Những cuốn sách kinh điển và văn hóa đọc hiện nay
“Muốn có văn hóa thì phải được giáo dục, định hướng, bồi dưỡng nhưng bạn đọc của ta hiện nay phần nhiều bối rối, bất lực và lạc lối giữa biển sách đủ loại, đủ màu sắc, hay-dở, tốt-xấu, thật -giả lẫn lộn”, dịch giả Đoàn Tử Huyến nói.
Cách đây 20 năm, trong 2 năm nằm trên giường bệnh, dịch giả Đoàn Tử Huyến (DG ĐTH) đã dịch kiệt tác “Nghệ nhân và Margarita” của một trong những nhà văn được đánh giá là lớn nhất và kỳ bí nhất của nước nga: Mikhail Bulgacov. Có thể nói, công trình dịch thuật lớn nhất và công phu nhất ông được in bằng tiếng Việt tại Nhà xuất bản Cầu Vồng ngay khi bắt đầu trào lưu Cải tổ ở Liên Xô và Đổi mới ở Việt Nam. Và sau 10 năm nữa nó được tái bản (trong Tuyển tập văn xuôi M. Bulgacov) với lượng in 1.000 bản, nhưng theo lời dịch giả lúc đó kiêm cả vai trò “đầu nậu” Đoàn Tử Huyến thì cuốn sách phải tiêu thụ trong vòng 10 năm mới hết.
Mới đây nhân kỷ niệm 65 năm ngày tác phẩm ra đời, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông - Tây liên kết với NXB Lao Động tái bản kiệt tác này với hy vọng đưa một giá trị văn chương xuất chúng đến gần hơn nữa với bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là bạn đọc trẻ tuổi.
Sự thật là chưa bao giờ sách được xuất bản và phát hành rộng rãi trên thị trường như hiện nay. Điều đó đã chứng tỏ, văn hóa đọc không hề chững lại, không hề mất đi trong đời sống kinh tế thị trường. Trái lại, xét ở một góc độ nào đó, con người sau khi đã bão hòa với văn hóa nghe nhìn, có vẻ như văn hóa đọc đang dần trở lại và ổn định trong sự phát triển của xã hội.
Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là số phận, vị trí của những cuốn sách quý, có giá trị trong đời sống văn hóa đọc hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Đoàn Tử Huyến - Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông- Tây, nơi trong những năm qua đã tổ chức xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị được bạn đọc ghi nhận về vấn đề này.
- Thưa ông, có một sự thật là chưa bao giờ sách được xuất bản và phát hành rộng rãi như hiện nay, đi đâu ta cũng gặp sách: trong các nhà sách sang, trong những quán sách bụi, sách bày vỉa hè, sách lang thang bán dạo.... Nhưng mặt khác, ta lại cũng nghe không ít lời than rằng lớp trẻ ngày nay đọc sách quá ít, văn hóa đọc đang ngày càng tàn lụi, bị văn hóa nghe nhìn lấn lướt... Vậy thực chất của nghịch lí này là ở đâu?
- Có hiện tượng bề ngoài như thế, nhưng tôi không coi đây là nghịch lí. Quả là sách được in ra nhiều hơn, và số thời gian con người dành cho việc đọc ít đi, vì còn bao nhiêu thứ khác: truyền hình, báo chí, phim ảnh, ca nhạc... Nhưng tôi khẳng định rằng văn hóa đọc hiện nay vẫn tồn tại và thậm chí phát triển chứ không phải đang tàn lụi. Không phải căn cứ vào số lượng người đọc hoặc số thời gian đọc mà định giá văn hóa đọc, mà là qua chất lượng đọc, đọc cái gì, đọc như thế nào, đọc để làm gì. Bây giờ biểu tượng văn hóa đọc (người Việt) không phải là hình ảnh cậu bé cầm sách ngồi vắt vẻo lưng trâu. Đọc sách bây giờ có thể là những thư viện sang trọng, những cỗ máy tính (xách tay càng tốt)... Không cần phân định quá rạch ròi rồi e ngại văn hóa nghe nhìn. Mà quan sát thế giới, các nước tiên tiến Âu, Mỹ, xem văn hóa nghe nhìn của họ phát triển hơn mình rất nhiều, nhưng người ta vẫn đọc sách, văn hóa đọc của họ có mất đi đâu.
- Thưa ông, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông-Tây đưa việc xuất bản các loại sách có giá trị văn hóa cao của thế giới thành chủ trương hẳn hoi, và đã tiến hành bền bỉ gần chục năm nay, vậy có phải điều đó chứng tỏ độc giả hiện nay không hề quay lưng lại với những cuốn sách được xem là “nằm phủ bụi” trên giá sách của các thư viện?
- Chúng tôi là một tổ chức phi chính phủ tự nguyện đặt cho mình nhiệm vụ làm chiếc cầu nối nhỏ giữa các nền văn hóa Đông - Tây, giới thiệu tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam và ngược lại. Qua nhiều năm tồn tại và hoạt động trong những điều kiện khó khăn, chúng tôi đã và đang tổ chức xuất bản nhiều tủ sách, bộ sách triết học, văn hoá, lịch sử có giá trị, nhiều tác phẩm và tuyển tập tác phẩm của các nhà văn lớn trên thế giới.
Xin kể vài cuốn gần đây thôi: đó là “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Lê Quang Định, bộ sách quí được soạn vào đời Gia Long nhưng 200 năm rồi chưa được dịch và phổ biến rộng rãi; là “Siêu lý tình yêu”, những tác phẩm triết- mỹ chọn lọc của nhà triết học hàng đầu nước Nga V. Soloviev; là “Tủ sách Nobel Văn học” đến nay đã ra được ba cuốn là “Các nhà văn giải Nobel”, “Tuyển tập tác phẩm Y. Kawabata” (Nhật Bản) và “Tuyển tập tác phẩm Cao Hành Kiện” (Quốc tịch Pháp gốc Trung Quốc); là “Nghệ Nhân và Margarita” của M. Bulgacov, một trong những đỉnh cao nghệ thuật ngôn từ Nga do tôi dịch...
- Hình như loại sách này Trung tâm của ông làm để cho sang trọng “tên tuổi” mình lên chứ thực tế nhìn những cuốn sách dày cộp, nặng vài cân, giá tiền hàng trăm ngàn đồng trở lên, thậm chí cả triệu, với những cái tên không phổ biến lắm, quả là rất “ khó đọc” và “khó bán”?
- Không phải thế đâu. Tôi tin rằng sức sống của những cuốn sách này sẽ mãi còn trong văn hóa đọc Việt Nam, dẫu đó không phải là những cuốn sách thuộc loại phổ biến rộng rãi trong bạn đọc. Đúng là những cuốn sách này chúng tôi chỉ in được với số lượng trên dưới 1.000 bản và phát hành chủ yếu vào các thư viện và cho các nhà nghiên cứu cùng những ai yêu thích và quan tâm.
Làm những bộ sách này chúng tôi chủ yếu muốn để những giá trị văn chương, học thuật, tư tưởng của cha ông cũng như của chung nhân loại, đến được tay bạn đọc đang cần tri thức mà trong thực tế còn chưa được quan tâm. Tuy nhiên, để “sống” được, bên cạnh loại sách này, chúng tôi còn bắt buộc phải làm loại sách có tính thương mại để kinh doanh. Có thế chúng tôi mới “nuôi” được bộ máy Trung tâm, thực hiện được chủ trương chính là xuất bản những cuốn sách cao cấp mà khó bán khác. Cái khó của chúng tôi là làm thế nào để cân bằng được hai thái cực này.
- Ví như cuốn “Nghệ Nhân và Margarita”, nghe nói 10 năm trước đây ông in 1.000 cuốn và bán mãi không hết. Bây giờ ông lại tái bản và toàn bộ nhuận bút ông lấy bằng sách để tặng cho tất cả những ai thích đọc. Có phải ông làm như vậy vì văn hóa đọc, hay vì ông... thích cho cá nhân ông?
- Tôi mong đưa được tác phẩm này đến gần hơn nữa với bạn đọc Việt Nam, nhất là bạn đọc trẻ, thế hệ mà tôi hy vọng dễ dàng tiếp cận với nó hơn. Đáng buồn là sau 20 năm cuốn sách có mặt ở Việt Nam, tôi vẫn chưa được đọc một bài phê bình, chứ chưa nói đến một công trình nghiên cứu nào bằng tiếng Việt viết về nó cả. Thực tế là cuốn sách này khó đọc.
Có thể nói, tôi đã tặng bạn đọc tiếng Việt nói chung một bản dịch khá công phu của tôi, và giờ đây tôi sẵn sàng tặng cả phần “vật liệu” làm nên ấn phẩm này cho những người cụ thể mong muốn đọc nó. Đương nhiên, cho tất cả mọi người như chị nói thì không thể, nhưng một số thì... không có vấn đề gì! Tôi làm như vậy là vì tôi thích, nhưng tôi thích có thêm nhiều người đọc được tác phẩm hay, và như vậy lại chính là vì văn hóa đọc.
- Ông cho rằng cần phải có một sự định hướng cho bạn đọc, và có cách để nâng cao dần trình độ bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ, giúp họ tiếp cận được những cuốn sách kinh điển?
- Đây là điều tôi muốn nói tới. Trong mọi lĩnh vực quản lí và tổ chức các hoạt động xã hội, vai trò của nhà nước là hết sức quan trọng. Hoạt động văn hóa đọc cũng vậy. Xã hội tri thức cần phải có các tổ chức, cơ quan làm nhiệm vụ định hướng cho bạn đọc tìm đến với những cuốn sách hay, sách có giá trị, sách cần cho mọi người, mỗi người.
Ở Việt Nam ta, nói một cách nghiêm khắc, việc xuất bản sách tốt, phát hành và đọc sách tốt đang bị thả nổi, gần như tự phát hoàn toàn. Về xuất bản chắc là một câu chuyện khác, ở đây tôi chỉ nói về việc đọc, hay như chị nói, văn hóa đọc. Muốn có văn hóa thì phải được giáo dục, định hướng, bồi dưỡng chứ. Bạn đọc của ta hiện nay phần nhiều bối rối, bất lực và lạc lối giữa biển sách đủ loại, đủ màu sắc, hay-dở, tốt-xấu, thật -giả lẫn lộn.
Ở các nước văn minh từ hàng trăm năm nay đã có những cơ quan ngôn luận, những tạp chí giới thiệu sách rất đáng tin cậy, do những chuyên gia có uy tín phụ trách. Sách của họ chắc chắn nhiều hơn của ta, nhưng người đọc nhờ đó mà dễ dàng tìm được cái mình cần. Còn ở ta, nói đúng ra không phải không có những cơ quan có chức năng, tôn chỉ như vậy, nhưng được thực hiện bởi những bàn tay nói thẳng ra là chưa đáng tin cậy hoặc là về trình độ, hoặc là về trách nhiệm. Xuất bản, phát hành sách phải là văn hóa, đọc sách là tìm đến văn hóa, còn định hướng cho người ta đến với văn hóa thì càng phải có văn hóa cao. Nhưng thử hỏi bạn đọc về mấy tờ tạp chí Sách của Việt Nam xem...
Mới đây có một sự kiện lý ra đáng mừng, có thể “tôn vinh văn hóa đọc”, “tôn vinh giá trị cao quí của sách Việt Nam”, là lễ trao giải Sách Việt Nam lần thứ nhất, nhưng người ta đã thực hiện tùy tiện, để rồi rồi chìm nghỉm, chẳng để lại tiếng vang, chẳng giúp ích gì cho văn hóa đọc...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005