Sách và Internet ai thông thái hơn
Điều gì đang xảy ra với sách?
Dong Xiuyu (Tổng biên tập NXB Joint Publishing - Bắc Kinh): Khi kinh tế Trung Quốc phát triển, nhịp sống nhanh, những nhu cầu của người đọc cũng thay đổi. Người ta muốn có những cuốn sách gọn nhẹ hơn, cũng như các loại fast-food vậy. Ngoài ra, thói quen đọc trên mạng đã tràn đến Trung Quốc như một cơn bão, thay đổi lớn lao cách đọc sách truyền thống.
Li Chang Qing (Pgs Khoa Báo chí và Thông tin – ĐH Bắc Kinh): Sự phát triển mạnh mẽ của TV và Internet, thế hệ trẻ Trung Quốc, cũng như nhiều quốc gia khác, dường như đang bị cuốn xa khỏi sách. Quá trình “bỏ rơi sách” còn là hậu quả của một hệ thống giáo dục chỉ chăm chú đến thi cử, và giới Sinh viên học sinh có khuynh hướng tìm đọc những cuốn sách thực dụng, những cuốn “Bí quyết...”, “10 lời khuyên...”, “Cẩm nang...”
Baek Won Keun (Pgđ Học viện nghiên cứu Xuất bản Hàn Quốc): Năm 2000, một người Hàn Quốc bỏ ra trung bình tiếng để xem tivi, một tiếng rưỡi lướt Web và chỉ 25 phút để đọc sách mỗi ngày. Điều đáng chú ý là 50% những người được hỏi khẳng định rằng từ khi có Internet, họ đã đọc ít đi. Nguyên nhân là thiếu thời gian và với Sinh viên, vì bận học. Nhưng khi có thời gian rảnh, người Hàn Quốc làm gì? Xem video, xem TV, nghỉ ngơi, quan hệ xã hội, lướt Net, chơi game... Hiếm có người nào dành cho sách một vị trí hàng đầu trong thời gian rảnh rỗi.
Rex How (Chủ tịch HĐQT NXB Locus – Đài Bắc): Thật ra, khuynh hướng này không rõ ràng ở Đài Loan. Với độ tuổi trên dưới 20, thay vì họ đang đánh mất thói quen đọc sách, tôi có thể nói họ đang đọc nhiều hơn trên Net. Với thế hệ già hơn, vấn đề rất khác: do có quá nhiều sách được xuất bản, và họ băn khoăn không biết nên mua cái gì và đọc sách gì.
Morita Shogo (Trưởng ban biên tập NXB Misuzu Shogo – Tokyo): Những năm 1920, đọc sách là một việc phổ biến. Sau thế chiến II là thời của sự đói khát tri thức... Vào những năm 80-90, việc đọc sách bị thúc đẩy bởi ảo tưởng là, được vào những trường Đại học danh tiếng sẽ bảo đảm một tương lai xán lạn. Ngày nay, ảo tưởng này đã tan vỡ.Và sách không còn là một sở thích nữa. Một thói quen đã mất, thậm chí chỉ là vài phút đọc sách mỗi sáng hay mỗi tối – cũng khó mà hồi sinh.
Có thật sách đang bị thất sủng?
Trong khi những báo cáo ở Mỹ cho thấy thói quen đọc sách của thanh thiếu niên những năm gần đât không thay đổi nhiều so với đầu thế kỷ thì hầu hết các nước Đông Á đều than phiền rằng, giới trẻ đang bỏ dần thói quen đọc sách. Theo một khảo sát ở Nhật gần đây, tỷ lệ người thú nhanạ “chẳng hề đọc cuốn sách nào trong vòng một tháng nay” tăng gấp 3 những năm 80. Thậm chí những sinh viên khoa Ngữ văn đôi khi thích đọc truyện tranh hơn là văn học cổ điển. Một cuốn sách văn học thuộc dạng phải tham khảo được truyền tay trong lớp chậm chạp, không phải sinh viên nghiền ngẫm kỹ hơn mà vì đọc không... nổi.
Tuy nhiên, nếu kết luận như vậy sẽ mâu thuẫn với hiện tượng là số nhà sách đang tăng lên từng ngày, và số đầu sách, cũng như lượng sách được xuất bản không hề giảm xuống. Lẽ nào trong tình hình đó người ta lại đọc sách ít đi?
Các khảo sát ở Nhật chỉ ra, không phải người ta đang đọc ít đi, mà người ta chỉ đọc ít hơn những tác phẩm “nghiêm túc”. Và có lẽ vấn đề ở đây là sự chuyển đổi về các thể loại sách được ưa chuộng, đặc biệt là trong giới trẻ. Những cuốn sách dạng hướng dẫn hay bách khoa tri thức cung cấp thông tin một cách phong phú và ngắn gọn được ưa chuộng hơn bao giờ hết.
Ở Trung Quốc, từ thập niên 90 cho đến nay, đề tài và thể loại sách đặc biệt được mở rộng và có sự chuyển đổi rõ rệt. Giới trẻ Trung Quốc tìm đọc nhiều nhất là những cuốn sách liên quan đến Computer và Internet, theo sau là tiểu thuyết, các sách về giải trí, lối sống và du lịch.
Sách không còn là phương tiện để đạt đến sự thông thái
Trước đây, người ta thường đọc sách để có thể nắm và chia sẻ những vấn đề chính trị xã hội khái quát. Khi dòng chảy thông tin trở nên mạnh mẽ như hiện nay, người ta tụ tập nhau trong các forum chuyên đề, những newgroup hay mails group vì sự trao đổi thông tin diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết. Một không gian cho những cuộc đàm luận, hay thuyết trình công khai về những vấn đề kinh tế, văn hoá chính trị vĩ mô hay vi mô đã bị ảo hoá từ những trang giấy thành Web site. Giới trẻ ngày nay gần gũi với game và Internet hơn sách vở. Đọc để trau dồi nhân cách và tâm hồn ư? Các câu chuyện dạng Chicken soup of the soul được post lên mạng đều đều, những trích đoạn hay trong các cuốn sách, được gửi forward liên tiếp khiến cho những nhu cầu tìm sách đọc giảm đi rõ rệt. Đọc để có kiến thức ư? Cần thông tin, lên net, cần các nghiên cứu, lên net, cần đọc những bài viết chuyên ngành, lên net, đọc chuyện cười, lên net, xem tranh vui, lên net...
Và, còn một nguyên nhân nữa, hơi trái khoáy: giới trẻ đang danh thời gian để viết nhiều hơn là đọc. Họ thường mất cả nửa ngày ngồi trước computer, đọc và trả lời một số lượng e-mail lớn. Rồi tham gia diễn đàn, và cả viết trang Web riêng nữa.
Tuy nhiên, trở lại với câu hỏi giới trẻ đang lơ là với sách hay không? Ở Trung Quốc 60% sinh viên vẫn mua trung bình một cuốn sách/tuần. Một ông chủ hiệu sách ở thành phố Heifei (Trung Quốc) cho biết: ”70% khách hàng của tôi là sinh viên và 15% là... giáo viên“.
Điều đó cho thấy giới trẻ vẫn đến với sách. Nhưng họ đã tìm ra một cách đọc khác. Sách không còn là thước đo và phương tiện để đạt tới sự thông thái nữa, mà là sự cảm nhận và hưởng thụ cuộc sống từ nội tâm. Một người thường xuyên đọc sách không có nghĩa là hiểu biết hơn, và một người chẳng bao giờ đọc sách không hẳn là thiếu kiến thức. Và những giá trị hưởng thụ từ sách mang tính cá nhân hơn bao giờ hết, nó là một thú tiêu khiển đầy tính nhân bản và tuỳ thuộc sự lựa chọn của từng cá nhân.
Mita Norihio, chuyên gia CNTT ở Tokyo cho biết: “Trước đây tôi rất thích sách và mua khá nhiều, nhưng bây giờ, tôi không còn mua sách vì mục đích thông tin nữa, thậm chí, tôi còn giảm cả việc đặt báo... Tôi có thể có nhiều thông tin mình cần trên Web. Nhưng ngoài vấn đề thông tin thì tôi chọn sách. Tôi càng bị nhận chìm trong Internet bao nhiêu thì tôi càng tìm thấy sự hấp dẫn của sách in bấy nhiêu”. Thật vậy, một cuốn sách trên tay cùng rong ruổi trong những ngày cuối tuần, khi ngồi đối diện với chính mình trong một buổi chiều tà vẫn là điều tuyệt vời nhất của sự thư giãn. Nhà thơ R. Tagor đã viết: “Đêm yên lặng là thế giới riêng tư, mở sách đọc cho đến khi tâm hồn ngừng rung động”, chỉ khi ấy và chỉ với sách ta mới cảm nhận hết cái bao la huyền diệu của đời người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập