Tại sao trên báo chí lại thưa vắng các bài điểm sách?
Một mặt trong tâm thức của nhiều người, văn chương là một cái gì ghê lắm, danh giá để đời, tên tuổi đi vào lịch sử. Mặt khác thông tin trên mặt báo về văn học lại nghèo nàn nhạt nhẽo. "Kính nhi viễn chi", người ta lảng tránh. Trong sự thông tin kém cỏi như vậy, riêng phần đọc sách vì không màu mỡ riêu cua câu khách được tí nào, nên càng bị ghẻ lạnh.
Đôi khi có cảm tưởng nhiều loại sách đang như đứa con hoang, sau khi ra đời thì lang thang trôi nổi, không ai biết là có, không rõ chất lượng đến đâu. Một hiện tượng như thế kéo dài đã lâu và ai cũng thấy vô lý, nhưng không biết làm thế nào để tìm ra cách đưa đưa sách trở lại vị trí vốn có.
Tại sao không ai viết điểm sách? Trong phạm vi của văn học, tôi thử nêu cả những lý do gần lẫn những lý do có vẻ xa xôi, nhưng đúng là chúng có tác động đến việc điểm sách.
Quan niệm quá cũ
Sinh hoạt văn chương của chúng ta trên nét lớn được tổ chức theo những mẫu mực sắn có từ bốn năm chục năm trước. Đại khái cũng giống như bên sản xuất mới chỉ lo làm cho nhiều hàng chứ còn chưa lo chuyện chất lượng, ở đây, cũng chỉ lo bảo nhau viết cho nhiều, chứ còn các hoạt động phụ trợ bao gồm theo dõi số phận tác phẩm sau khi ra đời, tìm hiểu sự đánh giá của người đọc, và trước đó, cả chuyện tiếp thị nữa, đang bị thả nổi, tùy nghi dị tản.
Nhiều người không biết rằng điểm sách là một mục một tờ báo chuyên ngành nhất thiết phải có.
Cũng vì loanh quanh trong một cơ chế sản xuất nhỏ, nên trong tâm lý của giới cầm bút và cả giới làm báo, điểm sách là một công việc quá vặt vãnh, người ta không buốn làm. Nói tới việc điểm sách, nhiều người cười khẩy không nghĩ là việc nghiêm chỉnh. Cả đến các cây bút trẻ cũng gần như không ai tính chuyện lập nghiệp bằng cái việc xem như lặt vặt này.
Viết để mà viết
Nghĩ cho cùng một cuốn sách chỉ tồn tại khi có người cần viết ra nó và có những người muốn đọc nó, trong một số trường hợp là móc túi lấy tiền mua nó bằng được. Hiện nay, từng cuốn sách in ra với số lượng quá thấp, mà người mua cũng tản mạn, đến mức người ta phải nghi ngờ về lý do ra đời của nó: Phải chăng nay là lúc sách ra chỉ để thỏa mãn nhu cầu người viết, còn nó chả có tác động cụ thể tới ai, hoặc có tác động cũng chỉ là một thứ phủ bụi, không gây nổi tiếng và bởi không có ai buồn lên tiếng, nên nó cứ vạ vật âm thầm như vậy?
Các nhà văn có chịu khó đọc nhau?
Nhiều nhà sáng tác lên tiếng chỉ trích: sách chúng tôi đã viết đầy ra đấy tại các anh phê bình không chịu làm việc, cho nên không có điểm sách. Nhưng trong hoàn cảnh mà giới phê bình chưa hình thành ở ta, một sự oán trách như thế nếu không phải làm dáng thì cũng không thực tế, và kết quả chỉ là một thứ gió bay lên trời, vô bổ vô nghĩa.
Theo chỗ chúng tôi biết loại người chuyên viết điểm sách - như một thứ chuyên gia nếm trong ngành thực phẩm - ở nước nào thời nào cũng hiếm vì thời này quá khó, ngược lại, phổ biến ở nhiều nước là tình trạng người viết văn viết về nhau. Người viết trong trường hợp này có cả hai tư cách, vừa giúp đồng nghiệp của mình đưa sách đến bạn đọc vừa đứng về những tiêu chuẩn khách quan, để cân đo đong đếm công việc đồng nghiệp đã làm.
Đã có một thời các nhà văn ở ta làm việc như thế, Nguyễn Đình Thi viết về Núi Cứu Quốc của Tô Hoài, Chế Lan Viên viết về Những bước đường tư tưởng của tôi của Xuân Diệu, còn Xuân Diệu thì viết về Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên. Nhưng hình như cái thời ấy đã vĩnh viễn qua rồi.
Trong hoàn cảnh sự quan tâm đến nhau ngày càng hời hợt - nói nôm na là ngần ngại hoặc giữ kẻ đủ điều - người ta vẫn để ý đến nhau, nhưng là để ý xem ai mới chạy được cái giải thưởng nào, hoặc áp phe được món tài trợ nào béo bở, chứ còn nghiêm túc theo dõi nhau và tha thiết trông chờ ở sự tiến bộ của nhau - mà trước tiên là sự tiến bộ trên phương diện nghề nghiệp - loại đó hơi hiếm.
Đã không đọc nhau thì làm sao còn viết được nữa? Người ta hiểu sự đơn độc sáng tạo một cách thiển cẩn, và tuy rất hay nói về phong trào, song sự lo lắng đến phong trào chung lại là quá hiếm.
Đó là chưa kể sự nói thật đang có cái khó của nó, một vài câu nhận xét chân thành về nhau chả ăn nhằm gì mà chỉ mang vạ, tức chuốc lấy sự thù oán.
Như thế thì có đốt đuốc cũng không thể tìm ra người chuyên viết điểm sách cho các đồng nghiệp một cách vô tư và hiệu quả - cũng là dễ hiểu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015