“Nhà nghiên cứu” tương lai chỉ là Những nhà chép sách?

12:57 CH @ Thứ Hai - 17 Tháng Tám, 2015

Báo Thể Thao & Văn Hoá số 32 ra ngày 15/4/2005 đăng bài “Từ một kỷ lục trích dẫn: hãy suy nghĩ từ cái đầu của chính mình” của tác giả Nguyễn Hoà, nêu tình trạng “lạm phát trích dẫn” đã đến mức báo động trong nghiên cứu khoa học ở nước ta, một hiện tượng cho thấy không ít nhà khoa học của ta lười nhác trong lao động trí tuệ, tồi tệ hơn, là không có khả năng nghiên cứu khoa học. Theo tôi sự lười nhác và thiếu khả năng nghiên cứu này bắt nguồn từ trong hệ thống giáo dục đào tạo và thi cử của ta. Thử khảo sát các luận văn của các cử nhân là thấy rõ.

Nhiều sinh viên không phân biệt đâu là tài liệu, đâu là sách, đâu là bài viết, bài báo hoặc là thông tin do một tổ chức có uy tín đánh giá trong phần “tài liệu tham khảo” của các luận văn.

Khóa luận Tốt nghiệp?

Tôi đến dự một buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Luật Kinh tế của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Một sinh viên (SV) lên trình bày đề tài của mình với tên gọi Cổ phần hóa các công ty X. Trong luận văn sinh viên trình bày rằng các công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ triền miên. Cô giáo phản biện hỏi lại SV trên rằng em lấy thông tin ở đâu? SV ấy trả lời rằng em lấy từ Văn kiện Đại hội Đảng. Cô giáo nói lại, tôi cũng đọc văn kiện mà không thấy, em nhầm chăng. SV ậm ờ không trả lời được. Cô giáo nhắc lại cho SV rõ là đánh giá như trên là do ngân hàng phát triển châu Á về các công ty quốc doanh của Việt Nam. Nhưng rồi vì đề tài “tập” nghiên cứu, nên cô phải cho thang điểm thấp nhất là 9. Có lẽ còn có nhiều mối quan hệ giữa SV và người hướng dẫn, giữa cô và thầy giáo cùng đồng nghiệp có sinh viên đang bảo vệ. Cô cho điểm của SV thầy thì thầy sẽ cho điểm của SV cô.

Có hiện tượng SV nghiên cứu khoa học thường chép lại các đề tài, thêm thắt vào các câu văn cho nó ra vẻ là của mình. Nhiều sinh viên nghiên cứu “thêm” nhưng không biết che đậy phần yếu kém của mình, điều bộc lộ rõ nhất đó là lỗi chính tả. Câu nào của tác giả, câu ấy có lỗi. Cho nên muốn chấm luận văn tốt nghiệp cho công bằng, luận văn ấy có phải là của SV hay không, các thầy cô chỉ cần chấm lỗi là … xong!

Trong các luận văn nghiên cứu khoa học, Các SV đề phía sau là phần các tài liệu tham khảo. Phần này không phải khổ công nhọc óc gì nhưng nhiều sinh viên không phân biệt đâu là tài liệu, đâu là sách, đâu là bài viết, bài báo hoặc là thông tin do một tổ chức có uy tín đánh giá. Tất cả cứ lộn tùng phèo. Nguyên do của sự yếu kém không hiểu là từ thầy hay trò. Một tấm thảm xấu chỉ có người dệt lên tấm thảm đó biết.

Nỗi buồn không của riêng ai

Tìm hiểu thêm về những buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp Khoa Triết - Đại học Sư phạm Hà Nội: Sau khi SV trình bày đề tài nghiên cứu của mình, thầy giáo phản biện rất thất vọng, nên đành hỏi một câu cho có lệ cần hỏi là em hãy kể một số nhà tư tưởng phương Đông. SV tuyên bố hùng hồn rằng, phương Đông không có nhà tư tưởng?!

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn là nơi đào tạo các cử nhân có khả năng nghiên cứu cao nhất, cũng dở khóc dở cười. Một SV nữ chép y xì công trình khoa học của GV nghiên cứu văn học phương Tây Đ.A.Đ, cùng với một số công trình và bài viết của các nhà nghiên cứu về M. Proust. Giáo viên hướng dẫn nói rằng, toàn bộ đề tài là do SV nghiên cứu chứ không chép lại của ai. Giáo viên phản biện hỏi em đã đọc bao nhiêu tập của M. Proust. SV trả lời rằng đọc 7 tập bằng tiếng Việt ở thư viện Quốc gia. GV phản biện nói mới dịch có hai tập là Dưới bóng những cô gái tuổi hoaĐi tìm thời gian đã mất (tập hai). SV trả lời ậm ờ.

SV nghiên cứu khoa học là hiện tượng lành mạnh, đáng được hoan nghênh. Nhưng với cách nghiên cứu tràn lan và các đề tài luận văn là cuộc chép sách của SV thì thật là phí công GV hướng dẫn và GV phản biện. Một ngày nào đó, như trong bài viết của Nguyễn Hòa, những SV này lại sống lâu, lại lên “lão làng” thì khoa học nước ta đi về đâu?

Khoa học không là khoai bở

Như những đề tài vừa nêu trên thì SV rất yếu kém trong nghiên cứu khoa học và bộc lộ “sự ngu ngốc một cách thật thà” trong quá trình đi sao chép. Nên chăng cần chấn chỉnh cách làm luận văn tốt nghiệp hiện nay. Thay vì phải miệt mài đèn sách và khả năng tư duy để có được thành quả do chính nỗ lực của mình bỏ ra, các sinh viên thường lượn lờ qua các chợ luận văn ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hay những khu tập trung đông các trường Đại học như Thanh Xuân, Cầu Giấy … mà nhiều báo đã nêu.

Cũng cần chấn chỉnh lại cách nghiên cứu khoa học đối với các sinh viên. Để có những sinh viên xuất sắc, nên chăng các khoa của các trường có sự đề cử và bỏ phiếu, tăng thêm uy tín cho người nghiên cứu, chứ không thể xô bồ như tình trạng hiện nay. Khoa học là độ chín về lý thuyết, về phương pháp luận, khả năng tư duy và cách trình bày. Khoa học không phải là khoai bở nứt ra khoe mình một cách dị hợm. Các cụ ngày xưa thường nói: "Quý hồ tinh bất quý hồ đa!"

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Từ một kỷ lục về trích dẫn

    09/10/2014Nguyễn Hoàbài viết chỉ quảng 10 trang giấy mà kèm theo tới 53 trích dẫn và chú thích! Khiếp quá, đọc một tiểu luận tần đầy các trích dẫn theo lối “ông John” cho rằng, “bà Smith” từng viết, rồi ông “ốp” ông “ép” đã nói…, tôi không thể nắm bắt đâu là khám phá, quan niệm học thuật của NN và đâu là khám phá, quan niệm “nói theo”...