Thiếu nhi đọc sách - cần có sự hướng dẫn khoa học

03:51 CH @ Thứ Ba - 04 Tháng Ba, 2014

Tương lai đất nước ở trong tay thế hệ đang lớn lên. Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Thế hệ đang lớn lên sẽ ra sao tuỳ thuộc phần lớn vào công tác giáo dục. Những phẩm chất gì xã hội muốn đòi hỏi ở người lớn sau này thì hiện tại chúng ta phải giáo dục cho trẻ em. Đối với giáo dục trẻ em, sách báo luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bà Krupskaia đã nhấn mạnh: “Sách thiếu nhi là yếu tố quan trọng bậc nhất”. Cũng giống như trong học tập hay vui chơi, trẻ em đọc sách cần phải có sự hướng dẫn.

Trước hết cần xác định rõ lứa tuổi thiếu nhi là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành thế giới quan và mở rộng hiểu biết của các em. Sách đối với thiếu nhi về một phương diện nào đó còn cần hơn sách đối với người lớn. Vì các em còn nhỏ, phạm vi hoạt động còn bị hạn chế, điều đó không cho phép các em mở rộng thế giới quan và tích luỹ vốn kinh nghiệm phong phú, do đó sách là phương tiện tốt nhất giúp các em tiếp thu dần những tri thức cần thiết trong đời sống. Sách còn có tác dụng bổ sung và kế tục việc học của các em ở trường, góp phần nâng cao chất lượng học tập và trong chừng mực nào đó giúp khắc phục những thiếu sót của chương trình chính khoá. Chính ở ý nghĩa này, bà Krupskaia đã khẳng định :”Sách cần cho thế hệ đang lớn lên không kém gì trường học”. Việc đọc sách còn giúp những em không có điều kiện đến trường vẫn có thể học tập, giúp luyện cho các em thói quen tự học, tự nghiên cứu những vấn đề mình ham chuộng, say mê. Mặt khác, sách không chỉ giúp các em nắm những kiến thức khoa học cơ bản mà còn góp phần giáo dục thị hiếu thẩm mỹ.

Hướng dẫn thiếu nhi đọc sách là một công việc phức tạp vì nó liên quan tới đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Căn cứ vào những công trình nghiên cứu tâm sinh lý học và kinh nghiệm giáo dục, người ta chia quá trình phát triển của trẻ em ra làm 5 thời kỳ: Thời kỳ sơ sinh, thời kỳ 1-3 tuổi, 4-6 tuổi, 7-12 tuổi, 13-16 tuổi.

Việc hướng dẫn đọc sách cho trẻ em nên bắt đầu từ thời kỳ thứ 3 là phù hợp. Mỗi thời kỳ có đặc điểm tâm, sinh lý riêng và việc hướng dẫn các em đến với sách và đọc sách phải dựa trên những đặc điểm đó. Ví dụ, thời kỳ trẻ từ 4-6 tuổi, các em rất non nớt, hầu như chưa hiểu biết gì về cuộc sống. Ký ức và tưởng tượng của các em cũng phát triển, tư duy mang tính cụ thể, các em rất thích chuyện cổ tích, thần thoại và hay lẫn lộn giữa những cái trong tưởng tượng và những cái trong thực tế. Vì vậy, cần chú ý giáo dục cho các em quan điểm “hiện thực” đối với loại truyện này. Mặt khác, với nhận thức của các em, vạn vật còn bí ẩn khiến các em muốn tìm hiểu, vì vậy sách đối với lứa tuổi này cần hết sức hiện thực, không phải chỉ có thế giới của sinh vật với hoa lá, chim muông mà sách còn phản ánh cả sinh hoạt của con người trong những hoạt động và hoàn cảnh khác nhau. Ngoài nội dung gần gũi, dễ hiểu, sách cho các em ở lứa tuổi này còn đòi hỏi hình ảnh đẹp đẽ, sinh động, ngôn ngữ trong sáng và chính xác.

Việc lôi kéo trẻ em đến với sách về một mặt nào đó chưa phải là điều khó vì phần lớn các em đều thích sách. Vấn đề là ở chỗ các em đọc những sách gì. Không cần nói tới những sách có nội dung không tốt, ngay cả những cuốn sách tốt mà không biết sử dụng cũng không đem lại lợi ích cho trẻ mà ngược lại còn có thể gây hại cho cả cơ thể và tâm hồn các em. Bởi vậy, không những chúng ta phải “gây men” hứng thú mà còn cần hướng dẫn các em biết cách chọn sách, đọc sách và cao hơn nữa là biết sử dụng thư viện.

Chọn sách.
Ở thiếu nhi, nhận thức còn non nớt, sự phân biệt điều tốt-xấu còn ở mức độ thấp. Vào độ tuổi này, sách với các em như con dao hai lưỡi, nó có thể xây dựng tư tưởng, đạo đức, giáo dục những phẩm chất tốt, mà cũng có thể làm các em có những nhận thức, những đánh giá sai lệch về nhiều vấn đề. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nội dung sách báo rất phong phú, phức tạp, khối lượng ngày càng lớn mà khả năng tiếp thu của trẻ là có hạn nên việc người lớn chọn sách cho các em là cần thiết. Sách báo cho thiếu nhi là công cụ giáo dục có tác dụng rất lớn, bởi thế, nội dung của nó phải hướng vào những mục tiêu cụ thể sau:
- Giáo dục các em sống có lý tưởng, có đạo đức
- Giáo dục những kiến thức căn bản và cập nhật các kiến thức mới, xây dựng cơ sở để các em phát huy tài năng, năng lực của mình
- Giáo dục tình cảm thẩm mỹ lành mạnh, có năng lực sáng tạo và biết thưởng thức cái đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống và trong lao động.

Việc chọn sách là cần nhưng không nên đặt ra một giới hạn quá hẹp ảnh hưởng tới tính tự động, tự chủ của các em. Có thể và nên chọn một số sách tốt và dành cho các quyền được lựa chọn trong số sách đó theo sở thích, nhu cầu của mình. Tốt hơn cả là nên khéo léo giới thiệu cho các em và để các em tự lựa chọn.

Đọc sách.
Đã có sách tốt, nhưng phải biết cách đọc. Trẻ em thích sách, nhưng rất nhiều em không biết cách đọc sách. Các em thường đọc vội vã, hấp tấp hoặc đọc ngấu nghiến mà không suy nghĩ gì. Đọc sách không đúng mức, không hợp vệ sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới việc phát triển năng lực một cách bình thường và còn có thể làm hỏng năng lực, tổn hại sức khoẻ (suy yếu trí nhớ, giảm khả năng tập trung tư tưởng, giảm thị lực...)
Nhưng làm thế nào mới là đọc sách có hiệu quả nhất?

Đọc sách có hiệu quả nhất là khi đọc xong một cuốn sách phải có khái niệm rõ ràng về toàn bộ nội dung cuốn sách đó, phải nhận thức được tác giả muốn nói gì và biết phân biệt để rút ra được những điều chủ yếu nhất, cơ bản nhất. Muốn các em đọc tốt, cần chú ý những điểm sau đây:

1. Giáo dục các em có ý thức trong việc đọc sách: Phải làm cho các em hiểu rằng sách không phải là nguồn cung cấp những cái có sẵn mà là những ý tưởng, những sự việc trình bày trong sách chỉ là tài liệu để khởi động tư duy. Như thế, các em sẽ tự suy nghĩ và có thái độ nghiên cứu một cách tự lực, nghiêm túc đối với những vấn đề các em cần tìm hiểu, đối với những vấn đề các em say mê.

2. Giáo dục các em rèn luyện năng khiếu và thói quen hệ thống hoá kiến thức. Rèn luyện năng khiếu thường xuyên một mặt để củng cố hứng thú của các em, mặt khác để phát huy những yếu tố cần thiết cho việc hình thành tài năng trên cơ sở những năng khiếu sẵn có trong các em. Thói quen hệ thống hoá kiến thức là điều kiện rất cần để nâng cao năng lực tiếp thu và bảo đảm cho các em việc làm chủ vốn kiến thức của mình.

3. Giáo dục phương pháp đọc sách. Có rất nhiều phương pháp đọc. Có cách đọc trọng tâm, trọng điểm, có cách đọc toàn bộ, các đọc nghiền ngẫm, đúc kết và có cách đọc lướt, đọc qua... Phương pháp đọc tuỳ thuộc vào mục đích đọc. Khi các em đã đọc sách với ý thức và mục đích nhất định thì ngay việc đọc lướt, đọc qua cũng không phải là hiện tượng đáng phê phán, ngược lại có thể coi đó là một phương pháp đọc để tìm hiểu sơ bộ về một cuốn sách. Đọc có nghiền ngẫm, đúc kết đòi hỏi các em phải ghi chép và làm thu hoạch sau khi đọc. Với các em, những việc này cần được hướng dẫn tỷ mỷ.

Giáo dục phương pháp đọc sách còn là việc hướng dẫn các em biết cách tìm hiểu một cuốn sách. Điều này có nghĩa là hướng dẫn các em biết sử dụng lời nói đầu, lời tựa hay lời giới thiệu tóm tắt để tìm hiểu đề tài, chủ đề hoặc nội dung sơ bộ của cuốn sách, hướng dẫn các em sử dụng những chú thích, những bảng tra cứu để làm sáng tỏ thêm nội dung hay những thông số về cuốn sách để việc tìm kiếm sách tại thư viện hay kho lưu trữ khi cần thiết được dễ dàng hơn.

Chọn sách, đọc sách đều phải được hướng dẫn đầy đủ, cẩn thận tuy nhiên không nên có sự quan tâm thái quá, dễ gây cho các em cảm giác căng thẳng, gò bó dẫn đến giảm dần hứng thú đọc sách của các em

Trang Thu. Sách và đời sống số 2.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác