Nghe - Nhìn từ Sách

07:42 SA @ Chủ Nhật - 23 Tháng Tư, 2006

Mò mẫm qua hàng chục (đếm được đến con số cả trăm) nhà sách, quầy sách lớn bé ở thủ đô Hà Nội, những gì chúng tôi thu nhận được từ sách...

Muôn mặt thị trường sách

Chưa bao giờ sách liên tục được in mới hàng loạt, phong phú, đa chủng loại như hiện nay. Trên tất cả quầy, kệ, giá của những nhà sách “lộ thiên” ở phố Đinh Liệt – Nguyễn Xí và những nhà sách “chìm” sâu ngõ Tràng Tiền, đường vào phải bước qua hàng loạt mê cung tranh, ảnh lưu niệm, cũng như các sạp sách khác rải rác nội đô và ngoại vi thành phố, đều nhìn thấy màu sắc rực rỡ, hấp dẫn của các tên sách, loại sách khác nhau. Nhiều nhất là tác phẩm văn học trong và ngoài nước.

Sách cổ điển được in bìa cứng, màu bắt mắt, giấy trắng tinh, thật “bõ” công những ai ham và muốn sưu tầm sách chứ không còn khổ sở như thời sách phải phô tô từ những bản giấy đen và đầy vụn mía nổi cục, chuyền tay nhau đọc hai ba lần chữ đã nhạt nhòe, chắp vá, có những trang phải căng mắt lên mà “dịch”. Sách hiện đại, nhất là tiểu thuyết, truyện ngắn của văn học Trung Quốc hiện đại nhiều vô kể. Những cái tên như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Thiết Ngưng, Vệ Tuệ, Cửu Đan, Sơn Tuyết... hay các tác phẩm best-seller như “Mật mã Da Vinci”, "Hồi ức một Geisha"... đều có mặt. Về hàng nhì của sự phong phú là sách tham khảo, các loại hồi kí, tự sự, tự truyện của những nhân vật nổi tiếng thế giới, sau đó là sách triết học, tiểu luận, tôn giáo, hướng dẫn học ngoại ngữ, từ điển, vi tính, cắt may...

Không phải ai cũng có thời gian để xác định được kho tri thức của mình đang thiếu gì, mà xác định “sự thiếu” rất đơn giản và nhanh gọn theo những thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Một minh chứng là 10 cuốn sách bán chạy nhất năm 2005, số liệu do FAHASA TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp sách Thành Nghĩa (có siêu thị ở những thành phố lớn trên toàn quốc) cung cấp: Harry Porter, Chiếc Lexus và cây Ô-liu, Bí mật chôn vùi – Sự thật tàn bạo, Mãi mãi tuổi 20, Nhật kí Đặng Thùy Trâm, Bí mật về người Mỹ làm sống lại Đặng Thùy Trâm... đều là những cuốn luôn đứng đầu, nhì bảng trong các mục giới thiệu, sách hay trong tuần, trong tháng, trong các mục phê bình văn học của báo chí theo hai chiều “khen, chê” hay ở “Mỗi ngày một cuốn sách” của Đài Truyền hình Việt Nam.

Điểm qua các phố đường Láng (Hà Nội), phố Nguyễn Thị Minh Khai (Sài Gòn), Bạch Đằng (Đà Nẵng), Trần Hưng Đạo, chợ Đông Ba (Huế)..., những nơi bày bán sách cũ có quy mô từ to đến nhỏ, ngoài những sinh viên, học sinh vốn ít tiền đa phần tìm mua các loại giáo trình và tham khảo, khách quen nhẵn mặt chỉ còn là giới trí thức muốn sưu tập, tìm lại những cuốn sách quý, hiếm chưa được tái bản. Bù lại, sinh viên trở thành đối tượng lớn chiếm lĩnh “thị phần” những hàng sách “xôn” bày trên vỉa hè. Chưa kể lực lượng bán rong sách với một giá gỗ nhỏ trong tay sẵn sàng phục vụ đến tận nhà hàng, quán cà phê, kí túc xá, đặc biệt là lúc nào cũng có những sách đang “hot” như “Bóng đè”, “Cánh đồng bất tận”...

Ngoài ra, còn có một “thị trường” hẹp hơn, là sách phô tô. Các loại giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, học thêm và cả những cuốn sách “hot” được cung cấp cho các học sinh sinh viên muốn tiện lợi “ba trong một” (tức là giá ba cuốn bằng giá một cuốn), chủ yếu tập hợp ở các hàng phôtô tại cổng trường đại học, phổ thông, hoạt động tuy lặng lẽ nhưng xem ra sức sống rất bền.

Chất lượng sách

Như vậy, thị trường sách hiện đang phát triển. Nhưng chất lượng sách ra sao? Công chúng đón nhận sách như thế nào?

Trái ngược suy nghĩ của nhà thơ Thanh Thảo: “Văn hóa nghe nhìn đáp ứng kiến thức ảo, hời hợt mà nhiều người cứ tưởng là kiến thức thật...” (báo Lao Động), phần lớn thế hệ 8X bảo vệ sự “nghe, nhìn” của mình. Họ bày tỏ quan điểm “xin lỗi” với sách vì theo họ, sách không còn là loại hình văn hóa có thể cung cấp thông tin kịp thời nữa. Vả lại, họ cũng là những người xác định rõ văn hóa đọc không chỉ bó hẹp trong khái niệm “đọc sách văn học”, bởi, có rất nhiều tri thức tổng hợp khác mà họ cần trang bị cho mình (truy cập theo link http://www.svvn.com.vn/.svvn.com.vn).

Chất lượng sách không chỉ phụ thuộc vào lực lượng sáng tác (vì sách trong nước chỉ chiếm một phần), mà phụ thuộc vào các nhà làm sách. Nhà văn T.D, biên tập viên một nhà xuất bản kể, mỗi lần trình bản thảo cho giám đốc duyệt, ông đều hỏi một câu: có vấn đề gì không? Nếu trả lời là “hay”, giám đốc sẽ để bản thảo đấy lại để “soi”. Nếu trả lời là “vô thưởng vô phạt”, giám đốc sẽ khoát tay: tuyệt! và đặt bút kí luôn. Thử hỏi, vậy thì làm sao thị trường sách tránh được sự “rối loạn” của hàng loạt sách thiếu chất lượng, dẫn đến việc người đọc cũng cảm thấy chán nản không còn hứng thú mua sách nữa? Gần đây, trên thị trường còn có sự góp mặt của loại sách mỏng quẹt, bìa giấy bóng in hình lòe loẹt, lật trước lật sau đều là hình ảnh các cô gái trong quần áo "con nhà nghèo", nội dung tập hợp một số bài viết nửa ghi chép nửa phóng sự theo kiểu "bịa nhiều thật ít" như: Phỏng vấn một cựu giang hồ hoàn lương, Khi goá phụ yêu, Tình đời vũ nữ, Kẻ săn tình thời @..., bày bán ở bất cứ sạp báo, quầy sách nào. Đấy là những sách xuất bản mang tính định kì hẳn hoi của một vài nhà xuất bản “chính danh” như NXB LĐ, NXB PN... Những loại sách ấy, so với các tiểu thuyết "ba xu" rẻ tiền thời trước, còn thụt lùi về mức độ... lá cải. Nó cũng cho thấy "bước lùi" về thị hiếu đọc sách ở một số độc giả, bởi nếu người mua không hưởng ứng, chắc chẳng ai lại làm ra loại ấn phẩm rẻ tiền này.

Ông Vũ Hoàng Nam – phó Giám đốc Công ty Nhã Nam – một cái tên “mới toanh” nhưng khá “mát tay” trong việc đỡ đầu những cuốn sách ăn khách thừa nhận: có rất nhiều sách hay nhưng không hề bán chạy, những cuốn sách nội dung tốt, chất lượng dịch không chê vào đâu được như Mahabharata, Hội họa Trung Hoa qua lời vĩ nhân và danh họa... đều bị liệt vào sách ế. Theo ông, với tình hình ấy, các nhà xuất bản cũng như đơn vị liên kết đều “bó tay” và phải lựa chọn giải pháp “dung hòa”, làm sách chất lượng lẫn với những tác phẩm có giá trị và trình độ theo ý thích của số đông, có như vậy họ mới không “cụt vốn”. Còn ông Nguyễn Cừ – phó giám đốc Nhà xuất bản Văn Học thì cho rằng muốn phát triển, ngành xuất bản cần phải thực hiện "xã hội hóa".

Xã hội hóa theo cách nào, chiều thị hiếu “nghe – nhìn” dễ dãi, hay sử dụng “nghe – nhìn” như một thế mạnh để tác động ngược, thúc đẩy văn hóa đọc của người đọc? Bản thân độc giả, không phải ai cũng phụ thuộc vào sự "nghe - nhìn". Họ trông đợi những giải pháp tích cực có thể nhìn thấy được trong việc lựa chọn bản thảo, cho ra những đầu sách hay cũng như chờ đợi sự thay đổi, tác động đến thị trường sách ở nhiều khía cạnh khác. Chẳng hạn, việc lựa chọn những tác phẩm để phương tiện truyền thông “đọc hộ” trước cho công chúng, thì dù nằm trong kế hoạch “lăng xê” hay giới thiệu sách, đều nên có một tiêu chí chung là hướng đến những tác phẩm có giá trị đích thực. Chỉ có như vậy, thị trường sách mới có thể loại trừ được những loại “sách ba xu”, định hướng và lôi kéo người đọc trở lại với văn hóa đọc. Sự định hướng ấy phải xác định cả về giá sách, có khung giá cho mỗi trang in, nhằm chống lại việc “phá giá” cũng như kiểm soát được lượng sách in thực – một vấn đề đang được thả nổi hiện nay. Đó cũng là cách làm để bảo vệ quyền lợi cho đông đảo độc giả - người mua sách...

Xin mượn lời Dương Viết – cựu sinh viên ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội để kết lại bài viết này: “Sự phân hóa độc giả đòi hỏi phải có sự phân hóa trong làm sách. Sách tri thức cao cấp, cung cấp kiến thức, tác phẩm văn học, sách bình dân, giải trí... vẫn đang được làm tràn, nhập nhằng giữa mục đích thương mại và mục đích văn hóa. Văn hóa đọc sẽ được “thanh lọc” và phát triển khi không còn sự nhập nhằng. Nhưng để làm được điều đó, tin rằng, cả một hệ thống từ sáng tạo đến xuất bản – phê bình, nhà văn hóa lẫn người làm văn hóa đều phải vào cuộc”!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Muốn tồn tại thì phải học, và học để sống tốt hơn

    07/08/2018Tiến sỹ Nguyễn Hữu LamTổ chức được xem là một "cơ thể sống" thường xuyên phải hoàn thiện. Do vậy, tổ chức phải tạo ra những cơ hội để mọi thành viên liên tục học tập, chia sẻ kiến thức tích lũy được để giải quyết vấn đề cụ thể của tổ chức.
  • Sách và chuyện làm sách!

    12/11/2014Nguyễn HòaKinh tế thị trường lên ngôi, các “đầu nậu” sách ra đời, đối với nhiều người trong số họ hai chữ “bản quyền” dường như là một quy ước của người ngoài hành tinh. Mặc cho tác giả rền rĩ kêu ca, những người tuyển chọn vẫn vượt mọi khó khăn để tra tấn máy photocopy đặng làm nên những cuốn sách do họ “chủ trì” nhưng thường quên mất vai trò “chủ chi”...
  • Người Việt có “văn hóa đọc”?

    14/05/2014Yên HàNhìn lại tình hình sách in quá khiêm tốn của chúng ta hiện nay, người thì cho là lỗi của xã hội thờ ơ với sách, người thì gán tội cho người viết không thể sáng tạo ra những đứa con tinh thần xinh đẹp để người đọc phải đổ xô đi tìm, người thì đổ lỗi cho sự bành trướng của báo trí, truyền hình, Internet…
  • Văn hóa đọc

    16/03/2014Đặng Huy GiangSách được đọc thường xuyên hơn, có thị phần bán ra ổn định hơn, có lẽ là sách giải trí và sách công cụ. Và độc giả của máng sách này thường là những người trẻ tuổi. Mảng sách này rất thực tế, không có giá trị văn hoá, văn chương, chỉ có giá trị thư giãn đầu óc hoặc cung cấp kiến thức dưới dạng bách khoa thư...
  • Lời khuyên người mua sách

    31/12/2005Phan Điều AnhCuốn sách nào mà bạn đang cần mà không thể dễ dàng mượn được hoặc khả năng được tặng là không chắc chắn, thì hãy mua ngay nếu đủ tiền. Đừng nấn ná đợi dịp khác, vì chưa hẳn cơ hội sẽ đến với bạn...
  • Học để có kiến thức, không vì bằng cấp

    06/08/2005Tiến sĩ Phan Quốc ViệtQua cách học và cách dạy hiện nay ta có cảm tưởng rằng mục tiêu của sinh viên là học để lấy bằngvà mục tiêu của các trường cũng là dạy để cấp bằng. Thực trạng đào tạo hiện nay phản ánh khá rõ cách hiểu sai về mục tiêu đào tạo. Vì hiểu mục tiêu đào tạo là có bằng nên hiện nay các trường chỉ cố gắng cung cấp một số lượng kiến thức nhất định đủ để cấp được bằng cho sinh viên...
  • Làm giàu nhờ làm sách

    09/07/2005Nguyễn ChươngMột lần khi hay tin một người quen phải nằm bệnh viện, Nguyễn Văn Phước vào thăm và món quà đem theo là cuốn sách Hạt giống tâm hồn. Những trang sách ấy khiến người bạn nguôi ngoai nỗi phiền muộn, rồi lại tươi cười, một thời gian sau xuất viện.
  • Sách Việt Nam và con đường hội nhập

    05/07/2005Hội sách TP.HCM lần 3 đang diễn ra tưng bừng tại TP.HCM. Đi hội và tự hỏi, chừng nào sách Việt hội nhập thị trường quốc tế? Có thể nói thị trường sách năm nay đang khởi động, hứa hẹn nhiều đổi mới. Trong đó vấn đề hội nhập là nỗi ưu tư của nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách cả tư nhân lẫn quốc doanh.
  • Văn hoá đọc hôm nay

    13/01/2004Dương Phương VinhTheo khảo sát của nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn, "15 năm trước đây, người đọc VN có thể tranh luận ngang ngửa với người đọc Nga về các tác giả cổ điển, cận đại và hiện đại Nga; kiến thức của anh ta có thể ngang bằng với một học sinh trung học Pháp và chắc chắn hơn đứt một sinh viên đại học Mỹ nếu tranh luận về văn học Mỹ đầu thế kỉ. Ngày nay, đại đa số người đọc không có một hình dung nào hết về văn học thế giới đương đại"...
  • Văn hoá đọc trong thời đại thông tin

    13/01/2004TS. Phạm Văn TìnhSách vẫn là một kho tàng tri thức không thể thiếu được trong cuộc sống, mặc dù thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện nghe - nhìn và mạng Internet đã làm giảm phần nào sự hứng thú đọc sách như trước. Bài viết của Tiến sĩ Phạm Văn Tình thêm một lần lý giải về vấn đề này...
  • xem toàn bộ