Văn hóa doanh nhân & văn hóa doanh nhân Việt Nam
“Doanh nhân" (cũng như "nông dân", "công nhân"...) là khái niệm phân loại theo nghề nghiệp. Nhưng có thể nói là một khái niệm nghề nghiệp khá đặc biệt, cho nên xung quanh nó cho đến nay tồn tại khá nhiều ngộ nhận. Trong những bài viết nhằm khẳng định và tôn vinh doanh nhân ra đời trong những năm qua, những ngộ nhận này không được làm giảm đi, mà ngược lại, còn bị tô đậm thêm. Sau đây xin bàn đến hai trong số những ngộ nhận đó.
1. Doanh nhân và thương nhân
Ngộ nhận thứ nhất liên quan đến phạm vi nghề nghiệp.
Một cách ngắn gọn, doanh nhân là người làm nghề kinh doanh. Và nói đến kinh doanh, thì phần đông mọi người đều đồng nhất nó với việc buôn bán, nghĩa là "kinh doanh" = "thương nghiệp" và "doanh nhân" = "thương nhân".
Thực ra, kinh doanh là khái niệm rộng hơn "thương nghiệp", và doanh nhân là khái niệm rộng hơn "thương nhân".Chữ doanh ở đây có nghĩa là "quản lý", biến thể của doanh là dinh chỉ có nghĩa là quản lý mà thôi (ss. "hành dinh"). Kinh doanh... nghĩa đen là "quản lý kinh tế" mà chữ kinh trong "kinh tế" với nghĩa "sửa trị" (kinh tế là dạng lút gọn của "kinh bang tế thế" - “sửa nước cứu đời") thực chất cũng là quản lý.Như vậy, doanh nhân nghĩa đen là "người quản lý (việc làm ăn)". Với một đất nước khổng lồ, văn hóa tinh thần Trung Hoa chủ yếu tập trung lo toan việc quản lý xã hội. Việt Nam là một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước mạnh về văn hóa làng xã và rất giỏi về tổ chức làng xã, nhưng lại kém về quản lý xã hội ở quy mô lớn, càng ít quan tâm đến quản lý kinh tế, cho nên trong những từ điển đầu thế kỷ (như Hán- Việttừ điểncủa Đào Duy Anh, Đại Nam quốc âm tựvị của Huỳnh Tịnh Của) đều chưa có từ "kinh doanh". Kinh doanh bao gồm ba lĩnh vực là sản xuất hàng hóa, buôn bán và dịch vụ, cả ba đều có chung mục đích cơ bản là kiếm lời.
Sở dĩ có việc đồng nhất kinh doanh với bộ phận thương nghiệp buôn bán của nó là vì ba lý do.
Thứ nhất, buôn bán chính là hình thức kinh doanh kiếm lới xuất hiện sớm nhất (như người Do Thái ở Tây Nam Á, người nhà Thương ở Đông Bắc Á). Việc kinh doanh kiếm lời bằng sản xuất hàng hóa chỉ thực sự nở rộ và phát đạt cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây.Còn kinh doanh dịch vụ thì xuất hiện còn muộn hơn nữa, trong nửa sau thế kỷ XX.
Thứ hai, về từ ngữ, bên cạnh chữ doanh là “quản lý" còn có chữ doanh với nghĩa là "tiền lời” (như trong "doanh lợi"). Các sách như Từ điển yếu tố Hán- Việt thông dụngcủa Viện Ngôn ngữ học [1991 : 101], Từ điển từ và ngữ Hán- Việtcủa Nguyễn Lân [1989 : 181,382]… đều nhận lầm rằng doanh "kinh doanh", "doanh nghiệp", "doanh nhân" chính là doanh với nghĩa "tiền lời".
Và thứ ba, từ doanh nhân tương ứng với các từ tiếng Anh entrepreneur, businessman, mà hai từ này đều có nghĩa là thương nhân, thương gia, chủ hãng buôn.
Mặc dù thương nghiệp là bộ phận điển hình nhất nhưng phải thừa nhận rằng kinh doanh là khái niệm rộng hơn, nó bao gồm cả sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
2. Doanh nhân và văn hóa
Ngộ nhận thứ hai liên quan đến việc đánh giá doanh nhân. Từ chỗ đồng nhất doanh nhân với thương nhân, mà trong thiên hạ thì không nghề nào kiếm lời nhanh bằng nghề buôn (ở Việt Nam là một vốn bốn lới, còn ở Trung Hoa là nhất bản vạn lợi), cho nên tuyệt đại bộ phận các bài viết đều cho rằng phương Đông có truyền thống khinh rẻ nghề kinh doanh do có hiện tượng thương nhân kinh doanh vô đạo đức và doảnh hưởng của Nho giáo [chẳng hạn, Nguyễn Trần Bạt, 2006: 73].
Thực ra, việc kinh doanh vô đạo đức là tình trạng phổ biến không chỉ ở Việt Nam truyền thống, không chỉ ở phương Đông truyền thống, mà cả ở phương Tây truyền thống nữa. Thương nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa là Lã Bất Vi cũng là người kinh doanh vô đạo đức nhất: ông từng bán cả vợ, buôn cả vua, sử dụng rất nhiều thủ đoạn gian trá. Mạnh Thường Quân cũng nổi tiếng không kém thì đã từng là một người cho vay nợ lãi. Ở phương Tây cũng có truyền thống cho rằng hai khái niệm "kinh doanh" và "văn hóa" là không có liên quan gì với nhau. Một người Mỹ đoạt giải Nobel về kinh tế là M. Friedmann đã viết: "Các doanh nghiệp không có trách nhiệm nào khác ngoài việc kiếm tiền" [1962, dẫn theo Ballet & De Bry, 2005: 38]. Số người kinh doanh có đạo đức trong truyền thống phương Tây và Trung Hoa hiển nhiên là có nhưng không chiếm được ưu thế. Điều này không có gì khó hiểu. "Văn hóa" (hay một thành tố của nó là "đạo đức") với "kinh doanh” không có cùng thước đo: Thướcđo của văn hóa (đạo đức) là thước đo về chất, còn thước đo của kinh doanh (kinh tế) là thước đo về lượng. Sự khác biệt giữa Việt Nam, Trung Hoa và phương Tây trong lĩnh vực này nằm ở truyền thống văn hóa:
Phương Tây thuộc loại hình văn hóa gốc du mục, có truyền thống coi trọng pháp luật và trọng lợi hơn danh nên mọi việc kinh doanh không phạm pháp (nếu phạm thì đã ngồi tù) đều được tôn trọng. Trung Hoa thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp gốc du mục, có truyền thống trọng cả lợi lẫn danh nên cũng rất coi trọng nghề buôn. Chỉ riêng Việt Nam và Đông Nam Á thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp điển hình (nông nghiệp lúa nước) trọng danh hơn lợi nên mới có truyền thống khinh rẻ nghề buôn bán. Nho giáo của Khổng Tử hình thành trên cơ sở tiếp thu cả truyền thống văn hóa phương Bắc và phương Nam nên thứ bậc "sĩ nông công thương" trong Nho giáo chính là quan niệm tiếp thu từ văn hóa phương Nam. Vì vậy tuy là cùng theo Nho giáo, nhưng chỉ có Việt Nam mới thực sự coi trọng kẻ sĩ (- quanvăn) và khinh người buôn bán. Còn ở Trung Hoa, Triều Tiên thì coi trọng cả văn lẫn võ: ở Nhật Bản thì kẻ sĩ được tôn trọng chỉ có võ sĩ mà thôi. Ở cả ba nước, nghề buôn không hề bị coi thường. ở Trung Hoa, nghề buôn phát triển rất mạnh từ đời Thương, trong suốt lịch sử, chỉ duy có thời Tần - Hán là nghề buôn bị nhà cầm quyền o ép, hạn chế. Học trò Khổng Tử là Tử Cống bỏ học, từ quan đi buôn và trở thành thương gia rất giàu, xe ngựa hàng đoàn. Bản thân Khổng Tử cũng không hề coi rẻ nghề buôn; ông từng nói: "Giàu và sang, người ta ai cũng muốn" [Luận ngữ,Lý Nhân 5], "Phú quý mà có thể cầu được thì dù làm kẻ cầm roi đánh xe hầu người, ta cũng làm" [Luận ngữ,Thuật Nhi 11].
Vậy thì quá trình chuyển biến từ "doanh nhân không liên quan tới văn hóa" đến "doanh nhân văn hóa" diễn ra thế nào? Quá trình này, theo tôi, tồn tại dưới ba hình thức mà ta có thể đặt tên là "doanh nhân - ông chủ”, "doanh nhân - công dân", và "doanh nhân văn hóa". Doanh nhân - ông chủ là hình thức khi mà doanh nhân hoàn toàn làm chủ tình thế. Với số tiền khổng lồ kiếm được dù bằng trí tuệ và sức lực cá nhân hay có bóc lột người làm công, doanh nhân không cho rằng mình có nghĩa vụ gì với người làm công (ngoài việc trả lương) và những người xung quanh. Khi hứng lên, họ có thể giúp đỡ người khác, nhưng dưới hình thức ban ơn, bố thí.
Doanh nhân - Công dân (Thuật ngữ này tôi đặt ra từ sự gợi ý của khái niệm "doanh nghiệp công dân" của Jérômc Ballet và Francoise de Bry [Ballet & De Bry, 2005: 111] là hình thức khi mà nhà nước nắm quyền điều tiết nhằm làm giảm bớt sự bất công thông qua việc thu thuế và các khoản thu khác từ doanh nhân và những người khác để tổ chức bảo hiểm cho người lao động nói riêng và mọi người dân nói chung. Doanh nhân tham gia vào những hoạt động có ích cho cộng đồng một cách bắt buộc với tư cách là người công dân.
Doanh nhân văn hóa là hình thức khi mà doanh nhân tự mình ý thức được sự cần thiết phải xây dựng một truyền thống văn hóa, kinh doanh một cách có văn hóa và ý thức được trách nhiệm tham gia vào những hoạt động có ích cho cộng đồng. Hình thức này, đến lượt mình lại có thể chia thành hai tiểu giai đoạn: Tiểu giai đoạn 1 là khi những ý thức này trở thành một thứ bản năng tự nhiên, không bị chi phố bởi bất kỳ một mục tiêu vị kỷ nào.
Ở Phương Tây, với loại hình văn hóa phân tích tính, ba hình thức này thể hiện nối tiếp nhau thành ba giai đoạn rất rõ rệt. Hình thức "doanh nhân - ông chủ” là giai đoạn đầu tiên, nó tồn tại đến cuối thế kỷ XIX. Dù vậy, vào giữa thế kỷ XX, việc thể hiện "lòng tốt" của các ông chủ vẫn còn bị một số ông chủ khác phản đối: người đoạt giải Nobel kinh tế là M. Friedmann nhắc đến ở trên đã viết: "khi lòng tốt nổi lên, các doanh nghiệp chỉ đảm nhận những trách nhiệm thứ yếu và làm như vậy đem lại nhiều điều xấu hơn là tốt" [dẫn theo Ballet & De Bry 2005: 38]. Hình thức doanh nhân - công dân ra đời vào cuối thế kỷ XIX, khởi đầu bằng việc Thủ tướng nước Đức là Bismark trong 6 năm từ 1883 - 1889 đã cho thông qua ba đạo luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm tuổi già cho những người lao động. Sau đó là nước Anh từ 1906 - 1940 thực hiện bảo hiểm xã hội rộng rãi cho toàn dân. Theo sau là các nước khác. Hình thức "doanh nhân văn hóa" chỉ mới ra đời gần đây, trong những năm cuối của thế kỷ XX.
Ở phương Đông, với loại hình văn hóa tổng hợp tính, sự tồn tại của ba hình thức này không có sự tách bạch rạch ròi mà đan xen vào nhau. Ở Trung Hoa, ta thấy hình thức "doanh nhân - ông chủ” thể hiện rõ ngay từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc: Việc Lã Bất Vi và Mạnh Thường Quân sau khi đã giàu có trùm thiên hạ bèn bỏ liền ra thu nạp dưới trướng của mình hàng trăm học sĩ chính là biểu hiện của hình thức này. Ở Việt Nam, do đội ngũ doanh nhân rất non yếu nên hình thức doanh nhân - ông chủ trong lịch sử thể hiện rất mờ nhạt. Ngay ởTrung Quốc và Việt Nam, hình thức doanh nhân - công dân chỉ xuất hiện trong thời kỳ nhà nước XHCN bao cấp tràn lan, nhưng vì kinh doanh trong giai đoạn này là độc quyền của nhà nước nên tính doanh nhân rất thấp. Hình thức "doanh nhân văn hóa" thì về cơ bản chỉ mới đang hình thành. Tuy nhiên, một số yếu tố của văn hóa doanh nhân thì đã có thể thấy từ thời Minh - Thanh ở Trung Quốc. Đó là lúc nghề buôn được "trí thức hóa" khá mạnh nhờ việc có nhiều doanh nhân đỗ đạt bước vào quan trường và đồng thời có nhiều quan lại trí thức từ quan, bỏ học đi buôn. Nhờ có đội ngũ thương nhân - trí thức này mà nhiều sách vở nghiên cứu, tổng kết về nghề buôn ra đời (Thậm chí, ngay từ đời Hán, Tư Mã Thiên trong bộ Sử kýnổi tiếng đã dành riêng một chương viết về nghề buôn nhan đề là Hóa thực liệt truyện(hóa = hàng, hóa thực = nghề buôn). Đời Minh có Hoàng Biện biên soạn sách Nhất thống lộ trình đồký gồm 8 quyển. Đời Thanh có Đảm Y Tử biên soạn sách Sĩ thương yếu lãmgồm 3 quyển, Ngô Trung Phu biên soạn sách Thương cổ tiện lãm(Thương là buôn bán lớn, có là buôn bán nhỏ) gồm 8 quyển...Việc "lập ngôn" này đã góp phần "văn hóa" một cách đáng kể đội ngũ thương nhân Trung Quốc, khiến cho hình thức "doanh nhân văn hóa" đã xuất hiện ở đây sớm nhất thế giới.
Hình thức "doanh nhân văn hoá" đang tồn tại hiện nay ở phương Tây và phương Đông chủ yếu là ở tiểu giai đoạn, tức là giai đoạn mà nhận thức về nhu cầu xây dựng văn hóa doanh nghiệp xuất phát từ chính mục tiêu kiếm lời. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc kinh doanh trở nên rất dễ và cũng rất khó. Dễ vì ai ai cũng có thể kinh doanh. ở Hàn Quốc có giai thoại là nếu ra đường mà kêu lên "Chào giám đốc Kim!” thì sẽ có trên một nửa số người đang đi ngoài đường quay đầu lại. Khó vì doanh nghiệp ra đời đã nhiều nhưng doanh nghiệp phá sản có khi còn nhiều hơn. Chính trong khó khăn này mà người ta nhận ra rằng những doanh nhân kinh doanh có đạo đức, có văn hóa trước đây, tuy có số lượng ít ỏi, nhưng phần đông số họ chính là những đại doanh nhân. Hiện nay, những doanh nghiệp đứng vững và phát triển tốt được đều là nhờ có tầm nhìn xa rộng và xây dựng được một truyền thống văn hóa riêng. Tóm lại, việc đi tìm và xây dựng văn hóa doanh nhân không phải do lòng tốt đối với xã hội, mà trước hết chính là vì sự sống còn của bản thân doanh nhân, doanh nghiệp.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường