Toàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
Có người thích học văn, nhưng cũng có không ít người coi học văn là một cực hình, hoặc một cách lãng phí thời gian. Cũng có người thích đọc văn, nhưng ghét học văn. Thế nhưng ở bất kỳ nước nào trên thế giới môn văn cũng là một trong những môn quan trọng nhất. Lý do nào khiến môn văn được ưu ái như vậy?
Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần phải trả lời câu hỏi: Học văn để làm gì? Nếu học văn chỉ để cảm thụ cái đẹp, hoặc để nắm được cái ngữ pháp thẩm mỹ của nghệ thuật, thì tại sao chúng ta lại không chọn một loại hình nghệ thuật khác?
Thật ra, vai trò của văn học không phải lúc nào cũng quan trọng như chúng ta thấy ngày nay, hay gần đây. Trong các trường đại học ở phương Tây thời Trung cổ người ta không dạy văn học. Toàn bộ kiến thức được chia thành bảy bộ môn, thuộc hai tiểu loại, gọi là Tam khoa (Ngữ pháp, Tu từ học, Logic học) và Tứ khoa (Số học, Hình học, Thiên văn học và Âm nhạc). Ở Châu Á và Việt Nam, các nhà nho không học văn học mà học Tứ thư, Ngũ kinh. Trong Ngũ kinh có Kinh Thi, nhưng ngay cả đối với người Trung Quốc thì đó cũng là một cuốn sách kinh điển chứ không phải là môn văn. Hơn nữa, cái gọi là văn học theo nghĩa hiện đại cũng là một khái niệm tương đối mới. Terry Eagleton viết trong cuốn Nhập môn Lý luận văn học nổi tiếng của ông: “Ở nước Anh thế kỷ 18, khái niệm văn học không hạn chế trong những gì “sáng tạo” hay “hư cấu” như đôi khi được quan niệm ngày nay. Cái làm cho một văn bản trở thành “văn học” không phải là tính hư cấu - thế kỷ 18 rất ngờ vực liệu thể loại tiểu thuyết đang nổi lên có phải là văn học hay không... Văn học theo nghĩa này là một hiện tượng lịch sử gần đây: Nó được sáng tạo ra vào khoảng bản lề của thế kỷ 18, và có lẽ sẽ làm Chaucer hay thậm chí Pope cực kỳ ngạc nhiên”.
Như tôi đã có dịp đề cập, khác biệt lớn nhất giữa trường ĐH hiện đại và trường ĐH thời trung cổ là ĐH hiện đại có một tư tưởng chủ đạo, tạo thành nền tảng cho mọi hoạt động của nó, bao gồm mục đích, triết lý, nội dung, phương pháp, cũng như quan hệ giữa các khoa và quan hệ của trường với nhà nước. Tư tưởng chủ đạo ấy với Kant là lý trí mà ông quan niệm như là một năng lực phổ quát có khả năng giúp con người khám phá thế giới và hành động đúng đắn, hợp với quy luật tự nhiên. Kant định nghĩa khai sáng là khả năng của con người thoát khỏi tình trạng vị thành niên về lý trí để “sử dụng tri thức của mình là không cần sự chỉ dẫn của người khác”.
Theo Kant, lý do của tình trạng vị thành niên về trí tuệ là thiếu quyết đoán và lòng dũng cảm để sử dụng lý trí một cách tự do. Kant phân biệt hai cách sử dụng lý trí: công khai và riêng tư. Theo Kant, “Việc sử dụng lý trí một cách công khai phải luôn luôn tự do, và chỉ có nó mới có khả năng khai sáng con người. Còn sự sử dụng lý trí một cách riêng tư thì thường có thể giới hạn chặt chẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến trình khai sáng”. Trong mô hình của Kant, một mặt, trường ĐH là nơi đào tạo nhân lực cho Nhà nước, có nhiệm vụ giáo dục người lao động cách sử dụng lý trí để phục vụ nhà nước. Vì thế ĐH phải chịu sự kiểm soát của nhà nước. Mặt khác, nội dung cũng như phương pháp giảng dạy của trường ĐH cần phải được liên tục điều chỉnh dựa trên sự phê phán của lý trí. Vì thế, trường ĐH chỉ có thể vận hành tốt nếu lý trí được tự do tuyệt đối. Điều này có nghĩa là trường ĐH phải được hưởng một quy chế tự trị để quá trình phê phán có thể diễn ra thuận lợi.
Trong khi đó, văn hoá đối với Humboldt cũng như nhiều nhà tư tưởng đương thời như Schiller, Schleiermacher, hay Fichte, là sự kết hợp hai mặt: những kiến thức khác nhau được nghiên cứu và đồng thời là sự phát triển nhân cách thông qua quá trình nghiên cứu. Đồng thời, sự phát triển của nhân cách chính là sự trưởng thành của cá nhân thông qua việc hấp thụ những gì thuộc lý trí trong truyền thống đó. Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng văn hoá gắn liền với truyền thống, nhưng đồng thời cũng có vai trò dẫn dắt con người tới tương lai. Có thể nói rằng văn hoá liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai của một cộng đồng. Như thế, văn hoá chính là nền tảng tạo nên bản sắc: con người văn hoá ở đây gắn liền với truyền thống của cộng đồng, cụ thể là truyền thống dân tộc. Nói cách khác, ĐH chính là nơi tạo nên chủ thể văn hoá của một dân tộc. Humboldt tin rằng nếu được giáo dục, con người sẽ trở thành những chủ thể tự do, có khả năng suy nghĩ độc lập để hành động vì lợi ích dân tộc - điều cực kỳ quan trọng đối với các nhà nước - dân tộc đang hình thành và lớn mạnh ở Châu Âu.
Chính vì ĐH phải đảm đương nhiệm vụ đào tạo ra chủ thể văn hoá của dân tộc nên vai trò của văn học nổi lên thay cho triết học trong trường ĐH duy lý của Kant. Lý do dễ nhận thấy là triết học có xu hướng hướng tới tính phổ quát, trong khi văn học gắn liền với ngôn ngữ và ký ức của một cộng đồng cụ thể. Một lý do khác là triết học chỉ dành riêng cho một tầng lớp tinh hoa, trong văn học có thể được chia sẻ bởi đa số thành viên của cộng đồng. Tương tự như vậy, trong các loại hình nghệ thuật, văn học sử dụng ngôn ngữ là thứ vật liệu phổ cập nhất, dễ phổ biến nhất. Hơn thế nữa, văn học, hơn bất kỳ thể loại nghệ thuật nào, chứa đựng mọi cấp độ ký ức của cộng đồng. Cũng cần lưu ý rằng song song với sự gia tăng vai trò của giảng dạy văn học là sự hình thành và củng cố khái niệm “Nền văn học dân tộc”. Bây giờ dạy văn trước hết là dạy văn học dân tộc.
Và dù cách thức và nội dung giảng dạy văn học dân tộc có khác nhau ở các nước khác nhau, môn văn không đơn thuần để giúp người học tìm hiểu cái hay cái đẹp của văn chương. Nhiệm vụ chính của nó là để xây dựng bản sắc văn hoá. Người Pháp học văn học Pháp để trở thành người Pháp. Người Việt học văn học Việt để trở thành nguời Việt.
Sự giảng dạy văn học, vì thế, phụ thuộc vào đặc điểm lịch sử của từng nước. Ở Châu Âu, vốn có một lịch sử lâu dài và đã từng trải qua (hay vẫn còn duy trì) các triều đại quân chủ, chương trình được xây dựng trên truyền thống văn học dân tộc. Ở Hoa Kỳ, do lịch sử ngắn và cũng do tinh thần cộng hòa, việc nội dung chương trình hướng nhiều hơn vào việc giới thiệu thành tựu, thông qua các điển phạm (canon).
Tuy nhiên, trào lưu toàn cầu hoá dường như đang làm thay đổi sâu sắc tính chất các trường ĐH hiện đại. Ở các nước phương Tây hiện nay, các trường ĐH văn hóa theo hình mẫu của Humboldt đang biến mất để nhường chỗ cho các trường ĐH-doanh nghiệp mà tư tưởng chủ đạo là các chỉ số “Xuất sắc” (Excellence) chứ không phải là lý trí hay văn hoá. Bill Readings, trong cuốn “Trường ĐH trong đống đổ nát” lập luận rằng cùng với sự lớn mạnh của các tập đoàn xuyên và đa quốc gia, nhà nước - dân tộc đang suy tàn. Ngày nay, các trường ĐH phương Tây đang dần biến thành các trung tâm đào tạo nhân lực và người tiêu thụ tiềm năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường tư bản chủ nghĩa thay vì đào tạo những chủ thể duy lý hay văn hóa có khả năng tư duy độc lập. Một dấu hiệu dễ nhận thấy là sự lép vế của môn văn và các ngành khoa học xã hội nói chung, sự lấn át của các nhà quản lý đối với các giáo sư trong vai trò quyết định nội dung giảng dạy.
Nền kinh tế tư bản toàn cầu hoá không cần biết đến các quốc gia dân tộc, cũng chẳng cần đến các chủ thể văn hoá dân tộc. Nhưng sự tàn lụi của khoa học xã hội đặt ra một câu hỏi: Làm sao có thể có một xã hội dân chủ nếu như người dân bị biến thành những cỗ máy lao động và tiêu thụ chứ không được đào tạo để suy nghĩ như những chủ thể độc lập?
Rất nhiều người, trong đó có tôi, cho rằng đây chính là vấn đề lớn nhất của giáo dục ngày nay.
Nội dung khác
Cái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành