Phải thay cách làm giáo dục

03:51 CH @ Chủ Nhật - 21 Tháng Mười Hai, 2003

TTCN trích đăng phát biểu này như một ý kiến của cá nhân tác giả với mong muốn sẽ đón nhận được nhiều ý kiến tâm huyết khác đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước

Đường lối cơ bản

* Hướng đi: hiện đại hóa nền giáo dục theo hướng hội nhập với thế giới hiện đại.
* Cách làm: công nghệ hóa quá trình giáo dục.

Tôi nói hiện đại hóa, chứ không nói cải cách, không nói đổi mới, không nói chấn hưng.
Tôi nói công nghệ hóa như một cách làm mới, khác về nguyên lý so với tất cả các cách làm đã có từ trước đến nay, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục cho từng người học.

Tôi đến hội thảo này mang theo ba ý kiến:

  • Một, về đường lối cơ bản nhằm hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà.
  • Hai, về chuyên đề: chất lượng - qui mô - điều kiện vật chất.
  • Ba, đưa ra giải pháp

Mối tương quan giữa chất lượng - qui mô - điều kiện vật chất

Mối tương quan này được xử lý theo hướng nào và bằng cách gì?

Một, chất lượng giáo dục đo bằng gì? Tôi nghĩ không phải đo bằng điểm thi, không phải đo bằng bằng cấp và mọi thứ tước hàm nhận được từ phòng thi các cấp các cỡ.

Chất lượng giáo dục phải đo bằng sức lao động (năng lực thực tiễn) mỗi cá nhân nhận được từ  giáo dục nhà trường, đủ sức làm được một việc trong sản xuất và trong đời sống.

Chất lượng giáo dục còn được “đo” bằng mức độ hạnh phúc người dân hưởng từ giáo dục. Lúc đi học thì đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui. Lúc đi làm thì có cơ hội dùng và dùng hết cỡ sức lao động của mình và được trả lương ngang giá với giá trị sức lao động ấy

Hai, qui mô: Đặc điểm cơ bản của nền giáo dục hiện đại, xét về mặt xã hội - chính trị, là dành cho cả 100% dân cư, mà cá nhân (người dân) nào cũng là 100%. Thế thì qui mô giáo dục, xét về mặt nghiệp vụ, phải xử lý mối quan hệ giữa tính đồng loạt (thể chế Nhà nước) và tính cá thể (nhu cầu cá nhân) theo hướng chủ đạo là tạo cơ hội tối ưu để có sự chọn lựa tự nguyện tối đa cho mỗi cá nhân (người dân) hưởng giáo dục.

Từ nhận định trên, tôi cho rằng qui mô giáo dục cần phải mở rộng hơn nữa, ngày càng mở rộng, mở rộng cho đến hết cỡ những gì hiện đang có trong ngành giáo dục: phổ thông, chuyên nghiệp - dạy nghề, cao đẳng - đại học, sau đại học... Thế vẫn chưa đủ, còn phải mở thêm nhiều loại hình với nhiều cấp bậc, theo nhiều thể chế và trong mỗi trường hợp phải có nhiều phương án tương đương.

Đề cương chín điểm
Ba mặt: nghiên cứu - đào tạo - chỉ đạo
Ba bước: trung ương - địa phương - đại trà.
Ba nhân vật: học sinh - giáo viên - cha mẹ học sinh và các nhân vật thứ ba khác.

Ba, điều kiện vật chất để thực thi: Giả thử Nhà nước dành cho giáo dục không phải 16-17% ngân sách mà 40-50% hay nhiều hơn nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Tôi tin, nếu vẫn theo cách nghĩ (tư duy) và cách làm giáo dục hiện nay thì chỉ tốn tiền vô ích, thậm chí còn chứa nguy cơ gây tệ nạn, không thể tạo ra chút chuyển biến nào có ý nghĩa đối với tình hình giáo dục hiện nay.

Sức mạnh có ý nghĩa quyết định nhất lúc này là cách làm. Phải thay cách làm giáo dục, kiểu như thay cày chìa vôi bằng máy cày, như thay công nghệ sản xuất trong các nhà máy.

Số tiền ngành giáo dục đang thực có trong tay thừa sức (tôi xin nhắc lại, thừa sức) để hiện đại hóa giáo dục, tạo ra bước chuyển biến cơ bản và vững chắc trong giáo dục, theo hướng hội nhập với thế giới hiện đại, đồng thời đem lại hạnh phúc cho từng người học (người dân), sự yên ấm cho mọi gia đình, sự yên lành cho cả 100% dân cư.

Còn chuyện này nữa: tiền ngân sách, tiền vay, tiền viện trợ không hoàn lại, tiền người dân đóng góp (chính thức và không chính thức), tất cả đều là tiền của nhân dân. Số tiền này giao cho ngành giáo dục thì toàn bộ là tiền của người học. Mà người học hiện đại thì ai cũng như ai, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, nơi sinh sống, hoàn cảnh gia đình, đều được quyền hưởng giáo dục như nhau. Thế thì việc phân biệt các loại trường công lập - dân lập - tư thục... để rồi phân biệt đối xử với người học, xin hỏi trong xã hội hiện đại, cách nghĩ và cách làm ấy dựa trên cơ sở lý luận nào.

Giải pháp

Giữa những năm 70 thế kỷ trước, thời gian chuẩn bị cải cách giáo dục, tôi đã gửi cho Ban bí thư Trung ương Đảng một bản đề cương.
Năm 1978, tôi bắt đầu triển khai thực nghiệm. Năm năm sau, 1984, đủ chín về lý luận và thực tiễn, tôi chính thức đưa ra bản đề cương chín điểm. Hai mươi năm sau, 2003, tôi cũng chỉ có bấy nhiêu để nói lại

Chín điểm ấy gồm có:
Ba mặt: nghiên cứu - đào tạo - chỉ đạo.
Ba bước: trung ương - địa phương - đại trà.
Ba nhân vật: học sinh - giáo viên - cha mẹ học sinh và các nhân vật thứ ba khác.
Mỗi điểm có lý thuyết của mình và lý thuyết ấy định hướng cho việc thiết kế một hệ thống việc làm đặc trưng cho mình (để phân biệt với các điểm khác).

Cả chín điểm ấy làm thành một giải pháp tổng thể, một thể thống nhất giữa cách nghĩ (tư duy lý luận) và cách làm (công nghệ giáo dục) nhằm hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà, theo hướng hội nhập quốc tế. Thiết kế giải pháp này, tôi ý thức được rằng phải triệt để về lý thuyết thì mới dám mềm dẻo trong hành động và giải pháp mới khả thi.

Dễ hình dung đề cương chín điểm có thể là thế này: Lấy học sinh hiện đại làm căn cứ, làm nơi xuất phát và nơi đến, từ 1978 tôi triển khai nghiên cứu khoa học giáo dục, thiết kế công nghệ giáo dục và trực tiếp chỉ đạo việc thực thi làm mẫu ở trung ương (ngày nay đặt tại Trung tâm Công nghệ giáo dục, trực thuộc Bộ Giáo dục - đào tạo).
Sau đó, từng bước đưa mẫu về địa phương (từ 1985, có 12 tỉnh thành tiếp nhận công nghệ giáo dục).

Ở các địa phương, tùy theo mức độ an toàn đạt đến đâu thì chủ động mở rộng đến đấy số trường, lớp tiếp nhận mẫu (theo hướng đại trà). Chẳng hạn, môn tiếng Việt lớp 1, năm học đầu tiên 1985-1986 có 3.000 học sinh ở 12 tỉnh thành của ba miền đất nước, đến năm học 1999-2000 (khi có chương trình 2000, thay bằng sách e - b) đã lên tới 380.000 ở 43 tỉnh thành. Đây là một ví dụ mẫu mực về công nghệ giáo dục. Về lý thuyết, về kỹ thuật, về hiệu quả, về niềm vui và hạnh phúc đi học, phương án nào dám sánh với nó?

Tôi trực tiếp chỉ đạo việc viết sách giáo khoa cho học sinh và căn cứ vào đó thiết kế sách cho giáo viên, bày cách tổ chức cho học sinh thi công làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình. Cả hai loại sách làm nên cơ sở cho việc đào tạo giáo viên. Tôi cũng căn cứ vào hai loại sách đó mà trực tiếp chỉ đạo việc chuyển giao và tiếp nhận mẫu (công nghệ giáo dục) ở các địa phương.

Tôi là người lạc quan, trong mọi tình huống, ngay cả khi gặp hạn rủi ro nhất, tôi vẫn tin rằng bao giờ sự sống của dân tộc cũng tự mở lấy con đường đi về phía trước, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi.

Là một người nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, suốt nửa thế kỷ, không thiếu một ngày, chỉ làm một việc kết tinh lại ở công nghệ giáo dục và dùng nó làm cốt lõi cho đề cương chín điểm, tôi dám quả quyết sớm muộn gì nền giáo dục nước nhà cũng đi theo hướng đó và làm theo cách đó. Khoa học là tất yếu.

HỒ NGỌC ĐẠI

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: