Đôi điều về tư tưởng và phương thức đọc sách
Nói chung, không có một quy chuẩn nào về chuyện đọc sách, có quyển sách (nhất là nếu được coi là kinh điển) thì nên đọc kĩ, nhưng nhiều quyển thì chỉ cần đọc qua lấy ý chính, mà có khi chỉ cần nghe người khác nói lại là đủ. Cái này là cả một nghệ thuật.
Đọc quá kĩ thì mất thời gian mà chưa chắc hiệu quả, bởi vì, cái người ta nghĩ ra mình cũng có thể nghĩ ra, chưa chắc cần phải đào bới quá kĩ nhưng cái người khác đã đào bới, thay vì thế mình chỉ cần nắm ý đồ, rồi tự dùng tư duy của mình để bắt theo mạch của tác giả để suy nghĩ phân tích tiếp, có khi lại ra nhiều cái hay hơn. Vì thế, có khi một quyển sách vừa đọc các tên của chương mục đã hiểu viết gì ở trong, hay có khi chỉ cần đọc tên quyển sách là đã có thể nắm được vấn đề.
Tôi trước khi đọc một quyển sách, đều cố gắng dự đoán xem mình cần tìm những gì từ nó. Sau đó, khi đọc mỗi một chương mục, tôi đều tự tư duy xem họ viết gì ngay sau khi nhìn thấy tít của chương mục đó, nếu cảm thấy vấn đề đấy đơn giản mình hiểu ngay được, thì tôi chỉ đọc lướt qua hay thậm chí không đọc nội dung của nó nữa để chuyển sang chương khác. Ví dụ quyển "1000 điều tâm đắc của Dale Carnegie" tôi hầu như chỉ lướt qua các cái tít của từng điều, không đọc ví dụ và phân tích. Nếu mà mình cảm thấy chưa hiểu hoặc chưa đủ, tôi sẽ đọc cẩn thận, và đối chiếu với những cái mình đã nghĩ trước với cái mình vừa hiểu được.
Nhiều khi chỉ cần nghe ai nói về một quyển sách nào đó, là ta đã nắm được vấn đề, không cần phải tìm đọc. Đơn giản vì không ai có thể đọc hết sách trên đời, nên mới cần thảo luận học hỏi lẫn nhau, và các forum trên mạng phải chăng cũng vì một mục đích đấy mà tụ hội được bao con người uyên bác.
Nhưng phải rất coi chừng với chuyện đọc lướt hay chỉ nghe người khác nói. Đó là vấn đề nguyên bản. Ví như người ta vẫn chẳng tranh cãi suốt về chuyện bản gốc của các dị khảo. Giả sử, nghe ai nó về Khổng chẳng hạn từ anh A, thì đó đã là Khổng của A, mà nếu A lại nghe từ B, thì đó là Khổng của B và A, rồi cứ như thế truyền miệng, cuối cùng qua vài đời F lai, Khổng chắc thành cái gì rồi chứ và nếu một sự nhầm lẫn tam sao thất bản tai hại về tên tuổi, có khi nó thành ông Kổng, hay ông Cống nào đó chẳng ai nhận ra nữa.
Hôm xem chương trình gì đó của chị Tạ Bích Loan về những người nước ngoài yêu Việt Nam, có một bà Lady Bolton người Mỹ nghiên cứu về Cụ Hồ, nói một vấn đề làm ai đó sẽ giật mình. Đó là, Cụ Hồ trong bản tuyên ngôn 2-9-45 đã thay đổi một chút trong lời mở đầu mà mọi người vẫn cho là Bác lấy nguyên trong Tuyên ngôn của Mỹ. Trong bản tuyên ngôn Mỹ cách đây 400 năm, thì là "mọi đàn ông (all men) sinh ra đều bình đẳng" vì cái hồi đấy phụ nữ đâu có quyền gì, về sau khi có sự bình đẳng cho phụ nữ, nên cái từ men nó mới đại diện cho con người nói chung. Bác đã rất tiến bộ khi đã chuyển thành: all men mọi người, quả là rất hợp lý vì "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" mà, các bà cũng ghê lắm chứ.
Lại một ví dụ nữa về Cụ Hồ. Lời dạy nguyên gốc của Bác cho ngành y: "Lương y PHẢI như từ mẫu" về sau bị mất đi từ "phải". Lương y làm sao mà là từ mẫu được, mà phải như từ mẫu chứ, cái từ PHẢI nghe có vẻ cưỡng ép đầy trách nhiệm ấy xét ra cũng có ý nghĩa và chuẩn xác ghê gớm lắm, nghĩ ra thấy thật đắt.
Vì vậy, việc tìm đọc kĩ càng và nguyên gốc cũng rất cần thiết, đặc biệt là các sách được coi là kinh điển cho một lĩnh vực nào đó. Tôi nhận ra, trong một đống sách mình mua về một vấn đề/lĩnh vực nào đó, thì hoá ra, chỉ có độ 1-2 quyển là cơ bản, và các quyển còn lại đều chỉ là ăn theo, dựa vào đó mà viết thêm. Chẳng hạn Đắc Nhân Tâm cũng có thể coi là kinh điển trong cách đối nhân xử thế trong thời hiện đại. Nhờ đã đọc kĩ nó, nên các quyển ăn theo về sau, tôi chỉ đọc lướt qua, ví dụ như "1000 điều tâm đắc của Dale". Thế nhưng, riêng cái chuyện xác định thế nào là kinh điển cũng ối việc ra, vẫn cần cái linh cảm nào đó, một sự linh cảm có thể rèn luyện bằng kinh nghiệm.
Riêng cái cảm giác là có nên đọc kĩ, đọc lướt hay bỏ qua một quyển sách hay một chương mục đã đòi hỏi một sự không đơn giản rồi, cần rèn luyện và kinh nghiệm. Một người thầy của tôi có nói, phải mất nhiều tiền ngu mua sách thì mới biết cách mà chọn sách, mà để biết cách đọc sách còn lâu hơn. Thầy còn thú thật là đọc từ năm còn nhỏ mà đến gần 40 mới gọi là tạm biết cách đọc sách, sau khi đã đọc nhầm rất nhiều sách
Trên tôi đã nói về cách tiếp cận với sách, hay là cách mở sách, bây giờ là đến lúc gập sách lại. Một lần đọc trên tạp chí Tia sáng (số ??) có một bài của GS. Hồ Ngọc Đại viết về cách đọc sách. Ông có viết rằng nếu bảo sinh viên tóm tắt một quyển sách trong 1 trang thì ai cũng làm được, nhưng khi bảo tóm tắt trong một vài câu thì đã khó khăn hơn, mà tóm tắt trong 1 câu thì hầu như ít người làm nổi, mà tóm tắt trong một từ ngữ thì đúng là hầu như không ai thực hiện được (trong đám học sinh của ông). Nghĩ quả là có lý trong cái sự đọc sách ấy, khi ta đã hiểu được sách, thì làm sao để ghi nhớ rồi có lúc mang ra vận dụng.
Tôi có đọc đâu đó câu nói: “Ngày này, người ta không còn cố gắng để ôm trọn kiến thức, mà chỉ cố gắng chèo chống trong đại dương kiến thức”. Nếu ai đã học Research methods, chắc hẳn biết tree-diagram (tương tự như sơ đồ dàn ý), một cái xương sống cho toàn bộ nghiên cứu. Việc ghi nhớ thông tin cũng thế, ta cần tạo một tree-diagram cho một kiến thức hay sách. Từ việc tóm tắt thành một trang với khá nhiều thông tin nhánh, ta tiếp tục tóm tắt hay tổng quát trong một vài câu, rồi thêm một bước nữa là từ ngữ, ta đã thiết lập được một tree-diagram quản lý thông tin. Quá trình lấy thông tin ra lại sẽ là quá trình ngược lại, từ một từ hay ngữ khoá (key word or phrase) ở cấp 1 của tree-diagram, ta sẽ khai triển được bước cao hơn là các câu khoá, rồi đoạn khoá, từ đó cứ thế phát triển, ta có thể lần ra toàn bộ quyển sách hay kiến thức. Việc tóm lược thông tin thành các từ ngữ khóa theo một hệ thống nhiều cấp, nhiều tầng là rất cần thiết. Việc này có thể được liên tưởng với việc dựng hay vẽ một cái cây, phải bắt đầu từ gốc hay thân, rồi cành rồi mới đến lá. Làm gì cũng phải có hệ thống, đọc sách và nhớ sách càng phải thế.
Như vậy việc mở sách ra (phân tích) rồi đóng sách vào (tổng hợp) cũng lắm chuyện lắm, chẳng có một quy tắc nhất định nào cả, hoàn toàn phụ thuộc vào chính khả năng và kinh nghiệm của người đọc, túm lại là phải "nghệ thuật", không bàn hết nổi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường