Đi nhà sách...đọc sách
Một vòng qua các “thư viện”
Mới chín giờ sáng, nhà sách Nguyễn Huệ, quận 1 đã vội vã người ra người vào. Ở khu vực bán sách có không dưới chục người đứng như bất động, mắt như dán vào từng con chữ trong sách. Thấy tôi có vẻ tò mò, một anh nhân viên vui vẻ giải thích: “Những người đó vào đây chủ yếu để đọc sách, còn mua thì rất hiếm khi”, thậm chí anh còn nói anh quen mặt những người đó còn hơn mặt sách ở đây. Lại gần, quan sát kỹ tôi thấy họ yên lặng đến lạ thường dù quanh họ không ít người đi tới đi lui lựa sách. Ở một góc khuất có cô gái trẻ đang mải mê những trang cuối của cuốn “Cuốn theo chiều gió”. Ở kệ “Luyện thi đại học” cũng có vài học sinh chăm chú chẳng kém vào các bộ đề thi mẫu... Rời nhà sách Nguyễn Huệ, tôi đến nhà sách Nguyễn Văn Cừ, quận 5. Ở đây không gian rộng hơn và người vào đây đọc sách cũng nhiều hơn, mỗi người một cuốn, một góc... họ say sưa với cuốn sách, truyện trên tay. Nhà sách Nguyễn Văn Cừ có hẳn một dãy ghế ở tầng hai dành cho người đọc ngồi. Sách ở tầng này đa phần là truyện tranh, nhưng cũng không hiếm người đã qua tuổi thiếu nhi “tham gia” nhiệt tình. Ở nhà sách này, vào để đọc sách như luôn được đón chào vì nhân viên bán sách chẳng bao giờ có lời phàn nàn khi “lựa” quá lâu. Sách ở nhà sách thì có thể nói nhiều và phong phú như ở thư viện. Nhìn vào vị trí của người đứng đọc ở các kệ có thể đoán biết mỗi người có một “tình yêu với sách” khác nhau. Thích sách văn học Việt Nam thì y như người đó chôn chân ở kệ “Văn học Việt Nam”. Muốn tìm hiểu về tin học thì không thể tách rời kệ “Công nghệ thông tin”... Những hình ảnh này, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp ở các nhà sách khác như nhà sách Trần Quốc Thảo, quận 3; nhà sách Thăng Long, quận 1... Với những người đọc sách này từ khi nhà sách mở cửa đến khi đóng cửa đều có họ. Chị Diễm, một nhân viên nhà sách Sài Gòn Bình Tây cho biết: “Biết đây là chỗ kinh doanh nhưng không lẽ nào lại không cho đọc, vả lại có họ thì nhà sách thấy có “sinh khí” hơn vì lắm lúc chỉ thấy sách và sách mà không có người thì quá buồn tẻ. Hơn nữa họ chẳng gây cản trở trong kinh doanh”.
Đến nhà sách đọc sách và...
Trời nóng bức, cần một chỗ mát mẻ để nghỉ ngơi vài phút... không nơi nào lý tưởng bằng nhà sách. Ở đó luôn có máy lạnh và nhiều loại sách báo để cho ta quên đi sự mệt nhọc, Quân, sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên tâm sự: “Vào thư viện, tối thiểu nhất phải làm thẻ; còn vào nhà sách, chẳng cần một loại “giấy thông hành” nào cả, thậm chí giữ xe còn miễn phí, lý do này rất thỏa đáng cho người cần đọc một cái gì đó trong khoảng thời gian mười đến mười lăm phút”. Ở thư viện thông thường ta chỉ bắt gặp hai lứa tuổi: học sinh sinh viên và một số ít người lớn tuổi đến để tra cứu hoặc tìm những tư liệu phục vụ cho công việc của họ. Còn ở nhà sách, ta bắt gặp hầu như mọi lứa tuổi vào đây để đọc sách mà chủ yếu là để giải trí, thư giãn. Điều này xuất phát từ tính đa dạng và bình dân của nhà sách. Đó là nơi để trẻ em đến mơ mộng với những nhân vật cổ tích, viễn tưởng của mình, như ở nhà sách Nguyễn Huệ hay Nguyễn Văn Cừ vào thứ bảy và chủ nhật, từng tốp trẻ em lân cận rối rít đến sớm, xí chỗ và theo đuổi tiếp các cuộc phiêu lưu còn bỏ lửng vào tuần trước. Với những nhà sách ở xa trung tâm thành phố như nhà sách Nguyễn Oanh, Gò Vấp có thêm những “bạn đọc” là công nhân ở các công ty, xí nghiệp lân cận. Công nhân đến để thư giãn đầu óc sau giờ làm việc. Họ xem các tạp chí thời trang, văn hóa và thơ... Lan, một nữ công nhân của Công ty May Da Sài Gòn có xí nghiệp đóng tại Gò Vấp cho biết, trước kia chị không đủ can đảm để đến đây vì còn e ngại, nhưng bây giờ chị cảm thấy rất thú vị, thế là hàng tuần vào ngày nghỉ chị lại tìm đến đọc sách, báo ở nhà sách Nguyễn Oanh. Một lý do để không ít những chàng trai đến đọc sách ở nhà sách là muốn có cơ hội để gặp những nữ nhân viên bán sách, bởi đa phần cô nào cũng xinh tươi. Nhìn những thanh niên tay cầm sách nhưng mắt cứ liếc về phía các cô nhân viên thì có thể đoán ra. Không biết có bao nhiêu chàng đọc sách và nàng bán sách đã nên duyên. Thế mới hay, đến nhà sách đọc sách và không dừng lại ở chuyện trong sách.
Sách là hơi thở của cuộc sống
Có tiền, mua sách để đọc đó là một trong những việc làm thiết thực. Không tiền, vào nhà sách để đọc sách cũng tốt vậy. Vinh, một thí sinh quê ở Bến Tre lên thành phố luyện thi, chờ thi đại học tâm sự cùng tôi ở nhà sách Trần Quốc Thảo: “Giáo trình luyện thi giờ quá nhiều, tiền đâu mà mua đủ nên đành vào đây xem vậy”. Hàng ngày, cứ sau giờ luyện thi, Vinh đến đây đọc thêm những phương pháp giải của các môn Toán, Lý, Hóa...” Bà Lan, nhà ở gần nhà sách trên thì khá, cứ khoảng mỗi tuần một lần, bà lại đứng ở mục “Nội trợ - Gia đình” trong nhà sách. Bà nói: “Coi thử có món gì mới, ngon rồi về làm cho con cháu ăn, chủ nhật tới tôi sẽ làm món cá lóc hấp bầu”. Tuy vậy cũng có khá nhiều người vào nhà sách đọc sách vì quá yêu thích sách. Tại nhà sách Nguyễn Huệ, tôi quen được ông Nam, một hưu trí nhà ở quận 2. Ông kể về chuyện đi đọc sách của mình, hễ có thời gian rỗi là ông đến nhà sách, sách yêu thích nhất của ông là lịch sử. Theo ông thì ông đã đọc và nhớ rõ từng nhân vật trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ vua Hùng, bà Trưng bà Triệu đến Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh và Hồ Chí Minh. Ông nói: “Nó hào hùng lắm, hoành tráng lắm, mà mình càng lớn tuổi thì cảm nhận nó còn sâu sắc hơn”. Ở nhà, ông thường khuyến khích con cháu tìm hiểu về lịch sử... “Mỗi cuốn sách mở ra một chân trời”, cô sinh viên tên Linh của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nói với tôi như vậy khi tôi gặp cô đang đọc sách ở siêu thị sách Nguyễn Văn Cừ. Linh bộc bạch: “em học xã hội mà”. Cô sinh viên này hầu như đã kinh qua các nhà sách trong thành phố, hôm tôi gặp Linh là hôm siêu thị sách này khai trương. Linh nói: “Em đến đây đọc thử có sách gì mới hơn không, chứ những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Du... em đều đọc rồi”. Rồi Linh cũng đưa ra dự định của cô: “Sắp tới em sẽ đọc mảng văn học hiện đại nước ngoài, mảng này nhiều loại sách hay chưa biết đến”. Đọc sách ở nhà sách đang tạo nên một nét văn hóa lành mạnh, dễ thương như vậy đó.
Bá Tân (Báo Lao Động)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm