Xây dựng chính sách văn hóa cần cụ thể và thiết thực
Từ luận điểm “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” của Đại hội IX đến luận điểm: “phát triển văn hóa để thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội” của Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X, có thể thấy một vấn đề đặt ra đối với văn hóa Việt Nam trong những năm tháng trước mắt là yêu cầu về tính cụ thể và thiết thực.
Hàng chục năm nay, chúng ta đã nói, bàn rất nhiều về vai trò của văn hóa, trong thực tế, hệ thống các cơ quan văn hóa từ trung ương tới địa phương đã được thành lập và Nhà nước cũng đầu tư rất lớn để triển khai nhiều kế hoạch, các nhà khoa học tiến hành nhiều công trình nghiên cứu…. Mặc dù các kế hoạch cùng công trình nghiên cứu này thường được quảng bá rầm rộ song hầu như đều kết thúc một cách khác thường. Vì không ít kế hoạch văn hóa sau khi hoàn thành thì đối tượng cần tác động dường như vẫn đâu vào đấy. Không ít công trình nghiên cứu văn hóa sau khi nghiệm thu thì “không kèn không trống”, thậm chí không được in thành sách để công chúng có điều kiện tiếp xúc. Phải chăng nhiều kế hoạch văn hóa chỉ là hoạt động hình thức? Phải chăng nhiều công trình nghiên cứu văn hóa này quá “bí mật” hay chúng ta chỉ có ngân sách để nghiên cứu mà không có ngân sách để in ấn? Phải chăng đó là một trong những lý do đưa tới tình trạng ngân sách dành cho văn hóa được khai thác triệt để, nhưng sự “xuống cấp” của một số công trình văn hoá vẫn tiếp tục diễn ra…?
Đã đến lúc phải nói thẳng, nói thật rằng các số liệu về tỷ lệ trẻ em đến trường, danh sách hàng vạn học vị, chức danh khoa học; lượng đầu sách xuất bản hàng năm, số điện thoại và TV tính theo đầu người, sự bùng nổ của internet, số nhà văn hóa và “bưu điện văn hóa”… có thể làm nức lòng các nhà hoạch định chính sách, nhưng theo tôi, tất cả những số liệu đó đều không nghĩa nếu đánh giá một cách khách quan. Chúng ta không thể lảng tránh sự thật là văn hóa đang phát ra những tín hiệu đáng lo ngại, và trong rất nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân quan trọng là chúng ta đang phát triển văn hóa trên bàn làm việc nhiều hơn là trong thực tế. Hay nói cách khác là chúng ta thường nói nhiều hơn làm. Hơn thế nữa, có một câu hỏi đang đặt là những giá trị văn hóa mà chúng ta cổ vũ sẽ được hiểu như thế nào một khi nhiều hiện tượng tiêu cực có tính “phản văn hóa” như quan liêu, tham nhũng, xa hoa, cờ bạc, nhậu nhẹt… lại có nguồn gốc từ chính những con người mà lẽ ra phải là những tấm gương về văn hóa?
Do tính chất đa dạng và đa diện của nó, văn hóa trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, rộng hơn là văn hóa trở thành một đề tài để bất cứ cá nhân nào có đôi chút tri thức cũng có thể đề cập. Có lẽ vì thế đã đẩy tới tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” và sự xuất hiện nhiều ý kiến mà thực chất là khó đóng góp vào quá trình phát triển văn hóa. Như gần đây, một vị trí thức vào hàng có tiếng tăm phát biểu: “Trong bốn cái “Vô” của Khổng Tử, có cái "Vô ngã". Tự để biến mất cái “Tôi” đi”. Theo tôi ý kiến của vị trí thức này rất đáng nghi ngờ vì ông đã gán một quan niệm của Phật giáo vào cho Khổng Tử! Lại nữa, một vị Giáo sư Tiến sĩ định nghĩa: “Văn hoá cũng như nghệ thuật là một lĩnh vực rộng lớn, chúng bao gồm toàn bộ các quan hệ của con người, do con người tạo ra và trở thành sản phẩm thúc đẩy các hoạt động của con người”. Chỉ với một nhận định này thôi cũng đã bộc lộ sự hời hợt mà lẽ ra một GS TS không thể mắc phải, ít nhất cũng ở chỗ ông đã đồng nhất văn hoá (cái toàn thể) với nghệ thuật (cái bộ phận)… Những nghiên cứu văn hóa đại loại như thế có thể kể ra rất nhiều và thiển nghĩ chẳng những chúng không giúp ích mà còn làm rối loại quan niệm về văn hóa của xã hội.
Từ khởi thủy, văn hoá đã bao hàm những nội dung chỉ thuộc về con người, chỉ dành cho con người. Đã có hàng trăm khái niệm văn hoá được đưa ra và trong đó không có khái niệm nào coi văn hoá là hệ thống giá trị chống lại con người, nghĩa là văn hoá luôn luôn được xem như những giá trị mang “tính người”, là nền tảng duy nhất cho phát triển. Những giá trị ấy đã tạo dựng nên “thiên nhiên thứ hai” - thiên nhiên đã được “nhân hóa” qua hoạt động thực tiễn xã hội - lịch sử của con người. Con người sáng tạo ra văn hoá, liên tục “nạp” vào xã hội các giá trị văn hoá thông qua thành quả lao động sáng tạo của các thế hệ, đó là căn nguyên quyết định hệ thống các giá trị văn hoá là một hệ thống mở và liên tục vận động phát triển để ngày càng hoàn thiện. Cần khẳng định rằng tính đa trị là một thuộc tính quan trọng của các sản phẩm văn hoá. Sự khẳng định này giúp trả lời câu hỏi tại sao một sản phẩm văn hoá được coi là Đẹp cũng đồng thơì bao hàm các giá trị thuộc về Thiện và Chân. Và như thế, nói đến vấn đề “phát triển văn hóa để thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội” cần tính đến cả “tính tinh thần” của các sản phẩm văn hóa vật thể. Nếu không tính đến nội dung trên thì rất dễ hiểu một cách phiến diện rằng văn hóa chỉ thuộc về lĩnh vực tinh thần. Từ quan niệm này để xem xét thì dường như những người hoạch định chiến lược và chính sách văn hóa trong Dự thảo vẫn chưa có một cái nhìn toàn diện và triệt để?
Lao động sáng tạo của các thế hệ con người trong môi trường văn hoá có không gian và thời gian đặc thù đã kế tiếp nhau tạo dựng nên tính liên tục của văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Lao động sáng tạo ấy là cụ thể và thiết thực. Ở thời hiện đại, khi trình độ nhận thức của con người đã cao hơn rất nhiều thì tính cụ thể và thiết thực trong sáng tạo văn hóa cũng ngày càng cao hơn. Nó đòi hỏi con người phải thể hiện bằng hành động chứ không phải bằng những khẩu hiệu. Và vì thế, tôi chỉ mong hai từ “thực sự” trong mệnh đề “phát triển văn hóa để thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội” của Dự thảo Báo cáo Chính trị từ nay sẽ“thực sự” mang ý nghĩa thực tiễn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt