chỉ, luân lý, đạo đức, nghi thức v.v… Chúng được vật thể hoá trong các đặc điểm đặc thù của công nghệ và sản phẩm (các kết quả) hoạt động của con người nhằm thoả mãn các quyền lợi và nhu cầu của cá nhân hoặc tập thể (xác định các phương thức được chấp nhận trong xã hội đó để thực hiện hoạt động nào đó và các tham số của kết quả thu được trong hoạt động ấy). Các kinh nghiệm văn hóa - xã hội là nội dung cơ bản của mọi phương thức giao tiếp giữa người với người và hình thành các đặc điểm ngôn ngữ và “mã văn hoá” của loại giao tiếp đó. Chúng xác định nội dung và phương pháp của quá trình xã hội hoá và văn hoá hoá nhân cách con người. Chúng được phản hồi và diễn giải trong các “văn bản văn hoá” của triết học, tôn giáo, các khoa học xã hội và nhân văn, văn học và nghệ thuật, tư duy xã hội, luật pháp và hệ tư tưởng, nghi lễ và nghi thức v.v… Chúng được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác qua truyền thống, phong tục, các định hướng giá trị, quy tắc v.v… và là cốt lõi nội dung của quá trình tái sản xuất xã hội trong cộng đồng, của các đặc điểm lịch sử-cụ thể mang tính địa phương trong các hệ thống và cấu hình văn hoá của chúng. Đó chính là văn hoá mà ở ý nghĩa đó Văn hoá học nghiên cứu nó.

Trong trường hợp đó đối tượng nghiên cứu của Văn hoá học là khảo cứu nội dung, cấu trúc, tính năng động và cơ cấu hoạt động của kinh nghiệm văn hoá-xã hội qua các lược đồ thu nhỏ về khởi nguyên của nó, về sự lựa chọn và tích luỹ, cách sắp xếp hệ thống, thực hành điều chỉnh, tính biến dị, tính biểu cảm ngữ nghĩa, về thực tiễn lĩnh hội, sự hoàn thành và vi phạm của các cá nhân vào việc tái sản xuất có tính tiêu chuẩn kinh nghiệm đó cùng với sự phát triển sáng tạo, các phản hồi và diễn giải có tính công ước và tính tác giả v.v…, nghĩa là cuối cùng nhận thức được về “các khế ước xã hội” (được tạo nên nhằm liên kết mọi người và điều chỉnh các hình thức đồng tồn tại và đồng hoạt động của họ) đã sinh ra như thế nào, hoạt động ra sao, chuyển tiếp và diễn giải hoặc tự phát hoặc có mục đích như thế nào.

Khác với phần lớn các khoa học xã hội và nhân văn, nhằm nghiên cứu lĩnh vực này hay lĩnh vực khác trong hoạt động sống của con người, phân biệt dựa theo đối tượng đặc thù của hoạt động ấy như: kinh tế, luật, chính trị, quân sự, nghiên cứu nghệ thuật, sư phạm và các khoa học khác, Văn hoá học thuộc nhóm các khoa học nghiên cứu, với tư cách khách thể, tất cả các hình thức và thể loại thực hành có mục đích trong hoạt động sống của con người (cả chuyên nghiệp, lẫn phổ thông), nhưng ở những bình diện được xác định chặt chẽ. Nhóm này bao gồm các khoa học lịch sử (bình diện di truyền-niên đại của tồn tại tập thể con người), tâm lý học (bình diện nguyên cớ tự bộc lộ của con người), xã hội học (các bình diện cấu trúc-chức năng và vai trò-hoạt động mang tính tích cực xã hội của con người), và văn hoá học (các bình diện giá trị-điều chỉnh và giao tiếp của hoạt động sống tập thể và cá nhân của con người).

Tính chất phức hợp vừa là khách thể, vừa là đối tượng như vậy của Văn hoá học quyết định kết cấu cũng vô cùng phức tạp của chính kiến thức văn hoá học. Về mặt tầng bậc, trong Văn hoá học có thể chia ra hai lĩnh vực nhận thức chính: Văn hoá học thuần tuý (ở nghĩa hẹp) - như một loại kiến thức tích hợp về hiện tượng toàn vẹn văn hoá trong thời gian lịch sử có thực và trong không gian tồn tại xã hội của nó - và nghiên cứu văn hoá - như tổng hoà các bộ môn khoa học riêng biệt, nghiên cứu các tiểu hệ thống riêng rẽ của văn hoá theo các lĩnh vực hoạt động chuyên môn (văn hoá kinh tế, văn hoá chính trị, văn hoá tôn giáo, văn hoá nghệ thuật và các văn hoá khác). Trong đó triết học văn hoá, như phương pháp luận giúp thấu hiểu bản chất siêu hình của văn hoá và để hình thành các nền tảng thế giới quan về cách hiểu văn hoá, bị hàng loạt các nhà văn hoá học loại ra khỏi hệ thống các khoa học văn hoá học đích thực, và gạt nó sang lĩnh vực triết học có những mục đích nhận thức khác với các khoa học xã hội, trong đó có Văn hoá học. Dĩ nhiên, các tiêu chí phân định giới hạn ở đây là vô cùng ước lệ; không ít các nghiên cứu về mặt lý luận trong lĩnh vực văn hoá được thực hiện ở vùng tiếp giáp giữa văn hoá triết học và Văn hoá học, dựa trên phương pháp luận tổng hợp, chứa đựng trong mình các yếu tố của cả hai lĩnh vực và hai phương pháp nhận thức cũng như phản hồi trí tuệ. Như vậy, Văn hoá học thuần tuý là một khoa học hoàn toàn kinh nghiệm chủ nghĩa, nghiên cứu những hiện tượng lịch sử-cụ thể của văn hoá và phát hiện những quy luật có tính tổng hợp về sự hình thành, hoạt động và biến đổi của các hiện tượng ấy.

Cũng có thể có cách phân loại theo các khuynh hướng chính của Văn hoá học, trong đó chia ra Văn hoá học xã hội, nghiên cứu thiên về các cơ cấu chức năng, các qui trình và hình thức tổ chức và điều chỉnh văn hoá-xã hội của đời sống tập thể con người (các giá trị, quy tắc, phong tục, lối sống, công nghệ hoạt động, ngôn ngữ giao tiếp, các công cụ tái sản xuất xã hội của cá nhân và cộng đồng v.v.); và Văn hoá học nhân văn, tập trung vào nghiên cứu quá trình và hình thức tự nhận thức của văn hoá - các phản xạ sáng tạo bằng trí tuệ và bằng hình ảnh, các cách diễn giải những hiện tượng tự nhiên và xã hội của tồn tại, thể hiện trong các “văn bản văn hoá” bằng lời và không lời khác nhau. Hai khuynh hướng này của Văn hoá học còn khác nhau rõ rệt ở phương pháp luận nhận thức chủ đạo: ở trường hợp thứ nhất là phương pháp luận giải thích-hợp lý và ở trường hợp thứ hai là phương pháp luận diễn giải-miêu tả. ở đây cần phân biệt phương pháp nhận thức thuần tuý văn hoá học, nhằm hướng tới trước hết việc tái cấu trúc có tính phân tích “các nguyên tắc chơi” (“các khế ước xã hội”, các định hướng giá trị v.v.), chúng xác định các hình thức thực hiện hoạt động sống của con người, được chấp nhận trong cộng đồng đang nghiên cứu, và hướng tới phân tích bối cảnh văn hoá nhằm khảo cứu các khách thể nổi trội trong môi trường lịch sử-văn hoá của chúng, nhưng trong khuôn khổ các cách tiếp cận của phương pháp luận diễn giải-miêu tả lịch sử theo truyền thống. Mặc dù đã định hình trong khoa học Nga truyền thống cho rằng chính phân tích bối cảnh văn hoá là phân tích văn hoá học, điều đó về mặt phương pháp luận là không hoàn toàn đúng.

Ngoài cách phân biệt Văn hoá học dựa theo khách thể và phương pháp luận, còn có thể có cách kết cấu dựa theo các mục đích đặc thù, các phạm vi đối tượng và các cấp độ nhận thức và khái quát. ở đây chiếm vị trí hàng đầu là cách phân chia Văn hoá học thành Văn hoá học cơ bản, nghiên cứu văn hoá với mục đích nhận thức lý luận và lịch sử về hiện tượng đặc biệt này, tạo lập hệ thống các phạm trù và các phương pháp nghiên cứu v.v…, và Văn hoá học ứng dụng, nhằm hướng tới sử dụng các kiến thức cơ bản về văn hoá vào mục đích dự báo, lập dự án và điều chỉnh các quá trình văn hoá cấp thiết, đến việc tạo lập các công nghệ đặc biệt để chuyển tải kinh nghiệm văn hoá và các cơ chế để đạt được mức độ phát triển phù hợp với các tiêu chuẩn văn hoá của hình thức này hay hình thức khác trong thực tiễn xã hội. ở đây, trong khuôn khổ Văn hoá học cơ bản lại có thể chia ra những khuynh hướng tuỳ theo đối tượng đã định hình nhiều hay ít, như nhân học văn hoá và xã hội - nghiên cứu văn hoá như một hiện tượng xã hội đặc biệt và nghiên cứu tính vi mô năng động xã hội trong sự hình thành và hoạt động của các hiện tượng văn hoá; như Văn hoá học lịch sử - nghiên cứu tính năng động vĩ mô trong sự hình thành và hoạt động của các “khế ước xã hội” trong hoạt động sống tập thể, cũng như nghiên cứu cách phân loại văn hoá-lịch sử các cộng đồng người; nhân học tâm lý - xem xét cá nhân con người như là “sản phẩm”, “người tiêu thụ” và “nhà sản xuất” văn hoá, cũng như nghiên cứu tâm lý học các động cơ văn hoá-xã hội, sự tự đồng nhất và tác động lẫn nhau giữa con người; ngữ nghĩa học văn hoá - nghiên cứu các đặc điểm và chức năng kí hiệu-giao tiếp của các hiện tượng văn hoá, sử dụng các phương pháp của ngôn ngữ học và ngữ văn học để “giải mã” và tái cấu trúc các khách thể văn hoá, với tư cách là các văn bản mang ý nghĩa (chính là điều mà cuối cùng đại đa số các nghiên cứu nhân văn về văn hoá hướng tới, mặc dù ngữ nghĩa học văn hoá, với tư cách một ngành khoa học, không chỉ hạn chế ở các phương pháp luận nhân văn), cùng một loạt các khuynh hướng nghiên cứu văn hoá chuyên biệt hơn. Trong mỗi bộ môn của Văn hoá học cơ bản có thể tách ra một vài cấp độ nhận thức và khái quát tư liệu: cấp độ lý luận đại cương, cấp độ tiểu hệ thống khách thể, cấp độ cụ thể hoá (các hình thức có tính khuôn mẫu, chuẩn mực...), cấp độ các cổ mẫu riêng lẻ của văn hoá. Trong Văn hoá học ứng dụng cũng hình thành các hướng nghiên cứu như: quản lý văn hoá, lập dự án văn hoá-xã hội, hoạt động bảo tồn văn hoá, phục hồi văn hoá-xã hội, các bình diện văn hoá-xã hội của giáo dục, công tác giáo dục văn hoá và thời gian nhàn rỗi, nghiên cứu bảo tàng, thông tin-thư viện và công tác lưu trữ v.v…

Khác với Văn hoá học thuần tuý, các khảo cứu có tính nghiên cứu văn hoá có đặc trưng là trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động chuyên môn nào của con người, ngoài các mục đích và công nghệ nhằm đạt kết quả thực dụng chủ yếu, còn tồn tại một hệ thống các qui tắc và hiệu chỉnh có tính phi thực dụng, xác định các hình thức được xã hội chấp nhận để thực hiện hoạt động đó và tham số các kết quả của nó, xác định các ảnh hưởng mang giá trị xã hội của hoạt động ấy, xác định đạo đức chuyên môn và truyền thống nghề nghiệp trong giới các nhà chuyên môn, xác định kết cấu và hệ phương pháp của học vấn nghề nghiệp, các tiêu chí của tính chuyên nghiệp, các ngôn ngữ trao đổi thông tin nghiệp vụ v.v. Tổng thể các đặc điểm này tạo nên một hiện tượng như “văn hoá nghề nghiệp” trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của thực tiễn chuyên ngành (“văn hoá kinh tế”, “văn hoá quản lý”, “văn hoá triết học” v.v.), chúng tích luỹ trong mình các tham số chủ yếu về giá trị xã hội của lĩnh vực hoạt động ấy, thể hiện bình diện giá trị-xã hội của nó, các tiêu chuẩn chuyên môn nắm vững công nghệ v.v., điều này đòi hỏi phải nghiên cứu với tư cách một đối tượng độc lập cũng như giảng dạy loại “văn hoá nghề nghiệp” ấy cho đội ngũ cán bộ cần đào tạo.

Viễn cảnh xã hội của Văn hoá học được thấy trước hết ở chỗ trong tiến trình của “cách mạng thông tin”, vốn đã bao trùm nhân loại từ nửa cuối thế kỷ XX và động chạm chủ yếu đến công nghệ điều khiển các quá trình sản xuất, giao tiếp và các quá trình khác trong hoạt động sống của con người, tất yếu sẽ đến giai đoạn “cách mạng” trong lĩnh vực dự báo và lập dự án, chúng đòi hỏi phải nâng cao hệ phương pháp điều khiển bất kỳ quá trình nào lên cấp độ hiệu quả mới. Trong số những quá trình quan trọng nhất của công việc này có nhiệm vụ lập dự án văn hoá và xã hội cho công tác điều chỉnh các quá trình phát triển văn hoá-xã hội, tính toán những tác động văn hoá-xã hội của các cách quản lý và các công nghệ đã áp dụng, duy trì sự thăng bằng kỹ thuật-nhân văn trong các hệ thống định hướng giá trị và tiêu chuẩn xã hội, tìm kiếm những phương pháp mới xã hội hoá và văn hoá hoá nhân cách con người, các phương pháp tái sản xuất xã hội hiệu quả hơn cho cộng đồng và bảo tồn các đặc điểm văn hoá đặc thù của chúng trong hoàn cảnh hiện đại hoá và đồng nhất hoá văn hoá-xã hội v.v. Chính là để giải quyết những nhiệm vụ này mà ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết các chuyên gia-các nhà văn hoá học có hiểu biết đầy đủ về các quy luật phát triển văn hoá-xã hội, quy luật nảy sinh và củng cố các cách tân, các phương pháp luận và phương pháp lập dự án và điều chỉnh văn hoá-xã hội, cũng như kinh nghiệm lịch sử trong cách tự tổ chức và tự điều chỉnh xã hội của cộng đồng.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Truyền thống

    24/04/2018Nguyễn Trần BạtMột đất nước mà không có truyền thống, không có lịch sử, không có những giá trị vĩnh hằng thu không thể có hiện tại, càng không thể có tương lai. Tuy vậy, vai trò của truyền thống trong quá trình phát triển của quốc gia, đặc biệt là đối với các quốc gia đang cải cách thể chế, luôn luôn có tính hai mặt....
  • Văn hóa và Tăng trưởng

    25/11/2016Nguyễn Trần BạtỞ đâu con người có năng lực nhận thức tốt hơn, có năng lực và điều kiện hưởng thụ tốt hơn, có điều kiện để tư duy một cách tự do và sáng tạo hơn, có sức cạnh tranh tốt hơn, tóm lại, ở đâu con người cảm thấy hạnh phúc thì ở đó có sự phát triển....
  • Vai trò của nhân tố văn hoá trong nền văn minh

    26/05/2016TS. Hồ Sĩ QuýTới tận hôm nay, những định nghĩa về văn hóa được coi là có giá trị nhất vẫn chưa làm thỏa mãn giới nghiên cứu. Vì thế việc định nghĩa khái niệm này còn đang được xem như một điều thách thức - những định nghĩa mới, xuất phát từ những cách hiểu khác nhau tiếp tục xuất hiện...
  • Sự hình thành bản thể luận văn hóa

    10/11/2014TS. Đỗ Minh HợpCó thể phân biệt ba giai đoạn cơ bản trong tiến trình phát triển của bản thể luận - bản thể luận tự nhiên (cổ đại), bản thể luận nhận thức (cận đại) và bản thể luận văn hoá (hiện đại). Không có ý định đi sâu vào đề tài này, chúng tôi chỉ muốn nêu bật sự khác nhau cơ bản giữa ba hình thức này của bản thể luận...
  • Nhận diện những hiện tượng phản văn hóa

    27/10/2014Phùng HiểnỞ nước ta, nhiều năm gần đây cùng với sự xuất hiện các giá trị văn hóa mới, những hiện tượng phản văn hóa ngày một gia tăng. Nhận định và đấu tranh với các phản văn hóa không phải một việc đơn giản. Có những phản văn hoá lại nhân danh văn hóa, nhân danh chủ nghĩa nhân đạo tồn tại như những mẫu mực sống của một cộng đồng người nhất định...
  • Đồng thuận xã hội

    17/06/2014Nguyễn Trần BạtCó một thuật ngữ được báo chí và truyền hình sử dụng khá nhiều trong những năm gần đây, nhưng lại đang được hiểu một cách không đầy đủ, đó là đồng thuận. Có thể khẳng định, cho đến nay khái niệm này vẫn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện....
  • Quyết định luận kinh tế

    11/09/2013Nguyễn Trần BạtTrong một thời gian dài trước đây, do quan niệm văn hoá một cách chật hẹp, và còn do chủ nghĩa duy vật thô thiển, người ta vẫn cho rằng văn hoá là một cái gì đó phát sinh từ kinh tế, rằng văn hoá chỉ là kết quả, là sự phản ánh trình độ phát triển kinh tế mà thôi...
  • Văn hóa là gì?

    23/06/2006Nicolas JournetKhái niệm văn hóa đang trở thành thông dụng, nhưng định nghĩa của nó dường như bao giờ cũng tuột khỏi chúng ta. Dù sao sự phát triển của nó cũng gắn chặt với sự phát triển của các khoa học về con người...
  • Văn hóa

    22/05/2006Phạm ToànChúng ta cần định nghĩa về văn hóa thật chặt chẽ, thật đầy đủ và nhất là định nghĩa đó phải đủ sức dẫn con người đi tới những hành động văn hóa. Đó là một cách làm đi từ gốc của vấn đề...
  • Từ nghiên cứu văn minh đến văn học

    19/04/2006Phạm Khiêm ÍchChúng ta đang sống trong một thời kỳ đặc biệt của lịch sử nhân loại - thời kỳ xã hội loài người biến đổi từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh mới, văn minh hậu công nghiệp. Trong bối cảnh chung của nền văn minh thế giới, các nền văn minh khu vực và dân tộc đang phát triển mạnh mẽ, trải qua những biến động dữ dội...
  • Thử bàn về đối tượng nghiên cứu của xã hội học

    21/03/2006Lê Ngọc HùngXã hội học nghiên cứu hệ thống xã hội, "nghiên cứu những quy luật và tính quy luật chi phối mối quan hệ và liên hệ tạo thành hệ thống tổng thể xã hội...". Dựa vào tiếp cận hệ thống, tác giả khác gợi ra "một cách đặt vấn đề mới về bản chất đối tượng nghiên cứu của chuyên ngành xã hội học"...
  • Chung quanh vấn đề xã hội học văn hóa

    11/03/2006Lê Đình CúcNhững năm gần đây trước các hiện tượng phức tạp của xã hội: cờ bạc, mại dâm, ma túy và tội phạm vị thành niên tăng cao, nhiều người không khỏi lo lắng, thậm chí lo sợ. Những hiện tượng trên, thời nào cũng có, nhưng chưa bao giờ đáng báo động như hiện nay ở tính chất nghiêm trọng của nó... t
  • Văn hoá và đổi mới

    30/01/2006Phan NgọcHiện nay, ai cũng thấy những đổi mới có thể nói kỳ lạ đến mức ta không thể hình dung được...
  • Đi tìm ẩn số đẳng cấp văn hóa

    13/01/2006Giàu có, mức sống cao nhưng tầm văn hóa mỏng, người ta sẽ đi về đâu? Băn khoăn ấy là ẩn số cần được lưu tâm...
  • Tổng - tích hợp lý thuyết, một trào lưu mới của tiến trình phát triển xã hội học

    20/10/2005Tô Duy Hợp...Hành vi con người rất phức tạp và nhiều chiều cạnh, và rất khó có khả năng rằng một quan điểm lý thuyết có thể bao trùm tất cả các khía cạnh của nó. Tính đa dạng trong tư duy lý luận cung cấp nguồn ý tưởng phong phú mà chúng ta có thể rút ra trong nghiên cứu, và nó kích thích năng lực sáng tạo là vô cùng cần thiết đối với tiến bộ trong công tác xã hội học...
  • Bản sắc văn hoá - tính tương đối của sự đa dạng

    25/08/2005Ngô Tự LậpThế nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến niềm hân hoan khi tiếp xúc với những miền đất lạ, những tiếng nói lạ hay những giai điệu xa xôi. Những gì diễn ra trong quan hệ giữa các nền văn hoá vào phút giây gặp gỡ gieo trồng những cảm xúc giống như tình yêu trai gái khi lần đầu ánh mắt giao nhau. Tất cả nói lên điều gì? Bản sắc đóng vai trò như thế nào trong đời sống nhân loại? Và sự đa dạng về bản sắc có cần đạt đến bằng mọi giá hay không?
  • Văn hóa và văn minh

    27/10/2005Theo nghĩa cơ bản của nó, thuật ngữ “văn hóa” nghĩa là sự cải thiện hay sự hoàn thiện bản chất. Nông nghiệp cải thiện đất đai và thể dục phát triển cơ thể. Vậy văn hóa con người là sự phát triển tất cả các khía cạnh thuộc bản chất con người – đạo đức , trí tuệ và xã hội. ...
  • Toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá

    18/07/2005Dương Thuấn, Mai Văn HaiVăn hoá Việt Nam đang có nguy cơ bị văn hoá nước ngoài lấn át và mất dần đi bản sắc dân tộc! Đã có không ít bài viết cảnh báo về vấn đề này và bày tỏ sự quan ngại đó. Thực tế có đáng lo như vậy hay không? Trước tình hình toàn cầu hoá nhanh chóng như hiện nay, hội nhập là tất yếu, không có con đường nào khác nếu muốn phát triển. Để làm sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến việc toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá.
  • xem toàn bộ