“(Thượng Đế) đã ban cho tôi sách vở cùng lúc với bóng tối.”

04:12 CH @ Thứ Tư - 03 Tháng Tám, 2005

Khi nhà độc tài Argentina Péron lên cầm quyền, nhà thơ (văn) Jorge Luis Borges, vốn là người ham thích đọc sách và học hỏi, bị sa thải ra khỏi chức vụ ông đang giữ tại một thư viện nhỏ ở thủ đô Buenos Aires. Trách nhiệm mới được chính quyền Péron giao phó cho ông là nhân viên kiểm phẩm gà và thỏ ở các chợ trời. Dĩ nhiên ông đã từ chối việc làm này.

Sau khi Péron bị lật đổ, ông được mời ra giữ chức vụ giám đốc Thư Viện Quốc Gia. Lúc này, vì chứng bệnh di truyền trong dòng họ, ông không còn nhìn thấy được nữa. Ông trở thành người mù ngự trị giữa hàng chục ngàn quyển sách. Câu thơ trên của ông được viết ra vào lúc đó, như một lời than thân, trách phận, trước tạo hóa trớ trêu.

Mẩu chuyện nói trên trên rút ra từ cuộc đời của Borges, hẳn nhiên, nhiều người đã biết. Giữa thời đại cách mạng tin học, trong chúng ta không ít người, chưa (không) mù, đứng giữa khối lượng khổng lồ của các nguồn thông tin, tài liệu, sách vở... như một người mù. Không như Borges, họ không than thở gì cả.

Cũng giữa thời đại cách mạng tin học, một số người khác đã thật sự than thở. Họ không còn có đủ thì giờ để đọc.

Đọc gì và đọc thế nào đã là chuyện được nhiều người nhắc đến từ lâu.Một câu chuyện đã mòn, cũ. Có phải Montaigne đã từng dạy chúng ta, “Tôi chỉ đi tìm trong việc đọc sách cách thỏa mãn mình bằng một niềm vui chân thành; hay nếu cần học hỏi, tôi chỉ tìm khoa học nào giúp tôi hiểu biết và chỉ dẫn tôi cách chết hùng và sống đẹp,” trong bài luận văn “Des Livres,” trong đó ông nhắc đến Virgile, Lucrece, Catulle, Horace, Boccace, Rabelays...?

Và có phải Virginia Woolf đã từng viết, “Lời khuyên duy nhất... mà một người có thể nhắn cho kẻ khác về việc đọc là đừng nhận lời khuyên nào cả,” cũng như, “Đừng tìm cách ra mệnh lệnh cho tác giả của mình. Hãy cố gắng trở thành ông ta,” trong How Should One Read a Book?

Trong một bài báo cách đây không lâu trên tờ National Post Online, (This late in history, what shall we choose to read? Số 17 tháng Chạp, 2001), Jeannie Marshall viết cô đã gặp nhiều người trong khắp các tiệm cà phê ở Bắc Mỹ với một quyển sách trên tay, một tạp chí trước mặt. Họ đọc The Corrections của Jonathan Franzen, Austerlitz của W.G. Sebald, The Ash Garden của Dennis Bock hay bất cứ tác phẩm văn chương, tiểu sử, lịch sử nào khác. Họ cũng có thể đang đọc tờ New Yorker hay Times Literary Supplement (TLS). “Nhưng nếu bạn nhìn gần hơn các ấn bản họ có trên tay họ, chúng thường đã cũ từ năm đến sáu tuần.”

Người viết còn phỏng chừng rằng nếu nhìn thấy được bên trong xách tay hay túi đeo lưng của họ, người ta có thể tìm thấy một hay hai quyển sách chỉ mới đọc được một phần. Bên dưới nét mặt tĩnh lặng của những người không quen biết đó, họ là “những độc giả đang lo lắng,” nỗi lo của người đọc không bao giờ bắt kịp nhịp phát hành của sách báo.

Bài báo của Jeannie Marshall có nhiều chi tiết rất thú vị. Nhà phê bình Joseph Epstein được nhắc đến qua bài viết trên tờ TLS với câu, “Tương tự như Prufrock đo lường cuộc đời bằng những muỗng cà phê, tôi đo lường đời tôi, hay ít nhất cái trật tự của tôi bằng những tờ TLS chưa kịp đọc.”

Trong tác phẩm The Western Canon (1994) nhà phê bình văn chương Harold Bloom đã nói lại điều đã được nói, “Ai đọc cũng phải lựa chọn, bởi vì thật sự không ai có đủ thì giờ để đọc mọi thứ ngay cả khi người ta chỉ đọc thôi mà không làm gì khác cả.”

Riêng Jonathan Yardley, nhà điểm sách nổi tiếng của tờ Washington Post, bằng một giọng điệu buồn rầu, ông đã nhìn nhận một sự thật khủng khiếp, “không có thì giờ” để đọc hết hai quyển tiểu sử Hitler của Ian Kershaw và giờ đây lại phải cầm lên quyển tiểu sử Churchill mới của Roy Jenkins.

Một bài toán lạ lùng đã được mang ra tính theo như lời của Eleanor Wachtel, người chủ trương hai chương trình “Writers and Company” và “The Arts Today” trên đài phát thanh CBC. Người ta đã mang con số sách họ có thể đọc được trong năm nhân với số năm, họ nghĩ, còn lại trong đời để sống và đọc. Kết quả của bài toán này là một con số quá nhỏ.

Robert Fulford, nhà bình luận văn hóa của tờ National Post, vẫn lấy lời căn dặn của học giả Northrop Frye làm kim chỉ nam. Frye bảo rằng mọi người nên để dành mỗi ngày từ hai đến ba tiếng đồng hồ đọc sách. Trong thực tế, ông Fulford “đọc thật nhiều và tôi có thể đọc trong vòng từ ba đến bốn tiếng một ngày và có thể không đọc gì cả trong ngày kế tiếp.” Ông là mẩu người đọc điển hình mắc chứng lo. Ông khám phá ra nếu không lái xe, nếu dùng các phương tiện di chuyển khác như xe buýt, xe tắc xi... ông sẽ có thêm thì giờ đọc. Và “người ta có thể làm gì khác hơn trên thang máy?” nếu không dùng thì giờ này để đọc. Ông đăng ký mua bốn tờ nhật báo, hai tờ tuần báo TLS và New Yorker. Chưa hết, ông mua thêm một mớ nguyệt san ở các sạp báo và không ngừng chuyển sách về nhà. Ông thú nhận hiện đang đọc cùng lúc bốn quyển sách!

Với những người như Jonathan Yardley, đọc sách như một nghề nghiệp, việc làm thật dễ nản nếu một tác phẩm được chọn để đọc không mang lại một đôi điều thú vị nào đó đền bù lại. Trên tờ Washington Post, ông Yardley phải cung cấp hai bài điểm sách hàng tuần cộng thêm một cột báo thường xuyên nói về việc đọc. Ở Hoa Kỳ, hàng trăm ngàn người đã dựa vào ý kiến trong bài viết của ông để chọn (hoặc không) sách đọc.

Đọc là một kinh nghiệm, một thói quen cá nhân. Và không thiếu những cố gắng mong biến những kinh nghiệm và thói quen này thành tập thể. Trong số này phải kể đến quyển The Pleasures of Reading in an Ideological Age (1990) của Robert Alter và quyển Great Books (1997) của David Denby. Và gần đây nhất là quyển How to Read and Why (2000) của Harold Bloom. Cố gắng khuyến đọc (và khuyến học) này, từ kinh nghiệm và thói quen cá nhân, hẳn nhiên không bao giờ hoàn hảo. Chúng bổ túc cho nhau và là một minh chứng cho điều Judith Shulevitz đã viết, “Đọc, như một hành vi, luôn luôn liên đới nhưng không bao giờ đơn độc.” (How to Read a How-to-Read Book, New York Times, 27 tháng Giêng, 2002). Tác giả của loại sách này là những người “đáng kính,” theo Shulevitz, “Họ cho phép chúng ta nhìn qua vai họ, nhưng không bao giờ buộc chúng ta để họ nhìn qua vai chúng ta.” Ở đó, là sự phân biệt hay - dở (khéo x - vụng về) trong các sách chỉ dẫn “đọc sách thế nào.”

Những điều được viết ra dường như còn nhằm đối phó một tình trạng chung, khắp nơi, mọi dân tộc, về điều đáng sợ ngày càng phổ biến là sau khi học xong trung hay đại học, người ta không còn chịu đọc sách nữa.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: