Nỗi xấu hổ của sách
Từ "Harry Potter" rởm
Các độc giả nhí đang đọc Harry Potter khổ nhỏ của NXB Trẻ thì đùng một cái Harry Potter khổ lớn của NXB Văn hoá Thông tin nhảy ra sạp. Người ngoài cuộc có thể chẳng cần biết đến chuyện nội bộ là không hiểu Trẻ có giành được độc quyền dịch J.K.Rowling thật hay không, song một điều ai cũng dư biết là VHTT đã "chơi bẩn". Và cho dù nghe nói nhà này đã nhận lỗi và có công văn thu hồi hai tập "Harry Potter và mệnh lệnh phượng hoàng" (liên kết với nhà sách Minh Thắng) song hàng thì vẫn thấy bày ê hề ngoài sạp. Chửa thấy ai đến thu hồi. Hỏi người bán hàng thì chỉ thấy cười ý nhị: "Bẩn thì bẩn thật, nhưng mà ai bảo Trẻ ăn "tham" quá, cho chết".
Trẻ "chết" hay không thì chưa biết. Chỉ biết khối độc giả đã "chết" trước vì trót mua sách. Thật sự hai tập sách của VHTT+ tư nhân mang đầy đủ phong cách của sách "chôm chỉa". Sách dịch sai, dịch ẩu và có nhiều sạn đến mức xấu hổ. (Không hiểu dịch giả nào đó cũng đang tâm nhảy vào địa hạt chữ nghĩa khá công phu mà Lý Lan đã giăng ra làm chi cho khổ?) Từ bìa lớn đến bìa nhỏ cũng đều viết sai là "Harry Porter"(!), bản in nói là dựa vào bản của NXB Giáo dục, New York tháng 1.2003, nhưng ai cũng biết Harry Potter được phát hành trên toàn thế giới vào tháng 7. Song đó chỉ là những sai sót phụ. Tệ nhất là tất cả những thuật ngữ, những từ mới mà J.K.Rowling sử dụng đều được dịch một cách cẩu thả, sai lỗi...
Thí dụ: You-Know-Who - từ được dùng để chỉ Phù thuỷ hắc ám Voldermort được dịch ngớ ngẩn là Mi-Biết-Ai; Lord Voldermort mang hàm nghĩa là "Chúa tể" thì được dịch là "Huân tước Voldermort"; Lũ dementor mà Lý Lan đã bám vào văn bản để dịch là "lũ giám ngục" thì ở đây được gọi là "lũ quỷ điên" rất tầm thường (dù gốc demens cũng có nghĩa là điên); tên nhân vật thì lúc là Dooby lúc lại là Dobby; và Dobby House-elf được Lý Lan dịch khéo là "gia tinh" thì ở đây là "yêu tinh trong nhà"! Tuy nhiên, tệ hơn cả là bản "Porter" rởm hoàn toàn bỏ không dịch tất cả những từ thật sự là "đặc sản" của Harry Potter, khiến cho độc giả không biết đâu mà lần. Những câu đại loại như: "Đó chỉ là một boggart"; "Tôi là một Squib"; "Tôi không thể Apparate"; "do một người nào đó thực hiện Apparate hoặc Disapparate gây ra"; "việc thiết lập một Portkey trái phép là quá nguy hiểm", "chị là một Auror à?" nhiều vô kể... Ngoài chuyện thuật ngữ, bản dịch lậu cũng chứng tỏ sự kém cỏi của người dịch trong kiến thức: môn học Stealth (Tàng hình) thì được dịch là "theo dõi kín", Tracking (theo dõi) thì dịch là môn "lần theo dấu vết", một con gia tinh thì được xưng là "ông", và "ông ta" một cách rất ngớ ngẩn (một bản dịch ngô nghê về đại từ nhân xưng và làm mất hết sắc thái biểu cảm của nguyên bản); Society for the Promotion of Elfish Wellfare thực chất là hội xúc tiến (hoặc bảo vệ) quyền lợi cho gia tinh thì được dịch ngây ngô thành: "Tổ chức Xúc tiến Trợ cấp cho yêu tinh"... Những hạt sạn kiểu đó nhiều vô thiên lủng không thể liệt kê hết được... và chắc chắn sẽ khiến lũ trẻ và các fan của Harry Potter gẫy răng mà quẳng sách vào sọt rác.
Đến sách... lừa
Sách lừa ở đây là cuốn "100 cuốn sách ảnh hưởng khắp thế giới" của NXB Hội Nhà văn (HNV) hình như cũng liên kết với tư nhân. Sách tiêu biểu cho nạn dịch sách Trung Quốc tràn lan bậy bạ đáng xấu hổ hiện nay. Ngay tiêu đề đã "tà lưa" độc giả vì thực chất nó được dịch từ cuốn "Những kiệt tác thế giới được dịch ra chữ Hán". Đây là một trong những sách dịch tệ hại nhất mà người viết bài này mua... hớ. Ngoài chuyện các tác phẩm dịch không tiêu biểu và không thật sự "ảnh hưởng khắp thế giới" vì nguyên bản tiếng Trung đâu có theo tiêu chí đó, độc giả sẽ thấy một thứ văn dịch hổ lốn ngọng nghịu như trẻ tập nói. Ngay từ cái tên sách trở đi cũng sai.
Vài thí dụ: tác phẩm lớn của nhà phân tâm học Sigmund Freud là A General Introduction to Psychoanalysis (Phân tâm học nhập môn - đã có bản tiếng Việt) được dịch là: "Dẫn luận phân tích tâm thần"; rồi cuốn Beyond the Pleasure Principle (Bên kia nguyên tắc khoái lạc) được dịch thành "Cõi mơ ước của nguyên tắc khoái lạc"; The ego and the Id (Cái tôi và bản năng) được dịch là "Tự mình và nguyên mình"... Dịch sai đã tệ, cuốn sách còn lừa cả độc giả ở chỗ hoàn toàn bịa ra vì chắc chắn dịch giả đã không biết tên thật của tác phẩm. Đó là trường hợp của triết gia Đức F.Nietzsche. Những người đã đọc Nietzsche chắc phải ngỡ ngàng vì Nietzsche đâu có viết cuốn nào có tên "Bàn về Promethée" như sách của HNV đề cập! Ngoài ra các tác phẩm của Nietzsche cũng được dịch lại sai một cách hết sức láo toét. Như cuốn "Beyond Good and Evil" (Bên kia bờ thiện ác) thì dịch thành "Bên kia tội ác", "The Will to Power" (Ý chí thống ngự) dịch thành "Theo đuổi ý chí sức thống trị"... Còn đại tác phẩm "Bàn về Promethée" hoá ra là cuốn "Thus Spoke Zarathustra" (Zarathustra đã nói như thế - bản tiếng Việt vẫn còn bày ê hề tại các nhà sách)! Một tội xuyên tạc đáng xấu hổ. Xuất phát từ nạn "Trung dịch". Nạn này đã phát triển tệ hại đến mức sách Tàu mua về được xé ngay ra thành nhiều tay, phát cho mỗi dịch "giả" một phần để làm cho nhanh. Và giả này lại phải hỏi giả kia quan hệ giữa các nhân vật để dịch "cô, dì, cậu, mợ..." cho nó cùng hợp!
Ngoài ra, cũng giống như thuốc trừ sâu TQ, quít TQ, trứng gà TQ, lúa TQ bóp chết thuốc nội, quít nội, trứng nội, lúa nội..., sách dịch TQ cũng đang bóp chết sách nội. Đến mức ngay cả những tủ sách danh nhân xưa như trái đất cũng được những NXB xơi lại sách dịch TQ. Như tủ sách danh nhân của NXB Giáo dục chẳng hạn. Như là VN bây giờ không hề biết soạn sách! Chưa bao giờ dịch sách trở thành nghề bát nháo như bây giờ!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh