Hồ Ngọc Đại - Nhà sư phạm dấn thân
Tiến sĩ tâm lý học GD Hồ Ngọc Đại từ học hỏi, mà dũng cảm đưa ra một cách cải cách GD có cơ sở khoa học và cơ sở triết học mạch lạc và có thể kiểm chứng được. Ông là nhà tư tưởng sư phạm.
Nhà khoa học nghĩ thật - làm thật
Tòa nhà 5 tầng tại số 52 phố Liễu Giai (Hà Nội) là nơi đặt trụ sở của Trung tâm Công nghệ GD. Còn ngôi trường đóng trên mảnh đất tại số nhà 50 liền kề đã từng là ngôi trường có tên gọi đúng với nội dung của nó: Trường Thực nghiệm Liễu Giai (gồm cấp tiểu học và trung học). Nay, ngôi trường dạy theo chương trình GD phổ thông thường.
Trong tòa nhà 5 tầng có một nhà khoa học sư phạm. Ngôi trường nằm bên cạnh hiện nay vẫn là địa điểm học tập của trên dưới hai nghìn học sinh mỗi năm.
Nhà khoa học đó là Tiến sĩ tâm lý học GD Hồ Ngọc Đại, từ học hỏi, mà dũng cảm đưa ra một cách làm cải cách GD có cơ sở khoa học (tâm lý học GD Xô-Viết) và cơ sở triết học (triết học biện chứng của Marx) mạch lạc và có thể kiểm chứng được. Hiểu theo nghĩa này, ông là nhà tư tưởng sư phạm.
Trường Thực nghiệm Liễu Giai đã từng là "phòng thí nghiệm" tư tưởng sư phạm của ông. Thí nghiệm tại đây đã từng có lúc được nhân rộng ra thành hàng ngàn phòng thí nghiệm trên khắp đất nước. Theo nghĩa này, ông còn là nhà thực hành sư phạm.
Nếu Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại dừng lại làm một nhà tư tưởng sư phạm, hẳn ông đương nhiên sẽ "lĩnh" một con rùa đá trong dự án Công viên Tiến sĩ trứ danh được khởi xướng năm nào!
Nhưng ông là một nhà khoa học nghĩ thật - làm thật.
Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học Giáo dục Hồ Ngọc Đại là một gương mặt đặc biệt của giáo dục Việt Nam. Năm 1978, ông được Chính phủ cho phép mở một trường học phổ thông để thực nghiệm ý tưởng giáo dục do ông lĩnh hội và đề xuất: Công nghệ GD (CGD). Năm 1985, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã cho phép nhân rộng trường thực nghiệm ra cả nước và cuối năm 1990 Chính phủ đã nghiệm thu đề tài CGD này. Năm 2001, CGD chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa bởi toàn bộ hệ thống giáo dục từ sau đó chỉ được phép dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất. Tháng 5 năm 2008, CGD có thể coi đã vĩnh viễn chấm dứt... bất kể là từ năm 2006 vẫn có tỉnh Lao Cai, và đến nay có thêm 6 tỉnh nữa (Sơn La, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Quảng Bình) xin mở lại CGD và đã được phép dùng sách Tiếng Việt lớp 1 CGD. |
Công trình thực nghiệm của ông - Trung tâm Công nghệ GD (tên viết tắt chính thức: CGD) - không còn phân vân gì nữa, dứt khoát là một hiện thực. Nó dứt khoát là một hồ sơ, nếu muốn gọi thế cũng được.
Bởi dù muốn dù không thì CGD cũng đã xảy ra, đã tồn tại, đã được thừa nhận. Có thể tránh né nó trong ngắn hạn, trung hạn, nhưng không thể tránh né nó mãi mãi chứ đừng nói là có thể xóa bỏ nó về mặt lý luận trừ phi xóa bỏ nó bằng một lý luận ở tầm cao hơn hẳn và được trắc nghiệm bằng thực tiễn. Có thể dùng CGD để so sánh, đối chiếu, bác bỏ một tư tưởng, một cách làm giáo dục lạc hậu.
Chẳng hạn, CGD không cải tiến lặt vặt mà cải cách nguyên lý GD. CGD thay nguyên lý cái cày chìa vôi bằng nguyên lý của cái máy cày chứ không thay cái cày chìa vôi lưỡi thép bằng cái cày chìa vôi lưỡi mạ vàng. Cách làm như thế vừa tốn kém vừa vô ích (lời Hồ Ngọc Đại).
Chẳng hạn, CGD đặt ra mục tiêu hiện đại hóa nền GD chứ không cải tiến cái hiện có. Trong xã hội cổ truyền ít biến động thì GD là công cụ duy trì cái hiện trạng. Vì thế toàn bộ những gì mà nhà trường cổ truyền cần đến chỉ là những mục tiêu (khẩu hiệu) chung chung, bất biến, siêu hình: Nhân cách, văn hóa, trí tuệ, đạo đức.
Mục tiêu là cái mà người ta nghĩ, tưởng tượng trong đầu. Còn làm thế nào để đạt được mục tiêu ấy thì không cần biết. Chỉ cần trông cậy vào cái may rủi. Trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm...
Nhà trường cổ truyền đào tạo một tầng lớp tinh hoa. Đi học là để vươn lên, để gia nhập tầng lớp tinh hoa. Như thế, nhà trường cổ truyền là nơi chuẩn bị cho tương lai. Nhưng nhiều nhất thì nhà trường cổ truyền cũng chỉ chuẩn bị được cho một phần trăm dân số nào đó mà thôi.
Nhà trường là nơi diễn ra cuộc sống thực của trẻ em
CGD chủ trương rằng nhà trường là nơi diễn ra cuộc sống thực chứ không phải là nơi chuẩn bị cho cuộc sống tương lai. Trẻ em tự mình làm ra sản phẩm GD. GD là lợi ích của bản thân trẻ em. Học nhiều thì có lợi ích nhiều, học ít thì có ít lợi ích, không học thì không có lợi ích nào cả (lời Hồ Ngọc Đại).
Tôi dám nói, rằng trong lịch sử GD chỉ có hai người nói ra được tư tưởng trên: Nhà giáo dục Mỹ, John Dewey và Hồ Ngọc Đại.
Kỳ lạ thay là một tư tưởng GD hiện đại đi kèm theo đó là một trắc nghiệm thực tiễn thành công mà lại gặp muôn vàn khó khăn đến thế đề tồn tại! Một lãnh đạo Nhà nước có lần đã buộc lòng phải hỏi Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại: "Ai chống lại Công nghệ GD?". Ông đáp: "Thưa, toàn những người tốt cả!"
Năm 2007 nhân kỷ niệm 30 năm Công nghệ GD, có người vẫn còn hỏi Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại một câu bâng quơ: "Thành tựu lớn nhất của 30 năm qua là gì?"
Phải chi hãy đặt câu hỏi như thế này: "Tại sao không giữ được thành tựu lớn nhất của 30 năm qua?"
Nhưng trong khi chờ đợi thì khoảng cách giữa Công nghệ GD mà GS. TS Hồ Ngọc Đại là người đại diện cùng các cộng sự đeo đuổi đến cùng, vừa say mê quyết liệt, vừa đau đớn; và GD lạc hậu không chỉ là một góc sân vận động. Đó là khoảng cách nói lên sự lạc hậu tuyệt đối về thời gian. Đó là khoảng cách giữa nhà trường hiện đại và kiểu nhà trường phổ thông ra đời lần đầu tiên tại nước Phổ vào năm 1717!
Điều đáng buồn là không ít người vẫn còn lưu luyến, vẫn còn tự ru ngủ với kiểu nhà trường này. Một khoảng cách lạc hậu hơn ba thế kỷ!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh