Người Sài Gòn "bạo" tay mua sách

08:41 SA @ Thứ Ba - 05 Tháng Bảy, 2005

Năm 2003, nhà sách Trí Tuệ đưa về một bộ Đại từ điển Phật học Huệ Quang (cảo bản) 10 tập, giá 1,5 triệu đồng. Tưởng bán chậm, ai ngờ cuối cùng lại...thiếu hàng!

Trên thực tế không chỉ có sách nghiên cứu giá đắt như vậy mà vẫn hút hàng, các loại sách khác cũng đang bán rất chạy trên thị trường thành phố.

Một chủ nhà sách ở Hà Nội vào TP.HCM trong dịp hội sách vừa qua đã phải thốt lên: ¿Người Sài Gòn mua sách nhiều quá!¿. Vâng, mua sách, đó là một đặc điểm văn hóa của người Sài Gòn.

Giàu sách

Khi điều kiện kinh tế trở nên sung túc, người ta tìm đến sách nhiều hơn để bổ sung vào khối lượng kiến thức của mình.

Một cán bộ của Công ty Phát hành sách (Fahasa) TP.HCM cho biết ngay từ những năm 1995 - 1996, bộ sách kiến trúc và trang trí nội thất của nước ngoài do Fahasa nhập về, giá bán đến 9 triệu đồng, ¿tưởng đem về vài ba bộ để các trường đại học hoặc thư viện mua, nhưng lúc ấy cũng có người bỏ tiền ra mua bộ sách quí giá đó¿.

Giới trí thức ở Sài Gòn cũng là những người mua sách ¿không tiếc tay¿. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân sưu tầm đầy đủ các bộ sách như Quốc triều chính biên, Phủ Biên tạp lục, Đại Việt thông sử, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam quấc âm tự vị... Những quyển sách này giá rất đắt, và không phải ai cũng có thể tìm được những bản in từ thời xưa.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm tư liệu về đồ tượng học, sách về Kim cương thừa của Phật giáo.... rất nhiều. Những nhà nghiên cứu ấy khi thấy quyển sách thuộc đề tài mình quan tâm thì ¿phải mua cho bằng được¿. Khi người ta quí sách, đọc sách, dùng sách và xem sách như một tài sản giá trị cao thì chuyện bỏ tiền ra mua âu cũng rất đỗi bình thường.

Môi trường...mua sách

Ông Phạm Minh Thuận - phó giám đốc Công ty Fahasa TP.HCM - nhìn lại quá trình mua sách của người Sài Gòn và nhận định rằng sức mua của bạn đọc tăng lên rõ rệt vào những năm 1990, khi chúng ta tiến hành mở cửa, và tăng nhanh vào những năm 1995 - 1996.

¿Khi ấy, các sách ngoại văn vào thị trường VN chỉ qua đường của Xunhasaba, nhưng Fahasa cũng đã cử cán bộ của mình sang tận Singapore, Thái Lan để vào từng cửa hàng sách, lựa mua sách đem về bán cho bạn đọc VN¿.

Đi đầu trong công tác phục vụ bạn đọc như thế cũng xuất phát từ việc đánh giá đúng nhu cầu người mua sách. TP.HCM hiện có hơn 1.400 đại lý bán sách tư nhân, 3.900 nhà sách trên địa bàn thành phố, mật độ cửa hàng sách ở thành phố cao nhất so với cả nước.

Điều này thể hiện sức mua sách của người Sài Gòn rất cao. Người đọc năng động, muốn tiếp cận tri thức nhanh nhất; người làm sách cũng năng động, cũng muốn đáp ứng nhu cầu của người đọc nhanh nhất. Sự gặp nhau đó tạo nên môi trường mua bán sách và qua đó sức mua của người Sài Gòn thể hiện rõ trong doanh thu của từng nhà sách.

¿Hiện nay mặt bằng dân trí tăng lên và khu vực phía Nam bắt đầu tiêu thụ sách nhiều. Trong hội sách vừa qua có những đoàn cán bộ đến từ đồng bằng sông Cửu Long, như tỉnh Vĩnh Long đưa 15 cán bộ nghiệp vụ lên mua sách, Cần Thơ cũng có người lên mua¿, bà Quách Thu Nguyệt, giám đốc NXB Trẻ, cho biết như thế.

Nhận định về điều này, nhiều người đều thống nhất rằng Sài Gòn là cái nôi của báo chí, của văn hóa đọc hằng ngày nên người dân đã có thói quen bỏ tiền mua sách từ lâu rồi. Để sách trong nhà cũng là một tập quán tốt.

Đặc biệt hơn, theo phân tích của giới làm sách tại TP.HCM, để có được một môi trường bán sách tốt, bạn đọc ở đó phải đảm bảo hai điều kiện: mặt bằng tri thức cao và có khả năng tài chính.

Chị Đỗ Hương, cán bộ của NXB Kim Đồng từ Hà Nội vào TP.HCM, đã có nhận xét: ¿Trong này người dân mua sách nhiều thật. Ngoài Hà Nội có tổ chức hội sách nhưng khách hàng mua không nhiều¿.

Rõ ràng mặt bằng tri thức của người dân ở các vùng khác có thể rất cao, nhưng để có thể bỏ tiền túi ra mua sách nhiều và ¿bạo tay¿ như những trường hợp kể trên thì người Sài Gòn là phổ biến hơn cả.

Nguồn:Tuổi trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác