"Mọt sách" ét-vê
Se duyên với sách
“Ngày còn nhỏ, mỗi đêm trên chiếc giường tre, mẹ ru chị em tôi ngủ bằng những câu chuyện cổ tích có nàng tiên, cô Tấm, mẹ hiền… Lớn hơn một chút tôi mải mê những tấm hình ngộ nghĩnh trong truyện tranh mẹ mua cho chị, rồi đánh vần và đọc, hết cuốn này đến cuốn khác”. -T.V.Thuấn, sinh viên năm cuối khoa Ngữ văn - Báo chí, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM trầm ngâm hồi tưởng lại.
Đó là khoảng thời gian gần hai mươi năm mà Thuấn không ngừng đọc và sưu tập sách. Đối với anh, đọc sách đã là thói quen, là nhu cầu như con người thấy “đói thì ăn cơm, thấy khát thì uống nước” và người mẹ hiền ở quê nghèo miền Trung là người đã khơi gợi cho anh niềm đam mê này.
Khác với Thuấn, Tú Trinh là cô bé sinh ra và lớn lên ở phố. Bố mẹ vì sợ con ra đường theo bạn hư nên “nhốt” ở nhà. Ngoài giờ học bài, Trinh chơi từ trò chơi này đến trò chơi khác nhưng rồi cũng chán, cô lục sách báo của bố ra đọc mà không biết con chữ gắn liền với mình từ đó.
Từ một ít sách về triết học bố để lại, bây giờ bộ sưu tập sách của Tú Trinh đã vượt qua con số một ngàn cuốn.Và cuốn sách mà cô “gối đầu giường” là cuốn Từ điển (Anh-Việt,Y học…).
Có những người đam mê sách từ sớm nhưng cũng có những người trước khi trở thành sinh viên chỉ làm quen với sách giáo khoa và chỉ thực sự nghiện sách khi vào đại học.
Trường hợp của X.Duy, sinh viên khoa Sử, trường Đại học Sư phạm TPHCM là một ví dụ. Một lần qua phòng trọ của bạn chơi, chàng ta thấy bộ tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió nằm trên bàn bèn mượn về đọc vì thời gian rảnh không biết làm gì”.
Duy còn nhớ mình đọc ngấu nghiến gần một tuần thì xong bộ tiểu thuyết mà cả tháng sau những nhân vật, những tình tiết trong tiểu thuyết vẫn ám ảnh . “Và mình giữ thói quen đọc sách đến nay gần được bốn năm” - Duy tâm sự.
Đọc sách – không đơn giản
Mê sách như V.H.Q, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM kể cũng hiếm.Vì quá mê cuốn Zarathustra đã nói như thế của F.Niezsche mà không có tiền, chàng ta bèn rủ bạn cùng lớp đến Trung tâm hiến máu nhân đạo cho máu được tám mươi ngàn.
Với số tiền đó Q. không những mua được cuốn sách mà mình thích mà còn mua thêm một cuốn khác.Và để thanh minh cho việc làm của mình Q. tâm sự : “Với số tiền ấy mình có thể bỏ vào quỹ hỗ trợ người nghèo neo đơn nhưng dùng mua sách vì quá thèm dù hơi áy náy”.
Đối với T.V.Thuấn, số sách mà anh có được một phần do dành dụm tích góp tiền ăn, tiền nhà, hơn nữa anh đã tận dụng hầu hết số tiền nhuận bút mình viết báo để bổ sung bộ sưu tầm sách của mình.
Để có được những cuốn sách hay và hiếm, Thuấn phải lang thang ở các nhà sách cũ từ nội thành đến ngoại thành. Nhờ đó anh biết được nơi nào bán sách rẻ, nơi nào có loại sách mình cần.
Một điểm chung ở những sinh viên mê sách là rất quý sách. Họ đọc sách một cách cẩn trọng, không gấp mép, không làm vấy bẩn sách. Đối với sách cũ thì bao bìa lại cẩn thận.Do vậy họ rất ngại khi cho người khác mượn sách nhất là những người không biết giữ gìn sách.
Chính Q đã không ngần ngại từ chối cho cậu bạn cùng lớp mượn sách nữa vì “mình không tưởng tượng nổi cuốn sách mới tinh mình gìn giữ cẩn thận đến khi lấy về thì bìa bị tróc và còn bị mất mấy trang”.
Chu đáo hơn như Tú Trinh, cô tự mình gấp những chiếc thẻ xinh xinh bằng giấy màu để đặt vào nơi mình đang đọc dở. Rồi trang trí giá sách, đánh mã số trên sách để “khi cần cuốn nào chỉ cần tra vào list là có thể lấy ra dễ dàng”.
Thật ra những trường hợp mê sách như Thuấn, Tú Trinh… chỉ chiếm tỷ lệ hiếm trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Có thể thấy đa phần sinh viên mê sách đều theo học ở khối xã hội, còn khối tự nhiên thì tìm người biết “đọc” sách thôi đã hiếm chứ chưa nói đến chuyện mê sách.
Nói như thế để thấy rằng để đọc một cuốn sách đến nơi đến chốn là không đơn giản. Ngay cả những sinh viên siêng đọc sách như Thuấn cũng cho biết có nhiều cuốn mình phải đọc từ từ, đọc đi đọc lại rồi so sánh, liên tưởng… mới nắm bắt được phần nào thông điệp từ tác giả.
Thời đại Internet, chỉ cần nhấp chuột là có được những cuốn sách, tư liệu quý. Tuy vậy vẫn có những sinh viên không tìm kiếm cho mình những cuốn sách hay, kiến thức nhiều phục vụ cho việc học và trong cuộc sống mà mỗi lần lướt web là vào những trang mang nội dung giải trí nhảm nhí hay đồi trụy rồi photo, chuyền tay nhau đọc.
Họ coi đó là những chiến công nhưng lại quên đi chính những nội dung đó chẳng những mang lại gì cho họ mà còn là họa lớn về lâu dài.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt