Sinh viên và... nỗi buồn của sách!
Sách bị... thất sủng
"Đọc sách để bồi dưỡng tâm hồn á? Nghe sến lắm!"
Hơn 100 phiếu thăm dò, thu thập ý kiến về việc đọc sách đã được gửi đến sinh viên (SV) hai khối tự nhiên và nhân văn. Kết quả: rất nhiều SV cho rằng SV ngày nay ít đọc sách và lý do là không đủ tiền cũng như không có thời gian rỗi.
Hai điều được viện dẫn trên chung quy là vì nhu cầu đọc thấp, "có thì đọc, không thì thôi"; mà chữ viết, ngôn ngữ không phải là thứ thường được dọn ra sẵn như âm thanh, hình ảnh...
Đánh giá mức độ quan tâm của mình đối với sách, 70% SV cho là bình thường, 5% tự nhận "ít quan tâm", chỉ còn 25% có thể gọi là người... yêu sách. Đó phải chăng là sự thất sủng của sách vào thời đại mà văn hóa nghe nhìn lên ngôi?...
Lo ngại về điều này, nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức những phong trào khuyến khích đọc sách, không chỉ là ngày hội đọc sách được mở ra hằng năm ở Pháp; gần đây là chiến dịch "Cả thành phố cùng đọc một cuốn sách" (One city, one book) tại Mỹ.
Trên mạng Internet, người đọc toàn cầu cũng có thể tìm thấy ít nhất 25 triệu trang web mà nội dung xoay quanh vấn đề đọc sách, hướng dẫn và phát huy kỹ năng đọc, giới thiệu những quyển sách cần đọc cho từng đối tượng, đặc biệt là trẻ em và thanh niên... Trên những trang web này có rất nhiều lời kêu gọi kiểu như "hãy mở sách ra như mở mang trí tuệ của bạn"... Rõ ràng ai cũng muốn cứu vãn nền văn hóa đọc đang xuống cấp, chỉ có điều không biết những trang web này có được nhiều bạn trẻ viếng thăm hay không...
Giới trẻ ngày nay thường rất tự tin để lựa chọn cách sống cho mình, họ cũng muốn nhận thức cuộc sống bằng con mắt của chính mình. Nhưng có thể nhận thức được nhiều hơn không khi mà cảo thơm... không được lần giở nữa?
Sinh viên đã đọc gì?
Chuyện lấp lỗ hổng kiến thức hay bồi dưỡng tâm hồn bằng sách lại là chuyện của nghệ thuật đọc sách. Bởi như lời của André Maurois: "Đọc sách cũng như yêu đương, người ta chỉ tìm thấy những gì mình đem lại". Điều quan trọng là bằng cả trái tim mình, không ngừng hoàn thiện chính mình. Và khi ấy, chỉ với 1 tâm thế thật hồn nhiên, người ta mới càng dễ dàng thu nhiếp tất cả. Tất cả sách lúc ấy cũng chỉ là phương tiện - phương tiện giúp đời sống của mình đẹp hơn, phong phú hơn
Riêng với SV được thăm dò, không kể sách chuyên ngành (62% SV có đọc) loại sách được đọc nhiều nhất thật ngạc nhiên lại là truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%).
50% SV quan tâm đến văn học trong nước hơn (văn học nước ngoài: 30%, 20% không ý kiến), trong đó đến gần một nửa dành tình cảm nhiều nhất cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với Thằng quỷ nhỏ, Bàn có năm chỗ ngồi, Thiên thần nhỏ của tôi... Tác giả yêu thích của rất nhiều SV phần lớn là những tên tuổi đã đi vào sách giáo văn học Việt Nam.
Nhưng cũng ngậm ngùi thay, hầu hết SV này không đọc thêm sách văn học nào khác ngoài sách giáo khoa. Một số SV tự đánh giá là người "rất quan tâm" đến sách, yêu thích những tên tuổi như: Nguyễn Hiến Lê, Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Tư. Còn với thơ ca, vỏn vẹn có hai thi phẩm được nhắc đến là Tôi yêu em của Puskin và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Quỳnh Dao là tác giả nước ngoài được yêu thích nhiều nhất (14%), trong khi đó tác phẩm nước ngoài được nhiều bạn đọc yêu thích là Ruồi trâu (5% SV nhưng không ai nhớ được tên tác giả).
Nhiều SV hầu như không biết hoặc chẳng chú trọng gì đến các tác giả cũng thời đại với mình - những người mà có thể có cùng những nhu cầu, những băn khoăn như họ. Thế cho nên khi được hỏi các tác giả ngày nay nên tập trung viết đề tài gì, hầu hết SV trả lời rất chung chung như tình yêu, tình cảm gia đình xã hội (chỉ duy nhất một SV đề nghị nên viết nhiều hơn về chiến tranh); hoàn toàn không có những đòi hỏi gì về những đề tài nóng hổi hơi thở đời sống hiện đại.
Sách ơi... thôi đừng cao vọng !
Thi tiên Lý Bạch từng hào sảng: "Không sợ người đời không biết ngọc Kinh Sơn mà chỉ sợ trong lòng mình không có chứa quyển sách nào".
Trong lòng bạn chứa quyển sách nào? Trả lời cho câu hỏi "Tên tác giả và tác phẩm ưa thích nhất” là đã vẽ nên một nét diện mạo tâm hồn người đọc. Nhưng có đến 20% SV hoàn toàn không có ý kiến trong khi câu hỏi không khó tới độ không trả lời được nếu người ta đã từng có vài "mối tình vắt vai" với sách.
Bạn Đ.T.H., SV năm 3 ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói "Tôi có thích nhưng không nhớ nổi tên một tác giả nào!". N.M., SV khoa Sử, cho biết bạn chỉ đọc truyện tranh Conan và yêu thích... chỉ Conan.
Một bất ngờ khác nữa là quyển sách được SV đọc nhiều nhất thời gian gần đây là: truyện tranh Nữ hoàng Ai Cập (21%). Nhiều bạn đã say mê kể lại toàn bộ cốt truyện "không phải cổ tích, không phải viễn tưởng" này và tuyên bố: "Bảo đảm ai đọc cũng phải mê!", "Không đọc mới là lạc hậu!"
Một người bạn thuộc phường... yêu sách bảo: "Đọc sách bây giờ chỉ để giải trí thôi, chẳng ai nghĩ đến chuyện bồi dưỡng tâm hồn, nghe "sến" lắm?". Biết được qua cuộc thăm dò, giải trí cũng là mục đích cao nhất của những người đọc sách hôm nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn